CÔNG VÀ TỘI
Chân Diện Mục
Người Việt mình hay có thói quen: Công một tí thì nói tới trời, tội một tí thì dìm xuống đất đen. Thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ti họ hàng. Hoặc có công thì tôn lên quá mức, ghét ai thì xúc đất đổ đi !
Nói tới Alexandre de Rhodes thì nói ông ta xây dưng chữ Quốc Ngữ cho Việt Nam rồi đặt tên đường, lập tượng đài… ! Thực ra thì ông ta có góp phần bổ túc, hoàn thiện Việt Ngữ (để truyền đạo thôi!) Ông ta là người đến sau những giáo sĩ Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha như Christopho Bori… Chỉ vì sau này ông ta thân Pháp, muốn làm lợi cho Pháp nên người Pháp ca tụng thái quá…! Vậy ông ta vừa có công vừa có tội. Nhưng công của ông ta không lớn lắm đâu, và tội của ông ta cũng không nhỏ.
Những người có công xây dựng Việt ngữ tiếp theo là Huỳnh Tịnh Của và Trương Vĩnh Kí. Chỉ vì Huỳnh tịnh Của là quan huyện, Trương Vĩnh Kí là thông ngôn thân Pháp nên người ta ít nhắc đến công của các vị. Cũng những người quá khích: Pháp bơm ông ta tới mây xanh: Thiên tài, đại học giả, biết 27 thứ tiếng (!). Thật ra thì Trương cũng có tội. Năm 1873 ông ta ra Bắc là… làm lợi cho ai? Rồi ông ta làm bí thư cho vua Đồng Khánh là vì ai? Nhưng ông ta không làm lâu vì không muốn làm cái việc theo rõi nhà vua! Ông ta không phài là Đại Việt Gian như người ta tưởng, ông ta không làm quan lớn, không dựa thế, không giầu có! Nhưng ông ta có công lớn! Không phải là công để khoe khoang! Nhưng là công đầu trong việc xây dựng Việt Ngữ! Huỳnh Tịnh Của viết Đại Nam Quốc Âm Tự Vị. Trương Vĩnh Kí dậy thông ngôn, dậy Hậu Bổ, viết chuyện đời nay, viết thơ, phú… Sau đó là những người dịch truyện Tầu! Vậy hai vị là những người có công đầu! Ta không thể thấy họ làm huyện, làm thông ngôn mà vỗ tuột công đầu của họ!
Hai người có công lớn ! Công Vĩ Đại trong tiếng Việt, chữ Việt là cụ Nguyễn Đình Chiểu và cụ Hồ Biểu Chánh. Hầu hết người dân miền Nam đều có ngâm, có đọc các cụ. Nguyễn Đình Chiểu thì có đặt tên Trường, tên đường, tượng đài! Nhưng Hồ Biểu Chánh thì im re! Phải chăng vì cụ có làm huyện (Lại chuyện chống Pháp một cách quá khích, ngu xuẩn). Ngày nay có ai đọc cụ Hồ! Truyện ngắn, truyện dài của cụ nay đọc thấy buồn tẻ, hai lúa (!). Người ta tưởng bở khi tái bản truyện của cụ. Ế một cách thảm thiết. Nhưng một người như cụ thật xứng đáng là một văn sĩ lớn! Mỗi lần qua Long Xuyên, Bạc Liêu, tôi lại ngậm ngùi than thở. Chẳng có tượng đài gì cả! Sao mà bất công như thế! Sao mà vô ơn như thế!
Rồi những Tự Lực Văn Đoàn, tạp chí Sáng Tạo, Tủ sách Học Làm Người…. Đã đóng góp cho văn học Việt Nam như thế nào? Những người đọc sách có nghiền ngẫm đều đánh giá cao! Những người viết Văn Học Sử một chiều thật là có tội với văn học!
Những cá nhân có ngòi bút lớn thì ta không thể không kể công: Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn duy Cần, Phùng Tất Đắc, Giản Chi, Võ Phiến, Nguyễn Hoạt, Lý Chánh Trung, Nguyễn khắc Hoạch, Nguyễn ngọc Lan, Thích Nhất Hạnh, Trịnh Công Sơn …
Viết nhận xét thì phải có công tâm, phân minh, rạch ròi. Không thể vì ông này ông kia thiên bên nọ, thổi phồng bên kia, mà ta phê bình lệch lạc.
Phong trào Phật Giáo lên quá cao! Người ta đếm số Phật Tử! Đòi coi là Quốc Giáo! Ca tụng rầm rộ, tô hồng thái quá. Thậm chí Lịch Sử Phật Giáo người ta tương hết những Đạo Sờ, Đạo Liếm, Đạo Đâm thành những cao tăng giòng Lâm Tế chính tông đời thứ 35, 37, 38… Hai tên khốn nạn Chánh Hậu, Minh Đàn (người ta viết tránh đi là Minh Đằng, Minh Đường) cũng được đôn lên làm cao tăng(!) Nhưng dân gian thì lạ gì Minh Đàn:
Vĩnh Tràng thấy Phật muốn tu
Ngặt chui qua cửa đội cu Minh Đàn
(Minh Đàn cho làm tượng mình trên gác cao cổng chùa)
Mặc cho các vị thiền sư Thích Tâm Châu, Thích Trí Quang khua múa như các Đại Chính Trị Gia… tôi đọc tạp chí Phật Học thì thấy các vị quả là uyên bác về tư tưởng Phật Học. Mặc dù Thích Nhất Hạnh viết sai lầm về Bến Tre… tôi vẫn suy tôn thiền sư là người có công lớn!
Cái đáng buồn của Việt Nam là các nhà phê bình thường lẫn lộn công tội! Cái đáng buồn là các hành giả, tác giả hoạt động tuỳ hứng không làm việc với công tâm, không nghĩ mình phải làm vì công ích, công lợi và còn mơ hồ về công tư nữa!
Tôi xin kể chuyện về công tư, bởi người không phân biệt công tư thì cũng thường không phân biệt công tội!
Tôi nhớ bà vợ của Thủ Tướng Do Thái sai lính chở bà đi chợ mua đồ ăn, người lính mách với Thủ Tướng. Thủ Tướng đã xin lỗi người lính và bắt bà cũng xin lỗi nữa.
Tôi rất ấn tượng với hình ảnh mà tôi đã được xem trong một cuốn phim Âu Mỹ. Một Trung Úy và một Đại Úy đang ngồi nhậu nhẹt, mày mày tao tao với nhau. Một hồi còi hụ lên, giới nghiêm, sẵn sàng tác chiến … Viên Trung Úy đứng bật dậy, nghiêm chào: Tôi: Trung úy, số quân… xin chào Đại úy và đợi lệnh. Viên Đại Úy cũng nghiêm chào và ra lệnh sắc bén: Trung Úy hãy đem quân tới điểm nọ…
Chân Diện Mục
10-6-2016
Cô còn nhớ em không?
Nguyên Hạnh HTD
Học sinh thường cho rằng, các thầy cô chỉ nhớ tên học sinh giỏi, học sinh đẹp hoặc hoạt động hiệu đoàn… Cho nên mỗi lần nếu tôi gặp lại một em học sinh không có gì xuất sắc ngày xưa mà tôi còn nhớ tên, thì đó là một niềm vui to lớn của em là được thầy cô còn nhớ mặt và nhớ tên của mình.
Sau khi cuộc chiến lan tràn trên quê hương thầy trò phân tán, tôi đi cùng nam cực bắc, đi xa nửa trái địa cầu, rải rác khắp nơi, tôi vẫn gặp lại những em học sinh Đồng Khánh cũ. Và nhờ cố gắng nhớ mặt, nhớ tên các em, nên hầu như ở đâu tôi cũng gieo được chút niềm vui cho những người đang phập phồng chờ được gọi đích danh sau một câu mở đầu công thức: "Cô còn nhớ em không?“.
Những con người ấy, những học sinh Đồng Khánh tha phương – xa trường, xa thầy bạn cũ đã xưa rất xưa, mà chính bản thân khi soi gương cũng không còn bắt được hình bóng mình ngày ấy…, bất giác còn được gọi tên, còn được nhớ, còn được nhắc nhở đến bao kỷ niệm của một thời. Ôi! Vui biết bao nhiêu, ấm áp ngọt ngào biết bao nhiêu!
Kẻ gieo niềm vui, tất nhiên cũng được hưởng những niềm vui dội trở lại không kém phần to lớn. Giữa khu phố Tàu Toronto (Canada), tôi gọi đúng tên một em học sinh cũ. Em mừng rỡ ôm hôn tôi tha thiết rồi níu tay tôi "Cô chờ em một tí “. Em vụt chạy vào một tiệm gần đó mua ra một bông hồng đỏ, cài lên ngực áo tôi. Những cái hôn cảm động và đóa hồng như thế, tôi mang về trong giấc ngủ, tôi mang theo suốt cả cuộc đời. Nó là hương sắc đậm đà nổi bật trên cuộc sống đơn giản của một nhà giáo!
Có được chút khả năng nhỏ bé này, cái chìa khóa gieo vui của tôi là do tôi đã dày công cố gắng học tên, nhớ mặt học sinh. Mỗi đầu năm học, tôi ra công học kỹ bảng đồ lớp, sáu bảy lớp với hơn 300 học sinh, tôi phải học thật sự. May mà tên con gái Huế đa số 4 chữ, âm thanh hài hòa lắm lúc một dãy tên trở thành một đoạn văn biến ngẫu nghe êm tai mà cũng dễ thuộc hơn. Mặt đẹp tên hay thường đi đôi với nhau, mặt mày chất phác thường mang tên giản dị, còn thiểu số những em mang tên ngồ ngộ không theo quy luật nào cả lại càng dễ nhớ. Một năm 300 tên, 300 mặt, nhớ cho hết cũng đủ xây xẩm mặt mày rồi. Nhưng đò đi mà bến cũ còn ở lại, năm sau lại 300 tên khác rồi 300 tên khác nữa… thật gay go vô cùng.
Gặp lại học sinh với những nụ cười rạng rỡ trên môi, với bông hồng cài áo chỉ có trước năm 75 hoặc trên xứ người. Sau 30.4.75, trên các nẻo đường bôn ba ở miền Nam, tôi vẫn hay được gặp lại các học sinh thân yêu với lời chào quen thuộc "Cô còn nhớ em không?“ nhưng là ở những cảnh ngộ khác nhau rất xa ngoài phạm vi phấn trắng bảng đen. Hầu như tất cả cảnh ngộ đó đều gian khổ rất đau lòng, không có hộ khẩu, con cái của những gia đình thuộc chế độ cũ… Đó là những mảnh đời rách nát! Những cảnh đời của học sinh tôi như vậy, tôi đã gặp nhan nhản trong suốt thời gian tôi còn bị kẹt lại ở quê nhà…
Một cảnh ngộ khác, tôi không bao giờ quên được khi tôi gặp Hạnh Mai trên một chuyến xe lửa Sàigòn – Huế. Thầy trò đều tất tả ngược xuôi vì miếng cơm manh áo, nước mắt nhiều hơn nụ cười với những tủi nhục của cảnh đời khốn khó lầm than! Con tàu đông nhung nhúc, hôi hám đến ghê tởm. Tôi ngồi chỉ được nửa bàn mông, đôi chân phải chuồi ra kê đỡ trên bao nhiêu đồ đạc bừa bãi chen chúc với chân cẳng người khác. Chắc chắn lại thấy có những con người khom khom lách tới, lẹ làng chui nhét chen chúc dưới ghế ngồi, những gói, những bao hàng không lớn lắm nhưng nặng nề. Một lúc sau lại thấy họ rật rật chạy tới lôi ra đem nhét vào những khoang khác. Đó là mấy bà đi buôn, họ đi tàu "cọp“. Gọi là cọp nhưng họ phải chi tiền cho ban kiểm tra, cho thuế vụ, cho thanh tra thanh trẻ. Giá tiền nhiều gấp bao nhiêu lần giá vé! Đến những ga nào có đoàn kiểm tra đột xuất, họ phải nhảy đỡ xuống rồi chạy bộ ra khỏi ga. Đoàn tàu chuyển bánh ra khỏi vòng kiểm soát của ga, tốc độ còn chậm, họ lại bám vào thánh tàu, nhảy lên rớt xuống, lại chạy theo, lại nhảy, người trên đưa tay kéo kẻ dưới, toàn là phụ nữ. Lòng tôi se thắt khi nhìn những con người như thế đeo lên rớt xuống mấy lần, lăn trên hai đường đá lởm chởm, lại ngoi lên, lại níu, lại nhảy. Cuối cùng rồi họ cũng lên được con tàu để sống chết với tài sản của họ. Tôi đang thẩn thờ suy nghĩ đến giá trị sinh mạng của những kẻ chung quanh tôi bấy giờ vẫn bô bô là "vốn quý của xã hội“, quên cả bực dọc vì chật chội, hôi hám như cảm giác lúc mới lên tàu, thì bỗng một người ngồi thụp xuống bên chân tôi, muốn tìm chỗ để rúc cái đầu xuống bên dưới ghế hầu tránh công an, thuế vụ nhưng nghẹt cứng không còn chỗ, đành phải úp mặt trên đầu gối tôi, mặc cho những lằn roi quất tới tấp trên chiếc nón lá xơ vành. Để cho nhẹ bớt đòn roi, chị đi buôn ghì mặt xuống thấp hơn, thấp hơn nữa, sũng xuống giữa hai bắp vế của tôi. Quá bất nhẫn trước hành động dã man của tên công an, tôi phản ứng; tính bất khuất của một nhà giáo trổi dậy trong tôi, tôi mở mắt lớn nhìn tên công an:
– Anh làm gì lạ vậy? và đưa tay gạt ngọn roi của nó.
Anh ta ngạc nhiên nhìn tôi:
– Thím lạ lắm hả?, cái bọn gian thương này phải đánh cho chúng nó chừa, chúng nó chuyên bóp nghẹt quốc doanh, phá hoại chính sách ưu việt của đảng và nhà nước ta….
Con vẹt áo vàng tuông đủ một tràng kinh nhật tụng rồi đổi giọng:
– Xin lỗi, thím công tác ở cơ quan nào?
Tôi đáp liều:
– Tôi đi dạy học (thật tình tôi đã bỏ dạy từ năm 1979 dù Ban Giám Hiệu đã yêu cầu tôi ở lại nhiều lần, vì môn Toán cấp 3 thiếu giáo viên).
Nghe vậy, tên công an nói tiếp:
– Thím về nên giảng giải thêm cho học sinh rõ, báo cáo sâu sát tình hình để nhà nước ta có biện pháp hữu hiệu tiêu diệt bọn chúng.
Hắn bỏ đi sau khi hừ một tiếng vào cái nón; còn tôi thì nín cười vì đã bịp được hắn. Tên kia đi khuất, chị đi buôn mới trồi mặt lên nhìn tôi qua nửa vành nón rách:
-"Cám ơn bác“ và bẽ bàng giọng Huế: "Kệ, rứa đó chớ không răng mô bác. Hắn giả đò quất trót trót cho to rứa, chứ không can chi mô. Cái nón của tụi tui là dùng vô mục đích nớ đó. Làm bộ qua mặt người khác rứa, chớ "đấm mõm“ thì yên hết.
Trời ơi! Vậy là "yên" đó ư? Con người ta còn chịu khổ đau đến mức nào nữa? Thảo nào mà bọn chúng không lạm dụng sức nhẫn nhục chịu đựng để làm khó dễ dân chúng. Nhưng tôi chưa kịp buồn lâu về cách hành xử giữa người với người, cũng chưa kịp suy tư theo thói quen nghề nghiệp về mấy từ "nhân cách, nhân nghĩa, nhân vị…“ thì tôi bỗng giật thót mình. Chị đi buôn khi ngớt lời, hất chiếc nón ra sau, nhìn kỹ lên một lần nữa. Bốn mặt nhìn nhau, tôi như bị điện chạm bởi ánh mắt quen thuộc của một ngày xa xưa hiện về giữa gương mặt tuy chai cằn sạm nắng che lấp một phần bởi tóc tai lòa xòa không chải chuốt nhưng cái lúm đồng tiền có một bên vẫn nhắc nhở cho tiềm thức tôi một thoáng vẻ rất quen thuộc.
Phần chị đi buôn, tự nhiên nụ cười vụt tắt, chị luống cuống quơ đôi dép nhựa đã rách mép, tuông đi như tháo chạy với lời "Cám ơn bác“ ném lại sau lưng.
Tôi vội chụp tay kéo giật lại "Hạnh Mai“!
Hạnh Mai quay lại, đổ ào xuống chân tôi, úp mặt vào đầu gối tôi bùng lên nức nở.
Mọi người trong khoang tàu nhìn chúng tôi ái ngại nhưng chỉ hỏi bằng mắt, còn tôi nước mắt cũng đã rưng rưng! Tôi im lặng đặt tay lên vai em để cho em khóc. Hồi lâu thật lâu, khi những nỗi tủi nhục đã vơi dần theo nước mắt, Hạnh Mai mới ngước nhìn tôi đầy mặc cảm:
– Em không ngờ cô còn nhớ ra em! Lâu quá rồi! Em già và tàn tạ quá! Cô thì không đổi mấy nhưng vì lúc đầu ngồi thấp và đội nón, nên em chưa thấy. Sau biết là cô, em định chạy trốn luôn.
– Sao lại trốn? Tôi hỏi.
– Em tủi thân, không dám chào! Vả lại không nghĩ là cô còn nhận ra em được nữa! Em đưa hai bàn tay đen đủi gân guốc bụm lên hai má rồi thở dài “Em tàn tạ quá!".
– Đâu có nhiều, bằng chứng là cô vẫn nhận ra em!
Tôi cố ép người lại, mời Hạnh Mai ngồi ghé vào nhưng cũng không thể nào nhín thêm một chút. Hạnh Mai ngồi trên một bao hàng bên chân tôi suốt đoạn đường còn lại. Em không phải chui luồn theo tốp đi buôn nữa và công an thuế vụ cũng lờ em luôn.
Thầy trò tôi thủ thỉ hỏi thăm nhau, được biết chồng em đi cải tạo, có 4 con. Em đi hàng chuyến, vào ra hết 4, 5 ngày, về qua nhà để lại được ít bo-bo, mì sợi cho con sống qua ngày, chờ chuyến khác. Hàng em buôn, cái gọi là "bóp nghẹt" "quốc doanh“ là những món hàng nặng tùy mùa như đậu phụng vào, đậu xanh ra, bột mì vào, bo-bo ra v.v… có khi buôn cả than củi nữa, số lượng chỉ "lớn“ đủ nhét dưới ghế nọ, gầm kia trên khoang tàu.
Để quên lảng bớt nỗi ê chề đắng cay của thực tại, tôi đưa Hạnh Mai trở về quá khứ. Một vài kỷ niệm dễ thương dưới mái trường Đồng Khánh đã được thầy trò cùng nhắc đến, tạo được đôi chút ấm áp, vài ba nụ cười dù không trọn vẹn nhưng cũng đủ làm cho đường xa hóa gần.
Tàu đến ga Lăng Cô, đoàn đi buôn quăng những bao hàng rồi nhảy ào xuống trước khi vào vùng kiểm soát của nhà ga. Hạnh Mai cũng thế, tôi xót xa nhìn theo cô học trò nhỏ bé của tôi đang nhảy tàu, lăn mấy vòng rồi đứng dậy lao mình, chụp theo mấy bao hàng, xốc nách một bao và xách hai tay hai bao, chạy ngã lên ngã xuống qua những hàng kẽm gai đổ nát để vòng thoát ra phía sau mấy dãy nhà dân.
Năm sau, báo chí loan tin xe lửa Huế – Sàigòn bị lật nhào ở Trảng Bom, chết sáu bảy trăm người, đa số là con buôn. Tôi kinh hoàng đau xót, Hạnh Mai có trong đó không em? Không em thì cũng trăm ngàn Hạnh Mai khác, cũng vậy thôi!
Buổi tối, tôi ăn cơm độn với mì sợi được chế biến từ bột bo-bo, tôi cảm thấy sợi mì khô như gai và mặn như nước mắt!
Tôi đã may mắn rời quê hương để bao nỗi u hoài ở lại. Tưởng rằng nơi đất khách khó gặp được người thân, ai ngờ tôi vẫn còn nghe những câu chào "Cô còn nhớ em không?“ nhưng có cái khác là giữa bầu không khí tươi vui rực sáng. Các em học sinh của tôi không thể ngờ được rằng ở một đốm không gian nào đó, trong ký ức nhỏ bé của tôi, các em vẫn hằng có mặt. Những quà cáp, những nụ hôn, những đóa hồng là những phần thưởng dễ thương của tôi hiện tại và là hành trang quý giá của tôi sau này.
Trong ngậm ngùi của thực tế giáo chức giữa xã hội đổi thay, tôi vẫn lưu giữ những gì tôi đã chọn và mãi mãi trân quý…
(München, Mùa 30 tháng 4)
Nguyên Hạnh HTD
Đăng ngày 05 tháng 07.2016