NHỚ PHAN BỘI CHÂU

Trần Khánh

Năm mươi sáu năm trước, ở Việt Nam có 2 vì sao rụng. Đó là nhà cách mạng, ái quốc Phan Bội Châu (mất ngày 29-10-1940) và nhà thi sĩ mê trăng Hàn Mặc Tử (mất ngày 11-11-1940).
Có một thời gian ở Paris và vùng phụ cận, người ta tổ chức những buổi nói chuyện về thân thế sự nghiệp văn chương của cố thi sĩ Hàn Mặc Tử nhưng, nếu tôi không lầm thì dường như chưa ai đề cập, bằng những cuộc thuyết trình công khai về thân thế và sự nghiệp của nhà cách mạng Phan Bội Châu.
Nhân ngày giỗ của cụ sắp đến, tôi mạo muội ghi lại đôi dòng tiểu sử một nhà cách mạng đã một thời làm rúng động cả tập thể nhà cầm quyền thuộc địa lúc bấy giờ. Con đường của cụ đi nếu được thực hiện và thành công thì cục diện của đất nước ta sẽ hoàn toàn thay đổi hẳn và nếu:
Ví phải đường đời bằng phẳng hết,
Anh hùng hào kiệt có hơn ai.

Cụ Phan sinh năm 1867 tại làng Đan Nhiễm, tổng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thuở nhỏ tên San, sau đổi là Bội Châu, hiệu là Sào Nam. Ông là người rất thông minh. Đỗ đầu xứ Nghệ Tĩnh nhưng thi Hương hỏng mấy khoa, mãi đến năm 1900 (34 tuổi) mới được Giải nguyên. Ông quay ra hoạt động chánh trị.
Năm 19 tuổi, phong trào Cần vương do ông Phan Đình Phùng lãnh đạo sôi nổi ở Nghệ Tĩnh, ông cũng có tổ chức một đội quân học sinh, hiệu cờ Sĩ tử Cần vương.
Năm 1901, cụ tính đánh lấy thành Vinh vào ngày quốc khánh Tây 14-07 nhưng bị bại lộ không nên việc, bèn viết tập "Lưu cầu huyết lệ thư" rồi đi khắp trong nước để liên kết với các sĩ phu có tâm huyết.
Năm 1905, ông sang Nhật tiếp xúc với các nhà ái quốc Trung Hoa như Lương Khải Siêu… và các đảng phái Nhật Khuyển Dưỡng Nghi cùng Đại Ôi Bá tước. Rồi ông viết tập "Việt Nam Vong quốc sử".
Về nước ít lâu lại sang Nhật với Kỳ Ngoại hầu Cường Để. Sau các loạt bài khuyên thanh niên du học (1905) và Hải ngoại Huyết thư (1906), phong trào Đông du sôi nổi, nhiều phần tử ưu tú bí mật được đưa sang Nhật du học. Công việc đang tiến hành tốt đẹp, đến cuối năm 1908, Nhật bắt tay với Pháp nên Nhật hạ lịnh trục xuất người Việt Nam. Ông và các đồng bạn phải lưu vong sang Trung Hoa, Thái Lan.
Năm 1912, cách mạng Trung Hoa thành công. Ông cùng Cường Để và Nguyễn Thượng Hiền lập Việt Nam Quang phục hội phái người về nước hoạt động ngầm giúp các lực lượng kháng Pháp.
Năm 1913, sau mấy vụ ném bom ở Hà Nội và Thái Bình, chánh quyền Pháp kêu án tử hình khiếm diện ông, và liền khi đó, Đô đốc Quảng Đông Long Tế Quang bắt giam ông ở Quảng Châu, ông viết tập "Ngục Trung thư".
Sau vụ khởi nghĩa ở Thái Nguyên năm 1917 và vụ ném bom Sa Diện ở Quảng Châu, Trung Hoa, người Pháp biết có Quang phục hội nhúng tay, nên lại kết án tử hình ông nữa.
Tháng 7-1925, bị Pháp bắt tại ga Bắc Trạm rồi đưa ông về Hà Nội. Phiên toà ngày 23-11-1925, ông lãnh án tử hình. Nhưng trước cao trào đòi ân xá của dân chúng, toàn quyền Varenne phải nhượng bộ đưa ông về giam lỏng tại Huế.
Từ đó ông sống những ngày tàn ở xóm Bến Ngự cho đến ngày 29-10-1940 (Bính Thìn) thì mất, thọ 74 tuổi.
Về thơ văn, cụ Phan Bội Châu để lại rất nhiều, hầu hết được phổ biến. Những bài nào hùng đầy sĩ khí được nhắc nhở của cụ luôn còn ghi đậm trong lòng chúng ta khó mà quên được như bài "Sống" sau đây:
Sống tủi sinh chi đứng chật trời
Sống nhìn thế giới hổ không ai?
Sống làm nô lệ cho người khiến
Sống chịu ngu si để chúng cười
Sống tưởng công danh không tưởng Nước
Sống lo phú quý chẳng lo đời
Sống mà như thế đừng nên sống
Sống tủi sinh chi đứng chật trời!

Ai cũng biết cụ là nhà Nho, nhưng những ngày bị giam cụ đã ăn năn vì học nhầm và viết trong Ngục Trung thư: "Nước ta từ xưa phụ thuộc nước Tàu, địa lý, lịch sử trải mấy ngàn năm như hai nước anh em lâu đời. Bởi đó nước ta chỉ biết tôn sùng Hán học như thần thánh, mà Hán học xem trong chỉ có khoa cử văn từ. Tôi từ nhỏ tới lớn có tư chất thông minh công phu đèn sách dùi mài không bê trễ, nhưng kể đến kết quả chỉ là học khoa cử mà thôi… Than ôi! Chổi cùn trong nhà tự mình xem là của quý, sự ưa thích lâu đời đã thành thói quen, thành ra rốt cuộc tôi cũng bị thời trang bó buộc, đến nỗi tiêu hao ngày tháng về nghề nghiệp khoa cử gần phân nửa đời người. Đó là vết nhơ rất lớn trong đời tôi vậy".

Trần Khánh

Trích "Nhìn về Quê hương đất Tổ"

 

Đăng ngày 18 tháng 10.2016