banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

NƯỚC PHÁP TIỄN ĐƯA

ARNAUD BELTRAME

Từ Thức

Nước Pháp sáng nay tiễn đưa trung tá Beltrame, vừa được thăng Đại tá và được trao Bảo quốc huân chương, tới nơi an nghỉ cuối cùng.
Quan tài của vị sĩ quan đã hy sinh mạng sống của mình để đổi tự do cho một con tin và bảo vệ các con tin khác trong tay một tên khủng bố Hồi giáo tại một siêu thị ở miền Nam nước Pháp, đã đi từ điện Panthéon qua nhà thờ Đức Bà, trụ sở Quốc hội và nhiều đường phố Paris, tới sân Invalides .
Panthéon là nơi an nghỉ của những danh nhân – les grands hommes-đã làm rạng danh nước Pháp. Invalides, từ thế kỷ 17, là nơi trú ngụ của các thương binh, sau này là địa điểm tổ chức những quốc tang, hay vinh danh những người đóng góp cho nước Pháp.
Tổng thống Macron bày tỏ lòng tri ân của nưóc Pháp với người quá cố, trước gia đình của đại tá Beltrame cũng như gia đình của ba nạn nhân đã tử thương

Người ta bắt đầu biết rõ hơn những gì xẩy ra thứ Sáu tuần trước. Đại tá Beltrame chỉ huy đơn vị gendarme (cảnh binh) đầu tiên có mặt tại chỗ. Lakdim vừa đột nhập siêu thị, bắn chết một khách hàng, một nhân viên siêu thị. Y dí súng vào đầu một phụ nữ nhân viên .
Arnaud Beltrame đề nghị vào thay mạng cho con tin . Lakdim chấp nhận, trả tự do cho bà này. Vị sĩ quan để cell phone trên bàn để đồng đội bên ngoài theo dõi diễn biến, kéo dài cuộc thương lượng để Lakdim tạm nguôi cơn điên rồ giết người. Lakdim đòi thả tất cả những tên khủng bố đang bị cầm tù.
Sau ba giờ, Lakdim nổ súng. Nơi 2 bên thương lượng không có caméra, nhưng những ghi âm cho thấy Arnaud Beltrame đã tìm cách tước võ khí của tên khủng bố. Ông tử thương không phải vì mấy viên đạn nhưng vì những nhát dao đâm vào cổ họng.
Khi Lakdim nổ súng, lực lượng an ninh đã tấn công, hạ sát tên khủng bố và giải phóng các con tin.

Gia đình người quá cố, từ cha mẹ, em trai, tới Marielle, bà vợ trẻ mới cưới, đều không ngạc nhiên trước hành động của vị sĩ quan. Họ nghĩ với cá tính, với giáo dục, và tinh thần trách nhiệm của ông, khó tưởng tượng ông hành động một cách khác. Bà mẹ nói ngay khi được tin có một sĩ quan cảnh sát vào siêu thị đổi con tin, bà đã nghĩ "chắc là Arnaud"
Cách đây hai năm, công tác tại Irak, Beltrame đã cứu thoát một con tin bị khủng bố bắt giữ. Năm ngoái, ông đã chỉ huy một cuộc tập trận để giải phóng con tin.

Cô bạn gái của tên khủng bố, 18 tuổi, sáng nay đã bị truy tố về tội đồng lõa. Cô này, mới quy đạo Hồi, chối đã tiếp tay với Lakdim, nhưng ủng hộ hành động của anh ta, và tiếc là tên này "đã không hạ sát nhiều hơn những người "ngoại đạo tội lỗi".

Nước Pháp sẽ còn bị khủng bố đe dọa. Có ít nhất 25.000 người được coi là coi là có tiềm năng đe dọa nguy hại, trong đó 10000 bị coi là nguy hiểm, 5000 trong danh sách S (Sécurité d’État) như Lakdim, phải theo dõi. Nhưng trong một nước tôn trọng dân quyền, cảnh sát khó có biện pháp trước khi bọn khủng bố hành động hay có bằng chứng sẽ hành động.

( tuthuc-paris-blog.com )

Suivez en direct l'hommage national à Arnaud Beltrame

Inconnu il y a une semaine, le gendarme Arnaud Beltrame est célébré mercredi en "héros" par la France, qui lui rend un hommage national à Paris cinq jours après sa mort lors des attaques jihadistes dans l'Aude. Plusieurs centaines de personnes...
 
28/03/2018
 


HÉROS

Từ Thức

Nước Pháp khóc một vị anh hùng. Trung Tá gendarme (cảnh sát quân phục) ARNAUD BELTRAME, đã tử nạn sáng nay, sau khi muốn cứu các con tin khỏi tay một tên khủng Hồi giáo.

Tên khủng bố, Redouane Lakdim, 25 tuổi, quốc tịch Pháp, gốc Ma Rốc đã giết một người lái xe để cướp xe, xả súng bắn một toán cảnh sát dã chiến CRS trước khi đột nhập một siêu thị ở Carcassonne, Pháp, bắt khách hàng làm con tin.
Trung tá (lieutenant colonel) Beltrame đề nghị vào làm con tin để đổi tự do cho các khách hàng. Lakdim chấp nhận.
Hai người thương lượng trong siêu thị. Lakdim đòi thả những tên khủng bố hiện bị cầm tù ở Pháp. Arnaud Beltrame mở smartphone để lực lượng an ninh theo dõi diễn biến. Ba giờ sau, Lakdim đã nổ súng, trung tá Beltrame, 44 tuổi, bị trúng 4 viên đạn, bị thương nặng và từ trần sau đó tại nhà thương.. Ông có vợ nhưng không có con.
Đậu thủ khoa khi ra trường, ông vẫn được đồng đội coi là một cảnh sát gương mẫu, đặt trách nhiệm và tinh thần phục vụ trên hết, đã từng được trao tặng những huy chương cao quý nhất.
Lực lượng an ninh đã tấn công siêu thị, giải phóng các con tin. Tên khủng bố bị hạ sát. Tổng cộng, bốn nạn nhân tử thương, gần 20 người bị thương.
Hôm nay, những trụ sở gendarme trên toàn nước Pháp treo cờ rũ, tưởng niệm người được tuyên dương là anh hùng, đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ an ninh cho người dân

L’image contient peut-être : 1 personne, chapeau, barbe, gros plan et plein air

24/03/2018

https://www.facebook.com/tu.thuc.39


NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỚI PHÁP

RSF ĐÒI CHÍNH PHỦ PHÁP

ĐẶT VẤN ĐỀ TỰ DO BÁO CHÍ Ở VN

Dưới đây là bản dịch thông cáo của hội Phóng Viên Không Biên Giới ( Reporters Sans Frontières, Paris ), ngày 23/03, nhân dịp ông Nguyễn Phú Trọng thăm viếng nước Pháp cuối tuần này:

Nhân dịp Tổng Bí Thư đảng CS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm viếng VN từ Chủ Nhật tới, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới ( Reporters Sans Frontières. RSF) kêu gọi chính phủ Pháp hãy đặt thẳng những câu hỏi cấm kỵ về hiện trạng thảm hại của quyền tự do ngôn luận tại VN .
Tổng Bí Thư đảng CS Việt Nam sẽ tới Paris chủ nhật tới, bắt đầu cuộc thăm viếng 2 ngày theo lời mời của Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron.
Là người đứng đầu quyền hành ở VN, trên cả chức Chủ tịch nước hay Thủ tướng, ông Trọng là người đầu tiên chịu trách nhiệm về sự đàn áp tàn bạo ký giả và bloggers từ khi phe cánh của ông nắm quyền hành trong nội bộ Đảng, năm 2016.
Cuộc thăm viếng của Nguyễn Phú Trọng đánh dấu năm thứ 5 chương trình hợp tác chiến lược giữa Pháp và VN, với mục đích "tăng cường liên hệ trên mọi địa hạt" giữa hai quốc gia. Dù vậy, tự do báo chí cho tới nay vẫn bị quên lãng trong hiệp ước trên.
Daniel Bastard, trưởng phòng Á Châu-Thái Bình Dương của RSF đặt câu hỏi: "Kế hoạch hợp tác chiến lược có ý nghĩa gì khi quyền tự do ngôn luận không được đả động tới? Chúng tôi chờ đợi chính quyền Pháp đặt những câu hỏi cấm kỵ dưới đây với Nguyễn Phú Trọng, những câu hỏi mà các ký giả VN đã phải trả giá bằng sự tự do của họ:
- Bao giờ VN mới chấm dứt hàng loạt những vụ bắt bớ, những trò hề xử án các bloggers bắt đầu từ 2016?
Trong năm 2017, 20 ký giả đã bị bắt, bị đưa đi trại tập trung, bị án tù 9, 10 hay 14 năm chỉ vì muốn làm nhiệm vụ thông tin. Những phiên toà ban án tù không bao giờ kéo dài quá 4 giờ. Luật sư bào chữa bị gạt ra ngoài. Đó là chiến dịch đàn áp báo chí tàn bạo nhất tại VN từ 20 năm nay
- Chính quyền VN biện minh thế nào về điều kiện giam giữ tệ hại các ký giả VN ?
Thân nhân của các tù nhân tố cáo tình trạng hết sức khủng khiếp, lao động cưỡng bách, thiếu thốn thuốc men. Tình trạng sức khỏe của nhiều bloggers, như Nguyễn Văn Đài, Mẹ Nấm, sa sút một cách đáng ngại. Sức khỏe tinh thần của những công dân nhà báo VN cũng bị đe dọa bởi chế độ cô lập: họ bị đày đi ở những nhà tù cách gia đình hàng ngàn cây số.
- Chính quyền VN trả lời thế nào trước lời kêu gọi đình chỉ việc phê chuẩn hiệp ước giao thương giữa VN với Liện Hiệp Âu Châu của các dân biểu Âu Châu?
Tháng 12 vừa qua, Quốc hội Âu Châu đã thông qua một quyết nghi khẩn cấp đòi trả tự do cho các ký giả bị giam cầm trái phép ở VN. Việc phê chuẩn thoả ước tự do trao đổi thương mại giữa VN với Liên Hiệp Âu Châu lúc đầu dự định sẽ đưọc biểu quyết trong năm 2018 để được thực thi cuối năm nay. Nhưng nhiều dân biểu đặt vấn đề với việc ký kết một thoả ước như vậy với một quốc gia, từ mấy năm nay, đã trở thành một nước tiêu diệt tự do báo chí tệ hại nhất.
Nhân cuộc thăm viếng của Nguyễn Phú Trọng, Phóng Viên Không Biên giới đã đồng ký với hai tổ chức nhân quyền khác kêu gọi chính phủ Pháp đặt thẳng thắn vấn đề nhân quyền ở VN.
VN đứng cuối sổ bảng xếp hạng tự do báo chí trên thế giới của Phóng Viên Không Biên giới (2017), thứ 175 trên 180 quốc gia

https://rsf.org/…/france-asked-put-forbidden-questions-visi…

L’image contient peut-être : 3 personnes, personnes souriantes, personnes debout et personnes assises


1er MARS

Từ Thức

N. hẹn sẽ gọi tôi ngày 01 /03 khi trở về Paris . Tôi có thói quen không trả lời điện thoại vì, với đàn ông, nói chuyện qua điện thoại là một cực hình, nhưng ngày đó tôi ngồi, nằm, đi lại, đánh răng hay tắm rưả, lúc nào cũng rình chuông điện thoại.
Suốt ngày N không gọi. Tôi gọi nhưng N không trả lời.
Đâm lo. Đời sống thiếu gì những bất trắc. Hôm qua truyền hình loan tin một trực thăng rớt xuống một tiệm ăn . Một xe lửa trật đường rầy . Những người đàn bà bị bắt cóc
Đi ra đi vào không yên, bồn chồn, lửa đốt trong bụng. Gởi cho N. một SMS, vẫn không thấy tăm hơi. N. ở trong một tình trạng không thể xử dụng điện thoại di động ?
Tôi mở laptop, tính viết cho N một e–mail. Ngạc nhiên thấy hộp thư trống, không nhận được một cái mail nào. Tôi có chân trong hai ba nhóm, hoặc hoạt động nhân quyền , hoặc trao đổi văn hóa vớ vẩn, mỗi ngày nhận được hai ba chục e–mails, chưa kể tin tức bạn bè, hay quảng cáo của những anh muốn bán nhà, bán xe, bán thuốc hôi nách, bổ tim, tiểu đường. Mỗi ngày, lướt qua những cái tựa, rồi xóa bỏ những cái mails vô thưởng vô phạt.
Hôm nay , tuyệt nhiên không có một nửa cái mail. Kiểm soát, laptop chạy bình thường. Gọi cho một người trong nhóm , anh ta cho hay là vẫn nhận được hàng chục cái mails như mọi bữa.
Tôi xuống dưới hall, mở hộp thư. Trống trơn, không có cả một tờ quảng cáo pizza hay thịt đông lạnh. Hôm nay thứ Năm, đáng lẽ hộp thư đầy những tuần báo : L’ Obs, Le Point, L’Express…
Ghé qua người gác-gian (gardien), hỏi người phát thư đã tới chưa, anh ta nói y đã qua từ sáng sớm. Và hỏi lại : Ông là résident (người cư ngụ) ở đây? Tôi nói anh đùa có duyên tệ, tôi ở đây từ mười năm nay. Monsieur Tran, lầu bốn. Ngày nào tôi không gặp anh ta ở hall, trong thang máy, bonjour, bonsoir...Noël nào cũng không quên một bao thư tiền lì xì Giáng sinh, merci loạn cào cào. Nhưng anh gác gian trố mắt nhìn, bỡ ngỡ.
Tôi trở lên phòng , tính gọi điện thoại cho một người bạn, kể những chuyện kỳ cục từ sáng nhưng cả điện thoại di động lẫn điện thoại nhà đều bị cúp, im ỉm như những củ khoai tây.
Mặc vội quần áo, ra văn phòng của hãng điện thoại Orange. Cô nhân viên Orange coi cái điện thoại di động của tôi, đưa lên tai nghe, lắc đầu, thay batterie, lắc đầu. Nói: xin ông cái "carte d’identité" (I.D) tôi coi hồ sơ xem sao. Mở ví, không thấy thẻ kiểm tra. Không thấy giấy tờ gì, kể cả bằng lái xe, thẻ bảo hiểm nhân sinh, danh thiếp. Tôi viết tên, họ, địa chỉ, số điện thoại, đưa cho cô Orange. Cô ta cầm tờ giấy, lúi húi tra khảo cái computer, cuối cùng ngẩng lên, nhìn tôi, hỏi:
- Ông có chắc ngày sinh tháng đẻ là ngày này?
- Đó là điều duy nhất tôi chắc chắn.
- Không thấy tên ông trong danh sách Orange.
Tôi nói cô nói đuà, tôi ở Orange từ tám năm nay, tháng nào cũng trả tiền sòng phẳng, mặc dù Orange chém vô tội vạ. Thí dụ có hồi tôi ở Stockholm cả tháng, quên điện thoại di động ở nhà, lúc về vẫn trả tiền điện thoại như một người đàn bà lắm điều. Như một người đàn bà.
Cô Orange chỉ cái écran, nói: ông coi, có mấy chục Ông Trần, không có tên của ông, tôi thử tìm bằng ngày sinh tháng đẻ, cũng không có ông.
Muốn xách cổ cô Orange, quẳng qua cửa sổ, nhưng thấy cái vẻ thực thà, hiền lành của cô ta, lại tha. Vả lại, nhà không có cửa sổ và cô ta nặng ít nhất 90 kí.
Ra điện thoại công cộng, muốn gọi cho bất cứ ai, nhưng không nhớ một số điện thoại nào, trừ số của Tuân, thằng em họ
Chợt nhớ là cả năm nay không liên lạc với Tuân. Hùng hục đuổi theo đời sống, quên cả đời sống. Chúi mũi vào Internet, sống đời sống ảo, quên đời sống thực. Quên cả chính mình.
Tuân nói đang bận quá, hứa sẽ xách xe tới nhà khi xong chuyện.
Trên đường về nhà, ghé tiệm café vẫn ngồi la cà mỗi sáng. Cô hàng café, bình thường thấy mặt tôi là mang café ra, hỏi : ông muốn uống gì? Trả lời, khó chịu: "comme d’hab" (như thường lệ). Cô ta cười duyên: nghĩa là? Tôi nổi sùng, gào từng chữ: "Une noisette!, u-ne-noi-set-te!"(café pha vài giọt sữa)
Về nhà, mở laptop, tính coi lại hộp thư. Máy đòi danh tính và mật mã. Đánh đi đánh lại hàng chục lần, vẫn một câu trả lời ương ngạnh. Không có tên và mật mã của ông trong Google.
Năm giờ chiều, có người bấm chuông ngoài cửa. Tuân. Mừng quá, mở cửa. Tuân thấy tôi, bối rối :
- Xin lỗi ông. Tôi lầm nhà. Tôi tưởng đây là nhà ông anh tôi.

Paris (2 Mars)

L’image contient peut-être : personnes debout, nuage, ciel et plein air



CHÓ VÀ NGƯỜI

Từ Thức

Cách đây mấy ngày, tôi viết vài dòng về chuyện ăn thịt chó. Nay trở lại đề tài này, vì một chuyện riêng.

Hỏi một ông bạn ở VN : mỗi lần ông chụp hình, bao giờ cũng có con Vện bên cạnh, sao hồi này không thấy nữa ? Trả lời : mất rồi, chắc là chúng nó đánh bả, làm thịt. Tôi thật buồn, như nhận được hung tín về một người bạn, mặc dù chưa quen Vện, chỉ thấy qua hình tất cả sự trìu mến, tình nghĩa trong đôi mắt của con chó
Có bạn sẽ nói : sống bên Tây, bày đặt, nếu ở VN chắc cũng ăn thịt chó như điên. Đúng như vậy, hồi xưa, đã từng đi nhậu thịt chó, thấy ngon. Lần về thăm nhà lần cuối, cách đây gần 20 năm, bạn bè đưa đi nhậu, giả vờ ăn cho vui, nhưng thấy ơn ớn. Nhất là nghe tiếng chó bị cắt tiết rên ăng ẳng ở bên cạnh. Nghe nói hồi này, người ta ít giết chó trong tiệm, có người giao tận nhà. Cũng chẳng thay đổi gì, cắt tiết ở đâu, con chó cũng đau đớn.

Ở Âu Châu, người ta đưa ra những luật lệ để bảo vệ quyền gia súc, kể cả gia súc cung cấp lương thực. Luật lệ quy địch gắt gao để bò, heo, gà không bị đối xử dã man khi chuyên chở hay làm thịt.
Chúng ta không đi xa như người Thụy Sĩ, cấm quẳng con tôm hùm sống vào nước sôi, nhưng tại sao phải hành hạ độc ác khi có thể tránh được ?
Nhìn cảnh cả làng la hò giết trâu ở VN, trò chơi bốn người buộc bốn chân con heo, thi nhau kéo cho banh xác con vật la hét hãi hùng, cảnh chó bị đánh bả hay người ta vác gậy đập đầu chó đén chết để làm thịt, ngày nay nhan nhản trên Internet, người ngoại quốc sẽ nghĩ gì về dân tộc mình ?
Có những lễ hội có tính cách văn hoá dân tộc, nhưng trong văn hoá, có những điều hay, nên giữ, những điều dở, man rợ, nên đào đất chôn cho mồ yên mả đẹp.

Bạn trẻ, bạn thích hãnh diện về dân tộc mình, điều đó rất tự nhiên, hãy hành động để những cảnh man rợ trên chấm dứt. Nếu còn thấy những videos đó trên mạng, thiên hạ sẽ vẫn nhăn mặt, rùng mình khi nghĩ tới VN, dù bạn có chiếm World Cup túc cầu.
Mỗi lần người ngoại quốc đề cập tới chuyện ăn thịt chó, tôi bào chữa : thứ nhất, chỉ có bợm nhậu mới ăn thịt chó, " người thường " ít ăn , nhất là phụ nữ; thứ hai, ngày nay số người ăn thịt chó càng ngày càng giảm bớt. Cãi như vậy, để vớt vát cho thể thống dân tộc, không biết có gần sự thực hay không

Những ai đã đi Nhật đều biết chuyện Hachikò. Hachiko là một con chó tượng trưng cho sự trung thành, cho tình bạn. Mỗi ngày, Hachiko ra ga Shibuya, đón ông chủ. Khi ông chủ chết, trong gần mười năm, ngày nào Hachiko cũng ra ga chờ chủ, cho tới hơi thở cuối cùng. Tượng Hachiko, dựng trưóc ga JR Shibuya ( photo ), trở thành điểm hẹn của Tokyo. Tới Tokyo, hẹn gặp nhau ở Hachiko.
Nếu lỡ sinh ra ở VN, Hachikò yên thân ra chờ chủ được bao nhiêu ngày, trước khi bị đánh bả làm món đưa cay ?
Nói chuyện ăn thịt chó, tôi nghĩ tới Marcel Pagnol, một nhà văn của hương vị, tâm hồn miền Nam nước Pháp. Pagnol kể chuyện ăn thịt thỏ, khi còn thơ ấu. Nhà nuôi thỏ, thỉnh thoảng xách tai một con làm civet (thỏ nấu rượu vang) nhậu chơi. Mấy đứa nhỏ quyến luyến con thỏ, nghĩ ra một cách để bảo vệ chúng: đặt tên cho mỗi con thỏ, như tên người : Sylvie, Marie, Jacques... Không ai dám làm thịt thỏ nữa. Người ta chỉ ăn thịt những con vật vô danh, không ai dám cắt tiết, mổ bụng Sylvie, Rachel nấu civet.
Người ta làm thịt con Vện, nhưng nếu con chó mang tên người (bởi vì con chó không thua gì con người về chuyện tình nghĩa): Thủy, Loan, Tuyết?

L’image contient peut-être : une personne ou plus, personnes assises et plein air

27/02/2018
Từ Thức

Facebook Từ Thức

Blog Từ Thức Paris

 

Đăng ngày 29 tháng 03.2018