banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 10.2015

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Chữ nghĩa làng văn
Truyện dài đã xuất hiện trước thời gian có hình thức truyện dài hiện đại khá lâu, dưới dạng truyện thơ Nôm như Trê Cóc, Phan Trần, Hoa Tiên, Nhị Ðộ Mai, Ðoạn Trường Tân Thanh... Có thể nói dân tộc Việt Nam đã thấm nhuần không khí truyện dài từ lâu. Ta không có truyền thống truyện dài viết bằng chữ Hán.
Cuốn “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” của nhóm Ngô Gia văn phái viết theo lối Tam Quốc Chí là một cuốn truyện dài lịch sử khá đặc biệt trong văn chương Việt, nhưng tiếc thay một con én lạc loài không tạo được mùa xuân.
Dầu sao truyện dài Việt Nam cũng phát sinh từ truyện dài Nôm và ít ra cũng từ thế kỷ XIV. Nhờ đó khi chữ quốc ngữ bắt đầu ổn định trong Nam, Nguyễn Trọng Quản có “Truyện Thầy Lazaro Phiền” 1887 đặt bước chân đầu tiên vào lãnh vực truyện dài mới và thập niên thứ nhì của thế kỷ này, truyện dài “Chăng Cà Mum” 1910 của Nguyễn Chánh Sắt, “Hoàng Tố Anh hàm oan” 1910 của Trần Chánh Chiếu, “Phan Yên ngoại sử” 1910 của Phan Duy Toản, “Người Quay Tơ” sau đó góp phần xây dựng những bước tiến vững chãi cho nền văn học Việt Nam.
(Nguyễn Văn Sâm - Vài suy nghĩ về truyện ngắn)

Đất lề quê thói
Trẻ đi học phải kiêng:
Không học bài lúc gà lên chuồng vì sợ…lú lấp.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm mà chúng tôi (Lê Mạnh Chiến) đã phát hiện được trong Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
靈床
linh sàng
Linh là thiêng liêng, là liên quan đến người chết; sàng là cái giường. Các từ tố này đã được soạn giả giải nghĩa đúng. Nhưng ông cho rằng linh sàng là giường thờ người mới chết chưa đem chôn. Nếu như vậy thì phải chăng Nguyễn Du đã dùng sai từ này ở hai câu thơ trong Truyện Kiều:
Sang nhà cha, tới trung đường,
Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên.
Thật ra, từ linh sàng có hai nghĩa:
1 - Giường đặt thi thể người chết khi đám tang.
2 - Cái bàn nhỏ đặt trước bàn thờ, làm “chỗ nghỉ” cho linh hồn người chết khi chưa hết tang. Đó chính là cái “giường thờ”, rồi từ đó, dân ta cũng gọi cái bàn thờ là “giường thờ” khiến nhiều người, kể cả những người biên soạn từ điển tiếng Việt đã định nghĩa: “giường thờ” là bàn thờ tổ tiên, cao và rộng! (Hoàng Phê).
Trong hai câu thơ trên đây, linh sàng mang nghĩa thứ hai.

Dán dà
Dán dà : lẩn thẩn, lò mò
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Ba hồn bảy vía, Ba hồn chín vía
Xưa nay, người bình dân chỉ quan niệm giản đơn rằng, người ta sống là do có tinh thần tức là “hồn vía” nhập vào thể xác. Khi hồn vía lìa khỏi xác thể thì cũng là lúc con người từ bỏ thế giới này mà về nơi “chín suối” với tổ tiên. Tất cả cái tinh anh khí phách của người đàn ông hợp thành ba hồn bảy vía, còn tất cả cái khôn ngoan tháo vát ở người đàn bà hợp thành ba hồn chín vía.
Chính vì thế mỗi khi có người ốm “thập tử nhất sinh” hoặc bị tai nạn tính mạng bị đe dọa thì người ta thường trèo lên mái nhà hoặc chạy ra ngã bảy, ngã ba mà vừa đi về và vừa gọi hồn vía người bị nạn để mong cho họ đừng “bỏ đi” xuống “suối vàng”. Hoặc giả, nếu họ có chết thì hồn khỏi bị lạc đường, bơ vơ dễ sa vào bàn tay bọn ma quỷ. Sự gọi hồn ấy, tuỳ theo người bị nạn là nam hay nữ mà gọi ba hồn bảy vía hay ba hồn chín vía.
Thật ra, đó là xuất phát từ quan điểm duy tâm của Đạo Giáo. Theo kinh sách của Lão Tử, hồn là cái linh, thuộc vào phần khí của con người, phách (vía) là cái linh, phụ thuộc vào phần hình của con người. Hồn là phần khinh thanh (nhẹ) phách là phần trọng trọc (nặng). Vì vậy, khi nguời ta chết, hồn bay về trời, còn phách thì tiêu xuống đất theo thể xác. Hồn thì tồn tại mãi mãi, phách và xác thì sẽ tiêu tan.
Đàn ông và đàn bà đều có ba hồn phụ vào tam tiêu (tam tiêu là ba miền thượng tiêu là phần trên dạ dày, trung tiêu là miền giữa dạ dày và hạ tiêu là miền trên bàng quan), song chỗ khác nhau giữa đàn ông và đàn bà là: Đàn ông có ba hồn và bảy phách phụ vào thất khiếu (thất khiếu là bảy lỗ trên mặt: hai mắt, hai tay, hai mũi và miệng), còn đàn bà có ba hồn và chín phách phụ vào cửa khiếu là thất khiếu + lỗ sinh dục và hậu môn).
Trở lại với thành ngữ trên, do có nguồn gốc tôn giáo như vậy, mỗi khi gặp một trường hợp “thập tử nhất sinh” người Việt, theo thói quen mê tín, thường hú gọi hồn vía người ấy quay về, đừng bỏ phần xác mà ra đi theo ma quỷ!
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Người đi một nửa hồn tôi khoái,
Một nửa hồn kia hớn-hở cười.
(thơ…Hàn Mặc Tử)

Ngược dòng địa danh miền Bắc qua sử phẩm
Trấn Kinh Bắc (2)
Tục ngữ có câu “ăn Bắc, mặc Kinh”: Kinh là kinh đô Thăng Long, còn Bắc đây chỉ xứ Kinh Bắc cổ xưa với thành Cổ Loa có từ thời An Dương Vương và thôn Cổ Pháp, quê hương của Lý Công Uẩn, người sáng lập ra triều Lý. Nhà Tống thừa nhận nước ta qua cái tên An Nam Quốc. Vì vậy không thể phủ nhận Bắc Ninh là cái nôi của lịch sử nước nhà từ khi lập quốc cho đến ngày nay.
Thế nhưng lại có thuyết mới cho rằng: “Trấn Kinh Bắc được thành lập vào thời vua Lê Thánh Tông vào năm 1469 vì rằng sau chận chiến với quân Minh của vua Lê Lợi, để bảo vệ thành Thăng Long, vua Lê Thánh Tông cho lập bốn trấn chung quanh hoàng thành là Trấn Hải Dương, Trấn Sơn Nam hạ (Nam Định), Trấn Sơn Nam Thượng (Hưng Yên) và Trấn Kinh Bắc.
Trở về cổ sử, năm 210 trước tây lịch, Triệu Đà mang quân sang đánh nước ta và đóng quân ở núi Tiên Du (Bắc Ninh). Trận chiến với An Dương Vương ở làng Đông Mại (Đông Hồ) cạnh sông Tiểu Giang (sông Đuống) bất phân thắng bại. Sau hai bên phải giảng hòa và lấy con sông nhỏ này làm ranh giới, phía bắc thuộc Triệu Đà và người Trung Hoa đặt tên là Bắc Giang. Con sông lịch sử trên cũng được gọi là sông Bắc Giang. Đời vua Đinh Tiên Hòang được gọi là châu Cổ Lãm, qua tới đời vua Lý Thái Tổ đổi thành Cổ Pháp, sông Bắc Giang thành sông Thiên Đức.

Dàng
Dàng : cúng với đồ lễ
(tháng ba mồng một một kết lành
hội này sãi vãi tụng kinh cúng dàng)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Gái – ghế và ghệ
Giai đoạn 1963-1975, chiến tranh leo thang nên tình hình chung trong đó có thi ca phát triển rất chậm. Ngồi trong quán cáphê, ngồi trong rạp cinê, ngồi trong quán ăn và vấn đề thi ca thì tùy đối tượng, hết sức chọn lọc nếu không thấy cần thiết thì thôi? Tuyệt đối không có mang xổ thi ca ra mà làm cái gì? Rất là vô duyên.
Nhưng ngay lúc đó thì danh từ Gái được mau lẹ chuyển thành con Ghế, con Ghế thì cũng vẫn là con Gái , chưa có chồng và có con, nhưng có chỗ khác nhau là ngày xưa đi chơi với Gái thì thường là đi nhiều. Nhưng bây giờ đi chơi với Ghế thì cái sự đi lại rất ít (mà chỉ thường xuyên là ngồi).
Sau 75 là thời kỳ qúa độ, và mối tương quan ghế và gái vẫn như cũ chưa tiến thêm đuơc? Qua đây dần dần nghe thêm tiếng con Ghệ. Con Ghệ thì cũng là con Ghế và con gái (y như nhau) nhưng con Ghệ nó tượng thanh và tượng hình hơn con gái và con ghế nhiều, con Ghệ lấy hình ảnh của con Cua, con Cà Ra, con Ghẹ ngoài bãi gành bãi biển, con ghẹ bò ngang, hình ảnh dẫn đến một cái giường, sự nằm để nghỉ ngơi nhiều hơn là…ngồi là…đi.
(Chu Vương Miện)

Mầu sắc…sống động
Trong “Trên đỉnh non Tản”, Nguyễn Tuân viết: "Ðêm đen rầm rồi đen ngòm rồi đen kịt." Có phải đen rầm là như thể có lá màn đen vừa kéo kín hẳn, đen ngòm là ấn tượng đang nhìn vào một cái hang sâu, còn đen kịt là khi cái hang ấy đã đầy ngập…màu đen?
Trong "môi cô gái đỏ mọng", "mặt đứa bé đỏ phính", "chiếc nhọt đỏ tấy", "người đàn bà trắng phốp", "hạt thóc vàng mẩy", "bờ ruộng xanh um", "rừng tràm xanh mịt", "nền trời xanh thẳm", "trời xanh lồng lộng" v.v., rõ ràng đỏ, trắng, vàng, xanh đều xuất phát từ những ấn tượng "nổi".
Màu sống động ba chiều không tả những mảng màu phẳng, mà tả những hố màu, những khối màu, những không gian màu. Ngoài màu, ta còn thấy bề sâu, chiều cao, độ dày, độ cong v.v.
(Thu Tứ – Tìm tòi và suy nghĩ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ăn tranh thủ ngủ khẩn trương
Học bình thường yêu đương là chính.

Châu Ô
Tại vùng Bình Trị Thiên vốn là đất Châu Ô thuộc Chiêm Thành nay còn câu ca dao nói về vùng đất và dân tình này như sau:
Ba Đồn là đất Châu Ô
Một đoàn vợ lính trảy vô thăm chồng
Gặp trộ mưa giông
Đàng trơn gánh nặng
Mặt trời đã lặn
Đèo Ngang chưa trèo
Khớp hòn đá cheo leo
Gặp o gánh
Chộ trú chăn tâu
Ba Đồn quan lính ở đâu?
Trong bài ca dao trên ta thâ ta thấy nhữ cổ ngữ của người Mường như “trảy” là chạy, “ló” là lúa, “chộ” là thấy, “tâu” là trâu..v..v..
Đồng thời bài ca dao có một chút nào âm hưởng với đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan và bài dân ca Trấn thủ lưu đồn ở Lạng Sơn miền Bắc.
(Thái Văn Kiểm – Ô Lâu tình sử)

Cổ tục xứ Kinh Bắc
Những tài liệu dưới đây được viết bằng chữ Hán – Nôm, là những ghi chép về dân tục của vùng Kinh Bắc, năm Khải Định thứ 5 (1920), do Viễn Đông Bác Cổ thu thập:

Tục hát úp đèn thờ thần, điểm ngực ở Ném Thượng
Làng Ném Thượng sáng ngày Rằm tháng giêng có tục giết lợn tế thần. Tối hôm đó mời đào nương đến hát. Tài liệu chép:
Khấn xong, mọi người cùng lễ bái thần, 3,4 người kỳ mục ngồi ở gian giữa, đánh trống xem hát. Đào nương đứng ở ngoài hương án mà ca hát. Đàn ông, đàn bà, người già trong làng đều ra đình xem, Ca hát từ đó đến 8,9 giờ tối thì thắp đèn, hát đến chừng 2 giờ đêm. Một người kỳ mục bưng đĩa đèn đứng thẳng trên mặt đất giữa đình, lấy một cái chõ úp lên trên đèn, trong đình, trong cung ấy tối om om.
Một người kỳ mục ngồi ở gian chính giữa mới nhảy xuống sờ ngực người đào nương. Còn đàn ông đàn bà người nào người nấy thấy đèn bị che đi, lại thấy kỳ mục sờ ngực đào nương thì các đàn ông cũng sờ ngực đàn bà. Khoảng ba phút đồng hồ thì có một người nhấc cái chõ ra, đèn lại sáng. Mọi người không sờ ngực nữa, lại ngồi nghiêm chỉnh như cũ để nghe hát…
Nếu năm nào nhập tịch tế thần không mướn đào nương đến đình hát thờ thần, lại không sờ ngực đào nương, không có đàn ông sờ ngực đàn bà thì năm ấy trong làng trâu bò lợn gà phần nhiều đều bệnh tật, người người đều không được yên…
Nếu… có mướn đào nương đến hát và đàn ông sờ ngực đàn bà ở trong đình thì năm đấy nhân dân được bình yên, trâu bò lợn gà sinh sôi nảy nở…,lúa má tằm tang tươi tốt.
Tục trên được ghi lại do người ghi chứng kiến tại chỗ vào đêm 15 tháng giêng năm 1920 tại đình Niệm Thượng.
(Nguồn: Nguyễn Xuân Diện)
Đồng
Hợp kim Đồng (bronze) ta cũng mượn của Tàu một cách kỳ lạ. Các nhà bác học của Viện Bác Cổ Viễn Đông đã chứng minh được bằng cách phân chất rằng đồ đồng Lạc Việt là do chính dân Lạc Việt đúc ra, chớ không phải mua của Tàu, mà đồ đồng ấy, đã tiến qua nhiều thế kỷ rồi chớ không phải là mới phát minh vào đầu Tây lịch Kỷ nguyên, vậy mà lại không có danh từ chỉ món hợp kim ấy hay sao, để đi mượn danh từ đồng của Trung Hoa?
(Bình Nguyên lộc - Dân Lạc Việt qua ngôn ngữ Việt Nam)

Nói lái trong cấu đối
Nguyễn văn Tâm được người Pháp cất nhắc làm quan lớn. Tâm lấy làm tự đắc lắm. Phú quí sinh lễ nghĩa, quan lớn nhà ta cũng muốn có bức hoành, trướng để trang trí. Có người dâng lên quan bốn chữ đại tự Đại Điểm Quần Thần, viết chân phương, rất đẹp và giải thích Quần thần là người bề tôi, Đại điểm là điểm lớn, ý nói quan lớn là người bề tôi có vị trí to lớn, quan trọng.
Quan đem treo bức liễn trong phòng khách; ai đến thăm quan cũng đem khoe và giải thích như trên. Ít lâu sau có người đến ngắm bức liễn, rồi xin quan lớn dẹp đi. Quan ngạc nhiên hỏi, người ấy giải thích: người viết liễn đã cố ý bỡn quan lớn, mà quan không biết. Bốn chữ trên dịch từng chữ: Đại điểmchấm to; Quần thầnbề tôi, nói theo kiểu nói lái là bầy tôi. Đại Điểm Quần ThầnChấm To Bầy Tôi nói lái lại là Chó Tâm Bồi Tây.
(Hòa Đa – Nói lái)

(còn tiếp)