Chữ nghĩa làng văn
15 tháng 05.2015
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.
Bạch diện thư sinh
Đời nhà Tống, có người tên là Trầm Khánh Chi, từ nhỏ đã ôm chí lớn, giỏi về bài binh bố trận. Vua Tống muốn mở mang bờ cõi, sai nhóm Vương Huyền Mô đem quân Bắc phạt. Trầm Khánh Chi can ngăn, đưa ra trường hợp của nhiều vị vua trước, đã nhiều lần Bắc phạt nhưng đều thất bại. Trầm Khánh Chi nói:
- Muốn bàn luận về việc cày ruộng thì phải bàn luận với nông phu. Muốn bàn luận về việc canh cửi thì phải bàn luận với người đàn bà dệt vải. Nay bệ hạ muốn mở chiến tranh với nước khác, mà lại để những người bạch diện thư sinh không chút kinh nghiệm về quân sự đứng ra bàn luận, thì làm sao mà thành công được.
Vua Tống không nghe, cứ cho đem quân đánh phương Bắc, và quả nhiên bại trận nặng nề.
Từ câu nói của Trầm Khánh Chi, người đời sau rút ra thành ngữ "bạch diện thư sinh" để chỉ người chỉ có cái học sách vở, không biết đối phó với thực tế ngoài đời.
Nét đặc biệt trong tiếng Huế
Thổ ngữ ở Huế thì nhiều lắm và cũng lạ lắm. Vì đề mục có hạn, không thể giải thích từng chữ một, nên xin được ghép thổ ngữ thành từng câu, từng nhóm thổ ngữ, vừa đỡ nhàm chán lại ra câu ra kéo, có đầu có đuôi hơn:
Chộ chưa ? Nỏ chộ !
(Thấy chưa ? Không thấy !)
Nỏ là lối phủ nhận gọn gàng pha chút giận hờn, chanh cốm như chả biết, chả ăn, chả thèm vào ! Hắn mô rồi ? Nỏ biết ! Chữ nỏ biết ở đây pha chút, chút xíu thôi sự phủi tay về cái chuyện hắn đang ở đâu ! Tục ngữ Huế: Có vỏ mà nỏ có ruột.
(Nguồn ĐatViet.com)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Nếu bạn thấy không ai quan tâm tới mình, bạn hãy thử vào nhà hàng ăn và quên trả tiền đi. Sẽ có người quan tâm đến bạn ngay lập tức!
Từ điến, tự điển
Từ điển khác với Tự điển. Tự điển mỗi điều chỉ có một chữ, mà từ điển mỗi điều phải từ hai chữ sắp lên đến sáu bảy chữ, ấy là vì chữ "Từ" khác với chữ "Tự". "Từ" nghĩa là lời, "Tự" nghĩa là chữ, hiệp nhiều chữ lại mới thành lời.
Nhưng không phải hễ thấy lời nào có nhiều chữ mà cho là "từ" hết thảy được đâu. Phải biết thế nào mới gọi là "từ" được.
Từ (lời) là hiệp mấy tự (chữ) lại mà thành ra, để chỉ tên một sự vật hoặc một danh lý, để biểu thị một ý tưởng hoặc một tình cảm của người ta; song, tuy có nhiều chữ mà đã thành ra như một chữ, và nó có cái vẻ đặc biệt, gần gần như là một cái điển cố vậy.
Phải lấy ví dụ cho rõ hơn. Vậy như: Thiên mã thì gọi là từ được, mà tẫn mã hay dịch mã thì không gọi là từ được.
Bởi vì, đời vua Võ Đế nhà Hán có được một con ngựa bên Tây Vực hay lắm, bèn đặt tên là thiên mã, nghĩa là con ngựa của trời, thế thì thiên mã là tên đặc biệt, cho nên gọi là từ. Chữ thiên mã ấy đáng để vào từ điển, vì sau nầy con ngựa nào hay như con ngựa ấy thì người ta có thể dựa theo đó mà gọi nó là thiên mã được.
Còn tẫn mã là ngựa cái, dịch mã là ngựa trạm, chẳng qua lấy chữ tẫn chữ dịch ghép với chữ mã mà thôi, không đặc biệt, cho nên không gọi là từ được, và không đáng đem vào từ điển.
(Phan Khôi - Cái dốt của triều đình Huế)
Đất lề quê thói
Sinh chậm
Trong khi sinh đứa trẻ lâu ra. Nguời chồng phải: Luồn qua những nấc thang của chiếc thang.
(Người Việt đất Việt – Toan Ánh)
Con cà con kê (I)
Nhưng tại sao Con cà con kêlại có nghĩa như vậy? Câu hỏi chính xác hơn là Con cà con kê là con gì?
Kê là chữ Hán, là con gà. Con kê là con gà... nửa Việt nửa Hán ! Còn Con cà ? Chữ Hán không có con cà. Thành ngữ Con cà con kê không phải là chữ Hán. Tiếng Việt không có con kê, con cà. Chỉ có vài con có tên kép như cà cuống, cà kếu, cà niễng...
Thành ngữ nói trống không con cà thì khó mà đoán biết là con gì. Nguyễn Lân cho biết cà là do từ cổ ca nghĩa là gà. Chữ Nôm gà được viết bằng chữ ca (người anh) và bộ điểu. Từ cổ ca (nghĩa là gà) của Nguyễn Lân có liên hệ gì với từ ca của chữ Hán không? Theo Nguyễn Lân thì về mặt ngữ nghĩa, thành ngữ “Con cà con kê” tương đương với con gà con kê. Nôm na là... con gà con gà.
Một thành ngữ chỉ có bốn chữ mà bị khập khiễng tới hai lần (vừa pha trộn Việt Hán, vừa lặp lại cùng một ý) thì khó tồn tại được. Rốt cuộc, thành ngữCon cà con kê cũng chẳng phải là tiếng Việt. Không phải Hán, không phải Việt. Hay là do đọc trại đi mà ra?
(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Kiến tha lâu cũng có ngày .... mỏi cẳng.
Địa danh miền Trung trong văn học sử
Quảng Trị
Champa đánh phá Đại Việt, năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh thống lĩnh 5 vạn quân cùng Lý Thường Kiệt đi tiên phong đánh thẳng vào Kinh đô Chà Bàn, bắt được vua Champa là Rudravarman III (sử Việt chép tên là Chế Củ) đưa về Thăng Long. Để chuộc tội, Chế Củ xin dâng 3 châu: Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt.
Địa bàn của châu Ma Linh được phỏng đoán tương ứng với vùng đất từ Cửa Việt trở ra phía Bắc Quảng Trị ngày nay, gồm các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Đa Krông, một phần đất của thành phố Đông Hà.
Đặc biệt từ sau năm 1558, khi Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông sai vào trấn thủ Thuận Hóa, đóng Dinh Cát ở Ái Tử. Trong suốt gần 300 năm, vùng đất Quảng Trị tồn tại với tên gọi Cựu dinh thuộc vào trấn Thuận Hóa. Mãi đến sau khi Gia Long lên ngôi năm 1802, đã đặt lại Cựu dinh thành dinh Quảng Trị.
Đến năm 1827, dinh Quảng Trị nâng lên thành trấn Quảng Trị. Năm năm sau, năm 1832, Minh Mạng thứ 12, trấn Quảng Trị đổi thành tỉnh Quảng Trị.
Chữ Hán, chữ Nho
Ta còn hay lẫn lộn khi họ gọi chữ Hán là chữ Nho. Thực ra “Nho” là một thứ đạo làm người phát xuất từ Trung Hoa. Bởi vì Nho đạo truyền bá qua Hán tự, thành ra thiên hạ dễ lẫn mà gọi chữ Hán là chữ Nho. Sau đó mới có cụm từ “ông đồ Nho viết chữ Nho”.
(Mạn đàm về Hán Việt trong Việt ngữ - Trần Văn Kiệm)
Chân nam đá chân chiêu
Thành ngữ “chân nam đá chân xiêu” đọc đúng phải là “chân đăm đá chân chiêu”. Nghĩa của từ “đá” đứng giữa hai vế mà người ta đều hiểu đúng nghĩa đen của thành ngữ này là “chân nọ đá chân kia”, từ “xiêu” trong kết hợp “chân xiêu” một cách đơn thuần là “xiêu xẹo” nên nghĩa bóng của thành ngữ này là “đi đứng không vững vàng”. Nhưng tại sao “chân nam” lại là chân này và “chân xiêu” lại là chân kia?
Thực ra, “nam” là do “đăm”, còn “xiêu” là do “chiêu” đọc chệch mà thành. “Đăm” và “chiêu” là hai từ cổ thuần Việt có nghĩa “bên phải” và “bên trái”. Từ điển “Đại nam quốc âm từ vị” của Huỳnh Tịnh Của (1895) còn ghi: “đăm” là tay hữu; “chiêu” là “tay tả”. “Đăm” và “chiêu” còn thấy ở thành ngữ như: “Tay chiêu đập niêu không vỡ”
Như vậy, Thành ngữ “chân nam đá chân xiêu” đọc đúng phải là “chân đăm đá chân chiêu” tức chân phải đá chân trái để chỉ “trạng thái đi đứng không vững vàng”
(Nguồn: Tìm hiểu điển tích thành ngữ)
Phương ngữ Quảng Ngải
Trong giòng chảy tình cảm của mình có một giòng của giọng Quảng. Có lẽ sống lâu ngày cùng với giọng Quảng, người Huế như tôi thấy giọng Quảng cũng dễ thương. Như:
Chửi choa khơng bèng phoa giạng
(Chưởi cha không bằng pha giọng)
(Giọng Quảng: Gần thương, xa nhớ - Lê Duy Đoàn)
Chữ nghĩa trong câu đối
“Xuất đối dị, dị đối nan” hiểu theo nghĩa là “ra đối dễ, đối lại khó” . Tuy nhiên một đôi khi lại ngược lại “Xuất đối dị, dị đối…dị” như dưới đây: Cụ Nguyễn Khuyến về hưu, gần tết, ông hàng xóm bảo con kiếm cơi trầu sang thưa với cụ xin một câu đối về thờ ông bà. Người con bưng sang, đứng ở bên này dậu, cụ đã nghe biết nên vui vẻ bảo người con “Bố anh đã làm xong câu đối rồi, ta khỏi phải làm nữa”. Người con đang ngơ ngác không hiểu, cụ bảo lấy bút ra chép và cụ đọc một câu đối gần như ông bố đã dặn con:
Kiếm một cơi trầu thưa với cụ
Xin đôi câu đối để thờ ông
Chan
Chan : dầy đặc
(chứa chan)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Phương ngữ Quảng Ngải
Vô Quảng Nam thời gian dài, nói chuyện với nhiều người tôi nhận ra là những chữ tưởng chừng như là phương ngữ của riêng người Huế, thật ra người Quảng cũng nói y chang. Cũng là một gốc những người di dân khai hoang lập ấp từ Thanh, Nghệ, Tỉnh thời vua Lê, chúa Nguyễn, người dân miền này đi đến xứ khác làm ăn sinh sống đem theo cả phương ngữ của mình dần dần người ở đó nghe quen tai và dùng quen miệng những từ đó thành ra không còn riêng biệt nữa. Đó là sự giao thoa, pha trộn phương ngữ trong tiếng Việt.
Dưới đây là một số từ ngữ người Quảng nói giống người Huế. Nghe giọng thì khác mà lối nói, chữ nghĩa quen tai nên mấy năm trời giọng nói thấm dần vào tôi như mưa lâu thấm đất và tôi cảm thấy gần gũi với giọng nói này.
Khi đặt câu hỏi người Quảng cũng như người Huế thường dùng từ ngữ: ri (như thế này), rứa (vậy, thế), răng (sao), mô (đâu), hỉ (hả) v.v…; khi nghe thế người kia trả lời: nớ (kia), tê (kia), ni (đây), trển (trên), chừ (bây giờ), chi (gì) , nì ( này)v.v…
“Tui” là tôi, “Tau” là “tao”, “chưn” là chân; “dị òm” là mắc cỡ, mắc cỡ lắm; “ưng” là thương; “nhớ hung” là rất nhớ, nhớ lắm;; “xí nữa” là chút nữa; “y nguy” là y nguyên; “răng” là sao, làm sao…”không reng (răng)” là không sao.
Khách tới nhà, chó xồ ra sủa inh ỏi, nhe răng như muốn táp khách mà chủ nhà tỉnh rụi”- Chó sủa thôi chớ không reng mô”. Nhe cả hàm răng nhọn hoắt mà nói chó không răng. Núa chi lọa rứa ?
Người Huế cũng nói như rứa, có khác chi mô!
(Giọng Quảng: Gần thương, xa nhớ - Lê Duy Đoàn)
Nỏ mồm
Nỏ mồm ở đỏ mồm mà ra.
Tích Trần Nghệ Tôn nằm mộng thấy Trần Thuận Tông hiện về nói: “Trung gian truy hữu Xích chủy hầu – Ân cần tiếm thượng Bạch kê lâu”. Nghĩa là “trong ấy có con khỉ đỏ mồm đang tính chuyện lấn áp Bạch kê lâu”.
Trần Nghệ Tôn đem chiết tự mới biết Hồ Qúy Ly đang âm mưu chiếm ngôi nhà Trần.
Phương ngữ Quảng Ngải
Thêm một câu chuyện sau đây do ông Trần Tuyết, một thầy giáo người Quảng Ngãi (trước đây là hiệu trưởng trường trung học Tỉnh Hạt, thị xã Quảng Ngãi) kể tôi nghe:
Khám bịnh xong bác sĩ nói với cô bệnh nhân trẻ:
– Cô cho tôi xin số điện thoại của cô để khi nào có kết quả khám sức khoẻ thì tôi sẽ gọi điện báo cô hay.
Cô gái trẻ trả lời:
– Dợ, hai ba bửa tém một bửa !
Bác sĩ lắc đầu:
– Không! chuyện tắm rửa của cô thì tôi không cần biết. Số điện thoại của cô á !
Cô gái trẻ trả lời:
-Dợ, hai ba bửa tém một bửa!
Bác sĩ lắc đầu mạnh hơn:
– Cô tắm mỗi ngày 2, 3 bận hay là 2,3 tuần cô tắm một lần thì tôi không cần biết…..Số điện thoại của cô kìa..
Cô gái trẻ tức tối trả lời:
– Dọa! em đỏa núa sớ của em lòa hai ba bửa tém một bửa.
(Dạ, em đã nói số của em là 237.817)
(Giọng Quảng: Gần thương, xa nhớ - Lê Duy Đoàn)
Định nghĩa phê bình văn học
Nghĩa chữ Hán với “phê” là bày tỏ cho biết và “bình” là luận về một điều gì. “Phê bình văn học” là dùng phương pháp khoa học để phân tích, phán đoán một tác phẩm với mục đích thẩm định giá trị khách quan của tác phẩm ấy.
Chính vì vậy mà người ta dùng danh từ gọi ngự sử văn đàn để gọi những nhà phê bình văn học chân chính
(Phụ chú: Phan Khôi, người đầu tiên dùng chữ “ngự sử văn đàn”)
(Trần Bích San – Văn Khảo)
Chạ
Chạ : lẫn lộn
(lang chạ - nói chạ: nói quấy quá))
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Phương ngữ Hà Tĩnh
Nếu nói “khoai” thì người ngoài Bắc chỉ hiểu là khoai lang hoặc khoai tây mà thôi. Còn các loại củ ăn được thì kèm luôn tên gọi là “củ từ”, “củ mỡ”, “củ dong riềng”, “củ mài”, ....
Còn tiếng Hà Tĩnh thì phân chia rõ ràng hơn. Cây gì có rễ phình to thì cái rễ đó được gọi là “cổ”. “Cổ” gì ăn được thì “cổ” đó được gọi là khoai. Rồi mới đến tên riêng và thành ra “cổ khoai từ”, “cổ khoai vạc” (củ mỡ), “cổ khoai đao” (củ dong riềng), “cổ khoai mài” (củ mài).... Như vậy là “cổ” trở thành một loại quán từ ngang hàng với “con” “cái”... Cũng chính vì thế nên người Hà Tĩnh ít ai gọi “cổ lạc” (củ lạc) mà thường gọi là “trấy lạc” (trái lạc, quả lạc). Tương tự là từ “ló” (lúa) để rồi có ló kê, ló ré (lúa tẻ), ló nếp, ló ngô (thường được nói nhanh là lồ ngô, tức là ngô, bắp)... hay “bù” để rồi phân biệt bù ta (bầu), bù rợ (bí đỏ).....
(Tống Trần Tùng - Tản mạn về ngôn ngữ địa phương Hà Tĩnh).
(còn tiếp)