TIỂU SỬ PHAN THANH GIẢN (1796-1867)

Trần Khánh

Ở miền Nam nước ta có hai trường trung học mang tên Phan Thanh Giản.
Để tưởng nhớ công đức ông, một trường thành lập ở Cần Thơ từ năm 1917. Chẳng biết bây giờ còn giữ tên cũ hay không? Một trường khác ở Bến Tre quê hương ông, trường này nằm bên bờ hồ, trước có hàng phượng vĩ rất đẹp. Nghe đâu tên trường đổi là Nguyễn Đình Chiểu.
Ông Phan Thanh Giản sinh năm Bính Thìn (1796) tại làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Đinh Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Sau đổi ra làng Bảo Thạnh, tổng Bảo Trị, huyện Bảo An, phủ Hoàng Trị, tỉnh Vĩnh Long, nay lại đổi nữa là làng Bảo Thạnh, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Tên chữ là Tịnh Bá hay Đạm Như, hiệu Lương Khê, biệt hiệu là Mai Xuyên.
Cha tên Phan Thanh Ngạn, mẹ là Lâm thị Búp, nhà ở gành Mù U, Bãi Ngao, làng Phú Ngãi, tổng Bảo Thuận, Bến Tre.
Vừa lên 7 tuổi, mẹ ông mất. Cha ông cưới vợ khác ở Long Hồ. Bà kế mẫu cho ông học với nhà sư Nguyễn văn Noa ở chùa Phú Ngãi.
Năm 1815, cha ông bị tù vì làm quan mà để dân thiếu thuế. Thời gian này ông rất cực khổ vừa làm vừa học.
Năm Ất Dậu (1825) ông đậu cử nhân tại Gia Định và cưới vợ lần thứ hai họ Lê người Long Hồ vì vợ đầu tiên của ông mất tên Nguyễn thị Mỹ.
Năm Bính Tuất (1826) đậu Tiến sĩ.
Thời vua Minh Mạng, năm 1826 ông giữ chức Hàn lâm viện Biên tu rồi Hình bộ Lang trung.
Năm 1828 lãnh chức Tham hiệp trấn tỉnh Quảng Bình và cưới thêm bà vợ thứ ba tên Trần thị Hoạch (vì bà thứ hai không con).
Năm 1829 được dời về kinh sư làm Thư phủ doãn Thừa Thiên.
Năm1830, Hiệp trấn Ninh Bình.
Năm 1831, làm Hiệp trấn Quảng Nam, bấy giờ có giặc Mọi do tên Cao Gồng cầm đầu nổi dậy, ông mang binh đi đánh và bị thất trận. Nên bị giáng cấp làm Tiền quân Hiệu lực.
Năm 1832, yên giặc ông được sung chức làm Hàn lâm viện Kiểm thảo nội các Hành tẩu và được cử làm nhân viên của sứ bộ sang Hạ Châu (Singapore).
Năm 1833, thăng Viên ngoại lang bộ Hộ, quyền Ấn phủ Thừa Thiên rồi Hồng lô Tự khanh và Phó sứ sang Tàu.
Năm 1834, thăng Đại lý Tự khanh sung Cơ mật Đại thần. Năm này dân Cao Miên xâm phạm địa hạt Châu Đốc, vua Minh Mạng cử Đông các Trương Minh Giảng, Vũ hầu Nguyễn Tri Phương đem binh vào đánh lấy đất đặt tên là Trấn Tây.
Năm 1835, ông được bổ làm Kinh lược Trấn Tây từ Hà Tiên đến Nam Vang (Phnom Penh). Lúc về ngang Bình Thuận ông dừng lại dẹp giặc Mọi, được vua cho làm Bố chánh rồi Hộ lý Tuần phủ Quảng Nam.
Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) vì can vua đi chơi núi Ngũ Hành mà bị giáng chức làm Lục phẩm Thuộc viên, lo việc quét dọn bàn ghế ở công đường. Khi quan xử kiện thì ông đứng khoanh tay hầu. Các quan lo ngại nói với ông: "Xin quan lớn tìm chỗ ngồi, nếu quan lớn hầu hạ chúng tôi như thế thì làm sao chúng tôi ngồi yên được để làm việc".
Ông đáp: "Xin các ông cứ lo bổn phận làm công việc các ông. Riêng tôi, vua phán sao tôi nghe vậy". Rồi 2 tháng sau ông được thăng Thị lang bộ Hộ sung Cơ mật viện Đại thần.
Năm 1838, bị giáng chức làm Lang trung biện lý Hộ vụ coi việc đào mỏ vàng ở Chiêu Đàn tỉnh Quảng Nam và mỏ bạc ở Thái Nguyên vì một lỗi để một tờ sớ vua phê mà quên đóng dấu ấn.
Năm 1839, được triệu về giữ chức Hộ bộ Thị lang, bấy giờ có người gốc Gia Định tên Vương Hữu Quang làm Tổng đốc Bình Định dâng sớ xin vua thiêu hủy bản tuồng "Lôi phong tháp" là tuồng có ý phỉ báng trời đất thần linh. Vua Minh Mạng không bằng lòng, các quan triều đình cho là không chính đáng, có ý buộc tội Vương Hữu Quang. Ông không đồng ý với các quan Cơ mật viện, cực lực phản đối, bày tỏ lẽ chánh tà và cho Vương Hữu Quang là chân chính. Kết quả tuồng "Lôi phong tháp" bị đốt. Vương Hữu Quang và Phan Thanh Giản được vua khen là trung chính. Nhất là ông được kính nể thêm. Sử gia có ghi: "Thanh Giản ngộ sự cảm ngôn" (nghĩa là ông Phan Thanh Giản gặp việc dám nói).
Năm 1840, được bổ Phó chủ khảo trường Thừa Thiên, bị giáng một bậc vì lẽ chấm không kỹ một bài phú trúng vận của cử nhân Mai Trước Tòng. Chỉ ít lâu được thăng Binh bộ Thị lang.
Năm Thiệu Trị thứ I (1841) được thăng Tham tri Binh bộ Thị lang Cơ mật Đại thần. Được làm Chánh chủ khảo trường thi Hà Nội.
Tháng 6 năm 1842, cha ông mất nên ông về chịu tang ở Bảo Thanh, Bến Tre. Vua Thiệu Trị có ban vàng bạc để lo việc tống táng.
Tháng 10 ông sửa soạn ra kinh, bà vợ Trần thị Hoạch muốn lưu ông lại thêm vài ngày, nên bà giả đau bụng. Ông đứng ngoài cửa buồng hỏi thăm và bảo con lo thuốc cho bà uống. Khi lên cáng (võng) bà Hoạch theo níu lại, ông nói "Việc vua, việc nước là trọng, chuyện vợ chồng là chuyện nhỏ".
Năm 1847 thăng Hình bộ Thượng thư. Vua Thiệu Trị băng, vua Tự Đức lên thay.
Năm 1848, chức Bộ Lại Thượng thư, tiếp sứ nhà Thanh là Lao Sùng Quang.
Năm 1849 làm Giảng quan toà Kinh Diên, nói giảng sách và bình luận văn thơ của vua Tự Đức, được chức Tả kỳ Kinh lược Đại sứ.
Mùa Xuân năm Tự Đức thứ 4 (1851) mấy tỉnh trong Nam dân sự nhiễu nhương, vua cử Nguyễn Tri Phương vào trấn đất Nam kỳ.
Năm 1852, ông cùng Chánh sứ Nguyễn Tri Phương dâng sớ về tâu 8 điều đại lược khuyên nhà vua phải nhớ nhiệm vụ trị nước yên dân và cần phải nên luyện binh sĩ để đủ sức khi cần dùng vũ lực. Vua xem sớ khen và ban cho ông một tấm kim khánh có khắc 4 chữ: "Liêm, Binh, Cần, Chánh". Nhưng rồi việc chính sự nhà vua cũng không có thay đổi gì.
Năm 1853, được triệu về kinh và thăng chức Hiệp biện Đại học sĩ.
Năm 1855, ông xin lập miếu thờ Võ Trường Toản (bậc thầy) ở huyện Bình Dương, làng Hoà Hưng, tỉnh Gia Định.
Năm 1862, Nam Kỳ rất khẩn trương. Sau khi thất thủ ba tỉnh miền đông: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, triều đình Huế cử ông làm Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp làm Phó sứ vào Gia Định giải hoà với thiếu tướng Pháp Bonard.
Ngày 5/6/1862 ký kết hiệp ước gồm 12 khoản, khoản nào cũng khắc nghiệt cả, nhất là khoản thứ 3: ba tỉnh miền đông bị Pháp chiếm trọn.
Năm 1863, ông được cử làm Chánh sứ sang Pháp chuộc lại ba tỉnh đã mất. Ông thất vọng trước sự thiếu thành thật của Pháp.
Ngày 10/11/1863, sứ bộ đáp tàu Japon về nước, sau khi ghé Y Pha Nho yết kiến nữ hoàng Elizabeth.
Ngày 24/3/1864, sứ bộ về đến Sài Gòn, sau đó ông yết kiến trình tâu lên vua Tự Đức kết quả. Vua quở trách cả hai vị Chánh Phó sứ.
Ông tâu lên vua: "Sự giàu có mạnh mẽ và các việc khôn khéo của nước Pháp nói không hết".
Tháng 2 năm 1865, toàn quyền Aubaret, đại diện chánh phủ Pháp từ Paris đến Huế báo tin vua Tự Đức nên giữ hoà ước 1862. Như vậy là việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ thất bại. Ông bị cách lưu, rồi sau đó lại được phong chức Kinh lược Đại thần ba tỉnh miền Tây.
Vĩnh Long thất thủ vào sáng ngày 20-6-1867 (Tự Đức 20).
Châu Đốc mất vào nửa đêm 21 rạng 22-6-1867.
Rồi Hà Tiên đồng chung số phận lúc 9 giờ sáng 24-6-1867.
Trong vòng năm ngày mất luôn ba tỉnh. Cả Nam Kỳ thất thủ. Phan Thanh Giản trả lời tướng Lagrandière rằng: "Tôi có quyền giữ đất chứ không có quyền giao đất".
Ông quá tuyệt vọng, làm một tờ sớ với lời lẽ bi thống gởi về kinh sư với sắc phong cùng đồ triều phục. Ông bắt đầu tuyệt thực.
Các con ông cùng thân quyến vây quanh khóc lóc xin ông ăn uống. Ông bảo rằng: "Ta biết rõ cơ trời, dù làm thế nào cũng không qua thiên ý định. Vậy khi ta thác rồi, ai nấy lo an cư lạc nghiệp, lo việc học hành. Không nên dục lợi cầu vinh mà làm việc nhẫn tâm hại lý. Nay ta tuổi cao sức yếu thành ra kẻ vô dụng cho nước nhà, dù có thác cũng không tổn hại cho quê hương. Ta sống cũng không có ích cho xứ sở. Hãy cố gắng học hỏi cho bằng người Âu Tây. Hãy ráng phò vua giúp nước toan lo cho hết sức họa may sau này vẻ vang cho tổ quốc".
Ông bịt khăn đen, mặc áo rộng, ngồi xem sách lúc tuyệt thực từ ngày 19-7-1867 đến 2-8-1867, cả nửa tháng mà không chết, nên ông quyết định dùng độc dược tự tử.
Ông gọi thân bằng quyến thuộc lại gần để trăn trối: "Khi ta chết rồi phải đem linh cửu về chôn tại làng Bảo Thanh bên cạnh mộ phần tổ tiên. Còn tấm minh tinh (tấm triệu) hãy đề: Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cửu". (nghĩa là quan tài của một thơ sinh già họ Phan ở góc biển nước Đại Nam).
Ông quay về hướng Bắc lạy vua ba lạy, rồi ngồi xếp bằng, nước mắt rưng rưng. Trước sự chứng kiến của gia đình, ông nâng chén á phiện uống cạn. Con cháu vây quanh ông khóc ầm lên. Ông tắt thở vào giờ Tý đêm mùng 5 tháng 7 năm Đinh Mão (Tự Đức thứ 20) nhằm ngày 4-8-1867, thọ được 71 tuổi. Ở phút cuối cùng của đời ông, có ba người Pháp chứng kiến: thiếu tá Ansart, linh mục Marc, y sĩ Coniat.
Đó là ba chứng nhân ngoại quốc trước cái chết lịch sử Phan Thanh Giản, với niềm khâm phục.
Ông có bốn người con trai: Phan Thanh Quân (mất sớm), Phan Thanh Hương, Phan Thanh Tòng (tên chữ là Liêm nên gọi là Phan Liêm), Phan Thanh Tôn tên chữ là Thiên cũng gọi là Phan Tôn.
Về văn nghiệp của ông để lại gồm có: Du kính tập, Toái cầm, Kinh đài Thi tập, Minh Mạng chính yếu, Việt sử Thông giám tổng mục, Sứ trình nhật ký, Khảo cổ ức thuyết, Lương khê Thi thảo.
Ông làm quan khi thăng, khi giáng, trải qua ba triều vua Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883).
Một bài thơ có tiếng được truyền lại, lúc ông ra kinh đô Huế thi Hội và thi Đình, ông gởi gắm thân sinh già yếu cho người vợ chăm sóc:
Từ thuở vương xe mối chỉ hồng
Lòng này ghi tạc có non sông
Đường mây cười tớ ham giong ruổi
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng
Thân nước nợ trai đành nỗi phận
Cha già nhà khó cậy nhau cùng
Mấy lời dặn bảo cơn lâm biệt
Rằng nhớ rằng quên lòng hỡi lòng.
Ông mất ngày chúa nhật 4-8-1867. Khoảng ba tháng rưởi sau, vào chiều chúa nhật 17-11-1867, nếu ai đi ngang qua mộ ông, người ta thấy ngôi mộ nằm trên con giồng trồng thuốc và bông vải. Mộ vừa xây xong bên lề đường và chưa có chữ nào trên tấm bia. Rồi một nho gia nào hạ bút đề trên mặt trước của khuôn mộ như sau: "Các người con Phan Thanh Giản không vâng lời thân phụ". Nguyên văn chữ Pháp đề: "Les fils de Phan Thanh Giản ont désobéi aux ordres de leur père". Vì theo di huấn, các con ông chẳng nên chống lại và cũng chẳng nên hợp tác với tân trào (Pháp). Thế mà các con ông lại chống Pháp.
Sau đó trên bia có khắc 7 chữ: "Lương Khê Phan lão nông chi mộ" (Mộ của người làm ruộng già họ Phan hiệu Lương Khê).
Tấm bia này và lời chỉ trích trên không còn thấy nữa.
Năm 1902 tri phủ Thái Hữu Võ, quận trưởng Ba Tri xin phép Chánh tham biện Bến Tre là Quesnel trùng tu lại ngôi mộ cùng một lúc với mộ Võ Trường Toản.
Năm 1929 ty công chánh tỉnh xuất công cho tu bổ lại một lần nữa.
Trước thời cuộc 1945, mộ ông nằm trong vuông rào, nền mộ tráng xi măng, ngôi mộ tô vôi trắng.
Trước có tấm bình phong có đôi liễn : Giang san chung tú khí (Sông núi đúc khí tốt) - Âu Á mộ oai linh (Người Âu Á đều mộ oai linh).
Và một đôi liễn khác: Tiết nghĩa lưu thiên địa (Tiết nghĩa còn cùng trời đất) - Tinh thần quán đẩu ngưu (Tinh thần lấn cả sao đẩu ngưu).
Trên tấm mộ bia lớn có khắc: Nam Kỳ hải nhai lão thư sinh Phan Công chi mộ. Một vị nho gia sửa lại cho hợp thời: Đại Nam sửa lại là Nam Kỳ. Tính Phan sửa lại là Phan Công. Nếu theo lời trăn trối thì phải ghi: Đại Nam hải nhai lão thơ sinh Tính Phan chi cửu.
Tấm bia nhỏ ghi: Đại Nam Hiệp biện Đại học sĩ toàn quyền đại thần Phan Tiên công chi mộ (nghĩa là Mộ của quan lớn Toàn quyền Hiệp biện Đại học sĩ Phan Tiên công ở Đại Nam).
Cuối cùng, sau nấm mộ, trên vách có 2 chữ: Truy Tư.
Hai bên có đôi liễn: Xuân bộ thu sương cảm (Sương đông, sương mù của mùa Xuân, Thu khiến người cảm nhớ) - Sơn hoa dã thảo bi (Hoa núi cỏ đồng đều hiền).
Nếu vật không đổi, sao không dời thì mộ ông vẫn còn, cách chợ quận Ba Tri 8 cây số theo đường chim bay. Mộ nằm phía Đông hương lộ 16 của làng Bảo Thanh, quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre (Kiến Hoà).

 Trần Khánh

Trích "Nhìn về Quê hương đất Tổ"

 

Đăng ngày 18 tháng 10.2016