Báo cáo nhân quyền của VN: "ông nói gà, bà nói vịt"

Ngày 5/2/2014, nhà cầm quyền CSVN cho một thứ trưởng Ngoại Giao cầm đầu một phái đoàn gồm đại diện nhiều bộ ngành tới Hội Đồng Nhân Quyền LHQ trình bày bản báo cáo định kỳ 4 năm một lần. Đây là lần thứ hai nhà cầm quyền CSVN báo cáo định kỳ về thực hiện các khuyến nghị được nhiều nước yêu cầu thực hiện trong kỳ báo cáo đầu tiên vào năm 2009. Cuộc điều trần nhân quyền lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam được trở thành thành viên Hội Đồng Nhân Quyền LHQ ở khu vực Á Châu. Nhiều tổ chức, hội đoàn và cá nhân người Việt Trong trong và ngoài nước cũng như các tổ chức quốc tế đã hợp tác chặt chẽ với nhau, tố cáo chế độ Hà Nội là ngày càng vi phạm nhân quyền trầm trọng. Trước khi có buổi báo cáo của nhà cầm quyền CSVN, các phái đoàn người Việt Nam vừa kể đã tiếp xúc với các nước trong Hội Đồng Nhân Quyền và các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, đưa ra các chứng cớ cụ thể để chứng minh là nhà cầm quyền CSVN nói một đàng làm một nẻo.
Trong phần báo cáo UPR của nhà cầm quyền CSVN hôm Thứ Tư 5/2/2014, các giới chức của chế độ Hà Nội “thao thao bất tuyệt đọc một báo cáo khoảng 20 trang, tiếp tục khoe khoang về cái gọi là 'thành tích nhân quyền'.” Cũng vẫn là ''Ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là phát triển kinh tế-xã hội, kiện toàn hệ thống pháp luật, bảo vệ quyền con người và xây dựng nhà nước pháp quyền''. Có tới 107 nước có đại diện muốn phát biểu về báo cáo UPR của CSVN. Ngoài những lời phê bình và khuyến nghị có tính cách cò mồi hay thân hữu của một số nước được Hà Nội mua chuộc, nhiều quốc gia đã thẳng thắn đòi hỏi CSVN phải trả lại các quyền tự do căn bản thật sự cho người dân, hiện vẫn chỉ có trên giấy.
12 nước đã gửi các câu hỏi đòi đại diện của nhà cầm quyền CSVN trả lời, từ vấn đề án tử hình, quyền tự do nghiệp đoàn, đến sự cấm đoán hay hạn chế sử dụng tự do internet, các điều luật hình sự mơ hồ để bắt giam và bỏ tù người dân một cách tùy tiện, độc đoán.
Sau bản báo cáo của đại diện CSVN:
Đại diện Thụy Điển:  Tố cáo VN “tăng cường đàn áp, sách nhiễu nhằm vào những người sử dụng Facebook”... “Công an tăng cường dùng vũ lực đối với những người chỉ thực thi quyền tự do ngôn luận của họ một cách ôn hòa; và lạm dụng các điều luật mơ hồ để trấn áp”. Đòi CSVN phải “đảm bảo quyền tự do ngôn luận cả trên mạng và ngoài đời”; “sửa đổi Bộ luật Hình sự và bổ sung các điều luật liên quan theo hướng bảo vệ nhân quyền”; và “tiến tới giảm án tử hình”.
Đại diện Anh Quốc: “Lo ngại về sự hạn chế các quyền về tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do hội họp, và lo ngại về số án tử hình.”
Đại diện Hoa Kỳ:  “ Lo ngại vì Việt Nam vẫn tiếp tục sách nhiễu và bắt giam những người thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp; tiếp tục hạn chế tự do tôn giáo, sách nhiễu các nhà thờ, công đoàn độc lập, và thực hiện lao động cưỡng bức. ngăn chặn khối xã hội dân sự tham gia tiến trình UPR”. Dịp này vị đại diện Hoa Kỳ đòi chế độ Hà Nội “Xem xét lại tất cả các đạo luật mơ hồ”, “Trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm, đặc biệt là: Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày, và Trần Huỳnh Duy Thức...” và “Thúc đẩy quyền của người lao động, và khẩn trương ký phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn.”
Đại diện Đức: Đòi CSVN “trả tự do ngay cho những người dân đã bị bắt giam và kết án tù một cách tùy tiện”. Họ cũng đòi Hà Nội “Thực hiện nghiêm túc các quyền được quy định trong các công ước mà VN đã ký kết, đặc biệt quyền tự do biểu đạt trên Internet.”
Đại diện Phần Lan: Xin chúc mừng Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ và các nỗ lực cải thiện nhân quyền… Nhưng chúng tôi sẽ cảm ơn nếu các bạn nói rõ hơn tự do ngôn luận trên mạng được bảo đảm như thế nào. Chúng tôi cũng kiến nghị Việt Nam đảm bảo Nghị định 72 được thực hiện sao cho không hạn chế tự do cá nhân được bày tỏ chính kiến trên Internet.
Đại diện Canada phát biểu: Chính phủ Việt Nam đã từng chấp thuận khuyến nghị về Luật Tiếp cận Thông tin trong lần UPR 2009, vậy xin hỏi chính phủ Việt Nam bao giờ sẽ thông qua và ban hành Luật này? Đề nghị chính phủ VN thay đổi các điều luật 79, 88 và 258 và các điều khoản khác trong Bộ luật Hình sự để phù hợp với Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị. Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ chính phủ Việt Nam về mặt kỹ thuật để thực hiện những điều này.
Đại diện Cộng hòa Séc: Kiến nghị Việt Nam gỡ bỏ các điều khoản hạn chế quyền tự do lập hội và tự do ngôn luận. Chúng tôi cũng hy vọng chính phủ Việt Nam tiến hành các cải cách hướng tới nền dân chủ đa đảng.
Đại diện Lithuania: Quan ngại về việc chính phủ Việt Nam tiếp tục bắt giữ các blogger, nhà báo vì thể hiện quan điểm một cách ôn hòa ôn hòa. Lithuania đề nghị chính phủ VN đảm bảo quyền tự do hội họp và tự do ngôn luận của người dân.
Đại diện Nhật Bản: Ghi nhận các thành tựu về xóa đói giảm nghèo của chính phủ Việt Nam. Nhật khuyến nghị Việt Nam nghị mở rộng quyền tự ngôn luận, tự do bày tỏ, đồng thời Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ Việt Nam cải cách tư pháp, đào tạo nhân lực về pháp lý.
Đại diện Luxembourg: Khuyến nghị chính phủ Việt Nam đảm bảo quyền tự do thông tin, đặc biệt bảo vệ nhà báo và blogger cũng như những người bảo vệ nhân quyền.
Đại diện Ireland: Quan ngại về việc các công ty cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam đã theo dõi người sử dụng. Ireland khuyến nghị chính phủ Việt Nam đảm bảo các quyền tự do biểu đạt. Đề nghị tuân thủ nghiêm ngặt điều 19 Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị.
Đại diện Thái Lan: Hoan nghênh các nỗ lực cải thiện nhân quyền của Việt Nam. ''Chúng tôi ghi nhận việc thông qua hiến pháp mới theo hướng thúc đẩy nhân quyền. Chúng tôi đánh giá cao chương trình hành động vì trẻ em, tạo ra một môi trường tốt đẹp hơn cho trẻ em. Chúng tôi kiến nghị Việt Nam thiết lập một định chế bảo vệ nhân quyền quốc gia''.
Đại diện Trung Quốc: Ngỏ lời chúc mừng các kết quả mà VN 'đạt được trong lĩnh vực nhân quyền'. Trung Quốc ủng hộ sự lựa chọn độc lập của Việt Nam trong các vấn đề nhân quyền.
Đại diện Lào: Kiến nghị VN tiếp tục hợp tác với các cơ chế LHQ để 'đạt nhiều thành tựu hơn nữa về nhân quyền'.
Đại diện Cuba: Mong Việt Nam tiếp tục đảm bảo quyền con người để thực sự là một nhà nước của dân do dân và vì dân. Chúng tôi vẫn nhớ những lời của vị lãnh tụ vĩ đại Việt Nam, và những tình cảm gắn bó của chủ tịch Fidel Castro với nhân dân Việt Nam.
Đặc biệt, Đại diện Miến Điện: Nêu khuyến nghị yêu cầu chính phủ Việt Nam dân chủ hóa, tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của nhân dân. Có những biện pháp giúp đỡ các nhóm dễ tổn thương. Tăng cường giáo dục về nhân quyền cho người dân và các cơ quan nhà nước. Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội vào quá trình ra quyết định và hoạch định chính sách.
......
Đáp lại các lời cáo buộc, phái đoàn CSVN chỉ ngồi đọc những điều trong hiếp pháp và luật pháp của chế độ để khoe rằng các quyền tự do của ông dân được “bảo đảm”. Họ không trả lời trực tiếp và cụ thể đối với các lời tố cáo vi phạm nhân quyền. Có mặt tại hội trường, giám đốc tổ chức VOICE là luật sư Trịnh Hội bình luận: "Thiệt là lạ. Đại diện các bộ từ Việt Nam chắc toàn là superman và superwoman. Họ đã biết trước các nước sẽ hỏi gì vì ngay sau khi có câu hỏi là họ đã soạn sẵn ngay vài trang giấy chỉ trong vòng vài phút để trả lời. Tiếc là câu trả lời tràng giang đại hải chẳng ăn nhập gì đến câu hỏi!"
Giáo sư Pamela McElwee từ Đại học State University of New Jersey nói trên Twitter "Chính quyền VN đang bị các nước sỉ vả trước LHQ trong phiên UPR tổ chức 4 năm 1 lần này".

Nguồn: Internet