banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 11.2015

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Cha ông xưa đúc kết được kinh nghiệm sống và truyền khẩu cho đời con cháu mai sau qua ca dao và thành ngữ...Nay con cháu mai sau đời sau chế tác "lung tung, trống kèn" những thành ngữ, danh ngôn cho riêng họ:
• Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia rượu vẫn còn trơ trơ
• Bia đá, bia ôm, bia nào cũng vậy...
Làm sao em biết bia đá không say?
• Chỉ có bia mới hiểu bụng…mênh mông nhường nào
Chỉ có bụng mới biết…bia đi về đâu

Dắng
Dắng : đánh tiếng
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn
Sau khi xuất hiện ở cuối hai câu thơ của Nguyễn Khuyến, và có thể trong một lần khác với Hồ Xuân Hương, nó biệt tích luôn.
Dường như không còn ai thấy nó ở một bài thơ nào khác.
Nó là chữ “teo” trong “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”, trong “ngõ trúc quanh co khách vắng teo” ở hai bà thơ Nôm của cụ Nguyễn Khuyến.
Nhờ chữ “teo” mà bài Thu điếu hay hơn rất nhiều. Chiếc thuyền không chỉ nhỏ, chỉ bé, mà “bé tẻo teo”. Nghĩa là bé quá lắm. “Vắng teo” cũng thế. Là vắng lắm. Vừa vắng, lại vừa ắng lặng.
Đó là “vắng teo”.
Chữ “đắt” như vậy, không ai dám dùng lại nó nữa! Nếu không thể dùng hay hơn cụ Nguyễn Khuyến…
(ViệtTide)

Đẹp giai
“Giai” : tiếng Hán Việt là đẹp. Như giai nhân.
Vậy mà đàn ông, con trai cứ nói mình…đẹp giai.

Số đỏ nhại ai?
so do  Số đỏ được xây dựng theo thể chương hồi, mỗi chương như một giai đoạn. Chẳng biết Vũ Trọng Phụng có đọc Rabelais hay không, nhưng cách hài hước phóng đại của ông đi từ ngôn ngữ để xây dựng nhân vật, có gì rất gần với Rabelais.
Số đỏ ban đầu đã được viết ra để nhại những chương trình Âu hoá xã hội của Tự Lực văn đoàn, thành phần văn học độc chiếm văn đàn trên nhiều lãnh vực văn hóa xã hội, và cũng là đối thủ quyết liệt nhất của Vũ Trọng Phụng trên "mặt trận tư tưởng".
Những mẫu hình họ Vũ đưa ra để chế giễu, hầu hết nằm trong chương trình Âu hoá, cải cách xã hội của Tự Lực văn đoàn với các khẩu hiệu: Âu hoá, theo mới, hoàn toàn theo mới không chút do dự, làm việc xã hội, theo chủ nghiã bình dân, vận động thể thao, làm nhà ánh sáng, giải phóng phụ nữ, thiết kế y phục tân thời: kiểu áo Le mur Cát Tường v.v..
Tất cả những khẩu hiệu canh tân, cải cách của nhóm Tự Lực đều được Vũ Trọng Phụng nhái lại, đưa vào Số đỏ, thổi phồng và hài hước hoá những lai căng nực cười, như vậy làm sao Nhất Linh không nổi giận viết bài (ký tên Nhất Chi Mai) kết án Vũ Trọng Phụng thậm tệ trên báo Ngày nay, số 15, ra ngày 21/3/1937.
(Thụy Khuê – Mặt khuất của con người Vũ Trọng Phụng)

Đất lề quê thói
Trẻ đi học phải kiêng
Không bén mảng tới buồng đàn bà đẻ vì sợ…lú lấp.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm mà chúng tôi (Lê Mạnh Chiến) đã phát hiện được trong Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
viễn phố
遠浦
Soạn giả giải thích rằng viễn = xa, phố = chỗ bán hàng, nhà trạm, và viễn phố = nơi ở xa.
Rồi ông trích dẫn câu thơ “Gác mái, ngư ông về viễn phố… “ của Bà huyện Thanh Quan. Ông không hiểu rằng ở đây, phố nghĩa là bến sông chứ không phải phố là cửa hàng. Viễn phố nghĩa là bến sông ở xa. Bà huyện Thanh Quan ở thế giới bên kia hẳn phải nổi giận và vô cùng đau lòng cho đất nước nếu bà biết rằng có một nhà biên soạn từ điển tiếng Việt ở cuối thế kỷ XX đã giảng giải thơ của bà như thế.

Truyện chớp: Love
Thằng nhỏ còn mặc quần thủng đít, chạy lon ton theo con bé mặc chiếc áo đầm xoè nhưng lại cởi truồng với đôi chân đất đang đi loạng quạng đằng trước:
- Ê ....., lớn lên tao lấy mày đó !!!
Nói rồi, nó chụp được một mảnh áo con nhỏ kéo đi xềnh xệch ...
Con bé bị mất thăng bằng, ngã lăn chiên ra đất, miệng ngoác lên khóc lớn:
- Má ơi..i…i…i.....!!!!!!!!

Nói nhăng nói cuội
Thành ngữ trên có hai ý kiến. Một ý kiến cho rằng vì “nhăng” có nghĩa là quấy phá nhăng nhít cho nên nó đi với “cuội” là thích hợp để diễn tả cái ý nói năng dối trá không đáng tin cậy.
Còn ý kiến khác lại cho rằng “nhăng cuội” chính là do “giăng cuội” nói chệch ra. Vì vậy nhăng cuội (hay giăng cuội) thường được để biểu thị sự nói năng nhảm nhí, vu vơ, dối trá, chuyện nhăng cuội, hứa nhăng hứa cuội, nói nhăng nói cuội, tán nhăng tán cuội, v.v...
Thành ngữ nói nhăng nói cuội (hay nói giăng nói cuội) mang nét nghĩa chung là nói không thật, nói vu vơ, hão huyền. Trong tiếng Việt còn có thành ngữ gần nghĩa là “nói hươu nói vượn”. Song ở thành ngữ nói hươu nói vượn không có nét nghĩa dối trá.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Cứ chơi cho hết đời trai trẻ,
Rùi âm thầm lặng lẽ đạp xích lô.

Tiếng nói xưa và nay
- Quê: nghĩa gốc chỉ nơi mình sinh trưởng, nơi gốc rễ của dòng họ mình. Dần dần từ quê có thêm nghĩa mộc mạc, với các cụm từ: quê mùa, quê kệch, nhà quê...
- Chợ búa: chợ búa đều chỉ nơi họp chợ để mua bán nhưng ngày trước có phân biệt nghĩa. Chợ là nơi có lều quán, họp theo phiên (có chợ họp mỗi tháng 6 phiên hoặc 12 phiên). Búa thường họp trên một đám đất rộng, không có lều quán, không có phiên.
- Cánh: từ cánh trong tiếng Việt thường để chỉ những vật có đôi, đối xứng nhau: cánh cửa, cánh tay, cánh đồng (làng ở giữa, có cánh đồng trước cánh đồng sau, cánh đồng xuôi, cánh đồng ngược). Từ nghĩa đó, từ cánh được mở rộng, dùng để chỉ 2 phe đối lập nhau: phe cánh, cánh tả cánh hữu.

Góp nhặt sỏi đá chữ nghĩa
Một hôm, đệ tử hỏi thiền sư Đại Châu: "Thưa thầy! Thế nào là sắc, thế nào là không?".
Thiền sư trả lời: "Sắc tức là không!".
Đệ tử lại hỏi: "Thưa thầy, thế nào là có, thế nào là không?".
Thiền sư trả lời: "Có tức là không?".

Ngược dòng địa danh miền Bắc qua sử phẩm
Tứ trấn
Năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ cả nước, gồm 13 xứ thừa tuyên (sau đổi là trấn). Đến đây mới xuất hiện 4 kinh trấn (hay nội trấn) trấn giữ 4 hướng đông tây nam bắc bảo vệ thành Thăng Long.
Trấn Kinh Bắc : Phúc Yên, Bắc Giang và và Bắc Ninh.
Trấn Sơn Nam (*) : Hà Đông, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình và Hưng Yên và Nam Định .
Trấn Hải Dương : Hải Phòng và Kiến An và Hải Dương.
(tên cũ là Trấn Hải Đông)
Trấn Sơn Tây : Phú Thọ, Vĩnh Yên, và Sơn Tây.
(*) Trấn Sơn Nam sau đổi thành hai: Trấn Sơn Nam Thượng và Trấn Sơn Nam Hạ. Trấn Sơn Nam Hạ, năm 1831 thời Minh Mạng chia thành hai tỉnh: tính Thái Bình và tỉnh Nam Định.
(Phùng Thành Chủng)

Dắng dỏi
Dắng dỏi : văng vẳng
(nghe tiếng khóc dăng dỏi từ xa)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Thằng tù biên giới
Năm 1951, sau chiến dịch ở biên giới, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có viết một phóng sự có tên “Thẳng từ biên giới” gửi cho báo. Rồi lu bu công việc và quên tuốt. Mấy tháng sau, bỗng dưng ông được một bài báo có phóng sự của ông với tựa đề:
- Thằng tù biên giới

Chữ nghĩa làng văn
Bản chép tay chữ Nôm Hoa viên kỳ ngộ tập, gồm 92 trang là một tiểu thuyết tính dục táo bạo nhất trong cổ văn Việt Nam.
Cuộc gặp gỡ ở vườn hoa kể về cuộc tình duyên của Triệu Kiệu, thời nhà Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Thư sinh họ Triệu khôi ngô tuấn tú, học rộng tài cao. Một hôm dạo bước tới vườn hoa bên cầu Bích Câu, tình cờ gặp Lan Nương và Huệ Nương, con quan Ngự sử họ Kiều, đôi bên quen biết, tình tự rồi yêu nhau say đắm:
“…Triệu công tử được Kiều Công mến tài cho ở trong nhà để tiện thầy tiện bạn đèn sách. Chàng lân la đến khuê phòng của hai nàng, nhờ được Xuân Hoa và Thu Nguyệt là hai thị nữ của Lan Nương và Huệ Nương hết lòng giúp đỡ nên tự do đi lại. Họ đến với nhau, trai tài gái sắc, trao thân gửi phận, thỏa lòng mây mưa vượt qua lễ giáo. Cả hai chị em Lan và Huệ cùng chung tận hưởng cuộc hoan lạc trong cõi nhân gian.
Triệu Công tử đề nghị hai tiểu thư Lan và Huệ kéo cả hai thị nữ Xuân Hoa và Thu Nguyệt vào cuộc và hai tiểu thư cũng đồng ý. Thế là một chàng công tử lần lượt giao hoan với hai tiểu thư, cô em trước, cô chị sau, rồi sau đó đến lượt hai cô thị nữ nữa.........  Hoa binh nguyệt trận, nhung mã tung hoành.
Giao hoan xong, Sinh lại cùng hai nàng Lan, Hương đối ẩm. Sau khi gà gáy ba hồi, các nàng vực chàng vào ngủ…”.
(Nguyễn Xuân Diện - Quyển tiểu thuyết sex táo bạo nhất trong thư tịch cổ Việt Nam)

Ca dao, tục ngữ thời @ (a-cong!)
Nhớ ai như nhớ láng giềng.
Chỉ mong tắt lửa tối đèn... có nhau.

Chữ nghĩa làng văn
Vào đến trong Nam chóa mắt với xe cộ chạy hà rầm.. xe gắn máy ba bánh nổ bành bạch điếc con ráy. Xe thổ mộ thong thả dời Ngã Ba ông Tạ, đi chợ Bà Chiểu. Chú đánh xe thổ mộ ngồi nghiêng bên thành cán xe ngựa thò chân xuống đất, mồm kêu toóc toóc như dục chú ngựa ráng tý nữa, ráng tý nữa đi cưng.
Hoa trái bầy la liệt mua một chục ê hề đủ loại. Bà bán hàng ra giá mua một chục có đầu., nghĩa là chục có thể 11, 12 đến 13, 14 trái tùy theo thỏa thuận. Nội thế thôi, mua bán kiểu kỳ cục Nam Kỳ cũng thấy đủ sướng rồi. Chẳng ai bảo ai, ngay cả đám sĩ phu Bắc Hà, đám trí thức thành thị cũng rứa.
Quên hết chơn, hết chọi.. câu chuyện văn hóa ngàn năm…

Ngược dòng địa danh miền Bắc qua sử phẩm
Trấn Hải Dương
tran hai duongThành Hải Dương được dựng năm 1885, 1 trong 4 thành trong Thăng Long tứ trấn
Xuất xứ tên gọi Hải Dương: Hải là vùng đất giáp biển. Dương là ánh mặt trời. Hải Dương có nghĩa là "ánh sáng từ miền duyên hải chiếu về". Tên gọi Hải Dương chính thức có từ năm 1469.
Thành Hải Dương, còn gọi là Thành Đông, là một ngôi thành cổ thời nhà Nguyễn được được đắp bằng đất năm 1804 theo kiến trúc Vauban với mục đích vừa là trấn thành, vừa án ngữ phía đông kinh thành Thăng Long. Thành Đông ban đầu được đắp bằng đất, có hình 6 cạnh, chu vi 551 trượng 6 thước, cao 1 trượng 1 thước 2 tấc, mở 4 cửa. Thành Đông ban đầu không có dân, chỉ có quan lại và quân lính.
Trong “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi nhận định Hải Dương là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn và là phên giậu phía đông của kinh thành Thăng Long. Đời nhà Tần thuộc Tượng quận. Thời nhà Hán thuộc quận Giao Chỉ; thời nhà Đông Ngô thuộc Giao Châu.
Nhà Lý đổi thành lộ Hồng, sau đổi thành lộ Hải Đông.
Năm 1397 vua Trần Thuận Tông đổi là trấn Hải Đông
Năm 1466 vua Lê Thánh Tông đặt thừa tuyên Nam Sách.
Năm 1516 vua Lê Tương Dực đổi làm trấn.
Nhà Mạc lấy Nghi Dương làm Dương Kinh. Trích phủ Thuận An ở Kinh Bắc và các phủ Khoái Châu, Tân Hưng, Kiến Xương, Thái Bình ở Sơn Nam cho lệ thuộc vào Dương Kinh.
Từ những dấu ấn văn hoá Lý, Trần, Lê, Nguyễn là nơi kết hợp hài hòa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với chiều sâu lịch sử mà tiêu biểu là Côn Sơn - Kiếp Bạc, Chí Linh.

(còn tiếp)