banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Một liên minh mới sẽ được lập ra ở Trung-Đông?

Nhữ Đình Hùng

Khi nói đến liên-minh ở Trung-Đông, người ta nghĩ ngay đến liên-minh giữa các quốc-gia Ả-rập, liên-minh giữa Mỹ và các quốc-gia ả rập như Arabie Saoudite, Qatar... cũng như liên-minh giữa các quốc-gia tây-phương thuộc khối OTAN để chống lại Nhà Nước Hồi Giáo (EI hay Daesh). Hiện nay, tình hình Trung Đông đang có một số biến chuyển trong đó có vấn-đề giải-quyết chiến-cuộc ở Syrie. Sau việc đảo-chánh hụt ở Thổ-nhĩ-kỳ, nước này đã thay đổi thái-độ, trở nên 'dễ chịu' đối với Nga và trở thành 'khó chịu' với khối OTAN và Mỹ. Một liên-minh Nga, Thổ, Iran có thể đang được lập ra và việc Trung-Hoa tham dự cũng là điều có thể. Một vài dấu hiệu mở đường cho phép người ta nghĩ như thế.

*Trước hết là sự hợp-tác giữa Iran và Nga trong 'lãnh-vực chống khủng-bố'. Téhéren có ý định dành cho Nga việc xử-dụng các hạ-tầng cơ-sở quân-sự! Gần đây, người ta được biết các oanh-tạc-cơ Nga đã xử dụng căn-cứ không-quân Hamadan của Iran để tấn-công quân khủng-bố Daesh và Front Fatah al-Cham ( tên mới của Front al-Nosra khi tổ-chức này tuyên-bố ra khỏi al Qaïda - không rõ đây là sự thực hay là một chiến-thuật để được coi là đối-lập ôn-hoà?) tại Syrie.
Theo tuyên-bố của tổng-trưởng quốc-phòng Nga, các oanh-tạc-cơ có tầm hoạt-động xa Tu-22M3 và oanh-tạc-cô chiến-thuật Su-34 đã cất cánh từ phi-trường Hamedan ngày 16.08 để tấn-công quân khủng-bố trong các vùng Alep, Deir Ezzor và Idleb, đã 'huỷ diệt' năm kho chưa vũ khí và đạn dược, các trại huấn-luyện và ba trung tâm điều-hợp.
Việc tấn-công này chỉ có thể thực hiện hoặc bằng cách bay qua vùng bắc Irak mà không-phận nơi đây được liên-quân tây-phương chống EI dưới sự lãnh-đạo của Hoa-kỳ kiểm-soát -điều này khó có thể xảy ra; hoặc bay qua phiá nam của Thổ-nhĩ-kỳ -điều này cần phải được Thổ-nhĩ-kỳ chấp-thuận trước- và điều này xem chừng đã được cho phép!
Về việc này, Hoa-kỳ coi đó là 'vi-phạm quyết-nghị của HĐBA LHQ và là một đe dọa cho sự hợp-tác giải-quyết tranh-chấp ở Syrie'. Wall Street Journal coi đây là một thất-bại của Washington trong nỗ-lực ngăn-chặn Nga và Iran thành-lập một liên-minh quân-sự. Washington Post coi đây là bằng chứng cho thấy tham-vọng mở rộng ảnh-hưởng của Nga ở Trung-Đông. Financial Times cho biết "đây là lần đầu-tiên Iran cho phép một nước khác xử-dụng lãnh-thổ họ làm căn-cứ để tấn-công một nước thứ ba hay để chống một nhóm đối lập ở nước ngoài".
Dĩ nhiên các bình luận này không nói đến việc Mỹ và liên quân chống khủng-bố cũng dùng các căn cứ ở nước ngoài (Jordanie, Thổ-nhĩ-kỳ,Irak) để tấn-công quân khủng-bố Ei ở Irak và Syrie.
Trong khi đó, các báo The Telegraph và The Independent nói việc dàn-trải không-lực Nga ở Téhéran như là bằng chứng việc Nga và Iran hỗ-trợ cho chế độ Bachar al Assad. Nhưng Nga và Iran đâu có chối bỏ việc này. Iran đã gởi các binh sĩ thuộc lực lượng bảo-vệ cách-mạng hồi-giáo sang Syrie và đã có một tướng lãnh tử trận ở Syrie! Trong khi đó, liên quân tây phương chống EI đã không chịu nói rõ các thành-phần đối lập gọi là 'ôn-hoà' nào được họ ủng hộ mà chỉ nói chung chung là 'đối lập ôn-hoà'. Trong số này có Front Fatah al-Cham gốc là Front al Nosra!

Oanh-tạc-cơ Nga tại Hamadan/ lấy trên màn ảnh youtube

*Từ giả-thiết việc oanh-tạc-cơ Nga xử-dụng đường bay ngang qua nam Thổ-nhĩ-kỳ khiến người ta nghĩ rằng giữa Nga và Thổ-nhĩ-kỳ đã có một hợp tác; theo một chuyên-gia phân-tích người Thổ, việc hợp tác trong khuôn khổ chống khủng-bố là điều thiết-yếu cho việc giải-quyết tranh-chấp ở Syrie.



Gặp gỡ ngày 09.08.2016 giữa Erdogan và Poutine tại Nga

Vào ngày thứ năm 11.08.2016, ngoại-trưởng Thổ-nhĩ-kỳ Mevlut Cavusoglu đã đưa ra lời tuyên-bố tại Ankara là Thổ sẵn sàng thảo-luận với Nga về việc hành-quân chung ở Syrie để chống lại nhóm khủng-bố Nhà Nước Hồi Giáo hay EI. Ông này nói 'chúng ta đều biết các thân binh của EI ở đâu.Chúng tôi luôn luôn kêu gọi có những nỗ-lực chung trong các chiến-dịch chống lại chúng' Ông Cavusoglu cũng cho biết không-lực Thổ-nhĩ-kỳ đã đóng phần tích-cực trong chiến-dịch chống Daesh trong khuổn khổ liên-quân quốc-tế...Sau việc đảo-chánh ở Thổ-nhĩ-kỳ bị thất-bại, liên-quân đã phải đối-phó với những vấn-đề về việc xử-dụng căn-cứ không-quân Incirlik, nhưng ngày nay, 'mọi sự đã được giải-quyết'. Căn cứ Incirlik có tồn-trữ vũ khí nguyên-tử của Hoa-Kỳ và có tin Hoa Kỳ đã dời các vũ-khí nguyên-tử này sang một nước khác!
Ngày 09.08, tổng-thống Nga và tổng-thống Thổ-nhĩ-kỳ đã gặp nhau ở Nga, đã cùng tuyên-bố sẵn sàng tái-lập hợp tác về mọi mặt. Mặc dù Thổ-nhĩ-kỳ là thành-viên của OTAN, tổng-thống Erdogan tuyên bố rằng Ankara sẵn sàng hợp-tác với Nga trong lãnh-vực quân-sự (Không biết điều này sẽ có đẩy Thổ-nhĩ-kỳ ra khỏi OTAN và ngăn chặn việc nước này xin vào Liên Âu hay không? Giữa Liên Âu và khối Âu Á do Nga lãnh đạo, Thổ-nhĩ-kỳ có thể lựa chọn!).
Theo Hasan Ali Karasar, Giáo Sư tại đại học Atilim ở Ankara, việc hợp tác quân-sự Nga Thổ nếu thành-công sẽ cho phép giải quyết cuộc khủng-hoảng Syrie. Vẫn theo Karasar, việc đóng cửa biên giới Thổ-Syrie nhằm ngăn cản việc thâm nhập xuyên biên-giới là một việc không phải dễ dàng tuy nhiên việc đi lại qua biên-giới sẽ khó khăn hơn nhiều so với trước đây (điều này cho phép người ta nghĩ việc để quân khủng bố có an-toàn khu trước đây trên lãnh thổ Thổ-nhĩ-kỳ); Karasar cũng nói rằng Ankara sẽ không đưa ra sáng-kiến mở cửa căn-cứ Incirlik cho Nga và nghĩ rằng Nga sẽ không cần đến căn cứ quân sự của Thổ (dù sao, ông ta cũng đã nói đến điều này Phải chăng đây là một gợi ý hay một chuẩn-bị dư-luận?)

*Về việc thành-hình một liên-minh chiến lược giữa Nga, Thổ và Iran, việc này có lẽ sẽ phải trải qua nhiều mức khác nhau. Trước hết là mức chánh-trị. Về điều này, người ta đã thấy có sự gặp gỡ gần đây giữa tổng thống Nga Poutine và tổng-thống Thổ-nhĩ-kỳ Erdogan ở Saint-Peterbourg, điều này cho phép quan-hệ ngoại-giao giữa Nga và Thổ trở lại tình-trạng bình-thường. Chẳng những thế, Thổ đã có những cử chỉ chống đối lại Liên Âu và Hoa-Kỳ, việc lực lượng quân-sự Thổ-nhĩ-kỳ phong-toả căn cứ không-quân Incirlik, nơi có chưa các võ khí nguyên-tử của Hoa-Kỳ và là căn cứ chuyển-tiếp cho các phi-cơ Hoa-Kỳ và OTAN bay đi tấn công quân khủng-bố ở Irak và Syrie. Có những tin tức cho biết sau những căng thẳng với Thổ-nhĩ-kỳ trong khoảng cuối tháng bảy đầu tháng tám năm nay, Hoa-kỳ đã không còn coi Thổ-nhĩ-kỳ là một đồng-minh đáng tin nữa, các võ khí nguyên-tử chứa ở Thổ-nhĩ-kỳ đã được chuyển sang căn cứ không-quân Deveselu của Roumanie. Bộ ngoại-giao Roumanie đã bác bỏ các tin tức nàỵ.(Điều này dẫu sao cũng cho thấy sự căng thẳng giữa Thổ-nhĩ-kỳ và Mỹ là có thật và Mỹ đã cho đưa võ khí nguyên-tử cất giữ ở Thổ-nhĩ-kỳ đi nơi khác!).
Mặt khác, cũng đang có những tiếp xúc giữa Iran và Thổ-nhĩ-kỳ. Ngoại-trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã bay sang Ankara để gặp ngoại-trưởng Thổ-nhĩ-kỳ Mevlüt Çavuşoğlu,thủ-tướng Binali Yildirim và tổng-thống Recep Erdogan. Những nổ lực của Téhéran cho thấy nỗ-lực của nước này nhằm lợi dụng cuộc hoà giải giữa Thổ-nhĩ-kỳ và Nga để lôi kéo Thổ hợp tác theo mình trong việc giải-quyết chiến-cuộc Syrie. Điều này có thể sẽ mang đến một liên-minh Téhéran-Ankara-Moscou.
Sau chuyến viếng thăm Thổ-nhĩ-kỳ của ngoại trưởng Iran, một phái đoàn cao cấp khác của Iran cũng sẽ sang Thổ-nhĩ-kỳ trong thời gian tới, với các ông Es'hagh Jahanguiri, đệ nhất phó chủ-tịch Iran, và Hossein Jaberi-Ansari,thứ trưởng ngoại giao đặc trách ả-rập và Phi-châu. Đại sứ Iran tại Thổ-nhĩ-kỳ, Mohammad Ebrahim Taherian-Fard đã nhấn mạnh đến việc thảo-luận tay ba giữa Iran-Thổ-Nga khi tuyên bố 'Iran nghĩ là không nên tự giới hạn trong khuôn khổ những cuộc họp song-phương hay tam phương' và 'tổng-thống Recep Tayyip Erdogan có thể đến Iran khi nào ông ấy muốn'. Và trong tuần tới, ông Erdogan sẽ sang thăm Iran! Được biết bốn ngày sau khi xảy ra vụ đảo-chánh thất-bại ở Thổ-nhĩ-kỳ, tổng-thống Erdogan đã gọi điện-thoại nói chuyện với tổng-thống Iran Hassan Rohani! Theo Riadh Sidaoui, giám đốc trung-tâm phân-tách và nghiện cứu chánh-trị và xã-hội ả-rập trụ sở ở Genève, một liên-minh giữa ba nước có thể nghĩ đến trong bối cảnh quan-hệ ngoại-giao 'hâm nóng' giữa Ankara và Moscou. 'Tôi nghĩ rằng người ta quan-sát được một thay đổi khá quan-trọng kể từ sau khi mưu toan đảo-chánh quân-sự ở Thổ-nhĩ-kỳ thất-bại. Người ta thấy những tuyên-bố quan-trọng của Erdogan đang nhích gần lại Nga. Sau khuynh-hướng đảo-chánh với các nước tây-phương đàng sau, nếu sự thay đổi này xảy ra, tôi nghĩ rằng bản-đồ Trung Đông sẽ được vẽ ra một cách khác hơn là sự trù-liệu của các 'câu lạc bộ tây phương'...'các quân bài đang thay đổi. Ngay khi Thổ-nhĩ-kỳ gắn hoàn toàn vào liên-minh này, quân khủng-bố sẽ biết một cách nhanh chóng việc kết liễu của họ ở Syrie. Ngay khi mà Thổ cắt mọi hỗ-trợ tiếp-liệu cho Daesh hay Al Nosra, tôi nghĩ rằng quân-đội Syrie, với hỗ-trợ của không-lực Nga, sẽ thắng một cách dễ dàng cuộc chiến chống khủng-bố và Syrie sẽ được bình-ổn'.

*Bên cạnh liên-minh Tétéran- Ankara-Moscou có thể thành-lập, một tác-nhân mới cũng đã lố dạng. Đó là việc Pékin có thể có những hợp-tác quân-sự với Damas.

image: http://www.opex360.com/wp-content/uploads/guan-20160816.jpg

Đô đốc Guan Youfei

Vào tháng giêng năm nay, chủ-tịch nước Trung Hoa, Xi Jinping, đã đi thăm nhiều nước Trung Đông để ký kết nhiều khế-ước và để thiết-lập ở đây các đối-tác chiến-lược, để tăng-cường ảnh-hưởng của Trung Hoa trong vùng, điều đã được vạch ra trong 'tài liệu về chánh sách Trung hoa đối với các nước ả-rập'. Trước đó, Trung Hoa đã để cho các nước trong HĐBA LHQ lo về ngoại-giao trong vùng Trung và Cận Đông. Nhưng giờ đây, Trung Hoa muốn dính líu vào việc giải-quyết các tranh-chấp trong vùng trong đó có Syrie.
Theo thông-tấn-xã Xinhua, Guan Youfei, giám-đốc văn-phòng hợp-tác quân-sự quốc-tế của quân-uỷ-đảng trung-ương, đã gặp tổng-trưởng quốc-phòng Syrie, Fahad Jassim al-Freij, ở Damas. Vẫn theo Xinhua, Trung Hoa có ý định tăng cường hợp-tác quân-sự với Syrie.
Đô đốc Guan Yufei cho biết Trung Hoa luôn luôn giữ một vai trò tích-cực trong việc xúc-tiến một giải-pháp chánh-trị cho vấn-đề Syrie. quan-hệ giữa Trung Hoa và giới quân-sự Syrie vốn có truyền thống hữu nghị và quân-đội Trung Hoa sẵn sàng để tiếp tục tăng cường các trao đổi và hợp tác với quân-đội Syrie. Đôi bên đã đề cập đến việc huấn-luyện nhân-sự và đã đạt đến đồng thuận trong việc dụ trù cung cấp viện trợ nhân đạo của Trung Hoa. Ngoài ra, Guan Yufei cũng có gặp một tướng lãnh Nga.
Việc Trung Hoa sẽ có hợp tác với Syrie có thể do các lý do sau:
-Tình hình Syrie sắp sửa đi đến một giải-pháp, đây là lúc 'dây máu ăn phần'!
-Trung Hoa tiếp tay với Nga trong việc giải-quyết cuộc khủng-hoảng Syrie đổi lại việc Nga yểm trợ Trung Hoa trong tranh-chấp biển Đông.
-Trung Hoa tham dự việc chống khủng bố nhằm tiêu diệt quân khủng-bố gốc Ouigours, không để bọn này trở về Tân Cương gây rối
Dù với bất cứ lý do nào hay vì các lý do nêu trên, việc tham-dự của Trung Hoa vào cuộc tranh chấp ở Syrie sẽ khiến tình hình nơi đây thay đổi. Liên-quân Tây phương và Mỹ sẽ không thể tự tung tự tác ở đây như đã làm ở Libye!

Nhữ Đình Hùng/tổng-hợp & bình-luận/20.08.2016

Nguồn:
https://fr.sputniknews.com/international/201608181027349683-turquie-russie-teheran-syrie-daech/
https://fr.sputniknews.com/international/201608171027336022-cooperation-russie-turquie-indispensable-reglement-syrien/
http://www.opex360.com/2016/08/16/pekin-parle-de-renforcer-ses-liens-militaires-avec-damas/#h84AygTlJO7WUQTZ.99
http://www.opex360.com/2016/08/16/des-bombardiers-russes-ont-ete-engages-en-syrie-depuis-base-en-iran/#qrtFir5BhAkds7MJ.99
http://lesobservateurs.ch/2016/08/18/lalliance-ankara-moscou-indispensable-pour-le-reglement-syrien/