banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chữ nghĩa làng văn

01 tháng 06.2015

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Những câu thơ sau cùng của Bút Tre
Chưa đi chưa biết Sài gòn
Đi rồi mới biết chẳng còn một xu
Về nhà mới biết là ngu
Mồm tiêu thì ít thằng cu tiêu nhiều.

Phương ngữ Hà Tĩnh
“Ló ngô” không phải là loại ngũ cốc bản địa từ xưa mà sau này được di thực từ bên Ngô (trong Tam Quốc Chí của Tàu) sang. Học giả Lê Quý Đôn trong tác phẩm “Vân Đài loại ngữ” cho biết:
“Hồi đầu đời Khang Hi (1662 – 1723), Trần Thế Vinh, người huyện Tiên Phong, Sơn Tây, sang sứ nhà Thanh, mới lấy giống lúa ngô đem về nước”.
Còn nữa: Bù rợ (bí đỏ) cũng xuất hiện trên mảnh đất Hà Tĩnh sau bù ta (bầu), mà qua tên gọi phải là từ một nước láng giềng nào đó. Nhưng người ngoài Bắc lại gọi bí đỏ là bí ngô, tức là loại bí này có thể được di thực từ bên Ngô sang.
Tuy vậy, “bù rợ”“bí ngô” cũng có khác nhau chút ít. Bí ngô có hình thù hơi dài hoặc hình cầu, còn bù rợ có hình thù hơi dẹt , tại chỗ cuống và trôn quả thường lõm vào.
(Tống Trần Tùng - Tản mạn về ngôn ngữ địa phương Hà Tĩnh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Làm trai cho đáng nên trai
Lang beng cũng trải, giang mai cũng từng

Thi Đình

thi đình
Thi Đình tổ chức tại sân đình nhà vua. Nơi thi là một cái nghè lớn, nên sau này người ta thường gọi các vị vào thi là các ông nghè. Vua ra đầu đề, và sau khi hội đồng giám khảo hoàn thành việc chấm bài, chính nhà vua tự tay phê lấy đỗ. Người đỗ đầu gọi là Đình Nguyên .
Theo số điểm, người đỗ được xếp vào 3 hạng gọi là Tam Giáp:
- Bậc 3: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Tam Giáp ( Đồng tiến sĩ xuất thân – tên dân gian là ông Tiến Sĩ)
- Bậc 2: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Nhị Giáp (Tiến sĩ xuất thân, Hoàng Giáp)
- Bậc 1: Đỗ Tiến Sĩ Đệ Nhất Giáp (Tiến sĩ cập đệ – gồm 3 thí sinh đỗ cao nhất gọi là Tam khôi : Đỗ hạng ba là Thám Hoa, hạng nhì là Bảng Nhãn, đỗ đầu là Trạng Nguyên.
Năm 1828 Minh Mạng chỉnh đốn bỏ học vị Trạng Nguyên.
(Phụ đính: Có nguồn cho là sau khi trúng cách, các tiến sĩ đứng đợi dưới mái hiên trong sân đình vào hâu vua. Xưa kia, người Huế gọi “mái hiên” là nghè)
(Khoa bảng Việt Nam thời xưa – Phạm Vũ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Thiếu nữ là chữ viết tắt của thiếu... nữ tính!

Nét đặc biệt trong tiếng Huế
Thổ ngữ Huế nhiều lắm và cũng lạ lắm, và vì tiêu đề của bài này là lan man về những thổ ngữ đó, nên xin được nhẩn nha tìm lại chút ít những gì đã mất và ôn lại những gì đang còn xài . Vì trang báo có hạn, không thể giải thích từng chữ một, nên xin được ghép thổ ngữ thành từng câu, từng nhóm, có đầu có đuôi hơn:
"Đồ cái mặt trỏm lơ mà đòi rượn đực!"
(Thứ mặt mày hốc hác mà đòi hóng trai)
Chữ rượn gần đồng nghĩa với câu con ngựa Thượng Tứ, câu này cũng độc không kém . Thượng Tứ là tên gọi của cửa Đông Nam, bên trong cửa này có Viện Thượng Kỵ gồm hai vệ Khinh kỵ vệ và Phi kỵ vệ chuyên nuôi dạy ngựa cho triều đình Huế.
Vì thế gọi ngựa Thượng Tứ có nghĩa bóng bảy xa xôi rằng con đó nó ngựa lắm, nó đĩ lắm, nhưng thâm thuý hơn nhiều.
(Nguồn ĐatViet.com)

Giai thoại địa danh miền Trung
Cam Lộ, theo nhà cổ học Madrolle là phiên âm từ tên đất “Khalu-Cà lơ”của một sắc dân thiểu số người Lào cư ngụ ở vùng này.
Khi người Pháp lập địa đồ vùng Quảng Trị, khí hậu quá nóng vì gió Lào. Người Pháp hỏi người địa phương vùng đất này tên gì?. Thấy người Pháp mồ hôi nhễ nhại, ngở hỏi thời tiết nên trả lời là: “Gió Lào”. Người phu lục lộ ghi vào sổ tay là:…Gio Linh.
Ngược lên phương bắc, gặp một con sông có bến thuyền bè qua lại tên Bến Hói. Người Pháp hỏi tên gi, được trả lời là…Bến Hói. Người Pháp lại ghi vào sổ tay: sông…Bến Hải.
(Thái Văn Kiểm – Bóng xế trăng lu)

Chần
Chần : thật thà
(nói thật chần chần ra hết)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Phê bình I

namphongtapchi

Kể từ khi có chữ quốc ngữ, Phạm Quỳnh là người đi tiên phong trong lãnh vực phê bình. Ngay những số đầu tiên trên tờ Nam Phong ông đã có bài phê bình về bài Khối tình con của Tản Đà. Một tấm lòng của Đoàn Như Khuê.
Thời kỳ (1932-1939) xuất hiện những cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí, đặt ra nhiều vấn đề thiết yếu cho văn học. Không kể cuộc bút chiến về Nho Giáo giữa Trần Trọng Kim và Phan Khôi, có 4 cuộc tranh luận văn học lớn là: luận về quốc học, thơ cũ thơ mới, duy tâm hay duy vật, nghệ thuật vị cái gì?
(Trần Bích San – Văn Khảo)

Những bài hành
Năm 1970, thơ Việt đã có ba bài hành: Tống biệt hành của Thâm Tâm, Hành phương nam của Nguyễn Bính và Bài hành bốn mươi của Thanh Nam. Non mười năm sau đó thì được thêm một bài nữa. Cao Tần không gọi thi phẩm ấy của mình là "hành". Nhưng hẳn đa số người yêu thơ chỉ cần đọc qua cũng lập tức cảm thấy ngờ ngợ, rồi nhanh chóng dứt khoát: "nó", chứ còn gì nữa.
Hành là thơ làm để hát.(1) Ðây tác giả chẳng những đặt luôn tên bài thơ là hát, mà còn cẩn thận ghi rõ hát ngao. Hát ca vốn vô số lối: lối chèo, lối tuồng, lối quan họ, lối cải lương, lối tân nhạc, lối tân tân nhạc... Vì lẽ gì Cao Tần đi chọn lối ngao?
Cách nay gần 5 thế kỷ, trong một trong mấy bài phú nôm đầu tiên của văn học Việt Nam thấy có câu: "... thủa hứng nhàn đủng đỉnh, ngồi bên khe, nhịp miệng hát ngao".(2) Kẻ đủng đỉnh nhịp miệng thời xa xưa ấy không phải một trẻ chăn trâu đang hồn nhiên véo von "sướng lắm chứ" đâu, mà là Nguyễn Hãng, ẩn sĩ đời Mạc, đang "ngao" thành lời cái tâm trạng nhiều uẩn khúc của mình.
Xem lại, hình như thứ thơ hành có hay chứa tâm trạng rắc rối.
Giữa Bài hành bốn mươi với Bài hành trên tuyết tuy chỉ có không tới mười năm, nhưng là mười năm đầy dâu bể. Nên mới có tráng sĩ Việt "khoác áo lông xù" bước trên mặt sông đã đông thành đá. Người "nghênh ngang" trên băng giống người "đón tuổi" ở chỗ cùng đã qua sông. Khác, vì người kia qua rồi yên phận, còn người này qua xong tuy có "khi bi ai: thân cỏ mọn bên đường", có lúc bước "những bước ngậm ngùi đi chẳng về đâu", nhưng rồi lại có "khi bốc lên: núi lưng trời cũng thấp".
Cái phận chưa chịu yên, đôi khi nó còn "hừ" thành tiếng trong thơ!
(1) Ðại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý.
(2) Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ.
(Thu Tứ - Gocgio.net)

Kê báo tai, thước báo hỷ
Kê: con gà. Thước: con quạ. Tai: họa bất thình lình. Hỷ: mừng.
Nghĩa là gà mái gáy thì có điềm chẳng lành. Quạ kêu trước nhà có tin vui.
Thành ngữ này ý nói những chuyện ngược với lẽ đời thường như gà mái lại gáy và quạ là lòai chim hung dữ mà lại có tin vui mừng.

Hát ngao trên tuyết
(Bài hành trên tuyết)
Khoác áo lông xù giả làm tráng sĩ
Lên dòng sông đá bước nghênh ngang
…..

Núi cao! Núi cao! Ta về không đến
Chí trượng phu, hừ, chôn trong giá băng?

Đất lề quê thói
Sinh chậm
Trong khi sinh đứa trẻ lâu ra. Nguời chồng phải:
Cầm chiếc đòn gánh đứng giữa cửa lao ra ngoài đường.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)

Đường cái quan
Đường thiên lý là tên gọi cũ của Quốc Lộ 1A (QL1A) ngày nay. Thời nhà Nguyễn còn có tên là “đường cái quan”, chạy dài từ Lạng Sơn từ cây số 0 ở Ải Nam Quan (nay gọi là “Hữu Nghị Quan”) đến mũi Cà Mâu (thị trấn Năm Căn). Đường thiên lý được thiết lập và xây dựng qua nhiều triều đại. Đường cái quan (hay đường thiên lý) vượt 5 con đèo hiểm trở là đèo Tam Điệp, đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cù Mông và đèo Cả.
Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn chắn ngang QL1A, là ranh giới 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình (Đồng Hới). Đèo cao 250m, dài 6km, cách sông Gianh 27km, cách Hà Tĩnh 75km về phía bắc.

đuongthienlý
Đây là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành trước năm 1069. Thời Pháp thuộc, đèo Ngang có tên trên bản đồ là “Porte d’Annam”. Trong văn học, đèo Ngang nổi tiếng với bài thơ “Qua Đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan: :
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
(…)
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta
(Nguồn: Vương Sinh)

Chữ nghĩa làng văn
Trước kia có giai thoại học trò xứ Quảng ra Huế thi mang theo con “cá gỗ” để chấm với nước mắm ăn cơm.
Sau người miền Nam có thành ngữ “Bắc Kỳ ăn cá cá rô cây” chỉ người miền Bắc nghèo nàn cũng chấm với nước mắm ăn cơm.
Phải chăng từ con “cá gỗ” để có “cá rô cây”?

Bóc ngắn cắn dài
Thành ngữ với ý nghĩa phê phán lối làm ăn muốn bỏ ít công sức, vốn liếng mà lại muốn thu được lợi nhuận nhiều.
Nhưng người đời không nhất thiết khai thác hoàn toàn ý này. Người ta chỉ giữ cái ý “làm thì ít mà muốn hưởng thì nhiều”. Vì đi theo hướng biểu trưng này từ bóc gợi ý đến việc “bóc vỏ”. Thành ra, trong tiếng Việt, đôi khi người ta còn dùng động từ làm để thay vì cho “bóc” trong thành ngữ này tạo lập một biến thể khác là làm ngắn cắn dài.
Dạng thức Làm ngắn còn dài tuy làm mất thế đối xứng giữa các động từ vốn có liên hệ chặt chẽ về nghĩa và hành động bóc và ăn trên thực tế, song nó vẫn được tồn tại hiển nhiên trong tiếng Việt, do tính biểu trưng của các thành tố trong thành ngữ đem lại.
Trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ bóc ngắn cắn dài được dùng khá linh hoạt. Thành ngữ này được tách, chen, thay đổi vị trí các yếu tố trong đó theo những dạng thức khác nhau tùy theo dụng ý người nói, người viết.
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)

Chần ngần
Chần ngần : ngơ ngơ
(đứng chần ngần)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Anh em đồng hao
"Đồng hao" là từ Hán Việt, tên chỉ rau tần ô, tức là rau cải cúc, loại rau thường mọc hoang ngoài ruộng; có đặc điểm: Rễ nhiều nhưng rất nhỏ, chỉ mọc là là mặt đất, cho nên chỉ một cơn gió lớn là nghiêng ngả, người ta đi qua vô ý vấp là tróc gốc rễ lên liền.
Ý nói: Anh em rể, tuy là anh em nhưng rất dễ nhổ và dễ đứt.
(Khải Nguyên – Chữ nghĩa dân gian)

Giai thoại “Cá gỗ”
cá gỗ"Ngày xưa, có cậu học trò xứ Nghệ (Nghệ Tĩnh), nhà nghèo nhưng rất hiếu học. Nghe tin vua mở khoa thi cậu học trò xin cha vào kinh đi thi. Người cha lấy làm lo lắng, vì đường từ nhà vào kinh phải đi bộ mất hơn 5 ngày. Biết được nỗi lo lắng của cha, cậu học trò chỉ xin cha một ít ít muối cùng con cá và mấy vắt cơm. Thế rồi suốt mấy buổi trưa không ngủ, cậu học trò kì cạch dao búa, đẹo một con cá bằng gỗ to gần bằng bàn tay, rồi đem hun khói, trông giống như một con chép nướng. Xong xuôi, đem gói con cá trong mấy tờ giấy rồi dấu vào chiếc cặp vải.
Chặng đường 5 ngày vào kinh. Buổi trưa, cậu học trò nọ ăn cơm với muối ở dọc đường, tối đến, vào xin ngủ nhờ nhà dân. Cậu học trò mượn chủ nhà chiếc mâm, bày vắt cơm cùng con cá ra, rồi nói với chủ nhà rằng: Cháu đi đường xa không có gì ăn, xin ông bà cho tý mắm để ăn cơm. Chủ nhà thấy thương tâm bèn cho ít mắm, cậu học trò rót mắm ra đĩa, rồi lấy đũa giả vờ ăn cơm chấm nước mắm với cá rán. Nhưng chuyện không qua được mắt chủ nhà, không những vậy chủ nhà bèn còn vào bếp gói cho cậu học trò mấy quả cà để đi đường ăn cơm.
Sau khi vào kinh dự thi đỗ đạt được phong làm quan. Trên đường về quê vinh quy bái tổ, tân quan không quên ghé thăm chủ nhà trọ. Chủ nhà mừng lắm, bèn thịt gà đãi tân quan. Sau bữa cơm, chủ nhà bèn xin tân quan con "cá gỗ" để răn dạy con cháu học hành. Và chuyện con "cá gỗ" từ đó cứ lưu truyền trong thiên hạ".

(còn tiếp)