banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 09.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Ngôn sử 3
Khi vừa tốt nghiệp cử nhân văn khoa thì miền Nam thay đổi chế độ, hắn mở một quán cà phê nhỏ để sống qua ngày. Thì giờ rảnh rỗi hắn nghiên cứu về một môn học mà hắn gọi là môn “ngôn sử”.
Hắn nói ngôn sử tiếng Pháp philologie, tôi chẳng hiểu gì cả. Hắn giải thích đó là môn học nghiên cứu lịch sử, cấu trúc và cách tạo thành của ngôn ngữ. Tôi vẫn mù tịt. Hắn bảo tôi :
- Bôn ba không qua thời vận. Mày xông xáo như thế mà cuối cùng lại chẳng ra gì so với tao. Chính mầy hơi bị nhỏ đấy. Chúng nó ăn hối lộ và buôn lậu, nhiều tiền bẩn quá phải mua nhà đất để tẩy, sau khi lịch sự mất vài trăm cây.
- Lịch sự?
- À, đó là một tiếng mới
Hắn cười to.
- Bây giờ người ta không nói đút lót hay đưa hối lộ nữa, xưa rồi! Bây giờ người ta nói là “lịch sự”. Lịch sự trở thành một động từ. Làm cái gì cũng phải “lịch sự” mới xong…
(Lượm lặt của thiên hạ - Web: bacdau.wordpress.com)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Đánh giày: Không phải là đánh, đập, mà là “o bế” đôi giày.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)

Khuyển ưng
Trong truyện Kiều, Nguyễn Du có câu:
Sửa sang buồm gió lèo mây
Khuyển ưng lại chọn một bầy côn quang
Khuyển ưng: Chó săn và chim ưng
Côn quang: Côn đồ, hung dữ
(Khải-Chính Phạm Kim-Thư, báo Tự Do)

Tục ngữ Ta và Tầu
Thánh còn có khi nhầm lẫn
Thần tiên dã hữu nhất thời thác
(Thần tiên cũng có lúc sai lầm)
(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)
Văn chương... Xã hội chủ nghĩa!
Kính thưa quý vị, sau năm 1975, văn chương tại miền nam VN xuất hiện nhiều danh từ kỳ lạ, khó hiểu và thậm chí sai nghĩa. Tôi xin được góp nhặt loại chữ nghĩa kỳ quái này để cùng nhau góp phần làm trong sáng tiếng Việt. Hôm nay, tôi đọc được một bản tin trên báo điện tử trong nước có câu như sau:
"Vụ thứ hai là chiếc xe tải đang chạy trên cầu, lốpbị va vào vật nhọn gây ra một tiếng nổ lớn. Bị mất lái, chiếc xe ôtô này đã quay ngang ra đường. Rất may nhiều phương tiện, đi sau đã phanh kịp nên không xảy ra sự cốđáng tiếc… "
Chỉ nội trong một câu ngắn ngủi như trên, người viết bản tin đã dùng nhiều từ tiếng Pháp và một số chữ rất khó hiểu, và vô nghĩa.
- "lốp": sao không dùng "vỏ xe" có phải tốt hơn không?
- "bị mất lái" thường dùng là "lạc tay lái" dễ hiểu hơn?.
- "xe ôtô": ta thường dùng là "xe hơi".
- "phương tiện" là "phương tiện vận chuyển". Trong trường hợp này, chỉ cần dùng chữ "xe" là đủ nghĩa và đơn giản hơn.
- "phanh" tại sao không dùng chữ "thắng" thuần tuý tiếng Việt?
- "sự cố" việc xẩy đến bất ngờ, có tầm quan trọng. Tại sao họ không dùng "tai nạn"?
Đáp: Lãng xẹc! Mắc chứng chi bạn lại hỏi…tui?
(Trau giồi tiếng Việt - ĐatViet.com)

Kẽ
Kẽ : bắt bẻ
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Nhà thơ Diên Nghị và Đức Cố hẳn là cũng không tán thành lối cải cách của ông Nhự khi đưa ra thí dụ chép truyện Kiều như sau:
Trăm năm trong kõj người ta
Cữ tài, cữ mệnh qéw là gét nhaw .
Trải kwa một kuộk bể zâu
Những diềw trông thấj mà daudớn lòng
Lạ jì bỉsắc tưfong,
Trời xanh kwen thój má hồng dánh gen.
Kảw thơm lần jở trướk dèn
Fongtình kổlụk kòn trwiền sử xanh
(Chuyện cải cách tiếng Việt – Đặng Trần Huân)
Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Xem ngày kén giờ 
Việc cưới xin, việc làm nhà cửa, việc vui mừng khai hạ, việc xuất hành đi xa, việc khai trương cửa hàng, cửa hiệu, việc gieo mạ cấy lúa, việc tế tự, việc thương biểu, việc nhập học, việc xuất quân, việc an táng... việc gì thường cũng bắt đầu làm việc gì, hoặc động thổ hoặc xuất hành, hoặc khai bút, khai ấn... lại cần xem ngày lắm. Đến những việc vụn vặt như cạo đầu xỏ tai cho trẻ thơ, việc tắm gội, may áo... cũng có người cẩn thận quá trong kén ngày.
Kén thì phải xem đến lịch. Sách lịch do toà khâm thiên giám soạn ra. Mỗi năm về ngày mồng một tháng chạp, Hoàng Đế ngự điện khai trào, các quan Khâm thiên giám cung tiến Hiệp Kỷ Lịch, rồi khâm mạng vua mà ban lịch khắc nơi...Ban lịch trọng thể nhất là để cho thiên hạ biết chính xác nhất tiết khí, tháng thiếu tháng đủ, ngày tốt ngày xấu, để tuân hành được đều nhau.
Đại để ngày nào có nhiều sao cát tinh như thiên đức, nguyệt đức, thiên ân, thiên hỷ... hoặc là ngày trực khai, trực kiến, trực bình, trực mãn thì là ngày tốt. Ngày nào có những sao hung tính như sao trùng tang, trùng phục, thiên hình, nguyệt phá thì là ngày xấu.
Kiêng nhất là ngày sát chủ, ngày thụ tử, việc gì cũng phải tránh. Mỗi tháng có ba ngày là ngày năm, mười bốn, hai mươi ba, gọi là ngày nguyệt kỵ, việc gì cũng nên kiêng và nhất là nên kiêng nhập phòng. Trong một năm lại có mười ba ngày gọi là ngày Dương công kỵ nhật, hết thảy việc gì cũng phải tránh những ngày ấy.
Đến đời sau các nhà âm dương thuật số mỗi ngày mới bày thêm ra ngày tốt, ngày sao xấu, ngày này nên là việc nọ, ngày kia nên làm việc kia. Hết ngày rồi lại có giờ sinh, giờ hợp, giờ xung, giờ khắc, động làm việc gì cũng phải xem ngày, kén giờ, thực là một việc phiền toái quá. Đã đành làm việc gì cũng nên cẩn thận, mà chọn từng ngày, kén từng giờ mà phí câu nệ khó chịu. Mà xét cho kỹ thì có ích gì đâu, chẳng qua việc thành hay bại cốt do ở người chớ có quan hệ gì ngày tốt hay ngày xấu.
(Trích "Việt Nam phong tục" Phan Kế Bính)

Bồi tiếp
Truyện Nhị Độ Mai có câu “Và trong bồi tiếp tiệc hoa”.
Bữa cơm, chủ nhà ngồi một bên khách để tiếp đãi gọi là bồi tiếp.

***
Đồng thời cũng trong tiệc rượu với “bôi bàn
Bôi bàn – Bôi: rượu. Bàn: mâm, chỉ tiệc rượu.
Thơ có câu:
Bôi bàn rộn rịp linh đình, lễ khao tướng sĩ xuất chinh chọn ngày

Giai thoại làng văn
Tôi nhớ lại lúc ông Nguyễn Văn Vĩnh sắp lên đường sang Lào để tìm vàng, công nợ ngập đầu, mà cứ cố sống cố chết bám vào tờ “Trung Bắc”, “Học Báo” và “Annam Nouveau” để viết. Toàn quyền Pasquier, một hôm, gặp Nguyễn Bá Trác (lúc ấy vừa ở Nhật về), hỏi theo ý Trác thì nhà cách mạng Việt Nam nào nguy hiểm nhất. Trác trả lời “Nguyễn Văn Vĩnh”. Toàn quyền Pasquier nhờ sở Mật thám điều tra xem ông Vĩnh còn nợ ngân hàng và tư nhân chừng bao nhiêu tiền. Số nợ ấy, so với lúc ấy, thật lớn: từ 6 đến 800.000 đồng. Toàn quyền Pasquier nhờ một người thân tín của ông Vĩnh bắn tiếng đến tai ông: nếu ông Vĩnh bằng lòng ngưng công kích Bảo Đại và bút chiến với Phạm Quỳnh, gấp đôi số nợ ấy cũng sẽ được trang trải êm ấm mà không cần phải bận tâm gì hết.
Nghe thật bùi tai, nhưng ông Vĩnh đã không biết thoát khỏi nghề báo vào chính lúc có cơ hội tốt. Và không phải là tiên tri, người ta đã biết kết cục ra sao: “Học Báo” nguyệt san giáo khoa độc nhất còn được Pháp trợ cấp sang tay Lê Thăng, “Trung Bắc” về cụ Luận, còn “Annam Nouveau” thì chết, mà ông Vĩnh thì khăn gói gió đưa sang Lào để tìm vàng; nhưng mỏ vàng chưa thấy đâu thì đã mất ở chốn ma thiêng nước độc. Một lần nữa, tôi lại muốn ly khai với nghề báo, vì mỗi ngày mỗi thấy thêm sự chán chường.
(Vũ Bằng – Bốn mươi năm nói láo)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Hữu duyên thiên lý i-meo lại,
Vô duyên đối diện cãi nhau hoài.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Có thể bị ám ảnh về kiến thức uyên bác của mình, về những điều đã dày công học hỏi và nghiên cứu nên thạc sĩ ngôn ngữ học Dương Đức Nhự thấy cần phải thay đổi một cái gì mà ông cho là mới chăng? Nhưng thực ra những cải cách của giáo sư Nhự tưởng là mới lại không có gì là mới cả. Viết toàn I ngắn thì đã có từ khi Paulus Của viết tên ông là Hùinh Tịnh Của vào cuối thế kỷ thứ 18. Nguyễn Hữu Ngư cũng chỉ làm công việc lặp lại. Còn cộng sản Hà Nội thì quen cách cai trị theo lối độc tài nên đãø ra hẳn một pháp lệnh về việc thay đổi I ngắn, Y dài.
Cách viết tiếng Việt với những chữ cái la tinh F, J, W, Z thì ông Hồ đã thực hiên và lần cuối cùng là trong chính di chúc viết tay của ông đã có những chữ nhân zân, fe xã hộïi chủ nghĩa, fục vụ, Đỗ Fủ . . . Lối viết đó được các đàn em bợ đỡ, điển hình nhất là Nguyễn Kim Thản, viện trưởng Viện Ngôn Ngữ Học đã tâng bốc như sau:
Ngay từ khi viết đường Kách Mệnh người đã dùng F thay Ph, Z thay D và G , dùng K thay cho C, bỏ H trong GH và NGH.
Những người làm công tác ngôn ngữ học ở nước ta ngày nay vô cùng khâm phục những sự sửa đổi nói trên của Bác. Thiên tài và sự vĩ đại của Bác biểu hiện ở từng việc làm, từng chủ trương cụ thể như vậy đó . . . (Tiếng Việt Của Chúng Ta, Nxb Thành Phố Hồ Chí Minh, 1983, tr. 40).
(Chuyện cải cách tiếng Việt – Đặng Trần Huân)

Cửa Bồ Đề
Cửa Bồ Đề: cửa Phật, nhà chùa.
Bồ đề vốn là chữ Phạn, nghĩa là đạo, là giác ngộ theo nghĩa của nhà Phật.

Cải tạo tiếng Việt
Cách viết tiếng Việt với những chữ cái la tinh F, J, W, Z thì ông Hồ đã thực hiên và lần cuối cùng là trong chính di chúc viết tay của ông đã có những chữ nhân zân, fe xã hộï chủ nghĩa, fục vụ, Đỗ Fủ . . . Lối viết đó được các đàn em bợ đỡ, điển hình nhất là Nguyễn Kim Thản, viện trưởng Viện Ngôn Ngữ Học đã tâng bốc như sau: ”…Ngay từ khi viết Đường Kách Mệnh người đã dùng F thay Ph, Z thay D và G , dùng K thay cho C, bỏ H trong GH và NGH. Những người làm công tác ngôn ngữ học ở nước ta ngày nay vô cùng khâm phục những sự sửa đổi nói trên của Bác. Thiên tài và sự vĩ đại của Bác biểu hiện ở từng việc làm, từng chủ trương cụ thể như vậy đó…” (Tiếng Việt Của Chúng Ta).
Nghe đã thấy mê ly ngây ngất chưa?
Di chúc viết tay của ông Hồ với cách viết lố lăng như trên đã được chụp lại in trong báo Nhân Dân sau khi ông chết và năm 1976 cũng bút tích ấy trong cuốn Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Tiểu Sử Và Sự Nghiệp do Ban Nghiên Cứu Lịch Sử Đảng Trung Ương biên soạn. Sự thay đổi chữ nghĩa đó sau này đã được ban hành bằng một pháp lệnh của chính quyền và được thực hiện trong Từ Điển Tiếng Việt (Hoàng Phê) từ ấn bản 1988 và trong Đại Từ Điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý) do Bộ Giáo Dục xuất bản năm 1998.
(Đặng Trần Huân - Chuyện cải cách tiếng Việt)

Khỏe như vâm
Ta vẫn thường nói “khỏe như vâm”. Nhưng“vâm” là con gì?
Vâmcon voi, là tiếng gọi của người Nghệ Tĩnh.
Khỏe như vâm là khoẻ như voi.
(Trần Ngọc Ninh – Tuyết xưa
Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao
Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là "lộng ngữ" và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có:nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau.
Như gợi lên một ý nghĩa khác "tục" mà thanh bởi từ "đẩy" đa nghĩa (cả nghĩa trong khẩu ngữ) của câu ca dao sau đây:
Em ơi nên lấy thợ bào
Khom lưng ảnh đẩy cái nào cũng êm
Xét từ ngữ nghĩa tường minh của văn bản thì không có gì hết, nó chỉ miêu tả một hành động bình thường của anh thợ mộc làm động tác bào cây, gỗ, nhưng xét về nghĩa hàm ẩn của nó thì thật là "độc", mà cái "độc" ấy là do nghệ thuật "chơi chữ” tạo ra.
(Trần Minh Thương - Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam) >

Giai thoại làng văn
Trong một cuộc hội thảo, Dương Thu Hương lên diễn đàn, chị phát biểu “Đôi điều suy nghĩ về nhân cách của người trí thức”, phê phán nhiều văn nghệ sĩ tư cách rất hèn. Chị cũng phàn nàn về đời sống nhà văn. Chị nói: “Viết một tác phẩm rất khó nhọc mà nhuận bút thấp. Nếu tôi không say mê văn chương thì tôi đi làm thợ may hay bán bánh rán còn sống tốt hơn “.
Cả hội trường anh nào cũng mặt xanh nanh vàng cả.
Lại nhớ một lần tôi cùng Hoàng Ngọc Hiến tới trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, hôm ấy Dương Thu Hương đăng đàn diễn thuyết, tôi có đến nghe. Chị vừa nói vừa đi đi lại lại rất hiên ngang. Tôi nhớ loáng thoáng, mở đầu chị phê phán Hồ Chí Minh:
“Năm điều bác Hồ dạy, không nói yêu cha mẹ nên bây giờ trẻ con hư hỏng hết.”
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Kéc
Kéc* : con vẹt
(c* không là t*: con két)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn
Nhu cầu sáng tạo ra những từ ngữ mới là của nhà văn là ngôn từ và việc nhà văn nào cũng khát khao. Từ xưa đến nay đều như vậy. Như Nguyễn Du cũng thích nhào nặn từ ngữ, trong bài Vợ ốm, ông viết:
"Thình lình em ngã bệnh ngang
Phang anh xất bất xang bang thế này"
Tôi không tin trong từ điển có cụm từ "xấc bất xang bang", nhưng đặt vào đây thấy được, không đến nỗi bật ra - nó có vẻ như là bà con xa với từ "bang bách" vừa nói ở trên.
(Anh Ngọc – Tản mạn về từ mới)

Giai thoại làng văn xóm chữ
Đại phong
Một hôm rỗi rãi, vua kêu Quỳnh vào hỏi:
- Trên đời này có bao nhiêu thứ của ngon vật lạ ta đã đều ăn qua. Có còn thứ gì ngon mà lạ hơn không nhỉ?
- Có một món cực ngon gọi là đá hầm, bệ hạ đã nếm qua chưa ạ?
Vua nghe cái tên món ăn nghe lạ và bảo muốn thưởng thức món ấy ngay. Quỳnh thưa:
- Món ăn đó nấu rất công phu và tốn nhiều thời gian.
Hai hôm sau, đến nhà, vua thấy Quỳnh lăng xăng chạy tới chạy lui trong bếp. Thấy thế, vua lại càng nôn nóng, giục Quỳnh nấu mau mau. Quỳnh ra vẻ mệt mỏi, tâu:
- Xin bệ hạ đợi cho chút nữa, sắp xong rồi ạ.
Vua đành bấm bụng đợi. Tới sẩm tối Quỳnh cứ bảo là chưa được. Vua đói quá bèn nói :
- Không đợi được nữa! Trong nhà có thức gì khác cứ dọn lên cho ta ăn qua loa một miếng đi!
Quỳnh sai gia nhân dọn cơm lên phản. Vua nhìn thấy mâm cơm chỉ có vỏn vẹn đĩa rau luộc! Trong mâm có cái hũ sành nhưng vua không biết đó là gì! Vua chỉ vào cái hũ rồi hỏi :
- Trong đây đựng món gì?
- Thưa, đấy là món "đại phong" ạ!
Quỳnh rót một ít cái thứ nước sền sệt gọi là "đại phong" ra chén rồi mời vua chấm rau. Vừa nhai rau trong miệng, vua vừa thốt lên:
- Ngon quá! Nhưng sao lại gọi là đại phong?
Quỳnh thưa:
- Bẩm, phong là gió, đại là lớn, mà gió lớn thì đổ chùa ạ!
Vua ngẩn ra vì ngạc nhiên. Quỳnh giải thích tiếp:
- Ðổ chùa thì tượng lo. Tượng lo là…lọ tương.
(trích Giai thoại về Trạng Quỳnh)

(còn tiếp)