Chữ nghĩa làng văn
15 tháng 10.2015
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Cha ông xưa đúc kết được kinh nghiệm sống và truyền khẩu cho đời con cháu mai sau qua ca dao và thành ngữ...Nay con cháu mai sau đời sau chế tác "lung tung, trống kèn" những thành ngữ, danh ngôn cho riêng họ :
Trăm năm bia đá cũng mòn
Bia chai cũng vỡ, chỉ còn...bia ôm
Chữ ôm
Trong tiếng Việt, có lẽ chữ “ôm” là chữ nhiêu khê nhất, ngoài nghĩa vòng tay qua “ôm” một vật, một người nào đó, còn có nghĩa khác như:
- “ôm hoài bão”, “ôm cầm sang thuyền khác”, “mối tình ôm xuống thuyền đài”, “sống để bụng chết ôm theo”, “ôm đầu máu”, v..v..
Nhưng còn không có nghĩa, như: “ôm đồm”: chữ đồm, một mình không có nghĩa gì hết, đi với “ôm” thì nhiều chuyện.
Hoặc giả như: “ôm cột như…rắn ôm cây”. Như đợi đào ôm cây cột điện chẳng hạn.
(Thanh gươm – Khảo một chữ ôm)
Dao dao
Dao dao : mỏi mệt
(dao dao bằng người ốm nặng)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
“Ra mắt sách”
Việc “ra mắt sách”(giới thiệu sách) nhiều khi cũng đưa đẩy người viết xa rời thực tế. Một trường hợp điển hình là nhà văn Hồ Trường An khi viết lời bạt cho tác phẩm đầu tay của một nhà văn nữ, ca tụng tác phẩm chưa đủ còn ca tụng cả nhan sắc của tác giả mặc dầu ông chưa gặp mà chỉ nhìn qua ảnh. Ông viết: “Ở bìa sau quyển sách có in tấm ảnh màu của chị…Có lẽ nếu đem thơ của cụ Tiên Điền Nguyễn Du khi cụ mô tả Thúy Vân ở hai câu:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Thì đúng diện mạo chị…ngay. Khuôn mặt chị tròn nét mày hơi dầy và đậm nhưng tỉa gọt rất thanh nhã. Thúy Vân có thêm Hoa cười ngọc thốt đoan trang. Trên tấm ảnh kia, nụ cười của tác giả…tươi ơi là tươi, phô bày đôi hàm răng ngọc trai khít khao và đều đặn. Đó là hoa cười…”.
Quý vị hết bàng hoàng chưa?
Còn tới mười hai giòng nữa tả giọng nói và mầu áo của tác giả nhưng xin thôi không trích nữa. Tiết kiệm gì một lời khen, không mất lòng ai. Người được khen, cũng có khi biết là hơi quá nhưng vui trong bụng, người khen viết xong cũng thở phào khoan khoái. Và người đọc thì cũng được vài phút mê ly, lâng lâng như đang mừng đám cưới, như đang uống rượu trước giờ hợp cẩn và nói như mấy chữ trong thơ Đinh Hùng mà Mai Thảo đã mượn làm tên cho tiểu thuyết của mình: Cũng Đủ Lãng Quên Đời.
(Đặng Trần Huân – Cũng đủ lãng quên đời)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm mà chúng tôi (Lê Mạnh Chiến) đã phát hiện được trong Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
trữ tình
抒情
Vì không biết “mặt chữ” mà chỉ phỏng đoán theo cảm tính nên soạn giả giảng giải; trữ là chứa chất, tình là tình cảm; trữ tình là chứa chất tình cảm.
Thật là sai lầm nghiêm trọng. Nên nhớ rằng ở đây, trữ nghĩa là biểu đạt, là bày tỏ. Trữ tình nghĩa là bày tỏ tình cảm. Cần phân biệt chữ trữ này với chữ trữ trong từ tích trữ.
Nghe sách báo nói thế!
Nhà văn Nguyễn Công Hoan được mời đến giảng về truyện ngắn cho lớp viết văn trẻ khóa 4 Trường viết văn Nguyễn Du.
Ông nói:
- Truyện ngắn sau này hay hơn truyện ngắn thời chúng tôi rất nhiều. Truyện ngắn thời các anh chị càng ngày càng hay…
Một học viên giơ tay hỏi:
- Thưa bác, bác có thể nêu tên một tác giả tiêu biểu và một truyện ngắn hay không ạ?
Nguyễn Công Hoan cười to:
- Tôi có đọc truyện nào đâu mà nêu!
- Sao vừa rồi bác lại nói thế ạ?
Nguyễn Công Hoan thản nhiên:
- Thì tôi nghe sách báo nói thế…Tôi cũng nói thế…
Đông, Đoài, Nam, Bắc
Người Thăng Long xưa tự hào mình là người Kẻ Chợ và gọi những kẻ từ khắp nơi khắp chốn đến kinh đô, là dân tứ xứ ( Đông Đoài Nam Bắc) hay dân tứ trấn (Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc) hay dân tứ chiếng (chữ"chiếng" đọc trại từ chữ trấn mà ra) với sắc thái xem thường: "trai tứ chiếng, gái giang hồ".
Rời Thăng Long, chúng ta sẽ lần lượt làm quen với bốn vùng văn hóa gọi theo người xưa là: xứ Đông, vùng đất của các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, lên một chút là Hải Phòng, xuống một chút là Thái Bình; xứ Nam là vùng đất của Hà Nam, Nam Định, xuống một chút là Ninh Bình; và xứ Bắc, vùng đất của Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay. Và xứ Đoài, từ trung du đến đồng bằng Bắc Bộ
Đoài là tên một quẻ trong Bát quái, thường chỉ hướng Tây. Vì thế Xứ Đoài có Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Đông - Sơn Tây ở phía nam, tiếp giáp Thăng Long - Hà Nội. Phú Thọ - Vĩnh Phúc là đất trung du, nơi gặp gỡ của ba dòng sông lớn : Hồng, Lô, Đà,
(Phạm Vũ – Đôi mắt người Sơn Tây)
Đất lề quê thói
Trẻ đi học phải kiêng
Không cật, gan, mề gà vịt vì sợ không…thông minh.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)
Trích…Tập làm văn
Đề: Tả bác hàng xóm.
Bên cạnh nhà em có bác tên là Sẵn, ngày ngày bác ra đồng đi cày ruộng, con trâu đi trước bác đi theo sau. Mỗi lần bác kêu tắc tắc là con trâu lại đi qua bên phải qua bên trái trông thật vui mắt.
Khi bác đưa cây roi lên đánh vào mông chú trâu thì ếch nhái hai bên bờ ruộng kêu inh ỏi.
Đồng không mông quạnh
“Chàng về đồng không mông quạnh, gió lạnh sương sa
Em ở nhà lụy lâm, lâm lụy nước mắt sa theo chàng”.
(Dân ca Bình Trị Thiên)
Theo cuốn Từ điển từ nguyên tiếng Hán, từ “mông” chỉ một loài cỏ. Với nghĩa này, mông đối ứng với đồng (cánh đồng). Đồng và cỏ đối ứng, tương hợp về nghĩa như đồng khô cỏ úa hay đồng khô cỏ cháy. Song điều khó giải thích là ở chỗ, nếu mông là từ chỉ cây cỏ thì ít kết hợp được với quạnh.
Cách luận giải khác cho rằng mông vốn là một từ cổ, chỉ bãi trống giữa những cánh đồng. Từ này đang được lưu giữ trong một số thổ ngữ ở Nghệ Tĩnh. Nếu quả đúng là như thế thì ý nghĩa của thành ngữ đồng không mông quạnh là sáng rõ.
Như vậy, thành ngữ này chỉ khoảng không gian trống trải, vắng lặng, quạnh hiu có thể ví với cảnh đồng…không mông quạnh.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Cam sành lột vỏ còn chua.
Thương em còn nhỏ anh cua để dành.
Chữ và nghĩa
Nón ma lôi : Nón của lính thú đời xưa.
Nón dấu : nón dấu là loại nón được đan bằng tre, có chóp, dùng cho binh lính thời xưa.
Nón mê : nón rách.
Tiếng Việt dễ và…dễ thương
Hỏi: Có ai biết cái đù đì là cái gì không?
Vì mình thường nghe người ta nói cái đù đì, chẳng hạn khi mình hỏi thằng bạn "mày làm cái gì đó?" nó trả lời: "làm cái đù đì" mà tui không biết cái đù đì là cái gì.
- Chắc là đ... đi wá.... hông biết có đúng hôn....
- Trau dồi Việt Ngữ kiểu này chắc tiêu quá.
Đáp: Già có cô út năm nay mới lên hai tuổi rưỡi cũng hay hỏi lung tung ,nhiều khi làm già bực mình. có lần già đang dở tay chuyện gì đó, cô út lượm được cái đèn bin đem ra nghịch thích thú lắm và hỏi già
- Cái gì đây bố?
- Cái đù đì ông sư.
Già trả lời vậy, và tối đó cô út ôm cái đù đì ông sư mà ngủ, đợi con ngủ say già mới lấy “đèn pin” đi cất, sáng ra con bé khóc với mẹ đòi cái đù đì ông sư của nó làm bà xã già thành con nai vàng ngơ ngác vì không hiểu cái đù đì ông sư của nó là cái gì?
Theo già thì cái đù đì hay đù đì ông sư là một câu thần chú rất dễ thương để làm hài lòng trẻ nhỏ và làm ngẩn ngơ người già.
Sáng nay đi lễ chùa trên
Đù đì em kiếm gặp hên không chừng ?
Thấy sư gõ mõ không ngừng
Dùi to dấu kỹ, cứ dùng dùi con
Đù đì chả biết mất, còn
Nghe đâu sư gửi quần hồng chăm lo
Trong chùa tín nữ đôi co
Đù đì đâu sẵn mà cho đồng phồ!
(Nguồn ĐatViet.com)
Truyện cực ngắn: Truyện một câu
Nói cách khác, truyện thật ngắn ngắn hơn truyện ngắn; truyện cực ngắn lại càng ngắn hơn truyện thật ngắn. Ngắn đến độ không thể ngắn hơn được nữa.
Một phụ nữ đẹp nói với bạn: "Nhắm mắt là tao lại thấy cái đầu lướt sóng, cái bờm đen, cái chiều nghiêng, rồi bất thình lình điện thoại lại reo, làm tao mất mẹ cái mộng ảo."
Ngược dòng địa danh miền Bắc qua sử phẩm
Trấn Sơn Nam
Nam Định
Sau khi Ngô Quyền mất, vùng hạ lưu sông Hồng chịu sự chi phối của sứ quân Trần Lãm. Đất Nam Định trở thành nơi hội tụ của hào khí bốn phương. Dưới thời Lý, đã cho xây ít nhất hai hành cung làm nơi cho vua nghỉ ngơi. Khi triều Lý bất lực, vùng đất Nam Định là nơi hưng khởi của nhà Trần.
Đời Trần, Nam Định được gọi là lộ Thiên Trường.
Dưới thời thuộc Minh năm 1407, Minh Thành Tổ hạ chiếu đổi nước ta làm quận Giao Chỉ. Nhà Minh chia ra làm 15 phủ.
Phần đất Nam Định lúc ấy thuộc phủ Thiên Trường.
Đời Lê, Nam Định thuộc xứ Sơn Nam, đến niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2, vùng đất này thuộc lộ Sơn Nam Hạ. Năm 1428, nhà Lê đã cho mở các trường học ở phủ, lộ. Trong vòng 100 năm của thời Lê sơ, Nam Định có đến 22 tiến sĩ, cho nên có thể nói Nho học ở Nam Định đã thực sự có bước phát triển mới từ sau khi Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên (1463). Sách Thiên hạ bản đồ và Hồng Đức bản đồ đánh dấu vị trí huyện Giao Thủy bên bờ con sông lớn, phía trên là ngã ba Vàng, phía dưới là phủ Thiên Trường.
Trường thi Nam Định
Trong suốt thời kỳ lịch sử từ Thiên Trường cho đến Nam Định ngày nay, trải qua các triều đại Trần, Hồ, Lê, Mạc,Tây Sơn, Nguyễn vùng đất này đã nhiều lần đổi tên như Thiên Trường, Vị Hoàng, Sơn Nam, Thành Nam rồi Nam Định.
Danh xưng Nam Định chính thức có từ năm 1831, dưới thời vua Minh Mạng thứ 12. Dưới thời Nguyễn, Nam Định là một thành phố lớn cùng Hà Nội và Huế. Thời đó Nam Định còn có trường thi Hương, thi Hội, có cả Văn Miếu như Hà Nội. Năm 1921, Pháp phá Thành Nam thành lập thành phố Nam Định ngày nay.
Thành Nam Định
Đất Nam Định có nhiều tên gọi trong văn học: Thiên Trường, Vị Hoàng, trấn Sơn Nam Hạ, Thành Nam, Non Côi sông Vị, thành phố Hoa Gạo, thành phố Dệt, thành phố bên sông Đào...
Dào
Dào : nước dềnh lên
(thân em như hạt mưa dào
hạt sa xuống giếng hạt vào vườn hoa
hoặc nhân khi dào tối)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Cơm Tàu
Tiệm ăn Tầu ở miền Nam ở tỉnh lỵ thường bắt đầu bằng chữ A như A Lý (A Múi?). Hoặc kèm theo “Ký” như Phát Ký, Sáng Ký.
Mỗi tiệm tùy theo sắc dân mỗi khác nhau như Triều Châu nặng về cá, cháo, hủ tíu. Hải Nam là thịt gà. Quảng Đông với thịt heo, vịt, cơm chiên, nhưng không nêm nhiều gia vị cay như Tứ Xuyên.
Những món ăn Tầu quen thuộc với người Việt:
- Cơm chiên Dương Châu (Dương Châu xả phạn) thực ra là cơm còn thừa (tức cơm nguội) đem chiên lại. Nhưng đúng ra là xào rất ít mỡ, và được nổi tiếng với cái địa danh Dương Châu.
- Người Tầu có câu: “Thực tại Quảng Châu – Tử tại Liễu Châu”, nghĩa “Cơm ngon ăn ở Quảng Châu – Chết chôn ở Liễu Châu” vì quan tài ở đây không bao giờ…mục.
- Bánh bao (tài páo), nhân bánh pao cũng là thịt còn dư lại. Nhưng được Từ Hy khen ngon vì Hán tộc biết…tiết kiệm nên nó…ngon.
(Lê Văn Lân – Đặc san Phù Sa Sông Cửu)
Chữ nghĩa làng văn
Anh có biết không, muốn đánh giá một nhà văn mới vào nghề, hãy xem ngôn ngữ của anh ta. Nếu văn anh ta không có cái giọng riêng, anh ta khó lòng có thể trở thành một nhà văn thực thụ. Còn khi đã có giọng riêng, có tiếng nói của mình, với tư cách một nhà văn, anh ta đáng để ta hy vọng. Khi ấy ta có thể xem xét các mặt khác trong những gì anh ta đã viết.
(Tchekov bàn về văn học)
(còn tiếp)