banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

thầy Lâm Thanh LiêmGiáo sư Lâm Thanh Liêm tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Sorbonne, Paris. Trước 1975, ông là Giáo sư Trưởng ban Địa lý trường Đại học Văn Khoa Sàigòn, nguyên Tổng thư ký Viện Đại học Saigon. Ông đã giảng dạy tại Viện Đại học Vạn Hạnh, Viện Đại học Đà Lạt, Viện Đại học Minh Đức, Viện Đại học Huế, Viện Đại học Cần Thơ và trường Đại học Sư Phạm Sàigòn.
Sau 30/4/75, ông bị cưỡng bách "học tập cải tạo" trong thời gian 3 năm (1975-1977). Sau đó ông làm việc trong ngành nông nghiệp cho tới năm 1979 thì sang Pháp đoàn tụ với gia đình.
Ông về hưu trú sau một thời gian làm Chuyên gia khảo cứu (chercheur) của Trung tâm Quốc gia Khảo cứu Khoa học Pháp (CNRS) và Giảng sư của Đại học Sorbonne Paris IV.


Chính sách cải cách ruộng đất miền Bắc

Một năm sau khi thiết lập và củng cố chính quyền, chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tái phát động cải cách ruộng đất vào giữa năm 1955. Đã rút tỉa được nhìều kinh nghiệm quý báu trong cuộc “thí nghiệm”, Hồ Chí Minh chuẩn bị kỹ lưỡng cuộc cải cách ruộng đất triệt để bằng cách phân chia ra làm 2 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị (1954-1955) và giai đoạn cải cách ruộng đất triệt để (1955-1956).

I - GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

1)Tổ chức bộ máy yểm trợ chính sách cải cách ruộng đất.

a)Tại cấp trung ương: Một ủy ban cải cách ruộng đất được thành lập do Trường Chinh, Tổng bí thư đảng Lao động Việt nam (tức đảng Cộng sản Việt nam) làm chủ tịch. Dưới quyền của Trường Chinh (nhân vật số 2 của đảng) có ba vị phụ tá: Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương, cả hai cũng đều là ủy viên Bộ chính trị và Hồ Viết Thắng, ủy viên trung ương đảng. Thắng được đề cử vào chức vụ giám đốc trực tiếp chỉ huy cuộc cải cách ruộng đất ngoài thực địa, thi hành đúng theo lệnh của Trường Chinh. Thắng có theo học một khóa tại Cộng hòa nhân dân Trung quốc về các phương pháp khích động nhân dân trong chính sách cải cách ruộng đất đã được thi hành tại Trung quốc. Tu nghiệp xong, Thắng trở về miền Bắc được Trường Chinh giao phó công tác thành lập một “trung tâm đào tạo cán bộ cải cách ruộng đất” . Trung tâm này được bí mật thành lập ở Cao Bắc Lạng.

b)Tại cấp tỉnh: Được đào tạo xong, các cán bộ được bổ nhiệm ngay tức khắc về các tỉnh, thi hành chính sách cải cách ruộng đất. Mỗi tỉnh gồm có 10 “đoàn”, mỗi đoàn có ít nhất 100 đoàn viên được đặt dưới quyền của một “đoàn trưởng”. Chức vụ của vị nầy tương đương với chức vụ một bí thư tỉnh. Đoàn trưởng trực tiếp nhận lệnh của “trung ương”, không thông qua trung gian của cán bộ đảng hay nhà nước của tỉnh.

Đoàn được phân chia ra thành “đội”, mỗi đội gồm có 6 hoặc 7 đội viên. Đoàn trưởng được tuyển chọn trong số các “bần nông” hay các “bần cố nông” đã được tham gia đợt “thí nghiệm” cải cách ruộng đất trong những năm 1952-1953. Hầu hết họ đều dốt nát, học chưa xong lớp ba cấp tiểu học. Được rèn luyện kỹ lưỡng, họ đã chứng tỏ sự trung thành tuyệt đối của họ đối với đảng. Họ chỉ là kẻ thừa hành nhiệm vụ do cấp trên giao phó, lương tâm bình thản, lãnh đạm, không thắc mắc, không hối tiếc hành động của mình.

Đội cải cách nắm giữ quyền hành tuyệt đối, do đó, lúc bấy giờ miền Bắc có câu “nhất đội, nhì trời”. Các lực lượng địa phương quân, nghĩa quân được trang bị đầy đủ vũ trang phục vụ họ, đảm bảo trật tự an ninh và sẵn sàng can thiệp để bảo vệ họ, đàn áp nông dân bạo động chống lại chính sách cải cách ruộng đất của đảng.
Chính quyền địa phương phải có nhiệm vụ cung cấp tài liệu và hồ sơ của các gia đình địa chủ.

2) Ban hành luật cải cách ruộng đất.
Sau khi nhà nước chuẩn bị chu đáo, chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành luật cải cách ruộng đất ngày 14/07/1955 gồm các điểm chủ yếu như sau (5):
- Tịch thu toàn diện đất đai và tài sản (gia súc, nông cụ, nhà cửa…) thuộc quyền sở hữu thực dân (chương 2, đoạn 1, điều 22) của các địa chủ gian ác hay phản động và của các cường hào ác bá.
- Tịch thu hay trưng thu không có bồi thường thiệt hại và thu mua đất đai, gia súc cùng nông cụ:
- Các nhân vật cấp tiến, các địa chủ tham gia kháng chiến (chương 2, đoạn 2, điều 4) hoặc các thương gia, kỹ nghệ gia kiêm nhiệm cùng một lúc vai trò địa chủ (chương 2, đoạn 2, điều 11).
- Truất hữu không có bồi thường thiệt hại ruộng đất các giáo phái, Công giáo, Tin lành, Phật giáo...
- Việc quy định thành phần của một người vào giai cấp xã hội do hội nghị đại biểu nông dân quyết định.

Nơi nào diễn ra cải cách ruộng đất đều có tòa án nhân dân đặc biệt có thẩm quyền tuyệt đối, có nhiệm vụ:
·xét xử các địa chủ “gian ác”, “phản động”, các “cường hào ác bá “ và tất cả những ai chống đối hoặc phá hoại chính sách cải cách ruộng đất.
·xét xử quyết định những vấn đề còn tồn tại, những tranh chấp về ruộng đất hoặc các tài sản khác, quy định một người nào thuộc thành phần giai cấp nào (chương 4, đoạn 3, các điều 35 và 36).

II - GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

1) Sắp xếp và quy định nông dân vào các thành phần giai cấp xã hội.
Trước khi bắt đầu thủ tục truất hữu đất đai, đội cải cách ruộng đất phân chia xã hội nông thôn miền Bắc ra nhiều thành phần khác nhau. Công tác nầy được xúc tiến dễ dàng nhờ các tài liệu do chính quyền địa phương cung cấp. Căn cứ trên các dữ kiện nầy, đội cải cách bổ túc thêm lai lịch, hành vi chính trị của các địa chủ trong quá khứ. Dựa trên các dữ kiện rõ ràng nêu trên, “đội” phân chia nông dân ra làm 5 giai cấp:
- Giai cấp “bần cố nông”: giai cấp xã hội nầy nghèo khổ nhất, không nhà cửa, không ruộng đất, không có gia súc, không có nông cụ chi cả. Họ làm đủ thứ nghề để nuôi sống gia đình (công nhân công nhật, gia nhân địa chủ…).
- Giai cấp “bần nông”: họ có dưới 3 mẫu ta (1 mẫu=3600 m2), trực canh. Hoa lợi vừa đủ sống đấp đổI qua ngày. - Giới "trung nông" được chia ra làm 2 thành phần:
· Trung nông cấp thấp: có độ vài sào đất tối đa.
· Trung nông cấp cao: có từ 1 đến 3 mẫu ta và 1 con trâu (hay con bò).
- Giai cấp "phú nông": có từ 3 đến 4 mẫu ta và 1 con trâu. Họ trực canh và mướn thêm nhân công công nhật khi tới mùa làm ruộng.
- Giai cấp "địa chủ": có “thật nhiều ruộng đất” nhưng họ không trực canh, đời sống khá giả nhờ thu địa tô cao và cho vay nặng lãi. Địa chủ được phân chia ra nhiều thành phần:
· Địa chủ "thường": có từ 3 đến 5 mẫu ta. Họ “không giàu có mấy “ và không phạm các “trọng tội” dưới thời Pháp thuộc.
· Địa chủ “cường hào ác bá": hiếp đáp và ngược đãi bần nông và bần cố nông.
· Địa chủ “phản động”: đảng viên các đảng phái “quốc gia” như đảng Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân đảng.
Căn cứ trên các tiêu chuẩn giai cấp nầy, đội cải cách ruộng đất áp dụng thái độ chính trị thích nghi đối với mỗi giai cấp địa chủ.

2) Thành lập tòa án nhân dân truất hữu ruộng đất.
Tòa án nhân dân được thành lập nơi nào diễn ra cuộc truất hữu ruộng đất địa chủ. Tòa án do một “quan tòa” chủ tọa, được lựa chọn trong số các đội viên cải cách ruộng đất. Một nông dân, đại diện nông dân xã, nắm vai trò “biện lý”. “Quan biện lý” biết rõ lý lịch địa chủ vì trước kia “quan biện lý” đã từng là gia nhân, làm thuê làm mướn hoặc là tá điền của địa chủ bị tố giác đem ra tòa án nhân dân xét xử.

Dốt nát, quê mùa, lại được đặt để ngồi ở địa vị cao trong xã hội, lẽ dĩ nhiên “quan tòa” và “quan biện lý” bám chặt chức vụ nầy. Họ sẵn sàng tuân lệnh cấp trên một cách mù quáng và thi hành chỉ thị của cấp chỉ huy không sai một ly. Bởi vậy, các phiên xử án của tòa án nhân dân chỉ là “một thủ tục hành chánh trò hề” để hợp thức hóa các bản án do cấp trên đã quyết định sẵn từ trước rồi.

3) Thủ tục truất hữu ruộng đất.
Địa chủ (có gần 2 mẫu tây) đều bị chính quyền Hồ Chí Minh tìm cách khai trừ. Để đưa họ ra tòa án nhân dân xét xử, đội cải cách ruộng đất khởi tiên tìm cách “bắt rễ” trong giới bần nông hoặc bần cố nông (6).
Để thực hiện công việc nầy, họ áp dụng chính sách “tam cùng”: các đội viên phải cùng chung sống, cùng lao động và cùng ăn uống với bần nông nầy. Lẽ dĩ nhiên đội viên phải sống vất vả vì họ phải cùng chia xẻ với bần nông và bần cố nông miếng ăn, công việc làm và cùng chung sống với họ dưới một mái nhà... Nhờ vậy, đội viên thành công gây mối thiện cảm với họ để từ đó đội viên thắt chặt tình “huynh đệ” với nông dân.
Sau khi gây được nhiều cảm tình và có nhiều uy tín đối với bần nông hay bần cố nông rồi, đội cải cách ruộng đất mới căn cứ vào đó để bắt nhốt địa chủ.
Người nầy bị xiềng xích và nhốt trong nhà của một bần nông. Thân nhân không được phép viếng thăm họ ngoại trừ mỗi ngày mang cơm, thực phẩm cho họ, qua trung gian của đội cải cách ruộng đất. Họ hoàn toàn bị cô lập. Thân nhân của họ cũng bị chính quyền địa phương cấm không được phép tiếp xúc với bà con trong xã ấp và con cái của họ cũng bị đuổi khỏi trường học.

Trước khi bị can được đưa ra tòa án, đội cải cách ruộng đất tổ chức “một phiên tập dượt tòa án xét xử” tại một nhà nông dân. Đội bắt buộc địa chủ bị tố giác phải học thuộc lòng các câu trả lời trước “quan tòa” và phía dân sự cũng phải làm tương tự. Các “nhân chứng” trong phiên tòa cũng phải làm thế.
Ngày hôm sau phiên tòa chính thức được công khai xét xử. Nhân dân trong ấp (già, trẻ) đều bắt buộc phải đến tham dự, chứng kiến trước phiên tòa.

Tòa án nhân dân được thiết lập trên một khoảng đất hoang, ở ngoài bìa làng, trong một sân đình hay chùa hoặc trên một mảnh ruộng.
Bị cáo phải quỳ gối trước “quan tòa”, hai tay bị cột thúc ké ra phía sau lưng, phải gục mặt nhìn thẳng xuống đất. Không có luật sư biện hộ cho bị cáo. Sau khi tòa lấy khẩu cung xong, phía dân sự và nhân chứng nối tiếp ra trước “quan tòa” tố cáo tội ác của bị cáo. Đồng thời họ chửi rủa, thóa mạ, bạt tai, phun nước miếng vào mặt cùng đấm đá bị can. Sau cảnh tượng tra khảo, mạ lỵ xong, đến phiên “quan biện lý” đứng lên tố cáo bị can với đầy đủ “tang vật” chứng minh.Phương pháp bạo lực nhân dân này đã bị Hoàng Văn Hoan mạnh mẽ đả kích trong quyển hồi ký(7):
"Do phương pháp chỉ nghe nhân chứng không trọng vật chứng và phương pháp nhục hình ép phải công nhận, kết quả là chổ nào cũng có người "phản động" hoặc chui vào đảng để phá hoại..."

Trước đám đông quần chúng phẫn nộ, người bị gán cho là phạm nhân không thể nào tự mình minh oan được, mặc dù những lời tố cáo chỉ là những chuyện bịa đặt, nói xấu vô căn cứ. Trong đa số trường hợp như thế, địa chủ không biết cách nào khác hơn là im lặng và cúi đầu nhận tội. Trước bầu không khí sôi sục, căng thẳng, đầy thù hận, "quan tòa" quay về phía thính giả và đề nghị một bản án (đã được trung ương chấp nhận, trước khi xét xử), các đội viên, các bộ đội, các địa phương quân và nghĩa quân hiện diện trong đám quần chúng chỉ chờ cơ hội này để ảnh hưởng đến dư luận nhân dân. Họ đưa tay, cầm vũ khí vươn lên cao, gào thét, tỏ vẻ hài lòng, chấp nhận bản án đề nghị. Các nông dân đứng xung quanh họ bắt buộc phải làm y như họ cả. Bản án lẽ dĩ nhiên được "quan tòa" chấp thuận và trở thành chung thẩm. Để thoát khỏi nạn bị hành hạ thể xác và cảnh mạ lỵ đầy nhục nhã, một số địa chủ cảm thấy sẽ bị tố cáo, sẽ bị đưa ra tòa án nhân dân xét xử, họ thà tự tử chết, trước khi đội cải cách ruộng đất đến tận nhà, bắt họ, giải ra tòa.

Các cực hình dành cho "phạm nhân địa chủ" luôn luôn thật nặng và vô nhân đạo. Cực hình tùy thuộc mỗi tỉnh, tùy thuộc giai cấp địa chủ trong xã hội, tùy thuộc tư tưởng, hành vi chính trị của họ. Cực hình cực kỳ dã man đối với các địa chủ bị quy vào tội phản động, tội phản tổ quốc. Bởi vậy, đương nhiên bị lên án tử hình.(8) - Tất cả các địa chủ "cường hào ác bá" và các địa chủ bị gán cho cái tội gọi là "Việt gian" , đã hợp tác với chính quyền thực dân Pháp, chẳng hạn như đảm nhận một chức vụ trong ban hội tề hay một chức vụ trong làng xã. Ngay cả những vị này đã qua đời rồi, vợ và con cái cũng bị lôi ra tòa án nhân dân để xét xử, tịch thu tất cả tài sản của họ, cô lập họ hoàn toàn với xã hội. Họ không còn cơ hội nào để tìm kiếm một công việc làm tốt trong xã ấp, vì lý do "lý lịch xấu".
- Tất cả các địa chủ "phản động" hay "phản quốc" thuộc các đảng phái quốc gia như đảng Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân đảng, mặc dù họ có công trạng với đất nước, đã tham gia kháng chiến chống Pháp giành lại độc lập. Nếu họ là cán bộ cao cấp hay sĩ quan cao cấp hiện dịch trong lực lương quân đội nhân dân, thì đội cải cách ruộng đất làm thủ tục đặc biệt, yêu cầu cấp trên dẫn độ họ về nơi "phạm trường" để xét xử "tội ác" của họ.
- Các hình phạt áp dụng cho các địa chủ khác (đảng viên đảng Lao Động) cũng nặng nề: từ 5 đến 20 năm học tập cải tạo hoặc nhiều hơn nữa. Những địa chủ bị kết án tử hình đã được biết trước, trước khi tòa án nhân dân kêu án.
Thật vậy, một ngày trước khi vụ án được đưa ra công khai xét xử, đội trưởng đội cải cách ruộng đất ra lệnh đào huyệt sẵn, dựng cột tre sẵn (để cột tử tội trước khi xử tử). Đội cải cách ruộng đất áp dụng nhiều phương pháp hành quyết tử tội:
* Tử tội bị xử bắn.
* Tử tội bị cột thúc ké, nhét vào một giỏ bội lớn, rồi đội cải cách ruộng đất đem ra sông rạch hoặc ao đầm trấn nước cho đến chết.
* Tử tội bị cột thúc ké vào một cột tre dựng trên một ổ kiến, chọc cho kiến bò ra cắn cùng phơi nắng cho đến chết.
* Các phương pháp hành quyết khác: các tử tội bị chôn sống trong một mảnh ruộng v.v...
Sau khi bản án đã được công bố, gia đình tử tội bị tống khứ ra khỏi nhà. Tất cả tài sản của tử tội bị tịch thu (nhà cửa, ruộng đất, gạo thóc, dụng cụ bếp núc, giường, ghế, bàn, tủ v.v...). Những của cải nầy được phân chia cho bần nông và bần cố nông trong làng.

Chính sách khủng bố nêu trên nhằm mục đích uy hiếp tinh thần quần chúng, đe dọa các thành phần nông dân khác có ruộng đất nhất là các "phú nông". Những người nầy bị xếp vào hạng người có ruộng đất đứng sau giới địa chủ (theo cấp bậc xã hội). Như vậy thành phần phú nông nầy cũng có thể bị cùng chung một số phận như địa chủ. Đội cải cách ruộng đất có đủ trọn quyền hành động. Họ chỉ thay đổi "tiêu chuẩn" (chẳng hạn như xem một phú nông nào đó hoặc một trung nông nào đó như một địa chủ, bằng cách "đôn" họ lên ngang hàng với một "địa chủ bóc lột nhân dân"). Để trốn thoát số phận nầy, một số phú nông và trung nông cấp cao tỏ ra "hợp tác chặt chẽ với đội cải cách ruộng đất" bằng cách sẵn sàng "tình nguyện" đứng ra làm "nhân chứng" trước tòa án nhân dân, mạnh mẽ tố cáo "tội ác" của bị cáo (mà họ không hề quen biết) hoặc tố cáo thân bằng quyến thuộc của họ (như cha mẹ, anh chị em ruột, bà con chú bác,nàng dâu tố mẹ chồng v.v...)(9). Bởi vậy, trong quyển hồi ký, Hoàng Văn Hoan đã kịch liệt chỉ trích phương pháp đấu tố bằng đoạn văn như sau:
"... Các đội cải cách đã để cho nông dân xỉ vả người bị gọi là địa chủ, thậm chí để nàng dâu xỉ vả mẹ chồng, con xỉ vả bố mẹ, mà người bị gọi là địa chủ cứ phải cúi đầu, không được thanh minh phải trái..."

Theo chỉ thị đảng thì việc truất hữu ruộng đất phải đạt chỉ tiêu tối thiểu là 5% ở mỗi tỉnh.
Để thỏa mãn yêu cầu của cấp trên, đội cải cách ruộng đất phải "sáng tạo" bằng cách sửa đổi hay thêm vào các "tiêu chuẩn mới". Căn cứ trên những tiêu chuẩn nầy, đội cải cách tái cứu xét hồ sơ, xếp hạng "phú nông" đôn lên thành hàng "địa chủ" và một số địa chủ nầy bị đưa ra tòa án nhân dân xét xử. Nhờ biện pháp đó, đội cải cách ruộng đất thành công sàng lọc, tách rời nông dân "tốt" ra khỏi các thành phần nông dân "xấu", tận diệt các thành phần nông dân sau cùng nầy.
Việc xóa bỏ giai cấp địa chủ được thực hiện từ từ, bằng từng đợt. Bắt đầu là thành phần "địa chủ", kế tiếp là "phú nông", sau cùng là "trung nông" cấp cao. Thành phần "trung nông cấp thấp" cũng không tránh khỏi chính sách cải cách ruộng đất tàn bạo của Hồ Chí Minh.
"Do tác phong gia trưởng và ý thức tả khuynh của Trường Chinh", theo quyển hồi ký của Hoàng Văn Hoan, "đã dẫn đến sai lầm nghiêm trọng là đánh tràn lan vào trung nông, phú nông và những người có một ít ruộng đất cho thuê, đánh tràn lan vào cả cơ sở đảng..."(10)

Từ năm 1952 đến năm 1956, có tất cả 5 đợt thi hành truất hữu ruộng đất(11). Đợt sau tàn bạo hơn đợt trước. Đợt cải cách cuối cùng (đợt 5) là đẫm máu nhất, tàn nhẫn nhất. Bởi vậy , đợt cuối cùng nầy đụng chạm mạnh mẽ với giới nông dân, cán bộ, đưa đến sự phản ứng chống đối toàn diện của quần chúng, nhất là những gia đình có công với "Cách mạng". Thật vậy, họ có nhiều cảm tình với "Cách mạng" trong thời kháng chiến chống Pháp. Họ đã ủng hộ triệt để Việt Minh vì Việt Minh bảo vệ nguyện vọng chính đáng và quyền sinh sống của họ. Lúc bấy giờ, giới nông dân xem Việt Minh như những "nhà giải phóng" dân tộc, những ân nhân bênh vực kẻ nghèo, cô thế, bị hiếp đáp. Bởi vậy dân chúng sẵn sàng giấu giếm cán bộ, du kích quân trong nhà họ mặc dù biết làm như thế có hại đến tính mạng họ, cả gia đình của họ cũng bị liên lụy. Chính trong giới nông dân, Việt Minh đã tìm nơi nương tựa, ẩn náu an toàn. Cũng chính trong giới nầy, họ tìm ra được nguồn tài chính và tuyển chọn nguồn nhân lực dồi dào vô tận. Nhờ đó, Việt Minh đã thành công kháng chiến chống lại đoàn quân viễn chinh Pháp, đạt đến thắng lợi.

Nhưng từ khi giành được độc lập Hồ Chí Minh đã trở mặt, thay đổi hẳn thái độ với địa chủ, kể cả những người có công đối với "Cách mạng" hoặc đã tham gia kháng chiến chống Pháp. Họ là bạn đồng hành với Hồ Chí Minh trong chiến tranh giải phóng giành độc lập. Thay vì nghĩ dến sự hy sinh và công trạng vô bờ bến của những người yêu nước nầy, Hồ Chí Minh lại đối xử thậm tệ và xem họ như là "kẻ phản nghịch", "kẻ phản động" hoặc "kẻ bóc lột nhân dân". Chính cũng nhân có cơ hội cải cách ruộng đất nầy, Hồ Chí Minh đã tìm cách loại trừ các thành phần quốc gia đối lập (thuộc các đảng phái Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân đảng v.v...).

Bởi vậy, giới nông dân rất đắng cay thất vọng và đầy thù hận trước sự trở trái làm mặt, vô ơn bội nghĩa, trước sự phản bội của Hồ Chí Minh. Đợt 5 cải cách ruộng đất vào mùa hè năm 1956 là giọt nước đầy đã tràn ra khỏi miệng chén. Bị kết án tử hình hay bị chịu nhiều hình phạt khác thật nặng nề như "học tập cải tạo", các cán bộ và thân nhân cùng nông dân phẫn uất, đưa đến hậu quả cuối cùng là là họ đồng thanh đứng lên nổi loạn chống lại chế độ bạo tàn(12) ở nhiều nơi, nhất là Nghệ Tĩnh, nơi "bác Hồ kính yêu" đã được sinh ra, được nổi tiếng trong lịch sử và là nơi xuất phát ra nhiều cuộc cách mạng.

"Mặt trận trung ương nghiên cứu những sai lầm của chính sách cải cách ruộng đất" đã tổ chức một cuộc hội thảo tại Hà nội ngày 30-10-1956. Trong bài tham luận tựa đề "những vấn đề pháp lý của cải cách ruộng đất, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường chỉ trích chính sách cải cách ruộng đất như sau:
"...Ta muốn tìm kẻ thù nông dân, của cách mạng để tiêu diệt, nhưng đồng thời, ta cũng không quên rằng công lý các mạng phải biết đúng đích...Những sai lầm ta đã phạm, đã gây ra nhiều tổn thiệt cho uy tín cách mạng và cho bản thân bao nhiêu chiến sĩ các mạng".
"Lệnh của công lý; thà 10 địch sót, còn hơn một người bị kết oan. Thế ta có lo ngại rằng 10 địch sót không, len lõi vào hàng ngũ chúng ta? Không! Vì ta nắm chính quyền, vì các mạng thành công...". Khẩu hiệu lợi ở chổ: không một người oan nào bị kết án. Do đó không có kết quả tai họa diễn ra hiện thời...".

Để xoa dịu sự phẩn nộ của cán bộ, Hồ Chí Minh đã chính thức gởi một văn thư đề ngày 1-7-1956, nhân dịp có một cuộc hội "tổng kết thành tích cải cách nông nghiệp đợt năm". Dưới đây là một vài đoạn văn trong văn thư của Hồ Chí Minh (13):
"...Bác thay mặt Đảng và chính phủ gởi lời an ủi gia đình cán bộ đã hy sinh vì nhiệm vụ, đợt 5 cải cách ruộng đất rất gay go, phức tạp. Song nhờ chính sách đứng đắn của Đảng và chính phủ, nhờ nông dân hăng hái đấu tranh, nên chính sách cải cách ruộng đất đã thu được thắng lợi to lớn".
"Nhưng đợt 5 cải cách ruộng đất đã phạm sai lầm cũng không ít, nó đã hạn chế một phần thành tích của chúng ta. Trung ương đã tự phê. Các cô, các chú cần phải kiểm điểm kỹ công tác của mình, đánh giá đúng thành tích và khuyết điểm. Phải thành khẩn phê bình và thật thà tự phê, để tiến bộ mãi...".

Chúng ta có thể đưa ra một vài nhận xét về bức thư của Hồ Chí Minh nhhu sau:
- Với tư cách là chủ tịch Đảng và nguyên thủ quốc gia, Hồ Chí Minh đã công khai công nhận trước nhân dân những "sai lầm" của chính sách cải cách ruộng đất.
- Tuy nhiên, Hồ Chí Minh đã đổ thừa "lỗi lầm" do cán bộ gây ra, đã không áp dụng đứng đắn các chỉ thị củ ĐẢng và chính phủ. Hoàng Văn Hoan, người được Hồ Chí Minh che chở, cũng chỉ nhấn mạnh sự kiện nầy trong quyển hồi ký (14), nhưng quy trách nhiệm cho Ủy ban cải cách ruộng đất, trong đó Trường Chinh nắm vai trò chủ tịch trực tiếp chỉ đạo. - Mặc dù công khai nhìn nhận "các lỗi lầm đáng tiếc", Hồ Chí Minh xác nhận một cách rõ ràng rằng chính sách cải cách ruộng đất do Đảng chủ trương là đúng đắn. Chiến thuật nầy của Hồ Chí Minh thật là khôn khéo, để xoa dịu lòng phẩn nộ của nhân dân, cán bộ và thân quyến của họ bị giết oan, vì toà án nhân dân đã "kết án sai lầm" , đồng thời Hồ Chí Minh đã thành công tránh né trách nhiệm của mình, "thần thánh hoá" Bộ chính trị được xem như là một "đấng thiêng liêng", như thượng đế, không bao giờ sai lầm. Sự sai lầm của chính sách cải cách ruộng đất là do cấp dưới tức là các đội cải cách ruộng đất, toà án nhân dân hiểu sai, làm sai.
- Ngoài việc khai trừ điạ chủ, cải cách ruộng đất còn tạo cho Hồ Chí Minh một cơ hội tốt, để loại trừ những phần tử chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa trong guồng máy nhà nước và đảng ở cấp xã. Những "kẻ phản quốc" nầy, cũng như những ai "len lỏi vào bộ máy đảng và nhà nước phá hoạỉ, đều bị Hồ chí Minh trừng trị chưa từng thấy trong đợt 5 cải cách ruộng đất xảy ra giữa năm 1956. Các thanh trừng nầy có thể xem là một cuộc tàn sát đẩm máu.
Theo Hoàng Văn Hoan thì ở khắp nơi, ngục tù mọc lên như nấm và các cơ sở đảng hầu hết bị phá hoại.

Phẩn uất, nông dân nổi loạn. Một phiên họp của Ban chấp hành Trung ương Đảng diễn ra và tháng 9-1956, để cứu xét tình hình. Cuộc họp nầy kéo dài phá kỷ lục về thời gian gần một tháng trời.
Theo hồi ký của Trần Văn Hoan, thì "hầu hết các đồng chí Ủy ban Trung ương Đảng nghĩ rằng Ban cải cách ruộng đất đã không thi hành đúng đắn các chỉ thị của Đảng". Do đó, các biện pháp kỹ luật đã được áp dụng, đi song hành với chính sách "sửa sai":
- Trường Chinh phải từ chức Tổng bí thư đảng.
- Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương bị khai trừ khỏi Bộ chính trị. Lê Văn Lương còn phải từ chức vụ đặc trách tổ chức đảng.
- Hồ Viết Thắng bị loại trừ ra khỏi Ban chấp hành trung ương đảng.

Để lấy lại uy tín với nông dân và đảng, Hồ Chí Minh phải đích thân lên đài phát thanh Hà nội vào tháng 11-1956, công khai tạ lỗi trước quốc dân. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh đã quy "lỗi lầm" cho các cán bộ cải cách ruộng đất không hiểu rõ và đã thi hành sai chính sách do đảng chủ trương.

Một "chiến dịch sửa sai đã được phát động để phục hồi danh dự các cán bộ và thân quyến đã bị kết oán oan ức, và cuối năm 1956. Chiến dịch sửa sai nầy chấm dứt cuối năm 1957:
- Phục hồi danh dự, tái thu nạp vào đảng các đảng viên đã bị toà án nhân dân kết oán oan ức. Họ được phục hồi vào chức vụ cũ.
- Các đảng viên đã bị hành quyết hay đã qua đời trong các trại học tập cải tạo đều được xem như là các thành phần yêu nước, đã hy sinh cho "cách mạng". Thành tích nầy của họ đưọc ghi vào lý lịch của các thân nhân. Xuất phát từ gia đình "gốc cách mạng", thân nhân "liệt sỉ được hưởng một số ân huệ, chẳng hạn như có thể xin được một công việc làm tốt trong cơ quan nhà nước, con cái của họ có nhiều hy vọng được ghi danh vào đại học.
- Bồi thường thiệt hại cho các điạ chủ bị kết án tử hình oan ức. Nhưng việc bồi thường nầy có tính cách tượng trưng thôi. Nhà nước không hoàn lại tài sản của họ đã bị trịch thu, ngoài trừ cấp phát cho các bần nông, để họ tạm nuôi sống gia đình.
- Họ được xếp lại thành phần giai cấp xã hội, được hạ thấp xuống và được xếp vào thành phần "địa chủ thường" hoặc "địa chủ khác" được đồng hoá với giai cấp xã hội chuyển tiếp giữa "địa chủ" và "phú nông".
Nhờ xếp lại thành phần giai cấp xã hội, họ không còn bị chế độ ngược đãi nữa, không bị cô lập với xã hội. Được tái hội nhập vào cộng đồng làng xã, họ được hưởng quyền công dân trọn vẹn và có thể trong tương lai (1957-1958) gia nhập vào các hợp tác xã nông nghiệp.

4) Kết quả của chính sách cải cách ruộng đất.
Năm đợt cải cách ruộng đất kế tiếp nhau đã làm cho nông thôn miền Bắc bị đẩm máu, nhưng cuộc tàn sát nầy không được thế giới biết đến, vì chính sách "bế môn tỏa cảng", vì chính sách bóp méo thông tin do Hồ Chí Minh áp dụng từ năm 1954.

Các số liệu chính thức liên quan đến phạm vi cải cách ruộng đất rất hiếm hoi, vắn tắt, thiếu minh bạch. Các số liệu nầy đều giấu giếm cuộc tàn sát đẩm máu kể trên. Bởi vậy người ta không thể nào ước lượng chính xác tầm quan trọng của cuộc thảm sát, cuộc nồi da sáo thịt nầy.

Gần đây, quyển hồi ký của Hoàng Văn Hoan, cựu Ủy viên Bộ chính trị, tỵ nạn chính trị tại Bắc kinh (tháng 9 năm 1979), đã vén màn bí mật một phần nào về thảm trạng của chính sách cải cách ruộng đất.
Dưới tựa đề "Hội nghị trung uơng đảng về vấn đề sửa sai cải cách ruộng đất (tháng 9-1956)", Hoan dành 8 trang (15) để giải thích những gì đã xảy ra trong chính sách cải cách ruộng đất. Được Hồ Chi Minh che chở, Hoan bênh vực Hồ rất khéo léo, đổ thừa lỗi cho Truờng Chinh, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban cải cách ruộng đất:
"Theo lời yêu cầu của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Trường Chinh có soạn thảo một báo cáo về kết quả kinh nghiệm của cải cách ruộng đất, nhưng bản báo cáo nầy không được trung ương chấp thuận nhiều lần. Trường Chinh tìm cách kéo dài thời gian, cho đến kỳ họp đại hội Đảng lần thứ III, năm 1960, nhưng bản báo cáo của Trường Chinh cũng chưa hoàn tất". Vẫn theo Hoan, "Dù trong lịch sử Đảng, lần đầu tiên một cuộc họp trung ương quan trọng như thế mà không có một biên bản nghị quyết tổng kết".

Cũng như tất cả các vị lãnh đạo cao cấp khác của đảng Cộng sản Việt Nam, Hoan chỉ nhấn mạnh "những sai lầm" và "những lem nhem" trong cải cách ruộng đất, nhưng không nói rõ và ước lượng con số nạn nhân vô tội, bị toà án nhân dân kết án tử hình "sai lầm". Năm 1987, Viện Mac-Lênin ở Hà nội có xuất bản một quyển sách tựa đề "Hồ Chí Minh thời kỳ 1954-1957" (tương ứng với thời gian cải cách ruộng đất), nhưng quyển sách chỉ dành có gần 2 trang giấy thôi, để gợi lại giai đoạn lịch sử đen tối nầy.(*)

* Võ Nhân Trí (17), tác giả cuả quyển sách tựa đề "Croissance économique de la République Démocratique du Viêt Nam" (Gia tăng phát triển kinh tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà), cho biết rõ ràng nhờ sứ mạng nghiên cứu soạn thảo ra quyển sách nêu trên. Ông xác nhận "đã nhìn thấy tận mắt" một bản báo cáo mật tại văn khố của Bộ Phủ Thủ tướng Phạm Văn Đồng về số cán bộ bị toà án nhân dân kết án tử hình oan ức: 15.000 ngưòi (không kể số địa chủ dân sự khác cũng bị cùng chung số phận) trong chính sách cải cách ruộng đất. Vẫn theo lời Võ Nhân Trí, Hồ Chí Minh lại còn giấu giếm, giảm bớt con số ấy thấp xuống còn 10.000 "nạn nhân vô tội", khi Hồ Chí Minh trình bày trước cán bộ đảng viên (trong một phiên họp có ông Trí tham dự). "Lẽ dĩ nhiên, số nạn nhân vô tội nầy đáng lẽ phải cao hơn gấp bội phần", theo lời Võ Nhân Trí.

* Nguyễn Văn Canh đã điều tra và phỏng vấn các tù binh chính trị viên, các sĩ quan, các hạ sĩ quan, và bộ đội miền Bắc cùng các "hồi chánh viên" thu hoạch được nhiều dữ kiện quý báu, đã giúp tác giả ước lượng tổng số nạn nhân bị giết trong cuộc cải cách ruộng đất lên khoảng 200.000 người, được phân phối như sau:
- 100.000 người bị giết trong các đợt cải cách ruộng đất trước năm 1955, chưa kể đến khoảng 40.000 người khác bị đày ải trong các "trại học tập cải tạo. Họ bị lưu đày ở các miền núi và các vùng dẫy đầy bệnh tật sốt rét rừng và các bệnh truyền nhiễm có tính cách địa phương đã giết hại họ chết như rạ. Những nạn nhân khác, sau khi thi hành bản án học tập cải tạo, trở thành phế nhân, bị hất hủi, họ phải sống trong đau đớn, khốn khổ và đầy tủi nhục.
- 100.000 nạn nhân bị giết trong đợt cuối cùng lần thứ 5, vào muà hè năm 1956, đượt đặt dưới danh hiệu là "đợt tổng công kích Điện Biên Phủ, chưa kể đến hàng chục ngàn người khác (đa số là các phú nông và trung nông) đã bị kết án "học tập cải tạo, bị đày ải về miền "rừng thiêng nước độc".
Trên tổng số 200.000 nạn nhân bị giết, khoảng 40.000 là cán bộ đảng viên (20% đã bị hy sinh, theo ước lượng của Nguyễn Văn Canh).

* Trong những dịp đi công tác (do Sở Nông Nhiệp thành phố Hồ Chí Minh giao phó), chúng tôi có tiếp xúc một số cán bộ khoa học kỹ thuật miền Bắc vào Nam thi hành chính sách "hợp tác hoá nông nghiệp" ở đồng bằng châu thổ Cửu Long, trong những năm 1978-1979. Những cán bộ khoa học kỹ thuật nầy khá cởi mở, cho biết một số chi tiết về cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc trong các năm 1955-1956. Họ xác nhận họ là cưụ đội viên của đội cải cách ruộng đất. Họ đã ước lượng số nạn nhân bị giết trong cuộc cải cách ruộng đất như sau:
- Một cán bộ ước lượng khảng 120.000 nạn nhân bị giết oan, trong số nầy có 40.000 đảng viên.
- Một cán bộ khác ước lượng khoảng 160.000 nạn nhân chết oan, trong đó có 60.000 đảng viên.

Các con số cán bộ chuyên viên ước lượng không khác nhau mấy, về tỷ lệ bách phân của số đảng viên bị giết oan (20-30%). Về tổng số người bị kết án tử hình thì các con số ước lượng khá khác biệt nhau. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng các con số do các chuyên viên nghiên cứu nêu ra, làm cho chúng ta phải suy nghĩ: từ 120.000 đến 200.000 nạn nhân bị giết oan (kể cả đảng viên).

* Theo nguồn tin chính thức (18), thì sau cuộc cải cách ruộng đất, có 800.000 mẫu tây ruộng đất, với 100.000 trâu bò đã được phân phát không cho trên 2 triệu gia đình nông dân. Số nhà ở được phân phát cho bần nông lên đến 150.000 nhà. Những nhà nầy thuộc quyền sở hữu trưóc kia của giới địa chủ "cường hào ác bá", "phản động" hoặc "phản quốc". Con số sau cùng nầy đầy ý nghĩa, nếu ta so sánh với tổng số người bị tàn sát, do các chuyên viên nghiên cứu đưa ra. Hay nói một các khác, số người bị giết oan trong cuộc cải cách ruộng đất từ năm 1952 đến năm 1956, có lẽ phải khoảng 150.000 nạn nhân (trong số nầy, 30% là đảng viên).

Con số ước lượng sau cùng nầy chắc có lẽ sát với thực trạng bi đát, mà Hoàng Văn Hoan đã mô tả trong quyển hồi ký "Giọt nước trong biển cả" như sau:
"...Những án oan, án giả không được minh oan và người bị quy sai thành phần cũng không được tuyên bố một cách rõ rệt, cho nên mối oán thù trong cải cách ruộng đất vẫn ăn sâu trong lòng một số người, thậm chí cho đến ngày nay vẫn chưa phai nhạt..."

Một vấn đề quan trọng nêu ra tại đây: làm thế nào để biết đích xác ai là thủ phạm trong vụ tàn sát đẩm máu nầy: Trường Chinh hay Hồ Chí Minh ?
- Theo Hoàng Văn Hoan, thì thủ phạm thật sự chính là Trường Chinh. Dư luận chung tại Việt Nam cũng nghĩ như thế, lúc bấy giờ, do sự tuyên truyền của chính quyền và đảng. "Do tác phong trưởng giả và ý thức khuynh tả", theo lời Hoàng Văn Hoan, "Trường Chinh bất chấp ý kiến của Ủy ban chấp hành Trung ương Đảng..., cho phép các đội cải cách ruộng đất xử bắn địa chủ cường hào ác bá, để nâng cao khí thế cách mạng và để gia tăng uy tín nông dân".

Nhưng lập luận nầy không thể thuyết phục được, để quy trách nhiệm hoàn toàn cho Tổng bí thư Trường Chinh. Được xếp hàng thứ nhì trong nội bộ đảng, Trường Chinh phụ giúp Hồ Chí Minh, lãnh tụ có nhiều thế lực nhất của chế độ, kiêm nhiệm cả 2 nhiệm vụ tối cao của đất nước: Chủ tịch Đảng và nguyên thủ quốc gia. Hơn nữa, chính Hoan đã xác nhận trong quyển hồi ký rằng Trường Chinh đảm nhận thường trực vai trò hành chánh, giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh giải quyết các vấn đề thường ngày của Ban trung ương đảng. Nói một cách khác, Trường Chinh không thể nào hành động đơn phương. Tất cả các quyết định quan trọng, như việc loại trừ 5% địa chủ tối thiểu ở mỗi tỉnh, theo chỉ thị của đảng chẳng hạn, đều phải được thi hành một cách nghiêm chỉnh. Chính sách cải cách ruộng đất được chuẩn bị kỹ lưỡng, và được thực hiện một cách có phương pháp hẳn hoi. Việc xóa bỏ có hệ thống một giai cấp xã hội ở miền Bắc lúc bấy giờ là một quốc sách của chính phủ Hà nội, dựa trên chủ thuyết Mac-Lênin "đấu tranh giai cấp triệt để. Theo các nhân chứng thì có những sai lầm pháp lý (do sự trả thù cá nhân hoặc có những vấn đề "lem nhem" của các cán bộ, khi thi hành cải cách ruộng đất). Tuy nhiên, việc thanh toán hàng chục ngàn người trong 4 năm liên tiếp (1952-1956), dưới sự lãnh đạo của Trường Chinh, không thể nào Hồ Chí Minh khôg hay biết. Được đào tạo theo chủ thuyết Staline, Hồ Chí Minh và Trường Chinh, cùng hầu hết các nhà lãnh đạo tiên phong của đảng Cộng sản Việt Nam đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Mao Trạch Đông. Các thủ tục truất hữu ruộng đất, theo sự phân tích của Lê Duẩn (thay thế Trường Chinh ở chức vụ tổng bí thư) đều "sao y bản chánh" theo kiểu Trung quốc, mà họ Mao đã thực hiện, sau ngày giải phóng đất nước tại Hoa Trung và Hoa Nam (19).

Cuộc tàn sát đẫm máu được phân chia ra làm 5 đợt kế tiếp nhau chứng minh rằng Hồ Chí Minh nắm vững tình thế. Mỗi đợt tàn sát đều có một phiên họp cán bộ cải cách ruộng đất, để tổng kết tình hình. Cán bộ phải kiểm điểm, phân tách, nêu lên những "mặt mạnh, mặt yếu, mặt tiêu cực, mặt tích cực" v.v...Rồi từ đó, rút tỉa "kinh nghiệm", để làm "tốt hơn" nữa trong đợt cải cách ruộng đất kế tiếp. Khi cải cách ruộng đất tiến triển, thì số nạn nhân lại càng gia tăng trong mỗi đợt cải cách. Mặc dù thế, Hồ Chí Minh nhất quyết cho thi hành, không lùi bước và nhất định phải thực hiện một chính sách cải cách ruộng đất cho đến cùng.

Theo nguyên tắc cơ bản của Hà nội "thà giết oan một ngàn người vô tội, còn hơn để một tên dọ thám thoát khỏi lưới bao vây hắn". Cứu cánh giải thích phương tiện và hành động, nhưng nhân dân phải trả một giá thật đắt. Trường Chinh chỉ là một vật tế thần. Văn thư đề ngày 1-7-1956, mà Hồ Chí Minh gửi cho các cán bộ cải cách ruộng đất, sau thảm trạng đẫm máu đợt 5, là một thí dụ điển hình, chứng minh cho ta thấy rõ ràng tính khôn ngoan vô cùng xảo quyệt của họ Hồ, tránh né tội ác, bảo vệ uy tín của chính mình và che chở cho thanh danh của đảng Cộng sản Việt Nam.

Gs Lâm Thanh Liêm

Trích:  "Chính sách cải cách ruộng đất Việt Nam 1954-1995" - tác giả: Lâm Thanh Liêm

 


 

Cải cách ruộng đất !

 Lm. VĨNH SANG, DCCT
 
 
VRNs (13.09.2014) – Mấy hôm nay trên các trang báo, các đài truyền hình, các websites, các blog và facebook nổ tung một lượng thông tin rất lớn về cuộc triển lãm Cải Cách Ruộng Đất (1946 – 1955) tại Hà Nội, cơn bão thông tin như xới lên vết đau mà lâu lắm rồi, 60 năm tưởng chìm vào quên lãng, chí ít là cũng tạm ngủ yên vì không mấy ai nhắc đến nữa. Bao nhiêu cảm xúc được phơi bày cho thấy, quả thật là một cuộc “cách mạng long trời lở đất” trong quá khứ còn hằn dấu cho đến hôm nay. Phản ứng mạnh và sâu rộng như thế này không biết đến bao giờ biến cố tang tóc này mới lắng xuống và trôi vào dĩ vãng?
 
 
Cuộc cải cách ruộng đất những năm ấy ghi một dấu ấn sâu đậm vào cuộc sống gia đình tôi, cách riêng cha tôi, mà cho đến giờ chết ông vẫn còn chưa nguôi ngoai nỗi đau buồn. Không riêng gì nhà tôi, hầu hết các gia đình ở miền Bắc đa phần đều hứng chịu, người cách này kẻ cách khác, kẻ cả những gia đình đã vào Nam trước nhưng vẫn có liên hệ với họ hàng thân thuộc ở lại miền Bắc.
 
Năm 1945, khi Việt Minh nổi dậy cướp chính quyền, cha tôi, đang còn là một thanh niên, vội vàng bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con ở miền quê nghèo nàn của mình, trốn lên thành thị để tránh bị ruồng bắt. Cha tôi chẳng làm gì để phải mắc “nợ máu” với nhân dân, nhưng ông bị tìm bắt chỉ vì đã là chánh hội Nam Thanh (hội Thanh Niên Công Giáo trong Giáo Xứ thời bấy giờ), bị xem là lực lượng đối kháng với họ. Mẹ tôi kể “Bố vừa thoát ra khỏi nhà ban chiều, lúc sập tối, thì nửa đêm họ ập vào nhà lục soát tra khảo mẹ”.
Sau cái đêm kinh hoàng ấy, mẹ tôi đã tìm cách đưa đứa con trai đầu lòng trốn lên thành Nam theo bố, ông Nội tôi thì giữ bằng được đứa con trai thứ hai ở lại quê để “hương khói tổ tiên”. Mẹ tôi sẽ tìm cách trở về làng “đánh tháo” đứa con này của mình, cha tôi sẽ đạo diễn “chiến dịch” ly kỳ ấy, vì không chịu được cảnh “cứ xới cơm lên là mẹ lại khóc vì mất con”.
Cuộc “bắt cóc” đứa con trai được thực hiện đúng ngày lễ Đức Mẹ lên Trời, bổn mạng của Giáo Họ, mọi người vui vẻ tham gia cuộc rước kiệu, ông Nội tôi mải mê đọc kinh đi theo kiệu, anh tôi thoát ra sau mật lệnh của thím út, hai mẹ con gặp nhau ở bãi tha ma rồi cắm đầu chạy. Cuộc đào thoát diễn ra ban đêm, hai mẹ con băng qua các cánh đồng chứ không dám chạy trên mặt lộ sợ bị bắt lại. Khi đến được nơi an toàn là bến đò, hai mẹ con xuống núp ở một canô chở chiếu đi buôn. Lúc này mẹ tôi mới phát hiện ra túi bánh kẹo cha tôi mua, dặn trao cho thím út mang về làm quà cho mọi người, vẫn còn đeo nguyên bên người… Sau này, năm 1975, các anh tôi phải đi tù cải tạo xa, nhiều tháng ngày không tin tức, một lần nữa mẹ tôi lại nhiều phen băng rừng tìm con, bà lồng lộn lên như con thú bị mất con, quyết tâm giành lại cho bằng được.
 
Di cư vào miền Nam rồi, ngày được tin ông Nội tôi mất, cả nhà bao trùm một bầu khí thê lương. Bố tôi ngồi rầu rĩ không nói gì, mấy ngày trôi qua trong im lặng đáng sợ, chỉ có tiếng thở dài của bố và của mẹ, thỉnh thoảng các chú tôi đến nhà, mấy anh em lại ngồi vò đầu thở dài với nhau. Mấy ngày sau bố tôi tổ chức phát tang rồi đi dâng lễ ở Nhà Thờ, tối tối đọc kinh trong nỗi buồn hiu hắt. Sau này nhờ Ủy Hội Quốc Tế, các danh thiếp liên lạc Bắc – Nam cho chúng tôi biết rõ hơn về cái chết của ông. Sau 30 tháng 4, chính cô tôi vào Nam kể lại nhiều chi tiết đau xót hơn nữa.
Ông tôi, một nông dân nghèo, sở hữu 2 công ruộng, bị xếp loại địa chủ lôi ra đầu tố. Cả cuộc đời chân lấm tay bùn, cày cấy trên chính mảnh ruộng của mình còn không đủ ăn lấy ruộng đâu ra mà cho tá điền làm thuê? Tính tình ông nhân hậu, cho người hàng xóm mượn vài yến thóc, thế cũng đủ là nguyên nhân để bị kết tội địa chủ. Người ta vin vào việc ông có thóc cho vay, chính người hàng xóm từng được vay thóc đã quay ngược lại vu cáo ông tôi, rồi mấy người trong xóm theo phong trào, nhảy dựng lên mà kể tội, bảo “lắm của nhiều bạc nên mới phè phỡn sáng chiều chỉ mỗi một việc đến nhà thờ đọc kinh”!?!
 
 
Tòa Án Nhân Dân quyết định xử tử hình ông tôi. Đêm trước ngày thi hành án, cô tôi nắm một nắm cơm bò vào sân đình nơi nhốt ông tôi để ông ăn đỡ đói, khi bò vào đến nơi trói ông tôi, sờ vào người thì ông tôi đã mất rồi, người cứng đờ không còn biết gì nữa, cô tôi sợ quá không dám phản ứng gì, lẳng lặng bò ra. Hôm sau họ đem xác ông ra vùi ngoài bãi tha ma, đến con ruột cũng không dám thắp nén hương cho bố, mãi sau này mới đem cải táng về chung trong lăng mộ của gia tộc.
Cũng sau năm 75, người hàng xóm từng cầm đầu đám đông đứng lên đấu tố ông tôi tìm vào Nam, ông ta tìm đến thăm gia đình tôi và ngỏ lời xin lỗi, cha tôi lẳng lặng không một lời trách cứ. Sau bữa cơm mời khách, cha tôi bảo mẹ tôi cho họ ít tiền xe.
Khách về rồi, cha mẹ tôi bùng nổ xung đột, khi có khách bà nhịn không nói, khách đi rồi, bà bảo sao lại có thể dọn cơm đãi đằng kẻ đã vô ơn bất nghĩa, đã góp phần làm hại cha của mình cơ chứ. Cha tôi vẫn không một lời, gương mặt ông hằn lên nỗi đau khổ. Sau này khi ông đau nặng, những ngày tôi kề cận bên ông, nghe ông tâm sự, tôi mới hiểu ông bị dằn vặt về tội bất hiếu, đã vắng mặt trong những ngày khốn khổ của cha mình.
 
Không ai có thể đo được sự tàn phá của một chính sách tàn ác và sai lầm, nỗi đau len lỏi vào tận từng tâm hồn con người nạn nhân, di chứng đến nhiều thế hệ. Cái cách thi hành chính sách “cải cách ruộng đất” làm sụp đổ cả một hệ thống đạo đức xã hội, phá tan tình làng nghĩa xóm, gia đình anh em họ hàng ruột thịt, nó cắt nghĩa tại sao tội ác về sau này sẽ hoành hành hung tợn, con người sẽ chém giết nhau không gớm tay.
 
Người tin vào Chúa đứng trước thách đố vô cùng to lớn, nếu thật sự vững tin vào Chúa, phải chứng minh được rằng Tin Mừng có sức hàn gắn, chữa lành và thay đổi mọi sự. Mỗi người tùy theo lương tâm mách bảo mà dấn thân cho sự sống của dân tộc mình, dấn thân để không chỉ mang lại sự sống, nhưng còn là Sự Sống dồi dào bất diệt (x. Ga 10, 10).
 
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 13.9.2014
 

 

Mẹ tôi trong Cải cách ruộng đất

 
Năm cải cách ruộng đất ở làng tôi sau tết 1956-1957, là đợt long trời lở đất cuối cùng của cuộc tắm máu, trời rất rét, nạn rận chấy hành hạ dân chúng khủng khiếp hơn bao giờ, có nguy cơ chết vì rận chấy nhiều hơn là chết vì đảng bác xử bắn oan, (xử bắn, đấu tố toàn người tốt, người nghèo bị quy oan do số phần trăm đảng đội áp đặt lên từng làng từng xã). Nếu không có nạn rận chấy năm đau thương khốn khổ tột cùng ấy, có lẽ ba mẹ con tôi đã chết đói (bố tôi đang bị đảng - đội bắt giam tội địa chủ) vì không có hạt gạo nào để nấu cháo...

Các bạn biết tôi hành nghề gì để cứu đói cả nhà trong khi mới chỉ 10 tuổi đầu? Tôi làm nghề bắt rận thuê cho các gia đình cán bộ và gia đình ông bà ông nông dân bần cố vừa được chia của từ gia đình phú nông địa chủ. Chẳng là khi đi qua nhà đứa bạn gái cùng học vỡ lòng - con ông đội trưởng xóm tôi, thấy nó đang ngồi bắt rận, nó hét lên sợ hãi vì rận bám đầy quần áo nhà nó. Thấy tôi đi qua, nó bảo: thằng con địa chủ Hiền kia, mày vào bắt rận giúp tao, tao bảo bố tao cho mày bò gạo về ăn cho khỏi chết đói...Tôi hăng tiết, bắt rận giúp nó nhanh hơn khỉ, bắt được con nào cũng cho vào miệng cắn cái bép, khiến môi tôi đỏ như ăn trầu. Tôi bắt một buổi sáng hết sạch rận trong đống áo quần hôi như cú của con gái nhà ông cán bộ… Gia đình ông trưởng xóm cho tôi đúng một bò gạo vì công bắt rận tài ba. Tôi mơ ước làm giàu bằng nghề bắt rận. Cầm tí gạo gói trong lá khoai ngứa, đi qua nhà thờ, tôi quỳ xuống làm dấu thánh giá xin với Chúa và Đức Mẹ rằng: con cám ơn Chúa và mẹ Maria, con xin Chúa ban cho làng con, xã con, tỉnh con, nước con mãi mãi tràn ngập rận chấy để con làm giàu bằng nghề bắt rận thuê. Cứ như vậy, thiên tài bắt rận thuê của tôi vang lừng thôn xóm. Ngày nào tôi cũng kiếm được gạo, một hay hai bò (bơ, lon) gạo về nấu cháo cho mẹ và hai em ăn khỏi chết đói...

Hôm đó khoảng gần 12 giờ trưa tôi về nhà sau khi đã được trả công gần hai lon gạo vì bắt rận thuê cho hai gia đình cán bộ thôn thì nghe nhà tôi có biến. Đám người bần cố nông quá đông đúc kéo đến nhà tôi dỡ nhà, dỡ bếp bởi họ được đội cải cách chia cho mọi tài sản trong nhà tôi từ cái thìa cái đũa đến cái bát, cái mâm, cái nồi con dao cái thớt... Tôi khiếp đảm thấy mẹ tôi vừa khóc vừa chửi bọn chúng và hai tay cầm hai con dao bầu nhọn hoắt đang xông vào đâm ông Xoan, ông Chúc (hai ông bần cố nông này được chia cái nhà chính của ông nội tôi đã di cư để lại), hai ông tí chết vì hai nhát dao đâm sẩy của mẹ tôi. Hình như mẹ tôi điên rồi, vừa chửi vừa quyết sống mái với bọn đến dỡ nhà cướp của. Mẹ tôi vừa khóc vừa dứ dứ hai con dao quyết lao vào đâm bọn dỡ nhà, khiến một tên vừa leo lên mái sợ quá đã ngã xuống gãy chân. May mà có mấy người bà con hàng xóm đến hỗ trợ mẹ tôi. Tôi bỏ gói gạo trong lá khoai xuống đất, hai tay cầm hai cục gạch đứng bên mẹ nói: tao thề chết bảo vệ mẹ tao, chúng mày ác Chúa phạt liền đó, thấy chưa, ngã xuống đất gãy chân kìa… Mẹ tôi lên cơn rồi, bà quyết sống chết bảo vệ căn nhà chính mà không đủ sức bảo vệ cái bếp đang bị mấy người bần cố nông khác dỡ mất, phá cướp sạch rồi…
Mẹ tôi vừa khóc vừa múa dao kể rằng: bớ bọn ác nhân kia, bố chồng tao đêm nào cũng đi cất vó, ngày nào cũng ra đồng cày bừa với ông Mục cày thuê cho hai mẫu ruộng sao địa chủ được. Chúng mày cứ xông vào cướp, xông vào dỡ nhà đi, tao sẽ đâm chết hết chúng mày rồi có bị Hồ chủ tịch cắt lưỡi, xẻo vú cũng cam lòng… Nào thằng kia, con kia, leo lên mái nhà thử coi, tao đâm chết ngay thằng Xoan, thằng Chúc liền này…

Lão Xoan, lão Chúc gọi dân quân đến với súng ống lên đạn cạch cạch nghe chết khiếp… Tôi nghĩ phen này chúng nó bắn mẹ mình rồi, hai tay tôi vẫn cầm hai cục gạch chạy đến đứng trước bụng mẹ. May mà có ông Bính bí thư làng (người chuyên làm nghề ăn trộm ăn cắp) đến kịp nói nhỏ vào tai lão Thảnh đội trưởng đội dân quân một lúc thì đội dân quân du kích rút đi… Sau này mới biết ông Bính (người từng mê mẹ tôi khi mẹ chưa lấy bố tôi) nói với dân quân rằng: “Nhà thằng Ký Sinh (ông nội tôi đã di cư) và con là thằng Hiền chồng con điên kia đã nằm trong danh sách sửa sai xuống thành phần…”
Lão Xoan lão Chúc hai tên bần cố nông chuyên ăn trộm thấy tình thế không thể dỡ nhà mang đi được vì sợ con mẹ điên cầm dao đang quyết đâm chúng nếu không có mấy bà con giữ tay can gián, bèn lủi mất… Mẹ tôi gục xuống đống gạch vụn của căn bếp ba gian vừa bị chúng cướp phá dỡ mang đi từ hòn gạch, khóc rồi ngất luôn, không còn thời gian đâu ra ngăn bà Y đang phá cổng nhà tôi lấy gạch…

Chiều đó, mẹ tôi vẫn phải ra đồng bắt cá về cho ba đứa con ăn với cháo do thằng Hảo bắt rận thuê mà có được tí gạo. Khi mẹ về, giỏ cá đã mất, vì bị bọn ông bà ông nông dân chăn trâu cướp mất giỏ cá, lại bị chúng dùng roi trâu quất lên mặt mẹ ba con lươn đỏ như máu bởi mẹ quên khoanh tay cúi chào, bọn trẻ trâu đang cưỡi trâu trên đường theo quy định của đảng – bác – đội rằng: con vợ địa chủ Hiền, con dâu địa chủ đại gian đại ác Ký Sinh đã theo giặc vào Nam kính chào kính lạy ông bà ông nông dân cưỡi trâu ạ…

Chuyện về mẹ tôi còn dài, viết một cuốn tiểu thuyết về bà cũng không hết, kỳ sau xin kể tiếp…

Sài Gòn 14.09.2014
Trần Mạnh Hảo

 

Đăng ngày 24 tháng 09.2014