Thỏa hiệp về chương trình nguyên tử của Iran
Nhữ Đình Hùng
Sau mười hai năm dài trừng phạt, đe dọa và thảo-luận, sáu cường-quốc gồm năm thành-viên thường-trực của HĐBA LHQ (Anh, Mỹ,Nga, Pháp, Trung-Hoa) và Đức (thường được gọi là nhóm 5 + 1) cùng với Iran đã đi đến một thoả-hiệp, vào ngày 14 tháng bảy 2015 tại Vienne, nhắm vào việc ngăn cản Iran có võ-khí nguyên-tử trong khi cho phép nước này tiếp tục các hoạt-động nguyên-tử dân-sự.Phản-ứng của những quốc-gia tây-phương và của một số nước trong vùng Trung-Đông không giống nhau, một số nước coi đây là một tiến-bộ lịch-sử, một số nước khác trong số có Do Thái coi đây là một 'sai lầm lịch-sử'
Chương-trình Nguyên-tử của Iran nhằm phục vụ mục-tiêu quân-sự ?
Đương-nhiên là Iran chối bai bải nhưng cách đây 13 năm, vào năm 2002, một người đối-kháng Iran đã cáo-buộc việc Iran có một chương-trình nguyên-tử nhằm mục-tiêu quân-sự. Đây là một chương-trình được giữ mật cho đến lúc đó bằng cách dấu diếm các hoạt-động của các điểm Natanz ( 'làm giàu chất uranium) và điểm Arak(lò phản-ứng nước nặng có khả năng sản-xuất chất plutonium dùng vào mục tiêu nguyên-tử).
Iran đã phê-chuẩn vào năm 1970 thoả-hiệp TNP ( thoa-hiệp không phổ-biến nguyên-tử), do đó, nước này có quyền làm giàu chất uranium cho các mục-tiêu dân-sự nhưng không được dùng vào việc thực-hiện một võ-khí nguyên-tử. Cho đến năm 2003, cơ quan quốc-tế nguyên-tử năng-lượng cuộc báo-cáo Iran không tôn-trọng các bó buộc liên-hệ với hiệp ước TNPn công-tác của các thanh-tra của cuộc bị ngăn trở...HĐBA đã liên-tục đưa ra các quyết-định trừng-phạt Iran ( tháng 12/2006, tháng ba/2007, tháng ba/2008, tháng sáu/2010). Mặt khác, cộng-đồng thế-giới thấy vấn-đề có thể giải-quyết qua đường lối ngoại-giao bằng việc thảo-luận với Iran, do đó có việc thành-lập nhóm 5+1 gồm năm thành viên thường-trực của HĐBA và Đức..
Trong lúc bị trừng-phạt kinh-tế, Iran vẫn tiếp-tục chương-trình nguyên-tử của họ, nói đó là chương-trình nguyên-tử dân-sự. Cùng lúc, Iran phát-triển nhiều loại vũ-khí, trong số có các hoả-tiễn đạn đạo. Các máy ly-tâm dùng trong việc làm giài chất uranium đã tăng nhanh chóng từ 160 máy ly-tâm năm 2003 đã tăng lên gần 20000 hiện nay và một điểm hoạt động mới vào năm 2009 đã được tìm thấy, nằm sâu trong vùng núi ở Fordo.
Trong thời gian thảo-luận, cơ quan 'quốc-tế nguyên-tử năng-lượng cuộc' (AIEA) đi đến kết-luận vào tháng 11.2011, nào là Iran có chương-trình nguyên-tử phục-vụ quân-sự, nào là Iran đã chế tạo được ngòi nổ EBW (Eploding Bridgewire), một thiết-bị cần thiết cho một vũ-khí nguyên-tử, đã được đưa ra thử để đáp ứng cho các đầu đạn của hoả-tiễn đạn đạo....
Trong khi đó, chương-trình nghiên-cứu nguyên-tử gọi là 'dân-sự' của Iran đã nhiều lần bị tấn-công khi thì bằng 'virus điện-toán Stuxnet' ( không rõ do Hoa-Kỳ qua chiến-dịch Olympic Games hay do đơn-vị 8200 của Do-Thái, hay do sự phối-hợp của cả hai), khi thì bằng ám-sát các khoa-học-gia người Iran có trách nhiệm về chương-trình nguyên-tử (người ta ngờ rằng do Mosad, cơ-quan tình-báo Do-Thái, thực-hiện), khi thì bằng phá-hoại các trung-tâm thí nghiệm nguyên-tử của Iran, nhiều nơi đã bị phát nổ một cách bí ẩn!
Do-Thái là quốc-gia cứng rắn nhất trong việc chống lại chương-trình nguyên-tử 'dân-sự' của Iran, đã đe dọa dùng đến-biện pháp quân-sự.
Các thương-thuyết giữa nhóm 5+1 và Iran đã tiến-triển rất chậm, cho đến ngày 24.11.2013, đôi bên ( nhóm 5+1 và Iran) đồng-ý một thoả-hiệp tạm (accord intérimaire) theo đó Iran ngưng một số hoạt-động của chương-trình nguyên-tử đổi lấy việc một số trừng phạt được ngưng. Cho đến ngày 02.05.2015, một thoả-hiệp giai-đoạn được đạt tới nhằm 'đóng khung' các hoạt động nguyên-tử của Iran trong thời hạn ít nhất 10 năm đổi lấy việc bỏ trừng phạt kinh tế. Dự trù một thoả hiệp chung cuộc sẽ được ký kết vào ngày 30.06, các nước tây phương đã đưa thêm một số yêu sách nhưng cuối cùng thoả hiệp cũng đã đạt được vào ngày 14.07 ở Vienne (Áo).
Những điểm chính trong thoả-hiệp
- Cho đến nay, thời gian dự liệu cho việc Iran có thể sản-xuất các chất liệu cần-thiết cho việc chế tạo một vũ khí nguyên tử là từ hai đến ba tháng. Nay thời hạn này được nâng lên ít nhất là một năm và điều-kiện này được duy-trì ít ra trong vòng 10 năm.
- Số lượng máy ly-tâm sẽ giảm từ 19.000 xuống còn 6.104 trong thời hạn 10 năm.
- Trữ lượng uranium của Iran được được làm giàu ít (dưới 3,37%) giảm từ 10.000 kg xuống 300kg trong vòng 15 năm.
- Iran không xây dựng thêm các điểm làm giàu nguyên-tử mới trong vòng 15 năm. Điểm nguyên-tử Fordo sẽ không còn được dùng để làm giàu nguyên-tử nhưng vẫn tiếp-tục hoạt-động.
- điểm nguyên-tử Natanz là điểm duy nhất của Iran để làm giàu nguyên-tử và chỉ xử dụng các máy ly tâm thuộc thế-hệ đầu.
- Lò phản-ứng nước nặng Arak sẽ được cải biến để không thể sản-xuất plutonium 239 có tính-cách quân-sự;
- các kiểm soát do quốc tế nguyên-tử năng lượng cuộc (AIEA) thực-hiện với thẩm-quyền mở rộng trên toàn ngành nguyên-tử của Iran, từ khai mỏ uranium cho đến việc làm giàu nguyên-tử. Các thanh-tra của AIEA có thể viếng các địa điểm quân-sự của Iran nếu có nghi ngờ về việc hoạt động nguyên-tử bất-hợp-pháp!
- Các trừng phạt của Mỹ và Âu Châu về kinh tế, tài chánh, vận tải sẽ được dần dần bỏ đi một khi AIEA ghi nhận Iran giữ đúng các cam kết
LHQ sẽ đưa ra một quyết-nghị để thừa-nhận thoả-hiệp ở Vienne và ấn-định các điều-kiện để hủy-bỏ các quyết-nghị trước đây liên-hệ đến chương-trình nguyên-tử Iran (HĐBA LHQ đã biểu quyết phê-chuẩn thoả-hiệp Vienne trong ngày thứ hai 20.07.2015. Về phiá Mỹ, hiệp-ước này cũng còn phải được Quốc-Hội phê-chuẩn.
- Các trừng-phạt liên-quan đến vũ-khí tiếp tục được duy trì trong năm năm nhưng HĐBA có thể có những 'du di' (dérogation); các trừng-phạt về hoả-tiễn đạn đạo được tiếp tục duy trì vô hạn định!
Điều ghi nhận trong thoả-hiệp này là không có việc bãi bỏ các trừng phạt kinh-tế ngay tức khắc đổi lấy các cam-kết của Iran. Các trừng phạt chỉ được bỏ dần dần tuỳ theo ghi nhận của AIEA về việc Iran thi hành nghiêm chỉnh các cam kết. Đó cũng là điều mà tổng-thống Mỹ Obama phát biểu ' Thoả-hiệp này không phải đặt căn-bản trên sự tin tưởng. Thoả-hiệp này đặt trên sự kiểm soát'. Nhưng liệu việc kiểm-soát có thể thực-hiện 100% ? Yukiya Amano, giám đốc AIEA trong ngày 02.03 năm nay đã cho biết AIEA không ở trong chừng mực bảo đảm một cách đáng tin việc không có chất-liệu và hoạt động nguyên-tử không được Iran thông-báo!
Các nước ký-kết thoả-hiệp Vienne có nhiều cách để trở lại việc trừng-phạt Iran. Theo như ngoại-trưởng Pháp, một trong các nước ký kết, nếu xét rằng Iran không chu toàn các cam-kết và nếu như không đưa được các giải-thích đáng tin,nước này có thể tạo ra một biểu-quyết ở HĐBA một dự án tái xác nhận việc bỏ các trừng phạt với Iran và sau đó bỏ phiếu phủ quyết, họ chắc chắn sẽ tái lập lại việc trừng phạt!
Thỏa-hiệp Vienne, nếu áp dụng đúng đắn, sẽ không cho phép Iran có bom nguyên-tử trong khoảng 15 năm tới. Nhưng sau đó? Những hạ tầng cơ sở có được trong khoảng thời gian này sẽ cho phép Iran thực hiện chương trình nguyên tử cho lãnh vực quân-sự. Nhưng họ cũng có thể thực hiện một cách bí mật, miễn là đừng để bị bắt!
Phản-ứng của các nước liên-hệ sau thoả-hiệp Vienne
Sau việc ký-kết thoả-hiệp về nguyên-tử của Iran, phản ứng chung của các nước là 'vui vẻ' trong số đó có Pháp Ngoại-trưởng Laurent Fabius nói thoả-hiệp này có thể được đánh giá là lịch-sử và là một thoả-hiệp vững chắc.
Về phiá Hoa-Kỳ, phấn lớn các dân-biểu cộng-hoà và một số ít các dân biểu dân-chủ đã coi thoả-hiệp Vienne là điều không thể chấp-nhận và họ sẽ làm đủ mọi cách để ngăn-chặn, như từ chối việc bãi bỏ việc trừng-phạt đối với Iran, điều này là một trong những điều kiện để đổi lấy sự cam-kết của Iran về việc giới hạn chương-trình nguyên-tử của họ. (Về việc này, tổng thống Obama có thể dùng quyền phủ quyết và để chống lại, quốc hội có thể làm một biều quyết mới với đa số 2/3 để thông qua dự luật. Như vậy, thoả-hiệp Vienne vẫn còn có những trở ngại về phiá Mỹ).
Theo John Boehner, chủ-tịch hạ-viện, 'thoả-hiệp này đem lại cho Iran hằng tỉ bằng cách giảm nhẹ các trừng phạt trong khi cho phép nó có thời gian và không-gian để đạt tới mức có khả năng sản xuất một bom nguyên-tử mà không cần gian lận... Thay vì ngưng việc làm tràn lan vũ khí nguyên-tử ở Trung-Đông, thoả-hiệp này sẽ tung ra một cuộc chạy đua võ-khí nguyên-tử trên thế-giới; Về phiá thượng nghị sĩ cộng-hoà Lindsey Graham, ông coi đây là một chặng đường nguy-hiểm và vô-trách-nhiệm nhất mà ông chưa từng thấy trong lịch-sử Trung-Đông.
Nếu như tổng-thống Hoa-Kỳ Barack Obama đánh giá 'thoả-hiệp này không đặt nền tảng trên sự tin tưởng. Nó được đặt trên sự kiểm chứng', thủ tướng Do-Thái Benjamin Netanyahu đã không có chút tin tưởng nào trong các sự kiểm-chứng. Hồi tháng ba năm nay, trước quốc-hội Hoa-Kỳ, ông Netanyahu đã tuyên-bố 'Iran đã nhiều lượt chứng tỏ người ta không thể tin tưởng nó và bởi thế, một nhân nhượng chính đầu tiên phải là một nguồn quan-ngại lớn; điều này sẽ để cho nó có một hạ-tầng cơ-sở nguyên-tử rộng lớn và để giám-sat việc này chỉ có những thanh-tra, sự nhương-bộ này tạo ra một nguy-hiểm thực-sự, đó là việc thấy Iran chế-tạo bom nguyên-tử bằng cách vi-phạm thoả-hiệp'.Sự lo-ngại của Do-Thái không phải là không chánh-đáng. Các thanh tra của AIEA có quyền thanh-tra các căn cứ quân-sự Iran, nhưng trong điều kiện nào, 'Trong trường hợp có nghi ngờ trên một điểm quân-sự của Iran, các thanh-tra của AIEA có thể đến trong một thời-hạn..24 ngày! Nếu Iran từ chối, năm trong số 8 thành viên ký thoả-ước sẽ đòi một cuộc điều tra trong khuôn khổ một ủy ban hỗn hợp tám nước mới được lập ra, Iran bắt buộc phải tuân-hành, theo như giải-thích của bà Sasan Rice, cố vấn an-ninh quốc-gia của tổng-thống Obama". Nhưng thời hạn 24 ngày quá dài, cho phép Iran 'thu dọn' địa điểm trước khi đón tiếp phái đoàn thanh-tra!
Về phiá ông Laurent Fabius, ông này cho biết nếu Iran không tuân-hành, một thủ-tục 'snap back' có thể xử dụng, đó là việc đưa dự án về quyết-nghị tái xác nhận thi hành việc bỏ cấm vận với Iran nhưng khi vấn đề đưa ra HĐBA thì nước đề nghị lại phủ quyết khiến lệnh cấm vận lại trở lại tình trạng có hiệu-lực, nhưng điều này chỉ có thể làm bởi các ủy viên thường trực trong hội đồng bảo an, nếu xét Nga và Trung Hoa sẽ không phủ quyết, điều này chỉ có thể do Anh, Mỹ hay Pháp thực-hiện!
Cho nên, trong khi các quốc-gia tây-phương coi thoả-hiệp Vienne là một 'tiến-bộ lịch-sử', Do-Thái đã đánh giá thoả-hiệp Vienne là 'một sai lầm lịch-sử'. Và Netanyahu đã đưa ra lời cảnh cáo 'chúng tôi đã cam-kết ngăn chặn việc Iran có võ-khí nguyên-tử và cam-kết này vẫn luôn luôn có hiệu-lực'.' Do-Thái không bị ràng buộc bởi thoả-hiệp này đối với Iran, vì Iran tiếp-tục muốn việc tàn phá chúng tôi. Chúng tôi biết cách tự đề phòng'
Các nước Ả-rập ở Trung-Đông, dù không tin tưởng mấy nơi Iran (nguyên émir xứ Qatar, Cheikh Hamad ben Khalifa Al Thani từng nói ' chỉ có thể tin được một trên một trăm điều họ nói', còn Abdallah bin Abdelaziz, cố vương của Arabie Saoudite, nói là 'người ta không thể tin nơi người Iran'),
đã tiếp-đón thoả-hiệp Vienne một cách ơ thờ, coi rằng điều này sẽ cho phép Iran dùng các tài-nguyên của họ cho việc phát-triển và cải-thiện đời sống của nhân-dân Iran thay vì gây ra các rối loạn đưa tới các phản-ứng quyết-định của những nước trong vùng'. Tuy nhiên, phản-ứng bề ngoài của những nước này rất ôn-hoà; theo thông-tấn-xã SPA, Arabie Saoudite bày tỏ mong muốn có bang giao tốt với Iran.' Vì rằng Iran là một nước láng-giềng, Arabie Saoudite hi vọng thiết-lập với nước này những bang-giao tốt-đẹp nhất trong mọi lãnh-vực trên căn bản láng-giềng tốt và không can-thiệp vào các vấn-đề nội-bộ.". Emirats arabes unis, một nước theo sunnite, cũng đã coi thoả-hiệp này là 'một cơ-hội để mở ra một trang mới trong bang-giao giữa những nước trong vùng Vịnh'. Về phiá Damas, tổng thống Bachar al Assad đã chào 'thắng-lợi lớn' của đồng-minh chiite Iran ( cuộc chiến ở Syrie và vai trò của Bachar al Assad có thể sẽ được giải-quyết sau thoả hiệp về nguyên-tử của Iran).
Về phiá Iran, chánh-phủ cũng như dân-chúng đã bày tỏ sự vui mừng trước thoả-hiệp đạt được ở Vienne. Tuy nhiên, trong ngày thứ bảy 18.07, giáo-chủ Ali Khameni cho biết mặc dù thoả-hiệp đã đạt được, Iran sẽ tiếp tục chánh-sách đối với Hoa Kỳ và duy trì sự hỗ-trợ với các nước bạn trong vùng là Irak và Syrie. Nhân dịp lể Aïd-El-Fitr, đánh dấu việc chấm dứt thời-kỳ Ramdan, giáo chủ Ali Khameni đã tuyên bố 'Chánh-sách của chúng ta sẽ không thay đổi đối với chánh-quyền hung hăng Mỹ...Chánh-sách của Hoa-Kỳ trong vùng đối đầu 180° đối với chánh-sách của Cộng-hoà hồi-giáo Iran..Chung ta đã nhiều lần lập lại là chúng ta sẽ không có một đối-thoại nào với Hoa-Kỳ về các vấn-đề quốc-tế, vùng hay song-phương.Một đôi khi, như trong trường-hợp nguyên-tử, chúng ta đã thương-thuyết với Hoa-Kỳ trên căn-bản quyền-lợi của chúng ta'.
Thoả-hiệp Vienne về chương-trình nguyên-tử của Iran cũng đã được HĐBA Liên Hiệp Quốc thông qua. Còn lại là chờ phiá Mỹ nếu Quốc Hội phê chuẩn thỉ hiệp ước này sẽ được thi-hành một cách tốt đẹp. Về phiá Pháp, nước được coi là có thái-độ chống đối Iran mạnh nhất, hai tuần sau khi thoả-hiệp Vienne được ký kết, ngày 29 tháng 07, ngoại trưở,g Pháp Laurent Fabius đã sang thăm Iran và đạt lời tổng thống Pháp Hollande mời tổng-thống Iran Hassan Rohani sang Pháp. Như thế, Iran ngày nay đã trở thành một nước 'có thể giao-thiệp được'. Đằng sau việc cải thiện bang-giao đã thấp thoáng các cải-thiện về trao đổi kinh-tế, thương-mãi. Sau hơn thập niên bị phong-toả kinh-tế, Iran cần có những phương-tiện để xây dựng lại hạ tầng cơ-sở và sẽ xuất cảng dầu, hơi đốt , điều sẽ dẫn đến việc làm giảm giá dầu hoả và hơi đốt trên thị trường quốc-tế. Nếu đối với Iran, việc xuất cảng dầu và hơi đốt sẽ đem lại một nguồn lợi tức phụ trội, việc giá dầu hoả giảm sẽ là điều đưa đến việc giảm sút lợi tức của những quốc-gia sản-xuất dầu trong vùng Vịnh. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc tài-trợ các phong-trào nổi dậy ở Trung-Đông.
Nhữ Đình Hùng/02.08.2015
Nguồn:
http://fr.sputniknews.com/international/20150717/1017077488.html#ixzz3gEJ7t4u0
http://www.opex360.com/2015/07/16/liran-aura-delai-de-24-jours-linspection-dun-site-suspecte-dabriter-des-activites-nucleaires/
http://www.lepoint.fr/monde/nucleaire-iranien-le-congres-americain-a-60-jours-pour-voter-l-accord-19-07-2015-1949911_24.php
http://www.elwatan.com/international/la-reponse-de-teheran-aux-monarchies-du-golfe-19-07-2015-299881_112.php
http://www.iris-france.org/61966-accord-sur-le-nucleaire-iranien-le-retour-de-teheran-sur-la-scene-geopolitique-au-moyen-orient/
http://www.lesechos.fr/journal20150722/lec1_idees_et_debats/021218955947-pourquoi-laccord-sur-le-nucleaire-iranien-est-un-progres-1138927.php
Đăng ngày 03 tháng 08.2015