banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 08.2015

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Tiếng Việt…nhức nhối
Ngồi cũng nhiêu khê không phải là ít. Vì kiểu ngồi và cách ngồi.
Kiểu ngồi: ngồi xổm, ngồi bó gối, ngôi xếp chân, ngồi bằng tròn, ngồi bắt chân chữ ngũ. Sau này còn có kiểu…”ngồi nước lụt”.
Cách ngồi: ngồi vắt vẻo, ngồi ghễu nghện, ngồi nhấp nhổm, ngồi ngất ngểu, ngồi chơi, ngồi bạnh chọe, ngồi một đống, ngồi thu lu.
Ấy là chưa kể ngồi đồng và…ngồi không.
Và chẳng thể vắng bóng:
Trăng khuya, trăng khóc trên đồi
Khóc cho chiếc bóng hết ngồi lại đi
(ca dao)
(Đỗ Quang Vinh - Tiếng Việt tuyệt vời)

Chữ Hán, chữ Việt II
Chuyện kể rằng : Ngày xưa có 1 ông võ vẽ ba chữ gọi là "thầy đồ" đến xin gia đình nọ mượn chỗ mở lớp dậy một số học trò.
Qua một thời gian, ông thầy léng phéng với cô chị, hai người hò hẹn nhau đúng giờ Tý thầy sẽ khoét vách đưa...của quý vào phòng cô nọ. Mới vào giữa giờ Hợi thầy ta nóng lòng nên khoét vách (hồi đó vách nhà chỉ làm bằng phên) rồi thập thò thằng nhỏ đút qua cái lỗ đã được khoét.
Trong khi đó, cô em nghe tiếng sột soạt nên mò dậy xem sự thể, trong phòng tắt đèn tối thui, cô em hết hồn thấy vật gì đen đen cứ thò ra thụt vào tưởng là chuột khoét vách chui vào. Không ngần ngại nàng ta lấy lửa châm vào vật nọ. Thầy đồ đau quá thụt chạy mất tiêu. Đúng giờ hẹn (nửa đêm) cô chị thức dậy thấy vách đã khoét sẵn rồi mà không thấy ...cái đó của thầy đâu bèn hỏi khéo:
- Nguyệt đáo trung Thiên ..vị kiến kiều !?
Mặc dù đau rát nhưng nghe người yêu nhắc hỏi nên thầy ta cũng ráng trả lời để cô nàng yên tâm :
- Anh hùng ngộ nạn...hỏa lôi thiêu.
Đến đây thì cô em đã phần nào hiểu được sự tình nên thanh minh với hai người :
- Dạ gian tróc đắc xuyên tường Thử.
Bố mẹ hai nàng nghe loáng thoáng nghĩ là chuột bọ phá phách lên ông cụ trách 2 cô con gái :
- Đẳng nữ hà vi bất dưỡng Miêu ....

Nghi vấn làng văn
Chẳng thanh cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
(Tràng An là kinh đô của người Trung Hoa đời nhà Tần)
Có nguồn cho là câu thơ này của Nguyễn Công Trứ?
(Tràng An trong thơ chỉ kinh đô Thăng Long).

Địa danh miền Bắc trong văn học sử
Phố Hiến
Tên Phố Hiến lần đầu tiên xuất hiện vào cuối thế kỷ 15 thời vua Lê Thánh Tông. Tuy nhiên, phải đợi đến thế kỷ 17 dữ liệu mới chi tiết hơn: tên Phố Hiến từ ty Hiến sát xứ Sơn Nam mà có.
(Ty Hiến sát là trạm tuần ty kiểm soát thuyền bè đi lại và đỗ bến, những chợ phố đông đúc, và thương nhân người Hoa, Nhật Bản và phương Tây).
Trong bia của Anh Linh Vương, theo "Kiến văn tiểu lục" của Lê Quý Đôn thì Anh Linh Vương Lê Đình Kiền, trấn thủ Sơn Nam từ 1664 đến 1704, người có công lớn trong việc mở mang Phố Hiến.
Khu phường phố là khu định cư của các kiều dân ngoại quốc, người Hoa, người Nhật. Dựa theo các văn bia ở chùa Hiến (1709) và chùa Chuông (1711), Phố Hiến thời đó có khoảng 20 phường. Qua các bi ký, có thể đọc được 13 phố…Trong thế kỷ 17, có hai thương điếm phương Tây đã được dựng lên ở Phố Hiến: thương điếm Hoà Lan (1637-1700) và thương điếm Anh (1672-1683). Đây là văn phòng đại diện các Công ty Đông Ấn của Hoà Lan và Anh. Nổi bật là các kiến trúc châu Âu là nhà thờ Kitô giáo ở Phố Hiến là một nhà thờ cổ, xây dựng từ thế kỷ 17 theo kiểu Gô-tích.
Địa điểm tụ cư đầu tiên của người Hoa, người Nhật ở Phố Hiến là Phố Khách, phố Bắc Hoà (Tàu), Nam Hoà (Nhật). Người Nhật cũng đã đến Phố Hiến từ rất sớm vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Một số là các giáo sĩ và giáo dân Nhật Bản đi theo và phục vụ các giáo sĩ phương Tây ở Đàng Ngoài. Trong những người Nhật này thường làm một số nghề như hoa tiêu dẫn tàu vào cửa sông, hay phiên dịch. Tại Phố Hiến trước đây có một khu đất được gọi là Nghĩa trang Nhật Bản.
Năm 1726, thời Lê - Trịnh, trấn Sơn Nam được tách thành Sơn Nam thượng (Hưng Yên) và Sơn Nam hạ (Nam Định). Năm 1831, với cuộc cải cách của vua Minh Mạng, tỉnh Hưng Yên được thành lập, tỉnh được xây dựng trên địa bàn Phố Hiến cũ.

Cóc
Cóc : biết
(cóc “biết” gì”
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Lối chơi chữ trong đối và thơ
Câu thơ sau cũng có có hiện tượng đồng âm rất đắt:
Anh Hươu đi chợ Đồng Nai
Bước qua bến Nghé, ngồi nhai thịt bò
Đủ tên 4 con vật lớn: hươu, nai, nghé, bò. Hai địa danh được lấp ra phần sau (thành tố sau của một từ gồm hai thành tố) đồng âm với tên hai con vật nai và nghé. Kiểu đồng âm vẫn được vận dụng trong ca dao mới với cách thức trang trọng như:
Sầu riêng ai khéo đặt tên,
Ai sầu không biết, riêng em không sầu!
(Nguồn : e-cadao.com)

Đất lề quê thói
Sinh chậm
Trong khi sinh đứa trẻ lâu ra. Nguời chồng phải:
Cầm giải rút quần của mình vắt qua nóc nhà.
(Nguời Việt đất Việt – Toan Ánh)

Câu đối Tết
Vậy tục treo câu đối Tết có từ bao giờ? Sách xưa có kể phong tục của người dân Bách Việt, trong ngày Tết Nguyên đán theo bùa gỗ có hình hai vị thần Thần Đồ và Uất Luỹ treo hai bên cửa ngõ. Đó là hai vị thần sống dưới gốc đào lớn dưới núi Độ Sóc chuyên cai quản đàn quỷ, hễ quỷ nào "phá rào" đi làm hại dân thì thần hoá phép trừ đi. Sau này việc treo bùa gỗ "Đào phù" được thay bằng câu đối hai bên cửa.
Đời sống hấm khá dần, mỗi người, tuỳ hoàn cảnh, gưi gắm vào câu đối những ước vọng vào một năm mới đang đến. Vào thế kỷ 15, thú chơi câu đối Tết đã trở nên phổ biến, khắp Kinh kỳ, từ dinh thự của quan lại tới các tư gia, đâu đâu cũng treo câu đối Tết. Lại có cả cấu đối nói về nghề nghiệp dán ở cửa hàng, cửa hiệu. Tương truyền, vào một năm, sắp tới giao thừa, vua Lê Thánh Tông ra phố phường xem dân ăn tết. Thấy một nhà không treo câu đối, vua vào hỏi, biết đó là nhà một người thợ nhuộm vợ goá, con trai đi vắng, vua bèn lấy giấy bút và viết.
Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ;
Triều đình chu tử tổng ngõ gia.
(Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ
Đỏ tía triều đình tự cửa ta)
(Trích từ Văn Hóa Việt)

Cóc khô
Cóc khô : không biết gì, không ăn thua gì
(chả ‘biết” cóc khô gì)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến
Người xưa có câu: "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến" Vào thế kỷ 16, khi đô thị cảng Vân Đồn (Quảng Ninh) mất dần vị trí hàng đầu qua các triều Lý, Trần thì ở giữa đồng bằng Bắc bộ, nơi cư dân trù mật, cách không xa kinh thành Thăng Long, đã nổi lên một trung tâm thương nghiệp lớn của Đàng ngoài. Nói cho đúng ra trước là bến cảng rồi sau gọi thành thành tên: Đó là Phố Hiến.
Đến Phố Hiến tàu thuyền có thể di lại thuận tiện: đường từ biển vào theo cửa sông Hồng hoặc đường từ cửa sông Thái Bình qua sông Luộc đi vào; ở phía trong từ sông Đáy qua sông Châu Giang tìm sang, rồi từ kinh thành Thăng Long đi xuống. Sách “An nam ký du” (1688) của Phan Đình Khuê đã viết: “Ở đây dừng lại tất cả các thuyền bè từ bốn phương để buôn bán với đường ngoài”. Giáo sỹ đạo tin lành Valentyn đã đến Đàng ngoài vào thế kỷ 17, có mô tả về Phố Hiến: “Đó là một đô thị có khoảng 2000 nóc nhà”. Giáo sư Richard, người Hà Lan đã viết về Phố Hiến: “thuyền bè đi về Kẻ Chợ số lượng quá lớn đến nỗi khó có thể lội xuống bờ sông được” Phố Hiến xưa, chính là thị xã Hưng Yên ngày nay đã từng có một thời kỳ phồn thỉnh vào bậc Nhất trong lịch sử.
Chùa Thiên Ứng ở Phố Hiến có một tấm bia dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1625), giải thích: “Đó là nơi đặt tri sở Hiến Nam, án sát của một thừa tuyên. Hiến nam thi lại là một đồ hội như Trường An (kinh đô) nhỏ của bốn phương”. Biên niên sử đời Lê cho biết: “năm Hồng Đức thứ 2 (1471) đặt Hiến sát cư ty, gọi tắt là Hiến ty - một cơ quan cấp thừa tuyên, ly sở thừa tuyên Sơn Nam thời Lê đặt ở xã Nhân Dục, Phố Hiến.

Góp nhặt sỏi đá
Lập gia đình là dịch bài thơ ái tình ra truyện ngắn.
(Bougeart)

Chữ nghĩa làng văn
“Già còn chơi trống bỏi ” thì “trống bỏi” đây là trống cho trẻ con chơi. Tang trống có hai sợi dây gắn hai lục lạc tròn bằng nhôm. Khi lắc trống, hai lục lạc này va vào mặt trống kêu thành tiếng.

Phê bình văn học miền Nam 1954-1975
Tuy có điều kiện tiếp nhận với văn học Tây phương nhưng miền Nam vẫ thiếu những nhà phê bình đúng nghĩa.
Những bài điểm sách, phê bình phần lớn là những nhà văn, nhà thơ, trong số hiếm hoi này, Đặng Tiến có những bài sắc nét trên Tin Sách vào thập niên 60. Cao Huy Khanh, Phương Thảo, thỉnh thoảng có những bài phê bình trên các tạp chí văn học, tuy nhiên họ không có lý thuyết phê bình và thiếu phương pháp khoa học. Trừ Lê Tuyên, Đỗ Long Vân nhưng chưa thành công.
Tóm lại, trong suốt 20 năm, đúng như Võ Phiến đã viết: “Văn học miền Nam không có được lấy một nhà phê bình chuyên nghiệp”.
(Trần Bích San – Văn Khảo)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Một điều nhịn là chín điều nhục!

Tiếng Việt không đơn giản
Hỏi:
- Đang tìm hiểu tại sao chữ Vũ được dùng ở miền Bắc vào miền Nam lại dùng chữ Võ....
Đáp:
- Cái nầy tôi có đọc ở đâu mà quên mất rồi, sỡ dĩ miền Nam gọi Võ là do thằng cha nào đó trong triều đình nhà Nguyễn có tên là Vũ mà người Việt mình kỵ gọi tên nên dân chúng sợ "tru di tam tộc" mà đọc thành Võ cho "yên bề gia thất".
(Nguồn ĐatViet.com)

Ma ăn cỗ
Sự hiện hình của hồn người chết được gọi là ma. Ma vẫn sỗng, vẫn hoạt động dưới âm phủ. Ma thiếu ăn sẽ trở thành ma đói. Thế là những ai có thân nhân chết, phải nhớ đến mà làm cỗ vào dịp ba ngày, một trăm ngày. Có điều là, sau khi cúng xong, mâm cỗ vẫn còn nguyên lành,. Mâm bát, xôi thịt, chè, cháo vẫn đầy như lúc chưa cúng! Theo sự hình dung của người đời, ma đã ăn cỗ rồi đấy! Ma ngồi chỗ nào để ăn cỗ, ai mà biết được.. Ma đâu phải như người? Ma không ăn thịt, ăn xôi tì tì mà chỉ ăn hương, ăn khói, tận hưởng cái tình người dương gian gửi gắm qua đó mà thôi. Muốn hay không, trước lí lẽ như vậy, người ta dễ dàng nghĩ rằng ma ăn cỗ rất tài tình, kín đáo mà ta không thấy, không hay biết. Từ đời này qua đời khác, trong tri thức dân gian in đậm nét chuyện ma ăn cỗ. Do đó, hễ việc làm nào đó, thường là việc làm xấu, được thực hiện kín đáo, vụng trộm khéo léo đến mức không lưu lại dấu vết gì, không để cho một ai hay biết thì dân gian ta thường ví với việc ma ăn cỗ.
Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng, thành ngữ ma ăn cỗ có thiên hướng để ví với những cuộc tình vụng trộm, nhất là đối với việc ngoại tình. Cũng như ma ăn cỗ, những cuộc tình chẳng để lại dấu vết gì. Nó chẳng khác nào mặt hồ gợn sóng sau cơn gió, rồi lại phẳng lặng như tờ. Nó cũng chẳng khác nào con chim đậu trên cây, sau khi bay đi, ai mà tìm được dấu chân chim?
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Vầng trăng ai xẻ làm đôi .
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Đêm qua anh ngủ trên giường.
Nhớ em tỉnh giấc, lọt giường gãy xương.

Chữ nghĩa văn hóa ẩm thực
Chả giò vất vả, nhọc sức theo bước chân của những người di dân ngược Bắc xuôi Nam. Món ăn này khởi thủy từ Sài Gòn. Ngày xưa còn ngăn sông cách trở, vượt đèo lội suối ra tới Hà Nội được người Bắc gọi là…”nem Sài Gòn”. Theo những người viết đi trước ngày ấy ở Hồ Gươm có nhiều bảng thật to, quảng cáo cho nhiều quán trước ga tầu điện cho món Nam kỳ này. Nem Saigon nổi tiếng thời đó có hiệu ăn Tế Mỹ, cuốn nem nhân cua biển, hơi bẹt một tí rán phồng vừa đủ vàng chấm nước mắm pha dấm ớt, kèm vài lõi bắp cải chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay út có vị chua chua, nếu dùng để đưa cay với ly rượu Mơ, ngon thật không còn gì bằng.
Theo cuộc di cư 54, không gọi là nem Sài Gòn nữa mà mang cái tên mới là “chả giò”, vẫn là món ăn của người miền Nam do…người Bắc làm.

 (còn tiếp)