banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chữ nghĩa làng văn

15 tháng 01.2016

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Đơn vị đo lường
Tiếng Việt tuân thủ cách viết SI (tiêu chuẩn quốc tế).
Dấu phẩy (,) dùng để phân chia phần số nguyên với phần số lẻ.
(thí dụ: ông ta cao 1,60 m)
Dấu chấm (.) dùng để góp từng ba chữ số trong phần số nguyên cho dễ đọc.
(thí dụ: dân số của thành phố là 2.148.524 người).
(nguồn Wikipedia)

Con phố chính của Phố Cổ
Con phố chính của Phố Cổ Hà Nội là:
Phố Hàng Đào, Phố Hàng Ngang và Phố Hàng Đường.

Chữ nghĩa làng văn
Thoải mái :
Thoải nghĩa là thung dung, thong dong, không có gì ràng buộc, thong thả, kết với chữ thoai đứng trước (tiền âm: préfixe) thành ra thoai thoải, có nghiã là từ từ nghiêng xuống như một triền núi, nhẹ nhàng, không mệt nhọc như lúc trèo lên. Như một khoảnh đất dài và nghiêng dần xuống.
Mái là một bên, một phía, như mái nhà (một phía nhà lợp xiên xiên, mái hiên: tấm chái thêm kê lấy mái nhà). Mái ngoài: phía ngoài, lớp ngoài. Mái tóc: mỗi mé tóc ở hai bên đầu. Xuôi theo một mái: xuôi theo nhau một mái, một phía. Mái chèo: bề dẹp của cây chèo. Như cô lái đò cất mái chèo lên, đẩy nước mà đưa tới; nhờ thuận gió xuôi buồm không có gì trắc trở xuôi giòng đưa tới bến đợi bờ thương... Thoải mái hàm ý như vậy.
(Thái Văn Kiểm – Kho tàng tiếng Việt)

Khác biệt văn hóa
Quẹt xe
Hà Nội: chửi tan nát đối tượng.
Sài Gòn: Nạn nhân quay lại xem là ai rồi… chờ đèn xanh đi tiếp.

Ông chẳng bà chuộc
Vợ chồng nhà chẫu chàng không có sự hoà thuận trong việc cho anh nông dân nọ chuộc lại viên ngọc thần. Vợ một mực “chuộc thì chuộc” (đồng ý chuộc), còn chồng thì dứt khoát “chẳng chuộc” (không cho chuộc). Tiếng kêu ra rả trái ngược nhau của hai loại chẫu chàng là tiền đề sáng tạo nên câu chuyện về sự bất hoà của vợ chồng chẫu chàng nên có thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”.
Gần nghĩa với thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”, trong tiếng Việt còn có thành ngữ “ông nói gà bà nói vịt”. Tuy nhiên thành ngữ này biểu thị sự không hiểu nhau, mỗi người nói một nẻo. Ngược lại, thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”, thể hiện ở cả lời nói, ý nghĩ.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Đường về đêm tối canh thâu.
Nhìn anh tôi tưởng con trâu đang cười.

Đầu cái cước dư
Nếu ta có câu: Đầu đội trời, chân đạp đất.
Thì Tầu có câu tương tự: “Đầu cái cước dư”.
(Trời là cái lọng. Đất là cái xe).

Tiếng Việt trong sáng
Giải phóng :
Giải phóng là một từ thường dùng trong lĩnh vực chính trị để chỉ công cuộc cởi bỏ áp bức, trói buộc cho con người. Ngày nay, người ta lại dùng một cách sai lầm từ nầy cho vật chất.
Thí dụ: người ta nói giải phóng mặt bằng thay cho từ đúng là giải tỏa mặt bằng.
(Triêu Thanh tạp chí)

Phố Hàng Đào
pho hang daoPhố Hàng Đào tất nhiên cũng hình thành rất sớm dọc trên con đê gần Hồ Gươm. Phố Hàng Đào thời cổ, nhà mái lá, mái ngói nhô ra thụt vào, không có vỉa hè. Đường đất gồ ghề, rất hẹp, ngày nắng bụi mù, ngày mưa lầy lội, không có cống, nước tụ lại chảy thành rãnh hai bên vệ đường.
Theo sách “Vũ trung tuỳ bút" của Phạm Đình Hổ kể quang cảnh phồn hoa của mấy phố Hàng đào - Hàng Bạc. Hàng Đào là nơi buôn bán lụa là vóc nhiễu với nhiều màu sắc, người Hàng Đào được tiếng là người thanh lịch, con người của “kinh kỳ” kiểu cách.

Bắp vế
Bến, Đầu, Vàng, Đồng là những tiếng vay mượn không có lý do, như, chúng tôi đã ám chỉ ở bài trước khi nói về Đùi, do bọn sính nói tiếng Tàu vay mượn, còn ta thì đã có danh từ Bắp Vế.
(Bình Nguyên lộc - Dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt Nam)

Ai vô xứ Nghệ thì vô
Khi Lê Lợi dấy binh chống Minh, khởi đầu ở vùng Thanh Hóa, sau chiếm Nghệ An để mở rộng khu vực chiến đấu, dân gian đã phấn khởi vùng đất tự do ấy và cổ võ cuộc di dân vào vùng này:
Ðường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Ai vô xứ Nghệ thì vô
(Ca dao lịch sử - Phương Nghi)

Dém
Dém : nhắn nhe, toan tính
(dém nói: ý muốn nói)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Câu đố
Xét trong quan hệ với vật đố, tức cách biểu thị vật đố ra sao, hình ảnh ở lời đố thường được sử dụng theo kiểu dùng lời Hán Việt. Dùng lời Hán Việt thay vì dùng lời thuần Việt để miêu tả vật đố, trong bối cảnh hầu hết người chơi câu đố chỉ biết bập bõm đôi tiếng Hán Việt, cũng nhằm thể hiện lối lạ hoá hình ảnh.
Thí dụ:
“Thiên vô sinh,
Địa vô sinh,
Vô dạng vô hình;
Đại nhân khai khẩu,
Tiểu nhân kinh”.

(Trời không sinh,
Đất không sinh,
Không dạng, không hình;
Người lớn nhắc đến,
Trẻ con kinh sợ)
(Ông ngáo ộp)
(Triều Nguyễn - Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố)

Dều
Dều : nhiều
(dều dào: nhiều lắm, giồi dào)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Ông Ba Mươi
Về phương diện từ vựng, ngoài chữ cọp, chúng ta còn có hổ, hùm, hầm, khái, kễnh. Sáu từ đơn. Chưa hết, còn: chúa sơn lâm, ông Ba Mươi, ông Dần, hay ông thầy. Chỉ nói “ông thầy” thôi, người ta hiểu ngay là cọp. Tổng cộng: 10 từ.
Tại sao người ta gọi cọp bằng nhiều tên khác nhau như vậy?
Vì sợ. Sợ nên kiêng. Cọp không những hung dữ mà còn khoẻ mạnh và nhanh nhẹn vô cùng, cứ thoắt hiện thoắt biến, rất khó đối phó. Bởi vậy người Việt Nam mới ví cọp như thần, như ma: “thần hổ, ma cọp”. Ma cọp có một tên riêng: ma trành.
Truyền thuyết ai lỡ giết cọp, phải mang đến trình quan huyện; quan huyện sẽ thưởng cho ba mươi quan tiền nhưng lại bắt nằm xuống đất để lính đánh đòn ba mươi roi gọi là phạt “tội giết cọp”. Ðánh, chỉ là đánh vờ. Ðể hồn ma của con cọp chết không về báo oán dân làng. Vì vậy cọp được gọi là “ông Ba Mươi” chăng?
(Nguyễn Hưng Quốc - Tiếng Việt: Cọp và Chó)

Khác biệt văn hóa
Khen vật gì to
Hà Nội: To vật vã.
Sài Gòn: Bự bành ki.

Chữ nghĩa hiện thực
Ngôn từ trong nước bây giờ cũng đổi mới tư duy như các ô cậu thanh niên thanh nữ Hà Nội thay vì nói cái xe Honda Dream thì lại dùng từ con Dream, tiếp là con Su (Suzuki), con Tô (Toyota), con Mẹc (Mercedes), con A còng (@).
Ấy là chưa kể cò đất, cò nhà, chẳng dính dáng gì đến… con cò.
(Lê Anh Tuấn – Báo Sài Gòn Nhỏ)

Phố Hàng Đường
pho hang duongTừ chợ Đồng Xuân đến phố Hàng Ngang là phố Hàng Đường, là một phố nằm trên con đê cũ có cầu xây bắc ngang qua, gọi là Cầu Đông và một ngôi chợ họp ở cạnh cầu gọi là chợ Cầu Đông.
Chợ đó, vào khoảng năm 1900, trở thành chợ Đồng Xuân.

Hàng Đường là một phố cũ của kinh thành Thăng Long, từ thời Hậu Lê qua thời Nguyễn, phố này vẫn chuyên bán các sản phẩm đường mật và làm kẹo bánh.


Chữ nghĩa làng văn
Nhà văn viết văn tức là kể một câu chuyện. Nhưng người kể chuyện không nên hướng dẫn cho độc giả mà cần tôn trọng sự thông minh, khả năng thẩm thấu tác phẩm theo cách riêng của họ.
Nhà văn giỏi là người biết quan sát và kể chuyện, hé lộ những điểm thắt nút, nhưng chi tiết tinh tế, gợi mở cho những gì sắp xảy ra. Người kể chuyện không nên có giọng điệu giảng giải. Anh ta phải biết tôn trọng sự thông minh của độc giả.
Họ luôn biết lý giải câu chuyện theo cách riêng của mình.

Khác biệt văn hóa
Mắng thằng ngu
Hà Nội : ngu trên cả tuyệt vời.
Sài Gòn: ngu thấy mẹ.

Câu đố
Xét trong quan hệ với vật đố, tức cách biểu thị vật đố ra sao, hình ảnh ở lời đố thường được sử dụng theo hình ảnh “mình - đuôi” của vật. (chứ không phải người hay động vật).
Một số vật có gắn dây, thì vật trở thành “thân mình”.
Dây trở thành “đuôi”. Thí dụ:
Mình dài một thước đâu sai,
Thơ thẩn tháng ngày, thân lại xoè ba.
Đêm khuya lặng lẽ sương sa,
Mình nằm âm phủ, đuôi mà thượng thiên
(Cái mỏ neo)
Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố cho thấy thể loại này là sự mới mẻ, lạ thường. Những hình ảnh được tạo nên bởi lối nhân hoá (hay động vật hoá, thực vật hoá,... ), và cách tả thực. Do góc nhìn không bình thường, có khi dùng hình thức đánh tráo các quan hệ ngữ pháp, nên tạo ra những vật dị kì. Những cách miêu tả như vậy chỉ có và được chấp nhận trong câu đố, tạo cho thể loại này một phong cách rất riêng.
(Triều Nguyễn - Cách sử dụng hình ảnh trong câu đố)

Phố Hàng Ngang
Từ phố Hàng Đường đến phố Hàng Đào (đất phường Diên Hưng cũ) là Hàng Ngang, là phố. Thời Lê-Trịnh do nhiều người Quảng Đông (rue des Cantonnais) đến làm ăn nên có tên gọi là phố Việt Đông (và Hà Khẩu tức phố Hàng Buồm).
Buổi tối nhà chúa cho kéo ngựa ngỗ chắn ngang hai đầu phố Việt Đông nên mới có tên là phố….Hàng Ngang.

Đất lề quê thói
Trong hôn lễ
Khi cô dâu bước chân vào nhà chồng phải bước qua cái hoả lò hồng cháy. Lửa sẽ đốt hết tà ma đã theo cô dâu từ đọc đường.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Chữ nghĩa hiện thực
Bắc thang lên hỏi ông trời.
Đem tiền cho gái, có đòi được không?
Trời bảo: mày hỏi như khùng.
Tao là Thượng Đế còn “không” nữa là!
Thành ngữ và danh ngôn
Cha ông xưa đúc kết được kinh nghiệm sống và truyền khẩu cho đời con cháu mai sau qua ca dao và thành ngữ...Nay con cháu mai sau đời sau chế tác "lung tung, trống kèn" những thành ngữ, danh ngôn cho riêng họ :
• 1 người mà 90 tuổi thì chắc chắn là sống lâu hơn…người 60 tuổi rồi, bạn nhỉ!
• Bọn này đúng là càng lớn càng... nhiều tuổi.
• Hãy sống để được…chết một lần.

Chữ nghĩa không hay…chết liền IV
Một bài báo chất vấn tờ báo nọ sao không gọi người đại diện cơ quan là đồng chí mà lại gọi là ông. Bài báo còn viện dẫn là theo Từ điển tiếng Việt (nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1977) trang 308 định nghĩa: Đồng chí là người cùng chí nguyện…
Hôm sau tờ báo nọ đăng tin:
Đồng chí trưởng cơ quan bị tòa án kết tội tham nhũng.
(Nguyễn Khắc Phê - Nghĩ về từ “đồng chi”)

(còn tiếp)