Nguyễn Văn Phiên tốt nghiệp Kiến trúc Sư tại ĐH Kiến Trúc Sài Gòn.
Nguyên Giảng viên ĐH Kiến Trúc TP HCM (1976-1979).
Định cư và làm việc trong ngành Xây Dựng tại Canada và Hoa kỳ từ năm 1980.
Huế, Tình yêu & Mậu Thân
Trong cái lạnh của mùa đông trên xứ người, tôi lại nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ nơi chôn dau cắt rốn... biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn trong đời sống và trong chiến tranh.
Tôi cố gắng moi trí nhớ để viết lên những sự kiện thăng trầm xảy ra đã mấy mươi năm rồi mà vẫn còn kinh hoàng ám ảnh trong tôi.
Hè năm 1967 tôi đi dự Đại Hội Du Ca toàn quốc do nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn đức Quang và Phong trào Du Ca tổ chức tại Saigon, lúc bế mạc ra về thì một người bạn gái nhờ tôi chuyển món quà nhỏ cho người bạn ở Huế. Lúc lên máy bay, túi xách của tôi quá đầy nên tôi nhờ người bạn đi cùng giữ hộ món quà. Khi máy bay đáp xuống phi trường Đà Nẵng tôi lo làm thủ tục chuyển máy bay về Huế nên quên bẳng đi món quà mà tôi đã gởi. Khoảng một tuần sau thì thấy bóng dáng một người con gái trước nhà... người đó là Nguyệt.
Nguyệt là nữ sinh Đồng Khánh, năm đó cũng sửa soạn thi Tú Tài 2, tôi và Ng cùng hò hẹn chia sẻ những vui buồn,suy nghĩ của lứa tuổi đôi mươi về chiến tranh,về đời sống rất là tâm đầu ý hợp. Một hôm Ng. mời tôi tới nhà chơi, nhà Ng. ở trên đường Chi Lăng, gần đường Nguyễn Du. Khi bước chân vào nhà bỗng dưng tôi cười một cách tự nhiên khi nhìn lên bàn thờ. Ng. hỏi tôi có điều gì vui mà cười? tôi không trả lời...
Ba tôi thường ngăn cấm con cái giao du với người có đạo Thiên Chúa, ngày xưa người ta thường gán cho Công giáo là nguyên nhân trực tiếp cùa sự đô hộ của thực dân Pháp. Hơn nữa Ba tôi là người sùng đạo Phật nên rất khắt khe với con cái về vấn đề tôn giáo.
Gia đình Ng. theo đạo Phật, may quá, mẹ của Ng. rất hiền từ và hiếu khách, cứ mỗi lần tôi đến chơi, mẹ của Ng. đều sai người đi mua Bún Mụ Rớt gần đó về cho tôi ăn. Ăn xong tôi và Ng. ra vườn sau nhà, sát bờ sông, vừa nói chuyện vừa ngắm sông Hương. Bức tranh quá đẹp phải không?
Tôi và Nguyệt nhặt mỗi đứa một lá khô rồi thả xuống giòng sông hy vọng nó cùng xuôi dòng bên nhau và cùng trôi về một hướng...
Chúng ta thường nghe nhiều đến tình yêu lứa đôi, tình yêu thanh xuân, tình yêu trưởng thành. Nhưng ít ai biết rằng, có một tình yêu nồng nhiệt không kém, đó là tình yêu học trò. Bạn nghĩ về tình yêu này như thế nào? Riêng tôi, tình yêu học trò là những cảm xúc đầu tiên đẹp nhất trong đời, nó cũng là hồn nhiên nhất và mơ mộng nhất. Bởi đó là lời ước hẹn cho tương lai, thẹn thùng đến đỏ mặt khi một bàn tay đưa ra là một bàn tay nắm lấy. Và cả những lá thư gởi đi và mong đợi hồi âm. Hay mỗi khi tan lớp chờ nhau dưới bóng phượng hồng trên đường Lê Lợi dẫn tới cầu Tràng Tiền...
1968, Tết Mậu Thân, tôi không hiểu vì sao Ba tôi lại đem cả nhà về Huế ăn Tết mặc dù Dì, là mẹ đẻ của tôi, mới sanh em tôi chỉ được mấy tuần nhưng khi Ba tôi đã quyết định thì không ai có thể ngăn cản được.
Thời gian này tôi đang học lớp đệ nhất và chuẩn bị thi Tú Tài 2, trước đó Ba tôi lại mua một căn nhà ở đường Hàn Thuyên trong Thành nội Huế để tôi có chỗ ăn học và rước Ôn Nội về ở , O của tôi cũng từ dưới làng lên ở để săn sóc Ôn. Nhà này ở không cách xa nhà Mệ Ngoại của tôi, đường Nguyễn Thành, bao nhiêu.
Làm sao diễn tả được sự náo nức và rộn ràng của tôi trong mùa xuân này, đối với tôi đây là mùa xuân của tuổi trẻ, mùa xuân của tình yêu...
Trước Tết vài tháng tôi có qui tụ một số anh em trong toán Du Ca Con Sáo Huế do tôi làm trưởng toán và bạn bè tới nhà tập hát để chuẩn bị cho những buổi sinh hoạt tác động thanh ca trình diễn ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế và các sinh hoạt Hướng Đạo...
Cũng trước Tết vài tuần tôi có họp với Trưởng Hướng Đạo là Nguyễn Thúc Tuân (xem bài Akela và luật rừng do tôi viết) để bàn về trại huấn luyện ngành ấu vào đầu năm mới.
Cũng trước Tết, sau khi dự khoá huấn luyện thanh ca, tôi lại mê tiếng đàn tranh do chị Phương Oanh trình diễn nên tôi xin đi học đàn tranh ở nhà Cậu Nguyễn hữu Vấn, Cậu Vấn là cháu của bác Nguyễn Hữu Ba, là bạn của Ba tôi và cũng là bà con bên mẹ tôi nên không lấy tiền học phí.
Cũng trước Tết khi học sinh sắp nghĩ học để về nhà đón Tết, ông thầy dạy Sử Địa của tôi có ý là tất cả học sinh trong lớp nên tham gia truyền thống Tết VN, nghĩa là nên mặt áo dài khăn đóng đến trường làm lễ hội cúng tế như ngày xưa tổ tiên đã làm. Thấy ý kiến hay nên ai cũng theo và ngày hội Tết rất tưng bừng và tức cười vì ai cũng giống "Lý Toét"...
Tất cả những sinh hoạt trước Tết kể trên làm cho tôi thêm náo nức rộn ràng với bao nhiêu mộng ước tương lai, tôi cảm thấy yêu đời, hơn nữa đại gia đình của tôi về Huế ăn Tết thì Xuân này quá đặc biệt đối với tôi. Lúc Ba tôi vừa đến Huế, Ba tôi dẫn ra đường Phan Bội Châu mua cho tôi một chiếc xe Honda "dame", làm sao diễn tả nỗi vui sướng của tôi lúc này... tôi cởi xe mới đi khoe với bạn bè, lối xóm vì đó là mơ ước từ lâu của tôi.
30 Tết, Ba tôi thuê một chiếc đò máy để đưa cả nhà về làng, nhưng khác với những lần trước, về làng lần này Ba tôi có vẻ hối hả,vội vàng, nói vài câu thăm hỏi bà con trong họ, trong làng rồi lật đật ra đò máy trở về Huế chiều hôm đó.
Sau đó Ba tôi nói tôi cùng tới thăm người bạn của Ba tôi, nhà ở gần trường Bồ Đề. Khi vào nhà Ba tôi nói tôi chào bác Đóa, tôi nhớ ra Bác Đóa cũng dạy trường Bồ Đề từ lâu lắm rồi. Bác cũng giới thiệu đứa con gái, học dược vừa mới ở Saigon ra thăm, đó là chị Đ Trinh. Tôi chào chị và rất ngưỡng mộ chị là người vừa đẹp vừa học giỏi. Không biết bác Đóa nói gì với Ba tôi mà ông cứ gật đầu hoài và có vẻ nghiêm trọng.
Rồi Tết và mùa Xuân vui tươi không như ý mọi người mong đợi mà trái ngược là sự chết chóc tang thương cho hầu hết người dân Huế.
Từ chiều 30 đến đêm giao thừa qua ngày mồng một, tiếng pháo nổ liên hồi, dân chúng lũ lượt đi lễ, đi chúc Tết lẫn nhau, không có chuyện gì xA3y ra nhưng khoảng 2,3 giờ sáng ngày mồng hai Tết tiếng pháo kích ầm ầm rất gần. Cả nhà phải tìm chỗ ẩn núp, dưới gầm bàn,dưới sập gụ...
Sáng ra tôi thấy có nhiều người mang băng trắng trên cánh tay, có người mang ba -lô, mang súng... tình cờ tôi thấy Trưởng Hướng Đạo Nt Tuân đang cởi xe mô-bi-let ngang qua trước nhà cũng mang súng lục bên hông. Tôi chạy qua nhà mệ Ngoại của tôi, mọi người bình an nhưng ai cũng lo âu, cách nhà mệ mấy căn tôi thấy nhiều người trẻ măng cũng mang băng trắng và súng ống ra vào, trong đó thấp thoáng bóng dáng chị Đ Trinh. Sau này tôi biết rằng sở dĩ đường Nguyễn Thành đổi tên là đường Xuân Sáu Tám cũng vì những căn cứ của quân "Giải Phóng" nằm trên đường này...
Tối hôm đó, trong lúc cả nhà đang quây quần với nhau thì có tiếng đập cửa, một toán võ trang lùa cả nhà ra ngoài sân, họ bắt quì xuống đưa hai tay lên đầu, ngoài hàng rào ,gần đường mương có mấy người nằm với súng liên thanh đang lên cò đạn răng rắc. Với giọng run run Ba tôi nói với người dẫn đầu : "Các anh vào túi áo của tôi để xem giấy tờ..." Vài người vào nhà trong lục soát, một lát sau họ đi ra và thú nhận là vào lầm nhà, hú hồn!
Theo tôi nghĩ họ vào lầm nhà, nguyên do là Ba tôi mua cái nhà ở Hàn Thuyên là của ông quận Cán? lúc đó tôi cứ nghĩ quận Cán là quận trưởng quận Thành Nội nhưng sau này mới biết quận chỉ là ngạch trật của Trung tâm đào tạo Cảnh Sát .
Khoảng 2 giờ rưởi sáng mồng 3 Tết, toàn khu vực Thành nội gần cửa Đông Ba bị đạn pháo kích liên tục, dữ dội, ai cũng nhốn nháo và cuộc di tản ra khỏi Thành nội bắt đầu. Gia đình tôi không kịp lấy gì hết, chỉ biết chạy, tội nghiệp mẹ tôi vừa bồng em tôi vừa chạy dọc đường mương và bờ thành đầy xác người.
Khi ra khỏi cửa Đông Ba, tôi thấy gia đình cậu Châu của tôi, cậu đang cõng mệ Ngoại, máu me đầy người, định chạy tới hỏi han, giúp đỡ thì nhiều đạn pháo kích nổ gần kề nên mạnh ai nấy chạy qua cầu Gia Hội... dọc theo đường Võ Tánh thì thấy quang cảnh bớt tang thương hơn, thì ra quân "giải phóng" đã chiếm và làm chủ vùng này rồi. Ba tôi dẫn cả đại gia đình đến nhà anh Nghi, anh Nghi là con nuôi của Ba tôi và rất thương gia đình tôi nên đón tiếp và săn sóc gia đình tôi thật tình.
Trước đó gia đình bác Phú, bà con bên vợ anh Nghi đã đến tạm trú từ lâu cho nên căn nhà rộng mà đi đâu cũng thấy người.
Tôi cùng các anh em khác bắt đầu đào hầm trong nhà của anh Nghi.
Một buổi chiều khi trời bắt đầu tối, một toán võ trang xông vào và kêu tất cả mọi người phải ra khỏi nhà, sau đó họ hỏi tên từng người, đến tên Bác Phú thì họ bắt đi ngay không cho bác nói gì với gia đình, bác cố cởi cái đồng hồ để đưa cho thân nhân nhưng không kịp vì họ đẩy bác đi. Cả đêm đó không ai ngủ được nhất là gia đình bác Phú. Sáng hôm sau thì người ta tìm được xác của bác ở ngã tư đường... trong nhà tiếng khóc của người thân vang lên rất thê thảm và đau lòng.
Cả nhà lo tẩm liệm và chôn cất bác bằng một manh chiếu vì làm sao tìm được quan tài lúc đó. Chỗ an nghĩ của bác ngoài vườn nhưng rất gần nhà, đôi lúc phải trốn xuống hầm, tôi có cảm tưởng giữa người sống và người chết chỉ cách nhau một khối đất.
Tôi thấy thảm cảnh gia đình bác như vậy nên lân la để chia buồn và hỏi thăm, tôi mới biết anh Thọ, con trai đầu của bác Phú là Kiến trúc Sư vừa mới ra trường và vừa lập gia đình. Cũng vì thế chữ Kiến Trúc đi vào trong đầu của tôi lúc nào không biết và tôi nghĩ rằng tôi cũng có duyên với nó vì được đậu vào trường ĐHKT cùng năm.
Một buổi sáng, nhận được lệnh các thanh thiếu niên phải tập trung trình diện ở trường tiểu học Gia Hội để họp, tôi và mấy người con bác Phú cùng đi đến địa điểm đó. Một người trung niên, chủ toạ buổi họp khẳng định với tất cả người có mặt rằng: các anh chỉ có hai con đường, một là theo quân GP chống đế quốc Mỹ, hai là theo Mỹ Ngụy chống lại quân GP.
Dĩ nhiên mọi người đưa tay "theo" con đường thứ nhất và được lựa chọn hoặc gia nhập quân tác chiến hoặc gia nhập đội ngũ Văn hóa. Theo tác chiến thì được cung cấp một khẩu súng trường và 2 viên đạn, tham gia đội văn hóa thì được cung cấp một thùng sơn và cây cọ. Tôi đành nhận lãnh thùng sơn và cây cọ. Sau này tôi mới biết địa điểm này là một trong những mồ chôn tập thể trong Mậu Thân 1968.
Công tác của tôi là viết những câu thơ, những khẩu hiệu hoan hô quân GP trên các bức tường ngoài đường, các chỗ công cộng... Có lần đang làm viêc "văn hóa" thì có tiếng súng từ sông Hương bắn lên, sợ quá tôi phải nằm xuống và bò tìm chỗ núp.
Một hôm khi đến khu vực Nguyễn Du để viết vẽ trên tường, tôi trốn đi làm một mình để có cơ hội đến thăm Nguyệt. Khi gỏ cửa, không ai ra mở, tôi lo sợ không biết chuyện gì xảy ra cho gia đình Ng. nhưng khoảng 10 phút sau Ng. mở cửa, tôi nhìn thấy nỗi lo sợ trên khuôn mặt của Ng., tôi cũng hiểu, ở thời điểm này nhà nào bị đập cửa thì sẽ gặp tai biến, tôi chứng kiến có nhiều nhà trên đường Chi Lăng còn đọng vũng máu tươi từ trong nhà chảy ra ngoài lề đường...
Gặp nhau hai đứa mừng quá, ôm nhau trong nổi lo không biết lúc nào sẽ mất nhau.
Sau vài câu thăm hỏi tôi vội vàng từ giã Ng. để tiếp tục làm công tác viết khẩu hiệu. Trên đường trở về nhà tôi gặp Hào, người bạn cùng lớp với tôi, nhà ở đường Mạc đỉnh Chi Gia Hội, Hào vừa khóc vừa kể cho tôi nghe mẹ của Hào đã bị giết chết tuần vừa rồi, nguyên nhân là sự trả thù của người giúp việc, trước đây mấy năm đã bị mẹ Hào la mắng và đuổi đi.
Than ôi, chỉ trong vòng hai tuần lễ mà bao nhiêu điều kinh hoàng không tốt đẹp xảy ra, mọi chuyện, mọi suy nghĩ bị đảo ngược, tôi phân vân với chính mình, tôi không còn một niềm tin nào nữa... Mới hôm nào, cậu Vấn hướng dẫn những ngón tay tôi trên phím đàn tranh với "Đêm tàn Bến Ngự", Trưởng Nt Tuân ngồi vạch chương trình làm sao đào tạo những người huynh trưởng có khả năng dìu dắt những sói con, những trẻ em, tuân theo những điều luật Hướng Đạo... Chị Đ.Trinh là một nữ sinh duyên dáng của trường Dược mà tôi đã gặp...
Nhưng tất cả bây giờ họ đều tham gia cầm súng, tham gia giết chóc... Tôi không dằn được sự tức tối, thất vọng bèn đè mạnh cây cọ trên bức tường hoang: "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua..."
Trong mấy tuần tạm trú trong nhà anh Nghi, có một tiểu đội quân GP, tôi nghĩ rằng đây là lính chính qui ở miền Bắc vào thì đúng hơn, họ mặc aó quần màu xanh lá cây đậm, ăn nói rất lịch thiệp, lễ phép. Họ cũng thường mang thức ăn chia sẻ với người trong nhà.
Một hôm họ nhờ nấu một bửa ăn tối và nói sẽ trở lại chiều hôm đó để liên hoan nhưng mọi người chờ hoài mà không thấy họ trở lại. Sau này tôi mới biết tất cả lực lượng quân "giải phóng" rút ra khỏi Huế trong ngày 23 tháng 2 năm 1968.
Sáng hôm sau Ba tôi quyết định trở về nhà mặc dù lúc đó chưa ổn định cho lắm, hai bên đường vẫn còn xác người chưa kịp chôn, những vũng máu chưa khô vẫn còn trên lề đường, những áo quần. giày dép vung vãi khắp nơi, nói lên nỗi kinh hoàng trong những ngày chạy loạn.
Trên đường trở về nhà, tôi thấy bao nhiêu sự đổ nát, những di tích lịch sử bị tàn phá rất thương đau. Cây cầu Tràng Tiền mà tôi phải qua lại hàng ngày để đi học cũng bị giật sập, đây không phải lần đầu tiên, năm 1946 trong chiến tranh Việt-Pháp, cầu bị Việt Minh đặt mìn giật sập hai nhịp phía tả ngạn, vào năm 1953 cầu được sửa chữa hoàn chỉnh như cũ. Cầu cũng được thay đổi tên gọi nhiều lần qua năm tháng.
Các bạn có biết không, cầu Tràng Tiền là biểu tượng của Huế, được thiết kế và hoàn thành năm 1899 ,xây dựng bởi hãng Eiffel và thiết kế gia Gustave Eiffel. Công ty này và nhà thiết kế này cũng đã thiết kế và xây dựng công trình Tháp Eiffel bên Pháp năm 1889. Đây là một biểu tượng của "kinh đô ánh sáng", tháp Eiffel là một kiến trúc nổi tiếng nhất toàn cầu.
Đối với tôi cầu Tràng Tiền có rất nhiều kỷ niệm, lúc còn ở số 5 Lý Thường Kiệt, anh cả tôi thường sai tôi đi mua bánh khoái ở cửa Thượng Tứ, tôi đã đi bộ qua cái cầu này không biết bao nhiêu lần, rồi cũng trên chiếc cầu này "em tan trường về, anh theo Ngọ về..." baì hát rất tình của Phạm Duy. Ngày nào tôi cũng đạp xe theo sau "một đàn áo trắng" Đồng Khánh.
Trở về với quang cảnh đổ nát của Huế, nhà tôi ở Hàn Thuyên không bị thiệt hại nhiều lắm nhưng một điều làm tôi thất vọng là chiếc xe Honda mà Ba tôi vừa mua cho đã trúng đạn nhiều lổ không còn cách gì để cứu vãn được.
Sau khi quân đội Hoa Kỳ tái kiểm soát hết các khu vực nội thành ngày 24 tháng 2/1968 thì giao lại cho Việt Nam Cộng Hòa. Dân Huế vẫn tiếp tục điêu đứng trong thời gian này vì công an cảnh sát VNCH bắt đầu truy lùng tàn dư nằm vùng của quân VC, người dân lại bị bắt bớ, lại bị trả thù lần nữa...
Trong 25 ngày Tết, Huế biến thành một thành phố đổ nát, hoang tàn, chết chóc đau thương. Hai bên tham chiến đều đổ máu, đều thiệt hại, đều tử vong như nhau... rồi những người dân vô tội bị giết,bị chôn sống...
Lính hai miền bị đẩy vào cuộc chiến, đáng lẽ trong giờ phút linh thiêng của Tết, họ phải được gần gia đình, bỏ qua tranh chấp, bỏ qua bất đồng để cùng nhau tưởng nhớ đến gia tiên.
Ng. ơi mới hôm nào hai đứa ngồi vạch cho nhau một tương lai tươi sáng, một tình yêu của tuổi lứa đôi tràn đầy ước vọng nhưng bây giờ nhường chỗ cho sự đổ nát, chết chóc của chiến tranh, không biết thân phận của mỗi đứa sẽ đi về đâu... như những chiếc lá khô mà chúng mình đã thả xuống giòng sông Hương chiều nào, mỗi chiếc lá bị cuốn trôi về một hướng khác nhau như cuộc tình của chúng mình...
Nguyễn Văn Phiên
Mùa Đông 2019
Akela và Luật rừng
Mùa hè 1977 tôi chuẩn bị cho chuyến về Huế. Nói đến đi Huế, về Huế, không người con nào của xứ Huế mà không háo hức, bồn chồn, mong thời gian qua mau để được thấy Huế dù Huế đã trải qua những tàn phá, đổ nát, chết chóc, đau thương do chiến tranh và nhất là Tết Mậu Thân 1968. Riêng tôi chuyến đi Huế lần này là một mơ ước của tôi từ lâu.
Tùng, bạn cùng khóa của tôi đã giới thiệu tôi vào làm việc cho một văn phòng Kiến Trúc Sư ở Saigon, chuyên thiết kế những công trình kiến trúc ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên. Trong thời gian này tôi được giao đồ án chỉnh trang sân vận động Tự Do Huế. Phải nói rằng không gì vui sướng được góp bàn tay xây dựng lại Huế. Hơn nữa sân vận động này đã để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm, từ thơ ấu cho đến trưởng thành.
Lúc còn nhỏ Ba tôi thường dẫn tôi đến nơi này xem biểu diễn mô tô trên vòng chảo. Vòng chảo được kiến trúc như một vòng đai bao quanh sân cỏ với độ dốc khoảng 45 độ. Nhìn những mô tô đua trên vòng chảo thật hào hứng và ngoạn mục.
Hầu hết những sinh hoạt, trò chơi, trại họp mặt Hướng Đạo đều được tổ chức ở đây và một kỷ niệm khó quên là tôi đã tham dự trại huấn luyện "thanh ca và tác động" do các nhạc sĩ tên tuổi như Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang... phụ trách. Hình ảnh NS Phạm Duy gập ngừơi lên xuống với "Việt Nam, Việt nam nghe từ vào đời..." và con chim đầu đàn của phong trào Du ca Nguyễn Đức Quang thì ưỡn người với cây đàn "Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn. Đừơng dài ngút ngàn chỉ một trận cừơi vang vang..." làm tôi xúc động nhớ lại một thời tuổi trẻ với bầu nhiệt huyết hăng say...
Khi đến Huế, tôi kiểm soát lại những họa đồ, bài viết giải thích và kế hoạch cho đồ án, anh Tạ Kim cũng đã giúp tôi vẽ một phối cảnh rất đẹp và nói lên được suy nghĩ của tôi. Sau đó tôi đến Ty Thể Dục Thể Thao Tỉnh BTT để thuyết trình. Ngồi trong phòng của ông trưởng ty, tôi hồi hộp lo lắng không biết người ta có chấp thuận đồ án của mình không... Rồi cánh cửa văn phòng hé mở, một người gầy, nhỏ bước ra. Tôi ngạc nhiên và thốt lên: trửơng Tuân, Akela Tuân. Tôi mừng quá vì được gặp lại Trưởng từ sau Tết MT. Trưởng Tuân đưa tay trái cho tôi bắt: anh Ph. anh vẫn còn sinh hoạt Du ca?
Đúng rồi đó là Akela leader Nguyễn Thúc Tuân, người huynh trưởng Hướng đạo mà tôi luôn yêu mến và kính phục. Akela Leader là danh hiệu của Hướng Đạo thế giới trao cho ông.
Baden-Powell,người sáng lập ra phong trào HĐ thế giới yêu thích Sách rừng xanh, The Jungle Book, của nhà văn, nhà thơ Rudyard Kipling và nghĩ rằng những nhân vật giả tưởng trong truyện sẽ làm cho sinh hoạt, giáo dục trẻ con vui hơn, thiết thực hơn. Dựa trên những tổ chức đó ngành Ấu, Cub Scout, của HĐVN ra đời. Các em bé tham gia được goi là Sói Con, Wolf Cubs. Ấu sinh HĐ được tổ chức thành Bầy Sói, the wolf packs, các huynh trưởng của Bầy được lấy tên trong Sách Rừng Xanh. Đứng đầu là Akela: sói già, kế đến là Baloo: conGấu, Bagheera:con beo, Kaa:con trăn...
Sở dĩ tôi giải thích dông dài về tổ chức Ấu đoàn này là để nói lên sự quan tâm của thế giới về vấn đề giáo dục trẻ em và đào tạo những người huynh trưởng có khả năng làm công việc đó.
Akela Tuân là người gắn bó cuộc đời minh cho ngành Ấu HĐ. Nơi nào có trại huấn luyện huynh trưởng là có Akela Tuân. Ông có công lớn trong lãnh vực giáo dục rất quan trọng vì mười năm trồng cây, trăm năm trồng người. Tôi có may mắn được gần gủi Trưởng trong những trại huấn luyện Bầy trưởng ở Huế.
Trưởng Tuân còn là một nhà giáo tận tâm và luôn luôn cố gắng trau dồi nghề nghiệp Ở cái tuổi ngoài 50 ông vẫn còn tự học và đỗ bằng văn chương Anh tại Đại học Huế. Bản tính của ông rất khiêm tốn, nói năng nhẹ nhàng nên ai cũng thương mến. Có lần tôi tham dự trại huấn luyện ngành Ấu, tôi cố gắng hết mình để được đậu nhưng kết quả không như ý mình muốn, tôi có hỏi Trưởng Tuân tại sao vậy thì ông trả lời: anh Ph. anh còn trẻ, còn nhiều cơ hội để rèn luyện mình, nếu anh đậu kỳ này anh sẽ tự cao và không có lợi cho một huynh trưởng lãnh đạo... Tôi đã học bài học hữu ich đó. Bài học sống giản dị và khiêm tốn.
Trưởng Tuân sinh năm Quý Sửu, còn tôi sinh năm Kỷ Sửu,như vậy cách nhau ba giáp, 36 năm.Tên rừng của Trưởng là Sơn Ca Ngoài Trời còn tôi là Sơn Ca Vui Tính. Dù ở cái tuổi cao nhưng ông ngày nào cũng đi bộ, tập thể dục, đọc báo... làm cho ông được cân bằng trong đời sống và sáng suốt, minh mẫn hơn. Đối với tôi ông là người cha, người thầy, người huynh trưởng gương mẫu.
Trở lại với đồ án Sân Vận Động, tôi đã được thông qua và được giấy phép tiến hành xây cất. Đó cũng là lần sau cùng tôi gặp lại Trưởng Tuân. Vài năm sau ông bị bắt và bị gán cho cái tội làm gián điệp hai bên?
Cuộc đời của ông trải qua nhiều sóng gió:
Tr. Tuân vốn là cán bộ Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp. 1958 ông bị chính phủ Ngô Đình Diệm bắt vì tội VC nằm vùng.
Sau 1975 ông giữ chức vụ trưởng ty Thể Dục Thể Thao tỉnh Bình Trị Thiên và được bầu vào đại biểu Quốc Hội, nhưng không lâu ông lại bị bắt và gán cho cái tội làm gián điệp cho CIA của Mỹ trứơc 1975. Ông bị kết án 18 năm tù. Phiên toà không nhân chứng ngay cả những người từng là đồng chí hoặc cấp trên của ông. Ông cũng không có luật sư bào chữa. Sáu năm sau, ông Tuân ra tù ngày 16/11/1986 và sau đó, tòa án nhân dân Thừa Thiên-Huế ra quyết định xóa án cho ông ngày 29/11/2001.
Kế hoạch ra Trung ương minh oan cho ông Nguyễn Thúc Tuân của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - ông Lê Minh tiếc thay không thành, vì năm 1990, ông Minh đã qua đời vì bệnh nặng. Tuy nhiên, nhiều nhân chứng quan trọng liên quan vụ án này hiện vẫn còn sống. Các ông Nguyễn Hữu Hường, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Phương Thảo (tức Lê Công Cơ) đều chung nhận định: nếu cho rằng ông Tuân làm nội gián cho địch thì cơ quan tố tụng phải chỉ rõ hậu quả của việc đánh phá cách mạng như thế nào, cụ thể bao nhiêu cơ sở cách mạng bị bắt, bao nhiêu người hoạt động bí mật bị chỉ điểm? Đằng này, bản án nhận định chung chung như thế là không được.
Vấn đề đặt ra ai là người có trách nhiệm bồi thường cho những bản án oan sai về vật chất cũng như về tinh thần?
Về vật chất tôi nghĩ ở cái tuổi 106 ông không màng gì nữa nhưng vấn đề tinh thần là ông quan tâm nhiều nhất vì ông là một Hướng Đạo sinh, trong Lời hứa và Luật Hướng Đạo: Hướng Đạo sinh trọng danh dự là điều căn bản đầu tiên. Hơn thế nữa gia đình ông cũng chịu nhiều cay đắng, khổ đau, tồi tệ khi ông bị tù đày.
Ước vọng của Trưởng Tuân là "tôi chỉ mong một lời minh oan để nhắm mắt thanh thản". Để chia sẻ với ông, biết bao nhiêu học trò cũ, có người đã về hưu đã tổ chức mừng sinh nhật và thăm viếng ông, cũng rất nhiều Hướng đạo sinh khắp năm châu, khi có dịp về VN, họ đã ra Huế thăm ông, chứng tỏ hầu hết những người biết ông, quý mến, ngưỡng mộ ông.Ông càng bị oan ức mọi người càng thương mến ông hơn.Nhiều ký giả đến gặp ông,ông chỉ có một lời nhắn nhủ:Tôi bị oan,hãy giúp tôi minh oan.
Nhìn Tr. Tuân qua một đoạn video mới đây mà tôi phải bật khóc: một ông lão nằm trên giường bệnh, hớp từng miếng cháo, bên cạnh là bà vợ bệnh tật vì bị tù đày ở Côn Đảo. Trên bàn thờ di ảnh của người con trai duy nhất đã chết. Tất cả cũng vì dâng hiến cuộc đời chính mình cho cách mạng.Tôi không muốn phê phán con đường chính trị của ông, tôi chỉ muốn nói lên khía cạnh pháp lý và lương tâm của người đối với người. Phiên tòa không nhân chứng? những đồng đội đồng chí của ông ở đâu? Tại sao ông không có luật sư biện hộ? Sau này những người chủ chốt điều tra vụ án đã thố lộ rằng "vụ án ông Tuân nhiều điều chưa được làm sáng tỏ..." nghĩa là chưa có bằng chứng để buộc tội thì tại sao ông Tuân lại bị tuyên án 18 năm tù?
Akela Tuân ơi, đó không phải là Luật Rừng mà Baloo dạy cho Sói con để chúng sống còn giữa thú rừng hung dữ như trong "Sách Rừng Xanh" mà là "LUẬT RỪNG" của những người nhân danh cách mạng nhưng sẵn sàng phản bội đồng đội, đồng chí của mình.
Nguyễn văn Phiên
Sơn ca vui tính
Rocky Mountain 30 tháng 4 2018
Hồng Sơn Dã Mã
23 năm trước gia đình tôi đã qua nghĩ hè bên Pháp ba tuần. Trong thời gian này chúng tôi có dịp qua thăm Thụy sĩ.
Anh Tố, một người bạn, đã hướng dẫn cho chúng tôi đến bờ hồ Leman, Geneve và chỉ cho chúng tôi biết nơi mà Ông Võ Thành Minh đã dựng lều, nhịn ăn, thổi sáo để phàn đối việc chia cắt đất nước vào năm 1954.
Hồng Sơn Dã Mã là tên rừng Hướng đạo do ông tự đặt tại núi Bạch Mã, gần kinh thành Huế. Sau này ông hay dùng bút danh là Dã Mã, là ngựa hoang, phản ảnh trung thực con ngừơi của ông, lúc nào cũng muốn phiêu lưu, giang hồ đây đó và tự tìm lấy cho mình một con đường riêng, không theo ai...
1964 trên đường đi đến Đại Nội trong thành nội Huế để họp mặt hướng đạo và đón tiếp Trửơng VTM , tôi bắt gặp một người, khoác áo choàng đen, tay cầm gậy, bứớc đi hiên ngang như một hiệp sĩ. Thời đó tôi thích đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung nên ví ông như một Hồng Thất Công trong Anh Hùng Xạ Điêu.
Trong buổi họp mặt, trưởng VTM đã kể chuyện ông lang thang khắp Âu châu, làm mọi nghề để kiếm sống, có khi ông đến các bãi "nghĩa địa ô tô" ở Pháp, lượm lặt, lắp vá thành một chiếc xe hơi làm phương tiện di chuyễn... đó là hướng đi của hướng đạo, khó khăn nào cũng vượt qua.
Bài sáo mà ông thổi mang tên "Hận sông Gianh" không biế́t do ông sáng tác hay là người cùng chí hướng: "Đây sông Gianh đây biên cương thống khổ. Đây sa trường đây nấm mộ người Nam".
Trưởng VTM luôn được nhắc đến vì những sự giúp ích,nghĩ tới người khác trước, nhất là bênh vực người yếu và giúp đỡ người nghèo đúng như châm ngôn của một Hướng đạo sinh. Trong "Giải Khăn Sô cho Huế" của Nhã Ca, "ôn Minh" là người đi giữa hai lằn đạn để tải thương, tiếp tế cho dân trong vùng và cũng vì thế người Viêt nam ngang tàng, khí phách ấy đã vĩnh viễn ra đi trong Tết Mậu Thân 1968. Ông là đệ tử cuối cùng của cụ Phan Bội Châu.
Có người thương, cũng có người ghét vì sự trung lập của ông nhưng ông chỉ là người Việt Nam yêu nước, người Hứơng Đạo chân chính và là nạn nhân của buổi giao thời.
Nguyễn văn Phiên
Sơn Ca vui tính.
Rocky Mountain April-2018
Đường Việt Nam
Đường Việt Nam là hành trình đầy đau thương, đầy nhọc nhằn và sự quyết tâm vươn tới của người dân Việt chúng ta dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Đường Việt Nam cũng nói lên rằng dù phải đổ bao nhiêu là xương máu và nước mắt người dân Việt vẫn một lòng tiến bước, khai phá vùng đất mới để có một đời sống tốt đẹp hơn.
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
(Chí làm trai-Nguyễn công Trứ)
Đường Việt Nam cũng nói lên một sự lựa chọn,một thái độ bỏ phiếu bằng chân đi tìm tự do, tìm một đời sống nhân bản thể hiện tình người.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp Định Genève về Việt Nam được ký kết. Vĩ tuyến 17 đã là ranh giới chia đôi hai miền đất nước. Gần một triệu người miền Bắc đã rời bỏ quê hương di cư vào Nam.
Sau 30 tháng 4. 1975 hơn một triệu người, thuyền nhân và đường bộ đến định cư tại các quốc gia trên thế giới và hơn 400 ngàn người vùi thây ở biển Đông và núi rừng biên giới Thái-Miên.
"Ai từng đi trên đường Việt Nam.
Bước âm thầm và tim nát tan.
Bao lòng tham chất chứa đầy những mưu đồ bạo tàn đang ngăn lối.
Nhưng càng mưa giông càng vươn tới.
Bước chân hùng còn đi rất hăng.
Đi dựng lấy huy hoàng, giống da vàng này là vua đấu tranh..."
(Đường Việt Nam-Nguyễn Đức Quang )
Viết để tưởng niệm cố Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và kỷ niệm 40 năm vượt biển.
Nguyễn văn Phiên
Thuyền nhân
https://youtu.be/Aty2ht-Ewic
Đăng ngày 15 tháng 04.2020