banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Đập thủy điện Sekong A

đối với sự sống còn của dân tộc Việt

Lưu Vĩnh Lữ

Tháng 2/2023, không ảnh phát hiện một Đập Thủy Điện đang xây cất trên sông SEKONG, Hạ Lào .
Đập Thủy Điện này một khi hoàn thành sẻ vô cùng tai hại cho Dân Việt sống Miền Đồng Bằng Sông Cửu, vì sông SEKONG là dòng nhánh lớn cuối cùng của sông MEKONG, thủy đạo duy nhứt đưa phù sa bồi đắp tạo Miền Nam và nuôi dưỡng CÁ cho cả 2 quốc gia: Việt Nam và Cao Miên.

Sông Sekong trong hệ thống sông Mekong
Sông Sekong có các phụ lưu bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở biên giới Bắc Trung Bộ Việt Nam – Nam Lào, chảy về phía tây và tây nam qua các tỉnh Sekong, Attapeu ở Nam Lào, Stung Treng ở Đông Bắc Campuchia rồi đổ vào sông Mekong gần thị xã Stung Treng.
Hiện trên hệ thống sông Sekong có các công trình thủy điện sau đã và đang được xây dựng:
Thủy điện A Lưới công suất lắp máy 170 MW, hoàn thành tháng 6/2012, xây dựng ở thượng nguồn dòng Sê Asap (hay sông A Sáp) huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam .
Thủy điện Xekaman 1 có tổng công suất lắp máy 322 MW, năm 2016 đang thi công, xây dựng trên dòng Sê Kaman, tại huyện Muang Sanxai, tỉnh Attapeu, CHDCND Lào.
Thủy điện Xekaman 3 công suất lắp máy 250 MW, hoàn thành năm 2013, xây dựng trên dòng Nam Pagnou, nhánh chính của Sê Kaman,
Thủy điện Xe Namnoy 1 công suất lắp máy 14.8 MW, xây dựng trên dòng Xe Namnoy tại bản Pengphukham muang Samakhixay tỉnh Attapeu
Thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy
Thủy điện Sekong 3
Thủy điện Houay Ho công suất lắp máy 150 MW, hoàn thành năm 1998, xây dựng trên dòng Houay Ho, tại muang Samakhixay tỉnh Attapeu.
Cho nên việc xây thêm một Đập Thủy Điện cũng không có gì đặc biệt, chỉ duy vị trí xây đập nầy RẤT QUAN TRỌNG.
Đập SEKONG A sẽ cắt hầu hết sự kết nối của Sekong với dòng chính Mekong, và vì vậy sẽ chặn đứng sự di cư của nhiều loài cá lên vùng sinh sản ở thượng nguồn; và ngăn phù sa chảy xuống miền Nam.

Tiến Sĩ Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Năng lượng, Nước và Bền vững tại Stimson Center, một think tank ở Washington DC, nhận định những tai hại do Đập Thủy Điện này gây ra, trong một phỏng vấn của Đài RFA hứng thú và đầy đủ, tóm lược những tai hại trực tiếp cho Việt Nam:

– Nguy cơ đối với an ninh lương thực
Sông Sekong là con sông dài nhất, rất gần với đồng bằng sông Cửu Long.
Con sông đó, phụ lưu đó, là “đường cao tốc” di chuyển quan trọng cho dòng di cư của cá. Hiện có nhiều cá đang di chuyển qua nhánh sông đó hơn trước đây, bởi vì hai nhánh sông dài khác của sông Mekong, ngay phía nam sông Sekong, đã bị chặn bởi đập hạ lưu sông Sesan 2 ở Campuchia.
Những con đập này không thiết kế bậc thang cho phép cá vượt qua một cách hiệu quả hoặc không có một hệ thống giúp cá di cư để cho phép cá đi qua đập đó. Vì vậy, loài cá trên sông Mekong đang điều chỉnh để thích nghi, và hiện chúng đang chọn sông Sekong để di cư và đẻ trứng.
Việc đóng cửa dòng sông này sẽ xóa bỏ khả năng lựa chọn cho việc di cư của cá. Cá thích di cư đến các nhánh sông hơn là dòng chính vì chúng có thể tiếp cận bãi đẻ trứng nhanh hơn, nên chúng cần đến các khu vực nông hơn để đẻ trứng.
Như vậy con đập này sẽ cắt đứt đường di chuyển ngược dòng của cá từ hồ đến bãi đẻ, cũng cắt đứt đường di chuyển của trứng cá về hạ lưu rồi về đồng bằng, đi đến các hồ nhỏ phía nam nơi chúng lớn lên thành cá hoặc chúng là thức ăn cho những loài khác.
Campuchia xuất khẩu cá sang Việt Nam. Việt Nam cũng xuất khẩu sang Campuchia. Có giao thương về cá và thực phẩm giữa hai nước. Điều đó quan trọng đối với an ninh lương thực của Campuchia hơn là an ninh lương thực của Việt Nam, vì người dân Campuchia dựa vào nghề cá để cung cấp lượng protein.
Cá nước ngọt được đánh bắt tự nhiên ngay từ hệ thống hồ và cung cấp cho người dân Campuchia 70% lượng protein hàng năm của họ.
Việc loại bỏ 10% hoặc 20% trong số 70% lượng protein đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng khả năng an toàn kinh tế của Campuchia.
Vì vậy, bản thân con đập có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực, từ đó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế và cuối cùng là dẫn đến vấn đề an ninh của toàn khu vực.
Đây là những hậu quả mà chúng ta đã lo lắng từ lâu.

– Đẩy nhanh tốc độ sụt lún ở ĐBSCL
Đồng bằng sông Cửu Long cần phù sa cho sản xuất nông nghiệp và cũng để giữ cho nó ổn định về mặt địa chất với tư cách là một khối đất.
Đồng bằng châu thổ này hình thành từ trầm tích mới được lắng đọng trên vùng đồng bằng ngập nước trong hai hoặc ba ngàn năm qua.
ĐBSCL thực ra còn rất trẻ. Nó không phải là một địa hình cũ. Nó chỉ khoảng 3.000 năm tuổi. Và nó được tạo ra hoàn toàn bởi sự lắng đọng trầm tích trên khắp vùng đồng bằng ngập nước. Vì vậy, việc cắt đứt dòng sông Sekong sẽ loại bỏ một huyết mạch vận chuyển phù sa quan trọng đến Đồng bằng sông Cửu Long, khiến nó trở thành một vùng đất rộng lớn kém động năng cũng như kém hiệu quả kinh tế hơn.
Không có phù sa, đồng bằng sẽ chìm nhanh hơn.
Mực nước biển dâng lên, đang lấn phần đất liền, đang lấy đất liền đi với tốc độ bằng vài sân bóng đá mỗi ngày.
Nước biển dâng là điều không phải do Việt Nam tạo ra, nhưng là vấn đề Việt Nam cần phải giải quyết. Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để bảo vệ ĐBSCL.

– Những nguy cơ về xã hội và an ninh quốc gia
Hơn 17 triệu người ( khoảng 20% dân số VN ) sống ở đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu vùng châu thổ này biến mất sẽ tác động sâu sắc đến Việt Nam và toàn khu vực Châu Á. Mặc dầu mực nước biển vẫn đang dâng lên, nhưng nó diễn ra rất chậm. Vì vậy, vùng đồng bằng sẽ không biến mất trong một sớm một chiều. Có rất nhiều thời gian để chuẩn bị và thích nghi với những gì sẽ xảy ra trong thế kỷ tới.
Nhưng chúng ta không nên làm cho mọi thứ tồi tệ hơn hiện tại, bằng cách để các công ty xây dựng đập ở những vị trí quan trọng và những con đập được thiết kế kém ở phần thượng nguồn.
Trớ trêu thay, tuy trên đất Lào nhưng Công Ty xây cất lại là một công ty Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long và cam kết trở thành một bên tham gia có trách nhiệm trong khu vực sông Mekong.
Vì vậy, hành động của một nhà đầu tư tư nhân VN không nên đi ngược lại cam kết và ưu tiên của chính phủ quốc gia.
Dự án này thực sự tồi tệ, đặc biệt là bây giờ, với bối cảnh hiện tại.

Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần xem xét tiến độ của con đập này, đặc biệt là xem xét tính pháp lý.
Bởi vì nếu các bên liên quan có thể nắm rõ được tình trạng pháp lý của con đập này, hiểu được quy trình và quá trình dẫn đến đến trạng thái hiện nay của con đập (đang được xây dựng vượt ngang qua sông Sekong), thì có thể làm cho con đập được xây dựng tốt hơn, bằng cách cải thiện khả năng hỗ trợ cá di cư, cải thiện thiết kế của đập. Đó là phương hướng nên làm nếu không thể dừng hoặc trì hoãn đập.
Hoặc có thể tìm một nơi khác để xây dựng một con đập có kích thước tương tự trên một nhánh của sông Sekong hoặc tìm một địa điểm có thể sản xuất 85 megawatt điện trên một phần của con sông nơi đã xây dựng các con đập khác. Bằng cách đó, chúng sẽ không ảnh hưởng đến con đường di cư của cá. Con đập ở vị trí khác thì vẫn có tác động đến trầm tích nhưng không tác động đến đường di cư của cá. Một giải pháp thay thế như vậy thực sự quan trọng để bảo vệ nghề cá của Campuchia và Việt Nam.
Tuy vậy, cũng có thể thay thế dự án thủy điện này mà không cần xây đập ở chỗ khác.
Năng lượng mặt trời quy mô rất khả thi ở khu vực Nam Lào và khả thi với hệ thống đường dây truyền tải. Nếu nguồn điện này được gửi đến hai khu công nghiệp ở miền Nam Việt Nam, các đường dây truyền tải có thể được liên kết với các nhà máy năng lượng mặt trời quy mô cũng như có thể dễ dàng liên kết với các đập.
Tiếp theo là một lựa chọn khác, đó là năng lượng mặt trời nổi. Có thể lắp đặt pin năng lượng mặt trời lớn trên mặt hồ chứa nước đã được xây dựng. Nó có thể dễ dàng đạt tới 85 megawatt, nguồn năng lượng mà đập thủy điện Sekong A tạo ra.

Đây là một vấn đề thực sự cấp bách. Hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng con sông sẽ sớm bị đóng cửa. Một khi nó bị đóng cửa, nó sẽ không thể mở lại được và có thể mất nhiều tháng nếu muốn mở. Và con đập này có khả năng hoàn tất, chặn dòng lưu thông Cá và Phù sa trong mùa khô này.
Theo RFA , chủ nhân đầu tư xây Đập này là Công Ty Hoàng Anh Gia Lai, VN. Nhưng TS Brian Eyler cho rằng vốn chủ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai đã được thanh lý và hiện tại nó thuộc sở hữu của một công ty khác khi Hoàng Anh Gia Lai được tái cấu trúc vài năm trước.
Theo tin tức trong Nước, thì hiện giờ là do một doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, Công ty Xây dựng Sông Đà 6.
Chính Phủ cộng sản độc tài đạo tặc cai trị Việt Nam nửa Thế Kỷ qua đã đem VN xuống tận cùng nghèo khổ, Ác với Dân, Hèn với giặc, bán Đất, dưng Đảo cho Tàu, giờ đây vì ham lợi riêng tư, sẽ đưa Đồng Bằng Sông Cửu đến chỗ điêu tàn.
Toàn Dân, nhứt là Dân Đồng Bằng Sông Cửu mạnh dạn vùng lên, đòi Cộng sản phải LẬP TỨC dừng ngay việc xây đập, bằng không thì trong tương lai, nước biển tràn vào, con cháu Quý vị phải đi tị nạn vì hết đất sống.
Lưu-Vĩnh-Lữ

https://www.facebook.com/azalea.nguyen.14

 

Đăng ngày 09 tháng 03.2023