banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

HAI ĐỀ TÀI HẤP DẪN

Chân Diện Mục

Hai đề tài hấp dẫn nhất của văn thi sĩ là tình yêu và chiến tranh.
Từ xửa từ xưa (?) người ta đã biết yêu chăng? Tôi nghĩ người ta chỉ thích chuyện xưa thôi.
Tôi đã được chiêm ngưỡng Hằng Nga rồi. Cái tượng đồng (còn ở bảo tàng Pháp), nàng cỡi trên lưng con cóc, mặt như trái bưởi, bụng phệ… lại còn lè lưỡi làm duyên nữa chứ! Xấu ơi là xấu!
Những nàng Bao Tự, Tây Thi, Điêu Thuyền, Chiêu Quân đều có dính líu tới chính trị và chiến tranh (!) đều là hư cấu cả đấy.
Ờ, mà sao Việt Nam không có giai nhân nhỉ? Tìm mãi tới tận sau này mới có bà Chúa Chè. Có lẽ Kim Định đúng khi nói tộc Việt là cha đẻ của Nho Giáo chăng? Có lẽ tộc Việt phán một câu để đời chăng: Xảo ngôn lệnh sắc, tiển hĩ nhân (những người ăn nói khôn khéo và trau chuốt sắc đẹp, ít có lòng nhân vậy). Ở bên Âu Châu thì có Hélène de Troie. Chao ôi, người ta phát động những cuộc chiến thảm khốc, chết bao nhiêu tướng sĩ chỉ vì… người Đẹp! Ở Tầu thời cận đại, Cô Trần Viên Viên sao mà đẹp chết người thế? Vì cô mà ông tướng Trung Quốc thân bại danh liệt, làm mất nước?
Tới thời “lãng mạn“, ở bên Pháp ca tụng người đẹp đến nỗi phải quỳ xuống và thề suốt đời tôn thờ nàng. Sách vở ca tụng ái tình của Pháp nếu đem nấu hàng vạn nồi bánh chưng cũng chưa hết. Cha mẹ ơi! Mắc cỡ quá! Hồi trẻ tôi học thuộc hai bài thơ dài Le Lac và L’isolemment của lamartine rồi ngâm nga suốt ngày.
Cái ông Ấn Độ 10.000 năm văn hiến, tưởng chỉ biết xì xụp lễ bái và ngồi xếp bằng tinh tâm, ai ngờ ông cũng thi sĩ gớm! Yêu như mưa giăng, như nước chảy và như điếu đổ:
Tim tôi, cánh chim vùng hoang dại, đã thấy trong mắt em cả một phương trời, mắt ấy là nôi ngủ của bình minh, mắt ấy là vương quốc của sao đêm. Lời tôi ca biến tan trong chiều sâu mắt em. Xin chỉ cho tôi xé tan những màn mây rủ che, và tung rộng đôi cánh trong ánh chiêu dương của phương trời mắt em!
…Em là mây chiều lững lờ trôi trong bầu trời mộng ước của tôi
…Em thương mến, hãy kể cho anh nghe nếu tất cả đều là sự thật. Có phải khi đôi mắt này lóe lên làn chớp, mây đen trong lồng ngực anh nổi bão táp trả lời. Có phải trái đất giống một Hồ Cầm vẫn thường rung ngân lời ca khi chân em chạm tới.
…Có phải cuối cùng, khi anh đã gặp em, niềm yêu bao năm trong anh tìm kiếm, yên bình tuyệt đối trong mắt, trên môi, trên mái tóc chảy dài và trong giọng nói dịu dàng thanh khiết của em!

Ôi! Những vần thơ tuyệt vời! Đọc thơ của chàng này rồi thì thấy những bài thơ ái tình của Pháp chỉ đáng… vứt cho chó ăn!
Nếu một người ngoại quốc tới Việt Nam, muốn tìm hiểu về đất nước Việt Nam, con người Việt Nam thì có lẽ việc đầu tiên bạn làm cho họ là… hãy ngâm một bài thơ Việt Nam. Bởi khắp thế giới này không có nước nào có thơ hay bằng thơ Việt Nam! Mà đặc biệt là càng chiến tranh thì thơ càng hay. Bởi vì càng bâng khuâng, mơ mộng, mong mỏi, lo lắng, sầu tủi… thì thơ càng hay! Có lẽ nên lấy quốc hiệu Việt Nam là “Việt Nam Thi Sĩ“ hay “Việt Nam Đẫm Lệ Thơ“
Đúng là:
Tình chỉ đẹp những khi nhiều trắc trở
Đời mất vui khi diễn lại đều đều
Nếu không có những trận chiến Bình Tây, Bình Ninh, Bình Nam do Trịnh Sâm phát động thì sao có được tuyệt phẩm của Đặng Trần Côn – Đoàn thị Điểm. Tình yêu của người Đẹp đối với chồng đi chinh chiến liên miên nó mới đẹp làm sao!
Khi đưa tiễn nhau thì:
Bóng cờ tiếng trống xa xa
Sầu lên ngọn ải oán ra cửa phòng
Khi chia tay:
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai
Cảnh đối với nàng đều nhuốm mầu thê lương
Lúa thành thoi thóp bên cồn
Nghe thôi ngọc địch véo von bên lầu
Nhất là khi bóng tối và sương đêm cứ cứa mãi vào lòng
Trải xem hoa rụng đêm sương mấy lần
Đêm về dù mộng đẹp đến mấy cũng khiến người ta tỉnh giấc… ngẩn ngơ…

Một cuộc chiến khác cũng hơi bị… dài, khiến Hữu Loan hơi bị cay mắt, đắng lòng: Một chiều rừng mưa được tin em mất, chàng bồi hồi. Ôi ! Nhớ về em trong một cuộc chiến… bi thảm, ai mà không đứt ruột! Chàng lết ra thăm mộ nàng trên một đồi sim mà bóng tối cứ lan mãi… lan mãi tím cả chiều hoang. Nếu không có chiến tranh thì làm sao có bài thơ… đứt lòng. Thật là một tác phẩm tuyệt vời!
Cũng trong môi trường oán hận chiến tranh, càng hận càng mơ. Lê Hà Uyên đã mơ thanh bình. Ông mơ thanh bình và mơ người đẹp hò dưới ánh trăng đẹp:
Ta làm phép hồi sinh
Những oan hồn tử sĩ
Đem nụ cười về cho chinh phụ trẻ thơ
Và bao cô gái hờn nhan sắc
Sẽ đẹp như từ trong giấc mơ
Ta vẫy tay hề suối ca chim hót
Ta lặng nhìn hề hoa cỏ dâng hương
Ta đem trăng rải vàng thôn xóm
Nâng giọng hò lên vút bốn phương.

12-04-2017
Chân Diện Mục



TIẾNG TÂY

Hồi bé tôi rất khổ vì tiếng Tây. Nhưng lại rất khoái. Đúng như cô Đỗ Hoàng Diệu nói: Kẻ bị hãm hiếp… vừa đau… vừa thích thú!
Không lẽ người ta tối rượu sâm banh sáng sữa bò… mình cứ tối ngày ăn khoai lang cả vỏ!
bị người ta trộ:
Đồn rằng mình biết tiếng Tây
Ta hỏi câu này mình biết hay chăng
Quả dứa thì gọi thế nào
Ổi kia chuối nọ làm sao hỡi mình
Thì sẵn câu bồi mình cũng phải đưa luôn chứ:
Quả dứa thì gọi na na
Ổi thì gồ giáp chuối là ba nan
Măng dê thì gọi là ăn
Boa lô uống nước đi nằm cu xê
Thôi thì cũng phải nhét năm ba chữ để… lỡ gặp gái còn có đường mà tán…
Xét tờ ruy có cô con gái dô li
Mông cơ anh muốn kết ma ri cùng nàng
Manh tơ năng anh gửi thư sang
Dê cờ ri uyn lét để nàng xem qua
Dơ vơ Tần Tấn giao hòa
Phượng loan xum họp đôi ta tờ ré bồng
Nếu mà tán gái không xong, thì thôi… đi làm cu li vậy:
Lúy mắm sốt bớp, lúy ba vần bớp
Lúy gầm lúy gừ, lúy măng dê me xừ, lúy măng dê moa
(con hổ )
Lúy mắm sốt xiêng, dà na coóc, dà na bác bờ
(con dê)
Me xừ bảo moa xẹc xề cu ly. Moa xẹc xề vanh toa, vanh xít, vanh đít cu ly, xẹc xề về xừ đấm xừ đá còn tóa cu ly.
Me xừ cho nó mảnh ruộng, đồng chua nước mặn nó không làm được, nó Đ. M. cả me xừ lẫn moa!
Nhớ lại hồi đó có ông thầy hay đố vui để học, hay kể chuyện vui:
Dơ suy lơ xếp đờ vanh cát son đa, săng moa lơ Paris sơ ra Pris (mẫu tự a) Lơ dăng đác mơ ri đằng lơ dăng đác mơ ri (người lính quân cảnh cười với tôi trong trại quân cảnh )
Thầy kể chuyện ông Tây bị ông Ăng Lê xâm chiếm, ông Tây thấy ly nước ông Anh có con kiến bèn nói phuốc mi. Ông Anh tưởng ông Tây đòi giành ly nước bèn cho một thoi! Hết ly nước ông Anh mới hiểu cớ sự. Hôm sau cũng trong quán nước, ông Anh muốn phân trần bèn gọi ông Tây: Cơm hia. Ông Tây sợ như hôm trước com mơ I ê, sẽ bị đánh, bèn rầm bỏ chạy! Ông Thầy Pháp Sư này già, nhưng tôi rất quý mến vì thầy hiền lắm. Tôi thường lý lắc nói pha ngang: Thưa thầy ông Bishop chắc giầu lắm vì có tới hai cửa hàng. Thưa thầy: Ru dát là đỏ hơi hơi, Blanchâtre là trắng nhờ nhờ, vậy théâtre là mầu nước chè dợt dợt. Thầy chỉ cười không mắng mỏ gì cả.
Một bữa thầy dạy Matin là buổi sáng, Mâ tin là con chó con, và cũng để chỉ người bạn mà mình rất cưng, rất quý. Đúng lúc đó hai giáo sư trẻ, bạn thầy bước vào lớp, Thầy bước ra cười nói C’est deux mâtin. Ấy, thầy vui tính và xuề xòa với học trò lắm. Có ông thầy khác dậy rất hấp dẫn, toàn truyện hoàng tử Riquet, con mèo đi hia, Julive phiêu lưu… làm cho lớp rất sinh động. Nhưng tôi bị ông thầy Pháp Sư già bỏ bùa rồi, nên cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ thầy vì thầy coi học trò như con
Thầy mất lâu rồi. Tôi ra trường được phong Quốc Sư, nhưng không bao giờ dám nghĩ Quốc Sư oai hơn Pháp Sư.
Thầy ơi. Bây giờ người ta dịch Pháp văn tầm bậy cả. Đại loại: Trần Quý Cáp là trung úy của Phan Bội Châu. Huỳnh Thúc Kháng là trung úy của Phan Chu Trinh, người ta không biết nghĩa gốc của lieutenant là phụ tá)
Một bữa tôi bước ra đường gặp một cặp chồng Tây vợ Việt. Tôi nghĩ bụng mình cũng tiếng Tây ba lá sách, bèn chú ý nghe xem họ nói năng ra làm sao? Bà vợ nói tờ ré sô. Ông chồng nghĩ bụng mình xứ lạnh qua đây, trời mát thế này, mình có thấy nóng đâu mà vợ than nóng, bèn nói nhận xét của mình. Bà vợ cười nói: Không, em nói tờ ré sô là tờ rố se, chỗ này họ bán mắc quá! À, thì ra bà vợ đem cách nói lái của Việt vào tiếng Tây. Thảo nào!
Viết đến đây tôi lại nhớ cụ Nguyễn văn Vĩnh. Nhiều người nói cụ bán nước (!). Nhưng tôi nghĩ phải lập tượng đài cụ, một dịch giả Pháp Việt vĩ đại trong văn học Việt Nam.
Nói chuyện nghiêm chỉnh riết, thế nào tôi cũng lòi cái cái đuôi vua tiếu lâm ra. Bài Tiễn Anh Khóa của Á Nam Trần Tuấn Khải đã được các bạn bồi (không phải bồi tàu đâu nhé) dịch ba rọi ra như sau:
Je coupe vos pied jusqu’au bord de la chine
Les paroles centimet milimet ne sont pas termine, le fils de la chine tourne horizontalement.
Hi hi... Tôi viết để mua vui cùng các bạn cũng được… 15 phút, chứ không được vài trống canh đâu!
Hi hi...

11-04-2017
Chân Diện Mục



NHẤT THỜI VÀ NHẤT THỜI

Người ta thường nói: Quan nhất thời dân vạn đại! Ôi! Vạn Đại sống trong tối tăm, nghèo khổ, chậm tiến mãi sao???
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra sãi chùa
Ôi! Dân nổi can qua thì: Vua Quan hết ăn trên ngồi trốc, nhưng… dân có ăn không? Có hạnh phúc không? Cái đó còn phải hỏi ông Trời. Nhưng ông ở xa quá (!). Dân biết làm gì để xây dựng cuộc sống, sống cho ra người (!). Đó mới là vấn đề.
Hoàng Sào kéo quân vào Trường An. Giữa đường đi… thì đốt sạch, giết sạch. Vào Trường An… không biết làm gì? Bốc thăm chọn quan chức (?) Rồi tranh ăn. Khi bị đánh bật ra khỏi Trường An, trên đường tháo chạy… cũng giết sạch, đốt sạch! Ôi! Bọn giặc cỏ này cũng… nhất thời thôi. Tại sao ta lại gọi những tên giặc cỏ này là khởi nghĩa! Tại sao lại gọi những tụi cướp của giết người Nguyễn hữu Cầu, Nguyễn danh Phương, Lê văn Thịnh là những kẻ khởi nghĩa (?). Tại sao lại đi ca tụng tên Lê duy Cự. Hắn mượn danh nghĩa nhà Lê để nổi loạn giết người chơi. Chỉ vì tên Tổng Đốc Hà Nội, vốn thù hằn Cao Bá Quát nên kéo ông vào để trả thù chơi. Sao người ta lại “mượn danh nhân dân“để chửi vua quan chơi.

Nhân Dân chỉ làm nên Lịch Sử khi đã “giác ngộ“, ý thức về quyền được sống của mình. Ý thức về quyền được sống cho ra người của mình. Nhưng có phải chuyện một ngày một tháng đâu.
Cách Mạng Pháp lúc đầu chả bát nháo sao? Hết mấy ông Montagnard rồi đến mấy ông Jacobin đấy thôi. Rồi những ông Robespiere, Napoleon 1, Napoleon 2… khát máu và nhốn nháo… mãi đến cách mạng 1848 người dân Pháp mới có một chút ý thức về quyền dân… Người dân muốn cho được Vạn Đại họ đã phải bao nhiêu lần xuống đường biểu tình, xô xát, đổ máu… chứ ông trời nào xếp đặt. Bên Anh thì Cromwell bên Đức thì Bismark có phải là những kẻ tử tế đâu?
Xin đừng lải nhải mãi về truyền thống.
Khi quan ăn trên đầu trên cổ nhân dân… vua nói rằng quan là chim ưng, dân là vịt . Lấy vịt nuôi chim ưng là chuyện… thường tình thôi. Khi quan tranh ăn, cài bẩy nhau, hại nhau… thì vua khuyên họ nên… con rươi quả quýt qua lại để… “đoàn kết“. Ôi! một tư duy như thế thì dân nhờ cậy vào đâu? sống cách nào?

Tôi không hiểu sao giáo sư Vũ văn Mẫu, cự phách về luật, chửi luật Gia Long thoái hóa không bằng luật Lý Trần và đặc biệt luật Hồng Đức. Tôi đọc Lê Triều Thiện Chính Thư và luật Hồng Đức thì thấy nó chậm tiến, lộn xộn, trùng lặp và… ngớ ngẩn. Đại loại như: Xoa đầu con để tỏ tình với mẹ… phạt 80 trượng (?). Ôi. Cái bà Ngô Đình Nhu. Tôi không dám nói bà vĩ đại. Nhưng quả thật luật Gia Đình của bà (có luật sư Huyền chấp bút) là bộ luật hiện đại đầu tiên của Việt Nam (Trước đó khi xử án một vụ dính líu tới gia đình, người ta tham khảo lung tung beng… luật Hồng Đức và luật Gia Long)
Thời sự cố Phật giáo. Các Linh Mục, các Sư, các Tướng Lãnh đã chạy xớ rớ Đông Tây, cửa trước, cửa sau vì… lúc đó ta chưa có luật rõ ràng, minh bạch!

Cho tới tận ngày hôm nay, dân Việt mình vẫn chưa biết tới hai tiếng Luật Pháp.
Từ hơn 200 năm nay người Pháp đã không ngừng xây dựng… nhất là lúc đầu đã không ngừng đổ máu cho tam quyền phân lập: Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp.
Cái tiêu chí trên lá cờ của họ là: Liberté, Egalité, Fraternité: Tự do, Bình đẳng, Bác Ái, vẫn mãi là điều thế giới ca tụng và noi theo.
Ôi! Tôi thật mắc cỡ khi là dân Việt Nam.

09-04-2017
Chân Diện Mục



TIẾNG KÊU TRẦM THỐNG

Ôi! Nguyễn Du chết chưa được 300 năm mới có một người duy nhất “biết khóc“ Nguyễn Du. Rồi 300 năm và…  Sau nữa có lẽ không còn ai khóc Nguyễn Du!
Trước đây Nguyễn văn Vĩnh dịch truyện Kiều ra Pháp văn, rồi một ông Linh mục người Pháp nữa. Sau nữa có Tiến Sĩ Nguyễn văn Huyên nghiên cứu Nguyễn Du và truyện Kiều làm luận án Tiến Sĩ. Gần hơn nữa có học giả Lý văn Hùng (gốc Hoa) Ở Chợ Lớn, ông Nikulin người Liên Xô…v.v… Ở Hà Nội và các nước cộng sản nghiên cứu và dịch ra nhiều thứ tiếng một cách rới rở, tuyên truyền một cách vội vã
Dĩ nhiên tôi không đếm xỉa đến ông Vũ Hạnh viết Đọc Lại Truyện Kiều. Và dĩ nhiên cũng không kể đến vua Tự Đức vì… có lẽ ngài đọc truyện Kiều mà… không hiểu gì cả.
Cụ Ngô Đức Kế chửi truyện Kiều và Nguyễn Du xối xả, chửi cho tắt bếp luôn. Nhưng tôi rất thông cảm với cụ vì hồi đó người ta trích Kiều, ngâm Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều… vô tội vạ. Cụ Ngô Đức Kế há chẳng từng đọc Kiều một cách thích thú sao! Chỉ vì cụ thấy cái phong trào điên khùng theo đuôi ông Phạm Quỳnh ca tụng Truyện Kiều quá lố và… trật lất.
Ông Trương Tửu tự xưng Bách Khoa. Ông Trần đức Thảo (đã từng tranh luận với Jean paul Sartre. Thực ra, ở xứ Văn Minh thì ai tranh luận mà chẳng được. Nhưng người Pháp cố tình làm ầm ĩ lên rằng: Mấy chục năm khai hóa ở Đông Dương nay mới ra hoa kết trái!) viết về truyện Kiều cũng trật lất như ông Vũ Hạnh thôi (dù ông Vũ Hạnh nói là Đọc Lại: nghĩa là đọc có suy luận nhiều!

Tôi thấy đa số người ta đọc truyện Kiều như là lũ mù sờ voi.
Người khoái Kim Trong, Từ Hải
Người khoái vãi Giác Duyên, sư Tam Hợp
Thậm chí có người còn khoái thuyết Định Mệnh nữa kìa. Họ nói Nguyễn Du viết truyện Kiều là để chứng minh cho thuyết Định Mệnh. Tôi nhớ khoảng 1954-1960 ở Sài Gòn người ta khoái hai chữ Luận Đề. Họ gọi tiểu thuyết của Nhất Linh là Tiểu Thuyết Luận Đề… và gọi luôn… truyện Kiều là tiểu thuyết luận đề (!?)
Đâu ai biết rằng Nguyễn Du không tìm được “Chân Chúa” mà nhân vật Từ Hải ra đời. Chữ Mệnh trong truyện Kiều không thể hiểu là trời sắp đặt, mà phải hiểu là ”thân phận con người“
Đối với Nguyễn Du thì Chế Độ nào, bè lũ Quan Quyền nào cũng là:
Cũng nhà hành viện xưa nay
Cũng phường bán thịt cũng tay buôn người
Ông Đỗ Đăng đã viết trong Thời Đại Đen Tối nói về thân phận của Copernic, Galilé… hai ông đã bị những kẻ tự cho mình là trung tâm nhân loại trù dập…
Thân phận của kẻ có Tài như vậy sao? (Ông Đổ Đăng đã mở ngoăc đơn mà rằng: Những kẻ ác ý sẽ cho rằng ông mượn xưa để chửi nay (!) Thôi họ muốn nghĩ sao thì nghĩ…
Kim Trọng chỉ là một chàng thư sinh vớ vẩn
Từ Hải chỉ là một tên cướp ngang tàng, tự đắc (để Nguyễn Du xả xì trét chăng)
Giác Duyên chỉ là một kẻ chán đời, làm từ thiện vụn…
Sư Tam Hợp chỉ là một tiên tri hão và phán những câu vô thưởng vô phạt (… Hại một người cứu muôn người…)
Đâu ai biết rằng hơn 3000 câu là tiếng khóc khô không lệ. Một hoài bão mênh mang, một tâm tư sâu lắng của một cuộc sống không vừa ý, buồn thương.

Nói theo kiểu khôi hài ngày nay thì Nguyễn Du không phải quan lớn nhà Nguyễn mà là một phó thường dân. Phó thường dân thì làm sao kình lại với thủ đoạn ông Trời. Ông trời mượn tay lũ lâu la đầy đọa con người quá lắm. Rêu rao là: bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng, nhưng nhìn đâu cũng thấy ruồi xanh và đầu trâu mặt ngựa. Những kẻ “Am mây quen lối đi về dầu hương“ và những kẻ “thật thà có một đơn sai chẳng hề.
Tuy truyện Kiều có nhân vật chính là cô Kiều. Nhưng cô cũng chỉ là một phó thường dân mà thôi.
Nhân vật nam phó thường dân đã ngổn ngang trăm mối
Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh
Nhân vật nữ phó thường dân còn tâm sự lê thê
Đau đớn thay phận đàn bà
Bùi Kỷ đã gọi Nguyễn Du là Chí Sĩ
Kiếp kim cổ tài tình là bận
Hồn văn chương vơ vẩn non sông
Xót thay nước đục bụi trong
Ngàn thu biết ngỏ tấm lòng cùng ai
Nhưng thời xưa chưa phổ biến hai tiếng chí sĩ.
Con người có thiện căn, thiện tâm Nguyễn Du đã kêu lên tiếng kêu trầm thống. Tiếng kêu đó có phải của cô Kiều không? Tôi xin giải mã cho dễ hiểu: Đó là tiếng kêu của nhân vật chính trong “Giờ Thứ Hai Mươi Lăm“
Ôi! Làm người khó vậy sao.
Nói: Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều chỉ là nói bướng mà chơi.
Cuộc chiến giữa con người và ông Trời là một cuộc trường kỳ kháng chiến. Hàng ngàn năm rồi. Có đi đến đâu???

26-03-2017
Chân Diện Mục



VỌNG NGOẠI

Hai tiếng vọng ngoại chỉ có từ khi loài người thành lập các Quốc Gia (?). Quốc Gia gồm có Dân Tộc (hoặc dân tộc đa số), có biên cương, quốc thiều, chính thể…
Xưa Mạnh Tử từng nói: “Nguy Bang bất nhập, loạn bang bất cư“. Như vậy Bang không phải là quốc gia. và người ta không nhất thiết phải yêu bang mình (!), người ta có quyền “vọng“ sang bang khác (!)
Tục ngữ ta thường nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn“. Vậy đi càng xa càng tốt, đi qua hương khác, xứ khác, nước khác.

Càng tiến bộ thì người ta càng thấy “đóng cửa“ là không tốt. Phải mở ra để học cái hay của người. Nhưng khốn khổ khốn nạn cho những người không phân biệt dở, hay. Chỉ học cái dở của người.
Trước đây ta từng đua nhau học tiếng Tầu, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Anh. Thế mà năm 1945 người Việt vùng lên chống Pháp với khí thế hừng hực, ngút ngàn. Thế mà ngày nay người ta vẫn tôn thờ Lê Nin, Xít Ta Lin, Mao Trạch Đông. Ngày nay một số người gọi là đã mở mắt muốn Gió Đông thổi bạt gió Tây. Nhưng không hiểu ngây thơ hay mắt kéo mây mà chỉ học được những điều dở. Thế mới hay "sàng khôn lù lù trước mắt mà nào có thấy gì đâu. Học khôn khó vậy sao!"
Đã bảo phải có tấm lòng mà. Nếu chỉ đem cái ý chí của A.Q thì làm sao học được. Bài học 1789 của Pháp về tam quyền phân lập ta còn nuốt không trôi nói chi đến tứ quyền, ngũ quyền! Hay là người ta muốn lập tới thiên quyền, vạn quyền, nhưng quyền Chỉ Đạo là trên hết! Người dân đã được tôn làm “chủ“, nhưng ông chủ này vẫn bị chỉ đạo bởi… Ngày xưa chỉ có Thượng Hoàng mới chỉ đạo vua thôi. Nhưng ngày nay sao lại có tới hàng triệu Thượng Hoàng!

Bây giờ lửa đã cháy mày. Ta đóng sập cửa lại hay mở toang cửa ra?
Ta muốn phát huy nội lực, nhưng còn lực đâu mà phát! Từ biên giới cho tới hải đảo đã bị xâm lấn. Ta mở toang cửa ra thì ai vào đây!
Sàng khôn đâu không thấy, chỉ thấy láu cá vặt! Ta ngửa tay xin tiền bất cứ nước nào chăng? Ta có “chủ trương lớn“ kết bạn với anh chàng tham lam, độc ác, nham hiểm bị cả thiên hạ chửi bới, nguyền rủa, khinh bỉ… mà cho là khôn chăng? Ta trổ tài đu giây giữa kẻ này, người kia chăng? Ta la làng cháy nhà chăng? Một người đã la bậy nhiều lần mà đòi người ta tin chăng?
Tóm lại: Tuy ta chưa phát huy nội lực như lời một ông vua nói, nhưng ta phải tự cứu mình thôi. Ngạn ngữ phương Tây có câu: Hãy tự cứu mình đi, rồi trời sẽ cứu.

23-03-2017
Chân Diện Mục

 

Đăng ngày 08 tháng 10.2017