Nhà văn, nhà báo Huy Phương, tên thật là Lê Nghiêm Kính, sinh năm 1937, tại Huế, đã qua đời ngày 25 tháng 2 năm 2022, tại thành phố Anaheim, Hoa kỳ, hưởng thọ 86 tuổi.
Nhà văn Huy Phương nguyên là giáo sư trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị.
Ông tốt nghiệp Khóa 16 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và Khóa Sĩ Quan Thông Tin Báo Chí tại Hoa Kỳ. Từng làm Biên tập viên báo chí đài Phát Thanh Quân Đội, Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến và Chỉnh Huấn, Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.
Ông định cư tại Mỹ năm 1990 (theo diện HO) sau bảy năm tù “cải tạo” dưới chế độ Cộng Sản.
Tác phẩm: “Nước Mỹ Lạnh Lùng”, “Đi Lấy Chồng Xa”, “Ấm Lạnh Quê Người”, “Hạnh Phúc Xót Xa”, “Quê Nhà-Quê Người”, “Những Người Thua Trận”, “Nhìn Xuống Cuộc Đời”, “Ngậm Ngùi Tháng Tư”, “Quê Hương Khuất Bóng”, “Nước Non Ngàn Dặm”, “Ga Cuối Đường Tàu”, “Sóng Vỗ Bèo Trôi”...
Thơ HUY PHƯƠNG
Bài tháng tư
Lũ chúng ta, ván cờ dở cuộc
Tướng bỏ thành, phá tượng, buông xe
Ta thân tốt chân trời góc bể
Nỗi qua sông chẳng hẹn ngày về.
Thuở đứt gánh tóc còn xanh mướt
Giờ nhìn nhau, bạc trắng phơ phơ
Hai mươi năm đốt đời trai trẻ
Buổi sa cơ, lỡ một thế cờ.
Mỗi nghìn đêm còn đau giấc mộng
Mỗi sáng nhìn đất nước khuất xa
Thân tráng sĩ - sức tàn lực kiệt
Mộng thời trai như bóng mây qua.
Những hố bom ngày xưa đã lấp
Biển muôn trùng xanh những nương dâu
Chiến trường xưa đã mờ dấu tích
Sao lòng ta nặng vết hằn đau
Người lính già tuổi chiều bóng xế
Chẳng còn xưa, chẳng có mai sau
Những tháng ngày sầu niềm đất khách
Vết thương lành, vết sẹo còn đau.
Ôi tháng tư, đốt lò hương cũ
Khóc người xưa, nhỏ lệ cho ta
Người đã khuất - còn nguyên khí phách
Ta sống còn - tháng đoạn, ngày qua.
4/04
Huy Phương
Chúc thư
Tôi người lính già ở xa tổ quốc
Xa chiến trường lưu lạc tới đây
Nơi quê người sương pha tuyết đổ
Mang nỗi đau con ngựa lạc bầy.
Ngày tôi bỏ đi, bạn bè đồng đội
Vẫn hiên ngang cho đến phút sau cùng
Đã tự hiến thân mình cho tổ quốc
Thắng hay thua thì cũng vẫn can trường.
Không phải chỉ chịu ơn người đã chết
Tôi như còn mang món nợ nước non.
Chết không nghĩa là đã tắt hơi thở
Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.
Khi tôi chết ván hòm xin đậy nắp
Có vui chi nhìn người lính chết già
Hổ thẹn đã không tròn ơn nước
Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa.
Hãy quên tôi, người lính già lưu lạc
Đừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi
Anh em tôi trong những giờ tuyệt lộ
Nằm lại bờ lúc chiến hạm ra khơi.
Chiến hữu tôi chết đầu sông cuối biển
Ngày tan hàng đành nằm lại quê hương
Không ai trổi cho khúc kèn truy điệu
Không có ai phủ giúp ngọn cờ vàng.
Hãy phủ cờ lên nấm mồ tử sĩ
Xác bị xới đào trong nghĩa trang xưa
Hãy rải hoa trên con đường thấm máu
Phút lui binh phải gãy súng buông cờ.
Anh là ai, mang ngọn cờ tổ quốc
Nhân danh ai, đứng phủ lá quốc kỳ.
Chúng ta là những con người bỏ ngũ
Quên anh em nằm lại, để ra đi.
Ta lành lặn để bao người thương tật
Ta sum vầy đành để bạn chia phôi
Ta đến bến để bao người chết biển
Dù ấm êm cũng thương nhớ một đời.
Danh dự này dành cho người đã chết
Đã hy sinh để giữ vững ngọn cờ
Không phải tôi, người lính hèn bỏ ngũ
Để sống còn trong lúc bạn sa cơ...
Huy Phương
Từ khi ta có đảng
Đất nước từ khi ta có đảng
Có cảnh người mổ bụng trôi sông.
Có búa liềm Liên Xô thắm thiết
Có Trung Hoa răng lưỡi đại đồng.
Đất nước đi vào thời đốn mạt
Đạo lý suy, đảo ngược cương thường.
Thằng có đảng cơm no rửng mỡ
Đứa dân đen chịu phận khốn cùng.
Đất nước từ khi ta có đảng,
Em gái tôi làm đĩ đứng đường.
Anh trai tôi làm thuê xứ lạ
Bà con tôi ở đợ mười phương.
Đảng về đây, đạo đức suy mạt
Con giết cha, vợ trẻ đốt chồng.
Nước ta đứng hàng đầu bia rượu
Mỗi giây, trăm tai nạn bên đường.
Ta có những thi hài bó chiếu
Khi quan to rượu thịt linh đình.
Chúng xây những ngôi nhà cố tổ
Bằng đồng tiền nhũng lạm bất minh.
Ngày đảng về tuổi thơ khốn khổ
Trò đến trường bằng cách đu giây.
Những cô giáo làm nghề chiêu đãi
Đứa ma cô dắt gái làm thầy.
Có đảng nhà tù như nấm mọc
Bọn Khuyển Ưng đầy dẫy mọi nơi
Roi điện, dùi cui cùng súng đạn
Lũ công an chẳng phải giống người.
Đất nước từ khi ta có đảng
Triệu dân oan khiếu kiện xuống đường.
Có mẹ quyết trần truồng giữ đất
Máu dân đã đổ xuống ruộng đồng.
Đất nước từ khi ta có đảng
Có danh từ vượt biển vượt biên.
Dân bỏ xứ tha phương cầu thực
Còn lại chăng những cái cột đèn.
Đất nước, dân sinh là thứ yếu
Miễn đảng còn, tổ quốc hề chi.
Oán hận ngút trời cao, biển rộng
Cho dân nhờ, đảng hãy chết đi!
(2.17)
Huy Phương
Dương Khiết Trì:
“Không cần phải đánh Việt Nam chúng nó!”
Tại sao ta phải cần đánh chúng?
Thác Bản Giốc đã cắm cờ sao.
Ải Nam Quan mang tên Hữu Nghị
Ta thong dong chờ chúng mời vào.
Chúng ta đâu phải cần đánh chúng?
Binh đoàn ta mặc áo công nhân.
Ta xâm nhập vào từng thước đất
Từ Cà Mâu tới Hữu Nghị Quan
Tại sao ta phải cần đánh chúng?
Hàng thặng dư ta đổ vào đâu?
Biển bạc nào cho ta xả thải?
Rừng vàng nào ta trụ dài lâu?
Chúng ta đâu phải cần đánh chúng?
Vũ khí ta là những nhà thầu
Đảng nó chỉ cần ăn ngập mặt
Vàng, đô la bắt chúng cúi đầu.
Vì sao ta phải cần đánh chúng
Biển đảo này tự chúng đem dâng.
Ta chẳng cần biểu dương súng đạn
Cũng chẳng cần phát lệnh ra quân.
Ta cho chúng hàng kho súng đạn
Miếng lương khô đến chiếc dép râu .
Ai cho phép chúng thành nghịch tử
Đứa con hư sẽ phải hồi đầu!
Chúng thay ta giam cầm trấn áp
Trăm triệu dân trong một nhà giam.
Chúng sợ mất thứ tình hữu hảo
Để ôm khư mười sáu chữ vàng!
Vì sao ta phải cần đánh chúng?
Để mất danh uy hiếp chư hầu.
Mãn, Tạng, Mông ta từng thâu tóm
Có sá gì nhúm cỏ sân sau.
Bởi vì:
Bốn triệu đảng viên cùng một bọn
Chẳng qua cùng một lũ sai nha.
Lũ sâu bọ tham quyền cố vị
Có nghĩ chi đến chuyện nước nhà!
Biển cha ông, kẻ thù thao túng
Đảng ngậm câm như một lũ hèn
Đối với dân, roi da súng đạn
Đối với thù lạy lục đã quen!
(2/17)
Huy Phương
Nhìn lại quê hương
“Em ra đi nơi này vẫn thế!”
Thành phố xưa cửa đóng then gài
Những ánh đèn trong đêm vụt tắt
Tên tù trong ngó đám tù ngoài.
Những thằng ngu làm thầy hoạnh họe
Những anh khôn nhẫn nhục cúi đầu.
Những gì là thiên đường Cộng Sản
Vẫn chỉ là sáo vẹt dăm câu.
Chị hốt rác vào ngồi quốc hội
Anh cu li được gọi anh hùng
Bánh vẽ đảng dành cho mọi giới
Giàu sang riêng để đảng tiêu dùng.
Phải đập phá những gì tồn tại
Hãy vẽ tô những thứ mơ hồ
Áo cơm dân chỉ là thứ yếu
Quyền năng ta mới phải lo âu.
Phải dấy căm thù lên như sóng
Hãy quên đi sự thật đói nghèo
Ta đã giỏi quen dùng súng đạn
Ðảng làm, dân chúng phải nghe theo.
Phải làm Saigon bằng Hà Nội
Phải đưa thành thị xuống nông thôn
Phải bỏ phi thuyền đi dép lốp
Tối tăm có đuốc đảng soi đường.
“Em ra đi nơi này vẫn thế!”
Em thơ tôi móc rác vệ đường
Mẹ tôi dựng nhà trên nghĩa địa
Cô giáo tôi bán kẹo sân trường.
Những chiêu bài ấm no, hạnh phúc
Những danh từ độc lập, tự do
Hơn một triệu người đành bỏ nước
Trại tù gần tiếp trại tù xa.
Huy Phương
"Tuổi già chợt đến như trang cuối
Thấm thoắt còn đâu những chữ đầu
Ngày tháng tàn theo trang sách mỏng
Dầy chăng còn có những niềm đau.
Ví như mở lại trang sách cũ
Đổi thay gì được một đôi câu
Cha mẹ sinh mình không nghĩ tựa
Đời ta khi hết bạt về đâu?"
Huy Phương (12.98)
*Trích từ tập thơ Chúc thư của một người lính chết già
của nhà văn Huy Phuong
Dạ thưa Thầy,
Thầy còn nhớ em không?
Quê Hương xưa từ những ngày chinh chiến
Thầy trò ta vội từ giã ngôi trường
Thầy từ đây đã rời xa bục giảng
Trò làm thân chiến sĩ của mười phương!
Rồi Thầy Trò cùng chung màu áo trận
Đời chiến binh ai ngỡ buổi tương phùng!
Từ thế nghiêm trò dơ tay chào kính:
“Dạ thưa Thầy, Thầy còn nhớ em không?”.
Gặp vận nước buổi rã rời tan nát
Thân tù đày nơi nước đục rừng thiêng
Bó nứa nặng trên đường qua suối cạn
“Dạ thưa Thầy, Thầy còn nhớ em không?”
Giờ lận đận ở quê người phiêu bạt
Tóc bạc phơ ngày tháng nặng lưng còng
Buổi hội ngộ nghe muốn trào nước mắt
“Dạ thưa Thầy, Thầy còn nhớ em không?”
Huy Phương
Nhớ Huế
Mùa này nước Hương Giang có mặn
Muối đại dương có thấm vào sông?
Từ ngày anh đoạn tình bỏ Huế
Nguồn xa đã lạc mấy trăm dòng!
Mùa này Huế còn mưa tầm tã
Thương quê xưa vẫn nỗi đói nghèo
Anh ở nơi này vùng nắng ấm
Vẫn nhớ hoài đời Mẹ gieo neo.
Mùa này quê có còn bão lụt
Chén cơm em còn độn sắn khoai?
Trên tiệc rượu người con xa xứ
Men nồng nào lẫn nước mắt cay.
Mùa này Huế có còn phượng đỏ
Tiếng ve nào gọi nỗi buồn xa
Nơi này cả một trời hoa tím
Nhớ em xưa tiếng guốc học trò.
Mùa này Huế có còn áo trắng
Em hiện thân làm bướm tan trường
Thương ngày tháng một thời niên thiếu
Huế bây giờ - Huế đã mù sương!
Huế của tôi giờ đâu còn nữa
Cảnh vô hồn khuất nẻo người xưa
Hồn cổ tích Hoàng Thành hoang phế
Tiếng chim khuya gọi bóng trăng mờ…
Huy Phương
"Máu chảy ruột mềm"
Những đêm nay tôi thường ít ngủ
Trên e-mail đầy những tin nhà
Cơn nước lũ lên nhanh từng lúc
Gợi người xa, những nỗi xót xa.
Mái nhà xưa lam chiều ủ khói
Mảnh vườn em hoa cải đang vàng
Ngôi làng tôi tre trúc xanh mướt
Cuốn theo cùng biển nước mênh mông
Mẹ tuyệt vọng tay già vẫy gọi
Bầy cháu thơ khản tiếng khóc gào
Các em tôi tay trần chống đỡ
Tiếng kêu nào lạc giữa đêm thâu.
Buông Mạ ra - Con còn nuôi cháu!
-Cột tay vào - Sống chết cùng nhau!
Những cái chết mang niềm oan khuất
Nỗi sống còn theo với nỗi đau.
Giòng máu chảy ruột mềm đôi đoạn
Quả tim đau bóp chặt từng hồi
Không thấy khóc mà trào nước mắt
Xót thương ai lận đận bên trời.
Những bản tin như hồi trống trận
Thúc lòng ai nỗi nhớ quê nhà
Những hình ảnh như nghìn mũi nhọn
Đâm vào lòng những đứa con xa.
Saigon mùa này chắc vui lắm
Vũ trường kèn vẫn trỗi đêm nay
Rượu vẫn chảy mềm môi thương nữ
Có còn chi cho nỗi đau này!
11-99
Huy Phương
(Bài thơ viết cho trận bão lụt miền trung năm 1999, đến nay vẫn không có gì thay đổi)
https://www.facebook.com/profile.php?id=100007178779184
Đăng ngày 04 tháng 03.2022