banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Mùi của Tết

Đỗ Duy Ngọc



Hồi còn bé, tôi rất mong ngày Tết. Không phải vì Tết có nhiều món ăn ngon, cũng không phải vì những bộ áo quần mới, cũng chẳng phải Tết có được thêm tiền lì xì. Tôi mong Tết vì cái mùi của Tết. Cái mùi mà bây giờ lên hàng lão tôi khó tìm thấy đủ như những ngày xưa.
Trời đất, thiên nhiên bốn mùa đều có mùi của mùa. Mùa xuân có mùi của cây non trổ lộc, mùi của hương hoa. Mùa hạ có mùi của nắng, mùi của mồ hôi, mùi gió biển và mùi cá khô phơi tràn bãi cát. Mùa thu có mùi của lá vàng, của gió thu lướt trong không khí, mùi của nắng vàng mật ngọt. Mùa đông có mùi của bếp lửa, của bắp nướng, của chén khoai khô ngào đường và mùi của những cơn gió cắt da. Nó còn cái mùi của những chiếc áo ấm cất lâu trong tủ mang ra còn vương mùi long não. Mùi của Tết khác hẳn, nó không phải là mùi của bốn mùa gộp lại mà nó có mùi rất riêng. Tôi gọi đó là MÙI CỦA TẾT. Mùi này một năm chỉ có một thời gian rất ngắn rồi phai đi chờ đến Tết năm sau.
Trước hết, trong tôi là mùi của hoa. Đó là mùi hăng hắc độc đáo và nồng nàn của những chậu hoa vạn thọ mà Ba tôi rất thích bày khắp sân mỗi dịp Tết về. Những chậu hoa với những bông vàng rực, sáng cả một góc sân. Đó là hương của những cành hoa huệ trắng Mạ ưa cắm trong chiếc bình bằng đồng được đánh bóng sáng ngời đặt trên bàn thờ. Ngay phòng khách mùi hoa lay ơn đỏ Mạ cắm đặt ở bàn salon cũng có mùi nhè nhẹ. Đó là mùi thơm thoang thoảng của những chậu lan khoe sắc trên giàn ở bìa sân do nhiều người biếu Ba trong dịp Tết. Đó cũng là mùi thơm rất mỏng từ chậu mai vàng nhiều cánh nở bung được đặt trang trọng ở giữa nhà. Tất cả hương của những thứ hoa bàng bạc trong nhà báo hiệu đã cận Tết rồi.
Mùi của Tết còn là mùi của nhang, trầm khiến cho căn nhà ấm lại trong cái lạnh đầu xuân. Mùi nhang khói như sợi dây nối liền những người đã khuất với những người đang sống. Mùi để nhớ về, mùi của những cuộc đoàn viên. Cháu con thắp lên cây nhang, đốt lên ánh nến, mẩu trầm rồi vái lạy trước bàn thờ, trước di ảnh của ông bà, cha mẹ. Cái mùi nhang khói ấy theo mãi suốt một đời người.
Đó còn là mùi thơm của thau mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt khoai, mứt me Mạ làm. Cái mùi cháy của đường phảng phất mùi va ni cuốn hút thằng bé chực chờ được vét thau. Cái mùi và miếng mứt hơi cháy ở đáy thau theo thằng bé đi suốt cho đến tuổi già. Giờ không mấy nhà tự làm mứt nữa, tiệm, siêu thị bán đầy, chẳng mấy ai mất công ngồi đổ mồ hôi bên bếp lửa. Mạ tôi mất hai chục năm rồi, tôi không còn được thưởng thức món mứt của Mạ và cũng chẳng còn được nhìn dáng Mạ chảy mồ hôi bên nhiều thau mứt nữa. Bóng Mạ vẫn về trong ký ức mỗi độ Tết đến, xuân về.
Tết còn có mùi của các loại bánh in. Ngày xưa Mạ làm đủ loại bánh gói trong những loại giấy bóng màu. Mùi của bánh thơm thơm hương bưởi, hương va ni, mùi của bột. Tất cả đặt trong những chiếc khay gỗ quý khảm xà cừ. Nó còn là mùi của những chén chè đậu xanh, chè khoai tím chứa trong những chiếc chén sứ mỏng tang vẽ rồng men xanh, xếp từng dãy trên bàn. Còn mùi bánh chưng trong thùng sôi sùng sục đêm giao thừa, nó có thoảng nhẹ của mùi nếp chín, mùi của lá chín và mùi chi nữa không tả được và cũng chẳng quên được.
Còn mùi của thịt heo luộc, thịt heo ngày xưa luộc chín có mùi thơm của thịt mà bây giờ khó tìm thấy nữa. Thịt luộc chín ăn đã ngon, ngâm vào nước mắm lại càng ngon. Ngâm đến khi thịt biến màu sẫm, mỡ trong màu hổ phách. Lúc đấy miếng thịt heo ngâm nước mắm lại mang mùi khác. Không phải mùi của thịt jambon, thịt nguội mà là mùi đúng chất Việt Nam bởi nó thấm đẫm mùi nước mắm Việt qua tay chế biến của người phụ nữ Việt. Cũng phải kể đến mùi của món bắp bò ngâm nước mắm nữa. Và cũng không quên tảng thịt heo quay thơm lạ lùng với những mảng da dòn tan. Đó là chưa kể đến mùi thơm của những đòn chả nóng, xâu nem chua, những cây tré đượm mùi riềng.
Rồi đến mùi hăng hăng của kiệu. Phơi một nắng, kiệu bỏ vào lọ giấm lại có mùi khác. Thêm mùi của dưa món, ngâm chín tới mà ăn với bánh chưng, bánh tét mới thấy hết cái ngon của dưa món. Một sự hoà điệu tuyệt vời.
Nó còn là mùi của những bếp than hồng đỏ lửa trên đó có nồi thịt kho tàu với trứng, trên đó có nồi cá kho thơm phức mùi nghệ, trên đó có mùi cá nướng, cá chiên chuẩn bị bữa cúng rước ông bà.
À còn mùi của những loại rau. Rau thơm miền Trung nhỏ lá nhưng thơm hơn nhiều vùng lá to mà tinh dầu kém. Món chi ăn cũng có rau kèm, ngày Tết ăn nhiều dầu mỡ lại càng cần rau.
Ngày xưa còn có mùi pháo. Mùi mang âm hưởng Tết nhiều nhất. Nghe mùi pháo là biết Tết đã tới rất gần. Đêm Giao thừa, trong khoảnh khắc giao thoa giữa cái cũ và cái mới, trong không gian thiêng liêng, mùi pháo, tiếng pháo báo hiệu Tết tới, thể hiện không khí rộn ràng của một năm mới, đón chào những thành công mới. Chỉ tiếc giờ đây Tết không còn pháo. Không tiếng nổ của pháo nên mùi của Tết thiếu đi một nửa khi không còn mùi pháo. Đứa bé ngày xưa chỉ giữ mãi hình ảnh những phong pháo nổ dòn và cậu bé hân hoan lượm pháo lép trong mùi nồng nặc của khói pháo. Tội nghiệp những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên khi Tết không còn pháo. Trong ký ức của chúng không có mùi của pháo. Không được nghe những tiếng nổ giòn giã và xác pháo hồng ngập sân.
Mùi của giấy tiền, vàng mã cũng là mùi của Tết dù ngày giỗ chạp cũng thường đốt loại này. Nhưng ngày Tết thì mùi này có khác hơn, đượm mùi thiêng liêng, trân trọng hơn. Lại nhớ Ba mỗi lần đốt vàng mã, Ba bắt phải đốt cháy hết thành tro, Ba bảo không thể cúng cho ông bà áo quần, tiền vàng rách vì chưa cháy hết.
Cuối cùng là mùi của những dĩa trái cây, mỗi loại trái có một mùi riêng, tổng hợp lại thành mùi hoa quả ngày Tết đến.
Mùi của Tết là sự tổng hoà của nhiều mùi mà chỉ có ngày Tết mới có. Nó không chỉ là mùi của những vật phẩm. Nó còn là mùi thiêng liêng đi theo suốt quãng đời của mỗi người. Có thể mỗi gia đình, mỗi dòng tộc có mùi Tết riêng nhưng tựu trung mùi của Tết là mùi khó quên nhưng giờ khó tìm cho đầy đủ cái mùi ấy như những ngày xưa cũ.
Chẳng còn bao ngày nữa lại đến Tết. Nhắc mùi của Tết lại nhớ Ba, nhớ Mạ, nhớ những người đã mất quá chừng. Nỗi nhớ trào nước mắt.
4.1.2023
( Đã 13 tháng chạp Nhâm Dần, 17 hôm nữa là Tết)
DODUYNGOC

https://www.facebook.com/doduyngoc


Vui buồn ngày cuối năm 2022

Peter C. Tran


Hơn 2 tháng nay Mười Lúa tui chơi FB một cách “cầm chừng”, bởi vì hai con mắt có vấn đề, lại quá xá bận rộn, và hơi mất hứng đôi chút! Nghĩa là bỏ hẳn thì không bỏ, mà chơi hết mức ăn thua như ngày trước thì hoàn toàn không! Cả hai tháng không viết một chữ nào để post lên FB.  Chỉ năm khi mười hoạ tui mới share lại một bài cũ mèm mà thằng rể Tàu nó nhắc, để bạn bè biết Mười Lúa còn chưa chết. Trên dưới 7 bó, dễ chết lắm! Thấy ai đó vắng mặt vài tuần, thì có khi đã mua vé “one way ticket” đi biệt kinh kỳ rồi!
Ngày cuối năm, con cái nghỉ lễ và mấy đứa cháu cũng nghỉ winter break hai tuần, nên cả nhà vẫn còn ngủ nướng. Mười Lúa không nướng được! Mười Lúa sống trong nhà tu 7 năm, mọi sinh hoạt đều đúng giờ, theo tiếng chuông hiệu, riết rồi cái thói quen rất nề nếp, rất đúng giờ, nó ăn vô tới xương. Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 7 giờ sáng là thức dậy chuẩn bị đưa cháu đi học, thì dù không vặn đồng hồ báo thức, Mười Lúa cũng mở mắt y bon 7 giờ. Ngày lễ, ngày nghỉ của tụi nhỏ, ông già cũng cứ 7 giờ là thức. Thức, đánh răng, làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng,... cứ y rang như vậy, ngày này qua ngày khác, ngày nào cũng y rang vậy!
Buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, trời California đang mưa thúi đất, Mười Lúa lặng lẽ ngồi ăn sáng mình ên: Hai miếng bánh mì nướng, một cục laughing cow cheese, một ly sữa cà phê, và một trái chuối già cui. Ngày nào cũng vậy, ăn sáng nhứt định phải có một trái chuối và ly sữa cà phê. Bánh mì thì có thể thay bằng bagel với cream cheese, hay một tô mì có bỏ thêm hai cái trứng,... Chuối là món tủ, cần để chống căn bịnh bị chuột rút vì nó có hàm lượng Potasium rất cao. Chuối phải chín mùi, có điểm vài chấm nâu nâu như trứng cúm múm mới ngon, chớ còn ươm ướp, chua chua chát chát là tui không rớ! Sữa cà phê là món uống vừa khoái khẩu, vừa gợi nhớ một trời kỷ niệm tuổi thơ. Người ta uống cà phê sữa (cà phê nhiều, sữa ít), còn tui uống sữa cà phê (sữa nhiều, cà phê ít), bỏ thêm vài muỗng coffee mate creamer có mùi thơm hazelnut! Cà phê thơm lắm, ngon lắm, nhưng cơ thể tui không thể nào chịu được chất caffeine. Uống một ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” kiểu VN, con người sẽ sơ vơ sửng vững cả ngày, và tim đập đùng đùng như trống thúc quân, thà chết sướng hơn! Cho nên chỉ có sữa đặc, pha thêm chút cà phê cho thơm, mà phải loại decaf (decaffeine) mới chịu thấu! Hỏng biết trên đời này có thằng đàn ông nào dở như tui không ta!?
Con gái biết ý thích của ba nó, nên trong nhà lúc nào cũng có chuối, bánh mì, bagels, cream cheese, decaf coffee, coffee mate hazelnut, và phô mai đầu bò. Cả đời thương yêu, lo cho con cái đủ thứ. Tới tuổi xế chiều, chỉ cần con nó để ý lo cho mình những thứ rất cỏn con như vậy, đủ biết nó thương mình, có để ý đến mình, là ông già thấy “sướng rên mé đìu hiu” rồi! Già dễ buồn, dễ giận, cũng dễ vui, và nhất là cũng dễ dụ, dễ dỗ ngọt lắm!
Vừa ăn vừa check email, vừa check FB. Thấy ghiền viết quá trời! Vậy là bật máy lên viết, được chữ nào hay chữ đó. Coi như khai bút đầu năm và viết cho tay chưn đỡ ngứa ngáy, chớ chưa biết phải viết cái giống gì!
Rồi, ai thích chuyện tào lao thì mời bưng ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” ra đi. Vừa nhâm nhi vừa đọc chơi. Mệt cứ nghỉ. Mười Lúa viết tới lúc tối con mắt cũng nghỉ. Thôi thì cứ viết đại vài chuyện vui buồn cuối năm.
Viết chuyện vui trước, chuyện hỏng vui viết sau.

1. Vui

Niềm vui lớn
Không biết các cụ nghĩ sao, chớ lão đây chỉ cần nhìn bầy con bốn đứa, dâu, rể, và một bầy cháu nội ngoại tề tụ về đông đủ trong hai ngày Thanksgiving và Christmas là vui rồi, vui lắm.
Bốn mươi sáu năm về trước, chỉ có hai mống, một trai tân, một trinh nữ, tuổi đời trên dưới đôi mươi, mặt còn búng ra sữa, lòng dạ trắng trong như nước lóng phèn, nắm tay nhau bước vào đời! Trai tân và trinh nữ 100% chớ hỏng có xạo đâu! Động phòng cứ loay quay hỏng biết chuyện nào trước chuyện nào sau! Thôi! Nhiêu đủ rồi! Cấm viết tiếp!...
Gần nửa thế kỷ sau, bi giờ hai cụ già xấp xỉ 70, bận tối tăm mày mặt trong bếp, nấu nướng vài món chờ bầy con và đám cháu về sum họp. Từ một gia đình nhỏ hai mống, bây giờ gom lại thành một đại gia đình 18 cái đầu, lớn nhỏ, già trẻ, gái trai, (tính cả dâu rể)! Cứ theo đà tăng trưởng cấp số nhân này, có thể vài trăm năm nữa, Mười Lúa sẽ trở thành “tổ phụ” của một tộc “Húp Nước Mắm” ở cái xứ giãy hoài hỏng chết này! Nghĩ nhiêu đó, lại thấy lòng vui khôn tả! Khà khà khà!
Người xấu miệng cứ nói “Chúa phạt mấy tên tu xuất”! Trật lất! Chúa nào phạt những kẻ đã bỏ hết tuổi thanh xuân, đi theo tiếng gọi của Ngài? Nhắm tu hỏng nổi nữa, thì xin Chúa để nghỉ tu, vậy thôi! Gia đình Mười Lúa chưa có “đông như sao trên trời, như cát dưới biển”, như Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham, nhưng chỉ 46 năm mà đông vậy, thì đâu phải ít, và làm sao nói Chúa không thương tui!? Quan trọng hơn hết, con cái dâu rể đều là những người thành đạt, có ích cho xã hội. Không có đứa nào “báo đời” hết! Nhìn gia đình đứa nào cũng hạnh phúc, khoẻ mạnh, công ăn việc làm đều vững chắc, có “nhà cao cửa rộng”, có thu nhập cao, không lo đói, không lo lạnh, không cần kiếm ông bà già này để xin tiền, mượn tiền,... là vui lắm rồi! Đó, niềm vui lớn nhứt của một “tổ phụ” tương lai là đây, chớ còn đâu nữa?
Ngày cuối năm, lời nguyện của Mười Lúa vẫn là dâng lời cảm tạ Chúa, đã thương Mười Lúa quá sức! Thói quen cầu nguyện của tui là “cảm tạ”, chớ không “nài xin”, bởi vì tui luôn cảm nhận Chúa đã và đang ban cho tui nhiều hơn tui mong ước. Thanks God forever and ever.

Niềm vui nhỏ
* Hai vợ chồng cậu con trai đang mở tiệm cắt tóc cho trẻ em, tên là Sharkey’s Cuts for Kids. Đây là một Franchise (chuỗi cửa hàng), cắt tóc cho con nít. Con nít vô đây được chăm sóc như VIP, nên đứa nào vô một lần sẽ đòi cha mẹ trở lại hoài. Ai cưng con, chìu con, sẽ vui vẻ móc túi để có được dịch vụ VIP và nhứt là mua những nụ cười của các thiên thần nhỏ của mình! San Jose City làm việc chậm hơn rùa, nên xin phép gần một năm vẫn chưa xong! Có thể phải cuối mùa xuân, đầu mùa hè nầy mới khai trương được.
* Hai vợ chồng con gái Út thì đang chờ khai trương tiệm BAMBOO. Cũng là Franchise, kinh doanh các loại đồ ăn vặt và nước uống như BOBA. Chủ yếu moi tiền đám trẻ đang dung dăng dung dẻ tay trong tay! Tình nghèo, không tiền, đãi nhau bằng một ly chè, một ly trà thập cẩm, vậy là đậm tình rồi!
Chưa khai trương, nhưng cô Út đã “order”: Khi nào con mở tiệm, Daddy có giúp con giữ hai con vịt đẹt của con để con đi coi tiệm, được không Dad? Dĩ nhiên là được. Hai đứa cháu ngoại nhỏ xíu như hai “Nàng Út trong ống tre” của tui nó vừa đẹp, vừa nhí nhảnh, vừa dễ thương, miệng líu lo cả ngày như hai con sáo! Ôm nó suốt ngày cũng không chán! Nhỏ chị 4 tuổi, nói đớt đát, đếm “one, two, three, so, sai” nghe cười bể bụng vì nó không phát âm được chữ f nên four thành so, và five thành sai! Còn con em, mới hai tuổi, nói bập bẹ. Mẹ nó biểu nó làm cái gì nó không thích, thì nó trả lời: “Đu sèo!” Ý nó muốn nói: Mom, You do it yourself! Don’t ask me! Nghe nó nói “đu sèo” là muốn ôm nựng không buông! Ôi! Những thiên thần nhỏ của ông!
* Một món quà quí từ VN. Quí từ giá trị món quà cho đến tấm lòng của người tặng, và tấm lòng của người mang dùm nó từ VN sang Mỹ. Đây là món quà Giáng Sinh rất ý nghĩa. Đó là quyển sách mang tên VỌNG, của chú Nguyễn Chương vừa xuất bản ở VN. Chú Chương, chắc không lạ trên mạng FB, vì chú post rất nhiều bài viết giá trị.
Ai nói FB là mạng ảo? Nhờ nó mà tui quen được rất nhiều người bạn rất tốt. Chú Chương và ông bạn Long Khuu là một ví dụ. Chú Chương ở tận xứ Đông Lèo, còn anh Long là láng giềng. Anh Long đang du hí Sì Gòn. May quá, tui hú ảnh, nhờ ảnh giúp nhận quà dùm. Tui nghĩ chắc ảnh phải nói chị Huệ lấy bớt ra nửa ký khô cá sặc rằn trong thùng hành lý, để nhét cuốn VỌNG vào! Đã vậy, bay về Mỹ, còn biếu tui một hộp bánh phồng tôm và 4 con khô cá sặc rằn.
Khi nào có kiếng mới, thị lực trở lại bình thường, tui sẽ “nuốt” hết cuốn VỌNG  vô đầu, sẽ viết một bài về VỌNG và viết nhiều hơn về tác giả.
Mười Lúa cám ơn chú Chương đã đề tặng VỌNG một cách rất trân trọng. Cám ơn anh Long, cám ơn chị Huệ đã chấp cánh cho VỌNG bay sang Mỹ. Cám ơn anh chị luôn món khô sặc rằn và bánh phồng tôm. Món quà quí nhất không chỉ ở giá trị của món quà, mà nó còn ở tấm lòng, và nhứt là cách tặng.

2. Chuyện hỏng vui
“Cuốc đất trồng khoai, quạ vô ăn chuối” là cái câu bọn trẻ tụi tui sửa lại từ “phước bất trùng lai, hoạ vô đơn chí”. Những ngày cuối năm coi bộ “họa” ghé thăm tui tới hai bận! Để tui kể chuyện “người mù chăm sóc người què”.

Người mù
Tôi vừa trải qua một cuộc giải phẫu mắt cườm (cataract surgery) khá gian nan và cũng có phần nguy hiểm. Viết để những bô lão sắp mổ mắt đọc cho biết con đường phải đi. Viết để mấy “cháu” tuổi sồn sồn, nửa chừng xuân, trên dưới 50, già chưa già mà trẻ thì không còn trẻ, có thể mắt sắp mờ, tay chưn sắp không biết nghe lời cái đầu, đọc cho biết con đường mình sắp đi. Viết để đám trẻ mắt còn sáng như đèn pha, đọc để biết con đường mình sẽ đi, hằng ngày biết trân quý đôi mắt, biết bảo vệ mắt, và nhứt là biết tạ ơn Thượng Đế, vì đã cho mình còn liếc ngang liếc dọc được một cách ngon lành!
Hai con mắt tui nổi chứng, không chịu làm việc cả năm nay! Gần 70 năm nhìn ngang, liếc dọc, nhướng, nháy, đá lông nheo các kiểu,... chắc nó cũng mệt nên nằm vạ, biểu tình, và sắp sửa đình công luôn! Nhìn con mẹ hàng xóm lờ mờ như nhìn “Bóng người trong sương mù” trong câu chuyện của Nhất Linh, thì làm sao còn dám lái xe! Đành phải đi tu bổ, nhờ BS ra tay lột cườm cho đời màu hồng trở lại.
Tưởng là mổ xong, chỉ vài ngày, là nó sẽ sáng như đèn pha xe hơi, nhìn thấu cái gì cũng thấu, nhưng không phải. Sau khi mổ, tui chỉ có thể nhìn gần, còn nhìn xa thì tệ hơn lúc lúc chưa giải phẫu! Mà nhìn gần cũng mờ căm! Ngay cả bước đi cũng không tự tin, vì có cảm giác như mình sắp hụt chân vậy! Tui nghĩ là con mắt sau giải phẫu, chắc cần có thời gian để lành, để phục hồi thị giác, nên không lo lắng chi cho mệt.
Nhìn xa không rõ. Đi không vững. Nhìn gần tàm tạm OK, cho nên trong một tháng liền sau giải phẫu, chỉ nằm trong phòng nghe nhạc, lướt mạng, và viết. Trong một tháng nằm chơi sơi nước đó, Mười Lúa nghe nhạc đã đời, đọc đã đời, và viết cũng phá kỷ lục. Trung bình một tháng Mười Lúa viết chừng hơn1 bài “Chuyện Tào Lao”. Vậy mà tháng đó, viết 5 bài Chuyện Tào Lao, và thêm 6 bài với những đề tài khác! Chỉ ăn, ngủ, nghe nhạc, đọc, và viết. Không lo lắng ưu tư gì hết. Cuộc đời trong một tháng đó nó đã gì đâu! Đã hơn cái ông kia, cả ngày chỉ biết “Sáng leo trèo núi, tối mò hang”; cả ngày chỉ húp “cháo bẹn, canh mu”, bậy, “cháo bẹ canh măng”! Ai hỏng biết “điển tích” này thì đi mà hỏi con nhỏ Google nghen!
Đúng một tháng sau, đi tái khám. Lòng đinh ninh rằng, chắc tái khám cho có lệ, BS chỉ cần đo mắt, cho mình toa để cắt tròng kiếng là xong. Không! BS nói nó không ổn! Cả hai con đều có vấn đề! Cắt kiếng mới cũng không thay đổi được gì! Phải gặp lại BS chuyên khoa đã giải phẩu, để BS đó chữa tiếp. Có thể sẽ phải làm lasik eye surgery gì gì đó! Bad news! Buồn chút. Lo hai chút! Lỡ mù luôn thì sao ta!?
BS chuyên khoa giải phẫu mắt thời này đắt giá, đắt hàng quá, nhứt là sau cái vụ cúm Tàu xảy ra, bệnh nhân xếp hàng dồn cục, họ mổ không xuể! Hẹn đúng một tháng nữa mới gặp được BS! Trời! Nghĩa là một tháng vô tích sự nằm chờ nữa! Chờ trong tâm trạng lo lắng, chột dạ thì thiệt là không có tâm tình hay hứng thú gì để viết hay làm bất cứ chuyện gì! Một tháng này sẽ khó nuốt, khó qua lắm! Một người năng động như Mười Lúa mà ngồi một chỗ chịu sao nổi? Còn chưa biết khi gặp BS thì cần chữa kiểu gì, chữa được hông, hay đui luôn!? Kệ! Tới đâu tính tới đó! Lo cho lắm, tắm cũng ở truồng!
Một tháng trôi qua chậm chạp. Sau cùng cũng tới ngày gặp BS. Cô BS trẻ hiền lành, vui vẻ, dễ thương này đã giải phẫu cho mình. Cô ta trấn an rằng “It will be fine after this lezik treatment!”. Nói rằng lazik eye treatment, chớ thật ra họ chỉ dùng máy bắn bụp bụp bụp chừng 10 lần vào mỗi con mắt trong vòng vài phút thôi. Không hề có bất cứ cảm giác khó chịu gì cả. Sau đó lại phải chờ thêm 3 tuần nữa cho hai con mắt hoàn toàn bình phục, mới hẹn cắt kiếng được!
Tính đến hôm nay đã hơn 3 tháng sau khi giải phẫu mà hai con mắt vẫn chưa ổn. Đang chờ từng ngày cái kiếng mới, mà vẫn biệt tăm con cá! Mắt vẫn kèm nhèm, đọc chữ đực chữ cái, mà viết thì càng khổ hơn, vì chỉ dùng “nhứt dương chỉ”.  Đánh máy bằng hai ngón trỏ, buộc phải nhìn keyboard mới đánh được. Mắt mờ nên thọt cứ cà trật cà vuột hoài!
Sáu tháng waiting list chờ tới lượt giải phẫu. Ba tháng trôi qua con mắt vẫn chưa bình phục! Như vậy là đã gần một năm tui vật lộn với hai con mắt mà vẫn chưa biết thắng thua!
Chuyện giải phẫu mắt cườm xem ra không có gì đáng để viết nếu mọi sự diễn ra một cách ngon lành. Hàng triệu triệu người già giải phẫu hàng năm đều thành công. Nên nhớ, giải phẫu nào cũng có nhiều nguy cơ (risks). Giải phẫu mắt cườm không ngoại lệ. Cái nguy cơ lớn nhứt lão đọc, cũng thấy phát sợ: Mù! Sợ rồi không giải phẫu sao? Không giải phẫu thì hai con mắt sẽ không ngừng kéo mây, tới một lúc nào đó không còn thấy đường, nghĩa là cũng sẽ mù thôi! Mù chắc luôn! Giải phẫu thì cơ hội sáng mắt cao gấp triệu lần không giải phẫu, cho nên giải phẫu là một chọn lựa, theo nguyên tắc “giữa hai thứ xấu, ta chọn cái xấu ít”. Nếu tui bị mù, tui sẵn lòng chấp nhận, vì đó là một chọn lựa có nguy cơ tiềm ẩn mà tui đã biết trước.
Giải phẫu mắt nó cũng giống như chúng ta uống thuốc để trị bịnh. Thuốc nào cũng có phản ứng phụ (side effects), nhưng không uống thì sẽ chết chắc! Uống thuốc cao máu lâu năm có thể đưa tới bệnh khác (tiểu đường?), nhưng không uống thì cái cơ hội chết vì bứt gân máu có thể xảy ra sớm hơn, xảy ra bất cứ lúc nào. Uống thuốc trị cao máu, đưa đến bịnh khác, thì BS sẻ trị tiếp căn bịnh mới,... Nhạc mẫu tui ngày sang Mỹ mới 60, với nhiều thứ bịnh trong mình. Uống đủ thứ thuốc nên  bà vẫn khoẻ mạnh tới nay. Bà sắp mừng đại thọ 90. Nếu trong 30 năm qua không có thuốc, thì liệu bà có thọ được vậy không? Chắc không!
Đứng trước nguy cơ sẽ không còn nhìn thấy, người ta mới thật sự cảm thông và thương người khiếm thị hơn. Người đọc hãy thử nhắm mắt lại, rồi mò mẫm lần từng bước coi có dễ không? Sẽ té dập mật, u đầu sứt trán, cho dù mọi ngõ ngách trong căn nhà ta đã sống nhiều năm, ta đều biết rõ như con ong biết đường đi lối về! Nếu bây giờ mình không còn nhìn được mặt của người thân, không thấy được bất cứ thứ gì trên đời, thì ta sẽ khổ đến mức nào? Sẽ khổ hơn người bị khiếm thị bẩm sinh, bởi vì ta mất cái thứ ta đã có, còn người khuyết tật bẩm sinh chưa từng có nó! Chúng ta may mắn sinh ra lành lặn, không bị một khuyết tật bẩm sinh nào, đó là một hồng ân. Hãy thương yêu những người kém may mắn hơn ta. Hãy giúp đỡ họ. Đừng ganh tỵ khi họ được một ưu tiên nào đó mà xã hội dành cho họ. Hãy dạy con cái đừng vô tâm cười cợt, chế diễu những khuyết tật của người khác. Giáo dục Mỹ dạy điều này rất kỹ, còn VN, thua!
Hãy tạ ơn Thượng Đế đã ban cho mình một cách nhưng không, vô điều kiện đôi mắt. Có được một đôi mắt đẹp, liếc một cái khuynh thành đổ nước, chớ có làm tàng, đừng chảnh điệu, ngược lại càng phải tạ ơn Ngài vì đã cho mình trúng lô độc đắc. Lỡ có một đôi mắt hí, lé, lồi, lõm,... cũng đừng buồn phiền, oán trách trời đất, mà hãy tạ ơn, vì mình ít ra cũng thấy đường. Không là lô độc đắc như kẻ có đôi mắt phụng, thì cũng là lô thứ nhì đó! Đừng quên những người bất hạnh, khiếm thị bẩm sinh, họ không trúng lô nào, dù là lô an ủi. Tại sao Ngài không cho họ trúng số? Hỏng biết! Có thể Ngài để cho những người trúng số biết mở lòng mình ra với kẻ bất hạnh chăng?
Ai sắp đi mổ mắt thì nghe tui dặn: Mổ mỗi lần một con, đừng có chơi luôn hai con như tui. Lỡ mù một con cũng còn một để xài đỡ! Mổ hai con, có mù là coi như đứt vốn vĩnh viễn. Nguy cơ bị sét đánh vô cùng nhỏ! Trúng số độc đắc còn khó hơn nguy cơ bị trời đánh! Vậy mà cũng có người bị trời quánh chết, và cũng có người trúng lô độc đắc đó! Mổ cườm cũng có nguy cơ, tuy không lớn, nhưng có nghen!

Người què
Cách nay hơn tháng, tui rủ nàng đi bộ cho giãn gân giãn cốt vì nhốt mình trong nhà hoài sắp điên tới nơi.
Con mắt tui sau khi bắn lezik có tiến bộ hơn nhiều. Nhìn xa thấy rõ hơn, không cần kiếng, cho nên bắt đầu lái xe lòng vòng trong đường làng, và đưa rước mấy đứa cháu đi học được. Free way thì vẫn chưa dám lái. Thỉnh thoảng tui còn cảm giác bước thấp bước cao như mình sắp bước hụt chân, nên sợ té lắm, nhưng vẫn đi lại được! Tui cẩn thận từng bước, như đàn bà mới sinh sợ “lọt đom”  (sa tử cung) vậy. Tuổi này mà té thì xương nào cũng lọi! Nàng thì bình thường, bước chân vẫn thoăn thoắt như hồi tụi tui mới hẹn hò!
Chuyện đời coi vậy mà hỏng phải vậy! Hai lão già đang dung dăng dung dẻ trên lề đường, nàng vấp chân một cái, té chúi nhủi trên mặt đường! Tay phải chống đỡ nên nứt xương ngón út và ngón áp út ngay chổ tiếp giáp với bàn tay, còn bàn tay thì dập bầm tím, với một vết cắt tét da sâu quắm, chảy máy khá nhiều. Phải kêu xe cứu thương. Mất gần một ngày ở nhà thương cho họ băng bó, chụp hình. Sau đó phải băng bột cả tháng trời! Đau lắm! Chữ “đau thấu xương” người nhà quê thường nói, bây giờ nàng mới hiểu là đau cỡ nào! Nàng nổi tiếng chịu đau giỏi hơn tui ngàn lần. Tui đau một chút là sứt mồ hôi hột! Nàng chuyển bụng bốn đứa nhỏ, chưa hề thấy nàng nhăn mặt hay than đau. Mổ ruột thừa cũng không thấy nàng than đau! Vậy mà chỉ gãy ngón tay, vết thương coi như chơi, nhưng nàng đau đến bàn tay run lên như người ta bị lạnh đánh bù cạp, không kềm chế được. Đau đến không ngủ được dù có thuốc cầm đau! Tui biết nàng đau dữ lắm! Tội nghiệp hết biết, nhưng chia vui, chia buồn thì chia được chớ chia đau cách nào mà chia với nàng? Tui chỉ an ủi:
- May là em chỉ bị thương mấy ngón tay và bàn tay thôi, chớ nếu không chống được, té úp mặt, đầu bị thương thì biết nó sẽ ra sao? Vậy là cũng còn may lắm rồi!
Tui vuốt ve thêm một câu nữa:
- Em vẫn cầu nguyện xin Chúa gìn giữ bốn đứa con và bầy cháu, rằng: “Có bất cứ tai ương nào, xin Chúa đổ lên mình con, con chịu hết, đừng cho chúng gặp tai ương nào cả!” Em coi như Chúa đã nhận lời cầu của em đi. Coi như em đang gánh tai ương thay cho bầy con và đám cháu đi,....
Tôi luôn có cách suy nghĩ cái gì cũng theo hướng positive (tích cực). Cái triết lý luôn trúng số, tui đã từng viết trước đây (#trungso) luôn theo tui từ hồi có trí khôn đến giờ. Cứ nhìn xuống, hay nhìn những thứ tệ hại hơn để biết mình luôn may mắn, luôn trúng số. Không lô độc đắc thì cũng là lô an ủi. Té gãy tay là một điều tệ hại, nhưng nếu dập mặt, bể đầu,... thì càng tệ hại hơn. Như vậy cũng là may mắn, là trúng số, dù là lô an ủi. Chắc Chúa Bà cũng không muốn ai gánh tai nạn cho ai đâu, nhưng cứ nghĩ các Ngài đã nhận lời cầu xin của mình, có phải lòng mình thấy vui hơn, cam lòng hơn, nhứt là thấy tình yêu mình dành cho con và cháu thăng hoa hơn không? Chịu đau vì gánh đau cho người mình thương yêu, thì cái đau sẽ giảm liền tức thì, đúng không? Đó cũng là một liều thuốc, tuy không trị được vết thương, nhưng tui tin nó cũng giúp làm giảm đi cơn đau cho nàng!
Tui không thích cái lối “sát muối vào vết thương” người khác, của VN chút nào cả. Thấy con cái té đau khóc điếng, thay vì vuốt ve, vỗ về, thì la thêm: “Sao không cẩn thận? Con mắt để ở đâu? Sao tâm hơ tâm hất như vậy? Tao đã biểu phải cận thận mà không nghe! Đáng đời! Đáng kiếp!...” Thấy người đi đường vấp ngã, té xe,... xúm nhau cười hí hả, cũng là một thể loại tương tự!
Chơi những trò chơi mất dạy như giựt ghế cho người ta té ngửa, gạt chân cho người đi vấp té, xô họ xuống nước... hay những trò tương tự, tui thấy hàng ngày trên Tiktok, Reels. Nó nói lên tư cách và lòng dạ bất lương, thích cười cợt trên sự đau đớn của người khác! Đem cái lé, cái lùn, chân đi cà thọt, bóng... của người khác để làm trò cười trên sân khấu của mấy anh hề, cũng là một hình thức vô văn hoá, bởi vì đâu có ai sinh ra đời mà “ao ước” bị những dị tật đó! Người ta khổ, bị mặc cảm, mình còn sát muối vào nỗi đau của họ, thì không gọi là vô tâm, là tàn ác, thì gọi là gì? Đừng làm những clips như vậy! Đừng coi, đừng ấn like những clips vô văn hoá, tàn ác như vậy!

Trở lại chuyện đang viết dang dở.
Như vậy là từ nay “bất cứ chuyện gì” nàng không thể làm, thì tui sẽ làm hết cho nàng. Nghĩa là người mù sẽ săn sóc cho người què. Đó không chỉ là bổn phận làm chồng, mà nó còn là lời thề hứa có Chúa, có cha chủ tế, có dòng họ hai bên chứng giám trong ngày lễ kết hôn trong thánh đường, gọi là Lễ Hôn Phối.
Để tui mở cái ngoặc viết chút về nghi thức này. Trong lễ cưới của tín hữu Công giáo, chú rể/cô dâu đều long trọng thề hứa rằng:
“Anh, (Giuse Trần Quang Khải) xin nhận em (Maria Phạm Thị Bích Ngọc) làm vợ của anh và hứa giữ lòng chung thuỷ với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu. Anh sẽ yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh.” (Cô dâu cũng đọc y chang lời thề hứa này, chỉ thay tên và cách xưng hô).
Tôi không rành nghi thức của các tôn giáo khác ra sao. Riêng với nghi thức CG, thì đó là lời thề ước, là một sợi dây thiêng liêng ràng buộc đôi trẻ rất chặt, chớ không phải “khi vui thì đậu, khi buồn thì bay”! Phép Hôn Phối còn đòi hỏi đôi trẻ phải học một lớp Giáo Lý Hôn Nhân, cho dù có một bên không muốn theo đạo. Họ cần phải hiểu rõ rằng, hôn nhân CG là tình yêu vĩnh viễn, là trọn đời, trước khi họ quyết định chọn lựa.
Bốn mươi sáu năm ăn cơm vợ nấu. Nay tay nàng bị thương như vậy, tui thay nàng, nghĩa là tui nấu! Cái ngôi “vua nhà bếp” giờ truyền cho tui! Thú thiệt, Mười Lúa xưa nay vẫn “làm phách” rằng chuyện gì cũng làm được, nay phải “xuống nước”, đầu hàng cái “ngôi vua” này! Thợ mộc, thợ điện, thợ sửa xe, thợ ống nước,... cái giống gì tui cũng làm, làm giỏi là đàng khác, nhưng nấu nướng thì thiệt là rất khó, rất cực khổ, và hỏng vui chút nào! Nó khó nuốt vô cùng tận! Nó không nặng nhọc, không mệt chảy mồ hôi, nhưng đủ thứ lỉnh kỉnh, mất thì giờ khủng khiếp, và cái khó nhứt là nấu rồi người ăn có nuốt trôi hay không?
Nội cái chuyện xắt xả, bằm xả, tui học hoài vẫn không cách gì nhuần nhuyễn như bả. Tui ghét nhứt, thù nhứt cái môn xắt xả. Xắt thịt, xắt hành, xắt bắp cải, cái gì cũng không thích, nhưng ghét nhứt là xắt xả! Coi mấy tay đầu bếp họ xắt bất cứ giống gì cũng nhẹ nhàng, nhanh gọn, dễ như chơi! Xắt không cần nhìn mà nhanh, mà đều, trăm miếng như một! Bả xắt cái giống gì cũng ngọt y như đầu bếp xịn, còn tui thì chỉ sợ mấy ngón tay văng ra theo mấy miếng xả! Bả chỉ tui cách cầm dao, cách cầm mấy tép xả, cách nhấn cái dao xuống, cách nhích tay theo nhịp cắt,... nhưng tui học bao nhiêu lần, bao nhiêu lâu vẫn tối dạ! Cứ cắt từng nhát, sợ cắt luôn mấy ngón tay! Tay trái vịn mấy tép xả, cắt chừng chục dao là mỏi rả rời! Cứ cắt chừng vài dao lại ngừng để di chuyển tay trái, hong thôi cắt vô tay! Ôi! Sao mà nó khó tới như vậy chớ? Cưa ván, đóng đinh, bắt điện, đào đất,... đâu có khó dữ thần thiên địa như vậy?
Chặt thịt tui dùng hết 12 thành công lực, bổ xuống một cái rầm, thịt văng mỗi miếng một nơi, còn cái thớt thiếu điều nứt ra làm hai! Đập tỏi cũng cái bốp, dở dao lên, không thấy miếng nào dính lại trên dao trên thớt! Nó dẹp lép, banh tành, văng dính tới vách tường! Bả phải dạy chặt thịt làm sao, đập tỏi kiểu gì, dùng sức cỡ nào,...
Nêm nếm thì bả đứng kế bên dùng tay không bị thương múc gia vị bỏ vô. Tui chỉ trộn, chỉ xốc, mà cũng hỏng nên thân: Thịt, rau, cứ đua nhau nhảy khỏi chão, khỏi nồi, rớt ùm lum tế lê trên bếp! Nấu xong một bữa ăn, ngoài rửa một đống nồi ơ xoang chão chén bát, Mười Lúa còn phải lau chùi cái lò bếp! Chỉ duy nhứt một món tui có thể tự làm mình ên, không cần bả “chỉ đạo”, đó là món sườn ram mặn! Chỉ khoe được nhiêu đó!
Tui không phải loại đàn ông chỉ biết ăn và biết chê đâu. Những lúc không đi làm, tui cũng hay vô bếp giúp vợ. Thiệt tình chỉ có giúp bả rửa chén, hay để bả sai vặt, chớ tra tay vào nấu nướng thì không có. Ngày xưa đi học ĐH, xa vợ bốn năm, tự nấu ăn, cũng không chết đói. Tự nấu, nghe ngon, chớ thật ra cũng chỉ chiên trứng, luộc rau, xào rau muống, chớ có nấu món nào ra hồn! Thời VC mới chiếm miền Nam đó, sinh viên đứa nào cũng đói rả họng. Gạo còn không đủ ăn, thịt cá đâu mà nấu món nầy món nọ! Bây giờ làm bếp “chính”, mới thấy nấu nướng nó gian truân cùng cực!
Những tay đi làm đem tiền về quăng cho vợ rồi ngồi tréo ngoải coi TV, chờ vợ dọn cơm lên dâng tới miệng, còn chê mặn chê lạt, hãy nghe lão thách, bữa nào giả đò làm phách phán với vợ: “Tui đi làm cực thấy mẹ! Bà ở nhà chỉ có con cái, bếp núc, cực khổ gì! Bà để tui nấu cho bà coi!” Ừ! Vô bếp nấu một bữa thử coi! Mười Lúa bảo đảm mấy ông vua trời đó sẽ quay 180 độ, từ chức, thoái vị, nhường ngôi vô điều kiện! Hãy biết thương vợ nhiều một chút đi mấy ông trời con!  Món ăn dù có mặn có lạt, cơm dù có sống, khô, nhão gì cũng cũng vui vẻ tém hết, kèm theo một cái đá lông nheo tình tứ để an ủi con vợ đã cực khổ, vừa coi con vừa nấu nướng, hầu hạ mình quanh năm suốt tháng, bất kể nóng lạnh nắng mưa vui buồn!

Tui hỏng biết trên đời này có phải bọn đàn ông đều ghét vô bếp, sợ vô bếp như Mười Lúa không? Cũng chưa chắc, bởi vì tui thấy những tay đầu bếp trứ danh đều là đực rựa! Kệ họ! Dủ cả thế giới này đàn ông đều thích làm bếp, đều là chef, Mười Lúa cũng nhứt định không làm chef!
Hy vọng chừng một tháng nữa thì cái cảnh “người mù săn sóc người què” sẽ qua đi, và mọi sự sẽ trở lại bình thường. Chừng đó Mười Lúa sẽ ra vườn, trả lại cái bếp cho bả làm vua! Sẽ chỉ xin giữ vai “nô tài” cho bả sai vặt, và chỉ rửa chén như ngày xưa thôi. Rảnh rỗi, Mười Lúa sẽ lướt mạng. Hứng lên sẽ viết Chuyện Tào Lao tiếp cho thiên hạ đọc chơi. Bây giờ chuyện bếp núc nó hành Mười Lúa cả ngày, lui cui lặt rau, xắt xả... giờ đâu còn mà viết!?
Happy New Year to everyone
Peter C. Tran

https://www.facebook.com/peter.tran.77582/

Đăng ngày 08 tháng 01.2023