banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Nghĩ gì về ngày 30 Tháng Tư ?

Song Chi phỏng vấn

 

Đã 48 năm trôi qua kể từ khi nền dân chủ non trẻ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và Việt Nam thống nhất trở thành một quốc gia độc tài toàn trị dưới sự cầm quyền của đảng cộng sản. Trái ngược với nước Đức, Đông Đức cộng sản chấm dứt tồn tại, nước Đức thống nhất trong một thể chế dân chủ tự do năm 1990 và ngày nay có thể nói gần như không người dân Đức nào phải băn khoăn về quá khứ, hiện tại hay con đường đi đến tương lai của đất nước, thì người Việt sau gần nửa thế kỷ vẫn có quá nhiều nỗi dằn vặt, quá nhiều câu hỏi phải đặt ra, quá nhiều vấn đề cần phải cùng nhau tiếp tục giải quyết vì một hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn.

Nhân dịp này, Diễn Đàn Thế Kỷ đã đặt ra một số câu hỏi cho các văn nghệ sĩ trí thức trong và ngoài nước là nhà văn Nguyễn Viện hiện đang sống ở Sài Gòn - Việt Nam, nhà văn, nhà báo Từ Thức ở Paris - Pháp và nhà văn Võ Thị Hảo ở Berlin - Đức.

----

SONG CHI:
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày 30/4/1975, cuộc chiến Việt Nam chấm dứt với sự chiến thắng của đảng Cộng sản và sự sụp đổ của chế độ VNCH. Nhìn lại, theo chị, bài học nào dân tộc Việt Nam có thể rút tỉa sau biến cố lịch sử này? (khi nói những bài học cho dân tộc Việt Nam, có nghĩa là cho cả phe thua cuộc lẫn phe thắng cuộc-tất nhiên, nếu họ nhận ra và thành tâm muốn học!).

Nhà văn NGUYỄN VIỆN:
Bài học không chỉ dành cho người thua cuộc, mà cả bên thắng cuộc cũng cần phải học bài học lịch sử đau thương này. Cho dẫu là chiến tranh hay hòa bình, dân tộc chúng ta, phe chúng ta, hay mỗi chúng ta đều cần phải chủ động nắm giữ nó. Không nắm giữ được nó, chỉ có nghĩa là chúng ta đánh thuê cho người khác. Và chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của chính mình.

Nhà báo, nhà văn TỪ THỨC:
Bài hoc quý giá nhất là không bao giờ trao vận mệnh của dân tộc cho một thế lực ngoại bang, dù là đồng minh. Một nước nhỏ, không thể chiến đấu một mình, nhưng tìm đồng minh, liên kết các lực lượng thân hữu không có nghĩa là trao hoàn toàn vận mệnh quốc gia cho người nước ngoài. Khi thời cuộc thay đổi, họ chỉ nghĩ tới tính toán nhất thời, quyền lợi của chính họ.
Bắc Việt gây một cuộc chiến tang thương khủng khiếp để đóng vai tiền đồn của Cộng sản quốc tế, nhưng sau chiến tranh, Trung Cộng chỉ có một mục tiêu là thôn tính Việt Nam.
Hoa kỳ, muốn biến miền Nam thành thành-trì của thế giới tự do, nhưng vì nhu cầu chính trị nội bộ, đã bỏ rơi miền Nam không thương tiếc.

Nhà văn VÕ THỊ HẢO:
Chế độ Cộng sản ngày nay tỏ ra rất có khả năng thích ứng với thời đại để tồn tại và nguy hiểm hơn những gì mà nhân loại có thể hình dung khi nó bắt đầu xuất hiện. Một nền dân chủ được Mỹ tạo dựng và hỗ trợ như VNCH thời đó dù có nhiều tính nhân văn nhưng nó lại quá mong manh và tan vỡ bởi chính những người đứng đầu nền dân chủ đó còn chưa đủ năng lực để tự tồn tại độc lập. Quan trọng là Mỹ chưa làm được điều đã làm với Nhật Bản và Tây Đức khi đặt một đường ray chắc chắn để cỗ xe thể chế ưu việt ấy có thể đi tới một cái đích tốt đẹp.


*Chúng ta có thể nhận ra những giá trị nào của VNCH đã không bị mất đi cho dù gần nửa thế kỷ trôi qua?

NGUYỄN VIỆN:
- Trước hết, phải nói đến giá trị về thể chế: một chế độ xã hội dân chủ phù hợp với thời đại, văn minh nhân loại.
- Một nền giáo dục nhân bản và khai phóng.
- Một nếp văn hóa hài hòa và vị tha, vừa truyền thống vừa hiện đại

TỪ THỨC:
Đó là những giá trị nhân bản. Mặc dầu là một nước có chiến tranh, chỉ trong 20 năm, VNCH đã đặt nền móng cho một xã hội có một nền văn hoá khai phóng, tự do, nhân phẩm con người được tôn trọng, các sinh hoạt văn hoá phá triển. Đó chưa phải là một chế độ dân chủ toàn hảo, nhưng tham vọng xây dựng một xã hội nhân bản là chuyện có thực
Lấy một thí dụ: giáo dục.
Giáo dục miền Nam hoàn toàn miễn phí, từ mẫu giáo tới đại học. Mục tiêu của giáo dục miền Nam không phải là nhồi sọ, nhưng được xác định là: phát tiển toàn diện mỗi cá nhân, phát triển tinh thần quốc gia, phát triển tinh thần dân chủ, tinh thần khoa học.
Về tinh thần quốc gia, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi người Pháp ra đi, các đại học đã được Viêt Nam hoá, dạy bằng Việt ngữ, kể cả những đại học khoa học, kỹ thuật. Nhiều nước cựu thuộc địa khác của Pháp tới ngày nay, dù thanh bình, vẫn chưa bỏ được tiếng Pháp

VÕ THỊ HẢO:
Thể chế VNCH được thiết lập và vận hành theo mô hình thể chế tại Mỹ. Nền kinh tế VNCH được đặt nền tảng trên thị trường tự do và những công ty tư nhân.
Thể chế này đã có tam quyền phân lập, đã thực sự có tự do ngôn luận. Báo chí thường xuyên chỉ trích, vạch tội, giễu cợt đích danh Tổng thống và quan chức mà không bị đàn áp. Quyền lập hội, biểu tình của công dân được thực thi.
Đặc biệt, VNCH đã thực hiện thành công việc cải cách điền địa bằng chương trình “người cày có ruộng”. Tá điền được làm chủ ruộng đất. Nông dân miền Bắc được chia ruộng đất cướp của địa chủ nhưng không lâu sau đó họ lại trắng tay bởi nhà nước đã thu lại ruộng đất đã chia cho họ, cũng như thu lại ruộng đất của mọi người bằng chế độ hợp tác xã và “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” gây bao đau thương và “ám sát” nền kinh tế... Tá điền ở VNCH thì không bị lừa dối. Nông dân đã được tạo điều kiện để thành những nhà hoạt động thương mại tự do trên những sản phẩm nông nghiệp của mình...

*Theo anh, chị tại sao đảng CSVN đến nay vẫn tại ?

NGUYỄN VIỆN:
Vì không ai có khả năng lật đổ nó. Đó là câu trả lời có thể chính xác và thực tế nhất.

TỪ THỨC:
Một phần vì người Việt đã quá mệt mỏi với chiến tranh, cả tinh thần lẫn thể xác, muốn nghỉ ngơi để làm ăn.
Một phần vì chế độ tiếp tục đàn áp dã man những người chống đối, suy nghĩ khác họ. Một phần, nhờ các công ty ngoại quốc đầu tư ồ ạt để khai thác nhân công rẻ, nhờ tiền của người Việt đổ về, tạo một nên kinh tế có bề ngoài phát triển, dù phát triển trong bất công, tham nhũng. Tóm lại, nhờ đàn áp, và nhồi sọ, chế độ đã tiêu diệt khả năng phẫn nộ của người dân, tạo một xã hội vô cảm, thờ ơ với những giá trị nhân bản, chấp nhận hy sinh tự do, hài lòng với những thú vui phù phiếm (Đọc thêm: "30/4. Tại sao, 47 năm sau, vẫn không có thay đổi ở Viêt Nam?" trong tuthuc-paris-blog.com )

VÕ THỊ HẢO:
Về vấn đề này cần có những công trình nghiên cứu lớn, dài hơi với những chuyên gia giỏi. Bạn muốn tôi lập một công trình nghiên cứu ngay trong cuộc phỏng vấn này ư? Không thể, vì thời lượng không cho phép.
Vậy tạm trả lời theo thiển ý của tôi thì:
Do họ có sự điều chỉnh, thích ứng mềm dẻo theo thời cuộc để giữ được quyền lợi của giai cấp thống trị trong khi biết tận dụng lợi thế toàn cầu hóa và thành tựu khoa học kỹ thuật dù chỉ ở mức giữ cho kinh tế Việt Nam chưa sụp đổ và đời sống người dân có cao hơn so với thời nạn đói năm 1945 và trước những năm 1995.
Do họ dựa vào sự “bảo kê” toàn diện của Trung quốc bằng cách nhượng bộ, “bán” chủ quyền Việt Nam (xem chi tiết các hiệp ước, các văn bản hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc...).
Họ khôn khéo tận dụng vị thế địa chính trị của mình để “đu dây”, nhiều khi “nói một đằng làm một nẻo” với những cường quốc dân chủ như Mỹ, Anh, Đức, Nhật...để đổi lấy bình an, thương mại và lợi nhuận.
Do họ tạo ra một giai tầng quan chức và “nhóm lợi ích” bám chặt lấy thể chế vì quyền lợi ngầm: được phép tham nhũng để giàu có vô độ khi họ là quan chức...
Vì thế, có cả triệu quan chức và người cùng quyền lợi với đám này hoàn toàn đồng thuận trong việc tàn nhẫn đàn áp bất đồng chính kiến và che giấu sự thật để nô lệ hóa người dân, phục vụ cho quyền lợi của giai tầng thống trị...


*Theo anh, chị, những sai lầm, tội ác và những di hại nào lớn nhất mà chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản lãnh đạo đã và đang gây ra cho VN ?:

NGUYỄN VIỆN:
Sai lầm lớn nhất của đảng Cộng sản Việt Nam là chọn lầm thể chế. Và vì thể chế sai lầm nên hệ quả của sai lầm ấy sẽ còn di hại lâu dài. Đặc biệt về sự tha hoá của con người

TỪ THỨC:
Những sai lầm của chế độ mang đến tai hoạ cho đất nước quá nhiều, kể không hết.
Khủng khiếp hơn nữa là những sai lầm đó không phải chỉ vì ngu dốt, nhưng nằm trong quốc sách, để bảo tồn chế độ, quyền lực Đảng, quyền lợi cá nhân của lãnh tụ, bất chấp tương lai của đất nước
Một vài thí dụ: mội trường bị tàn phá, sông biển bị đầu độc, tham nhũng và bất công khiến người dân chỉ nghĩ tới chuyện bỏ nước ra đi, dù để làm nô lệ ở nước ngoài.
Chích sách độc đoán, kiểm soát tư tưởng, không phải chỉ có hậu quả tai hại với những người chống đối, đã biến Việt Nam thành một quốc gia không có tín ngưỡng, chỉ có mê tín dị đoan, không có văn hoá, chỉ có tuyên truyền; không có giáo dục, chỉ có nhồi sọ.
Tóm lại, một thực thể không xứng đáng là một quốc gia.
Trong bất cứ một bảng xếp hạng nào về vi phạm nhân quyền, chà đạp tự do ngôn luận, tín ngưỡng, Việt Nam cũng đứng hàng đầu, bên cạnh Trung Cộng, Bắc Hàn hay những nước Phi Châu, Nam Mỹ lạc hậu, man rợ nhất (Đọc thêm: "Huxley, Orwell, Ionesco. Mô hình nào cho VN?" trong tuthuc-paris-blog.com )

VÕ THỊ HẢO:
Về điều này, có những nhân vật tầm cỡ thế giới nói hay hơn tôi và tôi xin dẫn lời của họ, vì dù số liệu khác nhau nhưng bản chất là giống nhau:
Ông George W. Bush, Tổng thống Hoa Kỳ. Ngày 12/6/2007, chủ tọa lễ khánh thành Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân cộng sản (Victims of Communism Memorial) tại Washington DC, trong diễn văn có đoạn: "… Từ nay, oan hồn của khoảng 100 triệu nạn nhân cộng sản, được những thế hệ hôm qua, hôm nay, và những thế hệ mai sau tưởng nhớ, vì chế độ cộng sản đã lấy đi mạng sống của khoảng 100 triệu đàn ông đàn bà và trẻ con vô tội".
Tác giả Stéphane Courtois, trong quyển "Livre Noir du Communisme" (Sách đen về chủ nghĩa cộng sản), có đoạn: "... Vượt trên mức độ tội ác cá nhân, các chế độ cộng sản củng cố quyền hành bằng cách nâng việc tàn sát quần chúng lên hàng chính sách cai trị... Sau đó, sự đàn áp thường ngày, sự kiểm duyệt mọi trao đổi tin tức, kiểm soát xuất nhập biên giới, trục xuất người ly khai... những ký ức về khủng bố tiếp tục đặt người dân trong tình trạng sợ hãi. Các quốc gia cộng sản đều trong qui luật này".
Ông Mikhail Gorbachev, Tổng bí thư cuối cùng của Đảng cộng sản Liên Xô, cũng là Chủ tịch cộng sản quốc tế: "Tôi đã bỏ hơn nửa cuộc đời đấu tranh cho lý tưởng cộng sản, nhưng ngày nay tôi phải đau buồn mà nói rằng, cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo"…(theo https://www.thongluan.blog/2021/06/toi-ac-cua-ang-cong-san-viet-nam-tu.html).


*Tại sao người ta có thể nói VNCH không phải là quá khứ mà là tương lai của Việt Nam?

NGUYỄN VIỆN:
Bởi vì VNCH là một mô hình xã hội được coi là hoàn chỉnh nhất cho đến thời điểm này của lịch sử con người. Một xã hội dân chủ tam quyền phân lập.

TỪ THỨC:
Ngày nay nhìn lại, người ta phải nhìn nhận VNCH đã đạt nhiều thành quả đáng ngạc nhiên, trên nhiều phương diện, xã hội, kinh tế, canh nông, văn hoá, giáo dục, chỉ trong 20 năm, mặc dù phải đương đầu với chiến tranh. Nhưng tất cả các chế độ, kể cả các chế độ dân chủ Tây Phương đang gặp khó khăn, đang tìm cách thích ứng với thời đại mới.
Vì vậy, khó nói tương lai thể chế Việt Nam sẽ như thế nào. Đó là điều người Việt phải suy nghĩ để dựng lại đất nước.
Một điều chắc chắn: muốn ra khỏi bóng tối, ra khỏi hiểm hoạ diệt vong, Việt Nam phải từ bỏ chế độ độc tài đảng trị. Phải coi tự do là mục đích, là phương tiện phát triển, quốc gia là tối thượng, nhân phẩm và quyền làm người là những giá trị không thể nhân nhượng. Không thể tưởng tượng ở thế kỷ 21, một đảng, một nhóm người, nhân danh một chủ nghĩa mà chính họ không tin tưởng nữa, có toàn quyền quyết định sinh mạng, vận mệnh của gần 100 triệu người.

VÕ THỊ HẢO:
Đó là nói về mặt mô hình thể chế. Việt Nam hiện đang là thể chế độc tài toàn trị. Có một ngày nó phải tuân theo quy luật tiến hóa tự nhiên để tiến đến thể chế đa nguyên dân chủ căn bản vẫn theo mô hình VNCH – kiểu Mỹ-  trước đây. Thể chế đó thực sự có tam quyền phân lập, tôn trọng nhân quyền và tự do ngôn luận. Tuy nhiên, thể chế đó sẽ được cải tiến để phù hợp với thời đại, bài trừ nạn tham nhũng mà trước đây VNCH chưa làm được...

*Anh Chị có nghĩ rằng chỉ trong vòng 10 năm nữa thôi nếu chế độ độc tài do đảng Cộng sản lãnh đạo vẫn tồn tại trong khi những người trực tiếp hoặc gián tiếp hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam, hiểu về chế độ VNCH không còn nữa, lúc đó lịch sử cho tới văn hóa của miền Nam sẽ bị xóa trắng?

NGUYỄN VIỆN:
Không, tôi cho rằng đảng Cộng sản cho dù có muốn cũng không thể xóa trắng điều gì khi nó đã trở thành lịch sử hay văn hóa, nhất là trong thời đại internet thông tin toàn cầu như hiện nay. Ngoài ra, chúng ta cũng đang chứng kiến sự quật khởi văn hóa tinh hoa của người Việt mà người Miền Nam đã gìn giữ được, bất chấp sự chuyên chính cộng sản.

TỪ THỨC:
Viết lại lịch sử là nghĩa vụ quan trọng hàng đầu của người Cộng Sản, theo bài học của Lenin: những điều dối trá lập đi lập lại ngàn lần sẽ trở thành sự thực. Ngày nay, đọc sách báo trong nước, vào Internet chỉ thấy lịch sử, nhất là lịch sử cận đại, dưới ngòi bút của cán bộ, của dư luận viên.
Xoá bỏ lịch sử, xoá bỏ quá khứ, xoá bỏ văn hoá cũ là phương pháp hữu hiệu nhất để đào tạo những thế hệ chỉ suy nghĩ như Đảng, chấp nhận để Đảng dẫn đường. Nếu những nhân chứng còn sống sót không viết lại sự thực, cả một thế hệ sẽ không biết gì về quá khứ của dân tộc. Một dân tộc không có quá khứ sẽ không có tương lai. Một thế hệ không biết gì về lịch sử dân tộc, kể cả lịch sử cận đại, sẽ không biết mình là ai, phải đi về đâu. Đó là mồi ngon của độc tài, đảng trị.

VÕ THỊ HẢO:
Khi những chứng nhân của lịch sử lần lượt qua đời, đương nhiên sự thực lịch sử sẽ phần nhiều bị quên lãng. Nỗ lực bóp méo lịch sử và nô lệ hóa cả trăm triệu dân của VN đương nhiên để lại những hậu quả rất lớn. Lịch sử luôn lặp đi lặp lại vòng xoáy ốc đó.
Mặc dù vậy, với năng lực và phương tiện ghi nhớ của thời đại này, không ai có thể xóa trắng. Sự thật đã và sẽ còn được lưu lại nhiều nơi, nhiều chiều trên thế giới, chẳng hạn như tại Mỹ, Đức, Pháp...Thế hệ sau sẽ tiếp tục tìm và nghiên cứu, ghi nhớ... Sau khi chiến tranh kết thúc 1975, chính mô thức thị trường và văn hóa đại chúng Sài gòn đã “đồng hóa“ trở lại người miền Bắc, đặc biệt là những người Bắc di cư vào Nam.

*Tại sao sau gần nửa thế kỷ, chính sách của nhà nước Cộng Sản đối với những gì thuộc về VNCH vẫn không thay đổi, vẫn tiếp tục bôi nhọ, miệt thị xã hội miền Nam trước 1975, vẫn hạn chế hoặc cấm đoán sách báo, tranh ảnh, âm nhạc miền Nam để lại, kể cả những tác phẩm phi chính trị? Điều đó nói lên điều gì, thưa anh, chị?

NGUYỄN VIỆN:
Bởi vì, họ là người chiến thắng và cần phải duy trì sự chiến thắng ấy.
Điều tôi muốn nói thêm:
Những người tự nhận là VNCH, đặc biệt là những người Việt tị nạn vì lý tưởng tự do phải làm gì khi Mỹ vẫn coi cuộc chiến tranh 1954-1975 là cuộc chiến của họ với người Cộng sản phía Bắc mà họ gọi là “Cuộc chiến tranh Việt Nam”. Cho đến nay mọi nỗ lực chữa lành lương tâm Mỹ trong mọi nghiên cứu, báo chí hay điện ảnh…của người Mỹ theo cách họ đang làm là một kiểu giẫm đạp một đồng minh đã ngã ngựa. Vai trò cũng như thân phận của người thua cuộc VNCH, một bên chính yếu của cuộc chiến tranh ấy bị Mỹ không coi là một thực thể pháp lý có chính nghĩa, đã tồn tại như một quốc gia, một dân tộc, một tiếng nói, một tư cách. Những người tị nạn Việt Nam trong điều kiện có thể đã làm gì để lấy lại danh dự của mình trong cái nhìn của đối phương cũng như của đồng minh và thế giới?

TỪ THỨC:
Nhiều người đau buồn, đặt câu hỏi tại sao nửa thế kỷ sau bên thắc cuộc vẫn chưa thực sự "nối vòng tay lớn", là cách hay nhất, duy nhất, để xây dựng lại đất nước.
Câu trả lời rất đơn giản, có vẻ ngớ ngẩn, nhưng là sự thực: bởi vì họ là người Cộng Sản. Vận mệnh đất nước không quan trọng bằng quyền lợi Đảng. Tô vẽ chiến công của mình, bôi nhọ đối phương, dù phải viết lại lịch sử, bóp méo sự thực, là một cách để giữ Đảng, để giữ lửa trong lòng đảng viên.
Xã hội trước mắt đồi bại, tham nhũng tràn lan, bất công khủng khiếp, khiến guồng máy media khổng lồ của đảng, đội quân dư luận viên, dù thuộc lòng bài bản tới đâu, cũng khó ca tụng nhà nước. Hiện tại không đẹp, người ta lôi quá khứ ra, vẽ vời thêm, để có chất liệu cho dân có lý do để hãnh diện, hãnh diện với quá khứ để quên thực tế trước mắt.

Tại sao phải nuôi dưỡng oán thù? Bởi vì oán thù là sinh tố của một chế độ độc tài. Mao Trạch Đông hiểu rằng một xã hội không oán thù, không bạo động sẽ khiến người dân thụ động, hết hăng say giữ đảng. Phải luôn luôn tạo những chiến dịch đẫm máu, hết Đại Nhẩy Vọt, tới Cải cách ruộng đất, hết chiến dịch thanh trừng tư bản tới Cách Mạng Văn Hoá. Phải luôn luôn có kẻ thù để những người trung kiên xả thân cứu đảng.

Tại sao phải cấm tất cả văn hoá miền Nam trước 75? Bởi vì đó là một văn hoá nhân bản, nếu tự do lưu hành, người dân có dịp so sánh, sẽ xa lánh văn hoá nhồi sọ. Không có gì nguy hiểm hơn cho một chế độ độc tài hơn là ảnh hưởng văn hoá. Không phải vô tình mà người ta đốt sách từ thời Tần Thuỷ Hoàng tới thời “bên thắng cuộc" chiếm miền Nam.
Nếu không viết lại, lịch sử sẽ trần truồng. Nếu không cấm đoán, dân sẽ bỏ rơi văn hoá nhà nước. Không tiếp tục miệt thị, nhục mạ con người và xã hội miền Nam trước 75, là một cách nhìn nhận đó là một xã hội tốt hơn xã hội Việt Nam hiện tại, nhìn nhận cuộc nội chiến là một lầm lẫn đẫm máu. Các chế độ độc tài không bao giờ nhìn nhận sai lầm. Lãnh tụ chỉ có thể có lý. Bằng bất cứ giá nào.
Phải xoá bỏ văn hoá miền Nam, ngôn ngữ miền Nam, nếp sống miền Nam, tóm lại, xoá bỏ quá khứ, bởi vì phải tạo một thế hệ mới, chỉ biết lịch sử Đảng, lịch sử quốc gia của Đảng, chỉ biết suy nghĩ, yêu thích, thù oán như Đảng

VÕ THỊ HẢO:
Bởi vì bản chất và hành vi của chế độ Cộng sản xây dựng cơ bản trên sự sợ hãi, thù địch, triệt hạ những người không đồng thuận với họ. Lịch sử cho thấy, đặc biệt là ở Trung Quốc và Việt Nam, Bắc Triều tiên,  khi tranh giành quyền lợi, họ đã tiêu diệt, vu oan cho những “khai quốc công thần” vốn là đồng chí của họ.


*Theo anh, chị chúng ta có hy vọng gì Việt Nam thoát khỏi chế độ Cộng sản và quỹ đạo Trung Cộng, dựa trên những yếu tố, dữ liệu chứ không phải bi quan hoặc lạc quan chung chung?

NGUYỄN VIỆN:
Chế độ Cộng sản thì người Việt Nam có thể thoát được do tự nó chuyển biến, chuyển hóa hoặc một cuộc lật đổ từ trên thượng tầng. Nhưng ảnh hưởng của Trung Cộng do yếu tố địa lý và văn hóa với Việt Nam vẫn sẽ là một định mệnh. Vấn đề chỉ là dân tộc Việt Nam có thể tự cường đến đâu để giảm thiểu sự ảnh hưởng đó.

TỪ THỨC:
Nếu nhìn hiện trạng Việt Nam ngày nay, từ lệ thuộc kinh tế tới lệ thuộc ngoại giao đối với Trung Cộng, chúng ta không thể không bi quan.
Nhìn xa hơn, có thể lạc quan hơn.
Thứ nhất bởi vì sau hàng ngàn năm bị Tàu đô hộ, Việt Nam vẫn giữ được bờ cõi. Thứ hai, nếu có một điều mà người Việt, bất chấp chính kiến vẫn đồng thuận với nhau, là tinh thần chống Tàu. Nhà nước thân Tàu, trong khi cả nước chống, tình trạng quái gở đó không thể tồn tại vĩnh viễn. Thứ ba, mặc dù Trung Cộng đang trở thành một trong hai cường quốc lớn nhất thế giới, nhưng đó là một tên khổng lồ có hai chân bằng bùn. Nội bộ gặp khó khăn kinh tế, bên ngoài gặp khó khăn ngoại giao, bởi vì ngày nay từ Hoa kỳ tới Âu Châu, và các nước láng giềng như Ấn độ, Nhật Bản v.v… đã ý thức và coi Trung cộng là kẻ thù.
Trong bối cảnh đó, nếu dân Việt Nam từ chối để một nhóm người  đặt vận mệnh đất nước trong tay Tàu, tình trạng có thể thay đổi, nhất là với những biến chuyển dồn đập trong vùng, đứng đầu là vấn đề Đài Loan.

VÕ THỊ HẢO:
Có hy vọng vì đó là quy luật tất yếu. Mặc dù vậy, xem thực tế, yếu tố và dữ liệu thì ngày đó còn xa. Cũng không loại trừ những yếu tố bất ngờ như sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa năm 1989-1991...trong khi ai cũng tưởng rằng đó là một phe đang rất hùng mạnh.

*Và câu hỏi cuối cùng xin gửi đến các anh, chị, đó là trong bối cảnh hiện tại, mỗi người chúng ta nên làm gì, và có thể làm gì cho đất nước?

NGUYỄN VIỆN:
Góp phần nhỏ bé của mình vào sự tự cường dân tộc không chỉ bằng sức mạnh vật chất, mà còn cần một tinh thần độc lập cá nhân từ trong tư duy đến hành động, hay cách hành xử của mình với cộng đồng, đặc biệt là với chế độ bằng một thái độ trung thực, thẳng thắn.  

TỪ THỨC:
Việc đầu tiên là bớt chia rẽ, đánh phá lẫn nhau.
Thứ hai, không nên nghĩ chuyện quá lớn, cá nhân mình không làm được gì, đành khoanh tay, bỏ cuộc. Đóng góp cho việc chung không nhất thiết cần phải là anh hùng, vĩ nhân. Một triệu người làm một việc nhỏ sẽ trở thành một thành công lớn. Hãy làm những việc ai cũng làm được, thí dụ giải thích cho lớp trẻ hiểu lịch sử cận đại, lịch sử bi đát mà chính mình đã sống.
Cuộc chiến hiện tại là một cuộc chiến văn hoá. Cộng Sản đã dựng cả một hàng ngũ văn nô, dư luận viên để bóp méo lịch sử, nguỵ trang sự thực, mỗi người trong chúng ta có thể làm ngược lại, mỗi ngày.
Nhìn xã hội, nhân tâm VN trước mắt, không thể không nản lòng, không thể không thở dài như Nguyễn Du: "đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh". Nhưng đừng quên tất cả các chế độ độc tài, từ Phát Xít Đức tới Nga Xô Viết, các hiện tương xã hội như apartheid ở Nam Phi, nữ quyền trên thế giới, chỉ cách đó ít ngày, người ta đều nghĩ sẽ không bao giờ thay đổi.
Cái đầu tiên phải làm là từ bỏ câu nhật tụng, được coi như cái túi khôn của người Việt: khó lắm, không làm được đâu ông ơi. Nếu tôi không làm được, người khác sẽ làm, nhưng tôi đóng góp đôi chút.
Nghĩ đến một biểu ngữ thời "cách mạng" Tháng Năm 1968 ở Pháp: "Hãy thực tế, hãy làm những chuyện không thể làm được".

VÕ THỊ HẢO:
Chế độ độc tài toàn trị của Việt Nam hiện tại gắn liền với Trung Quốc và Việt Nam mất chủ quyền thực sự vì nhà cầm quyền Việt Nam dựa vào nhà cầm quyền Trung Quốc để tồn tại và cai trị. Việt Nam chỉ có thể thoát Trung khi người Việt Nam xây dựng được chế độ dân chủ, nhân quyền, phát triển kinh tế và văn hóa thực sự. Mỗi người cần ý thức rõ điều này và hành động cho mục đích đó trong khả năng của mình.

*Xin chân thành cảm ơn các anh, chị.

Song Chi thực hiện

Diễn đàn Thế kỷ. 30/04/2023

https://www.tuthuc-paris-blog.com/post/ngh%C4%A9-g%C3%AC-v%E1%BB%81-ng%C3%A0y-30-th%C3%A1ng-t%C6%B0

 

 Đăng ngày 02 tháng 05.2023