banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Những "mùa xuân ả-rập" 5 năm sau

Nhữ Đình Hùng

Theo một bài viết của Bernard Lugan đăng trên bernardlugan.blogspot.fr, Tunisie hiện đang gặp phải những xáo trộn xã-hội, điều làm cho nhiều người dân xứ Tunisie luyến tiếc thời kỳ 'hạnh-phúc' dưới thời tổng-thống Ben Ali. Vào lúc đó, không có những người râu xồm (barbus) ở ngoài đường, không có những người đi vào bưng (marquis), đất nước được quản-trị, hàng năm có nhiều triệu người du-khách đem lợi nhuận đến cho nước này, đường xá sạch sẽ, vệ-sinh, không có cúp điện... Ngày nay, người dân xứ Tunisie có cái túi rỗng với cái bụng trống không, cái gọi là cách-mạng hoa lài ngày nào giờ đây giống như là 'hoa cúc' (ở tây phương, hoa cúc là thứ hoa chưng ngoài mồ mả trong dịp lễ người chết, ngay sau ngày lễ chư thánh/ghi chú thêm). Điều này không phải là điều dành riêng cho Tunisie, những nước ả-rập trải qua cuộc cách-mạng hoa lài (còn gọi là muà xuân ả-rập) đều gặp một tình-trạng tương tự, Ai-cập có khá hơn đôi chút còn Libye, Yémen thì tệ hại hơn nhiều, Syrie nếu không bằng thì cũng tệ hơn Libye!
Tunisie là quốc-gia đầu tiên có 'muà xuân ả rập', lúc đó còn gọi là 'cách mạng hoa lài'... Trong cuộc 'cách-mạng' này, quân-đội giữ vai-trò trung-lập, không tham-gia việc đàn áp những người biểu-tình, chỉ có lực lượng cảnh-sát làm công-việc này. Những người nổi dậy dưới sự điều động của nhóm huynh đệ hồi-giáo mà căn cứ chính của nhóm nằm tại...Londres. Những tin tức loan-báo về cuộc nổi dậy ở Tunisie, phần chính là do hãng thông tấn Al Jazeera loan đi và được các hãng thông-tấn tây phương lấy lại, đã mang tính-cách tuyên-truyền có lợi cho phe nổi dậy. Cùng lúc, như thể đã có sự đồng-thuận từ trước, các nước tây phương làm áp lực buộc ông Ben Ali phải từ chức. Sau những kháng cự ban đầu, chế-độ độc tài của Ben Ali đã sụp đổ ngày 14.01.2011, ông Ben Ali đã rời bỏ quyền hành đi tị nạn ở nước ngoài, lúc đầu định đến 'nước bạn' Pháp nhưng nước này từ chối không nhận, Ben Ali phải sang tá túc ở nước Arabie Saoudite; ông Ben Ali đã ra đi với một khối lượng vàng và tiền quan trọng! Chánh quyền cách mạng Tunisie được thành lập, nhóm huynh đệ hồi giáo nắm đa số. Chánh-quyền này bị nhiều sự chống đối của dân chúng, đến năm 2014 dân Tunisie đã bầu ra một vị tổng thống thuộc đảng chống-hồi-giáo. Đảng chống hồi-giáo Nidaa Tounès đã dẫn đầu trước đảng hồi-giáo Ennanda, nhưng nếu như phe hồi-giáo bị dân chúng loại qua cuộc bầu cử, tổng-thống 'chống hồi-giáo' được bầu ra Beji Caïd Essebsi. đã lập một chánh-quyền liên-kết với phe hồi-giáo, những người mà trước đây họ tuyên-bố chống lại! Cuộc hôn-nhân giữa sói và cừu này đã đưa đến tình-trạng bất-lực trong việc giải-quyết các khủng hoảng kinh-tế, xã-hội và dân Tunisie lại bắt đầu chống đối. Nhưng hình như các nước tây phương không nhận ra điều này nên một giải 'Nobel về hoà-bình' đã được trao cho bộ tứ gồm nghiệp-đoàn UGTT, nghiệp-đoàn chủ-nhân, liên-đoàn nhân-quyền và luật-sư-đoàn ở Tunisie; Đâu là ý nghĩa đích thực cho việc trao giải này? Tình-hình ở Tunisie vẫn có nhiều bất trắc, mang hình thức nổi loạn. Ngày 22.01, đã có ban-hành lệnh giới nghiêm tại nhiều vùng. Nếu so sánh với Libye, Syrie hay Yémen, Tunisie quả có khá hơn nhưng Tunisie vẫn chưa phải là kiểu mẫu thành công như giới truyền-thông dòng chính trình-bày. Giải Nobel về Hoà-bình dành cho bộ tứ ở Tunisie mang lại gì cho nước này? Tunisie, theo như nhiều bloggeurs 'là một nước dân chủ ở magreb với giải Nobel, phần còn lại thì tệ hơn thời kỳ ZABA (Zine el-Abidine Ben Ali).Theo triết-gia Mezri Haddad 'muà xuân ả-rập đã phá hoại nhiều hơn là xây dựng'. Và chưa kể Tunisie là nước đã 'xuất cảng' nhân-lực cho quân-khủng bố và dẫn đầu so với những nước khác! Mà khủng-bố cũng không chừa Tunisie: khủng-bố tấn-công viện bảo-tàng Bardo (Tunis) ngày 18.03, tấn-công khách-sạn Sousse ngày 26.06, tấn-công vào xe buýt của tổng-thống ngày 24.11 năm 2015... Điều này làm du-khách ngại không dám đến nước này, gây một thiệt-hại đáng kể về kinh-tế!
Giới truyền thông dòng chính đã trình-bày cuộc cách-mạng hoa lài ở Tunisie là cuộc cách-mạng của giới trẻ, của những xã hội dân-sự kết nối bằng twitter, facebook. Nhưng hãy nhìn lại những nhà lãnh đạo! Sau khi Ben Ali bị đẩy ra khỏi quyền lực, những người trẻ nào đã được đưa lên thay thế. Moncef Marzouki (71 tuổi), Rached Ghannouchi (75 tuổi) và nhất là tổng-thống hiện nay, Béji Caïd Essebsi (90 tuổi).
Hiến-pháp được phê chuẩn năm 2014 đã dành nhiều quyền tự-do cho công-dân và các quyền tự-do cá nhân, nhất là quyền tự do ngôn-luận. Tuy nhiên,tư-pháp của Tunisie vẫn còn tính-cách 'đàn áp' về mặt đạo đức và nhất là trong tình-trạng hiện nay, có những tấn công của Daesh. Và dưới cớ chông lại Daesh, đã có những vi-phạm đến quyền tự-do.
*Về phiá Ai Cập, cuộc cách mạng muà xuân ả rập ở nước này đã không mang đến một thay đổi nào đáng kể, ngoại trừ việc dưới áp lực của đường phố, tổng thống Ai-Cập Hosni Moubarak phải từ chức ngày 11.02.2011 sau 30 năm tại vị Tuy nhiên, ông này đã chuyển quyền cho hội-đồng tối-cao quân-lực.
Ngày 30.06.2012, ứng cử viên của Huynh-đệ Hồi-giáo, Mohamed Morsi đã đắc cử trong cuộc tuyển-cử tự-do, ông này sau đó đã để lộ ý định áp dụng luật hồi-giáo ở Ai-cập. Cựu tổng thống Hosni Moubarak đã bị kết án tù chung-thân vì đã để xảy ra những vụ đàn áp đẫm máu trong cuộc nổi dậy ở công trường Tahrir nhưng đã được để tự do có điều-kiện sau khi thống-chế Al-Sissi lên nắm quyền. Nhiều cuộc biểu-tình chống đối tổng-thống Morsiđã xảy ra và quân-đội đã đứng ra làm đảo chánh ngày 03.07.2013. Ngày 08.06.2014, thống-chế Al-Sissi, nguyên tổng trưởng quốc-phòng và là cựu giám-đốc tình-báo, được đắc cử vào chức vụ tổng-thống với 96% phiếu bầu. Tình hình của Ai-cập trở lại giống như thời Hosni Moubarak! Những cuộc thanh-trừng nội-bộ diễn ra nhằm loại khỏi hàng ngũ những thành phần theo nhóm huynh-đệ hồi-giáo ( cựu tổng thống Morsi đã bị kết án tử-hình và đang chờ xét lại) và những người chống đối chế độ,mở rộng sang cả những phong trào tả phái và cả những người thế-tục. Nhưng ông Al-Sissi đã không bị tây-phương lên án vì đã khéo léo đưa ra những miếng mồi để nhử qua việc mua khí giới để tăng cường khả năng phòng thủ như trường hợp mua phi-cơ Rafal và mua chiến hạm Mistral của Pháp (điều này cất gánh nặng cho Pháp về việc bán lại hai chiến hạm Mistral sau khi từ chối không chịu bàn giao cho Nga dù Nga đã thanh-toán hết tiền mua hai chiến-hạm này. Việc Ai cập mua hai chiến hạm này hẳn có sự 'bật đèn xanh' của Nga vì Pháp chỉ có thể bán nếu Nga đồng-ý. Mặt khác, bang-giao giữa Ai-cập và Nga đang được cải-thiện). Mặc dù vẫn còn những đàn áp nhân-quyền ở Ai-cập, tổng-thống Pháp Hollande đã sang thăm Ai-cập và tham dự lễ khánh-thành việc mở rộng một đoạn của kênh đào Suez.
Nếu hiểu nghĩa cách-mạng là một vòng xoay tròn thì quả đã có một cuộc cách mạng ở Ai-cập, từ chế độ Moubarak, nước này đã đi qua chế độ Morsi để tiến tới 'chế-độ Moubarak không có Moubarak'.

hình chụp 03.09.2014 cựu tổng thống Moubarak

Tình-hình an-ninh của Ai-cập cũng đáng quan-tâm: nước này cũng là nơi có những vụ tấn-công khủng-bố xảy ra như ngày 09.01 vừa qua, hai cảnh sát viên bị gieêt chết trong một vụ tấn-công khủng-bố ở tây Ai-cập, ngày trước đó đã có một vụ tấn-công khủng-bố ở một khách-sạn trên bờ biển Hồng hải. Daesh đã có hiện-diện trong vùng Sinai, gây sợ hãi cho du khách và từ đó làm giảm thiểu số du khách vào Ai-cập, tác-động đến tình-hình kinh-tế của nước này!
*Sau Ai-cập, nước kế tiếp bị cách mạng muà xuân ả rập lan đến là Libye. Tuy rằng nước này sống dưới chế độ độc tài của đại tá Khadhafi ( từ 1969), nước này là một quốc gia ổn-định, dân chúng có một mức sống khá cao. Libye cũng là nước cung cấp viện trợ cho hầu hết các nước ở Phi Châu. Khi cách mạng 'muà xuân ả rập' lan đến Libye, Kadhafi đã hứa sẽ dùng bạo lực đàn áp. Nhưng, qua các thông-tín của giới truyền-thông dòng chính, Kadhafi đã trở thành một tên bạo ngược và quốc tế đã quyết định trừng phạt về kinh-tế và can-thiệp để bảo-vệ thường dân, nhưng điều sau này đã bị kéo lệch hướng để trở thành can-thiệp quân-sự chống Kadhafi, điều đem đến việc ông này bị giết chết! Sau đó, Libye không còn là một quốc-gia toàn vẹn, Sau cuộc tuyển cử quốc hội năm 2012 sau khi quân nổi dậy chiếm được chánh-quyền, nước Libye đã vỡ ra thành nhiều phần giữa phe hồi giáo và những thành-phần nổi dậy khác. Hiện tại, Libye có hai chánh-phủ, một do phe hồi-giáo ở Tripoli, một thuộc phe 'cách-mạng' ở Tobrouk và được tây-phương công-nhận.
Trong tình- hình hỗn loạn đó, quân Daesh đã chiếm một số vị-trí để lập các trung-tâm huấn-luyện quân djihadistes, nhất là ở Syrte, cốt để chiếm các giếng dầu. Nhiều cuộc khủng bố cũng do Daesh thực hiện (trong số 37 vụ tấn công tự sát ở Libye, 27 vụ được coi là do Daesh thực-hiện).
Liên Âu, qua lời của trưởng ngành ngoại-giao Federica Mogherini, hứa sẽ giúp cho Libye ở mức 100 triệu euros để chống khủng bố 'ngay khi một chánh-quyền thống nhứt quốc-gia' được thành-lập. Đây đúng là lời hứa để mà hứa vì việc ngồi lại giữa các nhóm ở Libye là điều khó thực-hiện được!
Cũng có những tin tức nói đến việc các quốc gia tây phương sẽ can-thiêp quân-sự vào Libye để chấm dứt tình trạng hỗn-loạn ở nơi này. Kể từ sau khi chế-độ của Mouammar Kadhafi bị sụp đổ, nước Libye vốn là một tập-hợp các thi-tộc, đã chìm đắm vào một cuộc khủng hoảng chánh-trị và an-ninh chưa từng thấy; Chánh quyến 'trung ương', trên thực-tế có hai chánh-quyền chống lẫn nhau, không hoàn-toàn kiểm-soát được các địa phương, nơi mà các thị tộc và các dân binh chiến-đấu chống lẫn nhau và chống cả chánh quyền trung ương.
Các cuộc oanh-tạc của tây phương và của Nga nhắm vào Daesh ở Syrak và Syrie đã khiến nhóm này phải rút khỏi một số vùng ở Irak và Syrie, ngược lại, nhóm này đã đi vào Libye để tái tổ chức, tái huấn-luyện, và chiếm giữ những vùng dầu hoả xung quanh Syrte. Từ đó, đã có một luồng sóng tị nạn phát-xuất từ Libye tràn vào Âu Châu.
* Mùa xuân ả-rập tiếp tục lây lan sang những nước lân cận.Sau Libye, đến lượt Yémen. Mặc dù vị lãnh-đạo của nước này, tổng-thống Ali Abdallah Saleh đã cam kết không tái cử, ông vẫn bị các cuộc phản đối ở đường phố đẩy đến chỗ phải từ chức và bàn giao quyền hành lại chi vị phó tổng thống. Từ khi có những cuộc biểu tình chống lại sự nghèo đói và tham nhũng vào ngày 02.02.2011 cho đến lúc tổng thống Sali Abdallah Salrh từ chức, thời gian kéo dài trên một năm. Trong thời gian này, không những chỉ có sự chống đối giữa nhân-dân với chánh-quyền mà còn có cả sự chống đối võ trang giữa các thành-phần sắc-tộc giữa những người Yémen chiite và những người Yémen sunnite (theo chánh-quyền). Tuy rằng ông abd Rabbo Mansour được bầu làm tổng thống với 99,8% phiếu bầu vào tháng 02 năm 2012, tình hình vẫn tiếp tục bất ổn. Quân nổi dậy Houthis, một nhánh của hồi-giáo chiite đã tấn công vào thủ đô Saana và chiếm được trụ sở của chánh-quyền. Đầu năm 2015, tổng-thống Abd Rabbo Mansour phải rời khỏi Yémen. Một liên-minh quân-sự ả-rập gồm 9 nước được thành lập dưới sự lãnh-đạo của Arabie Saoudite vào tháng ba năm 2015, lực-lượng này mở cuộc tấn-công dữ dội quân nổi dậy, thành-phố cổ Sanaa, thủ đô của Yémen đã trở thành một nơi hoang tàng, đổ nát! Mặc dù cường độ chiến cuộc dữ dội ở Yémen đã khiến trên 1,6 triệu người phải đi tị nạn, giới truyền thông không nói đến nhiều mà chỉ chú tâm đến cuộc chiến ở Syrie.



Biếm-họa của hoạ sĩ Dilem (người nước Algérie) : Arabie Saoudite oanh tạc Yémen, hàng chục trẻ em trong số nạn nhân.
Lời phát biểu trong tranh: "đúng là việc làm của ả-rập"

Do việc liên-quân ả-rập dưới sự lãnh đạo của Arabie Saoudite đã trực tiếp can thiệp vào Yémen, cuộc nội-chiến ở Yémen trước đó đã đang trở thành cuộc chiến giữa hai chi-hệ hồi-giáo chiite và sunnite. Trong tình trạng hỗn-loạn đó, Al-Qaïda cũng như EI (Daesh) đã chiếm giữ một phần lãnh-thổ Yémen.
* Cùng lúc với Yémen, tình hình Bahrein cũng bị ảnh hưởng của mùa xuân ả-rập, cũng đã có những phản kháng kể từ 2011. Đa số dân Barein theo chiite nhưng chánh-quyền là sunnite. Nhiều người chiite bị bắt giữ, bị kết án tù chung thân, một số bị kết án tử hình, dưới tội danh 'khủng bố'. Ở Bahrein có căn cứ của đệ ngũ hạm đội của Mỹ.
*Trước khi có mùa xuân ả rập, Syrie là một quốc-gia, tuy dưới chế- độ độc-tài của Bachar al Assad, tình-hình khá ổn-định. Vào năm 2011, một phần dân chúng đã xuống đường, ba tháng sau cách mạng hoa lài', đòi hỏi có những cải tổ. Cũng như ở những nước có nổi dậy, chánh-quyền Syrie đã thẳng tay đàn áp.
Không như ở những nước Tunisie, Libye, Egypte,..., cuộc chiến ở Syrie đã kéo dài. Quân nổi dậy bao gồm nhiều thành phần, đa số là quân khủng bố như Front al-Nosra, những djihadistes thuộc EI và quân đội Syrie tự do (ASL) mà nay hầu như không còn nữa. Các nước tây phương yểm trợ lực lượng Syrie tư-do nhưng các vùng lãnh-thổ dưới quyền kiểm soát của ASL đã bị quân Daesh chiếm đóng. Liên quân tây phương tấn-công EI nhưng lãnh thổ của EI tiếp tục mở rộng..phải đợi đến khi Nga can-thiệp vào Syrie để cứu vãn chánh-quyền của al-Assad,lực lượng EI bắt đầu co cụm. Nhiều tin tức cáo buộc chế độ Damas trước đây đã xử dụng vũ khí hoá học, giờ đây bắt đầu tố cáo Daesh xử dụng vũ khí hoá học ở Irak, Syrie và có thể cả những nơi khác!
Tình hình Syrie liệu sẽ có một giải-pháp? Mỹ và Nga đã có những thoả-thuận, Syrie cũng đang mở rộng vùng kiểm soát, ASL (quân đội Syrie tự do) hầu như không còn thực lực, Daesh đang co cụm...Chỉ có Thổ, Arabie Saoudite và đằng sau là Do Thái, mong muốn vẽ lại bản đồ Trung Đông nhằm phục vụ lợi tức riêng tư.
*Kể từ năm năm qua, một luồng gió thay đổi đã tràn vào nhiều quốc-gia ả-rập, một vùng địa-lý, nơi có các sắc tộc, tôn giáo,kinh-tế, xã-hội khác nhau.Đã có năm nước chịu tác động mạnh mẽ của muà xuân ả rập, mười bảy nước còn lại đang thích ứng bằng những cải tổ đã và đang thực hiện; Nhưng vấn đề quan ngại là đang có tranh-chấp giữa chi-hệ hồi giáo chiite chịu ảnh hưởng của Iran và chi hệ sunnite do Arabie Saoudite lãnh đạo, sự tranh chấp này có cơ nguy trở thành chiến-tranh tôn-giáo ở bán-đảo ả-rập. Mặt khác, phạm vi hoạt động của Daesh không chỉ giới hạn ở Trung Đông, ngược lại, với hệ thống truyền-thông tân-tiến, đang lây lan trên toàn thế giới!

Nhữ Đình Hùng/tổng-hợp/19.02.2016

Nguồn:
http://www.lemonde.fr/proche-orient/article/2015/10/09/la-revolution-tunisienne-une-exception-dans-le-chaos-des-printemps-arabes_4786553_3218.html
http://www.lemonde.fr/international/article/2015/10/10/le-nobel-de-la-paix-honore-la-transition-democratique-tunisienne_4786890_3210.html



Đăng ngày 20 tháng 02.2016