Khẩn cấp! Tình yêu hạ cánh
Đào Hiếu
Phim CRASH LANDING ON YOU (Khẩn cấp! Tình yêu hạ cánh) là một phim truyền hình 16 tập của Hàn Quốc với chủ đề “Hòa giải và hòa hợp dân tộc giữa 2 miền Nam-Bắc”, một kiểu “phim tuyên truyền chính trị” nhưng không hề rẻ tiền, trái lại đây là một bộ phim hay gần như toàn diện, giá trị nghệ thuật đáng nể, đáng để cho điện ảnh Việt Nam học tập, học nữa, học mãi… mà chưa chắc đã bắt chước được đôi phần.
VỀ CHỦ ĐỀ “HÒA GIẢI DÂN TỘC”
Ngay cả chủ đề này dường như không có nhà làm phim Việt Nam nào dám nghĩ đến, đừng nói tới chuyện nghĩ ra một cốt chuyện để viết một kịch bản.
Sự xuất hiện những trại cải tạo, những chiến dịch đánh tư sản, đổi tiền liên miên, những chuyến vượt biển của hàng triệu người… đã để lại những hệ lụy to lớn và lâu dài cho xã hội bị chia cắt 20 năm với vết thương đang còn rỉ máu.
Về mặt hình thức thì Việt Nam đã thống nhất nhưng trên thực tế thì lối sống. lối suy nghĩ, cách xử sự… và nhất là “tình tự dân tộc”, sự đố kỵ, mặc cảm, sự thù hận do chết chóc, đau thương, đổ nát và tù tội… để lại, thì khó mà phai mờ. Đến nay, gần 50 năm thống nhất đất nước nhưng dân tộc Việt Nam vẫn chưa thể nào “nhất thống”.
Đó là bất hạnh lớn nhất không phải chỉ ở Việt Nam mà ở bất cứ quốc gia nào đã và đang bị chia cắt lâu dài.
Sự chia rẽ thì sâu sắc những cố gắng “hòa giải dân tộc” thì hời hợt, lẻ tẻ và đôi khi chỉ là hình thức: Cho hát vài trăm bản nhạc tình của một số nhạc sỹ miền Nam như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Trần Thiện Thanh… Cho tái bản một số tác phẩm văn học của các nhà văn Miền Nam như Sơn Nam, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Hoàng, thậm chí Võ Phiến… Cho một số diễn viên sân khấu cải lương, diễn viên điện ảnh hành nghề trở lại… cũng chỉ là để trang điểm cho chế độ một lớp “son phấn dân chủ” vì thực ra nội dung những vở diễn ấy, những phim truyện ấy chẳng những không làm mát lòng người dân Miền Nam mà còn chạm vào tự ái của một nửa dân tộc vốn quen sống tự do với những tiện nghi khá dễ chịu.
Gần như không có một vở diễn nào, một cuốn phim nào mang nội dung hòa giải và hòa hợp dân tộc được khán giả miền Nam yêu thích.
*
Nhưng Hàn Quốc thì khác
Họ chưa thống nhất nhưng họ đã có những bước đi thăm dò, xích lại gần nhau: lãnh tụ qua lại hội đàm với nhau, những World Cup, những thế vận hội Olympic… là những cố gắng đáng ghi nhận.
Trong lãnh vực điện ảnh, Hàn Quốc đã làm “công tác ấy” rất tốt.
Những cuốn phim với đề tài “hòa giải và hòa hợp dân tộc” như “Trò Chơi Con Mực” (Squid Game), “Khẩn Cấp! Tình yêu Hạ Cánh” (Crash landing on you)… là những tác phẩm tuyệt vời, là lời tỏ tình dịu dàng, ngọt ngào và tinh tế giữa nhân dân hai miền Nam Bắc Triều Tiên.
Nếu như Trò Chơi Con Mực phô bày những bi kịch xót lòng của sự chia cắt, có khả năng lay động tận gốc rễ tình tự dân tộc làm cho người ta phải ôm mặt khóc, thì phim Khẩn Cấp, Tình yêu Hạ Cánh là bản tình ca lãng mạn tuyệt vời của dân tộc Triều Tiên không gì có thể sánh kịp.
Tôi đã xem phim ấy đến ba lần và vô cùng thán phục những nhà làm phim Hàn Quốc. Họ viết kịch bản quá hay. Họ diễn xuất quá tuyệt vời: tinh tế trong từng lối diễn xuất, từng câu thoại. Họ chọn diễn viên tài sắc vẹn toàn. Đạo diễn phim tài năng, quay phim, dựng phim, âm thanh, ánh sáng… tất cả đều hoàn hảo.
Một tác phẩm điện ảnh giá trị như thế, Việt Nam chúng ta cho dù có cố gắng hết mình cũng chưa chắc đã theo kịp, nói chi tới việc trong đầu chúng ta, trong tâm tình chúng ta, trong nỗi sợ của chúng ta chưa hề có ý định làm một cuốn phim như thế, chưa đủ dũng cảm và tài năng để làm một cuốn phim như thế.
Đó là một trong những điều đáng xấu hổ nhất của nòi giống Việt Nam.
*
Nữ giám đốc một công ty thời trang lớn của Hàn Quốc: Yoon Se-ri (do Son Ye-jin thủ vai) trong một cuộc bay thể thao bằng dù lượn, đã bị một cơn lốc cuốn đi sang bên kia biên giới, lọt vào lãnh thổ Bắc Triều Tiên, treo toòng teng trên một nhánh cây trong rừng. Trong tình huống đó, cô gặp Ri Jeong-hyuk một sỹ quan biên phòng Bắc Triều Tiên (do Hyun Bin thủ vai).
Cô giám đốc tìm cách chạy trốn về phía Nam nhưng lại lọt vào một thị trấn biên giới phía Bắc.
Trước nguy cơ bị bắt, cô đành phải “tạm trú” trong nhà Đội biên phòng của đại úy Ri Jeong-Hyuk và các binh sỹ của anh này.
Nhưng sự có mặt bất thường của một người lạ đã làm cho viên thiếu tá an ninh để ý và bắt giữ. Đại úy Ri Jeong-hyuk đành phải nhận cô là hôn thê, và nói dối rằng cô là một điệp viên “phe ta” vừa từ Nam Hàn về.
Cô giám đốc Nam Hàn tìm mọi cách để trở về Hàn quốc nhưng đều thất bại.
Tuy vậy trong thời gian sống chung với Đội biên phòng của đại úy Ri Jeong-hyuk cùng mấy anh lính dưới quyền, họ đã nảy sinh tình cảm thân mật như một gia đình.
Cuối cùng, với sự giúp sức của các đồng đội, đại úy Ri Jeong-hyuk đã đưa được “hôn thê” về Hàn Quốc. Nhưng vì hai miền vẫn còn chia cắt nên đôi tình nhân Nam-Bắc ấy mỗi năm chỉ có thể hẹn nhau ở Thụy Sỹ.
Yoon Se-ri đến đó để nghe Ri Jeong-hyuk trình tấu piano trong một chương trình định kỳ hàng năm do công ty của cô tài trợ. Đoạn kết phim muốn nói “dù hai miền còn chia cắt nhưng họ vẫn yêu nhau và tìm nhau”.
Trong phim không hề có những cảnh, những tình huống hay lời thoại miệt thị Bắc Hàn hay ca ngợi Nam Hàn lộ liễu, thô thiển. Đôi khi có vài câu thoại kín đáo, vài tình huống nhẹ hàng tinh tế và rất tự nhiên về mức sống chênh lệch giữa hai miền. Sự chênh lệch ấy hầu như ai cũng thừa nhận.
Đó là tài năng và công lao của cả một tập thể: Người viết kịch bản Park Ji-eun, đạo diễn Lee Jung-hyo và các diễn viên chính như Son Ye-jin, Hyun Bin…
Họ tài năng, họ yêu nghề, nhưng trước hết họ yêu tổ quốc họ với tấm lòng thiết tha, đầy khát vọng về một Hàn Quốc thống nhất cả về lãnh thổ lẫn tình tự dân tộc.
Ngày 12/2/2023
Đào Hiếu
https://www.facebook.com/daohieuwriter
Đăng ngày 24 tháng 03.2023