banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

“Giai cấp mới” tại Việt Nam

Trần Trung Đạo

Milovan Djilas là nhà nghiên cứu lý thuyết CS và từng là ủy viên Bộ Chính Trị đảng CS Nam Tư, Phó Chủ Tịch Nhà Nước CS Nam Tư, Chủ Tịch Quốc Hội CS Nam Tư. Sau khi phản tỉnh ông viết trong tác phẩm Giai Cấp Mới: Một Phân Tích Về Hệ Thống Cộng Sản xuất bản năm 1957 như sau:
“Trong một thời gian dài, đảng CS cố tình che giấu bản chất của mình. Quá trình hình thành của giai cấp mới không chỉ được che đậy bằng những thuật ngữ xã hội chủ nghĩa mà quan trọng hơn bằng hình thức sở hữu mới, sở hữu tập thể. …Bản chất giai cấp của hình thức sở hữu này được che đậy bằng bình phong quyền lợi của toàn dân tộc. “ (Theo Tủ sách Talawas, Phạm Minh Ngọc dịch theo bản tiếng Nga, 2005)
Cũng trong tác phẩm Giai Cấp Mới,  Milovan Djilas viết:  “Năm 1936, nhân dịp công bố Hiến pháp mới, Stalin tuyên bố rằng ở Liên Xô đã không còn giai cấp bóc lột, nhưng trên thực tế người ta không chỉ thực hiện xong quá trình thủ tiêu các nhà tư sản và các giai cấp khác của chế độ cũ mà còn thiết lập một giai cấp hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử.”
Nhưng câu này của Milovan Djilas mới là chí lý: “ Các lãnh đạo Cộng sản xử lý tài sản quốc gia như của riêng họ, nhưng đồng thời họ cũng lãng phí nó như thể nó là của người khác.” (Theo quote.org)
Thời gian dài trôi qua từ khi tác phẩm ra đời nhưng bản chất của chế độ CS tại năm nước CS còn lại, trong đó có Việt Nam, vẫn đúng như Milovan Djilas nhận xét.
Chiến tranh Việt Nam chấm dứt gần nửa thế kỷ nhưng sự tiêu pha và lãng phí của giai cấp thống trị đã làm cho Việt Nam, một đất nước nhiều tiềm năng, thành là một nước nghèo so với tiêu chuẩn phát triển chung của thế giới.
Trong suốt 47 năm qua, các thế hệ Việt Nam đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để nuôi dưỡng một giai cấp thống trị hoàn toàn không làm một việc gì hữu ích cho xã hội ngoài hút máu dân tộc Việt.
Như nhiều người biết hôm nay, dưới chế độ CS, khái niệm “nhân dân làm chủ” chỉ là một chiếc bình phong để  giai cấp  của những kẻ thống trị, có toàn quyền xử dụng tài sản của đất nước như của chính mình, cũng như có toàn quyền lãng phí tài sản đất nước như không phải của mình.

Những nhận định của Milovan Djilas có thể áp dụng vào hai trường hợp mới vừa xảy ra, Nguyễn Thị Phương Thảo tặng 155 triệu bảng Anh và Tô Lâm ăn bò bít-tết ở nhà hàng của đầu bếp Thổ Nhĩ Kỳ Nusret Gökçe.


Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Như các báo loan tin, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, tỉ phú Việt Nam, đồng ý tặng 155 triệu bảng Anh cho Linacre College, một trường nhỏ thuộc hệ thống Đại Học Oxford. Theo thông báo của trường, với số tiền lớn được tặng, ngôi trường đang mang tên học giả nổi tiếng Thomas Linacre có thể sớm đổi thành Thao College. Một số học giả Anh như giáo sư Đại Học Oxford Marie Kawthar Daouda phê bình ý định đổi tên trường từ Linacre sang Thao với lý do Thomas Linacre là học giả nổi tiếng trong thời đại ông và không nên thay chỉ vì một thương gia cho nhiều tiền.
Việc tặng tiền cho một đại học là một nghĩa cử quen thuộc của những người giàu tại Mỹ, Anh cũng như các nước Tây Phương. Các tỉ phú Mỹ thường tặng tiền cho đại học, nhất là những trường mà họ xuất thân. Năm 2018, Michael Bloomberg tặng 1.8 tỉ dollar cho đại học Johns Hopkins tại Maryland.
Điểm khác nhau chính là các tỉ phú Anh, Mỹ sinh ra và làm giàu trên một đất nước vốn đã giàu hàng đầu thế giới trong mọi lãnh vực, nhất là giáo dục. Theo The Center for World University Rankings  trong số 20 trường đại học tốt nhất thế giới có 17 trường là Mỹ, 2 là Anh và 1 là Nhật. Dò mỏi mắt xuống hạng 1,000 trường đại học được tổ chức này quan sát cũng không có một trường đại học Việt Nam nào.
Theo cách lý giải và hành xử của một người bình thường nếu bạn có lòng vị tha để tặng thì bạn nên tặng cho những nơi thiếu thốn nhất, cho những người cần nhất. Giá trị và tác dụng của món quà nhờ đó sẽ cao hơn và ý nghĩa hơn là tặng cho những nơi đang đầy đủ.
Mấy hôm nay, một làn sóng bất mãn, phê bình, mỉa mai, châm biếm bà Thảo đã “làm chuyện ngược đời”, “gánh củi về rừng”, “mua danh” v.v... Những người phê bình còn đưa ra những hình ảnh đau lòng của các em học sinh phải đu dây qua sông, bơi qua những khe nước chảy xiết, lội qua những con suối đầy đá nhọn để đến trường như một cách nhắc nhở cho bà Thảo thấy sự khác nhau giữa thực tế bi thảm của đất nước đã sinh ra bà và nền giáo dục hiện đại của Anh.
Họ cho rằng lẽ ra bà Thảo nên dùng số tiền đó để xây những chiếc cầu, lẽ ra bà Thảo nên dùng số tiền đó để dựng trường học, lẽ ra bà Thảo nên dùng số tiền đó để cấp học bổng cho sinh viên học sinh nghèo và nhiều “lẽ ra” khác.
Những người phê bình bà Thảo tưởng là bà không biết. Không, chắc chắn bà đã thấy và đã biết nhưng thấy là một chuyện, biết là một chuyện, cảm thông với sự chịu đựng của nhiều triệu tuổi thơ Việt Nam nghèo khó hay không là chuyện khác.
Là một tỉ phú, bà Thảo không muốn tên tuổi của mình gắn liền với một trường đại học dù lớn nhất Việt Nam nhưng vô danh trên thế giới.

Tướng Công An CSVN Tô Lâm ăn thịt bò bít-tếch dát vàng
Chuyện bà Thảo chưa xong. Hôm 3 tháng 11 vừa qua các mạng internet chuyền nhau video tướng Công An CSVN Tô Lâm ăn thịt bò bít-tếch dát vàng trị giá hơn một ngàn dollar. Nhìn cảnh Tô Lâm há miệng to cho đầu bếp nhà hàng Salt Bae hay còn gọi "Thánh rắc muối" đút miếng thịt bò trông vô cùng kệch cỡm, ghê tởm làm sao.

Ăn thịt là chuyện bình thường nhưng nhìn Tô Lâm ăn khó mà không tưởng tượng cảnh thú vật ăn thịt nhau trong phim động vật hoang dã. Đừng nói chi đang đại diện cho một nhà nước tại nước ngoài, một người lịch sự và tự trọng thường không làm vậy trong nhà hàng với nhiều thực khách chung quanh.  
Những người Việt giận dữ lại lần nữa trưng bày những hình ảnh đau thương của hàng triệu người Việt tìm đường về quê tránh dịch với những cảnh chết chóc, đói khát, cực khổ không bút mực nào tả hết như một cách nhắc nhở Tô Lâm về thực trạng Việt Nam.
Theo họ, lẽ ra Tô Lâm nên biết ngay trong giờ phút ông đang  ăn nhiều triệu người dân không có một chén cơm trắng để ăn, lẽ ra Tô Lâm nên biết trên cả nước nhiều người vẫn còn chết hay đang chờ chết vì nạn dịch, lẽ ra Tô Lâm nên biết hàng triệu trẻ thơ Việt Nam đang thiếu sữa trong tháng Mười lũ lụt này, và lẽ ra Tô Lâm không nên rắc muối lên vết thương của họ như anh chàng đầu bếp rắc lên miếng thịt bò mà Tô Lâm đang nuốt.
Chắc chắn là Tô Lâm đã thấy và đã biết nhưng giống như bà Phương Thảo, thấy là một chuyện, biết là một chuyện, cảm thông với sự chịu đựng của đồng bào hay không là chuyện khác.

Milovan Djilas viết về bản chất, nguồn gốc lịch sử hình thành nên giai cấp mới, nhưng ông có thể đã sót một đặc điểm quan trọng, “giai cấp mới” còn gồm những con người ích kỷ, vô lương tâm và vô cảm.
Lấy Trung Cộng, nước CS đàn anh của CSVN làm ví dụ cho chính xác với điều kiện kinh tế. Bản chất giai cấp là lý do Trung Cộng mặc dù có nhiều tỉ phú hạng thứ hai trên thế giới sau Mỹ nhưng là nước được tổ chức Charities Aid Foundation xếp vào hạng ích kỷ nhất thế giới trong nhiều năm.
Năm 2019, Trung Cộng đứng hàng 126 trong số 126 quốc gia được tổ chức quốc tế này quan sát. Charities Aid Foundation kết luận “Trung Quốc là quốc gia duy nhất đứng hạng tệ hại nhất trong cả ba tiêu chuẩn gồm tình nguyện, giúp đỡ người khác và đóng góp hiện kim.” Trung Cộng còn đứng sau cả Congo, Palestine, Yemen, những dân tộc triền miên trong chiến tranh và nghèo khó.
Nguyễn Thị Phương Thảo là sản phẩm của ý thức hệ CS nên đừng trách tại sao bà không rộng lượng với đồng bào mình mà dùng tiền đi mua danh một cách kệch cỡm đáng khinh.
Hôm qua, 6 tháng 11, 2021, tờ Daily Mail của Anh tố cáo bà  Nguyễn Thị Phương Thảo và chồng không chỉ cấu kết với giới lãnh đạo của “chế độ CSVN thô bạo” mà còn có quan hệ với cả chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.
Những đồng bạc, dù một đồng hay một tỉ, có được do cấu kết với những kẻ gây nên tội ác chống lại con người trong trường hợp này là đảng CSVN, sẽ không được xem là đồng tiền chính đáng.
Đặc tính không chính đáng của đồng tiền thể hiện rất rõ nét và rất dễ nhận ra tại Việt Nam. Hãy nhìn vào những biệt thự nguy nga mà “giai cấp mới” này sống so với những túp lều không vách của đại đa số trong 97 triệu người dân để thấy khoảng cách trời vực giữa hai tầng lớp người trong cùng một đất nước. Một chính phủ có 110 thứ trưởng, 201 phó chủ tịch tỉnh và hàng ngàn vụ trưởng. Mục đích của bộ máy hành chánh cồng kềnh này chẳng qua là để hợp thức hóa vai trò của các cán bộ đảng, để qua đó chúng được chính thức lãnh lương, chính thức ăn hối lộ, chính thức tham ô và tham nhũng.
Tham nhũng dưới chế độ CS không phải phát xuất từ bản chất tham lam của một số người ở đâu cũng có thể có. Tham nhũng tại Việt Nam có tính đảng vì chính đảng CS tạo môi trường cho tham nhũng sinh sôi, nuôi dưỡng tham nhũng lớn và tạo điều kiện để tham nhũng hoành hành.

Đối diện với tầng lớp cai trị, bộ máy tuyên truyền và bạo lực trấn áp khủng khiếp và thường trực của chế độ CS đã biến phần lớn trong số 97 triệu người Việt còn lại thành một tầng lớp chỉ biết phục tùng.
Sự chịu đựng của nhiều triệu đồng bào trong mùa dịch vượt qua ngoài định nghĩa của khổ đau, bất hạnh và sợ hãi. Dù “mắc kẹt” ở Sài Gòn hay tìm cách về quê họ đều phải đối phó với những khó khăn chưa từng có trong đời.
Nhưng khác với Đông Âu trước đây hay Cu Ba mới đây, không có cuộc biểu tình nào ở Sài Gòn, không có chống đối nào trên đường đi dù có người phải đi bộ 500 cây số hay như anh thợ hồ Hồ Tám đi bộ 1000 cây số  từ Trà Vinh để về Huế trên vai vỏn vẹn một thùng mì gói.
Họ không bao dung nhưng đã mất hết khả năng chống đối. Trời hành họ còn biết kêu trời nhưng đảng hành thì không ai dám kêu đảng. Nhà tù đang chờ họ. Trấn áp đang chờ họ. Chết đói, chết khát đang chờ họ. Bộ máy kìm kẹp của đảng CS siết chặt đến mức làm tê liệt ý thức phản kháng của con người. Họ lầm lũi đi như đoàn nô lệ da đen sau nội chiến Mỹ đi tìm một nơi để gọi quê hương.
Hàng triệu người dân hôm nay có thể đã trở về trong căn nhà trơ trọi và bên ngoài mùa mưa đang đến, nước lụt đang dâng. Họ sẽ sống ra sao trong những ngày tháng tới. Có tiếng than, tiếng khóc nửa đêm nhưng tuyệt nhiên không có tiếng trả lời hay an ủi.
Nhưng một mai, khi đại dịch qua đi, những người dân bất hạnh kia lại sẽ vào thành phố tìm đường sống vì không còn gì để sống trên nơi chôn nhau cắt rốn. Và cứ thế, cuộc đời của tầng lớp người bị trị tại Việt Nam sẽ bị vùi dập trong trầm luân thống khổ cho đến chết.
Trước nỗi bất hạnh của dân tộc Việt, ai là người biết đau và ai sẽ là người biết nhục? Nguyễn Thị Phương Thảo ư? Tô Lâm ư? Không. Nếu biết đau và biết nhục bà Thảo đã không đem tiền để mua cái tên trường ở một đất nước xa xôi bỏ mặc cho nhiều triệu trẻ em Việt sống trong những điều kiện học hành tệ hại nhất thế giới. Nếu biết đau và biết nhục, ông Lâm đã không há miệng to để được đút ăn trong lúc một phần không nhỏ của đất nước không có ngay cả gói mì để ăn.

Những người biết nhục không phải Nguyễn Thị Phương Thảo, Tô Lâm, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc mà là những con người Việt còn có một lương tâm Việt Nam dù ở ngoài guồng máy hay vì lý do riêng phải tạm thời ở trong guồng máy.
Cách mạng dân chủ tại các nước cựu CS cho thấy, chính những người biết đau và biết nhục đã làm thay đổi vận mệnh đất nước họ. Khác nhau về thời gian và thời điểm nhưng Việt Nam cũng vậy. Lịch sử Việt Nam đã chứng minh nhiều lần trong hoàn cảnh dù đen tối bao nhiêu vẫn còn có những người biết đau và biết nhục. Lần nữa trong tương lai, chính những người biết đau và biết nhục sẽ thay đổi vận mệnh Việt Nam.
Trần Trung Đạo


Người Việt Tự Do có nên

tự nhận mình là "bên thua cuộc"?

Trần Trung Đạo

Lý luận cần thiết nếu không muốn nói là quyết định. Một người đi lạc trong rừng không có đầu óc lý luận để biết việc gì nên làm trước và việc gì nên làm sau có thể phải chết trong rừng già.
Mục tiêu trước mắt của người đi lạc là tồn tại chứ không phải là ra khỏi khu rừng. Do đó, việc nên làm trước là bình tĩnh đi tìm chung quanh mình một con suối hay ít nhất một khe nước thay vì hoảng sợ chạy tứ tung để tìm một lối thoát cho đến khi tuyệt vọng quỵ xuống và chết trong đói khát.
Một nhận xét tôi thường gặp trên Facebook “Nói hoài, nói mãi, vấn đề là làm gì”. Người viết nhận xét đó thật ra không có ý khinh thường hay nặng lời với các tác giả cặm cụi suốt ngày đọc và viết nhưng chứng tỏ tâm lý thất vọng trước các vấn nạn của đất nước.
Lý luận bắt đầu từ những khái niệm căn bản.
Qua trung gian bạn bè tôi biết đến tác phẩm “Bên Thắng Cuộc” khá sớm. Khi chưa đọc, một người bạn hỏi tôi về cái tựa sách. Tôi nhớ mình đã trả lời “Không thích lắm vì có vẻ hụt hẫng, phải chi có thêm vài chữ để chỉ rõ hơn nội dung mà tác phẩm tập trung vào, “Bên thắng cuộc” thôi tổng quát quá.” Nhưng sau khi sách phát hành, đọc và thấy có thêm hai tiểu đề “giải phóng” và “quyền bính” đánh dấu mốc thời gian và chỉ rõ nội dung hơn, tôi nghĩ khác về tựa sách. Đảng CSVN đúng là “bên thắng cuộc”.
Lịch sử đảng CSVN chứng minh CS hóa miền Nam là cuộc cờ, là canh bạc của đời họ.  Các thế hệ lãnh đạo CS trước chiến tranh, trong chiến tranh và ngay bây giờ đều xem dải đất hình cong chữ S là một bàn cờ. Duy trì quyền lực đảng là tối thượng và tất cả nỗ lực, mọi hoạt động đều nhằm phục vụ cho các mục đích thắng cuộc cờ của đảng.
Từ 1930 đến nay, đảng CS đưa ra nhiều văn bản chỉ đạo từ Luận Cương (10-1930) đến Chính Cương của Đảng Lao Động Việt Nam (2-1951),  Cương Lĩnh Xây Dựng Đất Nước Trong Thời Kỳ Quá Độ Lên  Chủ Nghĩa Xã Hội (6-1991) và các văn bản khác nhưng nội dung vẫn thống nhất. Đảng CS đã, đang và sẽ làm tất cả những gì cần để bảo vệ cho được quyền cai trị của đảng.
Sau hiệp định Geneva, nếu có tổng tuyển cử thì tốt. Họ sẽ chiếm miền Nam không cần súng đạn. Nếu không có tổng tuyển cử cũng không sao. Họ vẫn chiếm miền Nam nhưng bằng xương máu Việt Nam và súng đạn Nga, Tàu. Dù qua phương cách tuyên truyền, gian lận hay phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, mục tiêu toàn trị vẫn không thay đổi.  
Đương đầu với Mỹ, một cường quốc dư thừa bom đạn, các lãnh tụ CS biết  nhiều triệu người Việt sẽ phải chết, viễn ảnh một Việt Nam nghèo nàn thua sút phần lớn nhân loại có thể phải xảy ra. Biết thì biết nhưng đảng không hề bận tâm. Không có văn bản nào cho thấy các lãnh đạo CS đặt số phận 20 triệu dân miền Nam lên bàn tính. Khi cần có đàn anh bảo bọc, đảng bán nước không một chút đắn đo. Năm 1958, Mao Trạch Đông chưa chính thức mở miệng đòi Hoàng Sa, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và Bộ Chính Trị CSVN đã biết ý nên tặng trước để lấy lòng.
Trải qua nhiều thời kỳ, có khi đảng phải tự diễn biến để thích nghi với những đổi thay trên thế giới hay làm dịu lòng căm phẫn của người dân nhưng bộ máy công an, nhà tù, các biện pháp đàn áp, trừng phạt, các bản án dành cho những người chống lại các chính sách hà khắc của đảng CS không hề thay đổi.  
Năm 1990, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế bị kết án 20 năm tù vì đòi hỏi CSVN phải tôn trọng nhân quyền. Năm 2017, anh Lê Đình Lượng đòi hỏi CSVN tôn trọng nhân quyền nên bị kết án 20 tù. Hai mươi bảy năm nhưng giá một người Việt Nam yêu chuộng tự do phải trả không bớt được một ngày.
Ba chữ “đảng CS” khắc trong tim, hòa trong máu của các thế hệ lãnh đạo CSVN.
Không ai trong số 13 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng lên đoạn đầu đài ngày 17 tháng 6, 1930 tại Yên Báy đã hô “Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm”. Ngược lại, không ai trong số các lãnh tụ CS bị xử bắn tại Hóc Môn ngày 28 tháng 8 năm 1941 như Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến v.v.. đã hô “Việt Nam muôn năm.”
Báo đảng CS viết về cái chết của Võ Văn Tần, Bí thư Xứ Ủy Nam Kỳ thuộc đảng CS Đông Dương: “Trước lúc hy sinh, tất cả các đồng chí đã giật tung mảnh vải bịt mắt và hô vang khẩu hiệu: “Đảng Cộng Sản Đông Dương muôn năm”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm” (Cách mạng đây là cuộc cờ, canh bạc của đảng CS).
Báo đảng CS viết về cái chết của Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Thành Ủy Sài Gòn Chợ Lớn: “Sau khi Khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, bà bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị xử bắn tại Ngã ba Giồng, Hóc Môn ngày 26 tháng 8 năm 1941. Trước khi bị xử tử, bà đã khẳng khái lên án tội ác thực dân Pháp và hô to: "Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!", thể hiện tinh thần bất khuất, kiên trung của bà.”
Lê Hồng Phong không bị xử bắn. Ông ta bị bịnh và chết ngoài Côn Đảo. Trước khi qua đời, ông Phong không nhờ các bạn tù thắp nén hương trên mộ mẹ hay chào vĩnh biệt nơi chôn nhau cắt rốn, không, theo các báo đảng, ông nhắn nguyên văn thế này: “Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng: Tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng". (Cách mạng đây là cuộc cờ, canh bạc của đảng CS)
Di chúc Hồ Chí Minh, bản do đảng CSVN công bố có 22 chữ “đảng” và 1 chữ “dân tộc”.
Giống như Võ Văn Tần, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai và các lãnh tụ CS khác, Hồ Chí Minh sống là lãnh tụ CS và chết cũng về với các lãnh tụ CS khác: “Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.”
Tóm lại tất cả lãnh tụ CS chết vì bị xử tử, chết già, chết bịnh đều chỉ nghĩ tới đảng, không ai trong số họ nghĩ tới dân tộc Việt.
Nhưng sau khi tác phẩm “Bên Thắng Cuộc” được phát hành, một phong trào gồm những người dễ dãi bắt đầu dùng chữ “Bên Thua Cuộc” để chỉ phía Việt Nam Cộng Hòa nói riêng và khối người Việt yêu tự do nói chung.
Đảng CS tự đánh cuộc với chính họ.  Người Việt tự do không đánh cuộc nên không “thua cuộc” ai cả.
Dân tộc Việt Nam không ký vào Hiệp Định Geneva 1954. Đây là dây thòng lọng của các cường quốc quấn trên cổ dân tộc Việt. Dân tộc Việt phải chấp nhận để sống cho đến khi đủ lớn mạnh.
Sự phân cực tự do và CS sau Thế chiến Thứ Hai không chỉ diễn ra trong phạm vi ý thức hệ mà còn diễn ra về địa lý tại một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Không một người Việt Nam nào muốn đất nước phải chia đôi và lòng người ly tán, nhưng phải chấp nhận và thuận theo hướng đi của thời đại mà phát triển cho đến một cơ hội thích hợp để đoàn viên dân tộc.
Một lãnh đạo sáng suốt là lãnh đạo biết vận dụng chính sách đối ngoại của các cường quốc và đi theo hướng đi của thời đại.  
Konrad Adenauer của Đức là một chính trị gia yêu nước và thức thời. Mục đích trước mắt của Thủ tướng Adenauer sau 1945 không phải là thống nhất nước Đức mà xây dựng Tây Đức thành một quốc gia độc lập, dân chủ, có chủ quyền và một cường quốc được thế giới công nhận.
Chỉ 10 năm sau Thế Chiến thứ Hai, 1955, Cộng Hòa Liên Bang Đức (Tây Đức) trở thành hội viên của NATO hùng mạnh. Chỉ 12 năm sau Thế Chiến thứ Hai, 1957,  Tây Đức trở thành một trong những quốc gia  lãnh đạo của Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu.
Tương tự, Việt Nam Cộng Hòa không có ý định chiếm đoạt lãnh thổ miền Bắc hay lật đổ cơ chế CS miền Bắc. Chính phủ và nhân dân VNCH hoàn toàn không muốn chiến tranh. Sau một trăm năm chịu đựng không biết bao nhiêu đau khổ dưới ách thực dân, mục đích trước mắt của nhân dân miền Nam là có được cơm no, áo ấm, có được cuộc sống tự do và xây dựng miền Nam thành một nước cộng hòa hiện đại.
Dân chủ là một tiến trình chứ không phải là một cái máy cày hay máy xay lúa được nhập từ nước ngoài và xử dụng giống nhau dù ở Mỹ, Pháp hay Việt Nam.
Trong quá  trình xây dựng nền dân chủ, nước Mỹ đã phải hy sinh trên bảy trăm ngàn thanh niên trong Nội Chiến Hoa Kỳ 1861-1865. Miền Nam Việt Nam cũng có những vấn đề riêng của một quốc gia đang tìm cách vươn lên sau thời kỳ bị lệ thuộc quá dài. Tuy nhiên, đó là chuyện riêng của VNCH, không dính líu hay liên can gì đến chế độ CS ở miền Bắc.
Nhưng đảng CS không tha.
Tháng 5, 1959, Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động (CS) sau khi biết rằng việc chiếm miền Nam bằng phương tiện chính trị không thành, đã quyết định đánh chiếm miền Nam bằng võ lực dù phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” như Hồ Chí Minh nói. Gần hết đồng bào miền Bắc bị đảng lừa vào cuộc chiến “giải phóng dân tộc” và hàng triệu người đã uống phải viên thuốc độc bọc đường “chống Mỹ cứu nước” nên bỏ thây trên khắp hai miền.

Suốt 20 năm, quân dân miền Nam đã phải chiến đấu trong cuộc chiến tự vệ mà họ không chọn lựa. Miền Nam Việt Nam là nạn nhân của đảng CSVN chứ không “thua cuộc”.
Hàng ngàn người dân vô tội chết ở Huế trong Tết Mậu Thân không “thua cuộc” với ai cả, họ chết vì bị chôn, trong nhiều trường hợp bị chôn sống.
Các em bé chết trong tay mẹ ở nhà hàng Mỹ Cảnh không “thua cuộc” với ai cả, các em bị giết bằng bom của đặc công CS tối 25, tháng 6, 1965.
Những em bé học sinh tuổi mới lên mười ở trường tiểu học Cai Lậy, Định Tường  không “thua cuộc” với ai cả, các em chết oan ức vì đạn pháo kích sáng ngày 9 tháng 3, 1974.
Những bà mẹ che đạn cho con bằng chiếc nón lá và những bà mẹ gánh con chạy giặc trên “Đại Lộ Kinh Hoàng” 1972 không “thua cuộc” với ai cả, nước mắt của các mẹ là máu chảy nhiều năm.   
Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia bị CS cưỡng chiếm và một ngày sẽ được phục hồi.
Ngày phục hồi không chỉ Miền Nam thôi mà cả nước Việt Nam sẽ yên vui dưới chế độ Cộng Hòa.

Trần Trung Đạo
https://www.facebook.com/trantrungdao

 

Đăng ngày 12 tháng 11.2021