banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

KÍNH CHÀO TUỔI TRẺ VIỆT NAM HẢI NGOẠI

Bằng Phong Đặng Văn Âu

Quận Cam, Thành phố Westminster, ngày 16 tháng 6 năm 2016

Kính thưa cô Nancy Nguyễn,
Có lẽ cô ngạc nhiên tự hỏi tại sao một người ở tuổi xấp xỉ 80 như tôi mà đầu thư lại vội mở lời chào một cách trân trọng và kính cẩn đối với một người tuổi hãy còn nhỏ như cô? Vâng, cô ngạc nhiên là phải. Bởi vì theo phong hóa Việt Nam, người lớn tuổi hơn không phải làm như thế. Nhưng khi tôi đọc bức thư ngắn ngủi của cô gửi cho bố mẹ từ mặt đường dậy sóng như dưới đây, thì đối với tôi, cô không phải là người phàm. Cô là một Thiên Thần được Ơn Trên phái xuống thế gian, như tôi đã từng tôn vinh những người trẻ Phương Uyên, Việt Khang… là Thiên Thần. Xin trích:
Thưa ba, thưa mẹ,
Con cám ơn ba mẹ đã đưa hộ chiếu cho con dù không hề ủng hộ chuyến đi đầy mạo hiểm này của con. Con cám ơn ba mẹ vẫn luôn cho phép con làm điều con muốn, dù điều đó trái với nguyện vọng của ba mẹ. Con biết ba mẹ ở nhà trông tin con trên mọi chặng đường. Con viết thư này gởi ba mẹ, và cũng gởi các bậc làm cha làm mẹ có con tham gia vào việc nước.
Con biết các ba mẹ rất lo lắng cho chúng con. Nhưng thưa ba mẹ, chúng con sinh ra trong lòng dân tộc như những chiếc lá nở ra trên cành. Mỗi một chúng con là một cá thể tách biệt, nhưng có một điểm chung là đều nhận một nguồn nhựa sống chảy từ cội rễ của ngàn năm, tuôn qua hùng sử, và đổ vào tâm hồn chúng con, cái mà chúng con gọi bằng hai tiếng thiêng liêng: Việt Nam.
Không có dân tộc, con người ta như những chiếc lá được bỏ vào tủ lạnh, vẫn sẽ xanh tốt, đôi khi còn lâu hơn khi liền cành, nhưng có phải là đang sống?
Tất cả chúng ta đều biết dân tộc này đang phải đối mặt với hoạ diệt vong, và con cám ơn ba mẹ, dù lo lắng khôn nguôi, vẫn cho phép con thắp lên một ngọn nến, thay vì ngồi nguyền rủa bóng đêm. Chúng con hứa sẽ cố gắng giữ gìn bản thân cách tốt nhất có thể.
Con là một trong số những đứa đứng ra phát động xuống đường, con không thể chỉ ngồi chốn an toàn mà xúi người khác xung phong. Con cảm ơn ba mẹ đã cảm thông mà cho phép con về đứng bên cạnh các bạn con. Chúng con cần nhau trong những tháng ngày này. Thời khắc này con thuộc về mặt đường Sài Gòn chứ không phải căn nhà ấm êm nơi đất khách.
Lời cuối, thưa ba mẹ, tuy khiêm tốn, trong cuộc sống, con cũng đã có chút thành công, nay con xin phép ba mẹ cho con thành nhân. Con cảm ơn ba mẹ.
18/5/2016
Viết từ mặt đường dậy sóng.

Đọc xong thư của cô, nước mắt của tôi tự nhiên trào ra không kiềm chế được, giống như gặp lại cô con gái cưng của mình xa nhà lâu ngày. Giá như bức thư trên là thư của một trong ba cô con gái của tôi, thì tôi sẽ quỳ xuống đất và ôm hôn hai bàn chân con, lâm râm lời cầu nguyện mong con “chân cứng đá mềm” và nói: “Con ơi! Con là biểu tượng của Nữ Thần Tự Do. Con là linh hồn Trưng Triệu đang giương cao ngọn đuốc để thắp sáng bóng đêm mịt mùng”. Tôi tin rằng những bạn bè tôi, những chiến hữu của tôi đã một thời hy sinh tuổi trẻ của mình cho Tổ Quốc thân yêu, khi đọc thư cô, cũng sẽ bật khóc như tôi. Chắc hẳn bố mẹ của cô cũng hết sức sung sướng, tự hào vì đã cống hiến cho nòi giống một hạt ngọc trân châu. Chỉ những trái tim gỗ đá, vô cảm mới dửng dưng với một bức thư vừa nồng nàn hiếu thảo, vừa cương quyết dấn thân. Bức thư của cô là dấu hiệu dân tộc có “Bốn ngàn tuổi” bắt đầu chịu lớn đây. Tôi không cường điệu đâu cô! Cảm giác của tôi khi đọc thư cô, tự nhiên trước mắt tôi lờ mờ hiện ra một Thiên Thần đang vỗ cánh bay trong không gian và miệng thổi cây kèn đồng như trong truyện cổ tích. Bởi thế, làm sao tôi ngăn được giọt lệ vì sung sướng, hạnh phúc? Dường như Hồn Thiêng Sông Núi của Việt Nam đang bừng dậy. Phải rồi! Đây là tin vui giữa giờ tuyệt vọng.
Kính thưa cô Nancy Nguyễn,
Xin cô chia sẻ cho tôi, một người chiến sĩ già nua đang một mình lê bước chân ngoài sa mạc! Cô đơn lắm cô ạ! Tôi không bi thảm hóa đâu. Khi nhỏ học quốc văn, tôi đọc 4 câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan: “Nhớ Nước đau lòng con Quốc Quốc;Thương nhà mỏi miệng cái Gia Gia. Dừng chân đứng lại: Trời, Non, Nước… Một mảnh tình riêng ta với ta!” tôi chỉ thấy cái hay của nhịp điệu thơ; chứ không cảm thông sâu sắc nỗi niềm của tác giả, vì mình chưa trải qua hoàn cảnh ấy. Nay mất nước, tôi mới thấm thía được nỗi cô đơn “Một mảnh tình riêng, ta với ta”, vì mình là người trong cuộc.
Nhân có sự kiện nhà báo Charlie Hebdo, chủ nhiệm tờ báo trào phúng của Pháp bị quân khủng bố Hồi giáo giết chết, có gần 40 nhà lãnh đạo trên thế giới đến Paris xiết tay nhau biểu lộ tình đoàn kết chống bọn sát nhân và bảo về quyền tự do ngôn luận, tôi chợt nhớ đến hai nhà báo Đạm Phong và Lê Triết cũng bị quân khủng bố giết chết mà các cơ quan truyền thông của người Việt đều im lặng, không dám đăng cả lời phân ưu, chia buồn. Tôi cũng là nạn nhân của quân khủng bố, bèn viết bài “Je Suis Charlie – Tôi Cũng Là Charlie” để thuật lại chuyện tôi đăng bài “Vàng Rơi Không Tiếc” của nhà văn Không Quân Đào Vũ Anh Hùng trên Giai Phẩm Lý Tưởng của Không Quân, thì sau đó tôi liền bị Mặt Trận Hoàng Cơ Minh đòi tịch thu báo, cho người gọi điện thoại hăm dọa, khủng bố, vợ con tôi bị khủng hoảng tinh thần vì run sợ.
Tôi gửi bài viết đến hai tờ báo lớn trong vùng tôi sinh sống là tờ Người Việt và tờ Việt Báo, để tôi tìm biết lập trường của họ ra sao đối với một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bị cái Mặt Trận nhân danh kháng chiến đàn áp quyền tự do ngôn luận. Cả hai tờ báo đều không đăng và giữ thái độ im lặng khinh khỉnh, tôi biết ngay họ đứng về phía nào. May mà có Internet, nên bài viết của tôi cũng đã được đưa lên diễn đàn mạng để đến độc giả được biết Sự Thật.
Nhân dịp nhạc sĩ Việt Khang được ra tù, tôi viết bài về ý nghĩa lớn của ba chữ “Anh Là Ai?”, rồi tôi viết bài “KTG Nguyễn Xuân Nghĩa, Anh Là Ai?” để mong ông Nghĩa “tự giải ảo” cho đồng bào biết đích thực ông là quốc gia hay cộng sản. Tôi nhờ anh Nguyễn văn Khanh chuyển bài viết cho ông Nguyễn Xuân Nghĩa và tôi lại gửi bài viết cho hai tờ báo Người Việt và Việt Báo nhờ phổ biến. Cả hai tờ báo đó đều im lặng cũng như ông Nguyễn Xuân Nghĩa vẫn im lặng. Dưới chế độ độc tài cộng sản, báo chí chỉ có một lề thì mình hiểu được. Ở xứ tự do, hai tờ báo lớn hô hào đấu tranh cho nhân quyền, mà không tiếp tay cho một người lính VNCH, người đầu tiên lập ra “Hội Đấu Tranh Nhân Quyền Cho Việt Nam” ở Hoa Thịnh Đốn từ năm 1976, để phổ biến thông tin đến độc giả là nghĩa làm sao?
Nhân mùa Phật Đản và nhân khi đọc xong bức thư của Ngài Quảng Độ yêu cầu Tổng thống Obama can thiệp nhân quyền cho dân ta khi sang Việt Nam, tôi nhân danh một Phật tử để viết thư cho ông cựu Bộ trưởng Trần Quang Thuận, một nhà trí thức Phật giáo và một người có vai trò lớn trong cuộc sụp đổ chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Bài nhạc “Anh Là Ai?” của Việt Khang đòi hỏi mọi người phải tự xét lương tri của mình để nhận lấy trách nhiệm đối với thế hệ con, em. Bài thơ “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh?!” của cô giáo Trần thị Lam cũng có ẩn ý kêu gọi mọi người phải “GIÁC NGỘ” nhằm cứu nước, cứu dân. Bởi vì một dân tộc không chịu NGỘ, thì dân tộc đó suốt đời chỉ bú mớm mà thôi. Ngồi đó mà than thân trách phận “Đồng Minh Tháo Chạy” thì chỉ đáng bị “Quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh”! Tôi xem bài thơ NGỘ của cô giáo Trần thị Lam là một bài kệ của hành giả đi tìm sự giải thoát cho dân tộc, chứ không chỉ giải thoát cho chính mình. Bởi vì chỉ có NGỘ, mới SÁM HỐI để thoát khỏi VÔ MINH. Giống như bài kệ THỦY SÁM mà xưa kia Trí Quang đã dịch từ chữ Hán ra chữ Việt. Cuối bài viết tôi ghi rõ địa chỉ email và số điện thoại của tôi để ông Trần Quang Thuận trả lời. Cũng như mọi lần, tôi gửi bài viết đến Người Việt và Việt Báo để cậy đăng. Nhưng “người ta” im lặng. Tới giờ này ông Trần Quang Thuận vẫn im lặng, phải chăng vì ông ấy chưa chịu NGỘ?
Khi biết trong nước có anh Đoàn văn Vươn, anh Đặng Ngọc Viết dùng khí giới tự chế, liều chết chống lại bọn Công An Côn Đồ cướp đoạt tài sản, tôi viết bài kêu gọi mỗi người dân Việt Nam hãy là Đoàn văn Vươn, là Đặng Ngọc Viết vùng lên diệt thù cứu nước. Nhưng có nhà tranh đấu trong nước phản bác, vì cho là tôi xúi giục bạo lực. Mặc dầu Kiến Nghị triền miên kính gửi Đảng đều bị “lãnh đạo” ném vào sọt rác, các vị “lão thành cách mạng”, các nhà trí thức vẫn kiên trì gửi kiến nghị và vẫn chủ trương đấu tranh ôn hòa, bất bạo động! Ngày xưa chống Thực Dân, họ có viết kiến nghị không?
Khi được tin ông Lãnh sự Đặng Xương Hùng ở Genève, Thụy Sĩ từ bỏ Đảng và viết thư cho Nguyễn Phú Trọng để tố cáo tội ác của chủ nghĩa cộng sản đối với đồng bào Việt Nam, tôi viết bài kêu gọi tất cả nhân viên Ngoại giao cộng sản trên khắp thế giới từ Đại sứ, Tổng Lãnh sự trở xuống và những điệp viên cộng sản nằm vùng hãy noi gương Đặng Xương Hùng đồng loạt từ bỏ cộng sản để trở về với dân tộc, thì chắc chắn sẽ làm lung lay chế độ và đồng bào trong nước sẽ noi gương liều chết đứng lên. Tôi đem chuyện đồng bào Miền Nam đã liều chết vượt biển, vượt biên đi tìm tự do sau năm 1975, đã khiến cho những nhà trí thức phản chiến lừng danh như Bertrand Russell, Jean-Paul Sartre, Joan Baez phản tỉnh vì nhìn thấy sự bất nhân, man rợ của bọn cộng sản xâm lăng, để mà đánh thức lương tri người cán bộ Ngoại giao, cán bộ Tình báo cộng sản hãy trở về với dân tộc. Ông Hoàng Cơ Định gửi cho tôi một email ca ngợi bài viết của tôi có lý luận vững vàng và có tính thuyết phục cao. Nếu như các Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn, các Hội đoàn Ái hữu, các đảng phái, kể cả Việt Tân, các đài truyền hình, truyền thanh, các trang mạng, Paltalk … đồng loạt mở chiến dịch “chiêu hồi” một cách tích cực thì tôi tin chắc rằng dù đảng viên cộng sản không có trái tim CON NGƯỜI, nhưng ít nhất chiến dịch vận động đó sẽ là chất keo làm cho người Việt Nam vì TÌNH TỰ DÂN TỘC mà đoàn kết với nhau.
Nhưng không! Im lìm tiếp nối im lìm! Im lìm một cách đáng sợ. Nhìn lại, tôi giống như một mình đi giữa bãi tha ma! Hai chữ “DÂN TỘC” có còn mảy may giá trị nào không? Lòng tôi âm thầm tự hỏi như thế, nhưng tôi vẫn quyết tâm “Thà thắp lên một ngọn đèn, còn hơn ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối” (It’s better to light a candle than curse the darkness) như cô đã đề cập trong thư viết cho Bố Mẹ.
Kính thưa cô Nancy Nguyễn,
Xin cô hãy luôn luôn nhớ rằng chúng ta đang chiến đấu chống lại một bọn cầm quyền vừa ngu, vừa dốt, vừa không tim óc. Chúng có rất nhiều cơ hội để đưa Đất Nước đi lên, sánh vai cùng thế giới văn minh, nhưng chúng nó nhất định không thực hiện. Bởi vì Hồ Chí Minh lập ra đảng cộng sản là có mục đích hủy hoại nòi giống Lạc Hồng và dâng Việt Nam cho Tàu. Cái quyết tâm bán nước của chúng nó không cách gì lay chuyển. Đừng bao giờ trông mong chúng phản tỉnh. Nhân dân ta chỉ còn có cách duy nhất là liều chết, thì mới sống còn. Nếu có ai thắc mắc hỏi tôi về nhận định đó, tôi có rất nhiều chứng cớ để chỉ cho họ thấy. Chứng cớ rõ ràng nhất hiện nay là cá chết trắng dọc bờ biển từ Nam chí Bắc, đến cả sông hồ, mà người dân chỉ trương cái biểu ngữ “CẦN NƯỚC SẠCH”, là bị Côn Đồ đánh tóe máu. Nếu bọn đầu nậu cộng sản yêu nước thì kho tàng chất xám, nguồn tài chánh ở hải ngoại có thể phục hưng xứ sở sau chiến tranh một cách dễ dàng; chứ chẳng cần vừa van lạy Mỹ vừa ngúng nguẩy “em chã, em chã” vì sợ Trung Cộng. Thực chất bọn đầu nậu cộng sản là loài ký sinh, giống như những con dòi lúc nhúc trong đống phân mà thôi. Đem chó mà ví với Việt Cộng là làm nhục con chó.
Bọn đầu nậu cộng sản ngu trong việc xây dựng Đất Nước, nhưng rất quỷ quyệt về sự phá hoại. Chúng dùng những thủ đoạn từ trước năm 1975 để xâm nhập, mà cho đến nay chúng vẫn tiếp tục dùng chiêu thức cũ. Đó là: Khủng bố, ám sát, lủng đoạn, tuyên truyền xuyên tạc để lý tưởng đấu tranh cho tự do, dân chủ của ta trở thành trò hề, không còn ai tin ai. Và những con người từ bỏ “địa ngục cộng sản”, đến sống ở thế giới tự do, lại đốn mạt làm tay sai cho cộng sản giống như những đứa nằm vùng trước đây. Tôi rất muốn lột mặt nạ bọn chúng ra cho mọi người thấy, nhưng chỉ dùng suy luận hợp lý; chứ không thể trưng dẫn bằng chứng cụ thể mà luật pháp Hoa Kỳ đòi hỏi. Chẳng hạn, trước năm 1975 bọn cán bộ Việt Cộng đội lốt nhà sư liên tục gây bất ổn ở hậu phương, thì nay ở hải ngoai chúng dùng chùa chiền làm nơi buôn thần bán thánh, gây quỹ từ thiện mà không ai được biết số tiền ấy sử dụng ra sao.
Vụ quân khủng bố giết 5 nhà báo tưởng đã chìm xuống. May thay! Có anh ký giả người Mỹ tên là A. C. Thompson dành ra nhiều năm trời đi điều tra khắp nơi về cái chết của năm người Mỹ gốc Việt bị giết. Nhờ đó mà anh Nguyễn Thanh Tú, con trai ký giả Nguyễn Đạm Phong có cơ hội đi tìm công lý cho cha mình. Qua phản ứng hốt hoảng của đảng Việt Tân chống lại cuốn phim “Terror In Little Saigon” thì đủ cho bàn dân thiên hạ nhìn rõ chân tướng của đảng Việt Tân. Thế nhưng hiện nay vẫn còn có kẻ muối mặt, không biết nhục nhã là gì, vẫn còn cúi đầu phục vụ Việt Tân. Hạng người đó cũng là một loại ký sinh.
Sau khi đọc “Nhật Ký Tù Của Nancy Nguyễn”, tôi thán phục sự đối đáp thông minh của cô với mấy tên Công An Việt Cộng, chứng tỏ cô là người có bản lĩnh so với một số người lớn tuổi đã có thời kỳ hoạt động chống Việt Cộng. Nhưng điều làm mừng vui hơn hết là cô xác quyết cô không phải là đảng viên Việt Tân!
Năm 2011 tôi về Việt Nam để dự buổi lễ chôn cất tro cốt của anh tôi do các cháu mang từ Paris về chôn ở nghĩa trang dòng họ Đặng tại Nghệ An. Tôi phải làm việc với mấy ông Công An phi trường Nội Bài trong 90 phút và ba ngày sau họ đến khách sạn, nơi tôi trú ngụ để thẩm vấn. Tôi xin thuật cô hay một vài sự việc.
Khi tôi vừa trình giấy thông hành (mà cô gọi là hộ chiếu) cho nhân viên di trú, họ nhìn vào màn hình máy computer, rồi họ bảo tôi đứng sang một bên chờ. Một lát sau, có hai người đến mời tôi vào phòng riêng. Trên bàn có một xấp giấy dày cỡ 900 trang mà họ in ra từ những bài viết của tôi đăng trên các trang mạng. Họ hỏi tôi tại sao tham gia đảng Đại Việt. Tôi đáp: “Tại vì, thứ nhất tôi thù cộng sản; thứ hai tôi tuân theo lời dạy của ông Lénine. Tôi thù cộng sản vì tôi có hai ông anh ruột (Đặng văn Bút và Đặng văn Nghiên) bị lính của ông Võ Nguyên Giáp giết chết trong vụ án Ôn Như Hầu vào năm 1946. Rồi hai người bác ruột của tôi (Đặng văn Oánh và Đặng văn Hướng) bị đấu tố cho tới chết một cách nhục nhã trong Cải Cách Ruộng Đất vào năm 1952. Hai bác tôi là những vị quan thanh liêm, nổi tiếng thương dân, nên được Hồ Chí Minh trọng dụng. Một bác làm Bộ trưởng trong Chính phủ Liên Hiệp và một bác làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Liên Khu Tư (tiền thân của Mặt Trận Tổ Quốc sau này). Thứ hai, tôi tuân theo lời dạy của Lénine, vì ông ta viết rằng “Tổ Chức! Tổ Chức! Tổ Chức! Không có Tổ Chức là không có gì cả”. Đảng cộng sản là một tổ chức thì tôi cũng phải tham gia một tổ chức mới chống nổi họ. Nếu hai anh cũng có anh em, bà con bị giết như trường hợp của tôi thì chắc chắn cũng hành động như tôi. Chẳng qua do hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy, chúng ta cùng nòi giống, cùng chung dòng máu mà vì u mê, tăm tối nên chém giết nhau một cách phi lý thôi”. Họ hỏi tôi vô số điều linh tinh. Hỏi tới đâu, tôi trả lời trôi chảy tới đó. Chẳng hiểu sao lúc bấy giờ tôi chẳng có một chút cảm giác nào sợ sệt.
Sau 90 phút làm việc, họ mới cho tôi ra ngoài để được các cháu tôi đưa về khách sạn. Vừa làm xong thủ tục nhận phòng khách sạn, tôi nhận được điện thoại báo cho biết rằng ba hôm sau họ sẽ đến làm việc với tôi. Đúng ba ngày sau, vào lúc 10 giờ sáng, trời lất phất mưa, tôi đứng trên lầu ba khách sạn nhìn thấy hai anh Công An làm việc với tôi hôm trước ở phi trường đèo nhau trên chiếc xe máy cũ kỹ trông thật tội nghiệp. Mở cửa phòng mời họ vào ngồi, mời uống nước trà đã pha sẵn, lấy hai cây thuốc lá mua từ phi trường Dallas, Texas biếu họ. Nhưng cả hai anh từ chối, không chịu cầm lấy. Họ tự rút thuốc của họ ở túi áo trên ra hút. Họ hỏi tôi tại sao sống ở Mỹ rồi mà không chịu sống yên thân, hưởng tuổi già hưu trí, muốn về nước lúc nào là về, tại sao bày đặt viết lách làm gì để họ phải khổ công làm việc cho lôi thôi.
Tôi nói với họ: “Tôi thấy người ngoại quốc còn lập ra Hội Y Sĩ Không Biên Giới để chữa bệnh cho mọi sắc tộc, mọi tôn giáo, mọi chính kiến; rồi còn có Hội Nhà Báo Không Biên Giới đứng ra bênh vực quyền làm người, quyền tự do ngôn luận. Dù tôi bây giờ là công dân Hoa Kỳ, nhưng vẫn là da vàng mũi tẹt, vẫn luân lưu dòng máu Việt trong huyết quản, chẳng lẽ tôi lại làm ngơ trước nỗi bất hạnh của đồng bào mình? Tôi thấy thiếu gì ông sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của chúng tôi, thường xuyên cầm cờ đi biểu tình trước tòa Đại sứ, tòa Tổng Lãnh sự của các anh, miệng hô to đả đảo Cộng Sản mà mỗi năm họ đều đều về Việt Nam du hí, chẳng hề bị các anh làm khó dễ. Tôi chỉ là người viết lách lăng nhăng, chẳng ảnh hưởng gì đến chế độ của các anh trong nước. Tại sao các anh mất thì giờ hạch hỏi tôi nhiều thế?”.
Họ đáp: “Chúng tôi không bận tâm lo ngại những người cầm cờ vàng ba sọc đỏ đi biểu tình, hô khẩu hiệu Chống Cộng. Trong đoàn biểu tình còn có người của chúng tôi nữa. Những bài bác viết có tính cách phản động, chống lại Tổ Quốc, đầu độc tuổi trẻ thì mới nguy hiểm cho xã hội. Chúng tôi đề nghị với bác khi về Mỹ thì đừng viết nữa”. Tôi nghĩ thầm trong lòng, “chúng mày mà còn biết nói đến hai chữ Tổ Quốc đấy à?”. Tôi nói: “Sở dĩ tôi viết là viết để cho con, cho cháu các anh có một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi tin rằng các anh cũng nhận thấy đầy dẫy bất công, sai trái trong xã hội, nhưng vì cơm áo gạo tiền nên các anh phải làm phận sự đấy thôi. Nói thật cho các anh biết, lãnh đạo của các anh đều chuyển tiền ra ngân hàng ngoại quốc, mua nhà to, xe đẹp, con cái đều sướng như tiên ở ngoại quốc. Tôi chẳng ăn nhậu gì tới cái chế độ này mà tranh giành với các anh đâu. Đứng trên lầu cao nhìn xuống, thấy hai anh đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng, tôi thương hai anh lắm.”
Dường như câu nói của tôi cũng ảnh hưởng phần nào tâm lý của hai anh Công An Văn Hóa, nên giọng nói của họ dịu xuống: “Nhưng bác Âu cũng phải thấy nước ta bây giờ càng giàu, càng mạnh hơn lên chứ?”. Tôi đáp: “Giàu thì có thể giàu hơn trước, nhưng mạnh thì không mạnh. Các anh có xem TV để thấy một đứa bé 9 tuổi người Nhật sau trận Tsunami, đứng xếp hàng, run rẩy giữa trời rét căm căm chờ tới phiên lên chỗ lãnh quà cứu trợ không? Mặc dầu có người bảo vệ đến dẫn em ưu tiên lên trước nhận quà, nhưng em từ chối! Em bảo em phải chờ tới phiên mình như mọi người. Đấy! Khi nào dân ta có đươc cái tinh thần như em bé 9 tuổi kia thì mới có thể nói là nước ta mạnh. Một dân tộc mạnh là một dân tộc có lòng tự trọng, các anh ạ! Tuyên truyền của các anh từng chê sự giàu có ở Miền Nam là phồn vinh giả tạo cơ mà! Sở dĩ Miền Nam thua các anh không phải vì các anh mạnh, mà tại vì Miền Nam chúng tôi có quá nhiều kẻ phản bội.”
Anh Công An lớn tuổi nói: “Chúng tôi biết bác Âu là người của Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Ông Kỳ là người nổi tiếng Chống Cộng, từng bay ra Bắc ném bom lên đầu chúng tôi. Thế mà nay chúng tôi mở cửa đón ông về thì bác Âu cũng phải thấy chế độ chúng tôi khoan hồng lắm chứ?”. Tôi cười đáp: “Các anh quen thói tự hào mình là “Bộ Đội Cụ Hồ”, người của ông Giáp, người của ông Duẩn, nên mới bảo tôi là người của ông Kỳ. Tôi phải nói rõ cho hai biết: Một người thực sự yêu nước thì chỉ nên biết mình là người của Tổ Quốc, người của Dân Tộc thôi hai anh ạ! Kẻ nào chỉ nghĩ mình là người của ông này, là người của ông nọ thì suốt đời chi đi làm đầy tớ thôi. Tôi là người lính ngoài chiến trường; chứ chẳng phải là tà lọt của ai cả!”. Hai anh Công An nghe tôi trả lời như thế, liền nói: “Phải công nhận bác Âu quả thật là người yêu nước”. Tôi vội vàng đứng lên ôm chầm lấy hai anh Công An Việt Cộng: “Cám ơn hai anh đã nói đúng con người thật của tôi. Chúng ta phải là người Việt Nam yêu nước Việt Nam! Yêu dân Việt Nam! Nhất định chúng ta không để cho ai đánh lừa, chúng ta chỉ yêu Tự Do”. Tôi nói câu đó với dụng ý gạt ra khỏi đầu óc hai cán bộ VC bị nhồi sọ bởi cái tư tưởng “Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa”. Anh Công An trẻ, đeo kính trắng, mặt mũi rất khôi ngô, nghe tôi nói thế thì tủm tỉm cười, dường như anh ta cũng hiểu ý nghĩa câu nói của tôi. Tôi nhìn anh ta và nói: “Cả ba đứa con gái tôi đều có chồng, nếu anh chưa vợ thì thế nào tôi cũng gả con gái tôi cho anh, để qua Mỹ sống cho sướng, cho con cái có tương lai”.
Anh Công An lớn tuổi nói với giọng chiêu dụ: “Bây giờ bác cháu ta thân tình rồi nhé. Khi nào bác Âu về Mỹ thì nhớ biên thư cho chúng cháu với nhé. Bác hãy kể cho chúng cháu nghe hoạt động của đảng Việt Tân bên Mỹ với nhé!”. Tôi nghĩ thầm, đúng là cán bộ cộng sản, luôn luôn tìm cách khai thác tình cảm. Tôi cười to: “Anh có đùa không đấy? Việt Tân là của các anh, anh lại nhờ tôi làm báo cáo à?”. Anh Công An đang từ tử tế, đột ngột nổi giận, đập bàn nói như quát: “Tại sao bác Âu nói vậy? Việt Tân là đảng phản động, làm thế nào mà bác bảo Việt Tân là của chúng tôi được?” Tôi thong thả nói: “Tuy tôi không có chứng cớ Việt Tân là của các anh, nhưng mỗi khi ở đây các anh bắt người nào đòi Dân chủ, các anh đều đổ cho họ là Việt Tân. Có người bà con của tôi, chẳng bao giờ nghe đến hai chữ Việt Tân, bị các anh bắt, cũng bị vu cho cái tội Việt Tân. Sở dĩ các anh phải làm thế là nhằm mục đích tạo uy tín cho Việt Tân, để đồng bào hải ngoại lầm tưởng Việt Tân chống Cộng, có đảng viên hoạt động trong nước. Dù gì các anh đã biết tôi từng là đảng viên Đại Việt, thì tôi cũng có đôi chút hiểu biết về các anh chứ! Anh quên rằng ban nãy chúng ta đã nói với nhau rằng chúng mình là Việt Nam chỉ yêu Việt Nam thôi; nói đến Việt Tân, Việt Teo làm gì cho mệt!
Cuối cùng họ đưa cho tôi một xấp giấy, một cây bút và yêu cầu tôi viết quá trình hoạt động từ nhỏ cho tới lớn. Tôi nói: “tôi đã thành thật khai báo quá trình hoạt động của tôi đăng trên mạng cả rồi và các anh cũng đều đã biết. Các anh hành tôi làm chi cho khổ cái thân già? Vả lại, tôi quen sử dụng computer, nay phải viết tay, chữ của tôi sẽ rất khó đọc”. Họ nói: “Bác Âu chịu khó viết đi! Chữ xấu mấy chúng tôi cũng đọc được. Khi nào bác Âu về lại Mỹ, xin bác Âu đừng viết lách gì nữa nhé! Nếu bác còn viết bôi bác chế độ thì lần sau bác về Việt Nam, chúng tôi sẽ không bảo đảm an ninh cho bác đâu!”.
Kính thưa cô Nancy Nguyễn,
Tôi sơ lược kể một vài nét chính trong buổi làm việc của tôi với hai anh Công An Văn Hóa Việt Cộng cho cô nghe. Hôm nay là ngày 16 tháng 6 năm 2016. Ngày mai đúng 86 năm tưởng niệm Ngày Tang Yên Bái. Tuy tôi là một cựu đảng viên Đại Việt, nhưng đối với tôi, bất cứ đảng nào mà hy sinh vì nước vì dân, tôi đều ngưỡng mộ kính phục. Tôi viết thư này cho cô là mhằm mục đích tưởng niệm những người anh hùng dân tộc tuy thân xác không còn, nhưng anh hồn của các Ngài vẫn còn vang vọng đến mai sau.
Trong cuộc họp khẩn cấp ngày 26 tháng Giêng, năm 1930 tại làng Võng La, tỉnh Phú Thọ, nhà cách mạng Nguyễn Thái Học nói với các đồng chí một cách tuyệt vọng “Không Thành Công, Cũng Thành Nhân”, vì bí mật hoạt động của đảng đã bị bại lộ. Trong bức thư gửi cho ba mẹ từ mặt đường dậy sóng, cô đã viết: “Con cũng đã có chút thành công, nay con xin phép ba mẹ cho con thành nhân”, tôi nghĩ rằng tuy bản thân cô đã thành công, nay cô từ bỏ cả tương lai tươi sáng trước mặt để lao mình vào một cuộc tranh đấu cam go nhằm giành quyền làm người cho DÂN TỘC. Chính vì hai chữ “Dân Tộc” ấy mà hôm nay tôi quỳ xuống để tôn vinh cô là THIÊN THẦN.
Dòng máu Tiên Rồng đã sản sinh ra những tinh hoa. Nhờ hấp thụ nền giáo dục khai phóng, nhờ sinh ra hoặc lớn lên trong một đất nước đầy lòng nhân đạo, những Dương Nguyệt Ánh, những Đinh Việt, những Lương Xuân Việt … và nhiều nhiều nữa sẽ mang hồn sử Việt để cứu dân tộc Việt Nam thoát nạn diệt chủng do âm mưu Hán hóa của kẻ thù truyền kiếp được bọn khuyển mã tiếp tay. Tôi mãnh liệt tin rằng: Sau cô, sẽ hiện ra trên bầu trời nhiều THIÊN THẦN NỮA, bởi bức thông điệp của cô.
BẰNG PHONG ĐẶNG VĂN ÂU
Email address: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Điện thoại: 714 – 276 – 5600.

http://bacaytruc.com


Nancy Nguyễn trả lời RFA

về việc bị an ninh VN bắt giữ 6 ngày

Gia Minh, PGĐ Ban Việt Ngữ RFA
2016-05-27

nancy-630.jpg
Nancy Nguyễn kể lại thời gian bị giam giữ và thẩm vấn bởi an ninh Việt Nam với phóng viên Gia Minh Đài Á Châu Tự Do.

Cô Nancy Nguyễn, một người trẻ lên tiếng cho dân chủ- nhân quyền trong nước, vừa qua về Việt Nam bị an ninh bắt đi mất tích 6 ngày.
Khi ra khỏi Việt Nam, cô dành cho Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do cuộc nói chuyện kể lại thời gian bị giam giữ và thẩm vấn bởi an ninh Việt Nam. Trước hết cô cho biết:
Nancy Nguyễn: Sự việc cũng chóng vánh lắm. Tôi nghĩ những người về Việt Nam và những người đứng ra kêu gọi biểu tình không bao giờ nghĩ mình có thể thoát khỏi sự truy lùng của an ninh Việt Nam đâu. Cho nên ai nghĩ mình không bị bắt, mình có thể trốn thì tôi nghĩ đó sẽ là chuyện sẽ không xảy ra.
Tuy nhiên thời điểm tôi về có chút nhạy cảm vì chỉ ngày hôm trước, hôm sau thì đến ngày bầu cử, và tổng thống Mỹ đến thăm.
Vắn tắt sự việc thì ngày 19 tôi còn ở trong khách sạn; họ lên đập cửa phòng và kiểm tra hành chính. Lúc đó khoảng 11 giờ khuya. Khi kiểm tra hành chính thì họ câu lưu luôn, theo lời của họ là ‘câu lưu kiểm tra hành chính’ để làm rõ vấn đề ‘sử dụng giấy tờ giả’ mặc dù tất nhiên chuyện đó không có. Chứ nếu dùng giấy tờ giả thì tôi không được ngồi nói chuyện ở đây đâu, vẫn còn bị giữ trong đó.
Tất nhiên họ không có bằng chứng hay cơ sở nào để giữ người hết nên họ phải thả.
Gia Minh: Đó là cái cớ để giữ người nhưng khi làm việc họ có làm việc gì về vấn đề giấy tờ giả hay không, và cô Nancy phản bác về cáo buộc đó thế nào?
Nancy Nguyễn: Khi họ đưa tôi về đồn gọi là câu lưu hành chính thì họ câu lưu từ 11 giờ khuya và họ thẩm vấn mãi cho đến 5 giờ chiều ngày hôm sau. Trong thời gian thẩm vấn như vậy phần lớn họ chỉ xoay quanh hoạt động của mình mà họ cho là chống đối chính quyền. Còn vấn đề sử dụng giấy tờ giả thì hầu như họ không nhắc tới.
Họ nói tôi làm những việc mà có cáo buộc liên quan đến hoạt động dân sự, về dân chủ.
Gia Minh: Khi họ cáo buộc như vậy thì cô có phản bác những điều đó ra sao?
Nancy Nguyễn: Trong khoảng hai ngày đầu khi bị câu lưu thì tôi không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Tôi cự tuyệt trả lời. Họ hỏi tên, ở đâu, làm gì thì tôi nói cần gặp luật sư của mình chứ tôi không có nhu cầu trả lời những câu hỏi này.
Khi họ thấy không thể nào sử dụng biện pháp dân sự để yêu cầu mình khai được thì họ nhốt tôi vào trong một phòng khách sạn, có an ninh ngày đêm canh thẳng trong phòng. Rồi qua một đêm đến chiều hôm sau nữa họ kéo tôi trở lại về đồn và đọc lệnh bắt khẩn cấp luôn. Từ khách sạn họ đưa về đồn công an phường 10, quận 5.
Sau khi họ bắt khẩn cấp, lúc đó mình đã là bị can rồi nên họ đưa lên xe chuyên dụng chở về Trại tạm giam B34.
Gia Minh: Và trong trại tạm giam thì họ làm việc thế nào, giam ra làm sao?
Nancy Nguyễn: Khi bắt về Trại tạm giam cũng làm những thủ tục nhập trại như lăn tay, làm căn cước, lấy lời khai… Ở trong đó với tư cách là bị can rồi thành ra… Cũng tức cười lắm khi nhập trại họ nói với tư cách người bị tạm giữ, cô có những quyền như thế này: tự biện hộ, nhờ người biện hộ hoặc có luật sư. Nhưng tôi yêu cầu cần có người biện hộ thì họ nói không có. Ở Trại tạm giam họ giữ tôi từ 6 giờ chiều cho tới khuya và nhập vào ‘jail’ tức nơi ‘tạm giữ’.
Tất cả những câu hỏi liên tục của họ cho đến lúc đó thì tôi nói theo như những điều mà các anh vừa mới nói với tôi thì tôi có quyền có luật sư và người biện hộ nên tôi yêu cầu có luật sư và người biện hộ. Họ nói nếu như vậy thì làm đơn, và tôi cũng làm đơn nhưng họ cũng coi như tờ giấy lộn thôi.
Gia Minh: Khi ra khỏi Việt Nam họ có nói gì để có chuyện đó?
Nancy Nguyễn: An ninh họ làm công việc của họ và họ có một gửi gắm là nếu thấy không bị đánh đập, không bị nhục hình, không làm gì tôi thì cũng nên lên tiếng để ‘giải oan’ cho người ta vì tại sao vẫn có dư luận về đánh đập.
Tôi không biết lý do họ không đánh tôi vì tôi là người nước ngoài hay họ không có đánh đập. Họ có hỏi bởi vì cô là người nước ngoài nên chúng tôi không đánh hay là ai tôi cũng không đánh; tại sao cô không hỏi? Tôi nghĩ nếu có hỏi đi chăng nữa thì câu trả lời cũng quá rõ ràng rồi. Trước đó mình đã có nhiều bằng chứng rồi.
Những người làm việc trực tiếp với tôi họ không xâm phạm về mặt thể chất; nhưng tôi nghĩ có những đe dọa về tinh thần. Chẳng hạn như khi tôi nhất quyết không chịu hợp tác, họ không nói sẽ đánh nhưng họ nói bây giờ còn ngồi ở đó vì hành chính chứ mai mốt đưa vào ‘trong kia’ rồi thì nói thật không chịu nổi ba ngày đâu. Họ không đánh mình nhưng nói ‘cứng cỡ nào’ cũng không chịu nổi ba ngày.
Rồi khi đưa vào trại tạm giam thì họ nói cô đừng bao giờ nghĩ có sự can thiệp từ bên ngoài. Tôi biết mình là người nước ngoài và không có làm gì phạm pháp thì không có căn cứ, không có cơ sở để giữ tôi. Họ nói đừng có hy vọng có sự can thiệp nào từ lãnh sự hay bất cứ đâu; chuyện đó không bao giờ xảy ra. Một khi đã vào đây rồi thì chúng tôi có trách nhiệm điều tra cho đến khi nào thấy cần. Cô có thể ở đây 3 ngày, 3 tháng, 3 năm hoặc 30 năm tùy vào thái độ của cô chứ không có bên ngoài nào có thể giúp được hết. Đó là những điều mà tôi nghĩ là một trong những đe dọa về tinh thần.
Họ không xâm phạm thể chất, không đánh đập, không đe dọa nhưng đối với một số người khi bị bắt cóc, mất tích và giam giữ như vậy và trong một thời gian dài (từ ngày 19 đến 25 tháng 5) đó không được quyền gặp gỡ bất cứ ai. Đối với một vài tiêu chuẩn thì đó cũng coi là tra tấn.
Gia Minh: Số người làm việc trong thời gian đó thế nào?
Nancy Nguyễn: Họ thay nhau khoảng chừng 30-40 người canh; nhưng trực tiếp thẩm vấn khoảng chừng 10 người, trong đó có 4 người chính chịu trách nhiệm hồ sơ của tôi. Tất cả đều là nam.
Gia Minh: Lúc này nếu dùng một vài tính từ để nói lại thời gian đó, thì cô dùng những từ nào?
Nancy Nguyễn: Nếu tôi không phải là người nước ngoài thì tôi không thể biết ở trong đó cảm thấy đến mức như thế nào; vì mình biết trước họ không thể có khả năng giữ mình. Những việc mình làm dù không hề có hành vi phạm pháp; nhưng mà theo họ không cần làm gì để lật đổ chính quyền mà chỉ có dấu hiệu có sự phản kháng là phạm pháp rồi theo qui định của pháp luật. Tức là không cần cấu thành hành vi, chỉ cần cấu thành hình thức. Xét về mặt pháp luật Việt Nam, họ có quyền khởi tố tôi rồi. Nếu tôi không phải là người nước ngoài thì với thái độ không hợp tác tôi sẽ phải bị truy tố.
Ở trong đó tôi nghĩ, mình là một người nước ngoài, hiểu chuyện đó thành ra phần nào yên tâm. Khi mà mình một phần nào có thể yên tâm mà họ còn có thể đe dọa đến mức như vậy thì thử hỏi những người trong nước họ lấy gì để bám víu vào, lấy gì để nuôi hy vọng!
Cảm giác của tôi không nghĩ nhiều về bản thân mình vì không có vấn đề gì; nhưng tôi nghĩ nhiều đến những anh chị em đã bị bắt trước và những anh chị em có thể sẽ bị bắt sau tôi. Cảm giác của họ như thế nào khi mà họ không có một ‘cái phao’, không có cơ quan nào đứng ra bảo vệ họ một cách hữu hiệu trước pháp luật!
Gia Minh: Được biết trước đây cô cũng từng đến những nơi như Hong Kong lúc tuổi trẻ, sinh viên đấu tranh và trước ngày 19 bị bắt cô cũng có gặp một số nhà hoạt động tại Việt Nam; như cô vừa chia sẻ bản thân có cái thế mà họ không thể làm quá mức, đồng thời rất ‘chia sẻ’ với những người dám công khai đấu tranh ở trong nước, cô có nhận định gì?
Nancy Nguyễn: Ở Hong Kong ít nhất họ có luật biểu tình, đó là hợp pháp và họ được pháp luật bảo vệ. Nếu chính phủ Hong Kong có những đàn áp, bắt bớ họ thì chính phủ sai, chứ còn người Hong Kong không sai.
Còn những bạn trẻ ở Việt Nam mà hoạt động không nhất thiết phải biểu tình, không nhất thiết phải xuống đường mà mới chỉ thể hiện ý chí phản kháng thôi thì đã là phạm pháp rồi như tôi vừa nói vấn đề ‘cấu thành hình thức’ chứ không phải ‘cấu thành hành vi’.
Tôi thấy giữa những bạn trẻ Hong Kong và những bạn trẻ Việt Nam thì những bạn trẻ Việt Nam ở vào tư thế rất nguy hiểm. Tôi rất phục tinh thần của họ.
Gia Minh: Dù vẫn còn quá sớm và còn những ‘ấn tượng’ khi ở Việt Nam, nhưng qua trải nghiệm vừa rồi có xuất phát những ý tưởng gì cho thời gian tới?
Nancy Nguyễn: Đó cũng là một phần lý do mà tôi muốn thử, gặp gỡ với các anh em an ninh. Ở Việt Nam để xác minh lại một số nghi vấn trước đây của tôi và hy vọng sẽ có được những cái nhìn thống nhất hơn trong tương lai. Hy vọng trong tương lai những gì tôi đã trải qua và các anh chị đã trải qua thì có thể đúc kết lại thành một kinh nghiệm nào đó cho những người đi sau.
Gia Minh: Cô Nancy còn có những chia sẻ gì nữa không?
Nancy Nguyễn: B34, Trại tạm giam và cũng có thể bị khởi tố- tôi là người nước ngoài nên không bị tra tấn, bị nhục hình; không biết các bạn có bị hay không, tôi không biết; nhưng đó là nơi mà tôi không muốn bất cứ ai tới trừ phi các bạn có nhu cầu đến đó tìm hiểu một vấn đề gì đó. Vì B34, Trại tạm giam là những nơi mà mình có thể có được rất nhiều thông tin mà mình làm sáng tỏ được nếu như mình hiểu mình đi đâu, mình làm gì. Tuy nhiên nếu như các bạn không có chủ đích đến đó để tìm hiểu một vấn đề nào đó thì tốt nhất là nên tránh. Vì đó là những nơi mà tôi không muốn bất cứ ai trong chúng ta bị đem tới.
Gia Minh: Thay mặt quí thính giả của Đài Á Châu Tự do cám ơn cô Nancy và chúc cô đạt được những điều mong muốn đạt đến.

 

Đăng ngày 03 tháng 07.2016