VƯƠNG QUỐC NAM KỲ
Trần Khánh
... Lấy mốc thời gian từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa (1558) cho đến Bảo Đại thoái vị (8-1945), tính ra họ Nguyễn vừa làm chúa vừa làm vua được 387 năm (kể luôn dưới thời Tây Sơn 1788-1801), thời đó Nguyễn Ánh cũng cùng lúc mưu đồ đại sự. Triều Nguyễn là một triều đại trị vì lâu dài nhứt nước Việt Nam (trừ họ Hồng Bàng với 18 vua Hùng theo truyền thuyết).
Với chín đời chúa Nguyễn (1558-1777) và 13 đời vua Nguyễn (1802-1945), 22 đời vua chúa đó đã có những vị khai sáng có công to, đức độ, tài trí, thông minh, cũng có vị bất tài, đưa dân nước đến đói khổ lầm than, giặc giã..., nói chung thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy..., có phá có xây, có suy có thịnh...
Nói cho cùng không có chúa Nguyễn chắc là không có miền Nam từ Thuận Quảng tới mũi Cà Mau ngày nay và cũng không có các di sản văn hóa nhân loại mang bản sắc Việt Nam qua kinh thành, đền đài, lăng tẩm để lại cho người sau đến bây giờ...
Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, tác giả xin tóm lược phần chín chúa Nguyễn qua tiểu sử và đặc điểm của họ vì qua các đời chúa này, Nam Kỳ đã hoàn toàn là phần lãnh thổ Việt Nam.
1. Nguyễn Hoàng
Tôn xưng là chúa Tiên, sanh ngày 28-8-1525, con thứ ba của Nguyễn Kim là người có công giúp nhà Lê trung hưng, bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất thuốc chết năm 1545, nên quyền bính (phò Lê) thuộc về con rể là Trịnh Kiểm chồng của Ngọc Bảo. Trịnh Kiểm lo sợ hai người con trai (anh vợ) thay quyền cha kế tục sự nghiệp lâu dài nên giết Nguyễn Uông. Thấy anh bị giết, Nguyễn Hoàng giả điên cùng cậu ruột là Nguyễn Ư Dĩ tìm ra Hải Dương vấn kế Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được Trạng khuyên một cách bóng gió: "Hoành Sơn nhất đái, Vạn đại dung thân" (Một dãy Hoành Sơn có thể dung thân đến muôn đời).
Lãnh hội lời nói sâu xa của Trạng, Nguyễn Hoàng nhờ chị là Ngọc Bảo xin với anh rể là Trịnh Kiểm vào trấn đất Thuận Hóa là nơi hiểm địa, lưu đài nên Trịnh Kiểm chấp thuận.
Được lệnh cho đi trấn nhậm (1558), Nguyễn Hoàng cùng tòng dong, nghĩa dõng ở Tống Sơn lên thuyền xuôi Nam, qua miền Thanh Nghệ Tỉnh, nhiều người mang bầu đoàn thê tử xin theo, cùng đi có các danh thần như Tống Phước Trị, Mạc Cảnh Huống, Nguyễn Ư Dĩ...
Đoàn người đổ bộ lên Cửa Việt, dựng dinh cơ ở Ái Tử (kho Cây Khế) thuộc quận Đăng Xương Quảng Trị.
Với chí lớn, mưu đồ đại sự Nguyễn Hoàng chiêu hiền đãi sĩ, thu phục nhân tâm nên lòng người mến phục... Dân chúng tôn xưng ông là chúa Tiên hay Tiên chủ. Năm 1570, chúa Tiên được vua Lê giao thêm trấn thủ Quảng Nam, Nguyễn Hoàng cho dời dinh vào làng Trà Bát (Cát Dinh) thuộc huyện Đăng Xương.
Năm 1572 tướng Lập Bảo của nhà Mạc theo đường biển đem quân vào đóng ở Hồ Xá, làng Lang Uyển Quảng Trị, định triệt hạ Thuận Quảng của Nguyễn Hoàng. Chúa Tiên dùng mỹ nhân kế phá được kế hoạch, đánh tan quân nhà Mạc.
Năm 1593 chúa Nguyễn đem quân ra Đông Đô giúp Trịnh Tùng đánh dẹp dư đảng họ Mạc. Chúa Tiên lập được công to nên Trịnh Tùng lo ngại tìm cách ám hại. Biết ý định ông trốn về Thuận Hóa (1600). Đất Thuận Quảng chịu ảnh hưởng văn hóa Champa, người Chiêm Thành theo đạo Phật nên ông cho sửa sang và dựng thêm chùa. Năm 1602 sửa chùa Sùng Hóa ở Phú Vang, dựng chùa Long Hưng thuộc Duy Xuyên. Năm 1607 dựng chùa Bảo Châu ở Trà Kiệu, năm 1609 dựng chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch Quảng Bình. Quan trọng hơn hết là chúa Tiên xây chùa Thiên Mụ (Huế) năm 1601. Ngôi chùa lịch sử này có truyền thuyết dân gian cho rằng một hôm đi dạo xem hình thể núi sông, thấy giữa cánh đồng xã An Khê (Hương Trà) nổi lên một gò cao có dáng đầu rồng quay lại soi bóng xuống sông, chúa tìm người địa phương hỏi chuyện.
Người địa phương kể: "Gò ấy rất thiêng, có người nằm mộng thấy một bà lão áo đỏ quần xanh ngồi trên đỉnh gò dạy rằng: "Sẽ có một vị chân chúa đến lập nghiệp nơi đây để tụ khí thiêng cho bền long mạch". Nói xong bà lão biến mất. Vì thế gò này có tên là gò Thiên Mụ (Bà Trời). Nghe thế chúa nghĩ, chân chúa chính là mình nên cho xây chùa trên đó có tên là Thiên Mụ.
Chúa Tiên có 12 người con: 10 trai, hai gái.
Buộc phải hy sinh cho sự nghiệp, gia đình Đàng Trong phải chịu cảnh ly tán, éo le, đau đớn vì có những đứa con phản nghịch, hai con trai thứ 7 và thứ 8 tên Hiệp và Trạch can tội loạn quốc chánh bị tước tông tịch con cháu, hai người này phải đổi là Nguyễn Thuận. Để làm con tin, chúa Tiên phải cho con thứ 5 tên Hải cùng cháu nội tên Hán ở lại đất Bắc (nhóm này sau đổi ra Nguyễn Hựu) và con gái là Ngọc Tú gả cho Trịnh Tráng.
Năm 1613 biết mình không còn sống lâu thêm nữa nên triệu người con thứ 6 đang trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phước Nguyên ra cùng các cận thần, chúa Tiên di huấn: "Ta với các ngươi cùng nhau cam khổ đã lâu muốn dựng nên nghiệp lớn. Nay ta muốn để lại gánh nặng cho con ta, các ngươi nên cùng một lòng giúp đỡ cho thành công nghiệp và dạy Phước Nguyên "làm con phải hiếu, làm tôi phải trung". Anh em trước hết phải thương yêu nhau, con giữ được lời dặn dò đó, ta không còn gì ân hận nữa. Đất Thuận Quảng này phía bắc có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang, phía nam có các núi Hải Vân, thật là nơi để cho người anh hùng dụng võ. Vậy con phải thương yêu nhân dân, luyện tập quân sĩ để gây dựng cơ nghiệp muôn đời".
Chúa Tiên mất ngày 21-5-1613 thọ 89 tuổi, ở ngôi được 56 năm. Lăng Trường Cơ ở làng La Khê Hương Trà, miếu hiệu Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Đế, án thờ đặt ở gian giữa Thái miếu trong Đại nội.
2. Nguyễn Phước Nguyên
Có truyền thuyết bà Nguyễn Thị nằm mơ thấy chữ Phước rơi vào lòng và bà đã thụ thai sanh ra người con thứ 6 của chúa Tiên đặt tên Nguyễn Phước Nguyên. Phước Nguyên sanh ngày 16-8-1563, lúc đầu định đặt con tên Phước, nhưng bà nghĩ lại nếu đặt tên cho một người thì chỉ có một đời được hưởng phước thôi nên bà lấy chữ Phước làm chữ lót để cho nhiều đời được hưởng. Kể từ đó dòng họ chúa Nguyễn lấy Phước làm chữ lót.
Lên ngôi chúa lúc 50 tuổi, trước đã làm trấn thủ Quảng Nam hơn 10 năm. Chúa cho dựng chùa Long Hưng, Bữu Châu và đóng góp nhiều công đức cho Phật giáo nên được dân chúng tôn xưng là chúa Sãi, Phật chủ, Phật chúa.
Năm 1626, chúa cho dời dinh phủ đến xã Phước Yên Bác Vọng thuộc Quảng Điền, lo việc đắp thành lũy, diễn tập binh sĩ, voi ngựa, sai con trưởng là Phước Kỳ làm trấn thủ Quảng Nam.
Năm 1620, hai em của chúa là Phước Hiệp và Phước Trạch mật tấu với chúa Trịnh là anh mình muốn chống Bắc Hà xin quan quân vào trừng trị, hai người sẽ làm nội ứng. Nghe lời, chúa Trịnh sai Nguyễn Khải đem quân vào đánh. Chúa Sãi kịp thời phát giác bắt giam hai em phản phúc và diệt hết bè lũ. Nguyễn Khải đến cửa Nhật Lệ nghe tin dữ vội kéo quân về. Để hóa giải trong lúc Trịnh Tùng mất, Trịnh Tráng lên thay lập vợ là Ngọc Tú (em gái chúa Nguyễn) làm Tây cung Chánh phi và lập con bà là Trịnh Kiều làm Thái Bảo Sùng Quận công, mục đích để giúp hai họ xích lại gần nhau.
Chúa được Đào Duy Từ một nhân tài đến giúp. Đào Duy Từ người làng Hoa Trai Thanh Hóa, ông vốn là con nhà hát xướng không được dự thi (1625), trốn vào Thuận Quảng được chúa Sãi tin dùng. Duy Từ khuyên chúa lo luyện quân, trữ lương, thôi không nộp cống, chúa tôi định lập riêng một giang sơn mới.
Duy Từ lại tiến cử con rể là Thuần nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến và học trò là Chiêu vũ hầu Nguyễn Hữu Dật giúp chúa.
Đầu năm 1630 Duy Từ cho đắp lũy Trường Dực, sang thu xua quân đánh Nam Bố Chánh, giết quan châu, thu hết kho tàng và bắt dân theo làm lính. Năm sau 1631 cho đắp lũy Đồng Hới trên giáp núi Đầu Mâu, dưới đến cửa Nhật Lệ, lũy hoàn thành 1632, chúa Sãi tuyên bố không nộp cống cho Bắc Hà nữa, gia tăng quân đội, thu thuế, thêm thế lực.
Lúc đắp lũy Trường Dực, Trấn thủ Quảng Nam Phước Kỳ chết đột ngột (22-7-1631) để lại bà vợ góa họ Tống và bốn con. Chúa cử con thứ 3 là Phước Anh vào thay vì con thứ 2 là Phước Lan chúa giữ lại để kế nghiệp. Phước Anh muốn đoạt ngôi chúa của anh nên năm 1633 mật tâu với Trịnh Tráng là Phước Nguyên già yếu xin quan quân Bắc Hà vào chiếm cứ, có Phước Anh đem quân ra hàng. Trịnh Tráng hội ý, rồi giả danh rước xa giá tuần thú phương nam, đưa quân vào đóng ở cửa Nhật Lệ. Âm mưu bại lộ, Phước Anh bị bắt. Quân Trịnh đóng quân ở Nhật Lệ không được tin của Phước Anh nên rút quân. Quan hệ Nam - Bắc lại căng thẳng.
Năm 1634 Đào Duy Từ mất, chúa vô cùng thương tiếc.
Chúa Sãi chủ trương thân thiện với Chiêm Thành và Chân Lạp. Năm 1620 chúa gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chettha II (1618-1628), mối duyên này giúp cho dân chúng làm ăn được dễ dàng ở Thủy Chân Lạp. Năm 1631 chúa gả công nữ Ngọc Khoa cho vua Chiêm là Pô Romê để hòa hiếu giữa hai nước Chiêm - Việt.
Ngày 19-12-1635 chúa Sãi mất, thọ 72 tuổi, ở ngôi chúa được 22 năm. Lăng Trường Diển ở Hải Cát quận Hương Trà, miếu hiệu là Hy Tông Hiếu Văn Hoàng Đế. Chúa Sãi có 15 người con, 11 trai và bốn gái. Đặc biệt có hai công nương Ngọc Vạn và Ngọc Khoa gả cho vua Chân Lạp và vua Chiêm Thành.
3. Nguyễn Phước Lan
Con thứ hai của chúa Sãi được tấn phong, là cháu ngoại Mạc Kính Điển trọng thần theo Nguyễn Hoàng vào Nam từ buổi đầu. Phước Lan sanh ngày 13-8-1601 còn được tôn xưng là chúa Thượng. Chúa cho dựng cung thất, thành quách ở Kim Long, cuối năm 1635 chúa dời phủ về đây. Năm 1638 chúa đặt nội, ngoại, tả, hữu làm quan tứ trụ.
Đàng Trong giàu mạnh, Phước Lan có ý định đổ quân ra Bắc phạt Trịnh. Tháng 5-1642 chúa cho thuyền ra Cửa Eo (Thuận An) đắp ụ cao 30 thước rộng 150 thước ở làng Thanh Phước thao dượt thủy bộ, người giỏi được thưởng vàng bạc lụa là, hàng năm cứ đến tháng 7 là có tổ chức thi đua bơi lội, chèo thuyền, bắn súng để chọn binh sĩ có sức khỏe, mưu trí thi đô vật. Tục lệ thi vật ở làng Sinh bắt nguồn từ đó.
Năm 1640 Nguyễn Hữu Dật đem binh đánh lấy đất Bắc Bố Chánh, liền sau đó chúa Trịnh gởi thơ nhắc lại tình nghĩa Trịnh - Nguyễn nên Phước Lan động lòng trả lại Bắc Bố Chánh.
Bà chị dâu của chúa là vợ Phước Kỳ, trấn thủ Quảng Nam chết, lại có nhan sắc, Tống Thị mê hoặc chúa tôi trong phủ, cha Tống Thị là Tống Phúc Thông bỏ về Bắc theo chúa Trịnh, chúa Phước Lan mê say Tống Thị để y thị mặc sức tung hoành làm giàu. Tống Thị còn liên lạc với chúa Trịnh qua người cha, năm 1643 nghe lời Tống Thị, chúa Trịnh sai Trịnh Tạc phò vua Lê đem đại quân vào đánh Nam Bố Chánh, đại quân tới xã An Bài (Bắc Bố Chánh) chạm phải tuyến phòng thủ vững chắc của quân Nguyễn, lại gặp thời tiết oi ả, quân Trịnh chết nhiều phải rút quân về.
Năm 1644 thuyền Ô-Lan (Hòa Lan) theo yêu cầu của chúa Trịnh xâm nhập Cửa Eo (Thuận An). Dũng lễ hầu Nguyễn Phước Tần đem binh thuyền ra chặn đánh, thuyền Ô-Lan bỏ chạy ra khơi, có một chiếc lớn bị bắt, thuyền trưởng đốt thuyền rồi tự tử chết theo. Đây là chiến công đầu tiên của thủy quân Việt Nam trước thế lực tây phương.
Năm 1647 chúa Thượng cho mở khoa thi Chính đồ và Hoa văn để chọn nhân tài ra giúp nước, Đàng Trong có khoa thi từ đó.
Năm 1648 lại nghe lời Tống Thị, Trịnh Đào Thống lãnh thủy bộ tiến vô Nam, chúa Thượng cùng con là Phước Tần đem quân đánh trả và thắng lớn, bắt được ba vạn tù binh. Chúa cho đám tù binh này vào khai khẩn vùng đất hoang sinh sống từ Quảng Nam đến Phú Yên. Trên đường về ca khúc khải hoàn, chúa Thượng băng hà lúc thuyền đang qua phá Tam Giang (trên thuyền có Tống Thị đi theo). Chúa mất ngày 19-3-1648 thọ 48 tuổi, ở ngôi được 13 năm. Lăng Trường Diện ở làng An Bằng huyện Hương Trà, miếu hiệu Thần Hiếu Chiêu Hoàng Đế.
Chúa Thượng có bốn người con: ba trai, một gái.
4. Nguyễn Phước Tần
Con thứ hai của chúa Thượng, tôn danh là chúa Hiền hay Hiền Vương sanh ngày 18-7-1619. Bản năng Phước Tần cứng rắn và quyết đoán, lúc mới lên ngôi ông yêu say đắm một đào hát tên Thừa lưu lạc từ Nghệ An vào. Một hôm đọc sách xưa chúa thấy chuyện Ngô Phù Sai đắm sắc Tây Thi làm sụp đổ cơ nghiệp (hay nghĩ tới gương cha!!!), Phước Tần tỉnh ngộ, chúa sai nàng Thừa mang chiếc áo ban tặng cho tướng Nghĩa Sơn Nguyễn Cửu Kiều, trong dải áo có mật chỉ, lệnh cho Nghĩa Sơn giết nàng. Từ đó chúa dốc hết tâm lực để bành trướng Đàng Trong.
Năm 1653 vua Chiêm Bà Tầm quấy rối đất Phú Yên. Hiền Vương sai Hùng Lộc và Minh Võ đem ba ngàn quân đánh đuổi quân Chiêm tới tận Phan Rang, vua Chiêm nộp lễ xin hàng. Phước Tần cho lập thêm hai phủ Thái Ninh và Diên Ninh (Khánh Hòa ngày nay) và đưa dân Thuận Quảng vào khai khẩn, chẳng bao lâu vùng này trở nên trù phú.
Tống Thị người đàn bà có nhan sắc lại mê hoặc được Trung tín hầu Nguyễn Phước Trung chú ruột của chúa Hiền, y thị cùng Phước Trung âm mưu soán đoạt, vụ phản loạn được phát giác kịp thời, Phước Trung bị bắt, nghĩ tình chú cháu không nỡ giết, chúa đuổi Phước Trung về làm dân. Tống Thị bị xử tử, tịch thu tài sản chia cho dân nghèo, gần 20 năm Tống Thị tung hoành trong guồng máy cai trị đến khi bị giết, nhân dân mừng rỡ.
Nhân lúc nội bộ Đàng Trong rối ren tướng Trịnh là Phạm Tất Đồng xua quân vượt sông Gianh xâm nhập Nam Bố Chánh năm 1655. Nghe tin, chúa chuẩn bị nghinh chiến, cùng lúc đem quân bắc phạt, trong lúc chưa biết cử ai là người sẽ lãnh trọng trách khó khăn này, lo nghĩ chúa nằm mơ thấy có vị thần ban cho bốn câu thơ:
Tiết kết nhân tâm thuận (Trước hết lòng người thuận)
Hậu thi đức hoa chiêu (Sau thi đức hóa chiêu)
Chí diệp kham tồi lạc (Cành lá có thể bẻ)
Căn bản giã non diêu. (Căn bản khó chuyển lai).
Hai chữ Thuận và Chiêu ứng vào tước vị của tướng Nguyễn Hữu Tiến (Thuận Nghĩa) và tướng Nguyễn Hữu Dật (Chiêu Võ). Cho là điềm trời nên chúa Hiền cắt cử hai tướng Thuận Nghĩa làm Tiết chế, Chiêu Võ làm Đốc chiến, chúa cho tiến quân ra Bắc. Trước thanh thế hùng hậu của quân Nguyễn, Phạm Tất Đồng xin hàng, thừa thắng quân Nguyễn tiến chiếm bảy huyện bờ nam sông Lam, chúa Trịnh tức tốc đem quân lấy lại, suốt 5 năm (1665-1660) đôi bên giành giựt giằng co, về sau hai tướng Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật bất hòa, quân Nguyễn phải rút về, bảy huyện hữu ngạn sông Lam lại về với họ Trịnh. Liên tiếp 12 năm (1660-1672) hai bên Đèo Ngang không ngớt chiến tranh, khi Trịnh được, khi Nguyễn thắng, dai dẳng mãi làm nản lòng chiến sĩ, nên hai bên thỏa thuận ngưng chiến lấy sông Gianh làm giới tuyến.
Không tiến nổi ra Bắc, Hiền Vương quay về hướng nam. Từ năm 1658 vua Chân Lạp nhận làm phiên thần hàng năm cống nạp đầy đủ. Năm 1674 Chân Lạp có loạn, Hiền Vương cho Dương Lâm đem quân sang giúp theo yêu cầu của Chân Lạp. Quân Nguyễn dẹp loạn phong cho Nặc Thu làm Chính vương đóng đô ở Long Úc (Chân Lạp), Nặc Nộn làm Phó vương đóng ở Sài Côn (Sài Gòn) hàng năm triều cống.
Nam 1679, một số cựu tướng nhà Minh bất phục nhà Thanh như Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, Trần An Bình đem ba ngàn quân và năm mươi chiến thuyền đến đóng tại cửa Tư Dung (Tư Hiền) để xin thần phục chúa Nguyễn. Chúa Hiền ban cho quan chức rồi đưa vào khai khẩn làm ăn ở Chân Lạp. Chúa Hiền yêu cầu Nặc Nộn chia đất cho người Minh để Ngạn Địch trú đóng ở cửa biển Mỹ Tho, kết làm anh em với Nặc Nộn hàng năm lo cống nạp, Trần Thượng Xuyên ở đất Lộc Dã (Biên Hòa).
Năm 1673, chúa Hiền lo sửa sang việc chánh trị, chỉnh đốn việc thi cử để chọn nhân tài, mặt khác lo việc giao thương, để giúp giao thông thuận tiện chúa cho khai kinh, xẻ rạch, đào sông. Theo Đại Nam Thực lục Tiền biên ca tụng chúa Nguyễn Phước Tần (1685) như sau: "Bây giờ trong cõi vô sự, thóc lúa được mùa, chúa công sửa sang chánh trị, không xây đài tạ, không gần thanh sắc, giảm nhẹ giao dịch, thuế má, trăm họ vui vẻ, đều khen là đời thái bình".
Mùa xuân 1687, chúa lâm bịnh nặng cho gọi con là Nguyễn Phước Thái đến bên giường bảo rằng: "Bình sanh ta ra vào chỗ gian hiểm để bảo tồn xứ sở. Con nối ngôi phải sửa thêm nhân chính để giữ an bờ cõi. Các quan văn võ đều do ta tạo dựng hết lòng tin dùng, cùng lo mọi việc, đừng để bọn tiểu nhân xen vào". Chúa cũng gởi gắm với các đại thần: "Ta và các khanh cùng một chí khí, việc mưu đồ chưa trọn, con ta tuổi còn nhỏ, mong nhờ các khanh đồng tâm giúp đỡ để làm tỏ rạng công nghiệp tổ tông. Chớ quên lời ấy".
Chúa mất ngày 30-4-1687 thọ 68 tuổi, tại ngôi 39 năm. Lăng Trường Hưng ở làng Hải Cát, miếu hiệu Thái Tông Hiếu Triệt Hoàng Đế.
Hiền Vương có chín người con: sáu trai và ba gái.
5. Nguyễn Phước Thái
(có nơi chép lầm là Trăn). Con thứ hai của chúa Hiền, sanh ngày 29-1-1650 là người khoan hòa yêu mến kẻ sĩ, lên ngôi cho giảm nhẹ hình phạt, giảm thuế, được xưng tụng là chúa Ngãi, chúa Nghĩa hay Ngãi Vương.
Từ lúc chúa Phước Lan dời phủ vào Kim Long trải qua hai đời (chúa Thượng và chúa Hiền) được 51 năm (1636-1687) ảnh hưởng của Đàng Trong từ Thuận Quảng đến Đồng Nai, thủ phủ Kim Long nằm trên ngã ba sông Hương và sông Kim Long không còn tương xứng với uy thế mới của chúa nữa, nên tháng 7 năm Đinh Mẹo (1687) chúa Ngãi cho vượt sông Kim Long về hướng đông năm dặm chọn vị trí mới thuộc làng Phú Xuân có hòn Mô (Ngự Bình) làm tiền án, xây thành, đắp lũy, trồng cây, sửa sang đường sá, xây dựng cung điện, Phú Xuân được chọn làm thủ phủ xứ Đàng Trong, rồi trở thành kinh đô nhà Nguyễn về sau.
Yên vị ở Phú Xuân chưa đầy năm, chúa Ngãi được tin Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho bị thuộc tướng Hoàng Tiến giết chết, Hoàng Tiến bỏ Mỹ Tho dời về miền hiểm yếu Rạch Trâu thả quân đi cướp bóc khắp nơi. Nặc Thu ở Chân Lạp thừa dịp tiến hành ngăn sông đắp lũy để chống lại chúa Nguyễn. Nặc Nộn sợ hãi cấp báo với chúa Ngãi và nhờ can thiệp. Cuối năm 1688 chúa Ngãi sai phó tướng dinh Trấn Biên là Vạn Long đem quân hỏi tội. Hoàng Tiến nghe tin quân Nguyễn truy tìm, hoảng sợ bỏ chạy và chết trên thuyền, thừa thắng quân Nguyễn tiến đánh Nặc Thu. Nặc Thu cử nữ sứ giả là Chiêm Luật đội sớ đến xin hàng và nộp cống như cũ. Vạn Long mê đắm nữ sứ giả nên dừng quân chờ... Đợi đến cả năm không thấy Nặc Thu thực hiện lời hứa, quân Nguyễn đóng quân bị đau ốm hao hớt nhiều nên một số thuộc tướng mật báo về Phú Xuân. Chúa Ngãi giận sai con là Chiêu võ Hào tín hầu và các quan văn võ khác vào Nam tiến hành việc quân. Vạn Long bị bắt đưa về Phú Xuân giao cho các quan luận tội tại gác Triệu Dương nằm bên bờ sông Hương. Đến năm 1690 mới bình xong loạn lạc phía nam. Cùng năm chúa cho đổi phủ Thái Khang làm phủ Bình Khang.
Mùa xuân năm 1692 chúa Ngãi lâm trọng bịnh cho triệu thái tử Nguyễn Phúc Chu vào bảo: "Ta theo mối trước mong mỏi nối chí theo, làm theo được việc của tổ tông. Con kế nghiệp noi theo thánh đức của người trước cầu hiền, đãi sĩ, thương dân, yêu lính, chớ tin lời gièm pha, chớ bỏ người ngay thẳng, để xây dựng nghiệp lớn, ấy là đại hiếu". Triệu các cận thần dặn dò gởi gắm thế tử.
Chúa mất ngày 7-2-1691 thọ 42 tuổi, tại ngôi 4 năm. Lăng Trường Mậu ở làng Kim Mậu huyện Hương Trà, miếu hiệu Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế.
Chúa Ngãi có mười người con: năm trai và năm gái.
6. Nguyễn Phúc Chu
Con trưởng chúa Ngãi sanh ngày 11-6-1675, tôn xưng là Quốc Chúa hay Minh Vương là người học rộng tài kiêm văn võ, mộ đạo Phật có pháp hiệu là Thiên Túng đạo nhân, lên ngôi lúc 16 tuổi. Nghe lời dạy của cha, Quốc Chúa miễn thuế ruộng cho dân phân nửa, chiêu hiền đãi sĩ, dụng lời phải, không tiêu pha phung phí, bớt hình ngục.
Năm 1692 vua Chiêm Bà Tranh gây sự ở biên giới, Quốc Chúa gởi quân đi bắt Bà Tranh, cử viên quan cũ của Chiêm là Kế Bà Tử làm khám lý, cho người thân thuộc vua Chiêm làm quan. Yên một thời gian thì một Hoa kiều tên A-Ban xúi dục dân chúng nổi dậy giết hại quan chức, Quốc Chúa cho dẹp yên, lại đổi phủ Bình Thanh trở về tên cũ là trấn Thuận Thành theo lời yêu cầu của Kế Bà Tử. Năm 1698 Quốc Chúa sai Nguyễn Hữu Cảnh (Kính) con của Nguyễn Hữu Dật dòng dõi Nguyễn Trãi vào chia đất Đông Phố thành hai miền lấy xứ Đồng Nai (Lộc Dã) làm huyện Phước Long lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa), lấy đất Sài Gòn làm huyện Tân Bình lập dinh Phiên Trấn (Gia Định), mỗi dinh đặt quan cai trị, lập làng ấp, định thuế khóa. Năm 1699 vua Chân Lạp là Nặc Thu làm phản, chúa sai Nguyễn Hữu Cảnh và Trần Thượng Xuyên đánh dẹp, Nặc Thu bỏ chạy, con của Nặc Nộn là Nặc Yêm ra hàng xin nộp cống. Về sau nội bộ Chân Lạp tranh chấp mãi, cứ mỗi lần tranh chấp là quân Nguyễn sang đánh dẹp.
Năm 1702 công ty Ấn Độ của Anh do Allen Catchpole đem 200 quân chiếm đảo Côn Sơn lập trại hoành hành vùng biển Đông. Chúa sai Phước Phan đi đuổi. Phan dùng mưu, mộ những người Chà Và gốc Mã Lai và Nam Dương trà trộn làm thuê cho người Anh rồi thừa cơ giết họ, quân Anh sợ bỏ chạy, số còn lại bị bắt.
Đầu thế kỷ 18 thanh thế chúa Nguyễn ở miền Nam rất mạnh. Mạc Cửu người Lôi Châu Quảng Đông sang Chân Lạp được vua Chân Lạp cho làm chức ốc nha, mở sòng bạc cho người ngoại quốc lui tới. Ông chiêu mộ dân tứ xứ phiêu lạc đến khai hoang lập được bảy xã ở Hà Tiên. Năm 1708 Mạc Cửu ra Thuận Hóa dâng thơ lên Quốc Chúa xin đem đất Hà Tiên qui thuộc. Quốc Chúa thuận ý và phong Mạc Cửu chức tổng binh trấn giữ Hà Tiên.
Quốc Chúa thích đạo Nho, năm 1692 ngài cho sửa sang Văn miếu ở Triều Sơn. Năm 1709 cho đúc ấn Quốc bửu "Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bửu". Ấn này là bảo vật truyền ngôi.
Năm 1719 chúa đi thăm dinh Quảng Nam đến phố Hội An, chúa thấy người Nhật tụ tập thuyền buôn các nước bên cầu, chúa đặt tên cầu là "Lai Viễn cầu" và ban chữ vàng đến nay vẫn còn.
Năm 1722 đường đi qua truông nhà Hồ (bắc Quảng Trị) khách bộ hành thường bị bọn lục lâm thảo khấu chặn lại cướp bóc. Chúa sai Nội tán Nguyễn Khoa Đăng đi dẹp, Khoa Đăng giả làm khách bộ hành để cho bọn cướp bắt dẫn đi. Dọc đường ông đánh dấu để cho lính ông theo phá tan sào huyệt bọn chúng, từ đó về sau dân đi lại được yên.
Năm 1695 có kỳ thi, ngoài số trúng tuyển như chính đồ, nhiêu học, hoa văn, thám phỏng còn lấy thêm ngạch giám sinh và sinh đồ. Năm đó cũng mở khoa thi văn chức và tam ty tại phủ chúa, bây giờ gọi là thi đình. Thi văn chức lấy người có văn học, thi tam ty lấy người làm việc ở ba ty xá sai, tướng thần và lệnh sứ.
Quốc Chúa theo đạo Phật, có pháp hiệu là Thiên Túng Đạo nhân hay Hưng Long Cư sĩ. Năm 1695 chúa mời Hòa thượng Thích Đại Sán (Thạch Liêm) từ Trung Quốc sang Thuận Quảng để hộ trì Phật giáo. Chúa cho trùng tu chùa Thiền Lâm gần phủ Dương Xuân cung điện mùa Đông của chúa. Chùa Thiền Lâm từ cái cốc ba gian trở thành tòa phương trượng năm gian, gồm 32 cột, bốn mặt có hành lang có thể thu nhận hàng trăm tăng sĩ. Hòa thượng Đại Sán đã mở nhiều lần đại giới đàn, tại đây ngót cả 1400 tăng sĩ thọ giới sa di, tỳ kheo. Một số hoàng thân quốc thích, đại thần cũng xin thọ giới Bồ tát. Năm 1710 chúa cho đúc đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ. Năm 1714 chúa cho mua hơn 1000 quyển kinh Luật, Luận và đại trùng tu ngôi chùa này. Chúa cho làm văn bia, mở đại trai đàn và phát chẩn cho người nghèo suốt cả tháng. Chiêm vương Kế Bà Tử và hoàng gia cũng được mời. Năm 1715 chúa cho trùng tu chùa Kinh Thiên ở Thuận Trạch. Năm 1721 chúa cho lập chùa Giác Hoàng. Chưa bao giờ Phật giáo xứ Đàng Trong được các chúa lưu tâm hộ trì như vậy.
Ngày 1-6-1725 Quốc Chúa băng, thọ 50 tuổi, ở ngôi 34 năm. Lăng Trường Thanh tại làng Kim Ngọc huyện Hương Trà, miếu hiệu Hiển Tông Minh Hoàng Đế.
Có sách chép Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu có 146 người con. Nhưng theo Nguyễn Phước tộc và Richard Orband, tác giả sách "Les tombeaux des Nguyễn" (1914) thì ghi là 42 người con gồm 38 trai và bốn gái.
7. Nguyễn Phước Trụ
(có sách viết là Thu hay Chú). Con trưởng của Quốc Chúa, tôn xưng là Ninh Vương sanh ngày 14-1-1697, nối ngôi lúc 28 tuổi. Ông theo đạo Phật có tài văn lẫn võ. Vừa nhận chức ông cho miễn 2/10 thuế ruộng, xuất tiền ban thưởng cho quân sĩ. Chúa ban huấn dụ nhân dân nên xa lánh cờ bạc rượu chè, noi giữ luân thường đạo lý.
Năm 1731 có tên Sá Tốt người Ai Lao đem quân Chân Lạp vào cướp phá Gia Định, chúa sai Nguyễn Phước Vĩnh vào đánh dẹp. Chúa nhận thấy đất Gia Định mỗi dinh đều có tướng cầm đầu nhưng lại thiếu chức tổng chỉ huy các dinh nên mạnh ai nấy giữ phần đất của mình. Nay chúa đặt các dinh dưới quyền điều khiển của Nguyễn Phước Vĩnh và lập riêng nha lỵ ở phía nam, dinh Phiên Trấn gọi là dinh Điều Khiển. Năm 1731 Đàng Trong có thêm châu Định Viễn (Định Tường), năm 1732 có thêm dinh Long Hồ (Vĩnh Long). Năm 1735 Mạc Cửu mất, chúa phong cho con Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ chức đốc trấn Hà Tiên. Năm 1736, vua Chân Lạp là Nặc Yêm mất, con là Nặc Tha xin lên ngôi thay cha.
Ngày 7-6-1738 Ninh Vương mất, thọ 41 tuổi, tại vị được 13 năm. Lăng Trường Phong ở làng Định Môn huyện Hương Trà, miếu hiệu Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng Đế.
Ninh Vương Nguyễn Phước Trụ có chín người con: ba trai và sáu gái.
8. Nguyễn Phước Khoát
Tôn xưng là Võ Vương, con trưởng của Ninh Vương, sanh ngày 26-9-1714 kế nghiệp cha. Theo Phủ biên Tạp lục, Nguyễn Phước Khoát là người thông minh, cương nghị, nhiều dục vọng, việc gì tính làm thì quyết làm cho kỳ được. Chúa chăm lo việc nước, nhờ khéo ngoại giao với Xiêm La, can thiệp vào nội tình Chân Lạp nên đã hoàn thành việc mở mang Nam Kỳ.
Chúa sùng đạo Phật có pháp hiệu là Tư tế Đạo nhân. Phủ Bác Vọng của Ninh Vương hay bị hỏa hoạn nên Võ Vương cho xây phủ mới phía trái phủ cũ ở Phú Xuân, giữa là Chính dinh quay mặt về hướng nam, ở trên là phủ thờ Kim Long, dưới là phủ Ao (Ao hồ ở Gia Hội). Có hai điện Kim Hoa và Quang Hoa, có nhà Tựu Lạc, Chính Quang, Trung Hòa, Di Nhiên, đài Xướng Xuân, gác Dao Trì, Triệu Dương, Quang Thiên, đình Phụng Vân, hiên Hồng Lạc, am Nội Viên, đình Giáng Hương. Còn có trường học, trường súng, nam sông Hương có phủ Cam và phủ Dương Xuân, thượng nam lưu có phủ Tập Tương, điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, mái nguy nga đài các.
Thượng lưu, hạ lưu trước Chính dinh chợ phố liền nhau, đường cái chính giữa, nhà cửa cách khoảng ngăn nắp đều lợp ngói. Dưới sông thuyền bè lui tới tấp nập, thật là nơi phồn hoa đô hội chưa từng thấy ở phương nam. Chúa cho sửa chùa Kim Tiên sơn son thếp vàng rực rỡ, trước dựng lầu Vọng Tiên tráng lệ.
Lại có sấm truyền "Bát thế hoàn Trung đô" nghĩa là tám đời thì trở về kinh đô, ứng với đời chúa thứ tám là Nguyễn Phước Khoát kể từ Nguyễn Hoàng. Để khỏi về kinh đô (Thăng Long) nên chúa xưng vương ở kinh đô có sẵn là Thuận Hóa. Năm 1744 chúa lên ngôi vương, xuống chiếu đại xá trong nước, phủ chúa đổi thành điện, đối với các thuộc quốc chúa xưng là Thiên Vương, bổ quan lại dùng ấn Quốc vương, từ đường đổi thành tông miếu. Vì con trai khó nuôi (hữu sanh vô dưỡng) nên trai đổi thành gái, có lệ gọi các hoàng tử, con trai Tôn Thất là mụ hay mệ kể từ đó về sau. Các cơ quan chính quyền ở Chính dinh, nha Ký lục đổi thành bộ Lại, nha Úy làm bộ Lễ, Đô tri làm bộ Hình, Cai bộ phố đoán sự làm bộ Hộ, và thêm hai bộ Binh và bộ Công. Văn chức thành Hàn lâm viện, Chính dinh Phú Xuân đổi thành Đô thành Phú Xuân, nhà Nguyễn có Lục bộ và Huế - Phú Xuân trở thành đô thị kể từ đó.
Võ Vương cải cách phong tục, định triều phục. Đàn bà mặc quần khác với phụ nữ Bắc Hà mặc váy. Năm 1742, Võ Vương đổi phủ Qui Ninh thành phủ Qui Nhơn, phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh. Năm 1750, Võ Vương bảo Tuần vũ Quảng Nam Nguyễn Cư Trinh rằng: "Thuộc lại gian tham ngươi phải xét trị, hào hữu lấn cướp ngươi hãy ức chế, hộ khẩu không đông ngươi phải làm cho phồn thịnh, dân không kính thuận ngươi phải giáo hóa, những kẻ gian tà trộm cướp ngươi phải bắt vào khuôn phép, mọi tình trạng cửa quan, nỗi khổ của dân cho ngươi tùy nghi làm việc, chỉ cầu xong việc, chớ ngại nhọc nhằn".
Năm 1752 Võ Vương giao cho Tri bố Chính dinh Trần Đình Ký thanh trừng quan lại tham nhũng. Nhưng Vương bị kẻ đầu đảng tham nhũng Trương Phúc Loan gài bẫy sa vào một vụ loạn luân làm lung lay sự nghiệp của chúa Nguyễn xứ Đàng Trong.
Năm 1746 Vương mở lò đúc tiền bằng kẽm trắng mua của tây phương ở Lương Quán cho dân chúng tiêu dùng. Năm 1748 ở Chân Lạp con Nặc Thành là Nặc Nguyên đem quân Xiêm La về đánh Nặc Thu rồi lên làm vua, lại cướp phá người Côn Man. Võ Vương sai đánh, Nặc Nguyên bỏ chạy. Ký lục Nguyễn Cư Trinh chiêu dụ người Côn Man qui tụ về Bình Thanh, dọc đường bị quân Chân Lạp đánh úp. May nhờ Nguyễn Cư Trinh đem quân đến cứu kịp và đưa người Côn Man về núi Bà Đinh (Bà Đen) định cư. Võ Vương sai Trương Phước Du dùng người Côn Man dẫn đường đuổi bắt Nặc Nguyên. Nặc Nguyên chạy qua Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ che chở, Thiên Tứ làm trung gian, Nặc Nguyên xin hiến đất hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp để cầu hòa, nạp lễ cống từ ba năm trước để chịu tội. Năm 1757 Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận lấy quyền coi việc nước. Võ Vương đòi hiến hai phủ Trà Vinh và Ba Thắc đổi lấy việc công nhận làm vua. Nhưng Nặc Nhuận bị con rể giết chiếm ngôi, con Nặc Nhuận lại chạy sang Hà Tiên. Nặc Tôn được Võ Vương phong làm vua, Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long đáp lễ.
Vương sai dời dinh Long Hồ về xứ Tầm Bào (tỉnh lỵ Vĩnh Long), đặt đạo Khẩu ở Sa Đéc, đạo Tân Châu ở Tiền Giang. Thiên Tứ xin đặt Gia Khê (Rạch Giá) làm đạo Kiên Giang, Cà Mau làm đạo Long Xuyên, đều thuộc đất Hà Tiên. Kể từ đó (1757) vùng đất phì nhiêu bỏ hoang được khai hóa làm thành Nam Việt bây giờ. Nước Việt Nam mở rộng đến mũi Cà Mau.
Năm 1747 có người Tàu ở Đông Phố xưng vương tên là Lý Văn Quang mưu giết Cai bạ Nguyễn Cư Cẩn, bị quan quân vây bắt cùng 57 thủ hạ. Năm 1756, Võ Vương giao trả cho nhà Thanh Văn Quang và 15 đồ đảng để lấy lòng Thanh triều, nhờ vậy mà việc giao hảo Việt - Trung được yên.
Đối với Xiêm La, tuy các đời chúa trước có tranh giành ảnh hưởng ở Chân Lạp giữa hai phe thân Xiêm (Nặc Thâm, Nặc Nguyên) và thân Việt (Nặc Nộn, Nặc Yêm, Nặc Tha) nhưng không đến nỗi thù ghét nhau. Năm 1750, Nặc Niệm cướp phá người Côn Man. Trước khi đi đánh dẹp, Võ Vương đưa thư sang báo vua Xiêm đừng chứa chấp Nặc Niệm, quả nhiên vua Miên thua không dám chạy qua Xiêm mà chạy qua Hà Tiên.
Với Bắc Hà, Võ Vương không còn liên hệ, cũng không tạo cớ để gây sự. Từ năm 1753 đến năm 1764 thế lực giữa vua Lê và chúa Trịnh đối chọi tranh chấp nhau nhiều lần, khi thì chúa Trịnh nhờ, khi thì vua Lê kêu giúp. Võ Vương đều khéo léo đáp lễ nhưng không đứng về phe nào. Với phương Tây và Thiên chúa giáo, Võ Vương áp dụng chính sách cởi mở. Đến năm 1750 ở Phú Xuân có nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo. Hội truyền giáo dòng Tên có lập hai nhà thờ, một của giáo sĩ Kofler là ngự y của Vương (từ 1745 đến 1752); ở Phường Đúc, hội Hải ngoại Truyền giáo có một nhà thờ do giám mục Lefebvre dựng.
Bên cạnh Võ Vương có các thầy thuốc người Âu làm ngự y như Jean Siebert, Charles Slominski, Jean de Rousiers và Jean Kofler, ngoài ra còn có người Âu khác coi về thiên văn, toán học và trắc địa như các ông Neugebauer, Xavier de Monteiro. Cuối năm 1749 một thương gia Pháp tên Pierre Poivre đến yết kiến Võ Vương tại phủ Dương Xuân để xin giao thương, nhưng không thành vì Pierre Poivre và Trương Phúc Loan có sự đụng chạm nhau.
Ngày 7-7-1765 Võ Vương băng, thọ 51 tuổi, ở ngôi 27 năm. Lăng Trường Thái ở làng La Khê huyện Hương Trà, miếu hiệu Thế Tông Hiếu Võ Hoàng Đế.
Võ Vương có nhiều phi tần nhưng có ba bà được sủng ái:
- Hoàng hậu Hiếu Võ là mẹ của Nguyễn Phước Luân, bà nội của Nguyễn Phúc Ánh;
- Huệ Trinh Thánh mẫu tên là Nguyễn Thị Ngọc Cầu, em đồng đường với Võ Vương, mẹ của Định Vương Nguyễn Phước Thuần;
- Chiêu Nghi Trần Thị Xa là người được Võ Vương yêu thương hơn cả.
Võ Vương có 30 người con: 18 trai và 12 gái.
9. Nguyễn Phước Thuần
Con thứ 16 của Võ Vương, sanh ngày 31-12-1753, tôn xưng Định Vương. Định Vương lên ngôi lúc 12 tuổi, quyền hành nằm trong tay Trương Phúc Loan. Ngự y Jean Kofler vì không cứu được Chiêu Nghi là người được Võ Vương sủng ái nên bị trục xuất khỏi Phú Xuân. Trong khi đau khổ vì mất vợ, người cậu ruột gian thâm độc ác của Võ Vương (Trương Phúc Loan) đã tạo cơ hội cho Võ Vương gần gủi với người em gái con chú ruột Nguyễn Phước Điền là Ngọc Cầu ở điện Trường Lạc hay phủ Dương Xuân. Kết quả hai anh em đồng đường Phước Khoát, Ngọc Cầu sinh ra con trai Nguyễn Phước Thuần. Thuần được nuôi dưỡng kín đáo trong nội cung. Cuộc tình mê muội đó làm cho Võ Vương bỏ bê việc nước, để xứ Đàng Trong làm miếng mồi ngon cho Trương Phúc Loan vơ vét. Lúc đầu Võ Vương chọn công tử thứ chín là Phước Hiệp nối nghiệp, đến năm 1760 Phước Hiệp chết đột ngột, ba năm sau công tử cả là Phước Chương cũng chết một cách khó hiểu. Võ Vương lại chọn công tử thứ hai Phước Luân là người khôi ngô tuấn tú cho Trương Văn Hạnh và Lê Cao Kỳ làm thầy, chuẩn bị cho Phước Luân nối nghiệp. Võ Vương băng, quyền thần Trương Phúc Loan cùng Thái giám Chữ Đức và Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông đổi di mệnh bắt giam Phước Luân và giết hai thầy Cao Kỳ, Văn Hạnh, rồi đưa Phước Thuần mới 12 tuổi lên ngôi. Sau đó Phước Luân bị bịnh cho về nhà chết năm 1765.
Phước Thuần phong cho Phúc Loan làm quốc phó, Loan cho các con trai, Chưởng dinh Trương Phúc Nghiễm lấy Ngọc Nguyện, Cai cơ Trương Phúc Nhạc lấy Ngọc Thơ đều là con gái Võ Vương, tạo thanh thế. Phúc Loan lại cắt cử thân thuộc vào những chức vụ quan trọng, mua quan bán chức không kiêng nể ai cả, của cải, báu vật ở Đàng Trong nhà Phúc Loan thu góp hết.
Chuyện kể Phúc Loan giàu có từng điều 60 quân lên núi chỉ có một việc khai thác mây sợi để xâu tiền. Có năm lũ lụt ngập kho, Phúc Loan đem vàng ra phơi đầy sân, dân chúng gọi Loan là Trương Tần Cối.
Năm 1771 quân Xiêm sang đánh Hà Tiên, Mạc Thiên Tích thua chạy. Cũng năm này Tây Sơn dấy nghĩa ở Qui Nhơn, chiếm Bồng Sơn, Quảng Ngải, Quảng Nam. Hè năm 1774 chúa Trịnh thấy Nam Hà có biến, sai Bùi Thế Đạt, Hoàng Đình Bảo đem binh vào Thuận Hóa lấy cớ là trừ gian thần Trương Phúc Loan. Đầu năm 1775 quân Trịnh vào Phú Xuân, triều đình bắt Trương Phúc Loan giao nạp cho quân Trịnh, nhưng quân Trịnh vẫn không chịu bãi binh. Định Vương và một số cận thần và thân thuộc phải chạy ra cửa Tư Hiền lánh nạn. Vương phong cho hoàng tôn Nguyễn Phước Dương (con thái tử Phước Hiệu) làm đông cung ở Quảng Nam, còn Định Vương lên Thái thượng vương đem Nguyễn Phước Ánh (con Phước Luân) lên thuyền chạy vào Gia Định. Năm 1777 Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần bị quân Tây Sơn bắt ở Long Xuyên đem lên Sài Gòn giết ngày 18-8-1777, cùng lúc với hoàng tộc và cận thần như Nguyễn Phước Đông (anh ruột Nguyễn Ánh), cha con Trưởng cơ Trương Phước Thận, Lư Thủ Lương, Nguyễn Danh Khoáng, chỉ có một mình công tử Nguyễn Phước Ánh thoát thân chạy được ra đảo Thổ Châu.
Định Vương mất lúc 24 tuổi, ở ngôi 11 năm, lên Thái thượng vương một năm, lúc mất thi hài chôn ở Sài Gòn. Khi Nguyễn Phước Ánh phục quốc được di táng về làng La Khê huyện Hương Trà. Lăng Trường Triệu, miếu hiệu Duệ Tông Hiếu Định Hoàng Đế.
Định Vương mất, kết thúc giai đoạn lịch sử mở nước chín đời chúa Nguyễn.
Vương có người con gái tên Ngọc Thục lấy chồng là Uy vũ Vệ úy Tống Văn Thinh, con của Điều khiển Tống Văn Khôi, bà mất năm 1818 lúc 43 tuổi.
***
Đọc qua tóm lược tiểu sử và việc làm của ông cha ta trên đường mở nước thật vô cùng cam go, chín chúa đều là người có tài năng, đức độ. Chỉ vì gặp phải người đàn bà lăng loàn, các con cháu phản bội và bọn gian hùng Trương Phúc Loan mà cơ đồ nghiêng ngả, may nhờ Nguyễn Phước Ánh có chí khí bền gan lấy lại được giang sơn. Lịch sử sang trang.
Chúng ta hãy lướt qua những ý tưởng lý thú mới lạ của bà Li Tana viết về Việt Nam trong luận án tiến sĩ tại Đại học quốc gia Úc vào năm 1992. Luận án có tựa đề "Xứ Đàng Trong, lịch sử, kinh tế, xã hội thế kỷ 17 và 18".
Bà người gốc Mông Cổ cho là trong hai thế kỷ 17, 18 xứ Đàng Trong coi như một nước có một nền văn hóa mới, mang bản sắc đặc thù khác với nền văn hóa cổ truyền Đàng Ngoài. Nhờ vậy mà Đàng Trong không những đã vững chắc về chánh trị mà còn hùng cường về binh lực, phong phú về kinh tế, đủ sức đương đầu với họ Trịnh có đất đai lớn hơn, dân số đông hơn, tài nguyên trội hơn và chính danh hơn. Mặt khác họ Nguyễn còn mở rộng biên giới đến Cà Mau.
Chúa Nguyễn không thể dùng Khổng giáo làm căn bản vì Khổng giáo tôn trọng vua (tam cương). Từ chúa Nguyễn Hoàng xuống, Đàng Ngoài coi Đàng Trong là phiến loạn, rạch biên cương chống lại triều đình phải tội "tru di tam tộc". Đàng Trong là dân tứ chiến, nhiều gốc, nhiều thành phần khác nhau. Tuy là có nguồn gốc khác nhau nhưng họ có một điểm chung, đối với họ, miền Nam là mảnh đất của những giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp, một ngõ thoát, họ là di dân đến vùng đất mới với quyết định xây cuộc đời hơn cũ mà họ dứt khoát bỏ lại sau lưng, họ không bị ràng buộc gò bó, tự do phát huy sáng kiến trong cuộc sống mới.
Mặt khác, người dân gốc Việt phải hòa đồng với dân sở tại gốc thiểu số, gốc Chàm, gốc Miên, di dân gốc Tàu. Mọi người đều ý thức rằng một tập hợp như vậy không thể có một quá khứ chung mà cần phải có một tương lai chung. Các chúa biết áp dụng chánh sách ngoại giao cởi mở, mở cửa buôn bán giao thương với các nước, nhờ vậy các chúa có khí giới, vật liệu... để chống lại mọi thế lực trong ngoài.
Tình trạng tốt đẹp này chấm dứt trong lúc chiến tranh với Tây Sơn. Sau khi Nguyễn Ánh phục quốc lấy lại được uy quyền thì lại bỏ những chánh sách mang lại giàu mạnh của ông cha Đàng Trong đã theo đuổi hơn hai thế kỷ để đi ngược lại, quay về quá khứ, sùng Khổng, bế quan tỏa cảng... làm suy yếu nước nhà để bị ngoại bang lấy cớ xâm lăng.
Có thể so sánh nước Mỹ với xứ Đàng Trong Việt Nam thuở trước. Người Mỹ là di dân từ nhiều nước đến lập nghiệp, là dân hợp chủng, họ quên đi tất cả, quay lưng không bịn rịn, không vướng mắc, đoạn tuyệt với quá khứ, họ tạo dựng cuộc đời mới tốt đẹp. Họ là những sắc dân khác nhau, có một quá khứ khác nhau, họ không thể xây dựng một quốc gia trên căn bản một quá khứ chung được, mà phải ý thức thực hiện một quốc gia có tương lai chung. Trong khi đó người Âu Châu cũng như người Á Châu cứ hiu hiu tự đắc với quá khứ vàng son, nằm yên trên nền văn minh cổ xưa của họ.
So sánh, phân tích nhiều sự kiện cho thấy nước Mỹ, người Mỹ giàu mạnh bậc nhất thế giới vì họ biết ép mình tìm về tương lai chung.
Nếu Việt Nam ta theo đuổi chánh sách mới mẻ của các đời chúa Nguyễn thì tương lai Việt Nam bây giờ là rồng trong một bầy rồng ở Á Châu. Tiếc thay các vua Nguyễn lại chọn quá khứ làm chánh sách, và bây giờ cũng thế vẫn kiên trì đi theo chủ nghĩa ngoại lai lỗi thời cũ rích mà người ta đã bỏ. Hiện tình Việt Nam muốn cho dân giàu nước mạnh phải chấp nhận hướng đến một nền văn hóa tương lai để áp dụng. Việt Nam đã ở trong tình trạng phân ly Nam Bắc nhiều năm, thù hận, lăng mạ, chém giết nhau.
Như vậy, Việt Nam ta không thể tạo dựng một quốc gia giàu mạnh trên căn bản một quá khứ chung (dù cùng một nòi giống) mà chỉ có thể xây dựng một quốc gia giàu mạnh trên căn bản một tương lai chung.
Tiếc lắm thay!... Thương tiếc lắm thay!...
SỨ BỘ NGOẠI GIAO THỜI MINH MẠNG
Đọc sử thời nhà Nguyễn, chúng ta đã biết qua hai lần bang giao Việt - Pháp ở thế kỷ 18 và 19 là chuyến đi cầu viện năm 1784 của giám mục Bá Đa Lộc đưa con tin là Hoàng tử Cảnh sang Pháp và năm 1863 sứ bộ Phan Thanh Giản đến Pháp để xin chuộc lại đông tam tỉnh Nam Việt là Biên Hoà, Gia Định, Định Tường. Nhưng có một sự kiện không thấy phổ biến rộng rãi là ở thời vua Minh Mạng năm thứ 19 (1839) có một sứ bộ Việt Nam gởi qua Pháp.
Vua Minh Mạng có nhiều cải cách nhất thời Nguyễn như đổi các trấn thành ra tỉnh và ấn định các phẩm hàm trong các chức vụ vào năm 1831. Ngày 17-3-1836 Minh Mạng thứ 17, nhà vua ban hành một chỉ dụ nhằm hạn chế quyền hạn của hàng hoạn quan trong triều, trước đó nhiều triều đại đã dùng hoạn quan nhưng chưa có văn bản nào đặt để chức quyền. Có lẽ nhà vua thấy Tả quân Lê Văn Duyệt là hoạn quan quyền hành lớn đã dám can vua cha Gia Long không lập Hoàng tử Đảm (Minh Mạng sau này) lên làm vua nên có mối hiềm khích giữa vua tôi biến thành loạn Lê Văn Khôi.
Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) đã lập một trụ sở riêng biệt để tổ chức Tôn nhơn phủ ở phường Trung Thuận, tuy rằng trước đó vua Gia Long có lập Tôn nhơn phủ nhưng chưa có trụ sở và được chu đáo. Tôn nhơn phủ đã có từ triều Trần, chủ yếu là soạn gia phả các dòng dõi nhà vua.
Nói đến vua Minh Mạng người ta biết nhà vua có nhiều phi tần và rất đông con với toa thuốc bổ trứ danh Minh Mạng cho tới bây giờ còn phổ biến trong dân gian, được truyền miệng là "nhất dạ lục giao sanh ngũ tử", có khi được tán dương thêm là "nhất dạ lục giao sanh thất tử" vì có một bà sanh đôi. Đặc biệt trong các con vua Minh Mạng có nhiều người có tài về văn chương nhất là Miên Trinh, Miên Thẩm chức hiệu Tùng Thiện Vương. Cho đến nỗi Cao Bá Quát là người ngạo mạn mà còn phải vung bút khen:
Văn như Siêu Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường.
Trong hai thập niên trị vì (1820-1840) các nhà nghiên cứu sử cho là nhà vua đã dùng chánh sách đóng cửa và cấm đạo.
Ngày 12-10-1820, hoàng đế Pháp gởi một quốc thư cho triều đình Huế, đề nghị ký kết một thương ước giữa hai nước. Vua Minh Mạng không trả lời.
Tháng 2-1824, Pháp hoàng Louis 18 cử Nam tước Bougainville đem thư sang trình vua Minh Mạng một lần nữa. Triều đình Việt Nam cũng không nhận quốc thư của sứ thần Pháp lấy lý do là thư viết bằng tiếng Pháp trong triều không ai biết tiếng Pháp.
Thời đó, các giáo sĩ truyền giáo có mặt khắp nơi hoạt động. Đó là nỗi bận tâm hàng đầu của nhà vua, nên ngoài ra lệnh cấm các giáo sĩ Pháp và Tây Ban Nha đến kinh đô, rồi sau đó lấy cớ rằng muốn các giáo sĩ giảng dạy khoa học Âu Tây và cần thông dịch tiếng Pháp nên ngài cho lệnh tập trung họ ở lại kinh đô, coi như giam lỏng hầu dễ bề giám sát và cũng để hạn chế ảnh hưởng của họ đối với giáo dân.
Lại thêm cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi và binh lính ở thành Gia Định năm 1833, có linh mục Marchand (cố Du) yểm trợ đắc lực. Sau thành bị hạ, Marchand bị đưa ra Huế xử lăng trì. Trong thư đề ngày 21-2-1836 linh mục Marette kể: "Các tù nhân bị đưa đến trước nhà khảo hình, dừng lại trước thềm. Cha Marchand quay mặt vào trong nhà. Nơi đó có một cái lò để nung các thanh sắt đã dùng để tra tấn ông trước đây. Những vết thương của ông vẫn chưa lành. Toàn thân ông run rẩy làm cho chiếc khăn đắp hơi tuột xuống. Người ta giữ chặt cha Marchand, năm đao phủ cầm kềm sắt nung đỏ tiến đến kẹp vào chân và đùi ông ở năm chỗ khác nhau. Cha Marchand la lên: "Ôi! Chao ôi!", người ta thấy ở chỗ thịt bị kẹp khói bốc lên. Kềm sắt được giữ nguyên trên da thịt cho tới khi nguội rồi mới lấy ra đặt lại vào lửa..." (Revue Indochinoise 7-8-1915).
Thời gian từ 1833-1838 có bảy giáo sĩ bị hành hình và nhiều giáo sĩ bị giam cầm hoặc lưu đầy. Tiếp đó một biến cố trọng đại xảy ra trên đất Tàu năm 1839 là cuộc chiến tranh nha phiến, quân Anh đem quân đội đến chiếm đóng nước Tàu. Suy ra Tàu là nước lớn, có dân số đông nhất thế giới và có nền văn minh lâu đời, thế mà bị quân Anh uy hiếp một cách dễ dàng, đem so với Việt Nam thì nhỏ bé quá, nên nhà vua lo âu bối rối nhân vụ cấm đạo, giết giáo sĩ mà quân Pháp tràn vô đất Việt thì làm sao đương cự nổi, họ lấy cớ là để cứu giáo sĩ như quân Anh tràn vô đất Trung Hoa.
Vì thế nên vua Minh Mạng cử các phái bộ ra nước ngoài để dọ xét tình hình để tìm cách đối phó. Trong Quốc triều Chính biên chỉ ghi vắn tắt chuyến đi Pháp là "đến Giang Lưu Ba rồi đi tàu qua Đại Tây mua đồ".
Nhưng theo một lá thư của François Régéreau giáo sư chủng viện Penang đề ngày 24-5-1840 kể rằng: "Ngày 28-2-1840, một chiếc tàu của vua An Nam thả neo ở cảng Penang. Chiếc tàu này đi Calcutta để xem người Anh chuẩn bị chiến tranh như thế nào. Và một chiếc tàu khác cũng của vua Minh Mạng sai đi Batavia để xem người Hoà Lan có án binh bất động không. Bởi vì căn cứ theo nhiều báo cáo nhận được, vua Minh Mạng không thể nào ngủ yên giấc được. Một chiếc tàu thứ ba đi Pháp và Luân Đôn".
Như thế thì vua Minh Mạng đã gửi ba phái đoàn đi dò dẫm, ở đây chúng ta chỉ nói riêng về sứ bộ Việt Nam đi Anh và Pháp thôi. Họ gồm bốn người: hai quan chức tuổi độ bốn mươi tên là Tôn Thất Thường và Trần Việt Xương, còn hai thông ngôn trẻ lắm, một tiếng Pháp và một tiếng Anh. Họ đến Pháp vào đầu tháng 11-1840 sau khi bị một trận bão lớn ngoài khơi Bordeaux, mục đích của chuyến đi này nhằm thăm dò thái độ của chính phủ Pháp trong việc cấm đạo, bàn việc ký thương ước và giải độc dư luận Pháp.
Nhật báo L’Armoricain ra ngày 25-11-1840 viết về sứ bộ Việt Nam: "Có bốn người An Nam đến bày tỏ với chánh phủ Pháp những cảm tình của xứ họ và đi thăm các công trường, các xưởng đóng tàu. Họ gây được sự chú ý bởi cặp mắt mở to, nước da nâu bóng, hàm răng đen nhờ nước cốt chanh …". Về y phục của họ: "Áo dài bằng lụa xanh quét đất, mũ chổm màu đen có vành che gáy, trên gắn một quả cầu bằng bạc, một tấm bảng gắn từ giữa ngực xuống đến bụng có hình con chim thêu bằng chỉ bạc…".
Một đoạn có ghi lại lời kể của sứ bộ: "Có hai tàu Anh và Pháp cùng núp bão trong vùng biển An Nam, tàu Anh bị bắn đuổi phải bỏ chạy, còn tàu Pháp thì được đón tiếp trọng thể, giáo sĩ và giáo dân Thiên chúa được đối xử tử tế, quân đội An Nam rất đông và hùng mạnh…". Đoạn này xem ra có phần bịa đặt thêm thắt do sứ bộ kể lại vừa thổi phồng sức mạnh về quân sự vừa lấy cảm tình tốt đẹp của người Pháp đối với Việt Nam.
Báo Le Moniteur Universel ngày 5-1-1841 kể: "Chiều hôm trước những người An Nam được giới thiệu với bộ trưởng thương mại. Họ mặc đại triều phục thay mặt vua nước họ đến Paris để nghiên cứu phong tục của ta. Mỗi lần có phong tục của ta làm họ ngạc nhiên, họ lấy từ thắt lưng ra một miếng gỗ bọc bằng giấy Tàu, mực, bút lông và lặng lẽ ghi chép những nhận xét của họ, ngay khi họ đứng giữa đường…". Các sứ giả An Nam tham dự phiên họp ở Viện công khanh (chambre des pairs), tất cả các tia nhìn đều hướng về khán đài nơi họ ngồi và họ chịu đựng những hành vi hiếu kỳ khiếm nhã này với sự thản nhiên như không…".
Nhưng lạ kỳ thay qua ngày 6-1-1841 không có một tờ báo Pháp nào viết về sứ bộ Việt Nam dù chỉ là một tin ngắn, phải chăng đó là những ẩn ý mà chính phủ Pháp nhúng tay vào.
Vua Louis Philippe không dành cho sứ bộ Việt Nam một buổi tiếp tân nào vì họ cho là cuộc viếng thăm không được thông báo theo nghi lễ ngoại giao. Thật ra, vua Pháp đã được thơ của Hội truyền giáo ngoại quốc ngày 12-1-1841 nên biết rõ mục đích của sứ bộ Việt Nam là đi "giải độc". Họ báo cho vua Pháp những hành động thù địch của triều đình Huế đối với Thiên chúa giáo, hàng chục giáo sĩ bị giết bằng nhiều cách: xử trảm (chém đầu), lăng trì, xử giảo (treo cổ). Lời kết luận bức thư của Hội truyền giáo thật khôn khéo lẫn độc hại: "Tâu bệ hạ, tin tưởng hoàn toàn ở lòng nhân từ của bệ hạ đối với thần dân, dù họ ở nơi nào trên thế giới và trong mối quan tâm của bệ hạ đối với sự tiến bộ của tôn giáo và sự văn minh, những kẻ cầu xin này mong rằng bệ hạ lưu ý đến cách đối xử dã man mà các giáo sĩ Pháp đã phải chịu đựng ở Bắc và Nam Kỳ. Đồng thời áp dụng các biện pháp cần thiết để họ thoát khỏi cảnh nhũng nhiễu bất công".
Lại nữa các giáo sĩ Hội truyền giáo còn thông báo đến La Mã biết sứ bộ An Nam đến Pháp nên Giáo hoàng La Mã viết ngay cho vua Pháp một bức thư yêu cầu dùng quyền lực để can thiệp vào Việt Nam. Ngoài ra, các giám mục còn viết thơ cho Hội đồng các bộ trưởng Pháp cùng với mục đích trên để quan tâm đặc biệt đến sứ bộ An Nam.
Cuối cùng người Pháp chọn giải pháp hù dọa để khẳng định rằng chánh phủ Pháp đã biết rất rõ các diễn biến tại Việt Nam và người Pháp sớm muộn gì cũng phải trả đũa.
Thấy sự kiện vô cùng bất lợi từ nhiều phía, sứ bộ Việt Nam xuống tàu qua Anh Quốc, được thủ tướng và Huân tước Melbourne tiếp đón nhưng họ không đề cập chi đến vấn đề họ muốn tìm hiểu. Sau đó họ trở lại Pháp xuống Bordeaux rồi trở về Việt Nam. Họ mang nặng một nỗi niềm u uất của kẻ không làm tròn sứ mạng được giao phó.
Khi sứ bộ về đến Huế, vua Minh Mạng không còn nữa để kịp nhận sự thất bại do sáng kiến ngoại giao của mình. Dù sao nhà vua đã thừa sáng suốt để nhìn xa thấy rộng, đã ra tay trước mà cũng không cứu kịp cũng bởi do định mệnh an bày.
Trần Khánh
(Trích "Bài học lịch sử")
Đăng ngày 07 tháng 06.2018