banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

GIAI THOẠI VỀ NGUYỄN CÔNG TRỨ

Trần Khánh

Ông Nguyễn Công Trứ tự Tồn Chất, hiệu Ngô Trai, biệt hiệu Hi Văn, sinh năm 1778 và mất vào năm 1858, hưởng thọ 80 tuổi. Ông làm quan dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, sang triều Tự Đức thì về hưu.
Thơ văn của ông thường đề cao chí làm trai. Cuộc đời ông thật lắm thăng trầm, lên voi, xuống ngựa, được lắm người thương nhưng cũng nhiều kẻ ghét. Đường công danh lận đận, mãi đến 40 tuổi mới đỗ Cử nhân.
Chúng ta hãy ôn lại những giai thoại vui, buồn, về ông với Lê văn Duyệt và Hà Tôn Quyền…
Một hôm đi đường gặp mưa, ông vào trú một quán nước bên đường, rồi tìm ổ rơm, đắp chiếu ngủ một giấc. Bất ngờ đại binh Lê văn Duyệt diễn tập về ngang qua. Mọi người đều hãi sợ chạy trốn. Toán tiền quân vào quán gặp người nằm ngủ liền gọi dậy, trong lúc Tả Quân cưỡi ngựa vừa đi tới, thấy ông có vẻ đỉnh đạc mới hỏi rằng: "Cớ sao thấy đại quân ta trẩy qua mà còn nằm đó không chịu đứng dậy cho phải phép?"
Ông trả lời: "Quân của Đại tướng là quân nhân nghĩa, tới đâu dân chúng vẫn làm ăn yên ổn, không bị khinh động. Bởi vậy tiểu sinh mới không lo ngại mà nằm ngủ. Vả lại đi đường mệt mỏi, gặp nơi yên ấm ngủ quên thành ra đắc tội, xin Đại tướng lượng thứ cho".
Tả Quân ôn tồn bảo: "Thế ra mi là học trò? Vậy thử vịnh "cảnh nằm ổ rơm đắp chiếu ngủ" này đi".
Ông liền đọc ngay:
Ba vạn anh hùng đè xuống dưới
Chín lần Thiên Tử đội lên trên.
Tả Quân kinh ngạc, biết gặp người hữu tài, khuyên bảo và thưởng tiền cho về…
Ông đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Tri huyện, Lang trung bộ, Phủ thừa, Hiệp trấn, Hình bộ Thị lang, Hình bộ Tham tri, Bố chánh, Tổng đốc, Ngự sử, v.v…
Năm 1828 ông giữ chức Dinh điền sứ coi việc khẩn hoang tại miền duyên hải Nam Định, Ninh Bình. Trong một năm, ông lập được hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn, hai tổng Hoành Thu và Minh Nhất. Nhưng rồi ông bị giáng chức một lần vào năm 1831 vì đề cử lầm Huyện thừa huyện Tiền Hải. Và vào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) giữ chức Binh bộ Tham tri, rồi bị vu cáo, triều đình cách chức và đày đi làm lính thú ở Quảng Ngãi. Hôm vào trình diện Tuần vũ Quảng Ngãi, ông mặc quần áo lính, lưng đeo đao, vai mang túi gạo. Quan Tuần vũ mời ngồi và mời thay quần áo, ông từ chối mà rằng: "Lúc làm tướng tôi không lấy làm vinh, nay tôi làm lính không lấy làm nhục. Vả lại làm lính mà không mặc đồ lính thì sao ra người lính?"
Ganh ghét ông còn có Hà Tôn Quyền tự Tồn Phủ hiệu Phương Trạch, đỗ Tiến sĩ và làm quan đến Lại bộ Tham tri, nhưng chỉ làm quan lớn ở tại triều, nên ganh ghét ông vì ông lập nhiều công to, rồi gièm pha luôn, gây cho ông lắm bước thăng trầm. Nhân một bữa tiệc mừng con thi đậu, Hà có mời ông đến dự. Sau tuần rượu, bày ra thi thơ, trước nhà Hà có cây vông lớn, Hà ra đề tài là "Vịnh cây vông".
Ông Nguyễn Công Trứ liền đọc lên bài theo thể đường luật:
Uổng công tạo hóa mấy thu đông,
Cao lớn làm chi, vông hỡi vông?
Xương thịt không nhiều, nhiều gút mắc,
Ruột gan chẳng có, có gai chông!
Rường soi cột trổ không nên mặt
Giậu mỏng, rào thưa phải lấy lòng.
Cho biết cây nào, hoa quả nấy,
Xuân về hớn hở cũng đâm bông.
Hà Tôn Quyền cho mình là đại thần của triều đình mà bị Trứ chê bai như vậy thì giận lắm, mới nói với ông rằng: "Quân tử ố kỳ văn chi quý ngài". (Nguyên văn là: Quân Tử ố kỳ văn chi trứ = Người quân tử ghét sự loè loẹt bên ngoài. Hà dùng chữ "quý ngài" thay cho "trứ" vừa khiêm tốn kiên tên ông, vừa muốn nói là không ưa gì ông).
Ông liền đáp lại ngay: "Thánh nhân bất đắc dĩ dụng cụ lớn". (Nguyên văn là: Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền = Thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng đến quyền lực. Ông thay chữ "quyền" bằng chữ "cụ lớn" để đối lại với Hà Tôn Quyền, mà cũng dụng ý nói rằng: "Vua dùng ông là bất đắc dĩ đó thôi").
Khi về hưu, ông đã 71 tuổi, sắm một cỗ xe, dùng một con bò vàng cái để kéo đi ngao du sơn thủy khắp đó đây. Hai năm sau, ông lại có thêm một người thiếp đang độ thanh xuân. Đêm tân hôn, ông cao hứng làm một bài hát ngộ nghĩnh như sau:
Kià những người mai tuyết đã phau phau
Run rẩy kẻ đào tỏ còn mãnh mãnh.
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa lấp lánh,
Nhất tọa lê hoa áp hải đường.
Từ đây đà tạc đá ghi vàng
Bởi đâu trước lựa tơ chấp chỉ.
Tân nhân dục vấn Lang niên kỷ?
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam!

Năm ông 75 tuổi (1852), dân hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn nhớ ơn người sáng lập, góp nhau lập sinh từ thờ ông và phái người đi mời ông đến dự lễ khánh thành. Cuộc đón tiếp rất là oai nghi long trọng. Có người thấy thế mới tố cáo về triều vua Tự Đức là ông có ý làm phản. Vua hạ chỉ cho Tổng đốc Nam Ninh điều tra, với kết quả là dân tự động làm ra, chớ ông không có ý gì khác. Vua Tự Đức liền triệu ông về kinh để ủy lạo. Nhân dịp này, vua hỏi ông về tình hình hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn, ông tâu: "Hai huyện bây giờ phong đăng hòa cốc, cảnh sắc thái bình, dân chúng thường tụ hội vui vẻ và bày ra trò chơi đố nhau rất ý vị".
Vua hỏi cách thức đố như thế nào?
Ông đáp: "Họ đọc một vài câu thơ, và người khác suy nghĩ đoán ra là cái gì".
Thí dụ như: "Đem thân cho thế gian ngồi, Chẳng thương thì chớ lại cười "bất trung". Đoán là tấm phản, mà bất trung có nghĩa là phản.
Thí dụ như: "Ngửa lòng hứng lấy nước nhà, Người dù không biết, trời đà biết cho". Đoán là ống máng hay máng xối.
Vua biết ông phơi bày tâm sự của kẻ tôi trung mà bị vu oan, liền cười tủm tỉm, vỗ về và ban cho lộ phí hồi hương.
Ngày 14/11/1858 ông tạ thế tại làng Uy Viễn, hưởng thọ 80 tuổi, để lại cho đời những áng văn chương tuyệt tác và một tấm gương sáng chói.

Trần Khánh

Trích "Nhìn về Quê hương đất Tổ "

Đăng ngày 15 tháng 09.2016