Syrie: liệu sẽ có một giải pháp ?
Nhữ Đình Hùng
* Pháp và vấn-đề Syrie
Ngày 30-06-2015 vừa qua, các dân-biểu cuả ủy-ban quốc-phòng/Quốc-Hội Pháp đã được tổng-trưởng quốc-phòng Jean-Yves Le Drian thuyết-trình về các chiến-dịch đang diễn ra ở các nơi ngoài lãnh-thổ Pháp. Bản tường-trình cho thấy có rất ít tiến-triển, ngoại trừ việc Thổ-nhĩ-kỳ từ đây tham-chiến dưới sự điều động của liên-quân (Mỹ và một số nước Âu Châu thuộc khối OTAN) để chống lại Nhà Nước Hồi-Giáo (EI hay Daesh). Tuy nhiên, thái độ của Thổ-nhĩ-kỳ không rõ rệt, phần lớn các cuộc không kích nhắm vào các dân-binh Kurde thuộc lực-lượng PKK trong vùng bắc Irak hơn là nhắm vào EI. Điều dễ hiểu vì Thổ coi dân-quân của PKK là 'quân phiến-loạn'!.
Theo tường-trình của tổng-trưởng Le Drian, quân EI đã chịu nhiều tổn-thất nghiêm trọng kể từ khi có chiến-dịch không-kích, lúc đầu ở Irak và giờ sang cả Syrie, số quân của EI bị loại khỏi vòng chiến ước-lượng là mười ngàn người, tuy thế, lực-lượng của EI vẫn đáng kể nhờ có những 'chí- nguyện-quân' từ các nước ngoài đến, quân số của EI ( Daesh hay Nhà Nước Hồi Giáo) ước lượng lên đến từ 30.000 đến 40.000 trong số có khoảng 15.000 là người ngoại-quốc! Theo Le Drian, 'đạo quân khủng-bố' này được đặt dưới quyền điều khiển của một 'tướng tư lệnh' người tchétchène, Omar al-Chichani. Viên chỉ huy này từng phục-vụ trong quân-đội tchétchène trước khi đi theo EI vào khoảng năm 2010. Lực-lượng của EI còn có cả những quân lính đào ngũ của Irak, gồm những người sunnite bất mãn với chánh-quyền Irak hiện tại của al-Maliki và những binh lính thuộc chế độ Saddam Hussein trước đây. Trang-bị của EI khá quan-trọng nhờ các võ-khí tịch-thu được của binh lính Irak trước đây.
Tình-hình chánh-trị ở Irak khá phức-tạp vì chánh-quyền nằm trong tay người chiite trong khi đa số dân Irak thuộc sunnite, đa số các quốc-gia ả-rập trong vùng theo sunnite. Lực-lượng liên-hiệp quân-sự tây-phương đang có những nỗ-lực, hay đúng hơn là áp lực với chánh-quyền Irak, để hội-nhập những người sunnite vào lực-lượng an-ninh Irak (FSI = forces de sécurité irakiennes) nhưng chánh-quyền Irak gốc chiite coi đây là một âm-mưu nhằm lật đổ họ. Irak cũng như Syrie, có sự hậu thuẫn của Iran (cùng là người chiite). Về phiá bắc Irak, tình hình tạm ổn định nhờ việc người Kurde đã lấy lại được một vùng lãnh-thổ rộng khoảng 200 cây số vuông, tuy nhiên, khó có thể nói là Daesh đã bị hoàn toàn đẩy lui khỏi vùng bắc Irak. Mặt khác, biên-giới Irak và Syrie hầu như bị bỏ ngõ cho việc di-chuyển của quân Daesh.
Tình hình Irak gắn bó với tình hình Syrie, chỉ khi nào việc kiểm soát chặt chẽ biên-giới giữa hai nước được lập lại mới có thể nghĩ đến việc đẩy lùi và tận diệt quân Daesh. Hiện lưc lượng quân-đội Syrie tự do (ASL được coi là lực lượng nổi dậy ôn hoà) không đủ mạnh để chống Front al Nosra, nói chi đến việc chống Daesh, lực-lượng có khả năng chống Daesh là lực lượng của chế độ Damas của Bachar al Assad nhưng liên-hiệp quân-sự tây-phương nhất là Pháp đòi phải loại bỏ al Assad ( tổng thống Pháp Holland nói đến việc phải 'neutraliser" al Assad, thuật-ngữ 'neutraliser' có thể hiểu như việc loại-trừ ra khỏi mọi hoạt động chánh-trị và hiểu rộng ra, có nghĩa là triệt hạ! Tình-hình ở Syrie hiện nay hỗn loạn, có rất nhiều nhóm nổi dậy nói là để chống chánh-quyền al-Assad nhưng trên thực tế, các nhóm này cũng chống lẫn nhau, khó có thể phân biệt là họ chiến đấu cho ai hoặc chống ai, không một nhóm nào có đủ sức mạnh quân sự để thắng các nhóm khác nhưng cũng không thể chối cãi là lực lượng của Daesh và lực lượng của chế độ Damas là hai lực lượng chánh đối chọi nhau! Nhóm được tây phương tin tưởng nhất hiện nay là nhóm người Kurde (YPG, dân binh kurde ở Syrie), họ đã được Pháp cung cấp võ-khí và khó có thể nói điều này được Thổ nhìn với cặp mắt thiện-cảm.
Trong khi Mỹ có một thái độ không rõ ràng về vai trò của al-Assad, Pháp có một chủ-trương rõ rệt về việc này; đối với Paris, al-Assad không nằm trong giải pháp cho Syrie. Tổng-trưởng quốc-phòng Pháp 'nhắc rằng Bachar al Assad không chống lại nhóm này (ám chỉ Nhà Nước Hồi Giáo), điều này không thể không đặt nên vấn-đề' và 'chính al-Assad đã thả các tù nhân đã tạo ra Daesh'. Nhưng ông này không đả động gì đến người lãnh-đạo Daesh là một quân khủng-bố từng bị giam giữ ở Guatanamo và đã được chánh-quyền Mỹ phóng-thích! Dẫu sao, ông Le Drian cũng đã hé lộ một tin tức về đề nghị của Nga theo đó chánh-quyền chuyển-tiếp Syrie chống lại quân Daesh ở phiá tây trong khi lực-lượng liên-hợp tây phương chống quân Daesh ở phiá đông. Nhưng, lập trường của Pháp về chánh quyền chuyển tiếp cũng không rõ ràng vì theo như một quyết-nghị cũa HĐBA LHQ chánh-quyền chuyển tiếp này là một chánh quyền chuyển-tiếp qui-nhập, mà Pháp thì cứ khăng khăng loại-trừ al- Assad. 'Giải pháp chánh-trị là không có ông ta, không phải là không có các thành-phần alouite, kể cả chánh-quyền hiện nay' theo như Le Drian!
Về việc này, tổng-thống Pháp còn mơ hồ hơn. Sau khi tuyên bố cần phải 'trung-hoà' (neutraliser) ông al Assad, ông Holland lại tuyên-bố "vai trò của ông al-Assad sẽ được đặt ra vào lúc này hay lúc khác", điều có nghĩa là vấn-đề ông al-Assad không nhứt thiết phải đặt ra trong lúc này!
Hai tháng rưỡi sau khi ông Le Drian thuyết-trình trước ủy ban quốc-phòng của quốc-hội Pháp, đến lượt thủ-tướng Manuel Valls trần thuyết trước quốc hội trong một cuộc tranh luận không biểu-quyết vào ngày 15.09.2015. Đề tài thuyết-trình chính là việc thực-hiện các phi-vụ thám thính ở Syrie và việc xử-dụng không-lực trên lãnh-thổ Syrie. ông Valls cho biết không-lực Pháp đã thực-hiện các chuyến bay ngang qua không-phận Syrie kể từ ngày 08.09.2015, đây là những phi-vụ thám thính do Pháp quyết-định ở những khu-vực do Pháp chọn...Pháp sẽ lựa chọn một mình các mục-tiêu để sẽ tấn-công và nhấn mạnh các cuộc tấn-công có thể xảy ra sẽ không giúp củng cố chế-độ của ông Bachar al-Assad...Vẫn theo ông Valls, việc chống lại các nhóm khủng-bố và chống lại Daesh sẽ là một cuộc chiến dài, cần phải nhận-diện và định-vị rõ Daesh để có thể tấn-công trên lãnh-thổ Syrie và như thế hành xử quyền phòng-vệ chánh-đáng của chúng ta, bằng cách áp dụng Hiến Chương của LHQ. Căn cứ trên phát-biểu của thủ-tướng Manuel Valls, người ta có thể nghĩ Pháp sẽ không có những cuộc không tập trong những ngày sắp tới.
Ý-kiến chỉ dùng không-quân để thám thính và tấn-công không được phiá các dân biểu đối-lập chia xẻ. Christian Jacob, trưởng khối Cộng-Hoà (danh xưng mới của UMP trước đây) coi việc can-thiệp chỉ bằng không-lực, không có lực lượng dưới đất, không có ủy-nhiệm quốc-tế, không có việc vận-dụng các thế-lực lớn trong vùng không thể mang lại các lợi-ích chiến-lược lâu dài. Ông này coi là cần phải thoả-hiệp với Nga để có thể can-thiệp ở Syrie với một quyết-nghị của Hội-đồng bảo-an LHQ.
Cũng trong cuộc điều-trần trước quốc-hội Pháp ngày 15.09, ông Le Drian, tổng-trưởng quốc-phòng Pháp đã nói đến một sự 'tiến -triển rất quan-trọng' của Nhà Nước Hồi-Giáo tại Syrie.
Bản đồ cho thấy vùng do Nhà Nước Hồi Giáo kiểm soát (vùng đen), vùng bị Nhà Nước Hồi Giáo tấn-công (vùng nâu) và vùng yểm trợ (vùng nâu lợt)/ hình trên opex360.com
Ông Le Drian nói rằng 'nếu Daesh chiếm được thành phố Marea trong vùng Alep, cái người ta gọi là quân-đội Syrie tự-do, hay cái còn sót lại của nó, sẽ giảm tới chỗ triệt tiêu. Điều này là một thừa nhận sự bất lực của cái gọi là quân-đội syrie tự do trong việc chống Daesh. Người ta tự hỏi tại sao Pháp vẫn cố dành ưu thế cho lực lượng này trong việc thành lập một chánh-quyền chuyển-tiếp qui-nhập?
Ông Le Drian cũng xác nhận việc có hiện-diện của lực-lượng quân-sự Nga tại cảng Tartous và trong vùng Lattaquié và mong rằng sự dính líu của Nga trong việc 'an-ninh hoá' vùng duyên-hải Syrie sẽ không làm hỏng cơ may tiến tới một thoả hiệp chuyển-tiếp chánh-trị.
*Hội đồng Bảo an LHQ đồng thuận phê chuẩn một kế hoạch hoà bình cho Syrie
Hội-đồng Bảo-an LHQ trong ngày thứ hai 17 tháng 08 đã đạt đến sự đồng-thuận trong việc phê-chuẩn một kế-hoạch hoà-bình cho Syrie. Đây là lần đầu tiên kể từ hai năm qua, Nga đã bỏ phiếu thuận cùng với 14 thành-viên khác của HĐBALHQ. Đây cũng là một kế-hoạch chánh-trị cho Syrie đã được toàn thể các thành-viên của HĐBA chấp-nhận. Phụ tá đại-biểu thường-trực của Pháp tại LHQ, Alexis Lamek, đã đánh-giá sự đồng-thuận này là 'lịch-sử' và là 'một thông-điệp hổ-trợ cho tiến-trình chánh-trị ở Syrie'. Tuy nhiên, giữa Pháp và Nga đã có những quan-điểm dị-biệt về vai-trò của ông Bachar al-Assad.
Trong thông-cáo của HĐBA, cơ-quan này đã kêu gọi việc chấm dứt chiến-tranh bằng cách 'tung ra một tiến-trình chánh-trị hướng dẫn bởi Syrie về một sự chuyển-tiếp chánh-trị', thông qua việc thành-lập một giới lãnh-đạo đoàn chuyển-tiếp qui-nhập (transition inclusif) có toàn quyền, được thành-lập trên căn-bản tương thuận, và không làm gián-đoạn hoạt động của những định-chế chánh-quyền. Dự-liệu khởi sự vào tháng chín, sáng kiến này có thể lập ra bốn nhóm làm việc về các đề tài 'an-ninh và bảo-vệ', 'chống khủng-bố', 'vấn-đề chánh-trị và pháp-luật', 'tái thiết'.
Nếu như kế hoạch về hoà-bình cho Syrie do HĐBA/LHQ đề ra được sự hậu-thuẫn của Nga, một đồng-minh của al-Assad, một thân-hữu khác của Syrie là Venezuela, qua phát-biểu của Rafael Ramirez, đại sứ tại LHQ, đã bày tỏ sự dè dặt, coi đây là một tiền-lệ nguy-hiểm khi hổ-trợ cho sự chuyển-tiếp vì điều này vi-phạm quyền tự-quyết của nhân-dân Syrie. Tuy nhiên, quyết-nghị của HĐBA/LHQ cho thấy không có việc buộc ông Bachar al-Assad phải rời bỏ chánh-quyền trong việc thực hiện một chánh-quyền chuyển-tiếp qui nhập; việc ra đi của ông ta, nếu có, sẽ theo một tiến-trình được sắp xếp và không làm hủy diệt guồng máy chánh-quyền!
Thái-độ của Pháp trong việc giải-quyết khủng-hoảng ở Syrie rất cứng nhắc, đó là việc Bachar al-Assad phải ra đi! Không có việc dựa trên al-Assad để chống khủng-bố và điều này được ông Hollande, tổng-thống Pháp, xác-nhận lại vào ngày 25.08.2015. 'Vậy thì, chúng ta sẽ phải làm gì? Chúng ta phải làm giảm-thiểu áp-lực của khủng bố mà không duy-trì Assad, vì cả hai phe có phần dính líu và cùng lúc, chúng ta phải tìm một chuyển-tiếp chánh-trị ở Syrie. Đó là điều cần-thiết'. Đối với kế-hoạch hoà-bình cho Syrie do HĐBA đề ra, Hollande coi đây là 'một bước quan-trọng', nhất là đã có Nga dính vào và một cuộc đối thoại có thể mở ra. Nhưng, ông Hollande đòi ấn-định các điều-kiện và ông đưa ra ba điều là 'điều đầu tiên, phải trung-hoà (vô-hiệu-hoá) Bachar al Assad. Thứ nhì, phải đưa ra các bảo-đảm chặt chẽ cho tất cả mọi lực lượng đối lập ôn-hoà, nhất là người sunnite và người kurde và phải duy-trì các cơ cấu của nhà nước và sự thống-nhất của Syrie. Cuối cùng,điều kiện sau chót và có lẽ sẽ là điều kiện quyết-định, đưa mọi phe phái dính-líu vào giải-pháp. Tôi nghĩ đến các quốc gia vùng Vịnh và Iran'.
Những điều kiện đặt ra của ông Hollande cho thấy sự cứng nhắc trong chánh-sách của Pháp về Syrie. Cái gọi là lực lượng ôn-hoà trên thực tế, qua điều trần của Le Drian tại Quốc Hội Pháp, đã không còn là một thế-lực đáng-kể, và các lực lượng ôn-hoà này cũng là lực-lượng sunnite! Nhóm Kurde ở Syrie không chống lại al-Assad, kẻ thù chính của họ là Thổ Nhĩ Kỳ, với al Assad, Syrie là hậu phương của họ. Đó là chưa kể việc giải quyết vấn-đề Syrie không thể vắng mặt Nga. Nước này đã cho thấy ảnh hưởng của nó trong việc giải-quyết vấn-đề nguyên-tử của Iran.
Vai trò của Nga trong việc giải-quyết vấn đề Syrie cũng được chánh-giới Đức đề cao. Theo chủ-tịch đảng CSU (liên-hiệp Thiên-chuá Xã-Hội), Horst Seehofer, "người ta không thể giải-quyết tranh-chấp ở Syrie mà không có sự tham-dự của Nga và Vladimir Poutine".
Tuy nhiên, việc hiện-diện quân-sự Nga ở Syrie đã khiến nhiều nước tây-phương e ngại. Ngoại-trưởng Đức Frank-Walter Steibmeier đã lưu-ý Nga về điều 'đơn phương can-thiệp vào nội-tình Syrie'. Tổng thống Mỹ Obama cũng có những phát biểu trong chiều hướng này, coi ý-đồ Nga trong việc ủng-hộ Bachar al Assad sẽ đi vào thất-bại. Bộ ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ 'quan ngại về các hoạt-động dàn trải của Nga ở Syrie. Trước đó, Poutine đã cho biết việc tham dự quân-sự Nga trong các chiến-dịch ở Syrie chưa được đặt ra, phát ngôn-viên bộ ngoại-giao Nga, Maria Zakharova, cho biết là Nga chưa bao giờ chối bỏ việc giao vũ khí cho Damas để chống lại quân khủng bố. Về phần ngoại-trưởng Nga, Sergueï Lavrov,ông này nhắc rằng đã nhiều lần gởi tới 'liên quân tây phương' lời mời hợp tác với chánh-quyền Syrie, dưới hiệu-kỳ của HĐBA/LHQ, để chống lại quân djihadiste của Nhà Nước Hồi Giáo (EI hay Daesh). Ngoại-trưởng Mỹ Kerry vừa qua cũng cho biết ngoại trưởng Nga đã đề nghị với ông bằng điện thoại việc các giới chức quân-sự đôi bên thảo luận về tình hình Syrie
Ngoại trưởng Nga và ngoại trưởng Mỹ
Nói một cách tổng-quát, với kế-hoạch hoà bình cho Syrie do HĐBA/LHQ đề ra, Nga đã thành-công trong việc duy-trì al Bassad ở lại chánh-quyền. Về việc này, lập luận của Nga là họ không ủng-hộ cá nhân al Assad, họ ủng hộ tổng-thống dân cử của Syrie! Và chủ trương của Nga trước hết là tạo dựng một lực-lượng chống lại nhà nước Hồi-giáo, lực lượng này bao gồm các quân nhân thuộc chánh-quyền Syrie, chánh-quyền Irak và dân quân kurde. Nếu như Nga có thể thuyết phục các quốc gia ả rập Chiite, nước này có thể gặp khó khăn trong việc thuyết phục các quốc gia sunnite. Trong cuộc họp khoáng đại của LHQ vào cuối tháng chín này, Poutine sẽ tham dự và đề tài đưa ra chắn chắn có việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syrie. Và việc đặt các can-thiệp quân-sự dưới ủy mệnh LHQ, lần này có Nga và Trung Hoa tham dự, sẽ giúp tránh một tình trạng tương tự như Libye! Trước mắt, chưa có việc gặp gỡ giữa Poutine và Obama bên lề cuộc họp của đại hội đồng LHQ nhưng điều này có thể được nghĩ tới. Vả chăng, Obama có cuộc gặp gỡ với Xi Jinping trong dịp này. Ngoài vấn đề tranh chấp biển đông, vấn đề Trung Đông cũng có thể được nêu ra.
Nhữ Đình Hùng/tổng-hợp/18.09.2015
Nguồn:
http://fr.sputniknews.com/international/20150914/1018161202.html#ixzz3lzEkah8V
http://fr.sputniknews.com/international/20150913/1018135019.html#ixzz3lveKDjAN
http://www.assemblee-nationale.fr/14/cr-cdef/14-15/c1415073.asp
http://www.opex360.com/2015/09/16/m-le-drian-parle-dune-progression-tres-importante-de-letat-islamique-en-syrie/
http://www.opex360.com/2015/09/15/pas-de-frappes-francaises-en-syrie-plusieurs-semaines-selon-m-valls/
Đăng ngày 19 tháng 09.2015