banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chữ nghĩa làng văn

15 tháng 08.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Ca dao và lịch sử
Lê Chiêu Thống lên ngôi vua, vì không phục Tây Sơn, đã lên nương náu tại đất Lạng Giang, và cử Hoàng Thái Hậu nhà Lê sang nhà Thanh xin quân cứu viện. Nguyễn Huệ sau khi phá được quân Thanh ở Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Bắc Bình Vương thắng trận vẻ vang tại gò Đống Đa khiến tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử rồi tiến vào thành, khiến cho Tôn Sĩ Nghị không kịp mặc binh giáp, bỏ cả ấn tín để chạy về tàu, kéo theo vua Lê Chiêu Thống không kịp đem theo Hoàng Thái Hậu.
Cho nên lúc bấy giờ trong dân gian mới có câu:
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.
(nguồn P.P.S)

Ngôn sử 2
Khi hắn vừa tốt nghiệp cử nhân văn khoa thì miền Nam thay đổi chế độ, hắn mở một quán cà phê nhỏ để sống qua ngày. Rảnh rỗi hắn nghiên cứu về một môn học mà hắn gọi là môn “ngôn sử”.
Hắn nói ngôn sử tiếng Pháp philologie, tôi chẳng hiểu gì cả. Hắn giải thích đó là môn học nghiên cứu lịch sử, cấu trúc và cách tạo thành của ngôn ngữ. Tôi vẫn mù tịt. Hắn giải thích:
- Mày thử xem, ngôn ngữ của người Việt thì không có gì cả mà cũng chẳng là gì cả, chỉ có chăng là bị bóc lột và đói triền miên, vì thế mà động từ căn bản của tiếng Việt là “ăn”.
Thắng bại gọi là ăn thua, thằng nào thắng thì có ăn, thằng nào thua thì không có ăn, với nghề nghiệp thì gọi là làm ăn, vợ chồng ăn ở, ăn nằm với nhau, nói chuyện là ăn nói, ăn ảnh, ăn khớp…
Ngay cả lúc chửi nhau cũng cho ăn cái này cái kia, hay là đồ ăn mày, ăn nhặt, ăn cắp, ăn giật. Cái gì cũng ăn cả vì đói quanh năm, lúc nào cũng bị miếng ăn ám ảnh. Bây giờ cũng thế, cái gì cũng đểu cáng cả. Chính quyền đểu, nhà nước đểu… Cái gì cũng đểu cả nên đểu hiện diện một cách trấn áp qua ngôn ngữ.
Nước mình đang ở thời kỳ đồ đểu.
(Lượm lặt của thiên hạ - Web: bacdau.wordpress.com)

Chữ nghĩa bói toán
Gieo quẻ đầu năm: Người tuổi sửu hợp với tuổi ngọ theo quẻ…ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Theo quẻ mèo mả gà đồng, tuổi mão với tuổi dậu sẽ có một tình yêu hoang dại. Trong khi đó tuổi mùi và tuổi tuất rất hợp với…quẻ treo đầu dê bán thịt chó.

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền
Có ngày tối ngày xấu không?
Có những bạn đọc hỏi: Chúng ta đã từng phê phán và sẽ tiếp tục phê phán mọi loại thầy bói, mê tín dị đoan, bịp bợm. Nhưng gần đây lại thấy nhiều người bảo: Khoa học có thể tính toán để biết trước ngày tốt, ngày xấu, thực hư ra sao?
Nghiên cứu về sự chết và tỷ lệ chết của con người, thấy có nhiều biến đổi tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây chết. Thí dụ: Vào khoảng 3-4 giờ sáng áp suất máu thấp nhất, não được cung cấp lượng máu ít nhất nên người bệnh hay bị chết nhất. Các cơn động kinh thường có giờ. Bệnh nhân hen cũng thường lên cơn hen về đêm vào khoảng 2-4 giờ sáng (trùng với thời gian bài tiết cóc- ti-cô-ít ra nước tiểu xuống tới mức thấp nhất).
Các vấn đề trên đây không phải là "thầy bói nói mò" mà dựa vào một dữ kiện thực tế nhất định. Nó cũng phù hợp với nhận thức về mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố địa vật lý vũ trụ với các quá trình hoạt động chức năng của cơ thể.

Vua Trần Minh Tông với việc chọn ngày làm lễ an táng mẹ
Năm 1332 Thuận thánh Bảo từ Hoàng Thái Hậu mất. Con là Thượng Hoàng Minh Tông lúc đó đã nhường ngôi cho con là Hiến Tông. Thượng hoàng sai các quan chọn ngày chôn cất. Có người tâu rẳng: "Chôn năm nay tất hại người tế chủ". Thượng hoàng hỏi : "Người biết sang năm ta nhất định chết à?". Người ấy trả lời không biết. Thượng hoàng lại hỏi: "Nếu sang năm trở đi ta chắc chắn không chết thì hoán việc chôn mẫu hậu cũng được, nếu sang năm ta chết thì lo xong việc chôn cất mẫu hậu chẳng hơn là chết mà chưa lo được việc đó ư? Lễ cát, lễ hung phải chọn ngày là vì coi trọng việc đó thội, chứ đâu phải câu nệ hoạ phúc như các nhà âm dương". Rốt cuộc vẫn cử hành lễ an táng.

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Vào thập niên 1960, khi in tập phiếm luận Chuyện Vô Lý của Lãng Nhân, nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư, Sài Gòn đã áp dụng lối viết các từ kép bỏ dấu nối và viết liền vào nhau như ânái, hạnhphúc, chínhchuyên, giađình…
Lối viết này mới trông cũng thấy ngồ ngộ nhưng không phải là không có trở ngạï. Nếu những từ kép ô mai, phát hành, bác sĩ thú y mà viết liền thành ômai, pháthành, bác sĩ thúy người ta cũng có thể lộn với ôm ai?, phá thành, bác sĩ Thúy. Phải chăng thấy chuyện thí nghiệm này cũng gian nan nên bút ký Chuyện Vô Lý lần đầu chỉ in 160 bản tặng bạn bè và chuyện dính liền cũng rơi vào quên lãng một thời gian khá dài.
Nguyễn Hữu Ngư một mình một chợ đưa ra nhiều thay đổi cách viết trong tiếng Việt như bỏ Y dài thay thế bằng I ngắn, bỏ phụ âm H trong GH, NGH v . v . . . Không ai nghe theo thì ông tự thực hành một mình. Ông bỏ tên Nguyễn Hữu Ngư của cha mẹ đặt để ký biệt hiệu là Nguiễn Ngu Í, Ngê Bá Lí đơn thương độc mã áp dụng lối viết ấy trong các tác phẩm của mình.
(Chuyện cải cách tiếng Việt – Đặng Trần Huân)

Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao
Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là "lộng ngữ" và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe. Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có: nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau. Như chơi chữ là cách dùng các từ đơn tiết đồng âm nhưng khác nghĩa:
Trời mưa, trời gió vác đó ra đơm
Chạy vô ăn cơm chạy ra mất đó
Kể từ ngày mất đó, đó ơi
Răng đó không phân qua nói lại đôi lời cho đây hay?
(Trần Minh Thương - Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao Việt Nam)

Tiếng Việt trong sáng
Giao hợp: Có một chuyện ghép từ rất khôi hài mà người ta thường hay kể lại. Chuyện thế nầy: Đồng chí giám đốc phái một nữ nhân viên qua một xí nghiệp bạn với lời dặn đò cẩn thận:
“Cô hãy sang đó và cố gắng thuyết phục cho họ giao hợp nhé”.
Ý đồng chí giám đốc muốn nói giao hợp có nghĩa là…“giao” thiệp và…“hợp” tác; không biết cô nữ nhân viên có hiểu đúng ý đồng chí giám đốc hay không.
(Triêu Thanh tạp chí)

Ca dao
Đề cập đến văn chương, chúng ta không thể nào bỏ qua nền thi ca bình dân mà ca dao là một trong những thể loại quen thuộc nầy. Từ lâu, ca dao đã đi vào lòng dân tộc về những nét bông đùa, hóm hinh, dí dỏm trong kho tàng văn chương bình dân của tiếng Việt ta. Như ca dao trào phúng cũng còn châm biếm những anh chàng sở khanh:
Yêu em mấy núi cũng trèo,
Khi em có chửa mấy đèo cũng dông
Hoặc giả như:
Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng.
Nếu mà anh phải lấy nàng,
Anh thà thắt cổ cho nàng ở không.
(Lê Thương - Ca dao trào phúng)

Vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm
Mới nhìn sơ qua, những người “liên hệ” đến Vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm chỉ có vài nhân vật như Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Lê Đạt..v..v... Nhưng trực tiếp, gián tiếp bị liên lụy thì gần như hơn nửa sĩ phu Bắc Hà, gồm có:
Chu Ngọc, Đào Duy Anh, Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Hoàng Huế, Hoàng Tích Linh, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Yến, Hữu Thung, Huy Phương, Lê Đại Thanh, Lê Đạt, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Khắc Dực, Nguyễn Mạnh Tường, >Nguyễn Thành Long, Nguyễn Văn Tý, Như Mai, Phan Khôi, Phan Vũ, Quang Dũng, Sĩ Ngọc, Thanh Bình,Thụy An, Trần Công, Trần Dần, Trần Đức Thảo, Trần Duy, Trần Lê Văn, Trần Thiếu Bảo, Trần Thịnh, Trương Tửu, Tử Phác, Vĩnh Mai, Văn Cao, Yến Lan, Cao Xuân Huy, Cao Nhị, >Đỗ Đức Dục, Phùng Cung, Hữu Loan.
(Wikipedia)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Sau 1975 ở hải ngoại cũng có nhiều tác giả đưa ra những cải cách có khi mới, có khi không. Về việc viết I ngắn thay thế Y dài hai nhà biên khảo Lê Hữu Mục và Nguyễn Đình Hòa nêu lại vấn đề này và hỗ trợ nó. Có nhiều người không đồng ý chuyện thay đổi này nhưng có người yểm trợ và người yểm trợ mạnh mẽ nhất là Dương Đức Nhự.
Theo một bài đăng trên tuần báo Sài Gòn Nhỏ, Westminter, CA , số xuân Kỷ Mão của Đỗ Hữu và Diên Nghị (sau đăng lại có sửa chữa trên tạp chí Tinh Hoa, Minneapolis, MN, số tháng 10. 99 với tên Đức Cố & Diên Nghị), hai tác giả cho biết Dương Đức Nhự không những yểm trợ chuyện thay thế Y dài do Lê Hữu Mục và Nguyễn Đình Hòa theo đuổi mà còn đề nghị cả chuyện viết dính liền, bỏ phụ âm H, du nhập chữ cái F, J, W, Z. Ông đề nghị viết ngẫm ngĩ, ngễnh ngãng, gồ gề thay cho ngẫm nghĩ, nghễnh ngãng, gồ ghề; viết zễ zàng, zu dương thay cho dễ dàng, du dương.
(Chuyện cải cách tiếng Việt – Đặng Trần Huân)

Han
Han : hỏi thăm
(hỏi han – chẳng có ai đến han hỏi)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Mầu sắc… tâm trạng
Màu tâm trạng không chỉ liên hệ chuyện tình cảm riêng tư, giữa "một người với một người", mà còn chen vào ngay giữa người và... trời: trời xanh mênh mông, xanh bát ngát, xanh bao la, xanh thăm thẳm, xanh hun hút, xanh tít mù, xanh lồng lộng, xanh vòi vọi, xanh vời vợi, xanh cao nhẹ (!), xanh không tưởng v.v..
Tế Hanh "quên sao được sắc trời xanh biếc", Chế Lan Viên nhớ "trời xanh xanh thăm thẳm...", Võ Phiến nhớ "trời xanh thao thiết..." v.v. Ngoài Bắc, Dương Thu Hương cũng có lần ghi lại cảm tưởng khi ngước mặt: "Trời xanh ngăn ngắt, màu xanh trong và lạnh, thăm thẳm đơn côi...". Dân gian sống giữa bốn bề cây lá, nên màu xanh lá cây, vậy mà khi "cảm xúc vũ trụ" dường như ta thường gắn bó với màu trời. Như thể, những khi lòng man mác, ta hay ngửng mặt nhìn lên cao hơn là chú mục trong tầm cây cỏ...
Những kẻ cùng nhìn trời mấy ai chia xẻ nỗi phơi phới của Thạch Lam. Nó thậm chí hết sức "phù du", vì vẫn cành phượng ấy vẫn mắt nhìn ấy, nhưng sáng còn đỏ hân hoan trưa có thể đã thành đỏ bạo liệt. Dường như chính đặc tính "vô thường" làm nó gây ấn tượng mạnh hơn các loại màu khác, nếu dùng đúng chỗ. Màu xanh rùng rợn của "sóng sầu lan" trên đồi cỏ (Chế Lan Viên), màu xám hắt hiu của lau (Tố Hữu), màu trắng ngơ ngẩn của mây (Tô Hoài), màu đỏ ngơ ngác của bông hoa rừng (Doãn Quốc Sỹ), màu tím bời bời của hoa xoan ngõ cũ (Nguyễn Bính), màu vàng tả tơi của hoa cúc khi mộng xác xơ (Vũ Hoàng Chương) v.v., những màu ấy toàn chủ quan cả, vậy mà ta cứ cảm được dễ dàng.
(Thu Tứ – Tìm tòi và suy nghĩ)

Thơ Bút Tre và tục ngữ mới
Kiến tha lâu mỏi cẳng
Học đi đôi với hành
Hành đi đôi với tỏi

Giai thoại làng văn
Trần Đăng Khoa từ bộ dạng, cách nói năng (lẫn lộn n với l), từ ngày Khoa học trường viết văn Nguyễn Du, tôi tiếp xúc với Khoa luôn. Khoa đúng là có tài, rất thông minh. Có lẽ Khoa có ý thức mình là thần đồng nên chịu khó đọc sách, đọc sáng tác, đọc phê bình, để có một vốn tri thức, có thể ăn nói với đời.
Như:
“Văn học đang đổi mới. Không thể viết như cũ được nữa. Tất cả cũ rồi, song cũng tắc rồi. Họ triển lãm thơ bằng cách vất thơ vào rổ rá, cối xay... là vớ vẩn lắm rồi! Nguyễn Huy Thiệp cũng tắc. Vàng Anh cũng hết – một hồi ta đề cao hơi quá. Phạm Thị Hoài có khá hơn. Nhưng cái mới chưa có, chưa xuất hiện. Văn xuôi có khá hơn. Thơ thì có lẽ thời buổi này không phải là thời của thơ.
“ Hồ Xuân Hương không có. Không có Hồ Xuân Hương! Đàn bà không tả cái của đàn bà hấp dẫn như thế “Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng”, đàn ông mới nói: “Cô gái ngủ ngày” là đàn ông viết”.
(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Hăm
Hăm : hăng hái
(hăm hở - chực hăm hăm vào bờ ruộng ấy)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn
Trong văn chương hiện đại, ta cũng thỉnh thoảng gặp những từ ngữ mới được sáng tạo khá tài tình. Trong thơ ít nhiều đã có những đóng góp trong lĩnh vực này, mở rộng đất đai sử dụng cho một số từ ngữ và như thế cũng có thể gọi là sáng tạo ngôn từ.
Trong truyện ngắn Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp, đoạn kết có một dòng nghe thật da diết:
"Trước mặt tôi, dòng sông đang thao thiết chảy".
Một từ đặt vào văn cảnh này thật tuyệt vời. Hình như nó được biến báo từ "tha thiết", nhưng chỉ thay đi một chút thôi mà nội hàm bỗng bao trùm hơn rất nhiều, sức biểu cảm cũng mạnh, mạnh mẽ hơn hẳn, nhờ vào sự mù mờ, không rõ ràng như chính tâm trạng con người vào những giây phút ấy. Sức cuốn hút của những dòng sông trong văn Nguyễn Huy Thiệp với những từ ngữ đầy chất thơ và giàu sáng tạo như thế. Phải chăng sức huyễn hoặc ấy đã lôi cuốn được cả một dòng sông "thao thiết" mà ta vừa nói tới.
(Anh Ngọc – Tản mạn về từ mới)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Nếu như em là phở
Thì anh là nước lèo
Đời có cuốn vèo vèo
Ta bên nhau em nhỉ

Giai thoại làng văn xóm chữ
Vũ qua biển Bắc
Năm ấy, được tin sứ nhà Thanh sắp sang nước ta, vua Lê, chúa Trịnh giao cho trạng giữ việc tiếp sứ. Trạng Quỳnh cho dựng một ngôi quán nhỏ bên bờ sông Cái, bà Điểm ngồi bán hàng. Còn Quỳnh giả làm lái đò, chở sứ bộ qua sông. Mấy tên trong sứ bộ Tàu qua ngôi quán bà Điểm, nhác trông cô hàng nước xinh tươi óng ả, liền thả lời bỡn cợt. Một tên líu lớ đọc bâng quơ:
- Nam bang nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh.
(Một tấc đất nước Nam không biết bao nhiêu người cày. Ý nói mỉa đàn bà nước này lẳng lơ).
Bà Điểm đang nhai trầu, nhổ toẹt một bãi nước cốt xuống đất, nói trống không:
- Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất.
(Nghĩa là: Bọn quan to, ông lớn ở nước phương Bắc đều từ chỗ ấy mà chui ra cả).
Câu đối lọt vào tai bọn sứ bộ, chúng giật mình, câm họng. Đến lúc xuống đò... Đò ra giữa dòng sông, một tên trong đoàn sứ bộ hổng ruột, xổ ra một tiếng "bủm". Hắn đọc một câu chữa thẹn:
- Lôi động Nam bang.
(Sấm động nước Nam).
Trạng Quỳnh đang chèo, liền đứng thẳng, vạch quần đái vổng cần câu xuống nước mà nói:
- Vũ qua Bắc hải
(Mưa qua bể Bắc)
Cả đoàn sứ bộ không thốt được một lời, trong bụng vừa tức, vừa sợ, cứ ngậm miệng cho đến lúc tới nơi.
(trích Giai thoại về Trạng Quỳnh)

Chữ nghĩa làng văn
“Tiếc thay một đóa trà mi
Con ong đã tỏ đường đi lối về!”
(Truyện Kiều - câu 845)
“Giá trà mi đã ngậm gương nửa vành”.
(Truyện Kiều - câu 1092)
Hai câu đầu diễn tả một cách thanh nhã việc nàng Kiều bị thất thân với Mã Giám Sinh. Câu sau có nghĩa: Giàn hoa trà mi ngậm lấy vầng trăng hạ huyền. Ðó là đêm Thúy Kiều hẹn trốn đi với Sở Khanh, vầng trăng đi chầm chậm như đứng lại trên giá đồ mi nên ta có cảm tưởng là giàn hoa ngậm lấy vầng trăng.
Hoa trà mi đúng ra là hoa đồ mi nhưng các cụ ta xưa đổi thành trà mi vì cho rằng chữ đồ không được thanh nhã lắm.
Ðó là giống hồng leo, người ta phải làm giá cho nó leo lên, hoa chỉ nở bé như hoa tường vi.
(Trần Văn Tích - Cỏ cây trong truyện Kiều)

* Bổ túc của Nhà Văn Võ Kỳ Điền:
Nhân đọc bài Chữ Nghĩa Làng Văn số 15-8- 2016 có bài của anh Phí Ngọc Hùng viết về hoa trà mi trong bài của bác sĩ Trần Văn Tích có một nhận định sai sót, tôi e rằng mọi người hiểu lầm nên viết thư nầy để nói rõ hơn.
Bác sĩ Trần Văn Tích đã nói cổ nhân sửa chữ đồ mi thành ra trà mi cho thanh nhã vì chữ đò có hàm nghĩa xấu xa...  Tôi  e rằng nhận định nầy sai rồi. Hai chữ nầy là chữ nho, tại sao lại hiểu ra chữ nôm kỳ cục vậy?  Vì chữ nho chữ đồ và chữ trà viết rất giống nhau. Người đọc không kỹ sẽ lầm chữ nầy qua chữ kia. Chữ Đồ ở trên có bộ thảo, trong ruột là chữ Hòa. Chữ Trà trên đầu cung có bộ Thảo, trong ruột là chữ Mộc. Chỉ khác nhau một nét trên đầu mà thôi. Chữ Đồ 7 nét, chữ Trà 6 nét. Cả hai cung có nghĩa là hoa cỏ...
Đó là lý do người mình thường lầm lẫn về kinh đô Chiêm Thành, khi thi Trà Bàn, khi thì Đồ Bàn, về hoa thì Trà Mi hoặc Đồ Mi.
Về chữ Hán thì chuyện viết lộn, đọc lộn là thường lắm. Phải xét kỹ trong bài văn để hiểu cho đúng.  Không thể nói qua nghĩa của chữ nôm rồi bàn thêm được.
....Chữ Đồ có 7 nét, chữ Trà có 6 nét của bộ Thảo (Hán Việt tự điển Thiều Chửu).
19-08-2016
Võ Kỳ Điền - ĐHSPSG, ban Việt Hán (1961-1964)

(còn tiếp)