Nhà văn, nhà báo Huy Phương, tên thật là Lê Nghiêm Kính, sinh năm 1937, tại Huế, đã qua đời ngày 25 tháng 2 năm 2022, tại thành phố Anaheim, Hoa kỳ, hưởng thọ 86 tuổi.
Nhà văn Huy Phương nguyên là giáo sư trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị.
Ông tốt nghiệp Khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và Khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí tại Hoa Kỳ. Từng làm Biên tập viên báo chí đài Phát Thanh Quân Đội, Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến và Chỉnh Huấn, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.
Ông định cư tại Mỹ năm 1990 (theo diện HO) sau bảy năm tù “cải tạo” dưới chế độ Cộng Sản.
Tác phẩm: “Nước Mỹ Lạnh Lùng”, “Đi Lấy Chồng Xa”, “Ấm Lạnh Quê Người”, “Hạnh Phúc Xót Xa”, “Quê Nhà-Quê Người”, “Những Người Thua Trận”, “Nhìn Xuống Cuộc Đời”, “Ngậm Ngùi Tháng Tư”, “Quê Hương Khuất Bóng”, “Nước Non Ngàn Dặm”, “Ga Cuối Đường Tàu”, “Sóng Vỗ Bèo Trôi”...
Tạp ghi HUY PHƯƠNG
Tháng Tư... ngu!
Trước hết, tôi xin tự kiểm điểm cái ngu của bản thân mình trước, trong hàng nghìn cái ngu của thiên hạ, vì ngu mà phải mất nước, “lỗi tại tôi mọi đàng” hay “tôi làm tôi mất nước". Là một cán bộ chiến tranh chính trị trung cấp, hết làm tâm lý chiến, rồi chính huấn, tức là huấn luyện chính trị cho hàng nghìn tân binh tại một trung tâm huấn luyện lớn nhất nước, mà khi nghe Cộng Sản vào đến Sài Gòn, không chịu tìm đường chạy, vì cứ nghĩ mình gốc nhà giáo, hòa bình rồi, đi 'học” mấy ngày rồi về dạy học lại!
Tôi ngu vì đã suy diễn hay hiểu sai thời gian đi “học tập,” nên chỉ đem theo 10 gói mì ăn liền Vifon, để ăn sáng trong 10 ngày, ngày thứ 11 đã ăn cơm nhà rồi!
Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn-Gia Định ra thông cáo tất cả các quân nhân cấp úy phải trình diện đi “học tập cải tạo,” mang theo tiền ăn trong 10 ngày, cấp tá mang theo tiền ăn cho một tháng. Sau này có người đi tù 17 năm ròng rã, chúng ta “chửi” Cộng Sản lừa dối, nhưng xem kỹ lại các văn bản, không thấy đoạn nào nói, cấp úy chỉ đi tù 10 ngày, cấp tá một tháng, mà chỉ nói “đóng tiền ăn". Chẳng qua, vì chúng ta hay suy luận, và ngây thơ, khờ dại nên mắc mưu sự khôn lanh, xảo quyệt của kẻ thù, đó chính là vì chúng ta ngu!
Sau này, ra Bắc, chính tai tôi đã nghe một quản giáo cai tù nói rằng: “Đưa các anh ra biển thì cũng từ từ, trước hết là gần bờ, sau mới dần dần đưa các anh ra xa hơn, nếu không các anh chóng mặt, say sóng, chịu làm sao nổi!”
Tôi đoan chắc anh em chúng ta, nhất là quý vị tướng lãnh, nếu biết được những ngày tù không bản án, mà có người ra đi biền biệt 17 năm trời, chịu bao nhiêu khổ ải, nhọc nhằn, nhục nhã, thì một nửa trong chúng ta đã tự sát tại nhà mà chết, hoặc chạy vào rừng để rồi cũng chết vì súng đạn của Việt Cộng. May hay rủi, vì ngu mà chúng ta mới sống đến ngày hôm nay.
Khi đến các địa điểm trình diện, không ai nghĩ “đi tù” mà chỉ nghĩ “đi học". Tại trường Trưng Vương, là nơi trình diện từ cấp phó giám đốc trở lên, hai vị, một từng là phó thủ tướng VNCH, dân biểu, một vị đã là thượng nghị sĩ, đi học còn mang theo gối ôm, và khi xếp hàng vào cổng, có vị đã giành đi trước, vì có giấy giới thiệu của Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn-Gia Định. Sau đó, bộ đội Cộng Sản mới ra lệnh: “Ai có giấy giới thiệu thì đứng qua một bên!” Giấy giới thiệu đây là giấy gọi “trình diện” cho các viên chức cấp cao, còn đối với cấp nhỏ thì chỉ có thông cáo chung trên báo chí, đài phát thanh.
Những ai còn đứng lấp ló ngoài cửa chưa chịu vào, còn nghi ngại dò la thì những chiếc xe mang tên nhà hàng Soái Kình Lâm, Đồng Khánh... mang thức ăn vào quý vị dùng bữa tối, hẳn đã đánh tan mối hoài nghi về thiện ý của người thắng trận.
Đến khi lên xe Molotova, phủ bạt kín rồi, chúng tôi vẫn còn lạc quan tin lời Cộng Sản được đưa đến chỗ đầy “đủ tiện nghi,” (chắc là có đủ điện nước, máy lạnh, sân bóng chuyền...) để học tập và khi biết đoàn xe ra đến xa lộ Biên Hòa, thì việc di chuyển lên Đà Lạt như cầm chắc trong tay. Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, trường Chỉ Huy Tham Mưu, trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị là những nơi lý tưởng nhất để “học tập". Khi đến nơi ở tù rồi, Cộng Sản đưa tù vào một cái nhà kho, một trại gia binh hay một cánh rừng thì vẫn tin tưởng vào số ngày trong thông cáo, chờ ngày ra sân vận động Cộng Hòa làm lễ mãn khóa: “Quỳ xuống hỡi những cải tạo viên - Đứng lên hỡi những công dân Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam!”
Câu chuyện những người trên con tàu Việt Nam Thương Tín, Tháng Năm, 1975, sang đến đảo Guam rồi, lại đốt “barrack,” tuyệt thực đề đòi “về với tổ quốc,” là một bài học xót xa cho những người trong cuộc, có người phải trả giá bằng 17 năm tù. Nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh kể chuyện, anh em “tù cải tạo” tại trại tù K2, Nghệ Tĩnh, gọi những người này bằng biệt danh “đội q...!”
Tại trại 15 NV. Long Thành, một nhạc sĩ đã hồ hởi sáng tác những bản nhạc được cai tù bắt cả trại hát: “Trồng rau, trồng đậu, trồng tình thương trong tâm hồn người..". Ra tới Bắc Thái lại thêm một bài “Ngày vui đã tới!” nhưng mà “ngày về” thì xa lắc xa lơ!
Thậm chí khi lên con tàu chở súc vật Sông Hương lưu đày ra Việt Bắc rồi, có người vẫn lạc quan “biết đâu nó chở tù miền Nam ra Đệ Thất Hạm Đội Hoa kỳ hay đi thẳng qua Guam để giao cho Mỹ!” Tàu chạy hơn một ngày một đêm rồi mà vẫn nghĩ là cập bến Đà Nẵng chứ không ai nghĩ là lên cảng Hải Phòng.
Ở trong nhà tù vẫn còn người tin tưởng “học tập, lao động” tốt thì được “Cách Mạng” cứu xét cho về với gia đình sớm, nên làm trối chết, kiệt sức, đấu tố anh em... để lấy điểm với cán bộ, cũng như đau xót cho quý bà ở nhà, dắt díu con cái đi vùng “kinh tế mới” cho chồng sớm được tha! Sau 10 “bài học tập,” tới buổi “thu hoạch” thì cứ nghĩ là viết hay thì được tha về, viết dở thì ở lại “học” tiếp.
Trước ngày 29 Tháng Ba, 1975, khi Cộng Quân chưa vào Đà Nẵng, một số người thuộc phe hòa hợp hòa giải tin tưởng thời cơ đã đến nên đã sắp đặt đưa Bác Sĩ Phạm Văn Lương lên làm thị trưởng Đà Nẵng, tin sau đó được đài BBC loan báo. Trong lần phỏng vấn bà quả phụ Phạm Văn Lương tại Nam California, bà xác nhận với chúng tôi Bác Sĩ Phạm Văn Lương chưa bao giờ là thị trưởng Đà Nẵng, nhưng có chuyện là khi có nguồn tin này, một vị trung tá đã đến gặp ông xin làm tài xế cho ông, để nhờ ông che chở, lánh nạn. Sao có người “ngu” đến mức như thế!
Ngày 5 Tháng Tư, 1975, Bác Sĩ Phạm Văn Lương cùng nhiều y sĩ khác bị đưa vào nhà tù Kỳ Sơn, và một năm vào ngày 3 Tháng Tư, 1976, Bác Sĩ Lương đã uống thuốc ngủ cùng 10 viên cloroquine để tự tử.
Trong những ngày cuối cùng của miền Nam, Tướng Dương Văn Minh vẫn còn tin tưởng Thượng Tọa Thích Trí Quang, người hứa sẽ đưa người “phía bên kia” đến thương lượng để thành lập chính phủ liên hiệp. Nhưng cuối cùng, tiếng than cuối cùng tuyệt vọng của “Tổng Thống” Dương Văn Minh là: “Thầy giết tôi rồi!”
Có những người làm lớn hoặc từng “làm rung rinh nước Mỹ” mà còn ngây thơ như vậy, thì đừng trách chi một thằng lính như tôi tin tưởng vào lời của “cách mạng” đem đủ 10 gói mì ăn liền, là... ngu!
Quân tử, ngay thẳng, ngây thơ mà đối đầu với tiểu nhân, xảo trá, độc ác thì không chết cũng bị thương. Tôi đâm ra nghi ngờ rằng, khó “đem đại nghĩa để thắng hung tàn,” và thời nay thấy nhan nhản chuyện “cường bạo áp đảo cả chí nhân!”
Huy Phương
https://www.facebook.com/profile.php?id=100007178779184
"LAST DAYS IN VIETNAM"
Chuyện bây giờ mới kể!
Có lẽ trong số khách đi xem cuốn phim tài liệu “Last Days in Vietnam” (Những ngày cuối cùng ở Việt Nam) tại rạp University 6 ở Irvine hôm 1 tháng 10 vừa qua, ba đứa cháu ngoại của tôi là những khán giả trẻ nhất.
Mặc dù cuốn phim được giới phê bình Mỹ đánh giá rất cao, 96% trên Rotten Tomatoes, tôi vẫn có chút ngại ngần không muốn rủ bọn trẻ đi xem, sợ chúng chán với cuốn phim tài liệu kể về những sự kiện xảy ra lúc chúng chưa sinh ra đời. Tôi cũng không muốn chúng phải kinh nghiệm những khổ đau thế hệ trước đã trải qua dù là gián tiếp. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn tha thiết muốn cho chúng hiểu được tại sao cha ông chúng đã có mặt trên đất nước Hoa Kỳ này và tại sao thế hệ tôi vẫn còn khắc khoải và lo nghĩ về những gì đang xảy ra nơi cố quốc.
Trong hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, cuốn phim kể lại những nỗ lực tuyệt vọng và bi tráng của thủy quân lục chiến và nhân viên Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ nhằm di tản những công dân Việt Nam Cộng Hòa có khả năng bị trả thù khi quân đội Bắc Việt chiếm lấy miền Nam.
Cảnh tượng cả Mỹ lẫn Việt hốt hoảng chen lấn tìm đường di tản trước cuộc tiến quân của Bắc Việt trong những ngày cùng tháng tận của miền Nam đã làm người xem phim như sống lại những ngày tháng bi thảm đó, đau đớn như một lần nữa mất nước.
Ðạo diễn Rory Kennedy đã cố gắng xây dựng một đánh giá khá quân bình về trách nhiệm và đặc biệt là tư cách của những người Mỹ và Việt, ở cả vai trò quyết định hay nạn nhân của cuộc chiến. Tổng Thống Nixon cam kết sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công vi phạm hiệp định hòa bình nào của Cộng Sản Bắc Việt và bảo đảm tiếp tục chi viện cho Việt Nam Cộng Hòa để bảo vệ chế độ dân chủ của miền Nam. Nhưng những lời hứa trên văn bản này cũng chỉ là giấy lộn khi chế độ dân chủ tại Hoa Kỳ không chấp nhận một tổng thống như Nixon lạm quyền đi nghe lén đối thủ chính trị của mình.
Ðại Sứ Martin cứng đầu không chịu chuẩn bị kế hoạch di tản vì mãi hy vọng về một giải pháp chính trị cho miền Nam và cũng không muốn thông tin về di tản sẽ làm dân miền Nam hoảng loạn. Nhưng trong vài ngày cuối, ông Martin lại ra lệnh cho thủy quân lục chiến Mỹ cho phép mỗi chuyến bay rời tòa đại sứ ra Hạm Ðội 7 chỉ được chở một số ít nhân viên Mỹ còn lại là người Việt Nam để di tản được càng nhiều người Việt càng tốt. Chính ông Martin đã chỉ lên chuyến trực thăng kế cuối rời tòa đại sứ khi biết rằng đã tận lực, không thể làm gì hơn cho số người Việt còn kẹt lại.
Tổng Thống Henry Ford cũng đã không quay lưng lại với Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn khi vào ngày 10 tháng 4, 1975 đã đọc diễn văn trước Quốc Hội Mỹ về tình hình Việt Nam và yêu cầu Quốc Hội chấp thuận một ngân khoản 722 triệu đô la để viện trợ khẩn cấp cho miền Nam Việt Nam. Và Quốc Hội Mỹ, mà nhiều người Việt Nam tỵ nạn sau này đã đổ lỗi cho Ðảng Dân Chủ lúc đó đang chiếm đa số, đã không đồng ý cấp viện trợ theo yêu cầu của Ford. Không phải vì họ thiên tả hay chủ hòa nhưng vì cả nước Mỹ đã quá mỏi mệt với cuộc chiến; họ không tin vài trăm triệu đô có thể thay đổi tình thế khi trong hơn 15 năm Mỹ đã đổ hàng tỷ đô la và 58 nghìn mạng sống con dân của họ mà vẫn không đạt được kết quả.
Cuốn phim cũng phần nào giải thích vì sao dân miền Nam lại hoảng loạn chạy trốn Cộng Sản. Chỉ trong 15 phút đầu, cuốn phim đã kể lại vắn tắt vụ thảm sát tại Huế trong Tết Mậu Thân, khi hàng ngàn người dân cố đô vô tội bị trói tay từng chùm và dẫn đi mất tích, và sau đó là cảnh những thân nhân vật vã than khóc trước những nấm mồ tập thể và những thi hài bó trong mảnh poncho. Nỗi ghê sợ của vụ thảm sát Mậu Thân và sau này là biến cố trên “đại lộ kinh hoàng” vào mùa Hè 1972 đã khiến người dân miền Nam bất chấp mọi giá phải bỏ chạy càng xa Cộng Sản càng tốt. Nỗi ám ảnh đó đã khiến người chạy loạn trao cho người thân hay thậm chí người lạ những đứa con còn nhỏ của mình để mong chúng được đem đến vùng đất an toàn và tự do mà bố mẹ chúng đã chọn để sống.
Sự hy sinh trong chia ly đó đã bắt đầu từ 1954, đến 1972, 1975, cho đến suốt thập niên 80, người Việt vẫn tiếp tục ra đi, dấn thân vào mọi hiểm nguy chết chóc băng rừng vượt biển để tìm đến những đất nước mà họ tin có thể tiếp tục được sống trong tự do và nhân phẩm.
Khi ra khỏi rạp, cô cháu hỏi tôi, “Trong những giờ phút cuối cùng ấy, người ta chen chúc nhau để được ra đi, thì ông ngoại ở đâu?”
Tôi nói cho cháu rõ vào những “last days” ấy tôi phải ở lại với đơn vị cùng với những người lính của tôi. Không phải ai cũng có cơ hội ra đi, và đi được. Cũng như số phận một sĩ quan trong quân đội VNCH trong phim là Trung Úy Phạm Hữu Ðàm bị kẹt lại phải đi “học tập cải tạo“13 năm trong nhà tù Cộng Sản, tôi cũng ở lại với 7 năm tù từ Nam ra Bắc. Còn đứa cháu trai nhỏ nhất thì ôm tôi và nói, “Con cám ơn ông ngoại!”Tôi không hỏi xem cháu nó cám ơn tôi về điều chi! Nhưng tôi cám ơn chúng đã “chịu khó” nghe tôi bỏ cả buổi tối đi xem cuốn phim này.
Ðể biết thế hệ cháu tôi nghĩ gì về những gì đã xảy ra cho thế hệ cha ông của chúng sau khi xem phim, tôi có một yêu cầu là tất cả đều phải viết cho tôi một vài dòng cảm tưởng. Dưới đây là “bài thu hoạch”(!) của chúng, lẽ cố nhiên bằng Anh ngữ, xin tạm dịch:
“Thật là một kinh nghiệm không tưởng tượng được khi ngồi và xem bộ phim này trong một rạp hát với các cá nhân và cựu quân nhân đã có mặt tại miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó. Khi xem phim, tôi gần như có thể cảm thấy sự hoảng sợ mà tất cả người miền Nam đã trải qua khi họ cố gắng một cách tuyệt vọng để chạy trốn khi quân Bắc Việt đang tiến dần vào thành phố. Cuốn phim tài liệu này đã thực sự mở mắt cho tôi, một người Mỹ gốc Việt, để thấy rằng một sự kiện bi thảm như vậy đã xảy ra và để biết dù muốn hay không gia đình tôi đã phải sống qua tấn bi kịch này". (HDP, 25 tuổi, 24 năm ở Mỹ)
“Cuốn phim ‘Những Ngày Cuối ở Việt Nam’ đã cho tôi biết về những ngày cuối cùng của cuộc chiến đã xảy ra như thế nào cho những người liên quan. Trước khi xem phim, tôi thực sự không biết những gì đã xảy ra trong những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc chiến, nhưng bây giờ, tôi cảm thấy như tôi hiểu nó rõ ràng hơn. Ðiều khiến tôi cảm động là xúc cảm mạnh mẽ của ông tôi đối với những cảnh miêu tả trong phim. Việc ông tôi khóc khi xem cảnh hạ cờ Việt Nam trên những chiếc tàu hải quân Việt Nam tại vịnh Subic, cùng với cảnh mọi người hát quốc ca miền Nam Việt Nam đã giúp tôi hiểu sự quan trọng của cuộc chiến đối với những người liên quan. Thay vì chỉ là một phần của lịch sử mà tôi đã đọc trong các cuốn sách giáo khoa, cuộc chiến vẫn còn rất mới để còn có những ảnh hưởng đến ngày hôm nay. Tôi đã học được rằng ngay cả bây giờ, những ảnh hưởng của chiến tranh vẫn còn tồn tại và tác động đến cộng đồng Việt Nam, điều mà tôi đã không thực sự chú ý đến trước khi xem cuốn phim này". (LKN, 19 tuổi, sinh ở Mỹ)
“Trước khi xem phim, tôi không biết thời điểm của những biến cố dẫn đến việc Việt Nam trở thành một quốc gia Cộng Sản. Tôi lớn lên chỉ biết rằng Ðảng Cộng Sản nắm quyền vào tháng 9 năm 1975; họ đã phá vỡ hiệp định hòa bình giữa miền Bắc và miền Nam, và miền Nam đã thua trận. Cuốn phim tài liệu rất có giá trị thông tin. Tôi đã biết được những thông tin mà trước đây tôi không thể tưởng tượng đã có ảnh hưởng đến cuộc chiến như thế nào, chẳng hạn như việc Cộng Sản đã thấy một cơ hội xuất hiện khi Nixon từ chức tổng thống! Bộ phim đã đào sâu các chi tiết như vậy, nhưng nó vẫn rất dễ hiểu. Tôi thậm chí đã khóc khi xem đoạn thuyền trưởng của một tàu hải quân Việt Nam đã phải hạ lá cờ quốc gia thua cuộc của mình để Cộng Sản khỏi nhìn thấy". (HCP, 15 tuổi, sinh ở Mỹ)
Ðọc những dòng cảm tưởng của ba đứa cháu, tôi lấy lại niềm tin vào thế hệ trẻ lớn lên sau cuộc chiến và ở nước ngoài; chúng vẫn đủ tri thức và tấm lòng để hiểu những gì xảy ra cho quê hương và ông bà cha mẹ của chúng 40 năm trước. Có những điều tuổi trẻ cần quên, như lòng căm thù hay sự phản bội. Nhưng có những điều tuổi trẻ cần nhớ, như lý do chúng có mặt trên đất Mỹ này và nỗi khổ đau dân tộc của chúng vẫn đang gánh chịu trên quê hương Việt Nam. Tôi đã không đủ sức để kể một phần đời của mình cho chúng, thì thôi mượn cuốn phim của người để nói hộ những điều mình muốn nói với thế hệ mai sau.
Có những điều không nhớ thì sẽ không “lớn nỗi thành người”... Việt Nam.
Huy Phương
https://www.facebook.com/profile.php?id=100007178779184
Đừng quên Mậu Thân!
Những luận điệu gian dối về vụ thảm sát Mậu Thân (1968) của Cộng Sản Việt Nam
Vào những ngày đầu năm Âm Lịch ở Little Saigon, khi không khí những ngày Tết hải ngoại còn vướng vất đâu đây, tôi vẫn tự nhủ: “Đừng quên, đừng quên Mậu Thân!” Và đoạn phim trong loạt phim 10 tập Vietnam History do một đài truyền hình Anh Quốc thực hiện năm 1982 vẫn như còn ám ảnh trong tôi. (Roll 29 of Vietnam Project- Feb. 29, 1982- Inteview with Hoang Phu Ngoc Tuong, writer).
Chúng ta cũng đừng quên rằng trong thời gian Tết Mậu Thân, Tường là tổng thư ký của “Liên Minh Dân Tộc, Dân Chủ Hòa Bình” do Lê Văn Hảo làm chủ tịch.
Ðể trả lời câu hỏi: “Ông có thể mô tả biến cố về cuộc nổi dậy tại Huế và đặc biệt liên quan đến cuộc thảm sát từ khi ông có mặt tại đây,” Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT) đã trả lời vòng vo, ấp úng trong 12 phút với một luận điệu gian dối, vu vạ, sai sự thật một cách đáng khinh bỉ. Là một người lính có mặt ở Huế trong 21 ngày Cộng Sản chiếm cứ cố đô, sau đó, với tư cách phóng viên báo chí, đã trở lại đi theo những chuyến đào mộ tập thể, cũng như đã có dịp phỏng vấn nhiều nhân vật liên quan đến vụ thảm sát ở Huế, như ông Võ Văn Bằng - Chủ tịch Ủy Ban Truy Tầm & Cải Táng Nạn Nhân CS Mậu Thân - tôi thấy cần phải viết một vài dòng về bộ mặt và tâm địa độc ác của một “người” mang danh trí thức Cộng Sản như HPNT.
Ðiều phải nói trước tiên là Tường đã nói dối khi phủ nhận sự có mặt của y trong những ngày bộ đội CS vào Huế. Về sau này, trước dư luận và sự tấn công của báo chí hải ngoại, qua các nhân chứng xác nhận HPNT hiện diện tại Huế ngay trong các vụ xử án trong vùng Gia Hội, Tường đã chối rằng trong những ngày này, y đang ở trong khu an toàn trên núi. Chính câu hỏi của phóng viên đài truyền hình ở đầu bài đã xác nhận sự thật, vì nếu Tường không có mặt ở Huế, sẽ không có cuộc phỏng vấn này cũng như nội dung câu hỏi được đặt ra ở trên. Mặt khác, sau này chính y không nhớ là mình đã thú nhận chuyện có mặt ở Huế vào phút thứ 6 của đoạn phim này, vào năm 1982, khi Tường mô tả chuyện y đang đi trong những con đường hẻm vùng Ðông Ba và đã nói những câu “khi chúng tôi rút lui” hay “tôi là một chứng nhân” nghe rất rõ ràng.
Câu nói vào đề của Tường là vụ thảm sát ở Huế “do chính Mỹ gây ra” nhưng lại đổ cho tội lỗi của “cách mạng,” và xem đây như là một bửu bối để đưa ra trước cuộc hòa đàm Paris để bôi nhọ “Cách Mạng Việt Nam".
Ðể nói về những người bị giết, Tường cho biết, trong số đó hiển nhiên là “có một số người” do du kích và “quân đội cách mạng” thi hành bản án tử hình tại chỗ, vì căm thù đã lâu, bị tra tấn, cả gia đình phải đi ở tù, và khi cách mạng bùng lên, họ (CS) lấy lại được thế của người mạnh, nên phải giết. Mặt khác đây là những tên ác ôn đã từng giết nhiều gia đình cách mạng, có khi cả nhà 10 người, nay “cách mạng” chỉ lấy lại mạng sống của một người, giá đó rất nhẹ và công bằng. Chính những người chỉ huy của cách mạng không thể kiểm soát nổi họ, và chính họ (cấp dưới) đã thi hành bản án đối với kẻ thù của mình.
Sau khi cho rằng “khối lớn người chết đã làm nên những nấm mồ, đã được Mỹ Ngụy quay phim và đưa ra công luận,” Tường đã lớn tiếng đặt câu hỏi: “Những xác chết nằm ở dưới đó là ai?” và tự giải thích:
1. Nhân dân đã bị bom Mỹ trong các đợt phản kích chiếm lại Huế. Tường dẫn chứng Mỹ đã thả bom một bệnh viện nhỏ ở bên phố Ðông Ba (?),“đúng” 200 người vừa chết vừa bị thương. Trong đêm tối y đã đi trên những đường hẻm, lội trong một vũng lầy, mà y tưởng là bùn, nhưng khi rọi đèn pin lên thì đó toàn là máu lầy lội, và trong những ngày “chúng tôi rút ra” thì chúng nó (Mỹ hay Ngụy) đã gom lại và đem đi chôn.
Dân chúng Huế đã hiểu đây quả là một điều dối trá, và nhờ câu nói này chúng ta biết rằng, người Cộng Sản thường lội trong máu mà cứ tưởng lội trong bùn vì không nghe mùi tanh.
2. Hàng loạt gia đình có con em tham gia cách mạng, đi lên rừng sau Mậu Thân thì chúng (Ngụy) đã bắn chết và cũng chôn vào trong những hố đó.
3. Xác của quân giải phóng mà chúng tôi không kịp mang theo thì cũng được chôn vào đó.
4. Có những đoàn thanh niên và thường dân bị lưu giữ, mà chúng tôi không hề có ý định giết nhưng vì đi thành một đám đông nên bị máy bay Mỹ cương quyết tìm cách tập kích vào để không còn ai có thể sống sót, chết nằm ở bìa rừng, kể các các cán bộ, binh sĩ hộ tống đoàn người đó cũng bị chết luôn. (Luận cứ này đã dược Bùi Tín lặp lại trong một lần trả lời báo chí năm 2007.)
5. Ba năm sau 1975, chúng tôi đi làm thủy lợi đã đào được những hầm gọi là “thảm sát Mậu Thân” mà trong đó đầy những người đội mũ tai bèo và mặc áo quần quân giải phóng.
Ðể kết luận, Tường cho đây là sự ranh mãnh của thực dân mới, bắn một mũi tên được hai mục tiêu: che giấu tội ác đã làm và đổ tội tất cả cho quân giải phóng. Một cách thiếu luận cứ, Tường cho rằng “thảm sát Mậu Thân” là một kế hoạch tuyên truyền rất lớn có tính cách chiến lược do Kissinger đề ra và nước Mỹ đã tốn một ngân sách rất lớn để dùng cho vấn đề gọi là Mậu Thân ở Huế.
Sau khi chối quanh, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trở lại nói rằng đối với những người mà nhân dân đã thi hành bản án là lẽ đương nhiên vì lòng căm thù, và khi đối diện với kẻ thù, trước họng súng, “nhân dân của chúng tôi phải đổi lấy máu của chúng tôi, thi hành bản án đó đối với những kẻ tử thù của dân tộc mình".
Tường cho rằng chiến dịch “Thảm Sát Mậu Thân” do chính quyền Mỹ bịa ra, dựng lên để “đổi trắng thay đen” và để “lừa bịp nhân loại". Đây là một luận điệu của các loại trí thức văn công như “Đạo diễn Việt Cộng” Lê Phong Lan với sự dối trá trơ trẽn trong cuốn phim “Mậu Thân 1968” -13 tập, sản xuất 2012.
Chúng ta, đồng bào Huế, gia đình các nạn nhân và nhất là các phóng viên báo chí quốc tế đã có mặt trong những ngày đào mộ và cải táng những nấm mồ tập thể tại Huế sau Tết Mậu Thân, và căn cứ vào danh sách nạn nhân, cách giết người, cách trói người trong các hầm tập thể, đã thấy những lời nói của HPNT và bộ máy tuyên truyền của CSBV hiện nay là gian dối. Trong các hố chôn tập thể này chúng ta đã tìm thấy thi thể các giáo sư y khoa người Ðức, các giáo sư trung học, các vị linh mục, sư huynh, tu sĩ, sinh viên, học sinh, công chức, quân nhân và cảnh sát không vũ khí, y tá, học sinh, thường dân... đầu bị bể nát hay thủng vì vết đạn, bị trói xâu chùm bằng dây điện thoại, thép gai, dây lạt tre. Phải chăng họ là những tử thù của các đồng chí của HPNT?
Và trong 22 hầm chôn tập thể được khám phá không hề có một đôi dép râu, cái nón cối hay cái mũ tai bèo nào. Chúng ta nếu muốn lên án hay đổ lỗi cho Cộng Sản cũng không thể ngụy tạo hay che giấu được điều gì trước sự quan sát của các phái đoàn quốc tế đến Huế. Bản chất “đổi trắng thay đen” để “lừa bịp nhân loại,” dối trá, vu vạ là những đòn chính trị lâu đời của Cộng Sản, mà những tên học trò tay mơ như HPNT không thể qua mặt được ai.
Trong phần cuối của cuốn phim, HPNT đã lên án chế độ Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, mặc dù không liên quan đến vụ thảm sát Mậu Thân, chúng tôi nêu ra đây, để thấy thêm sự xảo trá, quá quắt của y.
Thứ nhất, y nói rằng: “Hằng năm đến ngày Tết, tất cả giáo sư đại học, trí thức, ngụy quyền, đều phải mặc ‘áo xưa’ (ý y muốn nói đến áo thụng) đến quỳ ở trước sân để tung hô chúc thọ, mừng tuổi cho cả gia đình họ Ngô kể cả Ngô Ðình Diệm ngồi trên những cái ngai vàng".
Thứ hai, muốn loại những ảnh hưởng của cách mạng tháng 8 ngay trong thành phố này (Huế), “những gia đình có con đi tập kết ra Bắc lần lượt bị tù đày và bị tra tấn". Thứ ba, với “những gia đình có chồng đi tập kết để lại một đứa con ở trong bụng thì chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm giẫm lên bụng và cho đến lúc cái thai phải văng ra ngoài (sic)!”
Người viết bài này và HPNT đều là công chức ở Huế dưới thời TT Ngô Ðình Diệm (Tường là giáo sư trường Quốc Học, năm 1966 Tường mới ra bưng, còn tôi là nhân viên của Nha Đại Diện Giáo Dục Trung & Cao Nguyên Trung Phần), bản thân Tường và Tường có thấy tôi đến quỳ trước sân nhà ông Ngô Ðình Ðiệm ở Phủ Cam không?
Về chuyện gia đình tập kết, một người bạn chung mà chắc Tường không thể không biết, là Tôn Thất Lan có cha đi tập kết, sau 1975 mới về. Tôn Thất Lan và người em trai là Tôn thất Phước đều tốt nghiệp Y Khoa, Tôn Thất Lan nguyên là thiếu tá Quân Y phục vụ tại Long An, sau 1975 ở lại tiếp tục hành nghề ở Saigon. Em của Lan vượt biên sang Mỹ hiện làm việc tại Quận Cam.
Ở miền Nam ai cũng biết, ông Dương Văn Minh và ông Trần Ngọc Châu đều có em trai đi tập kết theo Cộng Sản, mà người làm đến tổng thống, người là tỉnh trưởng rồi dân biểu. Vậy mà ở miền Bắc, HPNT nói điều này ra chắc cũng có người tin, mới biết chính sách tuyên truyền của Cộng Sản điêu ngoa, chà đạp lên sự thật đến dường nào.
Ðiều cuối, ghê tởm nhất là Tường vu cáo những người đàn bà mang thai có chồng đi tập kết bị chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm giẫm lên bụng và cho đến lúc cái thai phải văng ra ngoài. Trước hết, sự thật, nếu HPNT giẫm lên bụng một người đàn bà mang thai, cái thai có văng ra ngoài được không? Trong thành phố Huế này, nơi mà tôi và HPNT đã lớn lên dưới thời Vua Bảo Ðại, qua thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, rồi đến thời Ðệ Nhị Cộng Hòa, có ai nghe, chứ chưa nói đến chuyện thấy hành động độc ác, chỉ có trong trí tưởng tượng của những con người Cộng Sản, và dùng nó để tuyên truyền cho đám dân ngu dưới chế độ CS Bắc Việt, chứ ở miền Nam, nói chuyện này, ai tin!
Người xưa gọi thái độ này của HPNT là “ngậm máu phun người” (hàm huyết phún nhân), và dân Huế có câu “nói mà không sợ cây nó mọc trong họng,” nôm na đặc sệt Huế nhất lại có thành ngữ “một lời nói là một đọi (bát) máu!”
Người trí thức phải đặt sự thật lên tất cả phe phái, không uốn lưỡi vì danh lợi, phải “yêu ai thì nói rằng yêu, ghét ai thì bảo rằng ghét". như Phùng Quán, đừng vì sợ hãi, lập công trạng mà bỏ sự thật. Muốn có một xã hội tốt đẹp không cần phải đào tạo con người theo “mô hình xã hội chủ nghĩa” mà phải đào tạo những con người chân thật, biết yêu sự ngay thẳng, ghét điều gian trá. Những con người tự nhận là nghệ sĩ, trí thức XHCN như HPNT sẽ đưa đất nước này càng ngày càng đi vào con đường tồi tệ. Những ai là người dân Huế một thời với HPNT, những ai đã sống và biết đến tấn thảm kịch Mậu Thân, sẽ phải đau lòng và cũng buồn cười trước những lời phát biểu của HPNT.
Tường ơi! Huế oan khuất, đau đớn lắm. Mi phải trả giá những gì mi đã tạo ra, nghiệp khẩu và hành động đã đưa mi đến tình cảnh ngày hôm nay. Ðã đến lúc ăn năn, hối lỗi đi là vừa, những đứa con xứ Huế đem ác quỷ về giết bà con, anh em họ hàng, “lội trong máu mà cứ tưởng lội trong bùn vì không nghe mùi tanh của máu!”
Huy Phương
https://www.facebook.com/profile.php?id=100007178779184
Ao cá… Việt Nam
Sao bây giờ mỗi lần nói đến cá, thì tâm trí tôi lại vấn vương hình ảnh những con cá chết trên bãi biển của miền Trung, nơi vốn đã bị thiên tai, bão lụt, đói khổ bao nhiêu đời…, mà nói đến ao cá thì hình ảnh người đẹp của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn thị Kim Ngân, cho cá trong “ao bác Hồ” ăn, lại hiện ra rõ mồn một. Có người ví von, người ta có thể đem một con khỉ trong rừng về Ba Đình, nhưng không thể đem rừng rú ra khỏi con khỉ. Thấy cảnh bà Kim Ngân cho cá ăn mà cứ nghĩ đến con mụ nhà quê cho lợn ăn chuối cám, nhất là cái cảnh bà Ngân hắt cả xô thức ăn xuống mặt hồ, làm cho ông Tổng thống một cường quốc như Mỹ cũng phải “thất kinh rụng rời!”
Vậy mà hôm nay tôi lại can đảm, đem chuyện cái hồ cá ra mà thưa chuyện với quý vị độc giả thì thật là quá quắt.
Số là sau vườn nhà tôi có một cái hồ cá…bất đắc dĩ. Bất đắc dĩ là vì lý do, nó nguyên là một cái hồ tắm spa mỗi bề chỉ khoảng hai thước, từ ngày thuê ngôi nhà này đến nay, không ai dùng, đã chứa đầy rác rưởi và lá khô. Năm ngoái, tôi phải vào bệnh viện mấy lần, chút nữa thì “bước sang từ trần”, may nhờ phước đức ông bà, hay nói một cách khác, còn nặng nợ người, nợ đời, mà sống lại, nên nhờ đó, cái hồ spa khô queo cũng sống theo.
Có ông thầy bói, đến nhà chơi, bấm quẻ nói tôi là mạng Thuỷ, Thuỷ Hạ Giản- Nước Cuối Nguồn, mà từ phòng ngủ, bước ra có một bước, để cái hồ khô queo, không có nước non chi hết, là chắc… chết!
Có chàng rễ, thương ông già vợ, bỏ ra mấy cái cuối tuần, hì hục quét dọn, xây hòn non bộ, mua hệ thống bơm nước, quyết tâm làm cái hồ tắm khô queo thành một cái hồ cá có rong rêu, có mấy con cá vàng uốn lượn, vẫy vùng cho có phong thuỷ, cho ông già vợ “sống đời với con!”
Hồ làm xong, chàng mua về hơn chục con cá vàng bằng cỡ hai ngón tay, thả vào hồ, trong tuần đầu, có lẽ vì “nước lạ, non xa”, mấy con cá không sống nỗi, buổi sáng ra, thấy phơi bụng, chết nổi lên mặt nước. Rồi dần dà “lia thia quen chậu”, bầy cá lớn nhanh như thổi. Thật không có gì vui bằng cái cảnh cho cá ăn, cái thú vị, nhàn tản của người rảnh rang. Vừa nghe tiếng cửa kêu, mở ra vườn, thấy bóng người, là bầy cá đã nổi lên mặt nước, vùng vẫy như mừng rỡ, vì sắp được cho ăn. Vẫy một nắm thức ăn xuống mặt hồ, nhiều con cá đã mở rộng mồm chực sẵn, tham lam đớp cả mớ thức ăn, làm nước mặt hồ tung toé, trong khi những con cá nhỏ thì e dè, còn bơi ở dưới sâu, hay tránh ra xa xa.
Trong gần một năm trời, cá trong hồ tất nhiên là có lớn, nhưng không đồng đều, con cá lớn nhất, lớn gấp 10 lần con cá nhỏ nhất. Một sự tranh ăn để sống trông thấy rất rõ, vì ngày mới đem cá thả vào hồ, tất cả các con cá đều có kích cỡ bằng nhau, đều là “cá mè một lứa”, vô sản, “quần rách áo ôm” như nhau. Nhưng rõ ràng là chúng không đoàn kết để cùng nhau “tiến lên xã hội chủ nghĩa” mà xử dụng hết sức mạnh cùng sự khôn ngoan, kể cả xảo quyệt, giành giật nhau, đè lên nhau, giật mồi mà sống!
Điều tôi nhận ra, là những con cá lớn nhất là những con cá tham lam đớp mồi nhiều nhất, và nhờ đớp mồi nhiều nhất, đó là những con cá lớn nhất, vượt lên những con cá khác trong hồ. Bây giờ, sự khác biệt đã trông thấy rõ, những con cá lớn mỗi ngày mỗi lớn, và những con cá nhỏ, đã những không lớn nỗi, mà tôi có cảm tưởng, càng ngày càng nhỏ đi.
Đã nhiều lần, tôi trông thấy những con cá nhỏ nhoi tội nghiệp, ở dưới đáy hồ, thấy thức ăn, vội vã ngoi lên, nhưng cũng kịp thời, những con cá lớn sợ mất mồi, đã vẫy mạnh đuôi như cản bước và đuổi những con cá nhỏ phải giang ra xa.
Khi những con cá lớn đã lớn, những con cá nhỏ còn nhỏ, nếu có nạn đói xẩy ra trong hồ, chắc chắn những con cá lớn này sẽ ăn sạch những con cá nhỏ như câu “cá lớn nuốt cá bé!” (đại ngư thực tiểu ngư.)
Thật là tội nghiệp, chàng rễ tốt bụng của tôi không thể đem những con cá nhỏ sang một cái hồ khác để nuôi cho chúng lớn kịp bằng những con cá lớn, và như vậy sẽ không bao giờ có sự đồng đều, công bằng nữa. Và những con cá lớn càng ngày càng vùng vẫy, lấn lướt và những con cá nhỏ càng ngày càng yên phận kiếm chút ăn thừa, mặc dầu bầy cá lớn đã đầy bụng, no nê.
Rồi tôi, một người mắc bệnh hay liên tưởng lại liên tưởng, từ cái hồ cá nhỏ sau vườn nhà tôi với cái ao cá…Việt Nam. Những ông “ăn trên ngồi trốc” tham lam, ăn nhiều, bụng phệ lại càng làm lớn. Càng làm lớn thì lại có cơ hội ăn nhiều. Những thằng lớn trong xã hội Việt Nam không phải như con cá lớn trong cái hồ nhỏ của chúng tôi, lớn xác gấp mười lần con cá nhỏ, mà còn lớn gấp trăm, nghìn lần những thằng nhỏ sống trong cùng một cái ao nhà.
Cứ nhìn những biệt thự hàng chục tỷ (20 tỷ bằng 1 triệu đô la) của những con cá lớn cỡ Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Phó Chủ tịch Nước Nguyễn thị Bình, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc… (ở trong và noài nước,) đến những thứ làng nhàng như Viện Kiểm Sát nhân Dân Cà Mau, Bí Thư Tỉnh Uỷ hay Chủ Tịch UBND như Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Long An… rồi đem so sánh với những căn nhà lá, nhà tôn, nhà ván thùng, nhà bao bố, nhà mồ của những người gọi là những ông chủ của đất nước bên bờ kênh hôi thối, ao rạch, bên đống rác thối hay ở chung với người chết trong nghĩa địa. Tiền thì chúng có hằng trăm triệu đô la, trong khi người dân đi móc rác, chỉ kiếm đủ cho một bữa cơm rau mỗi ngày.
Ngay chính phi công Trần Quang Khải, người đã chết khi chiếc Su-30MK2 rơi xuống biển trong thời gian đang làm nhiệm vụ vào giữa tháng 6, vợ cũng không có việc làm, gia đình đang còn cảnh “ăn nhờ, ở đậu!”
Cũng từ cái hồ cá nhỏ, tôi liên tưởng đến cái ao…Việt Nam hôm nay! Nếu đất nước Việt Nam bây giờ chỉ còn là cái sân sau của Tàu, thì vùng biển quê hương chỉ là cái “ao cá bác Tập". Với chiến hạm, máy bay tàu đánh cá vũ trang, bọn Tàu đã giết hại, xua đuổi, ngư dân Việt Nam, coi vùng biển Việt Nam như cái ao nhà của chúng. Ân huệ của ông chủ Trung Cộng, cũng như tiền viện trợ, vay mượn hằng ngày, đổ như mưa đổ xuống mặt ao, cho bầy cá lớn lúc nào cũng chầu chực sẵn sàng, há họng ra nuốt sạch, còn đâu cho đám nhân dân “thấp cổ bé miệng,” như những con cá nhỏ trong ao, đành phải ra nước ngoài, đi “bán trôn nuôi miệng” hay “làm thuê, ở mướn".
Nằm trong cái ao, đảng Cộng Sản Việt Nam chưa bao giờ chịu mở mắt nhìn Miến Điện, hay bắt chước Nam Hàn, Singapore hoặc chịu khó nhìn ra xã hội dân chủ Tây Phương, mà suốt đời vùng vẫy trong cái ao XHCN Việt Nam, kiểu “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn!” Mỗi ngày họ soi mình trong gương để tự sướng, vuốt ve những cái mình đang có. Nếu không chúng ta đã không nghe cấp lãnh đạo tuyên bố: “Việt Nam dân chủ gấp vạn lần Tây Phương!”
“Ao cá bác Hồ” hay “Ao Cá Bác Mao” thì đâu có gì là quan trọng, miễn là bầy cá to xác, quyền lực, mỗi ngày vẫn ngoi lên hàng đầu, đập đuôi vùng vẫy tranh ăn, đố con cá nhỏ nào dám ngoi lên vớt vát chút thức ăn thừa còn sót lại.
Mỗi sáng ra vườn, đứng bên hồ, nhìn đàn cá, cho chúng nắm ăn, thấy cái cảnh mặt nước tung toé, với bầy cá lớn mạnh mẽ, tham lam, lanh lẹ quẫy mạnh đuôi, trồi lên mặt nước, há cái mồm khá lớn ra để táp mồi, tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến cái ao cá…Việt Nam!
Huy Phương
https://www.facebook.com/profile.php?id=100007178779184
"Tuổi già, hạt lệ..."
Bạch Cư Dị sinh năm 772, khi bị giáng chức đày đi làm chức tư mã Giang Châu mới 43 tuổi (năm 815.) Tuổi này cũng còn coi là trẻ, tình cảm tràn đầy, lòng còn xúc động, nên một đêm “vầng trăng trong vắt dòng sông”, khi nghe người kỹ nữ bên sông kể lể thân thế, liên tưởng đến cuộc đời mình, mà tuôn hai dòng lệ:
“Lệ ai chan chứa hơn người,
Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh!”
Trái lại Nguyễn Khuyến, khi làm bài thơ “Khóc Bạn” là Dương Khuê mất, ông đã 67 tuổi, tuổi cho là đã già, nên thương bạn mà không còn nước mắt để khóc nữa:
“Tuổi già, hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!”
Trong khoa học, chỉ nghe nói đến một vài bệnh làm tắc hay khô tuyến lệ, mà không nghe nói chuyện nước mắt cạn dần theo tuổi tác, thời gian. Kinh nghiệm, chúng ta thấy trong đời sống con người, tuổi già rất dễ xúc động, dễ vui, dễ buồn, dễ giận dỗi mà cũng mau nước mắt hơn là tuổi trẻ. Phải chăng câu nói “một ông già bằng ba đứa trẻ” là để nói đến tình cảm vui buồn hay ngây thơ, chân chất hơn là nói đến các điều kiện sinh lý của hai lứa tuổi.
Chúng ta đã thấy tuổi già rơi lệ theo một tiếng đàn bầu, một đoạn dân ca hay ngậm ngùi vì những hoài niệm về dĩ vãng hay là câu chuyện hôm nay của đất nước mà có lẽ chúng ta không tìm thấy nơi tuổi thanh xuân.
Về già tôi thấy tâm hồn mình yếu đuối, dễ buồn vui, xúc động hơn là thời trẻ tuổi. Gần đây thôi, tôi có sửa soạn cho một cuộc phỏng vấn truyền hình về cuộc lui binh tan nát của Lữ Ðoàn 147 TQLC trên bờ biển An Dương-Thuận An trong những ngày cuối Tháng Ba, 1975. Khi lắng nghe người lính già bên kia đường dây kể lại chuyện, toàn cảnh trên bờ cát, ngày ấy, chỉ có một số nhỏ anh em, thương binh may mắn được lên tàu, còn đoàn quân chết “cạn” trên ba ngày đêm đói khát, không bóng một con tàu, không bóng một chiếc trực thăng, không một tiếng điện đàm trong máy truyền tin, để cuối cùng những người lính “sống can trường, mà có hồi kết cuộc oan khuất” đã bị chết vì đạn pháo, đã tự sát, bị xử tử hay cuối cùng bị bắt làm tù binh, nước mắt tôi bỗng trào ra, nghẹn ngào vì thương cảm, xót xa. Ngày ấy tôi đang ở Sài Gòn, một nơi xa mặt trận, dù cũng mang màu áo trận, nhưng là một người lính ở hậu phương, có nghe, có biết nhưng không có nỗi xúc động, đau đớn như hôm nay.
Phải là con người vô cảm lắm, mới đọc chuyện nước, nghe chuyện nhà mà không biết tức giận, đau đớn hay buồn phiền. Ở tuổi già, sống xa quê hương, gặp nhau có trăm nghìn chuyện nói, nhưng không lẽ đem chuyện con cháu thành đạt, chuyện ăn chơi, chuyện nhà của người khác ra bàn luận. Bây giờ trong mỗi bản tin, mỗi hình ảnh ở quê nhà như mang theo nỗi xót xa, đau đớn của những kiếp sống cùng cực tưởng chừng như không bao giờ có thể hiện diện trên thế gian này. Thế mà đó là những sự thật đang xảy ra trên đất nước của chúng ta.
Ðã nhiều lần chúng ta thương cho số phận của con em, đồng bào chúng ta, những cô gái Việt Nam, đã phải tìm con đường sống duy nhất là đi lấy chồng ngoại nhân vì sự đói nghèo. Câu chuyện dài này đến bây giờ vẫn còn tiếp diễn, không có đoạn kết, nghe rồi thấy bình thường nhàm chán, không ai còn để ý đến nữa. Phụ nữ Việt Nam ngày hôm nay nổi tiếng vì đã có mặt trên khắp chốn đèn đỏ, thanh lâu hay đứng đường ở khắp nơi trên thế giới. Ở Indonesia, ở Malaysia, ở Singapore, ở Cambodia... chúng ta còn có thể hiểu nổi, tưởng tượng ra được vì đó là những nước lân bang trong vùng Châu Á, nhưng quả thật ngày hôm nay, bản tin về những cô gái Việt Nam của chúng ta lưu lạc sang tận xứ Ghana của Châu Phi để làm gái mại dâm, thì quả không có gì để xót xa hơn nữa!
Một bản tin của công an Việt Nam nói chuyện họ đã bắt một “em bé” 14 tuổi bán dâm, trong khi em đang mang một bào thai 4 tháng, phải chăng đó là một chuyện không có gì đặc biệt, nghe qua rồi bỏ!
Ở trong nước, bây giờ không những mại dâm tràn lan trên mọi thành phố, quận huyện, “trên từng cây số,” mà đàn bà trong nước hành nghề này ở cả những cánh đồng gặt lúa. Xưa thời Pháp thuộc có người làm nghề mại dâm, nhưng ở một chỗ riêng biệt, cho một giới nào đó thôi chứ không “tràn đồng” như hiện nay. Mùa gặt, các cô gái ngủ qua đêm với thợ gặt trên đồng, có người bán thân cho nhân viên kiểm soát dịch gia cầm để lơ cho đàn vịt của mình. Trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư không có câu nào chống cộng, chống đảng cộng sản, nhưng khi đọc xong, tôi thấy lòng mình xót xa, rát bỏng về nỗi nhục mà người phụ nữ trong nước đang gánh chịu.
Rồi thế hệ hôm nay, những đứa trẻ tương lai của đất nước, đến trường bằng lối đu dây vượt sông, hay ngồi trong những bọc ni lông lớn để nhờ người mang qua bờ bên kia. Những hình ảnh này tưởng như chỉ có trong những vùng đất lạc hậu, đói nghèo thời man rợ. Nhưng không, đó là thời của Dương Chí Dũng hối lộ Bộ Công An con số nửa triệu đô la, thời mà Bùi Tiến Dũng, tổng giám đốc PMU-18, nhân vật đã dùng khoảng $7 triệu để cá độ bóng đá, Nguyễn Tấn Dũng xây nhà thờ họ tốn hàng triệu đô la. Ðó là nơi mà một đất nước dân đen nghèo tả tơi, nhưng có hàng trăm tỉ phú và một giai cấp giàu có nhờ thời thế và chế độ mới nổi lên.
Nguyễn Khuyến cho rằng tuổi già nước mắt đã khô không còn khóc được nữa, nhưng sao trong đời thường hôm nay, vẫn còn những người già mau nước mắt? Có khi nào, giữa đêm khuya chúng ta thức giấc, bỗng nghĩ đến một chuyện ban ngày, một bản tin ở quê nhà vừa đọc được mà trăn trở khó dỗ lại giấc ngủ bình an?
Những bộ phim sướt mướt, éo le của Nam Hàn, Ðài Loan, và bây giờ cả của Thái Lan đã lấy đi những người trong gia đình chúng ta bao nhiêu dòng nước mắt thương vay khóc mướn, sụt sùi theo những nhân vật hư cấu của những loại phim “mì ăn liền”, trong khi đó, chúng ta vẫn vô cảm, thờ ơ với những chuyện đang xẩy ra ở quê nhà, những chuyện có thật, của đồng bào, con em chúng ta.
Trong cuộc họp báo tại CLB Báo Chí Mỹ Tháng Tư, 2004, bà Tôn Nữ thị Ninh đã cho người biểu tình hay dân oan là những đứa con, cháu trong gia đình hỗn láo, bướng bỉnh cần cho roi vọt, nhưng nếu chính phủ là cha mẹ, thì loại cha mẹ bây giờ là thứ cha mẹ bất nhân, chúng ở nhà cao cửa rộng, ăn ngon mặc đẹp, nhưng để con gái mình đi làm gái mại dâm tứ xứ, mà vẫn nhởn nhơ, không biết xấu hổ.
Người xưa đã nói bất bình nhỏ thì dùng rượu để giải sầu, bất bình lớn phải dùng đến gươm. Ðối với tuổi già, khi kiếm đã cùn, tóc đã bạc, không còn cầm được kiếm để giải quyết bất bình, cũng không thể uống rượu để nỗi sầu tiêu tan, mà phải dùng đến loại vũ khí đàn bà là nước mắt, chỉ đành ứa lệ, nuốt ngược nỗi buồn vào lòng.
Người ta thường chê người không biết cười, nhưng ít ai trách người không biết khóc. Khóc là bất lực, là tiêu cực nhưng nước mắt cũng làm nhẹ được nỗi đau của mình, vì đã nghĩ đến nỗi đau của người khác.
Ảnh:Trẻ em Việt được cảnh sát Cambodia giải cứu khỏi một nhà chứa ở Phnom Penh. (© Gary Way/AFP/Getty Images)
13/10/2015
Huy Phương
https://www.youtube.com/watch?v=SLYwOIUL_oI
https://www.facebook.com/profile.php?id=100007178779184
Đăng ngày 04 tháng 03.2022