Lưỡng diện thọ địch
Vũ Lưu Xuân
Chỉ vì vạ mồm vạ miệng mà, thôi rồi, bây giờ lâm vào cảnh “lưỡng diện thọ địch”: anh Nguyễn Anh Khiêm và cô Thanh Hương, nhưng đã lỡ, cũng phải cố gắng xoay xở, thoát hiểm chứ sao.
Trước khi vào đề, xin nói vài chuyện râu ria cái đã.
Bài vừa post lên, có cô sư muội mail cho tôi, trong đó có câu: “em sợ và ghét những bài viết cay nghiệt”. Thọat đầu tôi cũng không chú ý, coi đó chỉ là một nhận định chung chung. Sau này đọc bài mới của anh NAK, thấy anh có vẻ giận, tôi giật mình xét lại, hay là mình có điều gì nói năng thất thố. Duyệt kỹ toàn bài, đây rồi, chắc là đoạn chót, tôi viết: “nếu đồng môn nào chê tôi là ếch ngồi đáy giếng, kiến thức nhỏ bằng hạt đậu, cũng đành, thở dài một tiếng, rồi lại rong chơi, kệ». Có lẽ AK nghĩ rằng tôi muốn ám chỉ anh. Xin nói một lời danh dự, viết hàng này, tôi hoàn toàn không nghĩ tới anh, mà chỉ nói đùa về tôi, tính tôi hay viết lách kiểu «cà tửng». Hơn nữa một người mấy chục năm không đọc, mà lại chê người chăm đọc «kiến thức chỉ bằng hạt đậu» há chẳng ngược đời lắm sao? Vậy nếu AK giận vì câu này, dù bị oan, tôi vẫn thành thật xin lỗi. Đồng thời, dù không quen biết, tôi cũng xin gửi tới ông Tô Thùy Yên một lời xin lỗi nữa, vì đã vô tình kéo ông vào dòng nước xoáy.
Lại thêm một lời trần tình : đọc bài tôi viết, một số bạn cho là tôi nói đại ý «không thèm đọc sách vở ai khác mà vẫn viết tiếng Việt được”, chứng tỏ tôi "khinh người ". Đúng là oan Thị Kính. Để trần tình, xin dài dòng về mình chút ít – một điều thật sự không nên nói ra – Hồi trung học tôi cũng rất mê đọc sách. Tới 64, vào ĐHSP, vì cảnh nhà thanh bạch, tôi phải vừa đi học, vừa dạy thêm vài trường tư. Tốt nghiệp, tôi thí mạng cùi xin hành nghề ở tỉnh địa đầu Hâu Nghĩa, để dễ bay về Sài Gòn ca tại các tư thục. Suốt thời gian này, bận tối tăm mặt mũi, primum vivere, sách mua để đấy, hẹn sẽ đọc, rồi lại hẹn, lần lữa. Tới biến cố 75, còn lòng dạ nào mà đọc. Năm 81, tôi bỏ nghề, kê bàn trên miệng cống lề đường, bán vé số, tuyệt giao bằng hữu trí thức, chơi toàn với xích lô, xe ôm, tú bà, me mỹ. Bao nhiêu sách vở tích cóp, đem cân ký bán hết, tự nhận là «tên vô học». Giao du với đủ hạng người, chẳng học được điều tốt nào, mà chỉ học được vô số cái xấu, chửi thề chẳng hạn, nên lại tự nhận mình là «tên đãng tử vô hạnh». Suốt 16 năm trời, tôi không hề động tới chữ nghĩa. Sách báo mới tất nhiên không đọc rồi, còn sách báo cũ đã cân ký bán hết, lấy đâu mà đọc, cho nên nếu bảo «tôi không thèm đọc sách vở ai khác», vì «khinh người» là oan ơi ông địa. 16 năm không đọc, không cầm tới bút, mình quên chữ nghĩa, mà chữ nghĩa cũng chẳng nhớ mặt mình, cái thói lười đọc ngấm dần vào máu. Lại thêm mấy cuộn chất xám vì không dùng tới, nó biến thành chất trắng lờ nhờ, mớ kiến thức tích cóp, rơi rụng gần hết. Về già đọc trước quên sau, cuốn sách vừa xem mấy ngày trước, vài hôm đã chẳng nhớ tác giả viết gì, thôi thì dẹp quách, rong chơi cho sướng tấm thân. Mỗi khi mấy ông bạn học, ngồi bên quán cà phê vỉa hè, dở chứng bàn chuyện văn chương, nhắc tới ông nọ, bà kia, tôi chỉ có cách kiếm chiếc ghế xa xa, dựa lưng mà ngủ, biết gì đâu mà nói. Các ông bạn già chấp nhận, cười.
Lai rai rồi mới vào đề. Xin nói trước, khi viết, tôi luôn giữ nguyên tắc, tuyệt đối không cay nghiệt, tiếng bấc, tiếng chì, nhưng đã nói tất phải ra đầu ra đũa, còn nửa chừng xuân thì nói làm gì. Lần này, nếu anh NAK giận, tôi cũng đành chịu. Xin coi đây là một cuộc tranh luận, long trọng hơn gọi là bút chiến, riêng tôi lại thích dùng ngôn ngữ dân dã: «cãi nhau» về một vấn đề văn học. Đã tranh luận thì chỉ biết có «lý», để làm rõ…
Toàn bài, anh bold duy nhất đúng hai chữ cũng hay, và toàn câu được đặt ngay ở đoạn tranh luận đầu tiên, chứng tỏ đây là một ý quan trọng, anh muốn nhấn mạnh. Xin trích lại và phân tích: «Có điều tôi thấy thật đáng giận khi anh bảo thơ TTY cũng hay».
Tôi, VLX, «thật đáng giận», lý do: «bảo thơ TTY cũng hay». Nói về chữ cũng. Chữ cũng của tôi nằm trong mạch văn, liền lạc với câu trên, để chứng tỏ tôi không hề có ý chê bai giá trị bài Trường Sa Hành, còn anh K tách ra, và chữ cũng trong vế hai được hiểu là «thơ TTY cũng có thể được coi là hay đấy chứ», cũng đồng nghĩa với tàm tạm, thế là anh giận, anh muốn, đúng ra là bắt tôi, và cả mọi người nữa, phải thừa nhận thơ TTY rất, rất hay. Như vậy, đúng hay sai chưa nói tới, nhưng rõ ràng trước khi tranh luận, anh đã đưa ra một tiền đề, hàm ý một chân lý tuyệt đối đúng, nói theo kiểu Tôn giáo, đây là một tín lý buộc phải theo, nếu không theo thì phải xuống hỏa ngục! Rõ hơn: nếu chỉ nói «thơ TTY cũng hay» là «đụng chạm», anh giận. Vì có sẵn tiền đề, nên anh lập luận theo quy trình ngược: đánh giá và so sánh trước, rồi mới phân tích sau. Thưa anh, một tiền đề kiểu ấy mặc nhiên mang tính cách giáo điều, nó loại bỏ mọi tranh luận. Tính chất giáo điều, trong tôn giáo dẫn tới cuồng tín và thánh chiến, trong chính trị, tính chất giáo điều dẫn tới độc tài, còn trong văn học, tính chất giáo điều dẫn tới thái độ học phiệt (chữ của Phan Khôi), và tình trạng trăm hoa chỉ được phép nở ra cúc vạn thọ, hoa hồng, lan, mai, mẫu đơn ư… hừ !... Xin lưu ý : chính cô TH cũng đã viết : «TTY dường như chỉ thích hoặc làm thơ tự do, hoặc làm thơ bảy chữ và chỉ làm rất ít thơ lục bát cùng vài thể thơ khác. Tôi không thích thơ tự do nên những bài thơ tự do của ông tôi không mê”. “Mê” là gì hả cô? Có đồng nghĩa với “thích” không? Cô không “mê”, vì chủ quan, cô không thấy hay, phải vậy không? Cô “không thích thơ tự do”, mà TTY “dường như chỉ thích hoặc làm thơ tự do, hoặc làm thơ bảy chữ”, suy ra có nhiều bài của ông TTY (thuộc loại tự do) cô không thích, phải vậy không? Không được đâu, “đụng chạm” đó. Và, nếu tôi suy tầm bậy, xin cô đừng giận.
Anh viết : «Hai lần trước trong KUSS và cả lần này tôi đều xác nhận tôi không phải nhà phê bình…tôi chỉ nêu lên cảm nhận rất chủ quan của mình về thi ca của một người tôi hằng ngưỡng mộ” (tôi tự ý bold mấy chữ, vài đoạn sau cũng vậy). Rồi cô TH lại về hùa: “Anh Nguyễn Anh Khiêm đã nói rõ ràng như thế thì tại sao anh Vũ Lưu Xuân lại nhất định đó là một bài phê bình văn học để "bắt" anh NAK phải tôn trọng phương pháp luận, phải không được chủ quan?” Nói vậy nhưng không phải vậy đâu. Thưa anh và thưa cô, lấy thí dụ, tôi sinh ra đứa con, nếu trên thân nó có cái “vòi”, thì tôi buộc phải coi nó là một “thằng cu”, không phải vì tôi cực lực phủ nhận, mà đương nhiên nó biến thành “cái gái”. Một bài văn cũng thế, nếu nội dung có các phần : phân tích, đánh giá và đối chiếu, thì dù muốn dù không, cũng phải gọi nó là một bài “phê bình văn học”. Và đã là “phê bình văn học” thì phải tuân theo phương pháp luận. Phương pháp luận nằm trong luận lý học hình thức, nó đề ra những quy tắc áp dụng trong từng bộ môn đặc thù, cả nhân văn lẫn tự nhiên. Điều này không phải tôi bịa ra đâu, chính các ông rất to dạy đó, tiếc rằng tôi không nhớ tên.
Cô TH viết: "...đọc TSH, tôi vẫn thấy thấp thoáng rất nhiều ý tưởng "siêu hình" mà với tôi là đồng nghĩa với "khó hiểu". Tới đây xin mở ngoặc. Vào thập niên 60, rồi nửa đầu thập niên 70, ở nước ta xuất hiện một luồng gió mới: Hiện sinh, và trong thế hệ tôi vừa trưởng thành, một số người trẻ, được, hoặc tự coi là trí thức, vội vã choàng vào chiếc áo Hiện sinh, nhiều khi không hợp với khổ người. Trong đó có cả một bộ phận nhà văn, nhà thơ. Phong trào Hiện sinh xuất hiện với tư tưởng chủ đạo: nỗi băn khoăn, ray rứt vì thân phận bi đát, được thể hiện ở cả mặt tư tưởng lẫn văn học. Hiện sinh là con đẻ của xã hội tư bản, công nghiệp, một xã hội thừa mứa vật chất, nhưng lại rất thiếu hụt về mặt tinh thần, gây nên tâm trạng chán nản, trống rỗng, buồn nôn. Còn xã hội miền Nam chúng ta lúc ấy thì sao? Không cần nói, chắc ai cũng hiểu. Và nên nhớ rằng, Sartre, với cuốn La Nausée, được coi là ông tổ của dòng Hiện sinh vô thần, lúc cuối đời, trả lời cuộc phỏng vấn, ông đã thẳng thắn thừa nhận: “trong một thế giới đói khát, cuốn La Nausée chẳng đáng giá gì” (dans un monde qui a faim, la Nausée ne vaut rien). Sartre hoàn toàn không phủ nhận giá trị của đứa con tinh thần, ông chỉ muốn so sánh giữa hai nỗi đau: “nỗi đau hữu hình” (le mal physique, ở đây là nạn đói) và “nỗi đau siêu hình” (le mal métaphysique, tức nỗi đau vì thân phận bi đát), và nhận ra rằng: trước “nỗi đau hữu hình” thì “nỗi đau siêu hình” chẳng thấm thía gì.
Ở giai đoạn lịch sử ấy, trước mắt, và trong đời thường, chúng ta có bắt gặp “nỗi đau siêu hình” nào không? Các anh làm sao thì tôi không biết, còn tôi, vây bủa quanh tôi toàn là “nỗi đau hữu hình”. Xin kể vài chuyện nhỏ. Tôi dạy học ở tỉnh chiến lược Hậu Nghĩa, một tỉnh rất nghèo, toàn tỉnh chỉ có mỗi con đường độc đạo. Tại đây, suốt sáu năm tôi dạy, đêm nào cũng có pháo kích. Con đường lổn nhổn, đổ đá lẫn đất, từ Củ Chi dẫn vào, dài 14 km, thỉnh thoảng lại nổ mìn. Một hôm trên đường, vừa đi được một quãng, chiếc xe lam phía sau phát nổ, chỉ còn lại một người ngáp ngáp. Chị phụ nữ bị hất tung lên, rơi xuống đất, đầu cắm vào lỗ mìn, hai chân chổng ngược lên trời… Học trò của tôi nghèo lắm và đời chúng cũng buồn lắm. Trước giờ vào lớp, sáu đứa học sinh đệ lục kéo nhau ra bờ ruộng “xây chừng” với mấy trái cóc, ổi. Vào lớp khật khưỡng và… ngủ… Có đứa nữ sinh đệ lục, rút súng trong giỏ lác, “xử tử” thằng học sinh đệ tứ tại nhà... Một buổi tối, thằng học sinh sắp thi tú tài, rụt rè gõ cửa từ biệt. Nó không nói, và tôi cũng không hỏi nó sắp đi đâu, nhưng tôi biết. Nó xin tôi điếu thuốc, tôi thấy tay nó run và môi nó run. Tôi vỗ vai: “Ừ, em đi đi”. Mỗi người có một định mệnh, nhiều khi do chính mình chọn lựa. Và nó chọn lựa dấn thân, đúng hay sai, chưa tính tới. “Ừ, em đi đi”, thế cũng đủ rồi… Vậy đó, những nỗi đau hữu hình” ngày đêm hiển hiện trước mắt tôi, đập vào cảm xúc tôi, “nỗi đau hữu hình”, rất đen đúa, không ở trên trời, mà nằm sát rạt mặt đất, đó là chiến tranh, là chết chóc, là những thây người, là nghèo đói và dốt nát. Trong lúc ấy văn chương Hiện sinh của chúng ta, đa phần toàn suy niệm những chuyện rất cao siêu, rút từ một tâm thức vay mượn tận đâu đâu, ở một thế giới chẳng có gì gần gũi với mình, và diễn tả bằng thứ ngôn từ rất kênh kiệu, khó hiểu. Đó chính là một trong các lý do khiến tôi nản đọc. Xin hỏi các đồng môn, ở vào cảnh ngộ đó, nếu tôi không đủ can đảm đọc thứ văn chương bí hiểm, rất ư làm dáng, kiểu “hiếp dâm mặt trời”, liệu tôi có đáng kết tội “khinh người” không? Đọc thế thì chẳng thà dẹp quách, vào trường đua Phú Thọ, bắt con Thần Phong, kéo xuống Mỹ Châu, may ra có cơ ăn ngược, kiếm mỗi vé mấy bò. Tất nhiên, không thể vơ đũa cả nắm, trong số các nhà văn miền Nam thời ấy, cũng có nhiều nhà văn trung thực, rất đáng đọc, và rất đáng trân trọng, nhưng đã bị tôi “hẹn lại” một cách oan uổng, về sau chẳng còn cơ hội nào đọc nữa. Điều này lỗi ở tôi.
Anh viết: “Tôi đâu có mục đích hạ thấp giá trị mấy bài kia để tôn vinh bài này”. Vậy khi viết câu: “Bài hành đồ sộ dài 64 câu, bài thơ lớn không phải vì dài mà vì tư tưởng nhân bản, chủ đề sâu sắc, chữ nghĩa rực rỡ cùng nghệ thuật diễn đạt tuyệt luân, vượt xa mọi mặt một trời (không hiểu sao anh lại bỏ vế hai: “một vực”) với mấy bài Tống Biệt Hành và Hành Phương Nam được nhiều nhà phê bình và độc giả luôn nhắc tới của Thâm Tâm và Nguyễn Bính » xin hỏi anh muốn nói gì? Theo tôi, anh không chỉ “hạ thấp giá trị”, mà còn dìm xuống (dưới vực) nữa đấy chứ (TSH vượt xa, không chỉ một mặt, mà mọi mặt, xin lỗi vì đã tăng corps chữ), và hình như anh còn có ý coi thường “nhiều nhà phê bình và độc giả luôn nhắc tới…”, phải chăng, mặt trời đã mọc rồi, ngó làm chi mấy cái ngôi sao bé tí tì ti. Thưa anh, ở địa vị người mê "Hành Phương Nam", nếu đọc câu trên của anh, liệu họ có thấy “anh thật đáng giận” không? Họ không được phép nổi giận sao?
Một cô bạn gửi mail cho tôi: “Tôi đồng ý với anh hoàn toàn về vấn đề Tống Biệt Hành của Thâm Tâm và Phương Nam Hành của Nguyễn Bính. … Bài Phương Nam Hành thì dài lắm, mỗi lần cầm lên đọc tôi vẫn thấy xúc động, trong khi bài Trường Sa Hành vì là "thơ mới", vần điệu "khúc khủy", lo đọc cho khỏi trẹo lưỡi nên bị distract, khó xúc động...”. Có cần nêu tên cô ta để anh hỏi tội không?
Anh viết: “Tôi nghĩ anh thật giỏi khi đọc thơ mà không hề có ý so sánh nhà này với nhà nọ”. Đúng như anh nhận xét. Khi đọc, tôi tuyệt đối không so sánh, mà chỉ cố tìm, và cố cảm ở mỗi bài một sắc thái riêng, một vẻ đẹp riêng, đôi khi “không giống ai”, tôi chấp nhận mọi nét cá biệt. Anh thích mặt trời buổi sáng vì nó to và rực rỡ, nhưng có người lại thích vẻ đẹp hư huyễn của vừng trăng, dù khuyết, mỏng như lá lúa, hay đầy, ở độ mãn khai, rồi trong đêm không trăng, một trời sao lấp lánh cũng có người cho là đẹp. Thưa anh, anh thử so sánh cái nào đẹp hơn, và cái nào đẹp nhất, còn tôi, tôi chấp nhận mọi vẻ đẹp, và cám ơn nhà văn nào đó đã đem lại cho tôi chút sảng khoái khi được thưởng thức một vẻ đẹp bất kỳ. Lý do, tôi không kẻ sẵn một “tiền đề” trước mắt…
Tuy chưa nói hết ý, nhưng dài rồi, xin tạm dừng. Quay sang TH, bài của cô viết cũng còn năm điều bảy chuyện đáng để “cãi nhau”, nhưng mệt quá, cô cho khất lại, OK? Thật tình, khi góp ý với anh NAK, tôi chỉ muốn site của chúng ta “sôi” lên một tí, vì độ rầy, nó có vẻ trang nghiêm quá. OK lần nữa chăng? Tôi cũng mong được đón nhận những ý kiến trái chiều, để “cãi nhau” cho vui, hứa trước, không giận.
Vũ Lưu Xuân
(cựu SV ĐHSPSG, ban Việt Hán, 1964-1968)