Phê bình nhất định là khó


Chân Diện Mục

Câu này tôi chôm của Phan Khôi !
Cụ Phan trong những buổi họp văn nghệ (thời chia cắt ở miền Bắc người ta  họp “hành“ nhiều hơn miền Nam) thường phang những câu “đâm ngang chày củ“ nên người ta rất ghé . Ở miền Nam hầu như không có họp văn nghệ toàn quốc, hoặc chính quyền tổ chức họp! Thường là một nhóm văn nghệ sĩ họp chơi! Nói chuyện trời biển chơi!
Ở miền Bắc các cuộc họp để xem xét lập trường từ tác phẩm cho tới tác giả, rồi phê bình, tự phê, “đúc rút“ kinh nghiệm… rồi quan trên (có khi các quan về tuyên văn giáo, không hề biết sáng tác là gì) túm lại và cho những ý kiến chỉ đạo đường hướng sáng tác!
Ở miền Nam thường là khen chê tùy hứng. Ghét ai thì xúc đất đổ đi, cũng có mổ xẻ vô tư, nhưng hiếm lắm! Cũng có khi một tác phẩm tục tĩu, thô lậu, kích dục thì nhiều người phê bình tới tấp (bây giờ gọi là ném đá). Còn khen thì thường thường khen bạn mình, người quen. Có khi người ta nhờ một vị đàn anh đã nổi tiếng, khen để kiếm độc giả… sách bàn chạy!  Có khi (cái này thì đáng chê cười) người ta mướn một người chửi thậm tệ để sách bán chạy! Cái này gọi là kích động dư luận, kích động trí tò mò! để người ta đọc “thử“ xem sao mà bị chửi như thế. Cũng như ngày nay, những cuốn sách bị “thu hồi“ , đem in lậu ra sẽ bán đắt như tôm tươi!

Trở lại ông cụ kiện tướng trong làng bút chiến! Cụ nổi danh luận chiến vì ngòi bút sắc sảo, nhưng cụ lại ít phê bình một tác phẩm. Chỉ trong buổi họp cụ mới đập thẳng thừng những tác phẩm được giải (!). Cụ xổ toẹt tác phẩm được giải của Xuân Diệu.  Người ta “cãi“: Thế thì Đảng giáo dục Xuân Diệu mấy chục năm vô ích sao? Cụ “trì" lại: Đảng dây Xuân Diệu chính trị chứ có dậy Xuân Diệu viết văn đâu ! Đó là những cãi qua đấu lại (giống như chuyện trà dư tửu hậu) chứ có phải phê bình kiểu hàn lâm  như Đặng Tiến và Thụy Khuê đâu !!!
Cụ luôn dùng giọng khôi hài, khiến người ta tức anh ách, nổi khùng!:  Đi tìm ưu điểm của chị Cóc, tìm hoài không thấy, chỉ thấy chị ta da dẻ sần sùi, gớm ghiếc mà thôi!
Ở Hà Nội có trường viết văn Nguyễn Du, trong đó có hai ban: ban sáng tác, ban lí luận phê bình!  Ban phê bình cho ra hàng ngàn nhà phê bình (gớm ! Làm sao mà nhiều thế).
Nhà phê bình dĩ nhiên là không biết sáng tác, thường không nêu ra thành tich đã phê bình bao nhiêu cuốn, bao nhiêu người, mà thường chỉ xưng là tiến sĩ lí luận, giáo sư lí luận, giáo sư đầu ngành về lí luận (!)

Hầu hết các nhà phê bình nào đã dám phê ngay tác phẩn nới ra lò đâu! Họ thường phải nghe ngóng xem trên có ý kiến có chỉ đạo gì không. Khi dư luận đã xôn xao rồi thì họ vội vàng phê bình ngay kẻo mất phân (!)  Khi Nguyễn huy Thiệp đã nổi tiếng rồi, họ bèn nắm lấy cái đuôi con chuột của Nguyễn huy Thiệp: “Có con chuột to bằng bắp chuối chạy ra sân… cười hềnh hệch “họ bèn khen là tuyệt cú mèo (!) Cái đó thì ông Thiệp cung ngón tay út búng ra cả đống. Cái đó chỉ là tiểu xảo, đâu phài Coeur de Thiep. Bất quá nó cũng như tiếng nói thầm của con vịt trong Cái Nhìn Khắc Khoải của Nguyễn ngọc Tư! nhưng mà không dí dỏm và có duyên bằng.
Ông Hoàng ngọc Hiến khá nổi tiếng, hình như không phài nhà phê bình cuyện nghiệp. Khi nói về Nguyễn huy Thiệp, ông viết nhiều câu như là khen và cuối cùng kết rằng: Tôi không chúc bạn thành công (!) Bà Đặng Anh Đào một người viết bình thường, không nổi tiếng, đã rất thông cảm khi ông Thiệp bị nhiều búa rìu. Bà đã gọi Nguyễn huy Thiệp là Tâm Bão. Bà là người không có vai vế nên bà viết như là không khen, nhưng đọc kỷ thì thấy bà khen. Trái lại, ông Hoàng ngọc Hiến dùng từ ngữ lớn lao, như là khen, nhưng đọc kỹ thì thấy là không khen! Ấy ! Đại khái những nhà phê bình không chuyên nghiệp thường e dè, kín đáo !
Các nhà phê bình thường bắt các nhà văn tô hồng. Thời Nhân Văn, nhiều người tô đen, trong đó có Nguyễn mạnh Tường, ở trên bắt ông Tường tô hồng, tức là viết lạc quan… đáng cười… ông Tường bèn nghĩ tới mặt một vị thần Hy Lạp và ông viết: Nửa Khóc Nửa Cười.
Thánh Thán vào đền Khổng Tử, nghe tiếng ngài thở dài, bèn về lấy bút hiệu là Thánh Thán. Nếu ông vào văn miếu Việt Nam bây giờ chắc sẽ thấy Chu văn An  Nửa Khóc Nửa Cười.       

Tôi không thể bỏ qua cuộc bút chiến giữa một bên là ông Trần Mạnh Hảo và bên kia là các giáo sư Trần Đình Sử và Nguyễn Đăng Mạnh. Ông Trần Mạnh Hảo là tài tử, còn hai ông kia là chuyên nghiệp. Nhưng ông Hảo đã dùng từ chuyên nghiệp, trái lại hai ông kia như ở trên đập xuống, cả vú lấp miệng em, gọi ông Hảo là anh Chí (Chí Phèo) và dùng những từ miệt thị… Ông Nguyễn Đăng Mạnh chửi chưa đã, học trò ông Mạnh (nhiều người có bằng cấp hơn ông Mạnh) cũng chửi theo bằng cái giọng hùa hùa!  Tôi lại nhớ tới nhà văn Nguyễn ngọc Tư, một người còn rất trẻ, bị trù dập, nhất là địa phương, người ta lại đưa ra một ông thạc sĩ ở địa phương để chửi Nguyễn ngọc Tư, tôi không dám viết nhiều, sợ rằng nhiều người sẽ chửi tôi, sao lại thừa giấy mực viết về ông thạc sĩ đó!
Trước đây, ông Nguyễn văn Trung gọi: phê bình một bài phê bình của người khác là: Phê Bình Phê Bình. Thế kỷ 21 này có lẽ phải có môn: Phê Bình Phê Bình Phê Bình (nghĩa là ông Hảo viết bài phê bình, ông Nguyễn Đăng Mạnh viết  phê bình bài phê bình của ông Hảo gọi là Phê Bình Phê Bình) . Rồi người thứ ba lại Phê Bình những lập luận của các ông Nguyễn đăng Mạnh…      

Trở lại ông Nguyễn huy Thiệp , sau khi nổi tiếng, nhất là văn giới bên Pháp chú ý, người ta viết về ông ào ào! Có lẽ thuộc loại kỷ lục. Tôi thấy có hai nhà lí luận, chắc là được đào tạo bài bản, viết bài mà tôi đọc hiểu… chết liền ! Có lẽ chính hai ông, sau này đọc lại cũng không hiểu mình viết gì (!)
Ôi ! Khi nhà phê bình nhiều quá ! không biết viết gì thì sẽ… soi mói thôi ! Thảo nào nhiều người không thích và… xem thường các nhà phê bình. Ông Hoài Thanh nói mình chỉ bình thôi chứ không dám phê. Ông Nguyễn Tuân thì không ưa, không thích nói chuyện với các nhà phê bình. Còn Nguyễn Huy Thiệp thì rất bực bội khi có người “nhòm ngó“ vào tâm hồn ông để xem xem nó ra làm sao (!), ông có “thực“ là một “nhà văn“ hay không?
Ôi ! Khi nhà phê bình rất nhiều, mà chữ nghĩa thì tỷ lệ nghịch với số lượng thì… nó ra làm sao!
Có người nói (hình như là ông Tố Hữu) Phê bình là ngọn roi giữ cho con ngựa đi đúng hướng!  Ôi !  Ông nỡ lòng nào coi nhà văn như con ngựa ư!
Mà nếu nhà phê bình kém xa nhà văn về chữ nghĩa cũng như tư tưởng thì nó ra làm sao?
Ôi !  Nếu người cầm roi không đủ sức leo lên lưng ngựa, mà  xớ rớ đứng phía sau thì...phiền lắm đấy !!!

Chân Diện Mục
07-10-2015



VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM VÀ CHỮ “Y”

Chu Tất Tiến

Văn chương Việt Nam, tự khi có chữ quốc ngữ đến nay, vẫn là niềm tự hào của dân tộc. Từ đó, mà thơ, văn, kịch nghệ đã phát triển. Điều đáng nói là Thơ, một thể loại văn chương đã được hầu hết mọi người dân ưa thích, từ những nhà trí thức đến dân giả, từ nhà tu hành đến kẻ làm chuyện ác, bất cứ ai cũng thích thơ, mê thơ, và muốn làm thơ. Ngay cả các cô thợ cấy, các anh thợ cầy cũng có thể buột miệng làm thơ. Thơ được ngâm lãng đãng trên các dòng sông miền Nam, nhẹ nhàng với tiếng chèo khua nước len lách bên cạnh hàng dừa nước. Thơ ngâm dưới ánh hoàng hôn, trong một vườn chè. Thơ bắt đầu một ngày làm việc, thơ kết thúc một buổi lao động mệt nhoài. Vui nhất là cho các thanh thiếu niên, khi yêu mà ngại ngùng không biết mở lời ra sao, đành mượn thơ thay cho lời tỏ tình và nhất định, không bao giờ thất bại, vì chẳng có người nào dữ dằn đến nỗi mà nghe đọc những câu thơ tình cảm mà lại nổi trận lôi đình. Đôi khi, trong một vài tình huống nguy hiểm lo âu chập chùng, người người đều thất sắc, nhưng nếu có ai biết đọc vài câu ca dao hùng tráng, thì lập tức tình hình thay đổi ngay.
Đặc biệt nữa là từ ý Thơ, mà ca dao dân tộc đã vươn ra mọi nơi, mọi chỗ. Chuyện gì cũng có ca dao bên cạnh, từ chê bai đến ngưỡng mộ, từ yêu thương đến chán ghét, từ răn dậy đến mắng mỏ… ca dao có mặt khắp mọi nơi, từ miền núi cao khô khan đến bình nguyên phong phú.
Bước xuống ruộng sâu lỡ sầu tấc dạ,
Tay ôm bó mạ nước mắt hai hàng.
Ai làm lỡ chuyến đò ngang,
Cho sông cạn nước hai hàng biệt ly.
Cất tiếng than hai hàng lụy nhỏ,
Anh nói thương em rồi lại bỏ em đây.

Thế giới đã thua Viêt Nam ở điểm này. Không có một dân tộc nào lại giầu có, lãng mạn qua Thơ như dân tộc Việt Nam. Một trong những chứng cớ tiêu biểu cho vị trí độc đáo của Thơ Việt Nam trong dòng Văn Học quốc tế là tập Đoạn Trường Tân Thanh, tức Kiều, của Nguyễn Du. Người ta tôn trọng thơ của Nguyễn Du không những chỉ là tài diễn tả một câu chuyện dài bằng thơ, mà mỗi nhóm chữ trong thơ của Nguyễn Du đều phảng phất một bài học răn đời.
Như thế, văn chương và văn học Việt Nam là những nét độc đáo trong dòng sinh mệnh của dân tộc, cần phải bảo tồn bằng mọi giá. Không những chỉ bảo tồn toàn diện các áng văn thơ, mà còn phải bảo tồn từng chữ viết, thí dụ như chữ “Y”
Trong dòng chữ quốc ngữ, chữ nào cũng có vị trí của nó, không thể thay thể được, đặc biệt là chữ "Y". Từ đó mà ta có chữ THƯƠNG YÊU, NGƯỜI YÊU DẤU ƠI, THU THỦY, TRUYỀN THUYẾT, HUY CHƯƠNG...

Trở lại ngay đoạn ca dao dẫn chứng ở trên, chúng ta thấy nếu thay “Y” bằng “I”, là cả đoạn ca dao tan nát:
Bước xuống ruộng sâu lỡ sầu tấc dạ,
Tay ôm bó mạ nước mắt hai hàng.
Ai làm lỡ CHU-IẾN đò ngang,
Cho sông cạn nước hai hàng biệt LI.
Cất tiếng than hai hàng LỤI nhỏ,
Anh nói thương em rồi lại bỏ em ĐÂI.
Đoạn ca dao khác:
Bắc thang lên đến tận trời,
Bắt ông NGU-IỆT lão đánh mười cẳng tay.
Đánh thôi lại trói vào cây,
Hỏi ông NGU-IỆT lão: "đâu dây tơ hồng?"

Thí dụ khác:
Nhác trông lên đã xế tà
Đêm KHU-IA khoắt con gà gáy sang canh.
Mong anh mà chẳng thấy anh,
Thiếp tôi buồn bã khêu quanh ngọn đèn.
Hoặc:
Mê anh chẳng phải mê tiền,
Thấy anh lịch sự có DUI- ÊN dịu dàng.
Thấy anh em những mơ màng,
Tưởng rằng đây đấy phượng hoàng kết đôi.

Trở lại với Đoạn Trường Tân Thanh, và nhìn ngay vào tên của tác giả, nếu đổi “Y” thành “I” thì ta đã giết chết một nhà thơ Vĩ Đại của mọi thời đại: NGU-IÊN DU! Không có nhân vật này trong văn học Việt Nam.
Ngay trong phần mở đầu, nếu vất bỏ chữ Y, ta sẽ thấy:
Cảo thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn TRU-IỀN sử xanh!

Mai cốt cách, TU-IẾT tinh thần
Mỗi người môt vẻ, mười phân vẹn mười...

Như thế, ích lợi gì của việc bỏ chữ “Y”, thay bằng chữ “I”? Điều khủng khiếp hơn nữa là nếu thi hành như vậy, thì hàng chục triệu người sẽ mất tên, sẽ biến mất trong đau khổ: tất cả những thiếu nữ, thiếu phụ vẫn từng hãnh diện mang tên THỦY, THỤY, HUYỀN; tất cả những người nam có tên HUY, TRUYỀN, CHUYÊN…sẽ không còn trong sổ bộ đời của dân tộc. Họ NGUYỄN cũng biến mất luôn. Sẽ không còn NGUYỄN HUỆ, NGUYỄN ÁNH…Kẻ muốn thay đổi, chỉ cần một nét chữ, đã giết chết cả chục triệu người nhanh như một làn chớp nếu không muốn nói là xóa sổ cả một dân tộc.
Thật là một ý kiến quái dị!

Chu Tất Tiến



Đăng ngày 22 tháng 10.2015