Xem giải vô địch bóng tròn Âu châu 2020

Nghĩ về sự hữu hạn của đời người và cuộc chiến oan khiên 30 năm
 
Trong thời gian này nhiều triệu người trên thế giới đang say mê theo dõi Giải Vô Địch Bóng Tròn  Âu Châu 2020 tôi miên man nghĩ tới người bạn mà người chồng thân yêu của chị, một nhạc sĩ du ca đã bất ngờ vĩnh viễn ra đi khi đang xem Giải Vô Địch Bóng Tròn Thế Giới 2004. Nhiều năm đã qua nhưng nỗi đau thương mất mát mãi và không bao giờ chị vượt qua được.
Bóng tròn là môn thể thao được ưa chuộng nhất của những người  thế hệ trước và thế hệ của chúng tôi. Ông chồng già của tôi thường kể là khi còn nhỏ là học trò nghèo Anh chơi bóng tròn với bạn bằng trái bưởi hay bằng bong bóng heo. Bây giờ tuy đã gần 90 tuổi đời nhưng Nhà Tôi vẫn say sưa theo dõi các trận đấu trong Giải Vô Địch Âu Châu  2020 chiếu trên đài ESPN 1 và ESPN 2.
Nhiều người đã bật khóc khi tiền vệ Christian Eriksen bất ngờ đột quỵ trên sân khi đang thi đấu trong trận Đan Mạch và Phần Lan khai màn bảng B EURO 2020. Cũng như bao cầu thủ khác Eriksen chiến đấu cho mầu cờ sắc áo của đất nước họ. Trong  đội tuyển Bồ Đào Nha, Cristiano Ronaldo, một trong mấy cầu thủ nổi danh nhất thế giới,  được liên đoàn bóng đá Bồ Đào Nha vinh danh là cầu thủ Bồ Đào Nha xuất sắc nhất mọi thời đại vào năm 2015. Anh ra mắt trận đầu tiên vào năm 2003 ở tuổi 18 và có hơn 160 lần khoác áo đội tuyển quốc gia, trở thành cầu thủ khoác áo đội tuyển quốc gia nhiều nhất và là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất mọi thời đại của đất nước quê hương anh, hôm qua 6//27/2021 Bồ Đào Nha đã thua 0-1 trước đội tuyển của Nước Bỉ. Tất cả mọi cầu thủ trong các đội đều hết tâm lực xả thân tranh đấu cho mầu cờ sắc áo của đất nước quê hương họ.
Viết đến đây tôi thật cảm thấy đau xót liên tưởng  tới bao người cùng gia đình thân nhân của họ cũng đã xả thân, hay nói rõ hơn đã hy sinh mạng sống, máu và nước mắt để bảo vệ chính nghiã Quốc Gia trong và sau Cuộc Chiến Oan Khiên Ba Mươi Năm 1945-1975. Tuy đã biết có sinh là có tử, không ai thoát khỏi quy luật của Tạo Hoá - Sinh Lão Bệnh Tử nhưng có ai mà không đau, không khóc khi phải vĩnh viễn xa rời người thân yêu.
Khánh vân  
 

Trích:

... Tô Thùy Yên, người mới từ giã chúng ta để về nơi miên viễn, đã than trong bài hành bất hủ Ta Về của ông:
Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua.
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn,
Đành không trải hết được lòng ta!
và người ta không khỏi không nghĩ tới tâm sự đầy u uẩn của Nguyễn Du:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như!
Ba trăm năm lẻ về sau,
Hỏi ai người nhỏ lệ sầu Tố Như
(Người dịch, không rõ)
còn Tô Thùy Yên thì tuy bề ngoài có vẻ nhẹ nhàng, âm thầm chấp nhận nhưng bề trong không phải là không xót xa, oán hận:
Ta về - một bóng trên đường lớn,
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai.
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ?
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay!
Với gần mười ba năm tù, Tô Thùy Yên đã phải sống gần hết thời gian đẹp nhất của cuộc đời của mình trong trại tù khổ sai không có án. Hai chữ “mười năm” đã trở thành nỗi ám ảnh không dời đối với ông, khiến ông đã nhiều lần nhắc tới trong bài thơ trường thiên ông làm kể trên:
Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu.
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ!
Mười năm thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu.
Một đời được mấy điều mong ước?
Núi lở sông bồi đã lắm khi…
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động,
Mười năm, cổ lục đã ai ghi?
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó,
Người thức nghe buồn tận cõi xa.
Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ,
Mười năm người tỏ mặt nhau đây.
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ.
Mười năm ta vẫn cứ là ta.
Hãy kể lại mười năm mộng dữ.
Một lần kể lại để rồi thôi!
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?
Mười năm con đã già trông thấy,
Huống mẹ cha, đèn sắp cạn dầu!
Ta về như nước Tào Khê chảy,
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ.
Nhưng cuối cùng thì tác giả, với tinh thần từ bi, bao dung, phá chấp của Đạo Phật, đành mượn chén rượu để giải oan, giải oan không phải cho riêng ông, cũng không phải chung cho các nạn nhân của “cuộc biển dâu” thời ông, mà là cho toàn bộ, toàn bộ cuộc biển dâu của dân tộc:
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống,
Giải oan cho cuộc biển dâu này!

Điều nên biết là Tô Thùy Yên mà tôi nói ở đây chỉ là một Tô Thùy Yên trong số hàng ngàn, hàng trăm ngàn Tô Thùy Yên khác với ba năm, năm năm, bảy năm, tám năm, luôn cả trên mười năm hay tệ hơn, ngót hai mươi năm là chuyện bình thường.
Trước đó, trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, Nguyễn Du cũng đã viết:
Tiết đầu thu dựng đàn giải thoát,
Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi.
Muôn nhờ Đức Phật từ bi,
Giải oan cứu khổ độ về Tây Phương.
Sau khi Tiên Sinh đã miêu tả hoàn cảnh cực kỳ thê lương, vất vưởng, đầy sợ hãi giữa cõi dương và cõi âm, giữa cảnh nhá nhem, nửa sáng, nửa tối của những oan hồn này:
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn,
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra.
Lôi thôi bồng trẻ dắt già,
Có khôn chăng nhẽ lại mà nghe kinh!
Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ,
Phóng hào quang cứu khổ độ u,
Rắp hòa tứ hải quần chu,
Não phiền rũ sạch, oán thù rửa không.
Tuy nhiên so sánh với Tô Thùy Yên, Nguyễn Du may mắn hơn nhiều. Thời đại của Tiên Điền Nguyễn Tiên Sinh chưa có trại tù cải tạo. Lịch sử thống nhất dân tộc Việt Nam cũng chưa hề bị bôi bẩn bởi loại nhà tù quái gở này. Gương đốt cả một tráp chứa đầy biểu xin hàng giặc Mông Cổ thời Vua Trần Nhân Tông để làm yên lòng những kẻ có dã tâm phản trắc trước đó, cũng như việc Nhà Vua cởi ngự bào đắp lên đầu Tướng Mông Cổ Toa Đô, kèm câu nói bất hủ “Làm bầy tôi nên như người này!”hay sau này thời Lê Thái Tổ đuổi Quân Minh, đối với kẻ thù truyền kiếp: “Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển chưa thôi trống ngực. Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tầu còn đổ mồ hôi. Nó đã sợ chết cầu hòa, ngỏ lòng thú phục; ta muốn toàn quân là tốt, cả nước nghỉ ngơi” đã không được những kẻ chiến thắng thời 1975 noi theo, đối với chính đồng bào của mình, từ đó không có được cảnh:
Tứ hải dĩ thanh, trần dĩ tĩnh
Kim niên du thắng tích niên du
Bốn bể yên rồi, dơ bụi tạnh
Cuộc chơi năm trước kém năm nay.
(Thơ Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, Ngô Tất Tố dịch)
hay như Vua Trần Nhân Tông được thấy cảnh:
Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong
Lính già phơ tóc bạc
Kể chuyện thuở Nguyên Phong.
(Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng, Ngô Tất Tố dịch)
hay rộng rãi hơn, trong toàn cảnh xã hội:
Trung hưng văn vận mại Hiên Hy
Triệu tính âu ca lạc thịnh thì
Trung hưng văn vận vượt đời xưa
Thời thịnh muôn dân ngợi hát ca
(Thơ Trần Nguyên Đán (1325-1390)
Nguyễn Đức Vân, Đào Phương Bình dịch )

Trung hưng ở đây có thể hiểu là thời sau thời Nhà Trần bình được quân Mông Cổ, khôi phục lại được Kinh Đô Thăng Long, giữ vững được quyền làm chủ đất nước. Hiên là Hiên Viên và Hy là Phục Hy, hai vị hoàng đế trong huyền sử Trung Hoa, còn Trần Nguyên Đán là ông ngoại của Nguyễn Trãi vị công thần đệ nhất của Triều Lê, tác giả của Bình Ngô Đại Cáo.
Có điều cũng chính vì chưa có trại tù cải tạo, không những không bị đi tù, bị làm nhục, chưa có những địa danh gây khiếp đảm cho nhiều người như Suối Máu, Long Giao, Thanh Cẩm, Ba Sao, Tân Lập, Hàm Tân, Z30, trước đó là Đầm Đùn, Lý Bá Sơ... Trái lại, Nguyễn Du còn được trịnh trọng mời ra hợp tác với tân triều và được lãnh những trách vụ quan trọng ở triều đình, kể cả đi sứ Trung Quốc, dù cho Tiên Sinh bị ở vào vị thế vô cùng éo le, không nhận không được và nhận thì không ổn, đúng như Phó Bảng Bùi Kỷ diễn tả trong bài truy điệu ông hơn một trăm năm sau, năm 1927:
Trời Đông Phố ào ào gió động,
Hội tao phùng đái ủng tân quân,
Giang hồ lang miếu một thân,
Dật dân bỗng hóa hàng thần lạ thay!
Há chẳng biết cao bay, xa chạy,
Cái công danh là bẫy trên đời.
Song le con tạo trêu ngươi,
Buộc nhau chỉ một chữ thời mà đau!
nhưng lại chính nhờ đó văn học Việt Nam đã có Đoạn Trường Tân Thanh, một đại tác phẩm khó ai có thể phủ nhận được giá trị tuyệt vời mà Bùi Kỷ đã ca ngợi bằng những ngôn từ “tuyệt vời” không kém:
Lâm ly ngọc bút song hồ,
Văn chương một áng điểm tô tuyệt vời.
Vì mặt trắng thương người mệnh bạc,
Khúc đoạn trường tả bước lưu ly.

Thời đại của chúng ta liệu đã có hay sẽ có những tác phẩm có giá trị tương xứng với cuộc biển dâu này hay không? và người ta có rút tỉa được bài học gì từ những biến cố đầy đau thương, chết chóc và oan khuất đã xảy ra cho toàn thể đất nước và dân tộc Việt Nam kể trên hay không hay chỉ biết ca ngợi công lao của một nhóm người và của lãnh tụ? Người viết tự hỏi và xin để mọi người cùng trả lời. Điều cần để ý mọi chuyện đều đã xảy ra từ trên dưới nửa hay cả ba phần tư thế kỷ và vẫn còn đang tiếp tục. Điều quan trọng là sự thật của lịch sử vẫn luôn luôn là sự thật, sự thật toàn vẹn và phải tuyệt đối được tôn trọng.
Cuối cùng, như nhận định của Vua Tự Đức của giữa Thế Kỷ 19, thắng hay thua, tất cả đều:
Khôn dại cùng chung ba thước đất,
Giàu sang chưa chín một nồi kê,
hay, cho văn vẻ và lãng mạn hơn, như lời Tản Đà của nửa đầu Thế Kỷ 20 trước, tất cả chỉ còn là:
Cảnh vật đầu non đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!..
hay thực tế hơn, như Vũ Đình Liên trong bài Ông Đồ:
Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?

Riêng Lịch Sử Dân Tộc thì vẫn còn đó. Điều đáng tiếc là khác với Lịch Sử Hoa Kỳ sau chiến tranh Nam-Bắc, Lịch Sử Việt Nam không có được những người như Tướng Ulysses S. Grant của Miền Bắc và Tướng Robert E. Lee của Miền Nam trong cách hai người đối xử với nhau khi Tướng Lee tới gặp Tướng Grant để chính thức đầu hàng. Tướng Lee đến với lễ phục sạch tinh, nguyên nếp, mang gươm trang trí cực đẹp của một tướng lãnh quý tộc Miền Nam ở cạnh sườn. Còn Tướng Grant thì ngược lại. Mặc dù là thuộc phe chiến thắng, ông ăn mặc xoềnh xoàng,không khác một người lính thường, quần áo, giầy trận còn “dính bùn đất hành quân”, không mang gươm cạnh sườn, ngoại trừ huy hiệu cấp tướng. Đến khi ra về Tướng Lee và các sĩ quan khác của ông vẫn được giữ nguyên tất cả, đặc biệt là không bị sỉ nhục, không phải nạp gươm và tiếp tục được ngồi trên lưng ngựa.
Chuyện này các học sinh Mỹ ngay từ các lớp dưới đều được học, coi như một niềm hãnh diện của họ và là lý do tại sao nước Mỹ sau này đã trở thành một nước lớn và mạnh, lớn và mạnh với đầy đủ ý nghĩa của ngôn từ. Đây cũng là bài học mà các học sinh Việt Nam, nói riêng, và người Việt Nam, nói chung, cần phải học. Câu hỏi được đặt ra ở đây là chừng nào thì Dân Tộc Việt Nam mới thực sự thoát được tình trạng:
Dân hai nhăm triệu không người lớn,
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con!
như một nhà thơ hồi đầu thế kỷ trước, nếu tôi nhớ không lầm, Tản Đà, đã từng than? Đã đến lúc người ta nên bắt chước cân nói của Vua Bảo Đại hồi năm 1945, “Những gì người Nhật làm được, tại sao chúng tôi không làm?” để nói theo người Mỹ: “Make Viet Nam great again!” như tổ tiên chúng ta đã làm một ngàn năm trước hay ít ra hơn bảy thế kỷ trước, dù cho là chỉ giới hạn trong phạm vi khu vực Đông Nam Á Châu, thay vì chỉ biết ăn chơi và tham nhũng làm giàu, tiêu pha bừa bãi? Điều kiện tiên quyết từ đó phải là một nước Việt Nam lành mạnh, không ô nhiễm từ con người, xã hội, chính trị, đến môi trường thiên nhiên hay “Make Viet Nam healthy again!” trước hết. Đây không phải là một việc làm dễ dàng. Người ta có thể thắng được kẻ thù bên ngoài nhưng thắng được chính mình không phải là chuyện dễ.
Phạm Cao Dương
Khởi viết Cuối Thu 1982 nhân Ngày Kỷ Niệm Thi Hào Nguyễn Du tại Quận Cam, California, Hoa Kỳ Sửa chữa để phổ biến, đầu Hè 2019.



Saigon Muôn Năm Cũ

TÚC CẦU VIỆT NAM CỘNG HÒA

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ ĐỂ THƯƠNG

Nguyễn Quang Duy

Tôi sinh năm 1959, vào năm đó lần đầu tiên đội tuyển Túc Cầu Việt Nam Cộng Hòa đoạt huy chương Vàng Đông Nam Á Vận Hội tổ chức tại Thái Lan.
Tôi lớn lên với nhiều kỷ niệm và học hỏi từ tinh thần túc cầu Việt Nam Cộng Hòa, giờ càng nghĩ càng thấy nhớ thương, ngậm ngùi về thời kỳ vàng son nền túc cầu Việt Nam.

Huyền Vũ có một không hai
Ngày nay người mê đá banh được xem trực tiếp truyền hình nên khó có thể hình dung được sự đam mê theo dõi các trận đấu qua lời tường thuật trên radio của ký giả Huyền Vũ.
Cứ mỗi trận đấu mà Huyền Vũ tường thuật thì y như khắp hang cùng ngõ hẻm, trên rừng thiêng núi thẳm dân mê đá banh đều bu quanh chiếc radio tưởng tượng những gì đang diễn ra trên sân cỏ.
Không chỉ ở các tiền đồn heo hút gió những binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa lắng nghe Huyền Vũ tường thuật, một người theo cộng sản đã kể tôi nghe ngay trong chiến khu bộ đội cũng ham thích theo dõi Huyền Vũ trực tiếp truyền thanh.
Từ giọng nói vô cùng thu hút người nghe, đến cách sáng tạo ngôn ngữ làm giàu từ ngữ Việt Nam, cách tường trình hết sức độc đáo các trận đấu và và kiến thức về túc cầu có một không hai, đến nay người Việt không có ai có thể thay thế được Huyền Vũ.
Từ ngữ “dzô! dzô! dzô!” mà các dân nhậu mời chúc rượu nhau là do Huyền Vũ sáng tạo, thường xuyên lập đi lập lại khi tường thuật các trận đá banh, riết thành từ ngữ hết sức phổ thông nói đến ai cũng biết.
Huyền Vũ tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, sinh năm 1914 và mất năm 2005, là chủ bút Tạp chí Thể thao hàng tuần và chủ bút báo Nguồn Sống.
Với kiến thức uyên thâm về túc cầu, Huyền Vũ đã hướng dẫn bạn đọc cách chơi, luật lệ túc cầu, đồng thời giải thích cặn kẽ cho bạn đọc về chiến thuật và chiến lược của từng đội, trong từng trận đấu và xây dựng một tinh thần thể thao thắng không kiêu thua không nản.
Về cách viết tôi học được từ Huyền Vũ là luôn luôn có những bạn đọc tuyệt đối ủng hộ một đội banh, cũng như trong chính trị có những bạn đọc luôn ủng hộ một khuynh hướng chính trị, nên khi bình luận người viết không được thiên vị bên nào như thế thì các bài viết mới có giá trị lâu dài và người viết mới giữ được uy tín với bạn đọc.

Vài đoạn tường thuật
Trên báo Thanh Niên, ngày 24/4/2016, nhà văn Lê Văn Nghĩa coi ký giả Huyền Vũ như một huyền thoại, bởi thế sau hơn nửa thế kỷ ông vẫn nhớ một số đoạn Huyền Vũ tường thuật trong trận đội Việt Nam thắng đội Do Thái 2-0 để được tham dự Thế Vận Hội năm 1964 xin trích dẫn lại như sau:
“Hôm nay là trận tranh tài túc cầu vòng loại giải vô địch Thế vận hội 1964 giữa hai đội túc cầu Do Thái và Việt Nam. Về đội ta có mặt cầu thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, Dương Văn Thà, Phạm Văn Lắm, Phạm Văn Mỹ… Đặc biệt là thủ môn Phạm Văn Rạng, với đôi tay lưỡng thủ vạn năng…
“…thủ môn Phạm Văn Rạng đã đi vào huyền thoại bắt bóng của đội tuyển khi vào năm 1958, trong trận đội tuyển Thanh Niên thi đấu giao hữu với Câu Lạc Bộ vô địch Thụy Điển. Đội bạn, vì đã bị dẫn trước tỷ số nên cố san bằng khung thành của đội tuyển Thanh Niên. Có một đường banh mà không ai mê túc cầu có thể quên được đó là khi trung phong đội bạn là Djupden đánh đầu quả da vào từ góc trái. Cả cầu trường im phăng phắc. Còn trung phong đội bạn giơ cao cánh tay chuẩn bị mừng bàn thắng thì bất ngờ… Phạm Văn Rạng đã búng ngược người như một con tôm, dùng tay đẩy bóng qua xà ngang cứu một bàn thua trông thấy…
“…Mũi tên vàng Thới Vinh bên cánh trái đang lao xuống… lao xuống… Quả da đã đi tới khung thành rồi. Ngôn đang lừa banh, qua rồi. Tam Lang đang đứng đợi bên trong, đưa banh. Tam Lang bỏ cho Đỗ Thới Vinh. Ngôn ở phía sau sẵn sàng “S… ú… t”…, cú sút như trái phá nhưng quả da đụng khung thành bật ra… Ta đã uổng một dịp thắng bằng vàng…
“…Chúng ta còn nhớ lại, tại Đông Nam Á vận hội năm 1959, đội tuyển túc cầu của ta đã đoạt huy chương vàng nhờ công của các tuyển thủ Đỗ Thới Vinh, Hải, Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Nhung và không thể thiếu thủ môn vàng Phạm Văn Rạng. Đội tuyển túc cầu xứ chùa Tháp phải chia tay với chức vô địch khi thua đội tuyển túc cầu Việt Nam với tỷ số 1-3. Chính tay thái tử Xiêm trao cho đội tuyển túc cầu Việt Nam chiếc cúp vàng vô địch...
“… Nào bây giờ ta trở lại trận đấu. Quả da đang ở trong chân của Tenkitút. Tenkitút tạt ngang cánh trái cho Mohamet Jali. Jali dẫn banh xuống nhưng bất ngờ, từ phía sau Tam Lang đã bắn ra như một mũi tên… Ô… số 8 của đội Do Thái là Baroak đã kịp thời lao đến cản đường banh của Tam Lang.
“…Tới trước khung thành rồi, Ngầu đang lừa banh, qua rồi, Há đứng đợi bên trong, đưa banh, Há bỏ cho Ngầu, Liêm ở phía sau sẵn sàng, cú sút như trái phá… nhưng quả da đụng khung thành bật ra…
“… Tam Lang lại được banh từ giữa sân, đưa dài lên, cú sút của Tư chéo góc… Dzô! Dzô! Dzô! tuyệt tác. Sân cỏ nổ tung!...
“… Rồi Đực, rồi Rạng với đường banh huê mỹ vặn chéo người cứu một bàn thua trông thấy khiến khán giả choáng váng…”.
Từ hồi còn rất nhỏ nhưng tôi đã yêu thích giọng tường thuật của Huyền Vũ, rồi mê đá những trái banh bằng nhựa trên sân xi măng hay trên đường nhựa, đến nay đầu gối vẫn đầy những vết thẹo kỷ niệm thời ấu thơ.

Vài giải thưởng quốc tế khác
Đến năm 1966, đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa lại đoạt cúp vàng Merdeka, tổ chức tại Mã Lai Á. Đội banh Việt Nam đã liên tiếp hạ Tân Gia Ba (5-0), Nhật (3-0), Mã Lai Á (5-2), Đài Loan (6-1) và thua Ấn Độ (0-1). Cuối cùng Việt Nam vào chung kết thắng Miến Điện (1-0).
Tại Đông Nam Á Vận Hội kỳ IV năm 1967, đội Việt Nam đoạt huy chương Bạc, khi thắng Lào (5-0), Thái Lan (5-0), nhưng thua Miến Điện (1-2) khi vào chung kết.
Năm 1973, tại Đông Nam Á Vận Hội ở Tân Gia Ba, đội tuyển Việt Nam lại dành huy chương bạc, sau khi vào chung kết lại thua Miến Điện khi trận đấu chỉ còn 8 phút thì kết thúc, với tỷ số 3-2.
Giải túc cầu Quốc Khánh
Những trận đấu quốc tế cuối cùng diễn ra trên sân cỏ Việt Nam Cộng Hòa đã bắt đầu từ ngày 1/11/1974 với bảy nước tham dự là Đài Loan, Nam Dương, Cam Bốt, Lào, Mã Lai Á, Thái Lan và Việt Nam.
Việt Nam đã thắng Thái Lan (3-2), thắng Lào (1-0), hòa với Đài Loan (1-1), thua Mã Lai Á trận đầu (1-5) nhưng thắng vòng loại (1-0).
Trận chung kết giữa hai đội Nam Dương và Việt Nam có sự hiện diện của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu diễn ra tại sân vận động Cộng Hòa vào ngày 10/11/1974.
Tôi còn nhớ sau nhiều tiếng đồng hồ sắp hàng mới mua được vé, ngay sau đó đã có người muốn mua lại với giá gấp chục lần, nhưng chúng tôi quyết định không bán, để vào xem trận đấu và ủng hộ đội nhà.
Mặc dầu là trận đấu kỷ niệm Quốc Khánh với trên 20 ngàn khán giả tham dự, nhưng không có cảnh cờ xí, hình tượng lãnh đạo, phô trương chính trị như ngày nay.
Chưa kể tinh thần không thiên vị khi đội bạn Nam Dương chơi hay vẫn được khán giả Việt Nam nhiệt tình ủng hộ.
Trước trận đấu nhiều người tin rằng đội Nam Dương sẽ thắng và sẽ đoạt huy chương vàng, biết vậy nên ngay từ hiệp đầu đội Việt Nam đã dùng chiến thuật tập trung tấn công nhờ vậy đã ghi được bàn thắng đầu tiên.
Bước sang hiệp nhì đội Nam Dương liên tục phản công, đội Việt Nam quay về thế phòng thủ, nhưng gần cuối trận đấu do sơ hở phía đội Nam Dương, Việt Nam ghi thêm một bàn thắng, nhiều khán giả mừng rỡ ôm nhau nước mắt chảy thành dòng.
Tôi nhớ hôm ấy cả hai đội đều chơi rất đẹp, nhưng có thể vì không phải sân nhà và thời tiết trở lạnh có thể không thích hợp với đội Nam Dương, nên về thể lực đội bạn không giữ được đến phút cuối.
Ngay sau đó là lễ phát thưởng do chính Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trao huy chương cho các đội, mọi người đều vui mừng ở lại sân dự lễ đến phút cuối và dư âm trận đấu vẫn còn cả tháng sau.

Cao trào túc cầu
Ở miền Nam hầu như mỗi tỉnh đều có một đội banh hằng năm đều tổ chức các giải Liên Quân Khu và giải Toàn quốc, thêm vào đó là các đội chuyên nghiệp vang bóng một thời như Quan Thuế, Không Quân, Hải Quân, Tổng Tham Mưu, Tổng Nha Cảnh Sát, Cảng Sài Gòn và Đội tuyển Quốc Gia.
Túc cầu đã trở thành cao trào tập luyện thể thao, giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần, khắp miền Nam gần như trường trung học, đơn vị quân đội, cơ quan, khu phố nào cũng có đội banh riêng.
Các cầu thủ Việt Nam đều là thần tượng của tôi, nên viết về người này mà không viết về người khác thì quả là thiếu sót, vả lại lâu rồi cũng không nhớ hết, nếu viết e rằng sẽ có những lầm lỗi đáng tiếc.

Đội banh lớp tôi
Nhưng tôi đặc biệt yêu quý cầu thủ Tam Lang, phần vì ông là chồng ca sĩ Bạch Tuyết người mà tôi yêu thích, ông còn là cựu học sinh trường Trương Vĩnh Ký và nhà ở ngay trong sân vận động Lam Sơn nơi đội banh lớp 6-9/4 và 10-12/B2 (1971-77) của chúng tôi thường xuyên tập luyện.
Sân Lam Sơn thuộc khuôn viên trường Trương Vĩnh Ký, một người bạn của chúng tôi là con trai của Bác coi trường có chìa khóa cửa sau thông ra sân vận động nên cứ rảnh là chúng tôi kéo nhau sang sân tập đá.
Đá xong chúng tôi lại kéo sang nhà Dũng mập cạnh bên sân uống nước, nghỉ ngơi, nói chuyện trên trời dưới đất, những ước mong thời tuổi trẻ.
Đội banh có Biền nhỏ con nhất lớp, nhưng nhanh nhẹn, đá banh thì phải nói tuyệt vời, tôi nhớ có một lần đá với một lớp lớn hơn, đội chúng tôi thắng 12-0, riêng Biền đã ghi 10 bàn thắng.
Chúng tôi kháo nhau Biền dân Bến Tre nên từ nhỏ lấy dừa khô thay banh để đá, nhà Biền may banh da nên chúng tôi thường đến để đặt mua banh, Ba của Biền chỉ lấy giá tượng trưng, mấy chục năm nay không gặp lại Biền không biết giờ ra sao.
Ngoài Biền ra các bạn khác như Dũng mập, Việt Hùng, Hùng Đô, Văn Hùng, Hiệp, Lợi Nhi, Ân, Tuấn, Hồng, Phương, Lỳ, Hồng Hoàng Thượng, Minh, Chánh, Oánh, Huệ và nhiều bạn khác.
So với các bạn tôi nhỏ con, chạy không nhanh, nói chung là đá dở hơn các bạn, thường giữ vị trí hậu duệ, nên thủ môn Huệ luôn miệng réo tên tôi khi banh đến sát khung thành và cuộc đời tôi chưa một lần ghi bàn thắng.
Đôi khi, chúng tôi lên sân vận động Tao Đàn để đấu giao hữu với các trường trung học khác tại Sài Gòn, hay các lớp khác ở chung trường Trương Vĩnh Ký.
Khi ra trường mỗi đứa mỗi nơi, sau hơn 40 năm đứa còn đứa mất cứ nhớ đến đá banh là nhớ đến các bạn, nhớ đến tuổi thanh niên ở miền Nam vùng đất tự do.
Túc cầu dạy cho tôi tinh thần đồng đội, đã chơi phải chơi hết mình, chơi đẹp, chơi đúng luật để giữ tiếng, chơi toàn đội, biết rõ vai trò của mình trong đội banh, còn thắng thua là chuyện bình thường, thắng không kiêu thua không nản.
Tinh thần túc cầu học hỏi được từ Huyền Vũ, từ các cầu thủ Việt Nam Cộng Hòa và từ các bạn bè cùng lớp đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống nơi đất khách quê người, bởi vậy cứ mỗi lần nghĩ đến túc cầu Việt Nam Cộng Hòa tôi lại nhớ đến một thời đầy thương đầy nhớ.
3/7/2021
Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi


Đăng ngày 16 tháng 07.2021