banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chữ nghĩa làng văn

15 tháng 08.2015

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Tiếng Việt, dễ mà khó
Biến âm trở thành một biện pháp tạo từ. Như từ "vậy", chỉ cần thay dấu nặng bằng dấu huyền, chúng ta có từ mới: "vầy" (như vầy này!). Ðã có từ "lui hui", người ta tạo thêm các chữ "lúi húi" rồi "lụi hụi". Ðã có từ "chừ bự", người ta tạo thêm các từ mới: chư bư, chừ bư, chừ bử, chử bử, chứ bứ, chự bự. Ðã có "trật lất", người ta tạo thêm: trết lết, trét lét, trớt lớt, trớt huớt... Ðã có từ "ngoại" vay mượn từ chữ Hán, chúng ta tạo thêm hay từ khác: "ngoài" để các quan hệ không gian cũng như thời gian và "ngoái" để chỉ quan hệ về thời gian: "năm ngoái".
(Nguyễn Hưng Quốc - e-cadao.com)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Học làm chi, thi làm gì .
Tú Xương cũng rớt, huống chi là mình.

Thả thơ III
Thả thơ là một nghệ thuật chơi chữ, người thả thơ đưa ra mấy câu thơ, trong đó giấu đi một chữ và đưa ra một số chữ để thay chữ bị khiếm khuyết. Cái khéo của người thả thơ chọn những chữ có vẻ “đúng” để cho người chơi trò chơi chữ nghĩa phân vân…
Dưới đây thêm một thí dụ với Hà Huyền Chi:
Em khi cọp khi nai
Chậm nhớ mà thù dai
Hứa tha rồi lại _ _ _
Nuôi chiến tranh dài dài
(Đắng cay hạnh phúc)
Hãy chọn 1 trong 5 chữ “đánh – chiến – giết – chém – bắn
(Liên Hoa – Đặc san Mê Linh 2006)

Chữ nghĩa thập niên 20
Quy mã – Là cưỡi ngựa về quê nhà. Xưa Tư Mã Tương Như có đề vào cột cầu Lam (Thăng tiên kiều) mấy chữ rằng:
“Không xe ngựa cưỡi, thì sẽ không qua cầu này”
Sau làm nên có xe ngực mới về.
Hai chữ ấy dùng để chỉ một việc có cũng như không.
(Tôn Thất Lương – Xuân mộng)

Thả thơ với Hà Huyền Chi
Chữ được chọn: “chém”.
(Liên Hoa – Đặc san Mê Linh 2006)

Địa danh miền Bắc trong văn học sử
Phố Hiến (I)
Thế kỷ thứ XVI, XVII, thương nhân Trung Hoa, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hoà Lan đến nước ngày càng nhiều. Chúa Trịnh chủ trương ngăn cấm việc ra vào tự do của ngoại kiều ở Kinh đô.
Năm 1663, Trịnh Tạc đã ra lệnh khu biệt người Hoa không cho ở lẫn với người Việt Nam. Năm 1717 Trịnh Cương quy định những người Hoa mới sang bằng đường thủy thì cư trú ở Lai Triều. "Vào thời điểm này Phố Hiến là nơi dừng lại của tất cả các thuyền bè nước ngoài từ bốn phương đến buôn bán ở Đàng Ngoài".
(An Nam ký du của Phan Đình Khuê, viết năm 1688).
Theo Ngô Thì Sĩ, một sử gia thời ấy thì Đàng Ngoài đến cuối thế kỷ XVIII có khoảng năm, sáu vạn người Hoa ở đây làm nghề y, bán thuốc bắc, vải vóc. Theo một tác giả phương Tây đương thời thì trên mặt sông Hồng ở Phố Hiến lúc bấy giờ đậu san sát các thuyền buôn Trung Hoa. Giáo sĩ Risa (Richard) người Hoà Lan cũng ghi lại: "Thuyền bè đi về Kẻ Chợ số lượng quá lớn đến nỗi khó có thể lội xuống bờ sông được". Giáo sỹ đạo tin lành Valentyn đã đến Đàng ngoài vào thế kỷ 17, có mô tả về Phố Hiến: “Đó là một đô thị có khoảng 2000 nóc nhà. Chỉ riêng dãy người Hoà Lan tại đây đã có hơn 100 nóc nhà”.
(Khuyết danh - Hưng Yên quê tôi)

Đất lề quê thói
Sinh chậm
Trong khi sinh đứa trẻ lâu ra. Nguời chồng phải:
Nhổ một lông đuôi con lợn đưa cho vợ.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Len lét như rắn mùng năm
Theo dân gian, ngày năm tháng năm âm lịch là ngày “diệt sâu bọ”. Người ta làm xôi chè cúng tế để tẩy trừ “sâu bọ” có hại cho mùa màng. Không rõ là Tết “diệt sâu bọ” ở xứ ta và ngày giỗ Khuất Nguyên ở bên Trung Quốc có gì liên quan nhau không? Riêng ở Việt Nam ta thì theo tục truyền rằng, ngày xưa, người Việt cổ, vào ngày 5 tháng 5 thường đi tìm rắn để giết vì rắn rết dù là loài bò sát nhưng vẫn bị coi là sâu bọ tai ác. Chả thế mà thằn lằn vốn hiền lành cũng bị nỗi “oan Thị Kính” đó sao:
“Đảo chân ai chẳng dám chầy
Thằn lằn len lét ẩn ngày mùng Năm”
(Thiên Nam ngữ lục)
Người ta cho hay là trong ngày mùng năm tất cả rắn đều nép mình ở trong hang không dám ngóc đầu lên (len lét) vì sợ bị giết chết. Ngày này, người ta nói rắn rất sợ người và trốn đi biệt tăm hết cả. Nhất là đến giờ Ngọ, thì khó mà nhìn thấy một con rắn hay chú thằn lằn nào?!
Thành ngữ len lét như rắn mùng năm chỉ diện mạo của những người hay sợ sệt nói chung.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm mà chúng tôi (Lê Mạnh Chiến) đã phát hiện được trong Từ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
bàn hoàn
Từ bàn hoàn có hai nghĩa:
a) quanh quẩn không dứt ra được;
b) quấn quýt với nhau.
Giải thích như thế cũng tạm được. Về các từ tố, soạn giả cho rằng bàn là quanh co, hoàn là uốn éo. Thực ra, bàn 盤 nghĩa là vòng vèo, còn chữ hoàn 桓 này có các nghĩa như sau:
a) cột gỗ dựng bên cạnh các dịch trạm (tức là trạm chuyển công văn) hoặc các công thự để quy định vị trí đứng đợi.
Như vậy, từ bàn hoàn 盤桓 có nghĩa ban đầu là đi lại quanh quẩn cái cột mốc để mong ngóng.
Về sau, nó có nghĩa mở rộng là bồi hồi, vương vấn, và quấn quýt.

Chữ nghĩa…thư giãn
Đọc báo mỗi ngày tôi thấy, tôi thấy người Việt mình cáo phó, phân ưu nhiều quá thể. Mà người chết trong tro trong bụi, khi sống từng hiểu hai chữ “sắc”, “không”…
Thì cáo phó, phân ưu làm chi nữa chứ, hả giời.
Tôi xếp báo, buồn 5 phút rồi cười khan. Rồi đập vỡ mấy chai bia. Tự nghĩ tấm thân tàn đã muốn ném đi từ khuya.
Và nghĩ thêm: Sao người ta chết nhiều quá vậy ta?.
(Nguyễn Tấn Trãi – Đọc báo Việt ở Mỹ)

Đánh rắm, đánh tủm với cô Kiều
Nhân chuyện “địt là…đánh rắm…Đánh tủm..là địt”.
Chuyện ấy trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du nhưng “có văn hóa” hơn nhiều. Ấy là:
Trông theo nào thấy đâu nào
Hương thừa nhường hãy ra vào đâu đây

Tiếng Nam tiếng Bắc
Nhà giáo, nhà văn Trà Lũ kể trong tuyển tập Đất ấm tình nồng:
“À tôi vừa chợt nhớ ra chuyện tiếng Bắc tiếng Nam, tôi xin kể cho cá cụ nghe. Xin các cụ đừng bảo là tục nha. Đây là chuyện có thật, xảy ra hồi năm 1955, 1956 ở Sài Gòn, khi bọn Bắc kỳ di cư chúng tôi mới vào Nam:
Có anh Bắc Kỳ kia bị bệnh táo bón, anh đi bác sĩ. Bác sĩ Nam kỳ cho toa mua thuốc và dặn rằng: “Anh về nhà uống thuốc theo toa và nhớ nghe tôi dặn là địt cho nhiều, càng nhiều càng tốt. Đi đứng nằm ngồi mà địt được thì cứ địt. Anh hiểu không?”.
Anh Bắc kỳ đỏ mặt rồi ấp úng: “Thưa bác sĩ, nằm em “địt” được. Đứng em “địt” được. Ngồi em cũng “địt” được. Nhưng vừa đi vừa “địt” thì em chịu thua. Em không “địt” được.
Ông Nam kỳ trố mắt nhìn anh Bắc kỳ rồi nói: “Sao kỳ vậy? Cái đó dễ quá mà!” May thay có ông Bắc Kỳ vào Nam trước năm 54 hiểu chuyện, ông giải thích: “Bác sĩ ơi, người Bắc họ hiểu “địt” là cái việc vợ chồng cơ. Còn địt của bác sĩ là…đánh tủm, đánh rắm”.
Ông bác sĩ lại ngớ ra lầu bầu: “Địt là…đánh rắm…Đánh tủm..là địt”. Là…là…tía ơi!”.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Vợ chồng cầy cấy, chập sau…mệt đừ

Phê bình văn học hải ngoại
Từ 1975 đến nay, hải ngoại đã có những nhà phê bình vượt thoát ra khỏi những lề lối phê bình sáo mòn cũ.
Trong đó có Lưu Nguyễn Đạt dùng phân tích cơ cấu, phân tích phá cách để so sánh cấu trúc, tín hiệu, khai phá và hệ thống hóa tâm ly, triết lý trong tác phẩm.
Nguyễn Hưng Quốc đã sáng tạo một lý thuyết riêng về phê bình văn học về phương diện kiến trúc ngôn ngữ theo quy luật ngôn ngữ học, ngữ pháp học.
(Trần Bích San – Văn Khảo)

Cúi
Cúi : lợn, heo
(Bằng nguời giết cúi dê)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Phố Hiến (II)
Thương thuyền phương Tây đến Phố Hiến sớm nhất là người Hoà Lan. Năm 1637 chiếc tàu đầu tiên của Hoà Lan mang tên Groll do Karl Hartsink là thuyền trưởng. Ông thạo tiếng Việt, hiểu phong tục tập quán Việt Nam. Ông xây dựng thương điếm giống như một khu quân sự, có hào bao quanh, có lính bảo vệ, ngay sát bến thuyền nhưng lại xa khu phố dân cư. Theo Mulder trong cuốn Nguời Hoà Lan ở Hirodo thì thương thuyền Groll, chỉ trong 3 năm (1637-1640) có 7 chuyến hàng khác từ Hirodo sang mua hàng ở Phố Hiến, rồi chở về Hirodo. Người Hoà Lan buôn bán tơ sống hoặc tơ đã dệt, quế, sa nhân để đưa sang Nhật Bản.
Theo chân người Hòa Lan, nhiều thuyền buôn Nhật Bản đã cập bến Phố Hiến. Từ 1604 đến 1634 đã có 35 thuyền buôn đến thương cảng Phố Hiến.
Cây đa Phố Hiến
Người Anh cũng lập thương điếm ở Phố Hiến, kéo dài tới 25 năm. Theo tài liệu lưu trữ của Công ty Đông An (Anh) do A. Farrington cung cấp, thì số thuyền người Anh đến Phố Hiến từ 1672 – 1677 là 42 chuyến. Hàng nhập khẩu có đủ loại, trong đó có vũ khí, vật liệu chế thuốc súng, đồng, đồ sứ và hàng dệt Trung Hoa.
(Khuyết danh - Hưng Yên quê tôi)

Truyện cực ngắn - Ái ân
Một trưa hè mát mẻ có một cặp trai tài gái sắc làm tình ngoài công lộ. Bộ hành tới lui. Xe cộ qua lại. Chân ai nấy đi. Xế ai nấy lái. Không ai buồn để ý tới cái cảnh ái ân vụng trộm hồn nhiên. Cuối cùng - sau ba tiếng đồng hồ? - chúng cũng rời nhau.
Cậu Vện chạy thẳng ra bờ sông. Cô Mực lủi vào trong con hẻm.

Con cúi
Con cúi : đồ vận bằng rơm để nhen lửa
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
- Xiềng: khi muốn khẳng định một sự việc gì
mà người nói tin là chắc chắn 100%.
Ví dụ : mi có xiềng (chắc) là như vậy không?
- Bà cố: có nghĩa là nhiều, quá.
Ví dụ như : con nhỏ đó đẹp bà cố luôn
- Củ chuối : (tiếng Bắc) có nghĩa là "đểu"
Ví dụ: thằng đó củ chuối chết mẹ

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Gần mực (khô) thì... bia, gần đèn thì... hút (á phiện)!

Chữ nghĩa làng văn I
Ở Việt Nam truyện ngắn viết bằng quốc ngữ tuy chỉ mới xuất hiện hồi đầu thế kỷ nhưng dã đi hia bảy đặm trên con đường của mình. Các truyện ngắn khoảng bốn mươi năm trở lại đây có giá trị nghệ thuật và tư tưởng không thua gì các truyện lừng danh ở những xứ đã có truyền thống truyện ngắn lâu đời. Một trong những truyện nổi tiếng còn sót lại là truyện ngắn rất gợi cảm 'Câu Chuyện Một Tối Tân Hôn' của Phạm Duy Tốn, rõ ràng trong điều cần được trình bày; kỹ thuật dựng truyện và cách sắp xếp điều cần thiết của một truyện ngắn theo cách thế của các truyện ngắn Pháp chớ không bắt nguồn từ truyện ngắn Việt Nam (viết bằng chữ Nôm hay chữ Hán trước đó) như 'Truyền Kỳ Mạn Lục Giải Âm', chữ Nôm thế kỷ XVII, hay 'Lĩnh Nam Chích Quái' của Trần Thế Pháp hoặc 'Việt Ðiện U Linh' của Lý Tế Xuyên, chữ Hán, thế kỷ XIV.
(Nguyễn Văn Sâm - Vài suy nghĩ về truyện ngắn)

(còn tiếp)