banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 02.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Hồi ký
Hồi ký của tác giả cộng sản ngoài Hà Nội có những nét riêng của nó không trộn lộn được với ai. Trong Từ Bến Sông Thương do nhà xuất bản Văn Học in năm 1986, nữ sĩ Anh Thơ kể chuyện những mối tình của người ta và chuyện đời văn của chính mình.
Bà kể báo Đông Tây mời bà cộng tác do thư đề ngày 1. 4.1942, bà nhận lời và sau đó đi phỏng vấn Vũ Trọng Phụng, Tản Đà mặc dầu hai ông này…chết từ trước đó ba năm.
Nữ sĩ Anh Thơ cũng kể năm 1944 Thạch Lam viết thư cho bà đề nghị xuất bản một cuốn tiểu thuyết.
Tiếc thay Thạch Lam đã mất từ năm 1942, không biết ai viết thư hộ ông đây? Còn nhiều cái lẩm cẩm nữa mà chính báo ở Hà Nội cũng đã lên tiếng rồi. Người ta nói thi sĩ hay mơ mộng, đúng đấy!
Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan khi viết hồi ký Những Năm Tháng Ấy thì nghiêm trang kể chuyện văn chương như khi viết Nhà Văn Hiện Đại, nhưng rải rác suốt cuốn sách chẳng lúc nào quên ca tụng chế độ cộng sản, ca tụng bác Hồ và ca tụng Hằng Phương thi sĩ vợ của ông.
Về một số sách nói tới mặt trái của chế độ Hà Nội xuất bản tại hải ngoại như Hoa Xuyên Tuyết , Mặt Thật (Bùi Tín), Tử Tù Tự Xử Lý (Trần Thư), Đêm Giữa Ban Ngày (Vũ Thư Hiên), hay cuốn sách viết lủng củng, văn bất thành cú, dẫn chứng khoe khoang ta đã đọc hết danh nhân này tới danh nhân khác như cuốn Viết Cho Mẹ & Quốc Hội của Nguyễn Văn Trấn v. v. thì tính chất hồi ký không nổi bật mà ta chỉ dùng như những bản cáo trạng chế độ cộng sản nhiều hơn.
(Đặng Trần Huân - Không có xe nằm nhà đọc hồi ký)

Chữ nghĩa làng văn
Nguyễn Hưng Quốc viết:
“Đức tính lớn nhất đối với một người cầm bút... chính là sự táo bạo. Không táo bạo, không thể sáng tạo. Trong lãnh vực văn học, người dám xông thẳng vào bụi rậm và gai góc để lần mò một lối đi riêng bao giờ cũng có triển vọng đi xa hơn những kẻ khôn ngoan phóng mình theo những lối mòn có sẵn.”

Diếc
Diếc : mắng mỏ
(nó diếc tôi cả ngày)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chợ Đồng Xuân
Từ hồ Gươm thẳng lên phía bắc từ Hàng Đào qua Hàng Ngang, sang Hàng Đường là tới chợ Đồng Xuân.
Đây có thể coi như trung tâm khu phố cổ của Hà Nội, cắt ngang đường xe điện này là các phố Cầu Gỗ, Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Thuốc Bắc, Hàng Buồm (khu phố Tàu của Hà Nội), Hàng Mã, Hàng Chiếu. Phố Hàng Chiếu hướng về phía sông Hồng có một di tích lịch sử, đó là Ô Quan Chưởng.
Hà Nội có 5 cửa ô, chỉ Ô Quan Chưởng còn nguyên vẹn, các cửa ô kia đều có tên nhưng không còn dấu tích gì.
Ngầu pín là gì?
Ngầungưu, tức con bò (thủy ngưu mới là con trâu).
Pín là âm Hoa Hán giọng Quảng Đông, giọng Quan thoại chỉ công cụ gây giống của con đực.
(Cao Tự Thanh)

Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa?
Trong dân gian có những câu sấm để tuyên truyền cho một phe phái nào đó. Câu sấm được truyền trong dân gian bằng cách dạy cho trẻ con hát khi nô đùa. Chẳng hạn câu sấm sau đây, dưới hình thức ca dao, được truyền là của các cựu thần nhà Mạc tổ chức chống Trịnh làm ra để liên lạc với người của mình tìm đến cơ sở ở mạn Bắc:
Ai lên Phố Cát Ðại Ðồng
Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa?
Có chồng năm ngoái năm xưa
Năm nay chồng bỏ như chưa có chồng
(Ca dao lịch sử - Phương Nghi)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Con cò đi uống rượu đêm.
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Còn anh chả uống ngụm nào.
Cũng say ngây ngất ngã vào lòng em.

Dốt hay nói chữ
Chuyện dốt hay sính chữ từ truyện “Tam đại con gà”. Chuyện kể:
Xưa có anh học trò rất dốt, nhưng có người tưởng anh hay chữ thật, đón về nhà dạy trẻ.
Một hôm, dạy thằng con nhà chủ đọc sách Tam thiên tự, sau chữ “tước” là sẻ, đến chữ “kê” là gà, thầy ta thấy cái chữ nhiều nét khó không biết dịch nghĩa sao cả. Khi trẻ hỏi gấp, thầy cuống quýt đọc liều “dủ dỉ là con dù dì”. Tối hôm ấy, nhân nhà chủ có bàn thờ thổ công, thầy đến khấn thầm, xin ba đài âm dương xem chữ ấy có đúng không. Thổ công không nói gì cả. Thầy cho là phải, lấy làm đắc sách. Hôm sau, thầy bệ vệ ngồi trên giường bảo lũ học trò đọc to rằng; “Dủ dỉ là con dù dì, dủ dỉ là con dù dì”. Người chủ đang ở vườn, thấy vậy bỏ cuốc chạy vào hỏi thầy:
- Chết chửa, chữ ấy là chữ “kê” sao lại dạy chúng nó là con dù dì.
Bấy giờ thầy mới nghĩ: “Mình đã dốt, thổ công nhà này cũng dốt nữa”, song nhanh trí gỡ rằng:
- Ông tưởng tôi không biết chứ kê, mà kê nghĩa là gà hay sao? Nhưng tôi dạy chúng nó thế là để chúng biết đến tam đại con gà kia đấy.
Nhà chủ ngạc nhiên hỏi:
- Tam đại con gà là thế nào?
Thầy cắt nghĩa:
- Thế này nhé: Dủ dỉ là chị con công; Con công là ông con gà. Thế chẳng phải tôi đã dạy chúng hiểu ba đời con gà là gì.
Nhà chủ đành chịu thầy, rồi ra nói với thằng con: “Thày này đã dốt lại hay nói chữ”.
Theo truyện “Tam đại con gà” – “Truyện cổ nước Nam”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Dín
Dín : nhỏ nhẹ
(nó cười dín)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn
Nguyễn Xuân Hoàng: Ông (Võ Phiến) vừa nói đến cốt truyện và đến vấn đề chi tiết trong truyện. Tôi nghĩ đến Nhất Linh.
Nhất Linh coi thường cốt truyện, không muốn gọi bằng cái tên thường gọi là cốt truyện: ông đặt tên nó là “Các việc xảy ra”!
Theo ông thì trong một cuốn tiểu thuyết cái đó không quan trọng chút nào, vậy muốn viết nên cuốn tiểu thuyết hay tốt hơn là đừng bận tâm về cốt truyện. Quan trọng nhất là chi tiết. Theo Nhất Linh, các nhà văn hơn kém nhau ở chỗ tìm chi tiết.
Ông có cho rằng nói như thế là quá đáng không?
Võ Phiến: Ối, tôi mà cho là thế này thế nọ thì có nghĩa gì đâu. Có lần trong một cuộc đàm thoại về tiểu thuyết, hai nhà văn lớn của Nhật bản là Yukio Mishima và Kenzaburo Oe cũng đi đến những ý kiến của Nhất Linh.
Thoạt tiên ông bảo không nên chú trọng quá về chi tiết; Mishima hoàn toàn bác bỏ ý nghĩ của nhà văn đàn em, và cuối cùng đã thuyết phục được Oe. Họ đồng ý với nhau rằng đặc điểm của tiểu thuyết Nhật là sở trường về chi tiết, và đó là chỗ thành công của tiểu thuyết Nhật. Tiểu thuyết là một công trình hư cấu, giả tưởng. Cái giả ấy mà thành tuyệt diệu được là nhờ những chi tiết rất thực. Chi tiết mà thực thì công trình giả cấu hoá nên sống động.
Ông kể rằng vừa đọc một câu chuyện cấu trúc loạng choạng nhưng có nhiều chi tiết hay. Ông định chê, nhưng Mishima bênh vực, nói ngay là ông thích Oe cũng chính vì trong truyện có những chi tiết hay, ông khen Oe thành công về chi tiết. Như vậy ở đây cũng lại cốt truyện không cần, chi tiết là nhất. Trong khi ấy, kẻ đọc nhảy đọc nhanh lại nhảy phóc qua đầu các chi tiết, chỉ lo rượt đuổi cái cốt truyện.
(Nguyễn Xuân Hòang, Võ Phiến - Viết một cuốn đọc nghìn cuốn)

Cảm nhận của một người Hà Nội về người Sài Gòn
Người Sài Gòn sáng cafe ăn sáng vỉa hè, cafe nhạt, kèm theo bình trà, vài ba tờ báo ngồi dưới những hàng cây cao nhìn dòng người qua lại. Đồ ăn sáng Sài Gòn cũng đơn giản, bánh canh, hủ tíu, phở Bắc, phở Hoa, món nào vỉa hè cũng ngon, ngu nhất là ghé vào mấy quán trong nhà, có thương hiệu vì…mắc chết mẹ.

Tiếng Việt trong sáng
Lái xe: Đó là một động từ, hay đúng hơn là một từ kép gồm một động từ và một túc từ. Tuy nhiên, ngày nay người ta cũng dùng từ “lái xe” để chỉ…người lái xe, tức là danh từ.
Vì vậy, người ta có thể nói: “Sáng nay, lái xe đang lái xe gặp một lái xe khác cũng lái xe, cả hai lái xe cùng lái xe về nhà”.
Thực là buồn cười. Trước đây ở miền Nam, lái xe dứt khoát chỉ là động từ. Còn danh từ phải là người lái xe hay gọn hơn thì dùng từ phiên âm Quảng Đông là tài xế rõ ràng minh bạch hơn.
(Triêu Thanh tạp chí)

Câu đối phúng
Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân chiêu, ví tớ đỡ đần trong mọi việc.
Bà đi đâu vợi mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm.
(Nguyễn Khuyến - Câu đối khóc vợ)

Gàn bát sách
Trong hồi ký Thi tù tùng thoại của Hùynh Thúc Kháng ở Côn Đảo 1915 có ghi thú chơi tổ tôm, chắn với 120 quân bài. Trong đó có bốn quân bài: chi chi, nhị sách, bát sách và cửu vạn.
“Gàn bát sách” là tiếng của người Bắc, người Trung, người Nam không biết “gàn bát sách” là cái gì. Ấy là chưa kể không biết vì sao người Bắc có tục lệ bỏ cỗ bài chắn hay tổ tôm vào quan tài, để “bọn quân bài đi theo hầu hạ người chết”.
Nhưng bỏ quân “bát sách” ra. Vì sợ thằng bát sách nó gàn, nó làm, nó nói những điều gàn dở làm phiền người…chết.
(Hoàng Hải Thủy – báo Văn Nghệ Tiền Phong)

Đất lề quê thói
Tang chế
Trong thời kỳ vợ cư tang chồng không được xỉa răng và tắm rửa.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Phường Hà Khẩu
Phố Hàng Buồm
Nơi phường Diên Hưng với phố người Hoa kiều, sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi gọi là phường Đường Nhân (phố người Tàu) bán áo diệp. Đại Nam nhất thống chí gọi là phố Việt Đông.
Như vậy Hàng Buồm ban đầu chưa phải là nơi tập trung của Hoa kiều; họ ở phố Việt Đông (nay là Hàng Ngang) rồi ở lan sang mấy phố chung quanh đó như Hàng Bồ, phố Phúc Kiến (Lãn Ông) rồi đến Hàng Buồm.
Nghề sở trường của họ là buôn bán mà Hà Khẩu - tên cũ là Giang Khẩu. Phường Hà Khẩu sát bên sông Nhị và trên bờ sông Tô Lịch hầu hết sống bằng nghề liên quan đến sông nước như buồm và một thứ mành mành buồm cũng đan bằng cói, có nẹp tre.

Chữ nghĩa làng văn
Hạnh phúc
Hạnh: may mắn. Chữ nầy gồm trên là Thổ (đất) và dưới là Phu (chồng) viết lộn ngược. Người chồng té xuống đất (nhập thổ) lộn ngược đầu mà không chết. Thường bị nhập thổ thì chết ngay, trường hợp nầy không chết, đó là điều may mắn.
Phúc: Phước. Chữ nầy gồm bộ Thị (báo cho biết, bày tỏ) vẽ hình bàn thờ và bên phải là hình bầu rượu dâng lên bàn thờ để cầu xin điều tốt lành.
(Thái Công Tụng)

Sự xuất hiện của bài Từ
Trong văn học Trung hoa, Từ là một thể thơ với những câu dài ngắn không đều và xuất hiện sau Thi. Đó là nhà thơ Trung hoa muốn phá vỡ những quy tắc khắt khe của bài Đường luật để đem lại cho điệu thơ nhiều biến đổi, cũng để thích ứng lời thơ cho việc phổ nhạc. Bài Từ khởi lên ngay từ đời Đường (Lý Bạch đã có làm, Ôn Đình Quân đời Vãn Đường thường chuyên), qua đời Tống thì rất thịnh hành. Bài Từ không có một khuôn khổ duy nhất. Các thi gia, nhạc gia chế ra nhiều điệu, đặt cho mỗi điệu một tên. Mỗi điệu có một số câu với số chữ và cách gieo vần nhất định.
Trong văn học ta bài Từ chữ Hán có ngay từ đời Lý (bài Từ nổi tiếng của sư Ngô Chân Lưu tiễn sứ giả Lý Giác, theo điệu Tống Vương Lang quy). Song về Việt văn thì có lẽ chỉ tới đây ta mới băt gặp lần đầu dưới ngòi bút của Phạm Thái và Quỳnh Như.
Cũng bởi Từ là lối sáng tác nặng tình cảm, để đạo đạt những u tình, kiến ngộ, nhất là rất xứng hợp để tài tử giai nhân khơi tả nỗi sầu tư luyến tưởng. Cho nên ta không lấy làm ngạc nhiên thấy xuất hiện dưới bút của đôi công tử tiểu thư Lê mạt này trong câu truyện tình duyên của họ.
Tuy nhiên loại Từ này không thấy nẩy nở về sau, trừ có ngành ca Huế về sau lợi dụng nó rộng rãi, còn không thấy dưới ngòi bút các thi gia. Có lẽ phần vì nó lả lướt, phóng túng, không mực thước nghiêm trang như bài Đường Luật, nên không hợp với óc quy củ của nho gia ta, phần nữa vì nếu chỉ cần cho âm điệu biến đổi, tiết tấu phong phú thì ta đã có sẵn những lối song thất, hát nói, giầu nhạc tính hơn nhiều.
Trong những sáng tác của Phạm Thái và Quỳnh Như, còn lưu lại mươi bài Từ, thường được lồng vào những câu lục bát hoặc song thất. Như Thăm chùa Non Nước, Gửi Trương Quỳnh Như, v.v..
(Phạm Thế Ngũ - Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên II)

Góa phụ
Tôi đã gặp vài lần chữ góa phụ trong sách vở để chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Gọi như thế là sai vì tính từ góa là tiếng Nôm, không thể đặt trước danh từ phụ được. Phải gọi người đàn bà góa (toàn Nôm) hay người quả phụ (toàn Hán Việt) thì mới đúng.
(Triêu Thanh tạp chí)

Khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn
Phở
Hà Nội: khó mà thiếu mì chính, quẩy (Chầu cháo quẩy)
Sài gòn: Làm sao ăn phở được khi mà không có rau, giá và tương đỏ (hoặc đen).

(còn tiếp)