banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Chữ nghĩa làng văn

tháng 08.2017

phingochung
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

“Chữ nghĩa làng văn” đôi khi chỉ là một chữ, cụm từ, đoạn văn cô đọng, diễn nghĩa, diễn giải một áng thơ văn hoặc một thể tài nào đó. Những trích dẫn được góp nhặt qua sách vở, trên mạng lưới của nhiều tác giả thành danh hay khuyết danh, không ngoài góc nhìn tận tín thư bất như vô thư. Ấy là chưa kể nhiều từ ngữ, đề mục trong bộ sưu tập đang còn trong vòng nghi vấn, cần phải thẩm định lại nếu có thể được với những bậc thức giả văn kiến súc tích. Những phụ chú, dẫn chứng hay giai thoại do người viết kể lại, với chủ quan, khách quan chỉ cách nhau một sợi tóc. Vì vậy người sưu tầm không đặt ra “sai” hay “đúng”, vì cái sai hiện tại có thể là cái đúng ở một thời điểm nào khác. Xin chân thành cảm tạ và cáo lỗi những tác giả đã đóng góp bài vở trong sưu tập này, nhưng vì phương tiện eo hẹp nên người sưu tầm không thể thỉnh ý tác giả trước khi đăng tải.


Thuật nhi bất tác
Chữ Việt cổ
vã: ông ngoại, bà ngoại
(Phạm Xuân Độ)

Chữ Việt cổ
Trong tập: “Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ”, giáo sư Lê Trọng Khánh đã dẫn chứng: Nhiều dân tộc trong Bách Việt đã dùng chữ Khoa đẩu từ thời Phục Hy- Thần Nông để ghi tiếng dân tộc mình. Như vậy, dân tộc Kinh – Lạc Việt lại không còn văn bản hay sao? Riêng ở Việt Nam, chữ khoa đẩu được dùng lâu hơn. Mãi đến đời Sĩ Nhiếp vẫn còn, tuy Sĩ Nhiếp cấm đoán nhưng nhân dân ta vẫn dùng.
Nhiều nhà nghiên cứu, từ Hà Văn Tấn, Lê Trọng Khánh, Bùi Văn Nguyên, Trần Ngọc Thêm… cho đến Vương Duy Trinh, Trương Vĩnh Ký, cả những nhà nghiên cứu nước ngoài ở Anh, Tiệp Khắc, Mỹ, Pháp, nhất là Trung Quốc: Từ Lục Lưu, đến Hứa Thân, Trịnh Tiểu… đều khẳng định: Việt Nam xưa đã có chữ viết riêng.
Gần đây nhóm nghiên cứu Chữ Việt cổ và giáo dục thời Hùng Vương, do nhà văn Khánh Hoài–Đỗ Văn Xuyền đã có những khám phá rất quan trọng. Một trong những kết quả nghiên cứu của nhóm là phát hiện ra một bộ chữ Việt cổ được lưu giữ ở vùng Tây Bắc Việt Nam. Các nhà khoa học cho rằng văn tự này có thể là một biến thể của chữ “Khoa đẩu” hay “Hoả tự” ghi trong cổ sử. Thứ chữ đã tồn tại trong nền văn hoá tiền Việt–Mường. Do không được sử dụng phổ biến, bộ chữ này bị đóng băng, không phát triển theo kịp những biến âm trong tiếng nói người Việt hiện đại.
(Trần Vân Hạc – Chữ Việt cổ)

Ca dao tình tự
Nói đến ngoại tình
Năm quan tiền tốt bó mo
Làm tờ ký chỉ, chị cho mượn chồng
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Chồng già hay ho.
Khi nghe tiếng ho, vợ trẻ biết mùa đông đã về.

Tượng ông Phỗng
Trước hương án có để hai cái tượng bằng đá, chân quì mà hai tay cầm hương. Cái tượng ấy người ta thường gọi là “Phỗng” là tượng người Xiêm Thành của vua Thánh Tôn chế ra khi đi đánh Xiêm Thành về, để ngụ ý là nước Xiêm Thành đã thần phục rồi. Thế là cái tượng “Phỗng” chế ra từ đời ấy, về sau dân gian mới bắt chước mà tạc ra tượng gỗ như vậy để ở các nơi danh từ như ở Nghệ thì đền Võ Mục, đền Ðại Càn, đền Mai Hắc Ðế v.v.
Còn cái tượng ấy sở dĩ gọi là “Phỗng” thì có người nói rằng: Khi xưa nước Xiêm Thành có ông vua tên là Bổng thường sang quấy nhiễu ở nước Nam. Vua nước Nam thân chinh bắt được đưa về rồi sai tạc tượng ông ấy ra để dâng hương ở các đình đền, bởi vậy người ta gọi là tượng ông “Bổng”, về sau nói trại đi thành ra “Phỗng”. Lời nói ấy tuy cũng có lẽ, nhưng xét trong sử thì vua nước Xiêm Thành không có ông nào tên là Bổng cả (...)
Theo thiển kiến chúng tôi thì có lẽ là bởi cớ sau này: Nguyên cái tượng ấy thì trong nham cảo viết là “Bổng hương tượng”. Vì chữ là Bổng hương tượng cho nên người ta gọi là tượng bổng hương (tượng dâng hương), đến sau dần dần mãi nói sai đi, mới hóa thân là …“tượng Phỗng”.
(Nguyễn Ðức Tánh - Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh)


Thiền lơ mơ lỗ mỗ
Cá rô cây…
Lão hành khất vào ngồi trong hiên chùa, bắt đầu bữa ăn xin được trong ngày: ít vắt cơm, muối và... một con cá rô cây.
Bà vãi nhìn bữa ăn, thấy con cá rô cây được đẽo gọt khá cẩn thận, dọn ra giống y con cá thật đã được nấu nướng đàng hoàng. Bà vãi hỏi người hành khất:
- Này ông lão, ông làm gì với con cá gỗ ấy hay cuối cùng cũng chỉ cơm với muối?
Lão hành khất đưa tay chỉ tượng Phật giữa chánh điện trả lời:
- Này bà, còn bà làm gì với tượng Phật kia và…ăn chay?

Đã tới ngày tàn của sách
Điện tử là một thứ vô tâm. Nó giết báo chí, giết tạp chí văn học, giết sách vở. Văn học vẫn còn đó, không mất mát gì cả.
Có điều nó nuốt trong cái dạ dầy vô tri của nó. Nó giấu trong cái màn hình phẳng lì, trông đến lì lợm! Ghét, nhưng bây giờ là thời đại của nó, trước sau gì cũng phải chấp nhận.
(Nguyễn Hưng Quốc – Chuyện sách)

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền
Yết cáo tổ tiên vào sổ họ

Chuyện này đã có lệ từ xưa, chẳng có gì mới mẻ. "Họ nào đã có nề nếp sẵn thì cứ theo lệ cũ tiến hành".
Yết cáo tổ tiên: Theo lệ cũ chỉ sau khi đối chiếu gia phả, kiêng kị các trường hợp phạm huý (đặt tên trùng với tên huý của tổ tiên và thân nhân gần gũi nhất, kể cả nội ngoại) mới chính thức đặt tên huý cho trẻ sơ sinh, yết cáo tổ tiên và xin vào sổ họ. Ngày nay phải làm thủ tục khai sinh kịp thời, trường hợp ở xa quê, không kịp về đối chiếu gia phả, nhỡ trùng tên huý tổ tiên trực hệ, thì tìm cách đổi, hoặc tránh gọi thường xuyên trong nhà. Lễ yếu cáo tổ tiên đơn giản, nén hương, cơi trầu, chén rượu cũng xong, thường kết hợp lễ tế tổ hàng năm mà yết cáo chung tất cả con cháu trong họ sinh trong năm cùng một lượt. Lễ vào số họ cũng đơn giản, cốt sao cho gia đình nghèo nhất trong họ cũng không gặp phải điều gì phiền phức.
Vào sổ họ: Thứ tự sổ họ ghi theo năm sinh, ai sinh trước ghi
trước, sinh sau ghi sau. Trường hợp nhiều năm bị phế khoáng nay mới lập lại sổ họ, thì phải thống kê theo đơn vị hộ gia đình
hoàn chỉnh cả họ, sau đó mới lập số tiếp đối với những trẻ sơ sinh. Mẫu số: Họ Tên (Tên Huý. Tên thường gọi) con ông bà, thuộc đời thứ mấy, chi thứ mấy? Con trưởng hay con thứ mấy? Ngày tháng, năm, sinh, ngày vào sổ họ.
Con gái vào sổ họ: Bất cứ trai hay gái, sau khi sinh đều có yết cáo tổ tiên, đã được tổ tiên phù trì phù hộ, nhưng nhiều họ ngày xưa không vào sổ họ đối với con gái, cho rằng "Nữ nhân ngoại tộc", con gái là con người ta, lớn lên đi làm dâu lo cơ nghiệp nhà chồng vì thế không công nhận con gái vào họ.

Lần khân
Lần khân : suồng sã, nhờn

(nó lần khân khó nói lắm)
(Tự điển tiếng Việt cổ - Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Cuối tháng 6 năm 1979, công an ra lệnh cho Hồ Hữu Tường ôm vật dụng cá nhân rời khỏi trại Phan Đăng Lưu. Tháng 8 năm 1979, tại khám Chí Hoà, tôi nghe tù nhân bàn tán với nhau về chuyến xe chở Hồ Hữu Tường từ khám Chí Hoà đi trại lao động đã bị phục kích, một số tù chết, số khác bị thuơng Hồ Hữu Tường bị thương và được mang trở lại bệnh xá của khám Chí Hoà. Những tháng đầu tiên tại khám Chí Hoà, tôi ở cùng phòng với Cao Dao Nguyễn Trần Huyên, người tự nhận là một trong các sáng lập viên của báo Nhân Dân Hà Nội.

Vào dịp Giáng Sinh năm 1979, ông Cao Dao đã được phép gặp Uỷ Ban Ân Xá Quốc Tế cùng với người con trai của ông ta có mặt trong Uỷ Ban này. Nhân lần gặp gỡ này, ông Cao Dao có nói lại với bạn tù cùng phòng rằng: Uỷ Ban Ân Xá Quốc Tế đã nhiều lần yêu cầu được gặp Hồ Hữu Tường nhưng công an cứ từ chối, viện cớ Hồ Hữu Tường đang bị bệnh. Đó là tin tức cuối cùng tại khám Chí Hoà về Hồ Hữu Tường.
Đầu năm 1981, vài nguòi tù trong khám Chí Hoà nhận được tin từ những người đi thăm nuôi: Hồ Hữu Tường hấp hối tại trại tù Hàm Tân, đuọc công an cho phép mang về nhà và từ trần tại tư gia.

(Hồ Hữu Tường, người chết u uẩn - Đỗ Thái Nhiên)

Rượu ta
Rượu ta, rượu trắng, rượu đế, rượu ngang, rượu gạo, rượu chưng, rượu cuốc lủi hay rượu quốc lủi đều là cách gọi của loại rượu chưng cất từ ngũ cốc lên men. Nấu bằng nếp, có nồng độ cao. Nếp và men (làm bằng hạt kê) ủ một tuần. Bỏ vào nồi đun để hơi bốc qua cái chọt gỗ chẩy ra ngoài thành rượu.
tuu do
(Tửu đồ)
Rượu đế còn gọi là…“Nước mắt quê hương”.

(Nguồn: Mường Giang)

Chữ nghĩa làng văn
Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc

Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn
Trước Nguyễn Công Trứ đã có câu của Nguyễn Trãi:
Biết đủ dù không gì cũng đủ
Nên lui nếu có dịp thì lui

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Cứ tuần chồng trẻ nói: “Mình đi chơi”.

Chồng già nói: “Mình đi nghỉ”.
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Những sai lầm tai hại trong hai quyển Từ điển từ và ngữ Việt NamTừ điển từ và ngữ Hán Việt của Nguyễn Lân.
cố nông 僱農
Nghĩa của từ này thì ai cũng biết, đó là người nông dân nghèo không có ruộng đất và nông cụ, phải đi làm thuê, cho nên soạn giả định nghĩa không sai. Nhưng ông đã sai khi giảng rằng, chữ cố ở đây nghĩa là thuê làm, và còn sai hơn nữa khi cho rằng nó cũng có nghĩa là vững bền. Xin thưa rằng, chữ cố 僱 (trong từ cố nông) vừa có nghĩa là thuê làm và cũng có nghĩa là làm thuê. Trong từ cố nông thì cố nghĩa là làm thuê, còn trong từ cố chủ thì cố nghĩa là thuê làm. Chữ cố 僱 trongcố nông 僱 農 khác hẳn với chữ cố 固 nghĩa là vững bền (như trong từ kiên cố). Chỉ những người không biết chữ Hán mới không phân biệt được hai chữ cố này.

(Lê Mạnh Chiến & H.H.Phúc)

Tiếng Việt mình... khó quá!?
Đã sắp sửa vào hè. Ở các lớp mẫu giáo lớn, phụ huynh học sinh đã thăm hỏi, mách cho nhau nơi dạy thêm cho các cháu chuẩn bị vào lớp 1. Xin để chuyện này cho Thanh tra ngành giáo dục xem thêm, đó là chuyện đọc và viết chữ Việt mình.


Trước hết là chuyện đọc. Khi bắt đầu học chữ cái (theo chương trình lớp 1) các cháu được cô hướng dẫn đánh vần a, b, c, d : Đọc là “a, bờ, cờ, dờ...” theo lối đánh vần của bình dân học vụ ngày xưa (i, tờ, tờ i ti).
Thế nhưng sang đến lớp 2, lại đọc khác đi. Làm quen với một hình chữ nhật, các cháu phải đọc là “4 góc a, bê, xê, dê” chứ không thể đọc là “hình chữ nhật a, bờ, cờ, dờ” nữa!
Tại sao vậy? Hỏi cô, cô trả lời “Trên hướng dẫn như thế!”. Tôi không dám lạm bàn cách đánh vần nào tốt hơn, nhưng ác một nỗi, có cháu chưa quen “a, bê, xê, dê”, nên khi cầm tờ báo để “khoe” với ông bà, cha mẹ, cháu vẫn đọc theo kiểu “Thông tư của bộ Lờ đờ Tờ bờ Xờ hờ” (Bộ LĐ-TB-XH). Không ai dám sửa cho cháu bé vì “cô bảo thế”, đến ông bà, cha mẹ cũng chịu thua luôn!
(Nguyễn Lê Bách - Nguồn ĐatViet.com)
Ca dao tình tự
Nói đến ngoại tình
Chồng người chẳng mượn được lâu
Mượn tối hôm trước, hôm sau người đòi
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)

Chữ quốc ngữ

Câu thơ của Hòang Xuân Hãn trong hội Truyền Bá quốc ngữ dạy cách đán vần “i tờ” là quốc tự của Việt Nam ngày nay:
I tờ có móc cả hai
I ngắn có chấm, tờ dài có ngang
O tròn như quả trứng gà
Ô thì đội mũ, ơ thì thêm râu
Huyền ngang, sắc dọc, nặng tròn
Hỏi lom khom đứng
Ngã buồn năm ngang
(Trần Bích San – Văn Khảo)
Chữ nghĩa làng…nhậu
Lật đật thì đất cũng đè,
Những người thong thả, rượu chè quanh năm

Thần Bạch mi
Cụ Nguyễn Du trong Đoạn trường tân thanh có câu:

Giữa thì hương án hẳn hoi
Trên treo một tượng trắng đôi lông mày
Lầu xanh quen thói xưa nay
Nghề này thì lấy ông này tiên sư
Ở lầu xanh ngày xưa, các tú bà thường dựng một bàn hương án treo một tượng thờ thần Bạch mi mặt to, râu dài, cưỡi ngựa cầm đao na ná như Quan Công, nhưng lông mày trắng và mắt đỏ. Tương truyền cô nào ế khách, để đốt vía: Cô trút bỏ quần áo, đốt hương van vái cầu xin thần bạch mi. Lấy hoa mới đổi lấy hoa đã cúng trên bàn thờ rồi trải xuống dưới giường nằm lấy hên. Đó là ông tổ sư của nghề lầu xanh.
Và đó cũng là ông Quản Trọng, tể tướng nước Tề. Vì quan Đại Tư Đồ thực tiễn cho là có cấm nghề bán trôn nuôi miệng cũng vậy thôi, nhà chứa vẫn tiếp tục hành nghề lén nên chi bằng cho công khai. VÌ Quản Trọng có cặp lông mày trắng từ hồi trai trẻ…
Nên được chị em ta gọi là thần Bạch mi.
(Nguyễn Tử Quang – Điển hay tích lạ)

Bẻ hành bẻ tỏi
Thành ngữ ám chỉ người hay bắt bẻ, nói “dai như giẻ rách”.

(Việt Chương - Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Hai vợ chồng: Không phải là hai vợ, một chồng.
Mà chỉ có một vợ, một chồng thôi.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)

“Từ điển” của một người Bắc vào Nam sau 75
(Chữ nghĩa làng văn giữ nguyên chữ và câu cú,

không…”nát bàn” với lời bàn Mao Tôn Cương)

Bặc co tay đôi = đánh nhau tay đôi
Bặm trợn = trông dữ tợn, dữ dằn
Bất thình lình = đột ngột, bất tử
(Nhớ đâu viết đấy… - Nguyễn Văn Trường)

Truyện hậu hiện đại
Có thể nói nghệ thuật “tự sự” Việt Nam nằm ở chữ chuyện. Chuyện trở thành yếu tính của truyện, là tinh thể của truyện. Đến độ phần lớn người Việt Nam rất khó hình dung, đừng nói gì là chấp nhận, hiện tượng truyện mà không có chuyện. Theo cách nhìn ấy, đọc truyện thực chất là theo dõi một câu chuyện, theo dõi những mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật với nhau. Với mục đích như thế, người ta sẵn sàng hài lòng nếu có thể nắm bắt được cốt truyện qua lời tóm tắt của ai đó để khỏi phải mất thì giờ đọc cả cuốn truyện.

Xem chuyện là yếu tính của truyện, với phần lớn giới cầm bút Việt Nam, ám ảnh lớn nhất thường là câu chuyện. Người ta ngỡ như có được một câu chuyện hay thì sẽ có ngay được một truyện dài hay truyện ngắn hay. Xem chuyện là yếu tính của truyện, nhiệm vụ của người viết văn chỉ tập trung vào hai điều chính: thể hiện (expression) và tái hiện (representation).
Thể hiện là nhấn mạnh vào khía cạnh tâm lý, nhằm vạch trần những cái tôi thầm kín của nhân vật. Tái hiện là nhấn mạnh vào khía cạnh xã hội, nhằm khắc hoạ tính cách và mối quan hệ giữa các tính cách nhân vật. Cứ thế, các câu chuyện cứ đong đưa giữa hai cực: thể hiện hoặc tái hiện. Theo đó, văn học Việt Nam cứ đong đưa giữa hai xu hướng: lãng mạnhiện thực.
Loay hoay giữa hai hướng như thế, văn học Việt Nam không những nghèo nàn mà còn lâm vào những nghịch lý rất dễ đi vào ngõ cụt: Ý nghĩa của tác phẩm đã hiện hữu trước khi câu chuyện thực sự ra đời. Ấy chính là cái tôi, những cái ở ngoài câu chuyện, và đồng thời cũng là những cái mà truyện có nhiệm vụ thể hiện hoặc tái hiện. Với cách nhìn như thế, văn học không thể thoát khỏi số phận minh hoạ, cứ lẽo đẽo đi sau hiện thực và không bao giờ phản ánh được trọn vẹn hiện thực.
(phỏng theo Nguyễn Hưng Quốc – Truyện: Một số vấn đề mỹ học)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Theo các nhà ngữ học thì tiếng Việt là thứ tiếng đứng thứ 12 trên thế giới về số đông người nói là 83 triệu. Tiếng Việt vay mượn rất nhiều từ ngữ 58 thứ tiếng lớn nhỏ ở nam Á châu, từ tiếng Thái Lào, Khmer, Miến, Malay, Indonesia cho đến những tiếng nói thiểu số với vài ba trăm ngàn người, tiếng Muờng, tiếng Nùng, tiếng Hmong, tiếng Chàm.

Như:
- ta nói đau đớn mà ta không hiểu “đớn” là gì?
“đớn” là tiếng Mon có nghia là đau cái đau của lòng mình.
(Nguyễn Hy Vọng - sưu tầm & tản mạn)

Bó mo thì thiếu, bó chiếu thì vừa
Câu thành ngữ với trong nghệ thuật dụng nhân, người có tài được giao việc lớn, ngược lại người kém tài chỉ nên giao việc nhỏ.

(Việt Chương - Thành ngữ, tục ngữ, ca dao VN)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ
Theo các nhà ngữ học thì tiếng Việt là thứ tiếng đứng thứ 12 trên thế giới về số đông người nói là 83 triệu. Tiếng Việt vay mượn rất nhiều từ ngữ 58 thứ tiếng lớn nhỏ ở nam Á châu, từ tiếng Thái Lào, Khmer, Miến, Malay, Indonesia cho đến những tiếng nói thiểu số với vài ba trăm ngàn người, tiếng Muờng, tiếng Nùng, tiếng Hmong, tiếng Chàm. Như:

- ta nói rộn rịp mà không hiểu “rịp” là gì,
“rịp” là bận việc, gốc tiếng Lào Thái.
(Nguyễn Hy Vọng - sưu tầm & tản mạn).

(còn tiếp)

 

Đăng ngày 19 tháng 08.2017