Những cú “Sút” vào lưới nhà
Đào Hiếu
Có lần ông Bùi Tín được một nhóm trí thức Việt kiều mời sang San José nói chuyện về chế độ CSVN và tình hình hiện nay ở Việt Nam. Cuộc nói chuyện ấy đã không xuôi chèo mát mái. Thoạt tiên là việc bất đồng trong Ban tổ chức buổi nói chuyện, vì có những kẻ phản đối cho rằng việc gì phải đi nghe một “tên cán bộ cộng sản” nói chuyện.
Kế đến, khi buổi nói chuyện diễn ra thì có người la ó phản đối, có người xé ảnh Bùi Tín, chà đạp dưới chân rồi lên tiếng chửi rủa. Sau buổi nói chuyện đến phần chất vấn thì ôi thôi, nhiều vị đem chuyện xưa tích cũ ra mà chì chiết, nào là: hồi ấy chính ông giết cha tôi, nào là ông đã từng như thế này… như thế kia… làm cho cụ Bùi nhà ta phải vất vả chống đỡ… Thế rồi sau buổi nói chuyện, ra khỏi hội trường lại có kẻ chạy theo cô Võ Ngọc Trang, biên tập viên của báo mạng Đàn chim Việt mà… nhổ vào mặt.
Trong bài này tôi sẽ không bày tỏ chính kiến của mình về ông Bùi Tín. Tôi chỉ muốn phát biểu về “NHẬN THỨC CHÍNH TRỊ CƠ BẢN”, mà bất cứ ai muốn tranh đấu và giành thắng lợi đều phải biết.
Trước ngày 30/4/1975 chánh quyền của Tổng thống Thiệu đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Ngoài mặt trận thì Việt cộng đánh rất mạnh, ở Sài Gòn thì phong trào sinh viên tranh đấu hoạt động ráo riết.
Lúc ấy ông Nguyễn Cao Kỳ và các cộng sự của ông thừa biết Huỳnh Tấn Mẫm và các thành viên trong Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn là đảng viên cộng sản nằm vùng nhưng ông Kỳ vẫn mời Huỳnh Tấn Mẫm đến họp để bàn “quốc sự”.
Tại sao? Vì một lý do rất đơn giản là: tuy hai ông Kỳ và Mẫm một bên là “quốc gia” một bên là “cộng sản” nhưng họ đã biết liên minh với nhau vì một mục đích chung: lật đổ tổng thống Thiệu.
Vậy thì tại sao Bùi Tín lại bị cái nhóm người kia chửi rủa, xé ảnh và chà đạp dưới chân. Rõ ràng họ không có ý niệm gì về “liên minh”, về “tính mục đích” của một phong trào tranh đấu. Họ đã hành động hoàn toàn vì cá nhân và rất “ngây thơ chính trị”.
Đừng nói Ông Bùi Tín đã từ bỏ chế độ CSVN và đã phản tỉnh sâu sắc (thông qua các bài viết rất đa dạng của ông), ngay cả khi ông chẳng viết lách gì cả, mà ông đồng ý đến dự một hội thảo như thế thì cũng đáng để cho những người chống cộng kia phải trải thảm đỏ đón ông rồi.
Có thể những người đó trong lòng vẫn còn ấm ức vì tư thù, nhưng vì hai bên đều có cùng một “mục đích đấu tranh chính trị” nên họ phải đưa tay ra và nở nụ cười. Đó là điều cơ bản, sơ đẳng nhất của những người làm chính trị.
Gần đây, chị Kim Chi, một diễn viên điện ảnh lão thành cách mạng của Việt Nam đã ngang nhiên từ chối bằng khen của thủ tướng với lý do: “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác mình bị xúc phạm.”
Chị cũng khẳng định: ”Tôi là một người cộng sản chính hiệu”.
Chỉ vì cái câu này mà có người phê phán chị là “vẫn còn tự hào mình là một người cộng sản”. Họ không biết rằng khi chị Kim Chi khẳng định mình là người cộng sản tức là chị đang dùng một chiêu tự vệ cần thiết.
Cũng cần nói thêm: những kẻ phê phán chị Kim Chi thật giống những “quý ông” ở San José: quá ngây thơ chính trị và chẳng hiểu gì về ý niệm “liên minh” về “tính mục đích” của phong trào.
Đấu tranh chính trị cũng giống như đá bóng: cho dù anh ghét cay ghét đắng cầu thủ X cầu thủ Y nào đó (vì nó lăng nhăng với vợ anh chẳng hạn) nhưng đã đá cùng một đội thì khi anh ta chuyền bóng cho anh, anh cũng phải đón bóng và tấn công đối phương, thậm chí đường chuyền của anh ta có vụng về, sai sót kỹ thuật, thì anh cũng phải cố cứu lấy bóng mà tiếp tục tấn công. Trong tình huống ấy nếu anh bỏ bóng và chê anh ta là một thằng ngu thì chính anh lại là một thằng ngu. Tệ hơn nữa, nếu anh đưa bóng vào lưới nhà thì chỉ còn cách mời anh ra sân và thay cầu thủ khác mà thôi.
Đấu tranh chính trị mà không coi nhau như “đồng chí”, hở một chút là lên án, chụp mũ, chê bai… thì chẳng khác nào đá bóng vào lưới nhà.
Ngày 9/7/2021
Đ.H
https://www.facebook.com/daohieuwriter
Toán học, Triết học và sừng tê giác
Đào Hiếu
Hôm nay, tình cờ đọc được một cái comment trên mạng. Tác giả của nó là Huy Luu, một người hoàn toàn xa lạ. Nhưng cái comment ấy thật hay, nguyên văn như sau:
“Tớ là dân Chế tạo máy, là một trong vài lĩnh vực phải học Toán nhiều, rất nhiều, rất nhiều.
Tớ thậm chí đã đạt học vị Tiến sĩ lĩnh vực này. Đã từng có cơ hội để thực chiến nghề nghiệp ở Đức và Nhật.
Xin thưa với các bạn: học Toán kinh người 100 phần, nhưng chỉ dùng có 1 phần.
Các kỹ sư Chế tạo máy, chỉ dùng đến một phần toán sơ cấp thời phổ thông mà thôi.
Cho nên, chúng ta đã hù doạ nhau, tự nói sai về vai trò của môn TOÁN mất rồi.
Hãy tỉnh càng nhanh càng tốt để đừng làm khổ lũ trẻ nữa.
Hãy dành trí lực và thời gian của lũ trẻ để học hành đa dạng hơn, thiết thực hơn cho bản thân chúng và cho xã hội.
Rất cần có Hội thảo khoa học về vấn đề này”.
Tôi từng học triết (đúng bài bản thời trung học dưới chế độ VNCH: Lớp đệ nhất (lớp 12 ban C) học 4 môn triết căn bản: Luận lý học, Đạo đức học, Tâm lý học và Siêu hình học.
Xong 4 môn ấy, khi lên đại học hoặc khi ra đời, bạn mới có đủ trình độ để nghiên cứu triết học Đông phương và triết học Tây phương.
Tuy học và đọc thì nhiều nhưng cuối cùng đúc kết, được chỉ một câu: “Triết học là môn học nói những điều ai cũng hiểu bằng thứ ngôn ngữ không ai hiểu cả”
Nhiều người ca ngợi Trần Đức Thảo là triết gia tầm cỡ thế giới: “Đến như Jean Paul Satre còn phải kính nể”.
Nhưng tôi thì không.
Tôi nghĩ Trần Đức Thảo là một người tầm thường. Vì chỉ cần có trí thông minh thuộc loại trung bình thôi thì ông cũng đã không theo cụ Hồ về Việt Nam để “xây dựng đất nước”. Kết cục của sự chọn lựa khờ khạo ấy là một lão già lẩm cẩm, chẳng ra cái giống gì.
Ông ấy dạy học ở Hà Nội, nghèo quá, phải bán mấy cuốn từ điển đem từ Pháp về để đổi gạo. Mùa rét phải cưỡi chiếc xe đạp trành đi nhặt cành khô về đun bếp. Mấy cành củi buộc sau xe, về đến nhà, quay lại thì đã rơi rớt dọc đường hết sạch.
Một cái đầu “xoàng” như vậy sao “Jean Paul Satre phải kính nể” được chứ!?
Toán học và Triết học là hai môn học cao cấp, khó khăn và cực kỳ xa xỉ. Nó cũng giống như tổ yến, sừng tê giác, vi cá mập… để sở hữu chúng, phải tốn quá nhiều công sức, nhưng thực chất, bên Âu-Mỹ người ta coi tổ yến chỉ là rong biển trộn với nước bọt, sừng tê giác chỉ là “chất sừng” như móng tay móng chân của người, còn vi cá mập thì cũng chỉ có vài thứ khoáng vi lượng như trong hàng trăm loại thực phẩm khác.
Nước ta nghèo nàn, lạc hậu và ngu dốt thuộc loại nhất nhì thế giới, vậy mà không lo học cái gì thực tế, mà lại đi “sính” ba cái thứ “mỹ phẩm” hào nhoáng ấy để học làm sang thì muôn đời chỉ đi ăn mày.
Mà vì ngửa tay hoài chẳng ai thèm cho, nên chỉ còn cách quay về mà “ăn mày dĩ vãng.”
Ngày 6/7/2021
Đ.H.
https://www.facebook.com/daohieuwriter
Huyền thoại “XUỐNG ĐƯỜNG”
Đào Hiếu
Trong lịch sử đấu tranh chính trị của nhân loại, có lẽ những cuộc xuống đường của người Hong Kong chống lại âm mưu xóa bỏ cam kết “Một quốc gia hai chế độ” của chính quyền Trung Quốc là vô tiền khoáng hậu.
Trước đó 90 năm ở Ấn Độ, nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi cũng đã tiến hành một cuộc xuống đường vĩ đại mang tên “Hành Trình Muối” (Salt March).
Sáng ngày 12/3/1930, Gandhi đã khoác lên mình một chiếc khăn, xỏ đôi sandal và cầm cây gậy gỗ, ông đã cùng với hàng chục người bắt đầu hành trình đi bộ từ Ahmedabad tới thị trấn biển Dandi. Trên đường đi, hàng chục nghìn dân chúng Ấn Độ đã gia nhập đoàn tuần hành. Đây là cuộc xuống đường 400km, dài nhất lịch sử nhân loại.
Tuy nhiên đứng về mặt quy mô thì những cuộc xuống đường của người Hong Kong là hùng hậu chưa từng thấy, không những về số người tham dự lên đến hàng triệu, mà thời gian cũng kéo dài trong nhiều tháng.
Thế giới gọi những biến động ở Hong Kong là “ Cuộc Cách mạng Dù” (Umbrella Revolution).
Các lãnh đạo trẻ, năng động của phong trào như Hoàng Chí Phong, Chu Vĩnh Khang, Chu Đình… cũng đã được các nước Âu Mỹ mời phát biểu tại quốc hội và được tiếp đón như những chính khách tầm cỡ…
Tuy vậy, trong 5 yêu sách mà phong trào Cách Mạng Dù nêu ra, chỉ có một thứ được chính quyền Trung Quốc đáp ứng nửa với đó là: “Rút dự luật dẫn độ ra khỏi quá trình lập pháp.” Trong khi yêu sách thứ 5 quan trọng nhất là “tự do ứng cử và bầu cử chính quyền Đặc khu Hong Kong” thì bị phớt lờ.
Rốt cuộc nhà nước Trung Quốc đã thành công trong chiến thuật vừa đàn áp dã man, vừa giằng co kéo dài để làm suy yếu dần phong trào, dẫn tới tan rã.
Hiện tượng “Cách Mạng Dù” đã chứng tỏ rằng nếu phong trào quần chúng chỉ hoạt động đơn lẻ và thuần túy “dân sự” thì cho dù có rộng khắp đến đâu, có quyết tâm đến đâu, thậm chí thành lập được một “xã hội dân sự” cũng sẽ không thể giành thắng lợi.
Khi nghe kết luận như thế, chắc chắn sẽ có người dẫn chứng hàng loạt những cuộc “đấu tranh đường phố” đã từng giành thắng lợi rực rỡ, lật đổ chính quyền, như trường hợp “Cách Mạng Hoa Nhài” ở Tunisia năm 2011, tiếp theo là chuỗi sụp đổ domino ở Bắc Phi như Ai Cập, Lybia với cuộc tháo chạy của tổng thống Mubarak và cái chết nhục nhã trong lỗ cống của Gaddafi.
Trên thực tế thì Cách Mạng Tunisia sẽ không thể thành công nếu quân đội không đứng về phía nhân dân, quay súng chĩa vào chính quyền của tổng thống Ben Ali ngày 15/1/2011.
Ở Ai Cập cũng vậy. Dưới sức ép của những người biểu tình được quân đội hậu thuẫn, ngày 11 tháng 2, Tổng thống Hosni Mubarak từ chức và chuyển quyền cho Hội đồng Quân lực Cao cấp.
Tình hình Lybia cũng diễn biến tương tự: Ngày 30/5/2011, nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội Libya, trong đó có 5 vị tướng và 3 đại tá đã tuyên bố rời bỏ hàng ngũ quân Gaddafi. Họ cáo buộc Gaddafi đã "giết chóc, thảm sát, bạo hành phụ nữ."
Tướng Oun Ali Oun cáo buộc quân của Gaddafi phạm tội "diệt chủng" và kêu gọi các binh lính và sĩ quan an ninh rời bỏ chính quyền.
Trong khi đó tình hình ở Hong Kong thì khác hẳn.
Nhân dân Hong Kong chẳng những không có quân đội ủng hộ mà “quân giải phóng nhân dân Trung Quốc” còn đem xe tăng, thiết giáp dàn trận sát mép Hong Kong, sẵn sàng nã đạn, sẵn sàng tàn sát người dân dưới xích sắt của xe tăng.
Dư luận thế giới lúc ấy đã nghĩ tới một “Thiên An Môn” thứ hai.
Thế nhưng cũng sẽ có người hỏi tôi:
-Ông là người Việt Nam, thế ông quên rằng chính Phật giáo Việt Nam đã xuống đường, tự thiêu, tuyệt thực… Và cuối cùng đã lật đổ được chính quyền Ngô Đình Diệm hay sao?
Dạ thưa, tôi không quên. Nhưng tôi cũng biết rằng cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963 không phải là thành quả của Phật Giáo.
Đó là cuộc lật đổ của người Mỹ.
Phật giáo chỉ giúp cho tổng thống Kennedy một cái cớ để ông ta loại bỏ một vị tổng thống không biết vâng lời, mà ông ta không tin tưởng.
Khi còn là học sinh trung học tôi đã từng tổ chức những cuộc xuống đường quy mô lớn ở Quy Nhơn, rồi sau này vào Sài Gòn học đại học tôi hoạt động trong các phong trào sinh viênh đô thị tại Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, đơn vị Thành Đoàn. Chuyện “xuống đường” đối với tôi không có gì lạ.
Giờ đây nhận thức đã khác, tâm tình cũng khác, quan điểm chính trị đã vượt xa ngàn dặm, tôi nhận ra rằng những chuyện “xuống đường” trên khắp thế giới thực ra chỉ có giá trị quảng cáo.
Nó có thể gây tiếng vang, nó có thể nhắc người ta nhớ đến một phong trào gì đó, cũng giống như nhớ đến Coca Cola hay KFC… nhưng nó hoàn toàn không thay đổi được gì.
Phong trào Phật giáo năm 1963 sẽ không làm nên trò trống gì nếu Mỹ không bật đèn xanh cho các tướng lãnh trong quân lực VNCH chĩa súng vào gia đình họ Ngô.
Lúc ấy nhiều người ca ngợi Thích Quảng Đức, thượng tọa Trí Quang… nhưng không hề biết rằng người quyết định sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm là đại sứ Henry Cabot Lodge. Vai trò của Cabot Lodge lúc ấy đã được nhà văn Morris West thể hiện rất sinh động trong tác phẩm The Ambassador (Ông đại sứ- "The Ambassador" is a novel by Australian author Morris West. First published in 1965, this is one of Morris West's greatest books.)
Tương tự như vậy, hiện giờ mà vẫn còn có người quy trách nhiệm cho các lãnh tụ sinh viên học sinh… là đã rước việt cộng vào Miền Nam, mà không biết rằng những bạn ấy chỉ làm mỗi việc quảng cáo, giống như các phát thanh viên đài truyền hình quảng cáo thực phẩm chức năng.
Phong trào học sinh sinh viên đô thị miền Nam, trên thực tế, chỉ đóng một vai trò rất nhỏ, rất phụ trong chiến thắng của miền Bắc.
Lúc ấy chúng tôi được “dạy” là phải kết hợp “ba mũi giáp công” là quân sự, chính trị và ngoại giao.
Nhưng trên thực tế miền Bắc đã thắng nhờ xe tăng và những khẩu AK47.
Và đây là những chứng minh cụ thể:
-Trận Mậu Thân dẫn tới Hội Nghị Paris về Việt Nam. Hội nghị Paris dẫn tới Mỹ rút quân, bỏ rơi VNCH. Mỹ rút quân cắt viện trợ dẫn tới mất Hoàng Sa, thất thủ Ban Mê Thuột. Thất thủ Ban Mê Thuột dẫn tới cuộc tháo chạy tán loạn của quân đội Sài Gòn, nhờ thế mà chiến dịch HCM đã thắng một cách nhanh chóng, dễ dàng.
Vậy chẳng phải thắng lợi của miền Bắc mở đầu bằng súng (Mậu Thân) và cũng kết thúc bằng súng (Chiến dịch HCM) sao?
Như thế thì các cuộc xuống đường của phong trào sinh viên đã đóng vai trò gì vậy?
Chẳng là gì, ngoài việc quảng cáo rằng đó là “đồng bào miền Nam nổi dậy chống Mỹ ngụy”
Các cuộc xuống đường ở Hong Kong vĩ đại như thế, kiên cường và bền bỉ như thế mà cũng phải lụi tàn, bởi vì quân đội vẫn còn nằm trong tay kẻ ác.
Mũi súng của những người lính chĩa về đâu, đó mới là điều quyết định.
Ngày 24/5/2021
Đào Hiếu
https://www.facebook.com/daohieuwriter
Đăng ngày 21 tháng 07.2021