Chiến thuật chia rẽ của Bắc Kinh có hiệu quả?

Quốc tế chỉ trích giọng điệu PR Trung Quốc của Tổng thống Macron

Tác giả: Steffen Munter

Biên dịch: Bảo Bình



Sau chuyến công du đến Trung Quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thể hiện một giọng điệu làm gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với một số nhà quan sát chính trị. Chính sách chia rẽ của Bắc Kinh dường như đang có tác dụng. Phải chăng liên minh phương Tây đang chịu áp lực?
Tỷ như những dòng mà nhà ngoại giao Norbert Röttgen thuộc Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc Giáo Đức (CDU) viết trên Twitter: “Ông Macron đã thành công xoay xở để biến chuyến đi tới Trung Quốc của mình thành một cuộc đảo chính PR cho ông Tập và một thảm họa chính sách ngoại giao cho châu Âu,” vị chủ tịch lâu năm của Ủy ban Ngoại giao Nghị viện Đức (Bundestag) này đã nói như vậy. Tổng thống Macron đang ngày càng tự cô lập mình ở châu Âu với “ý tưởng về chủ quyền” của ông, điều mà vị tổng thống này định nghĩa là xoay quanh khoảng cách hơn là quan hệ đối tác với Hoa Kỳ.
Nhưng chính xác thì Tổng thống Emmanuel Macron đã mang theo ý tưởng gì về từ Trung Quốc?

Tham vọng siêu cường của Tổng thống Macron
Ông Macron đã nói chuyện với các ký giả tháp tùng ông, bao gồm cả những người làm việc cho tờ tạp chí Mỹ Politico, trên chuyên cơ tổng thống trong chuyến bay trở về Pháp từ Trung Quốc và cả trong chuyến bay từ Bắc Kinh đến Quảng Châu.
Trong bối cảnh đó, tổng thống Pháp cũng đề cập đến lý thuyết của ông về “quyền tự chủ chiến lược của châu Âu” với tờ báo Mỹ thuộc nhà xuất bản Axel Springer này. Politico tin rằng ông Macron đang hình dung ra một tầm nhìn mà ở đó Pháp đóng vai trò hàng đầu như một “siêu cường thứ ba.”
Theo ông Macron, châu Âu sẽ phải giảm bớt sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ và tránh bị lôi kéo vào cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về vấn đề Đài Loan. Về phương diện này, ông Macron nói châu Âu đang “đang bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta.”

Chuyên gia về chính sách ngoại giao của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), ông Metin Hakverdi, đã cảnh báo chống lại quan điểm này trên tờ báo Đức Tagesspiegel, “Đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi Phương Tây để mình bị chia rẽ trong hành xử với Bắc Kinh.” Phương Tây, “tức là châu Âu và Hoa Kỳ”, phải luôn cố gắng cùng nhau hành động chống lại Trung Quốc và “không chia rẽ,” thành viên Bundestag phụng sự trong Ủy ban về Các vấn đề của Liên minh Âu Châu này cho biết, đề cập đến “bài học cay đắng” từ chiến tranh Ukraine. Ông Hakverdi nói, “Chúng ta cần một cách tiếp cận khôn ngoan đối với các quốc gia độc tài, trong đó có Trung Quốc, chứ không phải là phục tùng một cách ngây thơ.”

Búa rìu của Bắc Kinh chia rẽ châu Âu
Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã nói chuyện với ông Đinh Thọ Phạm (Ding Shu-fan), cựu giáo sư Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan (NCCU), vào hôm 04/04. Ông giải thích rằng định hướng chung của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là đặt châu Âu vào vị thế đối trọng với Hoa Kỳ. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà lãnh đạo của chế độ cộng sản này đã gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo châu Âu. Trung Quốc muốn khuyến khích châu Âu áp dụng quyền tự chủ chiến lược và không tham gia chiến lược bao vây ĐCSTQ của Hoa Kỳ.

Như Giáo sư Đinh giải thích, nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau thì mỗi quốc gia có một lập trường hoặc một mối bang giao khác nhau với Trung Quốc. ĐCSTQ sử dụng điều này để tạo ra một hình thức chia rẽ. Kết quả là, châu Âu với tư cách là một khối liên minh không thể đồng thuận cho một chính sách đối phó với Trung Quốc.
Như báo Mỹ Politico đã viết, ông Macron có quan điểm tương tự về Đài Loan như chủ tịch Ủy ban Âu Châu tại cuộc gặp ba bên với ông Tập và bà von der Leyen. Tuy nhiên, ông Macron sau đó đã dành 4 tiếng đồng hồ với ông Tập, chủ yếu tiếp xúc trước sự có mặt của các phiên dịch viên.

Bà Dovilė Šakalienė, một nghị viên người Lithuania, đã cáo buộc ông Macron “mù quáng về địa chính trị” và có những hành động “đi ngược lại lợi ích chiến lược của EU và NATO,” Financial Times đưa tin cho biết. Cũng theo bà Dovilė Šakalienė, nhiều quốc gia cộng sản cũ ở Đông Âu cảm thông với vị thế của Đài Loan. Họ nhận thấy sự tương đồng giữa các hành động của Bắc Kinh đối với Đài Loan và mối đe dọa của Nga đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Theo thông tin từ Financial Times, hai nhà ngoại giao cao cấp khác của EU cũng cho rằng những tuyên bố của ông Macron sẽ ảnh hưởng đến cả khối châu Âu cũng như mối bang giao của Ukraine với Hoa Kỳ. Những phát ngôn này cũng sẽ gây khó khăn hơn cho EU trong việc thể hiện một quan điểm thống nhất đối với Bắc Kinh. “Không ai được lợi gì, ngoại trừ ông Tập.”

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ: Có phải ông Macron đang lên tiếng thay cho châu Âu?
Sau khi quan điểm của ông Macron được công bố trên các hãng truyền thông, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) đã viết trên Twitter: “Chúng ta cần tìm hiểu xem liệu ông Emmanuel Macron có phải là đang lên tiếng thay cho châu Âu hay không. Sau cuộc họp kéo dài sáu giờ ở Trung Quốc, ông Macron nói với các phóng viên rằng, châu Âu nên tránh xa Mỹ và không tham gia vào việc ủng hộ Mỹ thay vì Trung Quốc khi nói đến Đài Loan.”

Sau sự náo động quốc tế do những tuyên bố của ông Macron gây ra, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Pháp tại Hoa Thịnh Đốn nói rằng những tuyên bố của ông Macron đã bị diễn giải quá mức: “Hoa Kỳ là đồng minh của chúng tôi, quốc gia mà chúng tôi chia sẻ các giá trị của mình,” nhà ngoại giao Pháp này bảo đảm, theo Süddeutsche.
Mặt khác, Politico giải thích ở cuối bản tin của mình rằng, văn phòng tổng thống Pháp đã duyệt lại các trích dẫn của ông Macron trước khi đăng tin. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể nói chuyện với ông Macron. Tuy nhiên, các biên tập viên của tờ báo này chỉ ra rằng “một số phần của cuộc phỏng vấn, trong đó tổng thống nói một cách cởi mở hơn về Đài Loan và quyền tự chủ chiến lược của châu Âu” “đã bị Điện Elysée biên tập.”

Đến thăm cùng một lúc với ông Macron, nhưng mang theo những lời chỉ trích trong hành lý của bà, Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cũng đã tới Trung Quốc. Ngược lại, ông Macron dẫn theo một phái đoàn doanh nghiệp lớn gồm 50 nhà quản lý hàng đầu. Theo Handelsblatt, ông Macron đã gửi đi một tín hiệu mà Bắc Kinh muốn thấy, đó là “business as usual” — hoặc kinh doanh bình thường như trước. Ông Macron từng là thành viên của Đảng Xã Hội ở Pháp trước khi thành lập Đảng Cộng hoà Tiến bước (LREM). Ngày nay, ông Macron là lãnh đạo danh dự của đảng này, vốn đã đổi tên tên thành Đảng Phục Hưng vào năm 2022.

15/04/2023
Do Steffen Munter thực hiện
Bảo Bình biên dịch

Epoch Times Tiếng Đức

 

Đăng ngày 19 tháng 04.2023