Chữ nghĩa làng văn
15 tháng 11.2015
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.
Chữ nghĩa làng văn (2)
Đầu thế kỷ 20, người tả dục tính đầu tiên là Lê Hoằng Mưu, chủ bút Lục Tỉnh Tân-văn, tác giả Hà hương phong nguyệt. Với truyện Người bán ngọc, văn phong biền ngẫu gần 400 trang. Người bán ngọc là Tô Thương Hậu giả phụ nữ bán ngọc để gần gũi và trở thành tình nhân của Hồ phu nhân trong 2 năm chồng đi xa. Trước là đồng tình luyến ái. Sau trai gái thật khi Tô Thương Hậu không cầm lòng được đã để lộ cái "oan gia".
‘’...Vén mùng rồi vừa gạt chưn lên giường, xẩy thấy một tòa thiên nhiên, lịch sự như tiên giáng thế, làm cho người bán ngọc mảng mê nhan sắc trố mắt đứng nhìn, quên bổn phận mình, mưu sự tệ tình, bất cẩn... Thấy Hồ phu nhân mê mẩn giấc nồng sổ đầu, nằm bỏ tóc, xấp xả khó gìn cho đặng. Bèn đưa tay rờ rẫm vuốt ve cho thỏa. Không dè, mới thò tay tới bụng sợ phập phồng nó làm cho tấc dạ bồi hồi, tay rung lập cập. Người bán ngọc không dám rờ! Lật đật thục tay vào rồi xây mặt ngó quanh quẩn bên mình... Vuốt qua vuốt lại, rờ xuống rờ lên đôi ba phen mà Hồ phu nhân mê mẩn không hay, người bán ngọc thấy vậy mới dễ ngươi, ái tình lại dối lòng tà dục... muốn kề má hôn cho phỉ dạ. Có một điều là rờ rẫm vuốt ve thì không sao, chớ hễ muốn kề má xuống hun, thì lại hườn cựu lệ, trống ngực đánh rầm rầm, chân tay run lẩy bẩy... đổ mồ hôi ướt đẫm như người bị cảm mạo phong sương... dục thúc quá dằn lòng không đặng, người bán ngọc bèn gượng đưa tay ra rờ cái ngọc cốt phi phàm... Rờ tới đâu chết điếng tới đó...".
Nguyễn Văn Sâm - Vài suy nghĩ về truyện ngắn)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Dây tơ hồng ...quấn quanh chuồng lợn.
Tình chúng mình có tợn quá không em??
Thành ngữ từ bàn nhậu trước 75
Trước 75, miền Nam có những câu “thành ngữ”
về thuốc lá xuất xứ từ bàn nhậu, như:
Pallmall : Phải anh là lính mời anh lên lầu.
(hay “Phòng anh lạnh lẽo, mình anh lạnh lùng)
Salem: Sao anh làm em mệt.
(đọc ngược lại là “Mà em làm anh sướng”)
Lucky: Lòng ước có khi yêu (?).
Capstan : chiếc áo phong sương tình anh nặng.
(hoặc “Chiếc áo phong sương tựa áo nàng”)
Bastos: Biết anh sầu, tôi ôm sát.
Chữ nghĩa thập niên 20
Vưu vật: Hai chữ này chỉ người con gái đẹp có tư cách lạ thường.
Sách Tả truyện có câu : Phù hữu vưu vật túc dĩ di nhân”, nghĩa là gặp người lạ thường làm cho người ta phải tiến tới.
Trong khi tiếng Việt thì “vưu vật” lại có nghĩa dung tục khác!.
(Phan Mạnh Danh – Tình trường ký)
Lính thú đời xưa
Trong Quốc văn giáo khoa thư có hai bài Lính thú đời xưa I và II :
Ngang lưng thì thắt đai vàng
(…)
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa
Và bài kế tiếp:
Ba năm trấn thủ lưu đồn
(…)
Nước giếng trong, con cá nó vẫy vùng
Nhưng bài sau thật lạ kỳ, như ở đâu bay vào câu thơ lạ hoắc.
Đó là câu cuối “Nước giếng trong, con cá nó vẫy vùng” :
Câu thơ nhẩy vọt từ chuyện khổ qua chuyện vui, không đầu không đuôi, không gốc không ngọn vì giữa anh lính thú và con cá chẳng có một liên hệ gì với nhau cả.
Ngoài ra “thú” là hạn kỳ ba năm như đi quân dịch.
(Cao Huy Thuần – báo Ngày Nay)
Dặng
Dặng : ướm hỏi
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Cơm Tàu
Vài từ quen thuộc với người Việt trong tiệm ăn Tàu:
Hủ tiếu (qua điều) - Xíu mại (thiêu mãi) – Há cẩu (hà gia) – Hoành thánh (vân thốn hay hổn độn) – Mì xào (chao miên) – Bào ngư (ngư bào) - Lạp xưởng (lạp trường) – Thịt cầy nấu thuốc Bắc (hướng dục).
Lòng heo (phá lấu) – Thịt bò viên (ngầu dìn hay ngưu viên).
Ấm trà (dậm xà) – Trà ( người Tiều đọc là “té”, người Quảng Đông gọi là “chá” hay “chai”) - Cà phê sữa (phé nại hay gia phi ngưu nài) - Phổ ky ( hỏa kế).
(Phụ chú: Hủ tiếu Nam Vang từ hủ tiếu Triều Châu bên Nam Vang mà ra – Phá lấu cũng của người Triều Châu hay Tiều)
(Lê Văn Lân – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)
Chữ nghĩa không hay…chết liền II
Báo Tuổi Trẻ Sài Gòn có nhặt ra một số hạt sạn của các báo ở trong nước. Xin mượn vài hạt sạn trình làng. Nhà văn Hoàng Ty trong bài Phú thương Lăng Cô nay đã lên phường, đăng trên tạp chí Thông Tin Văn Học số 62, đã viết:
“Bà Đoàn Thị Điểm đã để lại cho đời sau nhiều bài thơ bất hủ. Thưở học trò chung tôi vẫn ngâm nga thú vị:
- Bước tới Đèo Ngang bóng sế tà..
Ới ông Hoàng Ty ơi, ông muốn viết gì thì viết, cớ sao lại chụp cái mũ đạo văn lên đầu bà Đoàn Thị Điểm. Ông là nhà văn thì cũng hiểu là bài “Đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan chứ!?
(Báo Ngày Nay: Chữ nghĩa ngày nay)
Ngược dòng địa danh miền Bắc qua sử phẩm
Trấn Sơn Tây
Theo thư tịch cổ tên Sơn Tây xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1469, đó là trấn Sơn Tây. Năm 1831, Minh Mạng thứ 12 giải thể Bắc Thành, đổi các trấn thành tỉnh.
Vì vậy trấn Sơn Tây thành tỉnh Sơn Tây. Thành cổ Sơn Tây ở trung tâm thành phố, là một công trình quân sự kiến trúc theo kiểu Vauban được xây dựng từ Minh Mạng thứ 3 (năm 1822).
Thủ phủ của Sơn Tây với các ranh giới phía tây, phía bắc và phía đông là sông Đà, sông Hồng và sông Đáy. Sơn Tây nằm về hướng tây bắc Hà Nội, nói đến Sơn Tây thì có câu phong dao “Sơn Tây gánh đá, nung vôi” cùng núi Ba Vì với ba ngọn núi lớn là núi Ông, núi Bà và núi Tản Viên: “Nhất cao là núi Ba Vì – Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Sông thì có sông Đà, sông Đáy và thắng tích là chuà Thày, chùa Phương Tây.
Và chẳng thể thiếu cầu ca dao:
Gái Sơn Tây, yếm thủng tày dần
Răng đen hạt nhót, chân đi cù lèo
Tóc rễ tre chải lược bồ cào
Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung
Giã gạo, vú chấm đầu chầy
Xay thóc cả ngày, được một đấu ba
Đêm nằm nghĩ hết gần xa
Giở mình một cái gẫy ba thang giường
Về hát ví, Sơn Tây chịu ảnh hưởng lối hát ghẹo của Phú Thọ hơn là lối hát quan họ của Bắc Ninh. Hai lối hát này có chút biệt nhỏ nên rất dễ bị nhầm lẫn, hát quan họ thường gọi nhau là “quan anh quan chị”, nhiều tuổi cũng nhận mình là em, theo tục lệ hai bên không được lấy nhau. Hát ở Sơn Tây được gọi là “hát anh chị”.
Đất lề quê thói
Trẻ đi học phải kiêng
Không gối đầu lên sách, vì học…không vào.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)
Lo bò trắng răng
Nếu ai đó hay lo lắng chuyện không đâu, chuyện không đáng lo, thì sẽ được coi là người “lo bò trắng răng. Thực tế rõ ràng là răng của bò bao giờ cũng trắng. “Bò trắng răng” là sự thật hiển nhiên, nên “lo bò trắng răng” là lo cái điều vốn hiển nhiên là như thế!
Cũng có nhiều người giải thích theo cách khác, cho rằng trắng ở đây có nghĩa là không (như mất trắng tức là mất không). Và do đó, lo bò trắng răng nghĩa là lo bò không có răng. Cách giải thích này cũng có vẻ hợp lý. Song, nếu bằng vào câu ca dao:
Lo gì lo bò trắng răng
Mua ba đồng thuốc nhuộm răng cho bò
Thì ta thấy cách luận ở trên hợp lý hơn.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)
Từ Hán –Việt được nho hóa
Tầng: Tầng lớp, giai tầng xã hội. Tầng nhà
Thí dụ cao ốc đó có tám tầng và một tầng hầm.
Ti: Nhỏ, quá nhỏ. Tị hiềm, ti tiện, ti tiểu.
Chùa Tây Phương
Chùa Tây Phương còn gọi là Sùng Phúc tự nằm trên ngọn núi Tây Phương, huyện Thạch Thất, Sơn Tây. Từ chân núi, đi qua 239 bậc đá ong, sẽ đến cổng chùa. Trước mắt hiện ra ba nếp nhà song song gồm bái dường, chính diện và hậu cung. Mỗi nếp có hai tầng mái, tường xây hoàn toàn bằng gạch nung đỏ để trần.
Chùa Tây Phương hình thành năm 1554. Năm 1794 dưới thời nhà Tây Sơn, chùa lại được đại tu hoàn toàn với tên mới là “Tây Phương Cổ Tự” và hình dáng kiến trúc còn để lại như ngày nay.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc chữ Tam với ba toà cất dọc theo sườn núi song song với nhau, gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng. Chùa có 62 pho tượng được tạc bằng gỗ mít nguyên. Các bộ tượng gồm Tam thế Phật (quá khứ, hiện tại, vị lai). Bộ tượng La Hán lớn bằng người thật trong các tư thế khác nhau ở hai bên tường thượng điện: có pho thì đứng, có pho thì ngồi, pho có vẻ mặt hân hoan tươi tắn, có pho như đang phân bua thì thầm trò chuyện cùng ai, pho thì giương mắt mày nhíu xệch, pho lại có vẻ mặt trầm tư khắc khổ.
Dầm
Dầm : màu tối
(người dầm dầm)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Câu đối “Nhất sinh đế thủ bái mai hoa”
Câu đối của Cao Bá Quát :
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Mười năm lặn lội tìm cây kiếm cổ
Một đời chỉ biết lạy hoa mai)
Theo các tài liệu đã được các nhà nghiên cứu tiền bối công bố, thì đôi câu đối trên có xuất xứ như sau :
Theo “Như Thanh Nhật ký” năm Mậu Thìn (1868) vua Tự Đức cử đoàn sứ bộ sang triều cống nhà Mãn Thanh: cầm đầu là chánh sứ Lê Tuấn (đỗ Hoàng Giáp năm 1853); Hành trình của sứ bộ theo lối xưa từ ải Nam Quan đến Yên Kinh “bộ khôn bằng bộ, thuỷ khôn bằng thuyền” mất 181 ngày (lưu trú 64 ngày đi 117 ngày trong đó 44 ngày đường bộ, 73 ngày đường thuỷ). Khởi hành ngày 1/8 Mậu Thìn, sau 125 ngày thì đến thành Hà Dương tỉnh Hồ Bắc, ở đó đoàn Sứ bộ được viên tri phủ Hán Dương là Ngải Tuấn Mỹ đón tiếp và tặng đôi câu đối cho chánh sứ Lê Tuấn :
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Mười năm chọn bạn như tìm thanh kiếm cổ
Một đời chỉ biết cúi đầu lạy hoa mai)
Sự kiện trên được chép trong “Yên thiều bút lục” của Nguyễn Tử Giản (1823-1890), câu đối “... bái mai hoa” của Ngải Tuấn Mỹ tặng chánh sứ Lê Tuấn vào năm 1868, trước đó 14 năm, Cao Bá Quát đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (Giáp Dần 1854)... phải chăng người đời do quá yêu Cao Chu Thần nên cứ thích tương truyền câu “nhất sinh đê thủ bái mai hoa” là của ông như một giai thoại để đời?
(Nguyễn Khôi – Câu đối có phải của Cao Bá Quát?)
(còn tiếp)