À ra thế
Hôm nay tôi kể hầu quý vị một chuyện nửa xưa nửa nay
Chuyện kể rằng xưa có hai nữ kiếm khách cùng yêu một sư huynh đẹp trai là Tiêu Dao. Tiêu Dao là chưởng môn nắm được bí kíp kiếm pháp. Hai nàng Lý Mạc Sầu và Đồng Mụ Mụ ghen tuông, thù hận nhau vì chàng hào hoa này, về già càng quyết đấu một mất một còn vì cần cướp cho được bí kíp.
Khi chàng chết, hai nàng trở về động, tưởng tìm được bí kíp, nhưng sau khi đấu long trời lở đất, kiệt sức, ráng mở cuốn bí kíp ra coi, ai ngờ là một bức tranh.
Một nàng nói: Không phải nó! Không phải nó! Rồi cười ré lên, sung sướng mà về chầu tiên tổ.
Một nàng nói: Chính nó! Chính nó! Đoạn cười ặc ặc, ôm hận xuống tuyền đài.
Gần đây cũng có chuyện một bức tranh. Số là có một tay tổ sư dóc đưa ra một lý thuyết viển vông trời ơi đất hỡi. Lại thêm một tay kỳ nhân xạo. Thiên hạ đua nhau học theo chủ thuyết của hai tay đó để vẽ ra một viễn cảnh thiên đường. Sau đó các giáo chúng của tụi này lại chia thành hai phái. Phái nào cũng cho mình là chính phái. Một anh chàng cỡi trên lưng con gấu tuyết bắc cực tung hoành tây đông, xưng hùng xưng bá. Một anh chàng Nam chinh Bắc chiến, mưa máu gió tanh, nhung lại làm bộ thân thiện, ôm con gấu trúc nhỏ nhắn dễ thương để loè người (thực ra trong bụng anh ta là con rắn cực độc của Lam Phượng Hoàng). Hai anh chàng này cũng đi tìm bí kíp, và cuối cùng cũng tìm thấu... bức tranh!
Một anh nói: Không phải thế! Không phải thế! rồi lăn ra xí lắt léo.
Anh kia nói: À ra thế! Ra thế! rồi gục xuống.
Bình luận riêng
Đạo chuối Thằng ôm con gấu trúc, trong lúc ngáp ngáp sắp chết đã kịp thuận tay sửa vài nét trong bức tranh thành một con quỷ tay cầm khí giới tay kia nắm một bao tiền... âm phủ. Thời may con quỷ giúp nó hồi dương và kịp thời thộp cổ tên đệ tử tên là Hư Đốn còn đang đứng xớ rớ gần đó.
Nhắc lại "chuyện xưa": Nhà sư phá giới Hư Trúc sau khi thoát khỏi sự khống chế của Đồng Mụ Mụ đã biết kết giao với nhiều anh hùng hào kiệt như Kiều Phong, Đoàn Dự nên đã trở thành lãnh đạo yêu kính của phái Tiêu Dao, uy nghi một cõi, tìm được Mộng Cô trong cõi thực.
Trở lại chuyện nay, khốn khổ thay cho tên Hư Đốn đã thờ thằng ôm gấu trúc làm sư phụ, nhầm tưởng con quỷ trong bưc tranh là Mộng Cô. Hiện nó đang tung hoành bá đạo ở nước Đại Vê. Người nào có ý can ngăn cho tranh đó là ma quỷ, không có thật thì bị nó đàn áp thẳng tay,còn lớn tiêng ngụy biện là "Chưa tìm thấy chớ không phải là không có". Kẻ nào hám lợi làm bộ hùa theo nó thì được khen thưởng, đươc bao che móc tiền mồ hôi nước mắt của dân đen mà xài xả láng.
Không biết Hư Đốn đang tính sao đây, người ta thấy sư phụ nó đang nhìn bức tranh, một tay cầm kiếm chỉ thẳng vào mặt nó, tay kia đang thò vào bị để moi tiền!!!
(Muốn biết việc sau thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ)
Chân Diên Mục
Bài thơ tình năm 75 tuổi
Chàng thi sĩ đó mang một nỗi buồn, nỗi hận suốt cuộc đời. Chàng vốn là một thanh niên tuấn tú, văn võ toàn tài. Sinh trong buổi quốc phá gia vong, chàng ôm mộng trung quân báo quốc. Nhưng hỡi ôi! Giấc mộng không thành, chàng đành ôm hận xuống tuyền đài! Nhưng trước khi nhắm mắt, chàng còn kịp nhắn nhủ với con cháu rằng: Nếu sau này quan quân phục hồi được giang san, thì các con phải báo tin cho ta trong ngày giỗ! Thuở trẻ chàng cũng có một mối tình vắt vai. Chàng yêu và cưới được cô em họ đẹp tuyệt vời và tài hoa rất mực. Nhưng nàng không sinh con được. Bị mẹ chồng đuổi. Chàng mướn nhà lén gặp người yêu. Mẹ chàng làm dữ. Thế là tuyệt dứt. Chàng lấy vợ, nàng lấy chồng. Mười năm sau, trong một bữa tiệc (chồng nàng biết, nhưng thông cảm...)... Chàng không thể nào nuốt trôi ly rượu đắng... buồn đi lang thang ra Thẩm Viên... đề lên tường mấy câu:
Tay ngọc nâng mời rượu đắng
Buồn xuân liễu gục xác xơ
Nỗi cay nghiệt này ai thấu cho ta
Buồn chết ngất ngư
Hừ! Hừ! Hừ!
Xuân vô tình như xưa
Mắt ai lệ hoen mờ
Sân vườn lời thề
Lời nghẹn trong lồng ngực
Ực! Ực! Ực!
Nàng cũng thế. E rằng nhi nữ còn nhiều hận hơn (ngạn ngữ thường nói: trẻ con lấy khóc làm cơm, đàn bà lấy hận làm cơm mà). Nàng cũng gửi hận vào mấy câu thơ:
Ông xanh ác
Người đời ác
Bể hận mênh mông mưa lác đác
Mai gầy đổ lệ
Lòng ta tan hoang
Tâm sự ngập tràn
Dựa lầu tức tưởi thở than
Thở than!
Thở than!
Nàng không thể nào chịu được nỗi thống khổ đó... cho đến lúc... mòn hơi và đi vào thế giới mù mịt thở than.
Chàng rất đau đớn, bàng hoàng, ray rứt. Nỗi buồn, nỗi ray rứt, nỗi mặc cảm thấy mình bất lực trước tình riêng, nợ nước cứ đeo đẳng chàng suốt bao năm dài lê thê... Kéo lê thân tàn mà không biết mình là ai? Làm được gì? Để lại gì cho hậu thế?
Chàng đi lang thang... rồi đến một ngày nọ... qua vườn Thẩm... bùi ngùi nhớ lại chuyện xưa (hơn 40 năm đã qua, nay chàng đã 75). Kỷ niệm xưa chợt về như thác đổ, xô ngã lão thi sĩ không một chút xót thương. Chàng gục khóc bên vườn xưa. Tâm sự này biết gửi về đâu? Biết gửi cho ai đây? Gửi cho hàng liễu xanh? Cho mặt gương hồ? Cho mây bay? Cho gió thoảng?
THẨM VIÊN
Thành thượng tà dương họa giác ai
Thẩm viên phi phục cựu trì đài
Thương tâm kiều hạ xuân ba lục
Tằng thị kinh hồng chiếu ảnh lai
Mộng đoạn hương tiêu tứ thập niên
Thẩm viên lão liễu bất xuy miên
Thử thân hành tác Kê Sơn thổ
Do điếu di tung nhất huyễn nhiên.
Lục Du
dịch:
Tiếng tiêu buồn lượn góc thành
Hồ đài nào thấy bóng hình vườn xưa
Sóng xanh nghẹn chết dưới cầu
Bóng hồng phảng phất còn đâu mà chờ
Bốn mươi năm đứt đoạn mộng mơ
Liễu gầy chẳng đủ rải tơ bên người
Thân này vùi dập núi đồi
Ảo mờ vẫn khóc vết người xưa yêu.
Chân Diên Mục
Bài thơ trên vách chùa
Tôi đi lang thang, chợt thấy vẻ thanh u của ngôi chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc, bèn rẽ vô ngoạn cảnh, rồi vô Trai phòng thụ trai (chùa làm món chay rất ngon, nhất là các hũ chao thì thật là tuyệt vời). Trong khi chờ bà xã lựa mấy chục hũ chao đem về ăn dần, tôi lang thang đọc mấy bài thơ trên vách. Đến bài:
Trời mông mênh, đất mông mênh
Riêng ta rũ áo một mình qua sông
Vô tình một thoáng trời đông
Phôi pha chiếc bóng xuôi giòng vô biên.
Tôi giật mình, đọc đi đọc lại hoài, lấy làm thích thú lắm! Hỏi cô chủ nhà bếp chay đó thì được biết bài thơ đó là của một vị tăng ở chùa Từ Hiếu, Huế. Cô ta không gọi bằng Hoà Thương, bằng ngài, mà gọi bằng Thầy, chứng tỏ vị đó chưa già. Ôi! đây không phải một vị đi tu từ bé, mà là một giang hồ kỳ sĩ chăng? Đây là khẩu khí của một người như... Hàn Tín, Trần Bình, Chu Nguyên Chương chăng?
Giọng thơ vừa hào sảng, vừa u hoài, vừa thoát tục... khiến tôi rất muốn được gặp tác giả để đàm đạo về văn chương, về Phật học. Rất tiếc là không có duyên.
Khoảng 4, 5 năm sau tôi trở lại thì không thấy bài thơ đó nữa! Nhìn núi đồi Cao Nguyên, nhìn vách tường nhà chùa rồi cúi xuống nhâm nhi ly trà nóng, lòng cứ nghĩ tới nhà tu sĩ thi nhân đó:
Trên vách chùa kia có ý thơ
Ngồi nghe trà toả khói sương mờ
Đồi xanh đồng vọng tình muôn thuở
Ta lặng nhìn thơ rụng tiếng tơ
Chân Diện Mục
Đăng ngày 14 tháng 08.2016a