Nghĩ về bài “Nghĩ về …”
Vũ Lưu Xuân
Cái tựa tối mù, xin nói rõ hơn: Nghĩ về bài “Nghĩ về bài thơ Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên”, tác giả: Nguyễn Anh Khiêm.
Tôi may mắn quen với anh Nguyễn Anh Khiêm và đã đọc một số bài viết của anh. Qua đó, tôi bắt gặp một con người bộc trực, thẳng thắn. Anh luôn trình bày chân thực những cảm nhận và suy nghĩ riêng, cho dù đôi lúc có phần cực đoan. Mới đây, tôi được đọc bài nêu trên, trong trang mạng ĐHSPSG, ngày 26.10.2012. Vì là suy nghĩ riêng, nên mỗi người mỗi ý, làm sao thống nhất được. Bởi vậy, ở đây, tôi cũng xin “chân thực” trình bày đôi chút “suy nghĩ riêng” về một vài điểm, mà tôi chưa hoàn toàn đồng tình. Nếu có gì thất thố, xin anh thứ lỗi cho.
Trước hết, bài viết của Anh Khiêm không đơn thuần là những cảm nhận nghệ thuật, mà thực sự là một bài “phê bình văn học”, vì có phân tích (nội dung một số đoạn và nghệ thuật dùng từ…), đánh giá (tư tưởng nhân bản, chủ đề sâu sắc, chữ nghĩa rực rỡ cùng nghệ thuật diễn đạt tuyệt luân…) và đối chiếu (so sánh với Tống biệt hành và Hành phương Nam). Nếu chỉ là cảm nhận riêng, chúng ta có thể viết thế nào cũng được, vì cảm nhận mang tính chủ quan, nhưng phê bình văn học thì khác. Phê bình văn học, ngoài tính nghệ thuật, còn đòi hỏi tính khoa học (tất nhiên không thể cứng nhắc), tức là phải tuân theo nhưng quy tắc của phương pháp luận trong phê bình.
Điểm chính tôi muốn trao đổi với anh là câu: …vượt xa mọi mặt một trời với mấy bài Tống Biệt Hành và Hành Phương Nam được nhiều nhà phê bình và độc giả luôn nhắc tới của Thâm Tâm và Nguyễn Bính.
Xin khẳng định trước, viết bài này, tôi hoàn toàn không có ý phân tích, phê bình, hoặc đả kích Tô Thùy Yên (TTY), một nhà thơ mà tài năng đã được độc giả miền Nam công nhận lâu rồi, từ trước 75, và cũng không hề có ý chê bài giá trị bài Trường Sa Hành, vì chính tôi đọc cũng thấy hay, mà chỉ xét lại điều Anh Khiêm đã “nghĩ về…”.
Một cách cụ thể: tôi có thể đặc biệt yêu thích một nhà văn, nhà thơ X nào đó, được. Tôi có thể dùng mọi thứ mỹ từ để phân tích, tán tụng tới mây xanh, được, vì đó là suy nghĩ của riêng tôi, và có lẽ nhiều người cũng đồng tình. Tôi có thể đối chiếu để nhận định nhà văn, nhà thơ X của tôi (ở đây là TTY) vượt trội hơn nhà văn, nhà thơ Y nào đó (ở đây là Nguyễn Bính và Thâm Tâm), cũng được nốt, nhưng tới chỗ này thì khác rồi, phương pháp luận trong phê bình buộc tôi phải chứng minh một cách cụ thể: X hơn hẳn Y ở những điểm nào. Nếu không chứng minh được, nhận định của tôi chỉ có tính cách vu vơ, võ đoán, thiếu cơ sở, và không thuyết phục được người đọc.
Giả dụ, tôi nói cho sướng miệng: thơ Vũ Lưu Xuân hay gấp trăm lần truyện Kiều. Sướng thầm trong bụng thì được, nhưng nếu công bố mà không chứng minh, thì thiên hạ sẽ treo cổ tôi lên. Hoặc – lại giả dụ nữa – là người hâm mộ Nguyễn Bính, tôi kết luận: Trường Sa hành so với bài Hành phương Nam chẳng thấm thía gì, chỉ như con đom đóm trước ánh sáng mặt trời (lộng ngôn một tí), thì vô số người sẽ lôi tôi ra ném đá, chắc trong đó có cả AK.
Cũng xin anh nhớ rằng, ba bài Hành phương Nam, Tống biệt hành và Trường Sa hành được sáng tác trong những tâm thức và bối cảnh hoàn toàn khác nhau. Hành phương Nam là tâm sự của một người bất đắc chí, lưu lạc phương xa, tết đến nhớ nhà… Tống biệt hành là tâm sự của kẻ phải tiễn biệt người thân ra đi, và không biết bao giờ mới mong gặp lại. Còn Trường Sa hành gắn liền với một biến cố lịch sử, qua đó bàng bạc nỗi xót xa và tấm lòng yêu nước của TTY. Như vậy, dù tâm sự của tác giả Trường Sa hành đáng trân trọng, nhưng làm sao có thể xếp ba bài cùng một mâm, để đối chiếu, phân định hơn thua. Chẳng hạn, anh không thể so sánh bài “Thương vợ” của Tú Xương, với bài “Đập đá Côn Lôn” của Phan Chu Trinh, dù cả hai đều xuất phát từ “tình yêu”, nhưng “yêu vợ” khác với “yêu nước”. Hơn nữa nghệ thuật diễn đạt của hai bài Tống biệt hành và Hành phương Nam không phải tồi đâu. Có thể anh không thích nên không thấy, nhưng tôi, tôi thích đấy, và cũng đủ khả năng phân tích, ca tụng theo kiểu anh đã phân tích bài Trường Sa hành. Văn chương tự cổ vô bằng cớ mà. Nhắc tới câu này, tôi xin mở ngoặc nói thêm một chút: câu “văn chương tự cổ vô bằng cớ” có thể hiểu theo hai nghĩa:
Một: từ trước tới nay, văn chương thường không có những cơ sở lập luận kiểu một với một là hai, nên anh có quyền viết lách thế nào cũng được, miễn sao đừng phi lý quá, chẳng hạn khen bài “con cóc trong hang…” (tôi hoàn toàn không có ý ám chỉ thơ TTY) là một kiệt tác.
Hai: câu trên là một cách tự biện minh của người viết. Thật ra, văn chương không phải vô bằng cớ đâu, mà chỉ vì chúng ta chưa đủ sức trưng ra bằng cớ mà thôi.
Sang qua ý khác: Tôi tin mình không quá đà khi một lần nói chuyện qua email với nhà văn Nguyễn Thị Thảo An rằng có thể lật trang hai tập thơ TTY để bói như người ta bói Kiều.
Thơ TTY liệu bao biện được bao nhiêu cảnh ngộ của đời sống muôn vàn ngóc ngách, để người ta có thể dùng bói như bói Kiều. Thí dụ, một thiếu nữ tới tuổi mơ mộng, một hôm thắp nhang, lầm rầm khấn vái: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều…”, rồi nhắm mắt lại, lật sách ra, chỉ tay vào một dòng bất kỳ, nếu vớ được câu:
Một chàng vừa trạc thanh xuân
Hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng
thì đời em sắp nát thành tương mất rồi. Bói Kiều như vậy, chẳng hiểu bói TTY thế nào?
Tôi muốn nhắc thêm một suy nghĩ khác của AK, khi nhận định về thơ TTY, anh viết trong một mail gửi chung cho các thân hữu: … Phạm Quỳnh nói truyện Kiều còn thì tiếng ta còn. Tôi không che giấu gì mà nói rằng thơ Tô Thùy Yên còn thì tiếng ta còn... nếu là mail giữa hai cá nhân, tôi không có quyền trích dẫn, nhưng đây là mail gửi chung cho bạn bè, hiểu như một lời công bố, nên xin được trích dẫn và nhận xét đôi chút.
Cần lưu ý, khi viết câu trên, Phạm Quỳnh muốn nhấn mạnh tới tác động của truyện Kiều đối với tiếng Việt, và vì ngôn ngữ là công cụ tối cần thiết để kết dính những người nói cùng một thứ tiếng, nên Phạm Quỳnh thêm: “… tiếng ta còn, nước ta còn”. Tác động của Nguyễn Du, cụ thể là Truyện Kiều đối với tiếng Việt thế nào, xin thử chứng minh. Tôi muốn trưng ra hai đoạn ngắn, một của Nguyễn Du và một của ca dao:
Kiều
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
Ca dao
Đêm qua ra đứng bờ ao,
Trông cá: cá lặn, trông sao: sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tơ,
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai ?
Buồn trông chênh chếch sao mai.
Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng giải ngân hà,
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn.
Đá mòn, nhưng dạ chẳng mòn.
Tào khê nước chảy hãy còn trơ trơ
Hai đoạn thơ giống nhau một cách lạ lùng, từ việc cấu tứ (buồn trông), tới việc sử dụng phương pháp liên tưởng để diễn tả tâm trạng: giữa cảnh tột cùng cô đơn, hoang mang, Kiều và cô gái trong ca dao đều nhớ tới người yêu của mình. Mỗi hình ảnh nhắc tới (cửa biển, cánh buồm, hoa trôi… sao, nhện, ngân hà…), đều có giá trị tương tác, gắn chặt với tâm trạng, theo luật liên tưởng. Rõ hơn một chút: thuyền, cánh buồm, giữa biển cả mênh mông, về chiều, gợi nghĩ tới thân phận bấp bênh, bơ vơ, lạc lõng giữa muôn trùng sóng gió. Cá lặn, sao mờ, gợi nghĩ tới tình cảnh bẽ bàng và bất lực của con người trước định mệnh khắt khe… (vì giới hạn của bài viết, tôi không đào sâu thêm).
Ở đây không thể kết luận một cách võ đoán: Nguyễn Du chịu ảnh hưởng của ca dao, hay ca dao gợi hứng từ Nguyễn Du, nhưng có thể khẳng định một điều mà không sợ sai: Hồn Nguyễn Du đã hòa quyện vào hồn dân tộc, thơ Nguyễn Du đã lẩn khuất trong ngôn ngữ văn học dân tộc (xin lưu ý, cả đoạn trên, nhà nho uyên bác Nguyễn Du không hề dùng một từ Hán-Việt nào). Như vậy, Phạm Quỳnh không hề lộng ngôn, hơn nữa, trong buổi giao thời, thông qua việc đề cao giá trị truyện Kiều, Phạm Quỳnh còn muốn cổ võ cho phong trào dùng tiếng Việt.
Một thí dụ khác: cái hồn tính chân chất, hào sảng của người dân Nam bộ xưa kia, phần nào hình thành từ những lần “ra chợ vào quán, nghe kể Lục Vân Tiên”. Tác động của nhà văn lớn đối với dân tộc là như vậy. Thử hỏi bao nhiêu phần trăm người Việt biết đến Truyện Kiều, và bao nhiêu phần trăm người Việt đã đọc thơ TTY. Như vậy tác động của TTY đối với dân tộc lớn tới mức nào, mà anh lại cho rằng: thơ Tô Thùy Yên còn thì tiếng ta còn.
Tới đây xin bẽn lẽn nói nhỏ một điều: dù được chế độ cũ đào tạo chính thức để dạy Việt văn, nhưng trước khi đọc NAK, tôi chưa hề đọc một câu nào của TTY, kể cả nhiều nhà thơ, nhà văn miền Nam nổi tiếng khác. Nói thế không phải tôi có ý miệt thị các tác giả, mà chỉ vì cái bệnh “lười lớn” (đại lãn), tính trời, vốn xấu, biết sao. Hơn nữa tôi muốn “tìm” và “sống” cảm xúc thực sự của mình giữa đời thường, hơn là nhờ người khác cảm xúc hộ. Cuộc đời ngắn quá mà, sống còn chưa đủ thời gian… nếu đồng môn nào chê tôi là ếch ngồi đáy giếng, kiến thức nhỏ bằng hạt đậu, cũng đành, thở dài một tiếng, rồi lại rong chơi, kệ, thật tội lỗi, tội lỗi! – Lời tự thú đáng xấu hổ này chỉ muốn chứng minh một điều: dù không “có” TTY, nhưng tiếng Việt của tôi vẫn “còn”, và vẫn lằng nhằng xài được.
Trong thư, anh đính kèm một mail riêng của nhà văn Nguyễn Thị Thảo An, gửi cho TTY*, nội dung mail cũng có vô số điều đáng để bàn, nhưng vì là thư riêng, nên tôi không tiện đụng tới.
Vũ Lưu Xuân
(cựu SV ĐHSPSG, ban Việt Hán, khóa 1964-1968)
* Sơ thảo của nhà văn Nguyễn thị Thảo An gửi cho thi sĩ Tô Thùy Yên và bài thơ "Ta về" là do admin trang web ĐHSPSG tự ý đăng thêm vào bài "Nghĩ về bài TSH của TTY" như một phụ chú chứ không phải do tác giả Nguyễn Anh Khiêm đính kèm.
(đính chính của admin website ĐHSPSG)