banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chữ nghĩa làng văn

15 tháng 02.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Trong mục Sổ tay một tờ báo “văn học” trong nước có câu:
“Những nhà văn, sở dĩ là nhà văn, bởi vì họ biết cách trình bầy thế nào để những điều hết sức dễ hiểu thành rất…khó hiểu”.

Hồ Gươm
Đời Lý, hồ có tên là Lục Thủy vì nước hồ mầu xanh biếc. Đến đời Trần, vua quan hay ra đây câu như Lã Vọng nên hồ có tên là Hồ Tả Vọng. Sau khi đuổi được họ Mạc ra khỏi Thăng Long, năm 1593 chúa Trịnh cho sửa sang qua loa lại Hoàng thành để vua Lê ở, và còn lại tập trung dựng phủ chúa bên ngoài Hoàng thành. Thời bấy giờ có nhiều công trình kiến trúc xa hoa lộng lẫy của nhà chúa như: lầu Ngũ Long (phía bờ Đông hồ Gươm), đình Tả Vọng (nay là gò Rùa), cung Thuỵ Khánh (chỗ đảo Ngọc Sơn).
(Ở mặt tây Hồ Gươm trên đường Lê Thái Tổ có đền vua Lê, tường bao chung quanh. Vì nằm ở một địa điểm vắng vẻ nhất toàn khu quanh hồ Gươm, lại ẩn khuất không có một lối kiến trúc khác thường nào cho nên đền Vua Lê ít người biết tới).

Truyện chớp - Thành thật mà nói thì chẳng có gì đáng nói
Thành thật mà nói thì chớ nên nói. Thành thật mà nói thì tôi không bao giờ thành thật, kể luôn khi tôi nói tôi không thành thật.

Díu
Díu : níu lại
(càng quen thuộc càng dan díu tình)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Tiếng Việt trong sáng
Nghiên cứu sinh: Sinh là tiếng Hán Việt. Dùng làm động từ thì sinh có nghĩa là sống.
Còn dùng làm danh từ thì sinh có nghĩa là con người đang sống.
Thí dụ học sinh là người đi học, nghiên cứu sinh là người đi nghiên cứu. Rõ ràng thế mà tôi đã nghe người ta nói và đã thấy người ta viết những câu như:
- “Con tôi được đi…nghiên cứu sinh tại Trung quốc”.
Như thế là nói bậy vì lấy một danh từ làm động từ!
(Triêu Thanh tạp chí)

Đất lề quê thói
Tang chế
Trong thời kỳ tang chế, người con trai không được để vợ có chửa để tỏ lòng có hiếu với bố mẹ. Lệ này đã đuợc vua Lê Thánh Tôn bài bỏ vào năm Quang Thuận thứ tư (1481).
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Cái cò lặn lội bờ sông
Các biến cố lịch sử ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân chúng, nhất là loạn lạc. Chiến tranh gây cảnh điêu tàn, chết chóc, nhà tan cửa nát. Dân gian chỉ biết kêu trời, bày tỏ nỗi oán thán:
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Em về nuôi cái cùng con
Ðể anh đi trẩy nước non Cao Bằng
Ấy là thảm cảnh của người dân phải thi hành nghĩa vụ tòng quân dưới thời Nam Bắc Triều, xảy ra cuộc chiến tranh Trịnh – Mạc. Cao Bằng là căn cứ địa trọng yếu của nhà Mạc. Người lính trong câu ca dao trên thuộc hàng ngũ quân Trịnh của Trịnh Tùng, được lệnh lên đường đánh quân Mạc, vỗ về vợ con trong buổi chia ly.
(Ca dao lịch sử - Phương Nghi)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Chiều chiều ra đứng ngõ sau.
Thấy em yểu điệu cầm dao...mổ gà.
Con gà em cắt làm ba.
Trời ơi có phải em là...em không?

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Năm 1969, tạp chí Khởi Hành (Sài Gòn, số 24, ngày 9-10-1969) hỏi Bình-nguyên Lộc: "Ông đang viết cuốn truyện thứ bao nhiêu?" Bình-nguyên Lộc đáp: “Tôi đang viết truyện thứ nhứt“.
Cuốn truyện thứ nhứt của Bình-nguyên Lộc, ông khởi thảo từ năm 1935, năm ông hăm mốt tuổi. Tức cuốn Hương gió Đồng Nai. Bản thảo thất lạc trong thời chiến tranh, trong những cuộc tản cư hối hả. Mấy chục năm sau, ông vừa thử viết lại vừa cố gắng tìm bản thảo xưa; ông rao tìm trên mặt báo, kêu gọi sự giúp đỡ của người hảo tâm tứ xứ. Cho tới khi qua đời ở Mỹ năm 1987, tức 52 năm sau, tác phẩm nọ vẫn chưa tìm lại được, vẫn chưa viết lại xong. Đồng Nai là một mối bận tâm suốt đời của Bình-nguyên Lộc. Dòng họ ông vẫn giữ được bản gia phả mười đời. Sinh sống ở đất Tân Uyên, một làng bên con sông Đồng Nai. Mười đời kể đến 1965 (lúc ông trả lời cuộc phỏng vấn của Ngu Í) thì đến đời cháu ông hiện nay đã thành ra mười hai đời, tức độ ba trăm năm; vậy tổ tiên ông thuộc lớp những di dân đầu tiên vào Nam lập nghiệp.
Đồng Nai là bận tâm của một dòng họ. Phù sa là bận tâm của cả miền Nam. Phù sa, tác phẩm thứ hai trong đời Bình-nguyên Lộc, khởi thảo năm 1942, nhằm vào công trình mở mang bờ cõi về phương nam, tới mãi tận mũi Cà Mau. Tác phẩm ấy, đến ngày cuối cùng của ông, 45 năm sau, viết đi viết lại mãi vẫn chưa xong.
(Bình Nguyên Lộc: Một nhân sĩ trong làng văn – Khởi Hành)

Linga-yoni
Tiếng Phạn nổi tiếng cực kỳ phong phú từ trừu tượng. Nhưng có đôi từ Phạn ngữ tuy chẳng trừu tượng tí nào mà hầu cả thế giới đều biết: linga (sinh thực khí đàn ông) và yoni (sinh thực khí đàn bà). Sinh thực khí thì dân tộc nào cũng có tiếng gọi. Linga – yoni riêng là nhờ một cách thờ phụng đặc biệt của người Ấn-độ.
Linga-yoni tiếng Việt xưa là nõ-nường.
Ở Trung du và đồng bằng sông Hồng từng có rất nhiều lễ hội cổ truyền mà nội dung liên hệ chặt chẽ với tục "thờ" sinh thực khí. Như hội Dị Nậu (Vĩnh Phú), trò Trám (Vĩnh Phú), hội Sơn Ðồng (Hà Tây), thì thấy tượng chỉ là dùi gỗ, mo cau. Ða số những lễ hội này tập trung tại Phong Châu (nơi có đền Hùng). Số còn lại rải rác ở các tỉnh Hà Bắc, Hà Tây, Hải Hưng v.v...
(Trong tìm tòi và suy nghĩ – Khuyết danh)

Khác biệt văn hóa
Hà Nội
Ăn phở : nặn chanh vào thìa, dùng đũa gạt hột chanh đi rồi… cho vào tô phở.
Ăn bánh cuốn: chấm bánh cuốn vào chén nuớc mắm mà ăn.
Sài gòn
Ăn phở: cạy hột ra rồi vắt chanh thẳng vào tô phở.
Ăn bánh cuốn: chan nuớc mắm vào dĩa bánh cuốn mà ăn.

Xe thổ mộ
Xe thổ mộ : Câu chửi đổng “Mả cha mày chạy chứ mả ai chạy! ”. Nên có người giải thích thổ là đất, mộ là nấm mộ, xe thổ mộ tức cái xe như… nấm mộ lùm lùm chạy trên đường phố.
Tuy nhiên thổ mộ là cách đọc Việt hóa của từ tủ mỏ, tức độc mã (một ngựa) đọc theo âm Hoa Hán giọng Quảng Đông.
Xe thổ mộ tức xe (một) ngựa kéo.
(Cao Tự Thanh)

Dỏi
Dỏi: nói rõ ra
(dắng dỏi – nghĩ nguồn cơn dở dói sao đang)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Tháp Rùa
Theo sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ thì trên gò Rùa không có đình quán nào cả như “đình Tả Vọng của chúa Trịnh” qua lời đồn đãi. Trước kia nguyên là đất tư của chánh tổng Đông Thọ huyện Thọ Xương tên Nguyễn Bá Kim. Năm 1884, ông chánh tổng ngắm miếng đất có dáng miệng con rồng nên cho xây cái tháp, định đem hài cốt của bố ông táng vào đó. Ông theo đạo Thiên Chúa nên xây cái tháp không có mái cong, không có lưỡng long chầu nguyệt của đền chùa cổ xưa. Việc cải táng không thành. Ngôi tháp chơ vơ, vô hình chung có cái tên là…tháp Rùa.

Ai là cha đẻ Xã Xệ?
Trong bài viết về Lý Toét, Xã Xệ, Động Đình Hồ thắc mắc không biết Lý Toét, Xã Xệ do ai sáng tác.
Lê Đình Thông viết Nhất Linh "là cha đẻ của Lý Toét, Xã Xệ".
Thực ra Nhất Linh không nhận điều này vì trong di cảo viết tay của Nhất Linh nói rõ. Ông ghi: "Bút Sơn, ở Sài Gòn (người đã vẽ ra Xã Xệ - tên thật chưa biết).
Xin ông Bút Sơn (nếu ông còn sống) hay các bạn ông cho biết tên thật". Như vậy đã rõ cha đẻ của Xã Xệ nhưng ông thân sinh của Lý Toét là ai thì chưa có lý lịch.
(Đặng Trần Huân – Bẩy vị tinh tú)

Khác biệt văn hóa
Khen đồ ăn ngon
Hà Nội: Ngon tuyệt cú mèo
Sài Gòn: Ngon bá chấy bò chét

I và Y (XI)

Trừ tên riêng, cách dùng hai chữ i-ngắn và y-dài như sau.
Dùng i-ngắn với các phụ âm B-, H-, K-, L-, M-, T-.
Ví dụ: bí ẩn, hi vọng, ki bo, phân li, bánh mì, ti tiện...
Dùng i-ngắn cho từ thuần Việt với âm này đứng riêng lẻ.
Ví dụ: í ới.
Dùng y-dài cho từ Hán-Việt với âm này đứng riêng lẻ.
Ví dụ: thầy y.
(nguồn Wikipedia)

Món lẫu của Tầu

Món lẫu của Tầu tức cái lò phát nguyên từ người Mông Cổ.
Trước cả thời Thành Cát Tư Hãn, quân kỵ Mông Cổ hành quân thường mỗi người hai ngựa, một con chở người, một con chở lương thực và trang bị khác, trong đó có một cái túi đựng phân ngựa. Ngựa ăn cỏ nên phân nhiều “xenluylô”, phơi khô cháy rất đượm, họ dùng phân ấy làm chất đốt kết hợp với cái lò nên khi hành quân vẫn được ăn nóng.
Sau khi nhà Nguyên chiếm Trung Quốc, loại nồi gắn lò (hay lò gắn nồi) này truyền tới Giang Nam rất được ngư dân và cả bọn thủy khấu hải tặc đi sông đi biển “hẩu lớ” vì tiện dùng ở những nơi gió lớn, từ đó nó có tên Tàu là “lẫu”.
“Lẫu”là âm Hoa Hán giọng Quảng Đông. Người Việt ngày nay với âm Việt Hán là tức cái bếp lò.
Đến khi nhà Thanh chiếm Trung Quốc, nó lại theo thuyền các di thần phản Thanh phục Minh Hoa Nam trôi qua Việt Nam mà đặc biệt là Đàng Trong. Có thể đoàn thuyền này trên đường lưu lạc vào miền Nam bằng đường biển, họ ghé cù lao Chàm, cù lao Yến nên người Việt ngày trước gọi là cái…cù lao chăng?.
(Cao Tự Thanh)

Tiếng Bắc, tiếng Nam
Bắc động thái – Nam động lực
Bắc động tình – Nam “chơi” luôn

Tiếng lóng mới ở trong nước
- Chảnh : kênh kiệu
- Tám : nhiều chuyện
- Không có cửa : không thể nào
Thí dụ như thằng đó muốn cua tao hả,
không có cửa đâu mày.
(Nguồn: Thanhda.com)

Ngọc Sơn Từ
Đền có tên là Ngọc Tường thời nhà Lý, đển đời nhà Trần thì đổi thành đền Ngọc Sơn. Theo sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ thì cũng chẳng có cung Thụy Khánh của chúa Trịnh trên cái gò đất cách bờ mấy trăm thước, rộng bốn, năm sào mà xưa kia gọi là Tượng Nhĩ Sơn, tức núi tai voi. Gò có một gian miếu nhỏ bằng nứa lợp tranh thờ Hà Bá. Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long đổi tên là núi Ngọc Tượng.
Thời chúa Trịnh, người Hoa Kiều xin phép sở quan, dựng ngôi đền nhỏ thờ Quan Công. Minh Mạng năm 1838, xây cất thêm đền thờ Đức Thánh Trần, Lã Đồng Tân và điện Văn Xương Đế Quân, ngôi sao chủ cho việc văn chương khoa cử, nơi các thầy đồ sau này thường tới xin sâm trước khi đi thi và được đặt tên là Ngọc Sơn Từ trên đảo Ngọc Sơn, nên được gọi là đền Ngọc Sơn.
Chùa Báo Ân
Ngoài ra chung quanh hồ Gươm còn có tháp Hòa Phong, dấu tích tháp cũ của chùa Báo Ân, đền Bà Kiệu xây từ đời Lê Trung Hưng để thờ ba vị nữ thần, đó là công chúa Liễu Hạnh (còn gọi là Mẫu Phủ Giầy) và hai tì nữ Quỳnh Hoa và Quế Hoa.
Tháp Hoà Phong

Sự khác nhau giữa Hà Nội và Sài Gòn
Đường phố
Hà Nội: Đường, phố, ngõ, ngách
Sài Gòn: Đại lộ, đường, hẻm,…hẻm

Chữ nghĩa làng văn
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thơ Nôm để chuyển sang văn học quốc ngữ đã xuất hiện hai gương mặt thơ tiêu biểu là Nguyễn Khuyến và Tú Xương. Họ cùng thời và đồng hương nhưng thế giới các cảnh quan và tâm trạng trong thơ họ rất khác nhau.
Nguyễn Khuyến, đó là sự tĩnh lặng làng quê; còn Tú Xương trong huyên náo kẻ chợ. Kể cũng hơi lạ. Bình Lục của Nguyễn Khuyến chỉ cách Nam Ðịnh nơi có phố hàng Nâu của Tú Xương vài mươi cây số, thế mà thế giới thơ của ông sao hiu hắt thế. Tú Xương chưa phải làm câu đối khóc vợ như Nguyễn Khuyến, nhưng lại đã có lúc làm thơ "tế sống vợ"…
Mặt nhẵn nhụi chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn
Người ung dung tính hạnh khoan hoà, chỉ một nỗi hay gàn hay dở

(Hai bà vợ trong thơ Nôm - Phong Lê)

Sự khác nhau giữa Hà Nội và Sài Gòn
Văn hoa ẩm thực
Bạn quen với bát phở Hà Nội không thể thiếu mì chính và quẩy, được bưng ra trong khi ngón tay người phục vụ nhúng cả vào đó!
Đến Sài Gòn bạn đừng ngạc nhiên khi phở phải có rau, giá và tương, được bưng ra với cái tô được đặt trên chiếc đĩa!

(còn tiếp)