banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

CHỮ QUỐC NGỮ

Trần Khánh

Đề tài này được các nhà nghiên cứu viết ra thật nhiều, ở đây người viết chỉ xin ghi lại vắn tắt về chữ Quốc ngữ từ lúc mới khai sáng và văn học Quốc ngữ từ miền Nam xuất phát.
Năm 1549 ở Nhựt có in quyển giáo lý Thiên chúa bằng chữ Nhựt theo mẫu tự La Tinh "Romaji". Năm 1595 in quyển tự điển La - Bồ - Nhựt. Đến năm 1632, các soạn giả dòng Đa Minh thuộc bộ truyền giáo La Mã cho ấn hành ba quyển Romaji: tự điển, văn phạm Nhựt ngữ và phương pháp cáo tội xét mình.
Khoảng từ năm 1584 đến 1588, ở Trung Hoa có hai giáo sĩ dòng Tên Michele Ruggieri và Matteo Ricci soạn ngữ vựng Bồ - Hoa - La Tinh. Năm 1598, hai giáo sĩ Ricci và Cattaneo làm ra ký hiệu. Năm 1626 giáo sĩ Trigault xuất bản bộ Âm kinh ở Hàng Châu bằng âm Hoa ngữ xếp theo chữ La Tinh.
baihoclichsuVậy mẫu tự La Tinh được manh nha áp dụng tại Nhựt và Trung Hoa do nhu cầu truyền đạo của các nhà truyền giáo Âu Châu từ trước nhưng kết quả không được mỹ mãn như ở Việt Nam sau đó.
Mẫu tự La Tinh đã thành hình chữ Quốc ngữ từ bao giờ? Hãy nghe giáo sĩ Alexandre de Rhodes viết: "Tuy nhiên trong công cuộc này ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ người bản xứ trong suốt gần 12 năm, thời gian mà tôi lưu trú ở hai xứ Cô Sinh (Đàng Trong) và Đông Kinh (Đàng Ngoài), thì ngày đầu tôi học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha thuộc dòng Giê Su nhỏ bé của chúng tôi, là thầy dạy tiếng và cũng là người thứ nhứt bắt đầu giảng thuyết về phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn. Tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng một hội dòng, nhứt là cha Gaspar de Amoral và cha Antoine Barsola, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn tự điển. Ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam -Bồ, ông sau bằng tiếng Bồ - An Nam, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La Tinh theo lệnh các hồng y".
Chính những lời lẽ phát xuất từ giáo sĩ Đắc Lộ mà linh mục Thanh Lãng và nhiều học giả khác khẳng định: Giáo sĩ Đắc Lộ không những không phải là ông tổ duy nhứt chữ Quốc ngữ mà cũng không phải là một trong những ông tổ của chữ Quốc ngữ. Sở dĩ Đắc Lộ về sau được lịch sử nhắc nhở đến nhiều vì lẽ không ai kiện toàn chữ Quốc ngữ cho bằng, bằng chứng là ông để lại quyển tự điển Việt - Bồ - La Tinh và quyển "Phép giảng tám ngày" được coi như là tài liệu đầu tiên về chữ Quốc ngữ.
Còn theo linh mục Đỗ Quang Chính nói: "Đắc Lộ không phải là người Âu Châu đầu tiên học tiếng Việt, cũng không phải là người đầu tiên sáng tác chữ Quốc ngữ đúng như một số giáo sĩ dòng Tên Bồ Đào Nha thời đó. Thời gian lưu lại ở Âu Châu ông có điều kiện đến xem trong văn khố ở Roma, Lisbonne, Paris, Avignon… Ông đã khám phá ra nhiều tài liệu vô cùng quý báu liên quan đến chữ Quốc ngữ, đó là bức thơ đề ngày 12-9-1659 của Igesico Văn Tín cho linh mục G.P. de Marini và bức thơ khác đề ngày 25-10-1659 của Bentô Thiện cũng gửi cho linh mục Marini. Có lẽ đồng thời hay trước đó ít lâu cũng có nhiều người viết chữ Quốc ngữ nhưng vĩnh viễn thất lạc".
Ông Alexandre de Rhodes sanh năm 1591 ở Avignon (Pháp). Năm 1624 theo giáo đoàn sang Đàng Trong (miền Nam Việt Nam). Hai quyển sách ông viết bằng chữ Quốc ngữ in tại La Mã năm 1651 do bộ Truyền giáo đúc chữ và ấn hành.
Pineau de Béhaine, giám mục Đàng Trong từ năm 1771 là người đầu tiên nhuận lại cuốn tự điển của Alexandre de Rhodes, sửa lại các tiếng phiên âm sai và thêm vào chữ mới. Công trình này đã bị hỏa thiêu một phần lớn trong vụ hỏa tai tại chủng viện Cà Mau năm 1778. Tiếp đó, Taberd dựng lại pho tự điển bị cháy ấy vào năm 1799. Đến năm 1838 mới mang qua Serampore Ấn Độ in 2 quyển tự điển An Nam - La Tinh và La Tinh - An Nam của Taberd.
Về sau, hai quyển tự điển này được hai giáo sĩ Thercul và Leserteur bổ khuyết thêm một số từ ngữ lưu hành ở Bắc mà không có trong tự điển Taberd và cho tái bản lần đầu trong nước ta tại Ninh Phủ năm 1877 kịp lúc chữ Quốc ngữ vươn lên.
Ngày 8-5-1861, Đô đốc Charner ký nghị định lập trường Collège d’Adran để đào tạo thông ngôn người Việt và cả người Pháp học tiếng Việt. Lúc đầu, Đô đốc Charner giao cho linh mục Ciroc trông nom. Sau đó, từ năm 1866 đến năm 1868 đề bạt ông Trương Vĩnh Ký làm quản đốc.
baihoclichsuNăm 1865, người Pháp cho ra đời tờ công báo đầu tiên bằng tiếng Quốc ngữ. Đến năm 1868 lại giao cho Trương Vĩnh Ký điều hành. Từ đấy chữ Quốc ngữ được chính thức ra đời, được truyền bá và được ca tụng hoặc bị chửi nữa.
Có những người phái cựu học cũng theo như Tôn Thọ Tường.

Có thể nói không lầm Trương Vĩnh Ký là nhà văn đầu tiên của nước ta về chữ Quốc ngữ đúng theo định nghĩa của từ "nhà văn", lấy việc viết văn, làm sách là chánh yếu để truyền bá tư tưởng… Ông có sách xuất bản từ năm 25 tuổi (1862) cho tới lúc mất năm 1898. Trong báo Tri Tân số 44 ngày 18-1-1941, ông Long Điền có liệt kê sách ông Trương Vĩnh Ký, đếm được 118 cuốn, thật là đồ sộ, nhưng có những bài viết độ dầy không thể kể là sách được.
Sách xuất bản của ông Trương Vĩnh Ký có nhiều loại:
Về ngôn ngữ dạy tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Tàu;
Về giáo khoa dùng cho học sinh các trường Pháp -Việt trong nha học chánh Nam Kỳ;
Về khảo cứu dành cho độc giả có học thức và người Pháp viết bằng Pháp văn.
Trong số sách trên có vài quyển được người Pháp khen: mạch lạc, trong sáng, phán đoán vô tư, chưa từng thấy trong sách nào của Á Đông làm ra (Ernest Renan). Ông Phan Thế Ngữ trong Việt Nam Văn học Giản ước Tân biên viết: "Người miền Bắc học tiếng Pháp chậm hai, ba chục năm sau cũng còn nhớ mãi những cuốn tự điển Pháp - Việt của Trương Vĩnh Ký".
Sách dịch của Trương Vĩnh Ký từ Hán văn của các Nho gia ra Quốc ngữ: "Trung dung" (1875), "Mạnh Tri tạp chú" (1875), "Sơ học văn tân" (1877), "Đại học" (1877), "Tam tự kinh Quốc ngữ diễn ca" (1884), "Minh tâm bửu giám" (1893). Được cụ Nguyễn văn Tố phê bình 2 quyển "Trung dung" và "Đại học" như sau: "Ông đã biết giữ cho những tư tưởng ấy cái vẻ linh hoạt đi sát với nguyên văn, không suy chuyển đến văn vẻ"…nghĩa là Trương Vĩnh Ký muốn đem tư tưởng Nho gia dạy cho người mình bằng thứ chữ mới mà mấy chục năm sau Phạm Quỳnh tiếp tục công việc này nơi đất Bắc.
Sách dịch từ chữ Nôm ra Quốc ngữ, chú giải cho xuất bản như: "Kim Vân Kiều" (1878), "Đại Nam Quốc sử diễn ca" (1879), "Gia huấn ca" (1882), "Huấn nữ ca" (1882), "Lục súc tranh công" (1887), "Phan Trần" (1889), "Lục Vân Tiên" (1889). Ông Thanh Lãng có nhận xét qua các quyển trên rằng: "Trương Vĩnh Ký có óc phê bình rất tinh tế, biết áp dụng phương pháp khoa học để so sánh, phê bình giá trị sự liệu của các văn kiện".
Quan trọng hơn hết là phần sáng tác, các tác phẩm sau đây: "Chuyện đời xưa" (1876), "Chuyến đi ra Bắc Kỳ năm Ất Hợi" (1876), "Gia Định phong cảnh", "Gia Định thất thủ vịnh" (1882), "Học trò khó phú" (1882), "Thạnh suy bỉ cực phú" (1883), "Hịch con quạ" (1883), "Ngư tiền trường diệu" (1883), "Phú bần truyện diễn ca" (1885), "Cờ bạc nha phiến diễn ca" (1885).
Quyển "Chuyện đời xưa" rất được hoan nghinh, lúc còn sanh tiền, ông tái bản đến ba lần, trong sách có 74 truyện cổ tích Việt Nam. Về sau trong bộ truyện cổ tích nước Nam của Nguyễn Văn Ngọc có nhiều truyện lấy ra từ quyển "Chuyện đời xưa". Đây là hình thức bắt đầu của lối truyện ngắn, văn xuôi Quốc ngữ. Ý muốn của tác giả diễn tả tiếng Việt dõng dạc từ cửa miệng người bình dân nhưng làm sao sắp được cho ra văn cho người mình dễ đọc, dễ nhớ và dễ hiểu, bởi vì đối tượng đọc sách của ông chính là những người bình dân đó.
"Chuyến đi ra Bắc Kỳ năm Ất Hợi" (1876) là tập hồi ký, du ký ông ghi lại những điều mắt thấy tai nghe khi viếng các danh lam thắng cảnh, tìm hiểu truyền thuyết, lịch sử… mở đầu cho các thể viết du ký, hồi ký về sau.

Người xây đắp nền Quốc ngữ thứ hai ở Nam Kỳ là ông Huỳnh Tịnh Của quê quán ở Bà Rịa, giỏi chữ Hán và Pháp, là viên chức ngạch đốc phủ sứ, từ năm 1861 là cây bút thường xuyên cho tờ Gia Định báo.
baihoclichsuÔng Của cho ra đời mấy tác phẩm: "Chuyện giải buồn", "Tục ngữ cổ ngữ", nhất là quyển "Đại Nam quốc âm tự vị" có giá trị rất lớn. Ngoài ra còn mấy cuốn thất truyền: "Chiêu Quân cống Hồ truyện", "Bạch Viên Tôn Các truyện", "Quan Âm diễn ca", "Thoại Khanh Châu Tuấn truyện", "Gia lễ quan chế", "Ca trù thể cách", "Thơ mẹ dạy con".
Ông Của dịch ra chữ Quốc ngữ từ sách Hán, chữ Nôm và sáng tác biên khảo, thơ.
"Chuyện giải buồn" là hình thức chuyện ngắn in đầu năm 1880, sau thêm một cuốn giải buồn nữa năm 1885. Toàn tập có 112 chuyện chủ ý là dùng luân lý để giáo huấn con người theo tư tưởng Nho giáo. Ông bỏ ra bốn năm để thực hiện quyển "Đại Nam quốc âm tự vị", năm 1893 thống đốc Nam Kỳ cử ban duyệt y rồi Hội đồng Thuộc địa cho ngân khoản in và cho ra đời năm 1895 hai quyển tự điển từ A đến L, và từ M đến X, khổ 24 x 31cm khoảng 600 trang mỗi quyển theo mẫu A, B, C… một cách khoa học, hai quyển tự vị này đã đóng góp không nhỏ cho nền xây dựng Quốc văn mới. Hình thức một quyển tự điển Việt Nam đầu tiên đến 30 năm sau ở Bắc Kỳ hội Khai trí Tiến Đức mới nghĩ tới và tiếp tục công việc.
Việc làm của hai ông Ký và Của từ lúc khai sanh cho nền Quốc ngữ thật là đáng kể. Tiếp theo đó nhóm Đông Dương Tạp chí (1907) và Nam Phong tạp chí (1919). Có điều lạ là văn học Quốc ngữ phát sinh từ Nam Kỳ. Hai ông Ký và Của viết văn rất có qui tắc từ chính tả, dấu, âm…Chữ Quốc ngữ đưa ra Bắc học rất đúng, ngược lại trong Nam viết rất cẩu thả. Ông Phan Khôi viết trong tờ Phụ nữ Tân văn số 28 năm 1929 phải lấy làm tiếc rẻ. Người ta cố giải thích rằng Gia Định là đất mới, người còn thưa thớt, dân chưa được thuần nhứt, văn hóa chưa được đào sâu mà hai ông Ký và Của là hai vì sao mọc quá sớm, gióng tiếng chuông quá cao.

Cho đến đầu thế kỷ 20, văn học Quốc ngữ mới thực sự đưa vào đời sống về khoa học, về tôn giáo… Vì khi trước các Nho gia xem Hán học là Quốc học, Hán tự là chữ nước ta và văn chương Trung Hoa cũng là văn chương của mình. Đến chừng nước mất mới bình tĩnh ra, hết năm châu bốn bể có người công kích tổ tiên đi học mướn viết nhờ, nay phải cố gắng xây dựng một nền Quốc học chân chính. Nên các nhà Nho ta cũng cương quyết từ bỏ chữ Hán theo chữ Quốc ngữ. Cho nên tuy bị Pháp đô hộ, bảo hộ, bị học chữ Pháp, nhưng người ta tự thấy không bị lầm lạc như xưa, không lấy chữ của kẻ thống trị làm chữ của mình mà lo nuôi dưỡng nền Quốc văn cho tương lai đất nước về sau, tuy đã gặp nhiều khó khăn trong hoàn cảnh ngoại thuộc vì bị kiểm soát gắt gao.
Năm 1907 ông Nguyễn Văn Vĩnh sau khi đi Pháp về đã nhìn thấy nền văn minh của Tây, muốn canh tân xứ sở, giáo dục quần chúng cho theo kịp người thì phải nhờ đến báo chí, ấn phẩm phải làm sao phát triển mạnh. Ông cho tờ báo đầu tiên ra đời ngày 28-3-1907 tên là "Đăng cổ Tùng báo", với hai tôn chỉ chính yếu là truyền bá học thuật tây phương và cổ động chữ Quốc ngữ. Nhà in đầu tiên ở Hà Nội in quyển "Tam quốc chí" của Phan Kế Bính dịch ra chữ Quốc ngữ. Ông Vĩnh viết lời tựa: "Nước Nam ta mai sau này hay dở là nhờ chữ Quốc ngữ". Ông hô hào dịch sách Pháp ra Quốc ngữ để truyền bá tư tưởng văn chương tây phương.
Một số trí thức đồng quan điểm ủng hộ ông Vĩnh như Phạm Duy Tốn, Đỗ Thận, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Văn Tố… Sách giáo khoa viết bằng chữ Quốc ngữ ra đời như sách toán, sử ký, địa lý, cách trí do hội Trí Tri soạn, được tung ra với các tác giả Trần Văn Thông, Trần Văn Khánh, Đỗ Thận.
Tờ Đăng cổ Tùng báo hoạt động được hai năm phải đóng cửa (1909) vì độc giả quá ít. Năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh lại ra tờ Đông Dương Tạp chí, tuyên truyền những tư tưởng cấp tiến, rèn luyện văn chương Quốc ngữ và đả phá Hán học. Cho đến năm 1915 là lần thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ làm sụp đổ thành trì văn học xưa.
Sau khi bài bỏ Nho khoa, làm tủi hổ các nhà Nho lâm vào cảnh chợ chiều của các thầy đồ, thầy khóa. Các trường trung học, cao đẳng nổi lên nhất là lúc ban hành học qui Sarraut năm 1918. Để các nhà cựu học không bơ vơ, Phạm Quỳnh nhận lấy sứ mạng đi tìm đất đứng cho mọi người hầu làm thỏa mãn lòng tự ái mà dư luận muốn giữ quốc hồn quốc túy. Mấy nhà Nho hết thời trong phong trào Duy Tân cũng đứng về phía Phạm Quỳnh như Dương Bá Trạc, Nguyễn Đôn Phúc, Nguyễn Bá Trác, Nguyễn Bá Học… Kẻ sáng tác, người dịch trong tờ Nam Phong tạp chí ra năm 1917. Đến năm 1919, Nam Phong trở thành cơ quan của hội Khai trí Tiến Đức theo khẩu vị của những người còn nặng tình Hán học cựu phong.
Từ năm 1924, tình thế xoay chuyển, ở Pháp tả phái lên cầm quyền chống lại nhiều tệ đoan xã hội và chánh thể, nên tờ Nam Phong chánh trị xã hội ra đời, nhiều từng lớp trí thức xuất thân từ những trường trung học, đại học Pháp ở thành thị tiêm nhiễm tư tưởng Âu Tây nên quyển tiểu thuyết đầu tiên ở đất Bắc ra đời trong sự e ấp, sợ sệt dư luận là quyển "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách viết xong 1923 mãi hai năm sau 1925 mới xuất bản.
Từ sau năm 1930, cảnh tượng ly khai giữa cũ và mới, trẻ với già bày ra rõ rệt gay gắt. Nho gia lần hồi tan cuộc và Việt Nam bước sang cuộc canh tân khác với nhóm Tự Lực Văn đoàn, có Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Tú Mỡ… Thời này người ta say mê tiểu thuyết.
Danh từ tiểu thuyết nghe mới mẻ, chứ chuyện dài, chuyện ngắn đã có từ lâu bằng văn xuôi. Pháp gọi là roman, theo nghĩa của nó là một truyện viết bằng văn xuôi để tả cảnh, tình tự, phong tục, xã hội hay sự tích… cho người đọc thấy hứng thú. Còn theo Tàu chữ tiểu thuyết nguyên sơ là tiểu gia chí thuyết hoặc là tiểu sự tình nghĩa là kể lại những việc nhỏ nhặt tầm thường ở đầu đường xó chợ, không phải là văn chương của thánh hiền.
Ở nước ta, loại tiểu thuyết viết bằng Hán văn theo thể truyện ký, truyện ngắn như "Lĩnh nam chích quái", "Việt điện U linh", "Thương kinh Ký sự", "Hoàng Lê Nhất Thống chí" (truyện dài). Còn truyện chữ Nôm có "Trê cóc", "Trinh thử", vào đời Trần sang đến đời Trịnh - Nguyễn rất thịnh hành. Các truyện ấy là tiểu thuyết viết bằng văn vần, bằng thơ lục bát như "Hoa tiên", "Song tinh", "Thúy Kiều", "Lục Vân Tiên".
Cho đến cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Nam Kỳ khởi lên phong trào dịch tiểu thuyết Tàu và truyện kiếm hiệp, ông Trần Phong Sắc quê ở Tân An dịch hơn 40 tác phẩm dài của Tàu. Năm 1907 ở Bắc có Phan Kế Bính dịch truyện Tam Quốc và ông Nguyễn Đỗ Mục là một dịch giả lớn.
Điểm đáng lưu ý, nhà văn Quốc ngữ đầu tiên là Trương Vĩnh Ký viết văn xuôi, viết như nói, không phải ông không biết cách hành văn mượt mà, nhưng ông biết phân biệt khi làm thi ca, từ, phú thì dùng nhiều điển tích văn hoa, còn khi viết chuyện đời xưa thì viết rất nôm na đơn giản, ông muốn tạo một lối viết dõng dạc cho quần chúng bình dân xem qua đều hiểu cả, đối tượng chính là quần chúng thời ấy.
Về sau ở miền Bắc viết văn xuôi khác đi với khuynh hướng đem lời văn trong thi phú truyện tích ra làm văn xuôi, ưu dụng chữ Hán, những điển tích, biền ngẫu. Cho nên có cuộc tranh biện trên báo Nam Phong vào năm 1918 giữa hai cách viết văn Nam Bắc. Khuynh hướng mới có vẻ thắng thế truyền vào Nam có nhiều văn gia theo, một thời làm tiêu biểu cho một giai đoạn mà Đông Hồ là điển hình vì ông viết cho tờ Nam Phong và quen biết các văn gia thường đọc báo Nam Phong. Đồng thời với Tương Phố, ở báo Nam Phong năm 1925, Đông Hồ khóc vợ trong bài "Linh Phượng lệ ký" và Tương Phố khóc chồng trong "Giọt lệ thu" làm thi đàn ngập nước mắt. Nhưng cả hai về sau đều tái giá!

Để có cái nhìn giao lưu chữ Quốc ngữ, ta lấy ông Hồ Biểu Chánh làm tiêu biểu. Ông là nhà hành chánh, nhà biên khảo, nhà báo, văn thơ, nhất là trong lãnh vực tiểu thuyết.
Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung sinh ngày 1-10-1885 tại Gò Công. Là con thứ năm trong số 12 anh chị em, gia đình nghèo, học chữ Nho, chữ Quốc ngữ ở trường làng tổng, học chữ Pháp ở trường tỉnh Gò Công (1896-1903), được học bổng ở trung học Mỹ Tho (1902-1903) rồi Chasseloup Laubat ở Sài Gòn (1902-1905). Ông đậu bằng thành chung hạng nhì.
baihoclichsuTừ năm 1906 làm ký lục ở soái phủ Nam Kỳ cho tới năm 1936 thăng đốc phủ sứ. Đã từng làm việc ở Bạc Liêu, Cà Mau, Long Xuyên, quận trưởng Càn Long, Ô Môn, Phụng Hiệp. Năm 1937 được về hưu nhưng Pháp cần người nên lưu dụng ông đến 1941. Đời làm quan của ông được dân chúng kính mến do sự liêm khiết và tận tụy giúp đỡ đồng bào. Năm tháng còn lại ông dành cho sự nghiệp văn chương cho đến ngày mất 4-11-1958, thọ 74 tuổi.
Trong tập ký ức "Đời của tôi về văn nghệ", Hồ Biểu Chánh cho biết tình cờ được xem "Truyện thầy Lazaro phiền" của Nguyễn Trọng Quản, "Hoàng Tố Anh hàm oan" của Gilbert Trần Chánh Chiếu, "Phan Yên ngoại sử" của Trương Duy Toản. Là ba tác phẩm bằng văn xuôi kể truyện trong nước ảnh hưởng đến sáng tác sau này (viết từ cuối thế kỷ 19). Và năm 1907 một số Nho gia Nam Kỳ, có hai ông Tân Dân Tử và Nguyễn Từ Thức gây phong trào Quốc gia Phục hưng làm sôi nổi dư luận việc đề xướng "đưa Quan Công về Tàu" và "mời Thích Ca về Ấn Độ" nhưng chủ trương này dư luận cho là bất công sao không "tiễn Giê Su về Do Thái" luôn.
Tuy mục đích có một ẩn dụ cao cả nhưng quần chúng thời đó cho rằng những tác giả trên đều thân Pháp hay người theo đạo Thiên chúa. Nội các tên Việt có tên Tây đi kèm, rồi tựa quyển tiểu thuyết là "Thầy Lazaro" gây một ấn tượng cho người đọc là sách truyền đạo. Nên mấy quyển tiểu thuyết trên lần lượt xuất hiện ở trong Nam từ năm 1887 đều bị mai một.
Thời đó, muốn làm cách mạng, canh tân xứ sở đều phải nói viết theo Pháp hết. Như các tờ báo của Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh đều đề cao Đại Pháp. Báo Hồ Biểu Chánh cũng thế.
Năm 1912, ông Chánh đổi xuống Cà Mau nơi đầy cảnh trí u buồn, ông viết quyển "Ai làm được" bằng văn xuôi (tiểu thuyết) và trước đó ông viết "U tình lục" bằng văn vần (thơ) gồm 1790 câu thơ lục bát.
Năm 1916, ông viết vở kịch "Vì nghĩa quên nhà" được trình diễn ở Long Xuyên. Năm 1918 ông ra tờ Đại Việt tạp chí ở Long Xuyên cùng hợp tác với Lê Quang Liêm, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Văn Cư. Năm 1942-1944 ông xuất bản hai tờ Nam Kỳ tuần báo và Đại Việt tạp chí ở Sài Gòn để làm cơ quan chấn hưng luân lý và truyền bá văn hóa, thời gian này ông viết hài kịch, hát bội, cải lương, ký ức, khảo cứu.
Năm 1952, Nam Đình chủ báo Thần Chung đăng tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh và Phú Đức, độc giả say mê tiểu thuyết của hai nhà văn này gây thành phong trào đọc tiểu thuyết.
Có nhiều nhà phê bình văn học cho là quyển "Tố Tâm" của Hoàng Ngọc Phách là quyển tiểu thuyết đầu tiên. Chắc chắn các nhà phê bình này chưa đọc qua các quyển tiểu thuyết của Nguyễn Trọng Quản… thuộc nhóm tiền bối. Ngay như các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh cũng có trước rất lâu quyển "Tố Tâm" (1923 xuất bản 1925). Về văn vần (thơ) có "U tình lục" (lục bát) viết 1909 in ở Sài Gòn năm 1910, "Vậy mới phải" (lục bát) xuất bản ở Long Xuyên năm 1913. Về tiểu thuyết (văn xuôi) có "Ai làm được" viết và in ở Cà Mau năm 1912, "Chúa Tàu Kim Qui" (1922), "Cay đắng mùi đời" (1923), "Tỉnh mộng" (1923), "Một chữ tình" (1923), "Nam cực tinh huy" (1924), "Nhân tình ấm lạnh" (1925), "Tiền bạc, bạc tiền" (1925), "Thầy thông ngôn" (1926), "Ngọn cỏ gió đùa" (1926)… Ông viết đủ các thể loại cho đến ngày mất năm 1958, không thể kể hết.
Hãy nghe nhà phê bình có tầm cỡ Vũ Ngọc Phan viết về Hồ Biểu Chánh và Hoàng Ngọc Phách là hai vị tiểu thuyết gia có tiếng ở trong Nam, ngoài Bắc.
"Về đường lý tưởng Hồ Biểu Chánh cũng như Hoàng Ngọc Phách, cả hai nhà văn này lấy luân lý làm gốc, lấy cỗ gia đình làm khuôn mẫu, lấy sự trọng hậu làm cốt yếu trong mọi việc ở đời. Nhưng tiểu thuyết họ Hồ khác tiểu thuyết họ Hoàng về mấy phương diện. Tiểu thuyết họ Hoàng thiên về tả tình, giọng văn nhiều chỗ ủy mị, cầu kỳ, không tự nhiên, còn tiểu thuyết họ Hồ thiên về tả việc, lời văn mạnh mẽ, giản dị nhiều chỗ như lời nói thường. Thật thế tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là những tiểu thuyết đầy động tác, việc nọ việc kia dồn dập, gây cho người đọc những cảm tưởng kỳ thú. Nếu đọc tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh mà lại chê kém mặt tỏ tình, về tư tưởng không được dồi dào thì thật là không biết xét nhận (không phải nhận xét). Tính tình của người ta biểu lộ ở lời nói đã đành nhưng nó còn biểu lộ ra ở hành động nữa, mà biểu lộ ra hành động mới thật là đầy đủ, mới thật là những tính tình đã trải qua những thời kỳ tranh đấu và chọn lọc trong tâm trí… Bởi vậy, qua một thời kỳ chọn lọc ý kiến cùng tư tưởng, qua một thời kỳ suy nghĩ, qua một thời kỳ dự định, phải đến một thời kỳ quyết định và hành động mới được. Một thiên tiểu thuyết mà hành động dồn dập bao giờ cũng là một tiểu thuyết kỳ thú. Chỉ có một điều là tác giả phải biết "khiến việc" cũng như viên tướng phải biết cầm quân, số quân có đến hàng vạn đừng để đến nỗi có sự rối loạn. Muốn có nhiều động tác mà vẫn giữ được trật tự, điều cốt yếu tác giả cần phải là nhà văn giàu tưởng tượng. Vậy một nhà văn nghĩ ra nhiều động tác không bao giờ lại có thể là một nhà văn nghèo về tưởng tượng được".
Đó là lời trích trong quyển "Các nhà văn hiện đại" trên 1000 trang xuất bản từ năm 1941 do nhà phê bình Vũ Ngọc Phan lúc đó còn quá trẻ dưới 30 tuổi mà đã sâu sắc nhặt ra bí quyết viết tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh.
Để có ý niệm và làm sáng tỏ việc phê bình, lấy thí dụ Việt Nam thời mở cửa có hàng ngàn văn nghệ sĩ phát biểu ý kiến và đóng góp. Ông chủ tọa (N. N. Linh) than: "Văn nghệ ta nghèo nàn đến thế sao?".
Có người đồng tình: "Vâng, văn nghệ ta nghèo nàn như đất nước ta vậy" (Hồ Ngọc - 1989).
Chế Lan Viên thốt: "Văn nghệ ta hiền như cục đất".
Lê Lưu phát biểu: "Muốn sáng tác cho đúng chính sách thì cứ viết ngược lại với thực tế 100%".
Nhà văn Đoàn Giỏi (quê ở Tân Hiệp Mỹ Tho có tác phẩm "Đất rừng phương Nam" được quay thành phim rất hay) nói một câu rợn người: "Văn nghệ của ta như gái phành lồn giữa chợ không ai thèm ngó". Hậu quả của lời phê bình này Đoàn Giỏi bị loại ra khỏi chức vụ ủy ban chấp hành Hội nhà văn và bị trù đến chết, trước khi chết thèm một điếu thuốc và một lon bia mà không có.
Còn Lưu Quang Vũ một nhà văn trẻ có tài, có tiếng (coi như Molière của Pháp), tác giả vở kịch "Hồn Trương Ba da hàng thịt" mai mỉa phê bình: "Một cái đầu thay cho mọi cái đầu". Câu nói này tai hại làm chết ông và vợ là Xuân Quỳnh (nhà thơ) cùng đứa con vì tai nạn ở cầu Phú Lương, Hải Dương, một chiếc xe Motolova đụng giẹp xe con cóc của ông. Ghê chưa?

Vậy người phê bình văn học phải đọc cho nhiều, có đi đây đi đó mới hiểu được cuộc đất, tình người. Ngoài ra phải có bộ óc khách quan, chứ bo bo đầu óc địa phương hiểu biết hẹp hòi nông cạn thì lấy chi mà phê bình ai. Có thể nói từ sau phong trào Nhân văn giai phẩm năm 1956, văn học miền Bắc bị thiêu chột, chết cóng, các nhà văn khá đều vô Nam, còn lại những người sáng giá phải treo bút hoặc như Lưu Quang Vũ nói: "Một cái đầu thay cho mọi cái đầu". Nghĩa là muốn có chén cơm manh áo phải uốn cong ngòi bút viết theo đơn đặt hàng theo chủ đích được định sẵn bởi một cái đầu. Và từ năm 1975 ở miền Nam cũng thế văn hóa cũng bị nhuộm, về sau có mấy cây bút bừng tỉnh sáng dạ sáng lòng, có lẽ vì hối hận và thấy đời mình sống không còn bao lâu nữa nên cần phải viết ra chừng như sợ chứng nhân bị mai một. Còn những người ra đi, lúc đầu lo dựng lại sự nghiệp, sau có đời sống tạm yên, đi đây đi đó tìm kiếm sách, tài liệu… mới thấy nhu cầu văn hóa là cần thiết cho mình và con cháu về sau. Họ mới làm văn, thơ, nhạc, kịch…thật dồi dào, nhưng phẩm chất còn giới hạn.
Như trên đã nói, người ở địa phương khó có thể phê bình chính xác được. Tác giả quê ở vùng đất Bến Tre nhỏ bé nằm ven sông Tiền bởi hai cù lao Minh, cù lao Bảo, tới năm 1956 mới thêm cù lao An Hóa. Lúc còn học trò tiểu học biết qua ông Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Trương Vĩnh Ký là những nhân vật có tên tuổi ở Bến Tre. Sau này biết thêm Phạm Khắc Huề, Nguyễn Văn Vinh, Lương Khắc Ninh là người có văn học và chí khí cao, đặc biệt có bà Sương Nguyệt Ánh là một nữ sĩ đã dám đứng lên dựng một tờ báo nữ giới chung để bênh vực quyền lợi phụ nữ. Dĩ nhiên tôi cũng đã đọc qua các danh nhân ở Mỹ Tho, Gò Công, Tân An… Tôi vốn ham thích văn chương, tìm tòi văn thi sĩ Trung, Bắc, đó là cái nôi mà lấy làm lạ khi đọc chẳng thấy quê ai ở Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên Phủ… Đất đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, có lẽ tôi chưa tìm hiểu tới. Ở địa phương tôi chỉ có mấy cù lao và chỉ được trên dưới 300 năm thôi mà cũng có biết bao câu hát để lại:
Ầu ơ - ví dầu
Tới đây dây vắn rào thưa
Hỏi người cố cựu giếng xưa ai đào
Giếng sâu có nước không gàu
Hỏi người cố cựu sao đào giếng sâu.

Chị kia bới tóc đuôi gà
Nắm đuôi chị lại hỏi nhà chị đâu?
Nhà tôi ở dưới đám dâu
Ở bên đám đậu đầu cầu ngó qua.

Tiếng đồn con gái giòng Chanh (cù lao Bảo)
Nói năng chua chát khó thành nợ duyên
Tiếng đồn gái gảnh Bà Hiền
Ăn ở thuần hậu ấy duyên với mình.
Bến Tre dừa ngọt sông dài
Khiến quận Mỏ Cày có kẹo nổi danh
Kẹo Mỏ Cày vừa thanh vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan
Anh đây muốn hỏi cùng nàng
Là trai Thạnh Phú cưới nàng được chăng?

Bến Tre gái đẹp thật thà
Nói năng nhỏ nhẹ mặn mà có duyên.

Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông lúa đẹp thương về Hậu Giang.

Bến Tre ruộng đất phì nhiêu
Nơi đây giàu lúa lại nhiều dừa khô.

Bến Tre nước ngọt lắm dừa
Ruộng vườn màu mỡ lại thừa cá tôm
Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn
Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày
Xoài thơm, cam ngọt Ba Lai
Bắp thì Chợ Giữa, giòng khoai Mỹ Hòa
Mắm, bần ven đất phù sa
Bà Hiền, Tân Thủy hàng hà cá tôm
Quít đường, vú sữa ngổn ngang
Dừa xanh Sóc Sãi, tơ vàng Ba Tri.
Xẻo Sâu cam tốt ai bì
Lúa vàng Thạnh Phú, khoai mì Thạnh Phong
Muối khô ở Gảnh mặn nồng
Giồng Trôm, Phong Nẫm dưa đồng giăng giăng.

Sông Bến Tre có nhiều cá ngác
Đường kho bạc cát nhỏ dễ đi
Gái Ba Tri nhiều đứa nhu mì
Lòng thương em bậu xá gì đường xa.

Thương thay thân phận cây dừa
Non thì khoét mắt già cưa lấy dầu.
Nghe anh đi đó đi đây, cho em hỏi vặn câu này
Bánh phồng bánh tráng đất này đâu ngon?
Bánh tráng Mỹ Lòng, bánh phồng Sơn Đốc
Măng cụt Hàm Luông
Vỏ nâu ruột trắng như bông gòn
Anh đây nói thật, sao em còn so đo!
Mỹ An bần chát lại chua
Chẳng hay người ấy có chua như bần?
Đường xa thì thật là xa
Mượn mình làm mối cho ta một nàng
Một nàng ở đất Mỹ An
Một nàng vừa đẹp vừa sang như mình.
Thương em muốn tặng mắm còng
Nhớ em muốn đến Mỹ Lòng thăm em
Trách ai duyên nợ xe lầm
Còng lột anh bắt mùng năm làm gì
Hôm qua anh thấy em đi
Mắt anh nhỏ giọt lòng thì nát tan
Từ ngày em bước sang ngang
Vui gì mà ở giang san mắm còng!
Từ ngày Nhựt Bổn đánh Tây
Lê Dương đi bố, anh làm gì ở đâu?
Anh về củng cố Xẻo Sâu
Xẻo Sâu lại mất, anh buồn rầu qua Minh.
Đường về Lương Quới Mỹ Lòng
Tuy không xa lắm nhưng đất giòng khó đi.

Và sau đây vài câu đố tượng trưng:
Xứng danh thập bát văn hào
Soạn nhiều sách quí giúp trào hậu lai.
(Xuất danh nhân: Trương Vĩnh Ký)

Quyết tâm rửa nhục quốc thù
Ô hô cặp mắt công phu lỡ làng.
(Xuất danh nhân: Nguyễn Đình Chiểu)

Ông nào ích nước lợi dân
Trọng nghĩa quân thần danh lợi chẳng ham.
(Xuất danh nhân: Phan Thanh Giản)

Đem chuông lên đánh Sài Gòn
Để cho nữ giới biết con ông đồ.
(Xuất danh nhân: Sương Nguyệt Ánh)

Quê em hai dãy cù lao
Có vườn ăn trái, có cau ăn trầu.
(Tỉnh Bến Tre)

Quê anh có cửa biển sâu
Có ruộng lấy muối, có dâu nuôi tằm.
(Quận Ba Tri)

Canh một thì trải chiếu ra
Canh hai xét vú, canh ba rà môi
Canh tư khởi sự ép dồn
Canh năm cuốn chiếu rửa trôn việc rồi.
(Người đóng đáy trên sông Ba Lai Hàm Luông)

Bằng cổ tay treo ngay đầu cột
Ăn cơm rồi bắt lột áo ra.
(Trái chuối)

Một mình ầm ĩ canh chầy
Dĩa dầu vơi nước mắt đầy năm canh.
(Trái sầu riêng)

Đêm khuya gà gáy ó o
Kiếm mùng em vợ lén bò chung vô.
(Cây chó đẻ)

Trời mưa nước khỏa tràn đồng
Mặt không chán mặt, vợ chồng dính nhau.
(Con ếch bắt cặp)

Can ngăn má cũng không nghe
Một hai má xuống Bến Tre kén chồng.
(Cây cải con)

May không chút nữa thì lầm
Cau vườn không bẻ, bẻ nhằm cau ranh.
(Canh rau (nói lái))

Nhiều cô con gái chưa chồng
Không tin ghé chợ Mỹ Lòng mà coi.
(Xuất vật dụng: chỉ tơ)

Đem em mà bỏ xuống xuồng
Chèo ra khúc Vịnh lột truồng em ra.
(Xuất hành sự: người ươm tơ)

Ở Bến Tre, có một nhà văn mang tư tưởng cách mạng tên Nguyễn Văn Vĩnh sanh năm 1885 mất năm 1935 tại làng An Hội tỉnh lỵ Bến Tre, tốt nghiệp trường sư phạm Gia Định. Ông có viết ba quyển sách in tại nhà in Võ Văn Vân Bến Tre: "Chuyện chị em cô Lê trò Lý"; "Câu chuyện mẹ chồng nàng dâu" thuộc loại tiểu thuyết xã hội; "Tam Yên di hận".
Cuốn "Tam Yên di hận" sau khi xuất bản thì bị chánh quyền Pháp tịch thu tức khắc vào năm 1927 và ông bị treo án ba năm vì có nội dung như sau:
Lữ Huỳnh Anh là một điền chủ lớn có đứa cháu là Lữ Huỳnh Huệ tánh ưa cờ bạc rượu chè thường hay tới chú (Huỳnh Anh) xin tiền , nhiều lần bị chú từ chối. Huỳnh Huệ tức giận dẫn bọn cướp về đánh Huỳnh Anh để lấy của cải. Huỳnh Anh tính nhờ tên giúp việc là Tô Đắc Lộc đến cầu cứu ba anh em họ Châu là Châu Hóa Long, Châu Hóa Hổ và Châu Hóa Ngọc để trừ Huỳnh Huệ và bọn cướp. Vợ Huỳnh Anh biết ý định của chồng nên khuyên chồng không nên nhờ bọn họ Châu vì chúng là ngoại thích nhưng Huỳnh Anh không nghe. Khi ba anh em họ Châu đánh đuổi được đám Huỳnh Huệ đi rồi, bọn Châu ở lại có ý cướp đoạt đất đai của Huỳnh Anh.
Chẳng bao lâu Huỳnh Anh chết, bọn họ Châu đuổi bà vợ của Huỳnh Anh ra khỏi nhà, nói bà này không thủ tiết thờ chồng. Con nhỏ của Huỳnh Anh là Huỳnh Nghi được bọn họ Châu nuôi dưỡng. Khi lớn lên Huỳnh Nghi biết được bọn Châu Hóa Long không phải cha đẻ của mình, chúng âm mưu cướp đoạt tài sản của cha và đuổi mẹ ruột đi. Huỳnh Nghi trốn đi tìm Huỳnh Huệ để lập kế trừ bọn họ Châu. Kết quả Huỳnh Nghi và Huỳnh Huệ lấy lại được tài sản trong tay bọn họ Châu và tìm được mẹ.
Quyển "Tam Yên di hận" bị tịch thu vì sợ gieo ý tưởng xúi giục dân nổi lên chống Pháp vì họ tin rằng các nhân vật trong chuyện không ai khác hơn: Nguyễn Phúc Ánh chính là Lữ Huỳnh Anh; Bá Đa Lộc tức là Tô Đắc Lộc; Châu Hóa Long, Hóa Hổ, Hóa Ngọc chính là Pháp và Âu Châu.
Những chuyện đầy ý nghĩa viết bằng Quốc ngữ xuất bản từ năm 1927 ở một tỉnh lẻ mà không truyền bá hết trong tỉnh, huống chi phổ biến cho cả nước. Nói cho đến miền Nam đầy dẫy thơ văn yêu nước thương nòi, bị kiểm duyệt, bị tịch thu, tác giả bị cầm tù vì thuộc loại thơ văn quốc cấm.
Cho nên, gần đây có phong trào tìm hiểu văn học miền Nam, nào so sánh rồi bỏ quên… Thiết nghĩ không nên trách mấy ông phê bình văn học làm gì, không ai đọc hết mọi tác phẩm, hiểu biết mọi chuyện, các ông ấy chỉ biết những gì ở địa phương trong tầm nhìn thì bảo sao họ biết nhiều được. Bây giờ ở xứ tự do được dịp truy tìm, ăn nói thì hãy đi tìm tài liệu đích xác mà phổ biến rộng rãi, đừng để một thời lầm lẫn nữa.
Tôi nghe tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu viết trong quyển "Các vua cuối cùng triều Nguyễn" có chứng minh rằng Pétrus Ký viết thơ sang Pháp gọi quân Pháp sang chiếm lấy Việt Nam. Tôi đã mua quyển sách và đọc thấy tuồng chữ không phải của Pétrus Ký. Chẳng biết tác giả nhầm lẫn hay có ý gì?

Trần Khánh

(Trích: "Bài học lịch sử")

 

Đăng ngày 11 tháng 10.2017