Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 09.2015

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Câu đối thách đố
Người ta còn nghĩ ra những câu đối oái ăm, cầu kỳ rồi người ta tự đối lấy hoặc thách người khác đối. Lối đối này thường sử dụng nghệ thuật chơi chữ, đồng âm dị nghĩa...
Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già
Con công đi qua chùa kênh, nó nghe tiếng cồngkềnh cổ lại
Câu đối có bốn chữ :
cóc, cách, cọc, cạch đối với bốn chữ công, kênh, cồng, kềnh
(Wikipedia)

Địa danh xưa cũ
Niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490), vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ cả nước, gồm 13 xứ thừa tuyên (sau đổi là trấn).
- Xứ Bắc : Kinh Bắc gồm Bắc Ninh và Bắc Giang.
- Xứ Đông : Hải Dương.
- Xứ Đoài : Sơn Tây.
- Xứ Nghệ : Nghệ An.
(Vũ Ngọc Phan – Hồi ký những năm tháng ấy)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Học cho lắm cũng đi tắm cởi truồng .
Học luồn xuồn cũng cởi truồng đi tắm.

Thằng bán tơ
Một buổi, trong bữa rượu lạc thanh bần, Hữu Loan bỗng hỏi:
- Truyện Kiều có thằng bán tơ thật không?
Mọi người ngớ ra. Cái hoạn nạn của cuộc đời Kiều, khởi nguyên là ở thằng bán tơ từ câu:
Phải tên xưng xuất tại thằng bán tơ
(Đoạn Trường Tân Thanh - Câu 588)
Hữu Loan tủm tỉm:
- Kiều lấy Từ Hải, hùng cứ một phương trời, có cảnh báo ân báo oán làm hả hê cuộc đời Kiều. Cảnh báo oán trừng phạt đầy đủ những người đã gây tai họa cho Kiều. Nhưng không thấy thằng bán tơ. Thế là sao?
Hữu Loan ngừng một lúc, nhấc chén rượu lên môi, rồi lại đặt xuống. Rồi ông nói nhẹ nhàng:
- Tôi bị cái họa Nhân văn–Giai phẩm, bị vu cho là phản động, lật đổ chính quyền, về Nga Sơn nằm dài, nhân đọc lại Kiều, mới thấy cụ Nguyễn Du nhà ta thánh thật.
Thằng bán tơ là nhân vật bịa ra, nhân vật vu khống, không có thật, thì làm sao mang nó ra xét xử được. Cụ Nguyễn Du giả vờ quên thằng bán tơ là cụ cao tay lắm trong nghệ thuật bút pháp. Kẻ hậu sinh đọc Truyện Kiều, suy ngẫm để nhận ra điều ấy, là nhận ra cái xã hội thối nát truyện Kiều, đến công lý cũng vin vào một lời khai vu vơ làm tan nát cả một đời Kiều. Cái xã hội thiếu nhân tính, thiếu tôn trọng con người, gây oan khuất cho những người lương thiện, đáng nguyền rủa biết bao! Cái thâm thúy của cụ Nguyễn Du là ở đấy!
Chúng tôi cùng giật mình, thấy lạnh xương sống về nhận xét của Hữu Loan. Ngẫm ra, cụ Nguyễn Du thánh thật, và cụ Hữu Loan nhận ra được điều ấy trong bút pháp cụ Nguyễn Du, thì cụ Hữu Loan cũng thánh thật.
(Hoàng Tiến - Thi sĩ Hữu Loan: Một năm đã xa vắng trần thế)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Bọn này đúng là càng lớn càng... nhiều tuổi!

Ngược dòng địa danh miền Bắc qua sử phẩm
Luy Lâu
Bắc Ninh hình thành lâu đời gắn liền với Luy Lâu trung tâm văn hóa - tôn giáo cổ xưa nhất của Việt Nam.
Từ mấy nghìn năm trước người Việt cổ đã cư trú và lập làng ở ven sông Cầu, sông Dâu, sông Đuống kết hợp hàng loạt di vật như trống đồng, dao găm, rìu, giáo, tấm che ngực, mảnh giáp bằng đồng với những hoa văn độc đáo được tìm thấy ở các di tích Đại Trạch, Đại Lai mảnh khuôn đúc trống đồng trong thành cổ Luy Lâu đã chứng tỏ người xứ Bắc rất tinh xảo trong nghề đúc đồng, làm gốm được phản ánh qua các huyền thoại ông Đùng, bà Đùng, ông khổng lồ cắn nát núi về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Thánh Gióng, An Dương Vương, Mỵ Châu - Trọng Thuỷ và thành cổ Loa. Cùng với huyền thoại truyền thuyết là đậm đặc các di tích tiêu biểu như lăng mộ Kinh Dương Vương, các đền thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ, đền thờ Phù Đổng Thiên Vương ở Thuận Thành, Từ Sơn, Tiên Du.
Trong thời Bắc thuộc,Giao Chỉ gồm có 10 huyện trong đó có huyện Luy Lâu. Luy Lâu là trung tâm giao thoa trong suốt thời kỳ dài từ cuối thế kỷ thứ II đến thế kỷ IX-X. Tại đây, tư tưởng Nho giáo và văn hoá Hán Đường đã được truyền bá liên tục vào nước ta. Luy Lâu là nơi đầu tiên có trường dạy chữ và văn hoá Hán ở Việt Nam. Ngoài ra Luy Lâu còn là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của người Việt. Luy Lâu là không gian điển hình đan xen, hỗn dung tiếp xúc, biến đổi hội tụ và kết tinh văn hoá Việt Nam cổ với văn hoá Phật - Ấn, Nam Á và Trung Á, văn hoá Nho Lão để rồi sinh thành bản sắc văn hoá Kinh Việt.
Đến thời Ngô Quyền,Giao Châu gồm các vùng phía nam sông Hồngsông Đuống, thuộc Hà Nội, Bắc Ninh, một phần Hưng Yên. Sau các vua thời Lý lập Phủ Thiên Đức (vốn là châu Cổ Pháp). Bắc Ninh là đất phát tích nhà Lý - triều đại khai mở ra nền văn minh Đại Việt gắn liền với tên tuổi của những nhân vật lịch sử - văn hoá như: Lý Công Uẩn, Lý Nhân Tông, Nguyên Phi Ỷ Lan, Lê Văn Thịnh


Cù : đèn nhiều ngọn.
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Nói láy
Hồi nhỏ, lúc chúng tôi khoảng 3 tuổi, mỗi lần vú chúng tôi muốn dỗ chúng tôi nín khóc thường bảo : "Ngày mai, ngày mốt, ngày kia, ngày kía, ngày kỉa, ngày kịa, ngày kìa, vú sẽ mua cho con một con mèo bé cón cỏn còn con ".
Vú tôi là một người đàn bà miền quê, không biết đọc, không biết viết nhưng đã vận dụng được một cách phong phú khả năng về thanh điệu của tiếng Việt để làm tăng dần khoảng cách giữa thời điểm này với thời điểm khác.
Bây giờ thử tìm trong các từ điển, nhiều nhất tôi chỉ thấy được 3 từ mà thôi : kia, kìa, kỉa. Còn cón cỏn còn con thì theo tuổi tác héo hẻo hẽo hẹo hèo heo tôi tìm không ra.
(Nguyễn Phú Phong - Về vấn đề láy từ trong tiếng Việt)

Đất lề quê thói
Trẻ đi học phải kiêng
Không ăn chân gà sợ viết…run tay.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm mà chúng tôi (Lê Mạnh Chiến) đã phát hiện được trong Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
đồng lõa同伙
Có lẽ ai cũng biết rằng từ đồng lõa có hai nghĩa:
1) người trong một nhóm để làm một việc bất chính (danh từ),
2) cùng tham gia một nhóm làm việc bất chính (động từ).
Soạn giả dạy rằng lõa là cái bọc. Thực ra, lõa là âm đọc chệch từ chữ hỏa nghĩa là lửa, là bếp. Theo binh chế thời xưa, mười người lính thì cùng nấu một bếp, tạo thành một hỏa, như một tiểu đội vậy. Đồng hỏa (chữ hỏa ở đây thường được viết là để chỉ người) nghĩa là người trong cùng một bếp ăn, mở rộng ra là bọn người cùng một nhóm “làm ăn với nhau” (thường là bất chính.)

Cui
Cui : cô đơn
(lui cui, cui cút)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Bát ô tô và cái tô
Theo Giáo sư Kiều Thu Hoạch thì thơ Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế không chỉ ảnh hưởng đến thơ Việt mà còn ảnh hưởng đến cả đời sống văn hoá-ngôn ngữ của người Việt. Số là cái bát canh mà ở Bắc Việt hiện nay vẫn gọi là "bát ô tô", miền Nam gọi là "tô" thì Đại Nam Quốc Âm tự vị (Sai Gon - 1895) của Paulus Của giải thích là "bát thành Cô Tô làm ra, bát lớn mà khéo".Tuy nhiên ý kiến của Paulus Của chỉ đúng một nửa.
Theo ý kiến của giới ngôn ngữ học thì đó chỉ là cái bát có vẽ cảnh Cô Tô theo ý thơ "Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự". Người miền Bắc nhân đó gọi là bát Cô Tô , rồi gọi chệch là "bát ô tô", còn dân miền Nam gọi tắt là "bát tô", rồi…cái "tô".
(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Từ Hán –Việt được Nho hóa
Tao = sợi dây, một tao, quai thao biến thể của tao.
Thí dụ: Năm tao thành một sợi, năm sợi thành một thừng lớn.

Quan họ Bắc Ninh
Đất Bắc Ninh là quê hương của 49 làng quan họ, khởi thủy ở Phù Lưu, nhưng từ đâu mà ra thì họ dựa nhiều vào thuyết là từ các “quan” ở kinh đô mang nhạc cung đình về đình chùa để cúng tế, chầu văn, sau lan tới dân gian. Vì tránh tiếng “xướng ca vô lòai” với ả đào, con hát, nên dân làng này sang làng khác để nhận “họ” nhận hàng, hát với nhau, để có cái tên “Quan họ”.
Về nhận họ nhận hàng, làng này mang trầu cau qua làng kia nhận là anh chị em, họ coi cha mẹ hai bên như cha mẹ mình, vui buồn qua lại thăm hỏi. Mặc dù thân tình như vậy, với tục “làng quan họ nghĩa”, như trong một gia đình nên họ không được lấy nhau.
Sau Tết, họ chọn ngày 13 tháng Giêng là ngày hội quan họ, và hẹn nhau tụ về làng Lim. Lim là tên tục của làng Nội Duệ, huyện Tiên Du. Có hai lọai hát là hát ngòai trời, bốn người với nhau với đôi nam đôi nữ, thường là hỏi han và tình tự. Hát trong nhà ngồi thành nhóm đối đáp, vì đối đáp như hát đố. Cũng từ hát trong nhà, hát quan họ lan qua vùng Phú Thọ để thành “hát ghẹo”.

Nát bàn
Cũng đọc là “niết bàn” (Nirvana: tiếng Phạn). Người phàm tục, và ngay đến cả người xuất gia tu theo Phật, đắc quả vào một cõi bất sinh bất diệt gọi là cõi hằng hay nát bàn.
Trong Quan Âm thị kính có câu: “Lại xin theo đến Nát bàn là đây”.

Dốt có đuôi
Thành ngữ này có xuất xứ từ một câu chuyện cười Việt Nam. Chuyện rằng, một thầy đồ được mời đến cúng cho gia chủ tên là Tròn. Nhưng than ôi, thầy đồ gì mà chữ nghĩa chẳng được bao lăm. Đến cái tên của gia chủ là Tròn mà ông ta cũng chẳng biết viết, đành khoanh một vòng tròn.
Chẳng may, có một kẻ tinh nghịch đã sổ thêm một nét vào “chữ Tròn” ông vừa mới viết. Khi đọc sớ, thầy không biết, cứ việc theo hình vẽ mà đọc tên gia chủ là “Gáo”.
Qua câu chuyện này, thành ngữ “dốt có đuôi” có hai cách hiểu về xuất xứ và cũng có hai biến thể khác nhau: “dốt có đuôi”, “dốt có chuôi”. Dẫu hiểu thế nào thì thành ngữ này cũng chỉ biểu hiện ý nghĩa: “dốt nát và không giấu được cái dốt của mình”.
Ngoài thành ngữ “dốt có đuôi”, “dốt có chuôi”, trong tiếng Việt còn có các thành ngữ “dốt đặc cán mai”, “dốt như bò”. Tuy nhiên, các thành ngữ này không có nét nghĩa “không giấu được cái dốt, cái dốt bộc ra ngoài”.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ngọng thường xuất phát từ (địa) phương ngữ, thổ ngữ có nghĩa là chỉ chi phối, chỉ có ảnh hưởng giới hạn trong một miền, vùng, địa phương nào đó. Điểm đặc biệt đáng lưu ý là “phát âm khác biệt theo vùng” và “ngọng,” xét cho kỹ, là hai vấn đề khác nhau. Nói ngọng là đặc thù của địa phương, là chuyện bình thường. Không phải bất cứ ai sống trong một vùng có người nói ngọng thì họ cũng đương nhiên phải nói ngọng. Những ghi chép sau đây chỉ có tính cách tượng trưng điển hình, không phải là tuyệt đối.
Người xứ Quảng, đôi khi cho thêm nguyên âm “o, a” ở giữa chữ, như: “Đo(á)m noái / Đám nói”
(Văn hoá ngọng – Trần Văn Giang)

Hát thờ thần và hát nằm với nhau ở làng Diềm
Làng Diềm tương truyền là một trong những nơi của hát Quan họ. Bắc Ninh tỉnh khảo dị ghi: Lại nói xã ấy có một đình, phụng thờ hai vị thần hoàng, thánh ông hiệu là Tam Giang Đại vương, thánh bà hiệu là Hoàng hậu. Hàng năm vào ngày mồng 4 tháng giêng khai xuân…Ngày 10 tháng 8, nhập tịch mở hội tế hai vị thần.
Lại như trai gái xã ấy gặp nhau ở huyện Tiên Du. Nam nữ làm một hội hát, xã Viêm Xá xã Hoài Bão. Lại hỏi, xã ấy vào ngày 4 tháng giêng có tục con trai con gái đến đình thờ thần, rồi đến đêm thì cùng nhau về nhà chị cả, hát với con trai xã Hoài Bão. Đêm ấy làng này con gái có chồng và con gái chưa chồng cũng đều đến nhà chị cả. Con trai Hoài Bão với con trai xã ấy ngồi một bên… con gái ngồi một bên trong nhà chị cả. Chị cả sai người nhà làm tiệc rượu mời các chàng trai xã Hoài Bão ăn uống no say, sau đó mới hát. Đến sáng thì tắt đèn trong nhà, trai gái cùng nằm mà hát.
Lúc tắt đèn, anh cả hát với chị cả, anh hai hát với chị hai …, còn những người con trai thuận tình với người con gái nào thì cũng hát với cô ấy. Nếu như chàng trai con gái nào yêu nhau, giả vờ đi ra tiểu tiện ở ngoài nhà, cùng đi ra ngoài nhà mà giao phối, thường thì người trong nhà cũng không biết.
Lúc sáng vẫn đương tối, trai gái tiễn nhau về cũng làm việc giao phối ở bên đường, lúc đó không ai biết. Xã này có tục ấy, nên người nào có con gái không cho đi hát đêm ấy thì bị những người cho con gái đi hát cười. Cười rằng: “Những người có con gái không cho đi hát cũng hư mất đời, lại không tuân lệ làng.”
Một số câu hát được ghi lại như sau:
Nam:
Muốn cho đôi chữ ái ân
Lòng tôi muốn kết trước sân giãi bày.
Nữ:
Muốn cho đôi chữ một dòng
Trên trời chưa định trong lòng đã vui…
(Nguồn: Nguyễn Xuân Diện)

(còn tiếp)