banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Phách chó

Peter C.Tran

Tui không dị ứng với những người tài giỏi mà làm phách. Tui chỉ dị ứng với những kẻ không tài cán gì mà làm phách. Loại này, má tui gọi họ là “phách chó”.
Người khiêm nhường luôn luôn được thế gian yêu quí và nể trọng. Tuy nhiên, người tài mà có làm phách một chút, dù không được ưa bằng người biết tự hạ, thì cũng không bị người đời ghét bỏ hay khinh khi, bởi vì họ có “vốn luyến” để phách. Chỉ có người trên răng dưới lựu đạn sét, mà đi mây về gió, thích đằng vân như Tề Thiên Đại Thánh, thích nổ ran trời như cái đám ngu mà vỗ ngực phành phành, xưng mình đỉnh cao trí tuệ, thì mới bị người ta coi thường, đem ra diễu cợt quanh năm suốt tháng! Đó là đồ phách chó!
Cao Bá Quát từng nổ banh nhà lồng chợ, rằng: “Trên đời có bốn bồ chữ, Quát chiếm hai. Anh tôi Cao Bá Đạt và bạn tôi Nguyễn Văn Siêu chiếm một bồ.  Còn lại một bồ chia cho thiên hạ!” Trước khi bị chém, cũng ráng “vét” mớ chữ nghĩa còn lại trong hai bồ, để chơi cú chót cho banh pháp trường: “Ba hồi trống giục đù cha kiếp! Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời!” Hai câu đối chỉnh không chê vào đâu được, nhưng không cần phải có hai bồ chữ mới làm nổi!
Văn học sử không thấy lưu lại những kiệt tác nào của Cao Bá Quát. So với văn hào Nguyễn Du, hay nhà khoa bảng Lê Quí Đôn, thì Quát không bằng cái móng tay của hai cụ. Học về Cao Bá Quát, tui chỉ còn nhớ có mấy chữ “đù cha kiếp” và “đéo mẹ đời” mà thôi.
Có lẽ trên đời này chưa có ai phách như ông Quát! Phách tới gươm sắp tới cổ, không còn cái đầu đội nón, vẫn phách! Má tui mà nghe tui kể chuyện ông Quát, thế nào bà cũng phán một câu “Đồ phách chó!” cho mà coi.
Độc Cô Cầu Bại (Dugu Qiubai), hiệu là Kiếm Ma, là nhân vật có võ công tuyệt đỉnh trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung. Độc Cô Cầu Bại có nghĩa là một người cô độc, mình ên, mong được một cao thủ nào đó làm ơn đánh bại dùm một lần, cho biết mùi vị của thất trận nó ra làm sao! Phách ghê nơi! Nhưng mà tay này cũng có thứ để làm phách, vì chưa có ai đánh bại được ông ta. Má tui chắc chỉ chê “phách dữ thần!” chớ không chê Độc Cô Đại Hiệp là “đồ phách chó!”
Rồi, ai thích nghe chuyện tào lao thì rinh ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” ra đi. Cứ vừa nhâm nhi vừa đọc chơi. Cũng là chuyện nọ xọ chuyện kia, không đầu, không đuôi. Mệt thì nghỉ. Tui viết chừng nào chán hay mệt cũng tắt máy.
Chuyện tào lao thì không có gì là lớn lao, giựt gân, như chuyện thằng cướp nhỏ chỉa súng cướp con mẹ cướp to, hay thằng cướp lớn mở cái lò tôn, thiêu sống mấy thằng cướp nhỏ, để khảo cho lòi tiền ra đâu.

Tại sao dân miền Tây hay dùng chữ “phách chó”?
Ở miệt vườn miền Tây của tui, gần như nhà nào cũng nuôi vài con chó. Nói về chó thì có muôn ngàn thứ để viết, nào là trung thành, giữ nhà giỏi, giết chuột hay, nuôi ít tốn mà được việc, có thịt để nhậu,…. Chuyện ăn thịt chó thời nay, nó trở thành dã man, mọi rợ, chỉ còn tồn tại ở những nước chậm tiến. Thôi không bàn chi cho mích lòng. Cái đề đã chọn là “phách chó”, thì tui chỉ nói chuyện “phách chó” cho lành.
Ở trong quê, gần như đêm đêm đều nghe tiếng chó sủa. Người xưa nói:
“Chó đâu chó sủa nhưng không
Chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày!”
Ăn mày được kính cẩn gọi bằng ông. Bọn trộm (tham nhũng cũng là phường trộm cướp), từ xưa đã được gọi bằng “thằng” rồi!
Thời chiến, ngoài chuyện chó sủa thằng trộm hay ông ăn mày ra, nó cũng làm cho người dân lo sợ són đái, lo giặc mò về. Không biết đêm nay chúng đào đường, phá cầu, đắp mô, gài mìn, hay quăng lựu đạn ở đâu đây? Không biết đêm nay chúng trói thúc ké ai, dẫn ra đìa, dùng trâm bầu vét ót rồi đạp xuống đìa cho mò tôm đây? Nói chung, chó sủa ban đêm không bao giờ là điềm lành.
Ban ngày, nếu đi từ đầu trên xuống xóm dưới, ít nhất cũng hết hồn vài trận vì bị lũ chó nhà ai đó nhào ra chận đường. Chúng vừa sủa rang trời, vừa như muốn nhảy vào ăn tươi nuốt sống kẻ bộ hành. Đó là nói người lạ, chớ người trong xóm, chẳng ai thèm sợ. Nhà nào có mấy con chó. Con nào hung dữ, con nào hiền lành, thậm chí còn biết nó tên gì. Lạ cái là hễ một con cất tiếng sủa, tức thì những con nhà hàng xóm gần đó cũng ào ào chạy ra một bầy cùng sủa theo. Người ta gọi hoạt cảnh này là “chó hùa”. Cả một xóm vang rền tiếng chó!
Thường thì những con chó sủa ào ào, là những con chó chết nhát. Chỉ cần giả đò tấn công nó, hay giậm chân hù một cái, tức thì nó cong đuôi bỏ chạy.  “Phách chó” nghĩa tượng hình như vậy.
Cái thứ chó không sủa, cứ lầm lầm lì lì, khe khẽ nhe hàm răng, thì liệu hồn!  Lo chuẩn bị vài thế “đả cẩu côn pháp” của Hồng Thất Công bang chủ Cái Bang, hoặc áp dụng liền cái binh pháp Tôn Tử “tẩu vi thượng sách”, với tuyệt kỹ “Lăng Ba Vi Bộ” mà phi thân như công tử Đoàn Dự. Chậm một chút, nó nhào tới đớp một phát, cẳng nào cũng không nguyên vẹn!
Người ta nói “chó sủa chó không cắn” không sai. Cái thứ giỏi sủa để hù thiên hạ, má tui thường dùng chữ “phách chó!” Phách lắm, hung hăng lắm, tưởng ngon lành lắm, nhưng chỉ có giỏi sủa, chớ thực chất chẳng có gì đáng sợ!
Chuyện chó, nhiêu đủ rồi. Giờ nói chuyện khác, cũng quanh quẩn hai chữ “phách chó”.
Sống với VC, không ai mà không rành sáu câu ba cái vụ nổ như tạc đạn của cán bộ CS. Tui tránh dùng chữ sủa ở đây. Từ tên chop bu giỏi ní nuận, tới tên du kích bần cố nông, một chữ bẻ đôi cũng không biết, đều rành rẽ chuyện sử dụng thuốc nổ TNT.
Bây giờ là chiều ngày 31 tháng 12, năm 2019, tức là còn có vài giờ nữa thì tới năm 2020, cái năm mà một thợ nổ thứ dữ, đã từng tuyên bố rằng thì là, VN ta sẽ trở thành nước công nghiệp gì đó. Công nghiệp chưa thấy đâu, chỉ lo són đái chuyện mất nước vào tay giặc!

Chuyện xưa hơn chút
Đã 44 năm mà tôi vẫn không quên bác Tám Thu.  Bác Tám trong mắt tôi là một lão Hai Lúa, tướng tá rất quê mùa. Bận bộ đồ màu cứt ngựa, chân đi dép râu, thêm cái nón cối, càng làm cho bác nhìn thật dị hợm! Bác bị dụ đi tập kết năm 1954, để rồi 21 năm sau theo đoàn quân dép râu, nón cối, “vinh qui bái tổ”, chễm chệ ngồi trên bục cao của giảng đường ĐH, nổ rang trời cho bọn sinh viên chúng tôi lác con mắt! Ông là một trong hai ba “thầy” dạy chính trị, dạy triết Mac-Le ở ĐH Cần Thơ sau 75. Không đi tập kết, chắc giờ nầy bác Tám đang là một bác bần nông cày sâu cuốc bẫm, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chớ cách gì có cơ hội ngồi trên ghế cao, để giảng dạy cho sinh viên về chủ nghĩa thần thánh, bách chiến bách thắng! Là người Việt, lại là dân miền Nam với nhau, tui không có lý do gì để ghét, hay có ác cảm với bác. Có lẽ bác đáng thương hại hơn là đáng trách, hay đáng ghét, bởi vì bác cũng chỉ là nạn nhân của sự dối trá.
Những ngày đó, cả nước đều phải học tập chính trị để biết đường lối của “đảng ta”. Dĩ nhiên đám sinh viên là “rường cột đất nước”, chạy đi đâu cho khỏi chuyện học tập cho nhuần nhuyễn “chủ trương đường lối”. Đó là môn học có thi, có điểm hẳn hoi. Rớt môn nào cũng được, nhưng rớt cái môn triết là toi mạng!
Có vài chuyện nghe bác Tám kể mà tui ngồi cười thầm mình ên. Cười thầm thôi, chớ cười to là toi đó.  
Bác Tám kể chuyện bọn đế quốc Mỹ xâm lược ác ôn, đã oanh tạc miền Bắc thân yêu 12 ngày đêm, làm cho Hà Nội ngàn năm văn vật, thiếu điều trở về thời kỳ đồ đá. Bom B52 cày xới bất kể ngày đêm.
Bác kể đủ thứ thảm cảnh chết chóc, tang thương. Bom đạn nào có mắt! Hai trái bom nguyên tử dội xuống đất Nhựt, đâu phải chỉ tiêu diệt quân địch, tiêu diệt những căn cứ quân sự, mà nó cướp đi sinh mạng hàng trăm ngàn dân lành vô tội. Thằng Mỹ ác ôn được cái là trước khi tấn công mục tiêu có dân lành, nó báo trước cho dân di tản, chớ không dùng dân làm “bia đỡ đạn” theo binh pháp của bọn người bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích. Ai không chịu “sơ tán” thì mới lạc đạn.
Có hai chuyện bác Tám kể, mà cho tới giờ này, tui vẫn không quên. Các bạn học thời đó, làm chứng coi tui có nói thêm hay nói bớt gì không nghen.
Thứ nhứt, bác nói rằng chúng ác tới độ nghĩa trang chúng cũng ném bom. Ý bác nói, tới người chết chúng cũng không tha! Bác muốn nguyền rủa quân ác ôn sao mà ác và hèn tới độ người chết cũng không chịu bỏ qua! Tui nghe tới đây cười thầm trong bụng. Người chết cũng không tha! Quá xá là đúng! Bọn chúng là bọn hèn hạ, bần tiện, nhỏ mọn, thù vặt, thù dai, tới người chết cũng không yên mồ yên mả được! Tên nhạc sĩ phản chiến TCS từng viết lời ca “người chết hai lần, thịt da nát tan”, chắc là hắn viết về bọn đế quốc Mỹ ác ôn này? Bác già lẩm cẩm nên bác tự đái vào chân, tự ỉa vô mặt mình, mà bác không hay biết?
Nhắc tên nhạc sĩ ăn cơm quốc gia mà thờ ma quỷ, để tui viết thêm vài câu về hắn. Bác Tám nói rằng TCS có công với đảng, công rất lớn. Nhưng TCS viết "hai mươi năm nội chiến từng ngày" trong bài Gia Tài Của Mẹ là sai, sai quan điểm của đảng ta, vì đây không phải là nội chiến, mà là đánh cho nguỵ cút, cho Mỹ nhào, là chống kẻ bán nước, chống quân xâm lược,... bla... bla.... Nghe tới đây, tui nghĩ thầm: Rồi! TCS tàn rồi! Chanh vắt xong rồi! Vỏ đó chỉ có liệng thùng rác! Đáng đời cho kẻ ngu muội!
Trở lại chuyện đánh bom nghĩa trang.
Riêng câu kết của bác Tám, đúng bon là đề cao đỉnh cao trí tuệ đảng ta: “Bên dưới nghĩa trang là kho xăng của ta đó!” Bác Tám muốn nói rằng “đảng ta” khôn khéo nguỵ trang kho xăng hay đáo để. Giấu ở chỗ không thể ngờ được. Đảng ta dùng luôn cả xác chết để che đạn! Tui lại cười thầm cho cái chuyện “bia đỡ đạn”! Lại đái vào chân và ỉa vào mặt lần nữa.
Chưa hết. Nguỵ trang hay vậy mà bọn đế quốc cũng biết, cũng ném bom trúng bon mục tiêu. Kho xăng dầu giấu sâu dưới xác người, mà bọn Mỹ ác ôn cũng biết! Bác khen quân ta hay đề cao quân địch đây? Bác ỷ mình ngồi trên bục cao mà nói những điều “mất quan điểm” như vậy à? Tội này mà bác của bác Tám, bác Mao, hay bác Stalin mà nghe được là bác Tám tới số, đi gỡ lịch mút chỉ cà tha cho tới tắt thở luôn!
Thứ hai, chuyện mỗi cây cầu lãnh một quả bom. Bác nói rằng đế quốc ác ôn đã từng ném bom nhiều lần, nhiều năm, nhưng ném dở ẹc. Ném có cái trúng mục tiêu, có cái trật lất, mà trật nhiều hơn trúng. Nhưng lần ném bom 12 ngày đêm thì mỗi cây cầu lớn, chỉ một trái, không sai chạy. Bác nói chúng dùng tia sáng “la de” hướng dẫn bom. Bác kết luận: Dù chúng có kỹ thuật tối tân, nhưng quân dân ta cũng vô cùng anh dũng, vẫn đội bom đội đạn, đánh cho chúng thảm bại nặng nề. Đánh cho chúng phải ngồi vào bàn Hội nghị! Rồi bác liệt kê bao nhiêu B52 bị bắn rơi, bao nhiêu thằng “giặc lái” ác ôn bị quân ta bắt sống. Chuyện máy bay núp trên mây (tắt máy, hay mở máy tui quên), chờ địch tới, mới lao ra uýnh bất ngờ, chuyện nữ dân quân dùng súng trường bắn hạ B52,…  

Đám SV trong buổi giao thời, cũng theo trào lưu, theo nhịp tuyên truyền, nên đại đa số đều tỏ ra rất “hồ hởi phấn khởi”, “tự hào quá VN ơi”! Riêng tui ngồi cười thầm mình ên: Bác lại đái vào chân và ỉa vào mặt bác lần nữa rồi bác Tám ơi! Bác lại đề cao quân giặc! Lại nói “sai quan điểm”! Chúng ném bom hay ho cỡ nào, bách phát bách trúng, cũng phải chê chúng ném trật lất, cũng phải “dìm hàng” cho chết mẹ chúng mới phải chớ bác! Cho dù “quân địch chết ba, quân ta chết láng”, cũng phải nói quân ta toàn thắng! Nói kiểu bác, bọn phản động sẽ suy diễn: Như vậy, nếu thằng Mỹ chịu chơi tới bến, nó ném bom ngay vô giường ngủ của các nãnh tụ, chắc chắn cũng không trật đâu!
Dưới sự tuyên truyền của VC, thì dù là giới trí thức cũng bị mê hoặc. Phải nói họ tuyên truyền hay như phù thuỷ điều khiển âm binh!
Trời ơi! B52 bay ở độ cao trung bình là 10Km, tức là 10,000 mét. Tầm đạn của súng trường bá mít của Liên Xô thời đó, chừng hơn 1000 mét. Sức công phá của nó để có thể bắn lủng một thân cây chuối, chắc trong khoảng 500 mét đổ lại! Bắn lên không, khi viên đạn hết năng lượng, rớt xuống, trúng mỏ ác của ai đó, chắc chắn bể sọ, tử vong, vì trọng lực, chớ cũng không phải do sức đẩy của thuốc đạn, là nguyên tắc vật lý, trẻ trâu cũng hiểu, thì còn tin được. Nhưng máy bay ở tận trên mây xanh, cho dù viên đạn có có tẩm thêm Xuyên Tâm Liên, ráng bay lên đụng được bụng máy bay, thì cũng chỉ là gãi ngứa thôi! Vậy mà đám sinh viên vẫn “ngây ngất” nghe bác giảng! Vì tinh thần cách mạng, hay vì sợ? Mỗi đứa một tâm trạng. Tui chỉ cười!
Tui không có kiến thức nhiều về súng đạn. Tui không rành hiện tại Mỹ và các cường quốc có những loại vũ khí tối tân nào. Tui chỉ nói những chuyện tai nghe, mắt thấy, rất gần gũi với cuộc sống quanh mình cho nó dễ. Giờ nói chuyện thời nay nghen.
Mỗi lần tui dùng GPS  (Global Positioning System) là tui cảm thấy cái sự hiểu biết của mình chỉ là hạt cát trong sa mạc, hay chỉ là hạt bụi mịn trong không khí ô nhiễm ở Hà Nội! Ta bấm bất cứ một địa chỉ nào, trong nháy mắt, nó chỉ đường không phản! Thử dùng cái App “Showmystreet.com”, bấm đại địa chỉ của ai đó, nó sẽ hiện lên căn nhà với không sót một chi tiết nào, từ đường phố, xe đậu trên driveway, cây trồng trong sân, màu sơn của nhà,…
Như vậy thì có phải từng centimet của quả địa cầu này đều được nhìn thấy? Như vậy, có nghĩa là ta đang ngồi “ỉa đồng”, quân thù cũng thấy? Chắc chắn! Nó zoom, phóng to hằng triệu lần, sẽ thấy thằng nhỏ bao lớn, ở vị trí 12 giờ hay 6 giờ 30 phút, biết ta mặc quần lót màu gì, vải gì, phân “Tào Tháo đuổi” hay phân ỉa bón,…
Đó là nói về những thứ không bị che chắn. Còn những thứ chôn giấu dưới lòng đất, thì từ thời 1972 nó đã thấy cả kho xăng chôn dưới lớp xương người rồi! Lời bác Tám Thu chớ không phải tui bịa! Không tin, đi kiếm ổng mà hỏi.  Bây giờ, chúng còn nhìn thấy tới cái gì nữa? Đi kiếm thằng Mỹ ác ôn hỏi nó, chớ tui không biết. Chỉ biết là nó thần thông quảng đại chớ không phải dở như đảng gạt con nít.
Nên nhớ, GPS là đồ bỏ, đồ lỗi thời, lỗi thời lâu lắm rồi, mới tới tay dân chúng xài. Tamahawk missile, đồ chơi của Mỹ, cũng lỗi thời từ khuya rồi! Hỏi cô em Google coi Tamahawk được sử dụng từ năm nào thì biết. Còn những phát minh tối tân khác nữa chưa ai biết nó là cái giống gì, có sức mạnh tới cỡ nào đâu!
Vũ khí tối tân, hiện đại nó sao ra? Hỏi thằng Mỹ! Hay là chọc cho nó giận tới mức ăn thua, cái biết nó chơi thứ gì liền!

Tui dong dài vậy, để những con ếch ngồi đáy giếng chớ có “phách chó” mà làm trò hề cho người ta cười. “Bên thắng cuộc” chớ có tưởng rằng mình tài cán mà làm phách chó. Thử hỏi, nếu không có vũ khí của LX và TQ, chỉ dùng tầm vông vạt nhọn, coi có thắng nổi đối phương hay không? Không có cố vấn của ngoại bang, không có quân của ngoại bang giúp sức để đánh biển người, coi có sờ được cọng lông chân của quân đối phương hay không? Nếu bị LX vĩ đại và thằng TQ anh em cúp viện trợ, y như miền Nam bị thằng Mỹ bỏ rơi, coi có giống con cua gãy càng hay con gà nuốt đây thun hay không cho biết?
Hình ảnh dễ hiểu nhất, là coi hai con gà chọi do hai thằng chủ gà đem ra sân đấu. Một con được trồng cựa sắt, mài nhọn hoắc, một con bị bịt cựa. Con nào thắng?  Đứa bịnh tâm thần cũng biết và đoán ra. Con trồng cựa thắng xiềng, thắng con bị bịt cựa như trở bàn tay, có gì hay ho mà vỗ cánh gáy te te? Con bị bịt cựa cũng có gì phải mặc cảm mình dở? Không có thằng hay, không nguời dở, chỉ có những kẻ chơi đá gà mà “bán độ” thôi! Thân phận những con gà trong sân đá đều đáng thương!
Ếch ngồi đáy giếng chỉ nhìn thấy mặt trời bằng cái nia (mẹt)! Kẻ đứng dưới lưng quần người ta, chỉ nhìn thấy mặt trời là một tia sáng nhỏ, chiếu lọt qua cái khe giữa hai chân của người đứng che mặt mình! Mặt trời thật sự, nhìn thẳng sẽ mù mắt! Đừng có phách chó! Chúng ghét!

Tái bút:
Đã kết luận rồi, coi như ./. hết. Nhưng viết tới chữ nia, lại nhớ một chuyện có thiệt. Thôi tui ráng kể cho vui mấy ngày tết Tây, rồi nghỉ cũng không sao.
Có một cô gái quê dẫn một con heo nọc đến nhà hàng xóm làm nghĩa vụ, theo đơn đặt hàng. Trên đường đi, có một thanh niên nhà quê chận đường ghẹo chọc:
- Ê! Dẫn ông Sáu đi đâu vậy?
Cô gái trả lời tỉnh queo:
- Tao dẫn ông Sáu đi “nhảy” bà Nia!
Ông Sáu là cha của cô gái. Bà Nia là má của thằng thanh niên ghẹo gái mất dạy kia! Người con gái quê mùa là chị của tui đó! Dòng họ Trần không dễ ăn hiếp đâu! Khà khà khà!
Happy New Year
31/12/2019
Peter C. Trần

https://www.facebook.com/peter.tran.77582


 

Ăn no mặc ấm và ăn ngon mặc đẹp

Peter C. Tran

Sáng nay tôi đưa hai đứa cháu ngoại đến trường như mọi ngày. Trước khi xuống xe, hai đứa ôm hôn ông một cái, say good bye ông. Ông cũng ôm hôn lên má mỗi đứa một cái và căn dặn:
- Hai đứa nghe ông nói: Phải ăn cho hết phần ăn sáng và phần ăn trưa ở trường, không được bỏ bất cứ món nào, OK?
- Dạ! Ông!
Dặn cứ dặn, chúng dạ cứ dạ, nhưng tôi biết thế nào chúng cũng quăng đồ ăn chúng không thích vô thùng rác, nhất là cậu nhỏ, rất kén ăn.
Con nít những nước nghèo, chậm tiến, thiếu ăn, ốm lòi xương sườn, còn con nít ở xứ bơ sữa này, chúng quăng bỏ đồ ăn không xót thương. Hộp sữa tuơi nguyên xi, chưa mở, mà vì no bụng, hay vì bất cứ lý do gì không muốn uống, là quăng vô thùng rác! Cho nên cứ phải nhắc chừng hoài.
Hai đứa cùng dạ, phóng khỏi xe, tung tăng như hai chú khỉ con, chạy phăng vô trường.
Trên đường về, tôi lái xe mà lòng suy nghĩ miên man đủ thứ chuyện: Nhớ lại ngày xưa cũng đưa các con đi học, chúng cũng hôn ba mẹ như hai đứa cháu bây giờ; Nhớ tới nụ hôn duy nhất mà bà già đặt lên má mình trước mặt mọi người năm học lớp Đệ Thất; Rồi nghĩ đến chuyện chúng quăng bỏ đồ ăn, lại nhớ tới chuyện “ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp”, được nghe nói đi nói lại hằng ngày ở giảng đường Đại Học Cần Thơ sau năm 75.
Thôi thì viết vài ba chuyện chơi. Cũng là viết chơi cho bạn bè đọc chơi đỡ buồn. Tôi viết mệt thì nghỉ. Bạn bè đọc mệt, cũng tự nhiên nghỉ.

1. Nụ hôn để đời
Tôi sinh ra và lớn lên ở thôn quê miền Nam. Ăn cơm nguội, húp nước mắm, vậy mà lớn vù vù. Tuổi thơ của tui hả? Sôi động, dữ dội như bao đứa trẻ nhà quê khác: U hấp, u hơi, bắn bi, cong chân nhảy cò cò đá gà, đá dế, lấy bộp dừa nước đẽo làm súng chia phe đánh trận, cởi truồng tắm sông, móc đất sét nắn trâu, bắn bi, bắn chim, đào hang bắt chuột, đặt lờ, tát mương, cắm câu, đặt trúm bắt lươn,… thứ nào tui cũng rành sáu câu!
Nói chung, từ chuyện leo dừa, bẻ mía, hái bần, đến chuyện nghịch ngợm, tụ tập chọc ghẹo, phá làng phá xóm, tôi đều “tinh thông”. Chỉ có uýnh lộn thì gần như không có, nhưng xúi bọn trẻ đánh nhau, thì tôi rất có khiếu! Hai đứa cứ kên với nhau mà hỏng chịu “xáp lá cà”, tôi chỉ cần khích bác một câu nhẹ nhàng: “Thằng nào đánh trước làm cha”, thì thế nào cũng có một trận thư hùng coi chơi miễn phí. Bọn con nít chúng tôi chỉ cần đứng ngoài la, hét, vỗ tay, cổ động cho gà nhà, hay làm thày đời chỉ hết thế đánh này đến thế kẹp cổ khác, là “sướng rên mé đìu hiu” rồi!
Những chuyện như vậy, phải cỡ nhà văn Duyên Anh, viết mười quyển truyện tiểu thuyết về tuổi thơ, cũng chưa hết chuyện để viết. Sinh hoạt đồng quê, phải Bình Nguyên Lộc hay Sơn Nam tái sinh, viết thêm một đời cũng còn chuyện để viết. Tôi chỉ lâu lâu nhớ lại tuổi thơ, thấy thèm thuồng, nhớ da diết, muốn viết, mà chữ nghĩa coi bộ không đủ.
Xong lớp Nhứt (lớp Năm bây giờ), tôi may mắn được ra Cần Thơ để học lớp Đệ Thất (lớp Sáu bây giờ) ở trường Đồng Tâm. Thằng bé nhà quê, mới hôm nào còn đi chân đất, quần ống thấp ống cao, mặt mày lem luốc,… y như nông dân Hai Lúa, giờ bỏ quê ra thành! Bắt đầu biết mặc quần tây, áo sơ mi, dép sa bô, đầu chảy briantine láng coáng đến “ruồi đậu phải chống gậy”, nhưng cái mặt bơ bơ nhà quê, thì không thể một ngày một bữa mà thay đổi được!
Cần Thơ rộng lớn và náo nhiệt hơn cái tỉnh lẻ Chương Thiện của tôi ngàn lần. Cái “Khu Trù Mật Vị Thanh”, giáp ranh rừng U Minh, đã vươn mình, trở thành tỉnh lỵ Chương Thiện. Nhưng là tỉnh lẻ, nên nó nhỏ bằng nắm tay, đường ổ gà như thiên la địa võng, và người ta tặng cho nó cái biệt danh: Thành phố nắng bụi mưa sình! Nó nhỏ xíu, nên xách xe đạp chạy một vòng, chưa tới 10 phút đã trở về chỗ cũ! Còn Cần Thơ thì rộng bao la, xe cộ tấp nập, đường nhựa láng bóng, chạy mấy ngày chưa chắc hết. Đúng là “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”! Tây Đô mà!
Tôi mỗi ngày đạp xe từ đường Trần Hưng Đạo, gần Cầu Đôi Mới, đến trường Đồng Tâm, ngay bên hông nhà thờ Chánh Toà Cần Thơ, ở xóm Cầu Xéo. Quần tây, áo sơ mi trắng viền cổ xanh dương, là đồng phục của trường. Ngày đó khoác bộ đồng phục, thấy kiêu hãnh lạ thường. Giờ nhớ lại, thấy nó quê quê làm sao á! Quần tây thì bình thường, nhưng cái áo sơ mi ngắn tay, tự nhiên may thêm cái cổ áo màu xanh, rất vô duyên, chẳng giống ai cả!
Tôi đã bỏ lại sau lưng hết bạn bè và những kỷ niệm vui buồn tuổi thơ ở xứ Ông Dèo, Hoà Hưng. Nhớ nhà dữ lắm. Nhớ cha má và anh chị em. Cần Thơ rộn rịp, hoa lệ, xe cộ ì xèo, đường phố chằng chịt, người tấp nập, nhưng tôi thấy mình lạc lõng, cô đơn lạ thường. Nhớ cha má nhứt.
Tôi là con trai áp út trong gia đình muời đứa con. Khi tôi chào đời nhà tôi đã có sẵn 8 anh chị em rồi. Nhà đông, nên lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt. Mâm cơm chiều, anh chị em tôi ngồi chật hết bộ ngựa gõ.
Có lẽ vì tôi là một con gà trong cả một đàn gà con đông đúc, nên gà cha và gà mẹ cũng không hơi đâu mà chú ý, mà cưng chiều như đã từng cưng những con gà đầu đàn. Nhàm cũng phải! Cũng có thể vì cái thói quen của người Việt: Ít khi, hay dường như không bao giờ muốn tỏ ra gần gũi, thân mật, âu yếm với con cái, vì sợ chúng “lừng phèn”, khó dạy, dễ hư. Cỡ năm sáu tuổi, thì chuyện ôm, nựng, hay hôn con, dường như hỏng có. Nói không thương con thì hoàn toàn không đúng, vì tôi biết cha má tôi tuy rất nghiêm khắc, nhưng thương con lắm. Chỉ là không muốn tỏ ra bên ngoài thôi.
Xã hội vậy, mọi người xung quanh vậy, mình không vậy, tự nhiên mình sẽ là tâm điểm của mọi đàm tiếu. Tôi chả trách hờn gì cha má về cái chuyện tại sao hai ông bà hỏng bao giờ có những cử chỉ thân mật, âu yếm với tôi. Có lẽ hồi còn nhỏ, bồng trên tay, thế nào má tôi cũng đã từng hôn tôi, nhưng từ khi có trí nhớ, tôi chưa bao giờ cảm nhận được nụ hôn của người mẹ dành cho con.
Còn cha tôi? Đời nào có chuyện hôn con! Nghiêm nghị như Bao Công xử án! La rầy, đánh đòn đám con thì có, chớ những cử chỉ âu yếm, đối với đàn ông VN dễ gì thấy. Ra đường đi gần vợ, nắm tay vợ còn không dám, vì sợ thiên hạ cười và đồn ầm lên cả làng xã.
Tôi cảm nhận được tình thương của cha má dành cho mình, bằng những chuyện rất nhỏ khác. Lâu lâu ông già lôi tôi xuống mé sông tắm rửa, kỳ cọ cho tôi, và lúc nào cũng hăm he một câu:
- Mày xuống sông tắm chỉ lo lặn hụp, móc sình liệng với nhau, miệng mọc râu, răng đánh bù cạp, mình mẩy đóng hòm cả lớp, không lo kỳ cọ đâu. Lần sau tao thấy còn ở dơ, tao lấy cỏ bắc, dzuột mày cho sạch!
Tôi biết ông già chỉ “mắng yêu” thôi, chớ cỏ bắc lá nhỏ, bén hơn lá lúa, nhám hơn tờ giấy nhám, đụng vô, dù da dầy như da trâu cũng rướm máu!
Ở trong vùng xôi đậu, lâu lâu “họ” về, tổ chức “mít tinh”, có đoàn Văn Công về ca hát, diễn kịch, biểu diễn văn nghệ. Cả xóm ai cũng nô nức đi xem. Cha tôi không bao giờ cho con cái đến những chỗ thị phi đó. Lý do đơn giản: “Lỡ lính vô, nó bắn lạc đạn, tụi bây chạy đi đâu cho thoát!?”
Vùng quê, không rạp xi nê, không có bất cứ một trò giải trí nào. Đây là dịp ngàn năm một thuở để trẻ con vui chơi, để đám thanh niên như các anh các chị tôi có cơ hội tụ tập, liếc ngang liếc dọc, đá lông nheo, kiếm “mèo”,… nhưng cha tôi phán một câu, như thánh chỉ của hoàng thượng ban xuống cho thần dân! Cả nhà tôi im re, không một ai dám lên tiếng năn nỉ, vì biết tính cha tôi “một là một”! Cũng vì thương con, muốn bảo vệ con thôi mà.
Lên Cần Thơ được khoảng một tháng, cha má tôi chắc vì nhớ thằng con đi xa, nên khăn gói lên thăm. Vừa gặp tôi, bà già ôm tôi cứng ngắc, rồi bất ngờ hun lên mặt tôi một cái chụt, trước mặt mọi người. Tôi mắc cỡ điếng cả người! Con trai mười mấy tuổi, ai đời lại để má ôm hun giữa thanh thiên bạch nhật!
Đó là nụ hôn đầu tiên, duy nhất từ bà già mà tôi ghi nhận trong đời. Một nụ hôn “đột xuất”, hết sức bất ngờ, ngoài dự đoán của tôi. Có lẽ nó cũng vượt tầm kiểm soát của má tôi, vì lâu ngày không gặp con, không kềm chế được, nên “phá lệ”.
Tôi đã hơn sáu mươi. Cha má tôi đều đã mất từ lâu lắm rồi. Nhưng nụ hôn đó tôi chưa bao giờ quên. Cái cảm giác mắc cỡ hoà lẫn sự xúc động vẫn còn chạy rần rần như điện giựt trong huyết quản mỗi lần tôi nhớ đến. Nó xảy ra năm 1966, cách nay đã hơn năm mươi năm! Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ, bởi vì nó là “nụ hôn để đời”.

2. Your parents didn’t love you that much?
Trước khi cưới nhau, chúng tôi bàn tính đủ thứ chuyện tương lai. Chắc cặp nào cũng vậy. Trong những đề tài “nghiêm chỉnh", chúng tôi đồng ý với nhau một việc: Bất cứ chuyện gì cha mẹ làm cho mình mà mình không thích, hay thấy không hợp lý, thì mình sẽ không làm như vậy cho con cái. Chúng tôi muốn nói đến cách dạy dỗ con cái sau này.
Tôi đã biết làm “cách mạng” ngay từ lúc còn rất trẻ. Tôi sinh ra và lớn lên nơi đồng chua, vắt, đỉa, muỗi, mòng, nhưng trưởng thành ở chốn phồn hoa đô hội. Đó là cái may mắn mà tất cả anh chị em tôi cũng như bạn bè trang lứa không có. Những nét hay đẹp, đáng nhớ, dễ thương, của nhà quê, tui giữ hết. Những cái dở ẹt, tui mạnh dạn vứt bỏ, không chút thương tiếc.
Chúng tôi xưng hô bằng tên, rất thân thiết, không bắt chước nhà quê nói trỏng hay gọi nhau bằng những từ nghe rất kỳ cục. Chúng tôi ra đường nắm tay nhau, đi sát nhau như đôi tình nhân dạo phố Cần Thơ. Trước mặt mọi người, tui không hề mắc cỡ khi có những cử chỉ âu yếm với bà xã. Trước mặt con cái, cảm thấy thương vợ, cứ ôm hôn một cách tự nhiên như người Tây phương.
Tôi nghĩ rất đơn giản và dễ hiểu: Tại sao người VN nói chung, người nhà quê nói riêng, lại giấu giếm những cử chỉ thương yêu, thân thiết như vậy, trong khi cãi vả, xô xát thì không những con cái biết, mà cả hàng xóm đều hay? “Xấu che, tốt khoe”, mới là hợp tình hợp lý, hà cớ gì làm ngược ngạo?
Con cái chúng tôi dù lớn cỡ nào, chúng tôi vẫn ôm chúng hôn công khai, tự nhiên. Mỗi sáng đưa chúng đi học, chúng cũng đều hôn chia tay ba hay mẹ, trước khi bước xuống khỏi xe, và chúng tôi cũng hôn chúng lại.
Hôm đó con gái lớn sau khi đi học về, kể cho ba mẹ nghe:
- Mấy đứa bạn học người Dziệt của con, chúng nó ngạc nhiên khi thấy con hun ba trước khi xuống xe. Chúng nó hỏi con:
- You kissed your dad and he kissed you?! It’s so weird! We never did that!
- Rồi con trả lời sao? Tôi tò mò hỏi lại.
Con gái tôi rất tự hào lập lại câu trả lời cho bạn của cháu:
- So, your parents didn’t love you that much? They love us so much and so do we.
Chúng tôi nhìn nhau, niềm vui trào dâng. Chúng tôi hãnh diện và tự hào có một đứa con gái khôn lanh như vậy. Chúng tôi đã thành công.
Tình thương cha mẹ dành cho con cái là một điều vô cùng cao cả và đáng hãnh diện, tại sao phải che giấu? Con gái tôi trả lời đứa bạn bằng một câu hỏi “móc họng”, nhưng điều đó chứng tỏ cháu rất hãnh diện về tình yêu mà gia đình chúng tôi dành cho nhau. Năm đó cháu đã lên Trung Học, và ba đứa em của cháu đều lớn hơn tuổi của ba chúng khi được bà nội ôm hôn giữa công chúng.
Tuần rồi con gái út ghé thăm ba mẹ. Cháu đã 35 tuổi, có gia đình, sắp làm mẹ. Vừa gặp ba mẹ, cô út nhào tới ôm xiết và hôn ba mẹ như lúc cháu còn bé. Tôi cảm nhận được tình cha con, mẹ con, rất thực, chớ không phải “ôm hôn thắm thiết” kiểu ngoại giao. Con gái lớn nay đã 39, cặp sinh đôi 37, chúng cũng tự nhiên với ba mẹ như cô út.
Đó là điều chúng tôi mong muốn. Chúng tôi hãnh diện về điều đó. Những nụ hôn ý nghĩa hơn vạn lần chữ nghĩa hay những mỹ từ giả tạo.

3. Ăn no mặc ấm. Ăn ngon mặc đẹp
Trước 75, nhà tôi tuy nghèo, nhưng chưa đói và lạnh ngày nào cả. Chuyện ăn độn ở miền Nam chỉ xảy ra sau 75!
No là có lúa gạo đủ ăn suốt năm, không cần bữa rau bữa cháo. Ăn cơm với muối, kho khô quẹt, dừa cứng cạy kho tương, rau muống đồng luộc chấm chao, ba khía,… cũng được, miễn có đủ cơm là coi như no. Nghèo nhưng gia đình tôi chưa từng ăn độn. Tuy nhiên, đó chỉ là no vật lý, chứ chưa phải no dinh dưỡng.
Ấm là có đủ quần áo mặc, không rách rưới lang thang như đệ tử cái bang. Các chị tôi không lụa là nhung gấm như những tiểu thơ đài các, nhưng cũng áo may bằng vải soa của Pháp, hay vải ca-tê, và quần sa-teng ,… “mướt rượt”!
Những năm 1976 đến 1980, tôi nghe lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần ở giảng đường Đại Học Cần Thơ, trong giờ học triết học Mác-Lenin, những từ ngữ như: Ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu....
Thầy giáo dùng những chữ nghĩa rất tượng hình, để đám sinh viên chúng tôi mường tượng ra những bước đi lên, tiến dần tới thiên đường xã hội chủ nghĩa. Nghe phát ham, nghe nức lòng bọn thanh niên mới lớn!
Con người ta ai cũng hướng tới tương lai, cũng đặt niềm tin, cũng hy vọng. Cứ nghe hoài về một viễn ảnh tốt đẹp, người ta quên đi chuyện nhai bo bo đến trẹo bản họng hay nuốt khoai mì nghẹn cổ đến trợn trắng. Cứ hy vọng có một ngày ăn sang, ăn ngon, mà quên đi rau muống luộc trường kỳ. Rau muống muôn năm! Rau muống thần thánh, vì một ký rau muống nó bổ tương đương một ký thịt bò!  Thánh nào phang câu này, đúng là biết tâm lý của “đám quần chúng ngu muội”, dễ tin! Cả bầy sinh viên bụng đói, ngồi trong giảng đường Đại Học, nghe còn phát ham, huống chi dân bần cố nông.
Nói giảng đường nghe cho có vẻ trường Đại Học, chứ thật ra đó là những căn nhà mái lá, vách lá, nền đất, mà tôi vẫn thường nói đùa với đám bạn học Trồng Trọt khoá 1 của tui: Nó giống cái chuồng trâu của nhà tui ngày xưa!
Mỗi năm, một vài mét vải cho mỗi đầu người, nhưng người ta cũng không than vắn thở dài. Mai kia mốt nọ, sẽ mặc đẹp với lụa là nhung gấm.  Tin như vậy, người ta đỡ thấy cực và khổ!
Năm năm sống trong hy vọng và niềm tin đó, nhưng chưa có chuyện gì xảy ra: Người dân vẫn ăn độn, vẫn vài mét vải một năm. Khắp mọi nẻo đường đều có trạm xét “đồ lậu” như gạo, thịt, đường, vải vóc,… Tôi vẫn không thể hiểu tại sao những nhu yếu phẩm đó lại biến thành đồ lậu và bị người ta chận bắt, tịch thu vô tội vạ. Tịch thu xong đem đi đâu, ai ăn, ai nuốt trôi hết những thứ đồ “lậu” đó? Chỉ có bọn chúng biết và trời mới biết!
Đặt chân đến Mỹ, bà xã tôi mua gà về đút lò cho cả nhà ăn liên tiếp mấy hôm liền. Ăn đến ngán, đến hết thèm, đến “tràn bản họng”, nói theo kiểu nhà quê của tôi. Gà rô ti nguyên con, nóng hổi, thơm phức, ngọt lịm, cứ xé ăn cho tới no. Không cần ăn cơm, không cần ai nhường ai. Muốn ăn phần nào của con gà, cứ tự nhiên. Ăn như chưa từng được ăn. Ăn để “trả thù” những ngày không có thịt ăn.
Các con tôi lên bàn ăn, không cần ngó trước ngó sau, không cần “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” như ba nó ngày nhỏ. Chúng muốn ăn bất cứ món nào, cứ tự nhiên, không cần nhường cho ông, bà, cha, mẹ, hay bất cứ ai trong bàn cơm. Muốn thịt nạc, muốn cái đùi gà, muốn cái cánh, muốn cái gan, cái mề,… cứ gắp và ăn cho tới ngán thì thôi.
Vậy ai gặm xương? Có ba! Không ai bắt hay ép, nhưng vì thấy bỏ uổng phí, kèm theo cái mặc cảm “tội”, cho nên ba của chúng ráng gặm bằng hết. Ăn riết thành quen, và dường như thấy nó ngon hơn ăn thịt.
Thịt ăn xảm xì, nhai như người ta nhai trầu! Nói chuyện “chảnh”, nghe phát ghét? Không! Đó là sự thật, không thêm bớt, không cường điệu, không xỏ xiên ai cả! Hồi còn ở VN, trước 75, tôi đã từng nghe cái câu “thịt nạc ăn xảm xì”, cũng thấy khó chịu, bởi vì có rất nhiều người như tôi, quanh năm không thấy hình bóng hay mùi vị của thịt, trong khi có người thừa mứa, ăn đến phát ngán, chê lên chê xuống. Bình tâm suy nghĩ, đó không phải là “chảnh”, mà nó nói lên thực trạng của sự sung túc. Khi bạn ăn đủ thứ sơn hào hải vị, thịt cá đầy mâm, ngày nào cũng vậy, bữa cơm nào cũng vậy, bạn sẽ thấy nó không còn ngon như một người nghèo lâu lâu được gắp môt cục thịt bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Thịt lúc đó ăn xảm xì! Đúng vậy.

Năm 1995 bà xã tôi dẫn các con về VN cho biết cội nguồn, dòng họ hai bên. Năm đó đứa lớn đã lên ĐH, ba đứa nhỏ còn Trung Học, tôi mới dạy các con “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, vì ở VN không như bên này.
Tôi kể cho chúng nghe chuyện ba chúng mỗi ngày chỉ ăn một cái trứng, trưa nửa, chiều nửa, cái thời học ĐH Cần Thơ. Không đứa nào tin. Tôi nói rằng ba ăn như vậy là thuộc hàng “quí tộc” rồi, vì các bạn của ba, cơm còn không đủ ăn, phải ăn độn, húp nước mắm,… Chúng càng không thể tin hay tưởng tượng ra cái cảnh đó.
Tôi kể cho các con nghe thêm: Làm thịt một con gà, người ta nấu nhiều món, và cả nhà có khi hơn chục người, ăn rau, húp cháo, chan canh là chính, và phải nhường nhau từng cục thịt nhỏ. Tôi kể thêm: không phải mỗi bữa ăn đều có thịt để ăn, mà lâu lâu, rất lâu, mới dám làm thịt một con gà. Chúng càng không thể tin.
Tôi căn dặn các con:
- Khi mẹ dẫn đi restaurant, thì mấy đứa con cứ ăn như mình ở Mỹ. Nhưng khi về nhà người thân, dù đó là nhà ông bà nội, ông bà ngoại, hay các cô dì chú bác, thì đừng có luôn luôn lựa miếng ngon mình ưa thích mà gắp… bla, bla…  
Hồi còn ở VN, tui nghe người ta nói: Mỹ và các nước Tây phương, họ ăn thịt là chính, còn bánh mì chỉ là ăn độn thêm cho đỡ ngán thịt. Tui không tin, cho rằng họ nói xạo. Cho nên, không lạ gì những người “chỉ đi mưa” (chưa đi Mỹ), bây giờ cũng không tin, hay khó tin những điều như vậy.
Tin hay không, sự thật vẫn là sự thật. Chuyện người tây phương bị bịnh béo phì do ăn nhiều thịt mỡ, là chuyện có thiệt, và nó đang là vấn nạn rất lớn cho chính phủ, và các hãng bảo hiểm sức khoẻ. Phong trào cổ võ chuyện “ăn chay kiêng thịt”, đang rất rầm rộ trên khắp các nước tư bản giàu có, dư thừa thịt mỡ, bơ sữa, cũng là chuyện có thiệt.
Đồ ăn quá thừa mứa, cho nên người ta không quí. Ăn tới tràn họng, không biết thèm thuồng là gì, cho nên đồ ăn cũ (leftover) ít khi tụi nhỏ ngó tới. Ba lại là “con chó trong nhà”, luôn ráng ăn đồ thừa của sắp nhỏ, vì bỏ cứ thấy “tội”. Sức người cũng có hạn. Ăn hoài đồ cũ rồi cũng nuốt hết trôi. Để trong tủ lạnh năm ba bữa, thấy nó lên men, hôi chua, chừng đó mới có lý do chính đáng để đổ bỏ mà không thấy “tội” nữa. Vẫn phí phạm. Bỏ nhiều lắm! Bỏ thường xuyên!
Mặc thì sao? Phung phí quá sức, nhất là phe của bả! Quần áo viện cớ mỗi mùa nóng lạnh khác nhau, phải mua sắm theo mùa, nhưng đồ mặc mùa đông năm nay thì sẽ không rớ tới mùa đông năm sau, vì nó lỗi thời. Đồ mùa hè năm nay, mùa hè năm tới sẽ mua cho năm tới, chớ không mặc lại đồ của năm trước! Quần áo chỉ mặc một mùa, mà mỗi mùa chỉ có 3 tháng, và trong ba tháng, một bộ đồ vừa mua, chưa chắc xỏ vô hơn ba lần! Có nghĩa là đồ bỏ ra vẫn còn mới tinh! Làm gì có chuyện rách gấu, sờn bâu? Đồ cứ thế mà đầy tủ áo. Lâu lâu, soạn ra, thấy còn mới, vẫn không chịu mặc, không muốn mặc, với lý do mới hơn: mập hơn tí mặc không còn vừa, ốm ơn tí mặc không còn đẹp,… rồi gom lại chỡ cho nhà thờ.
Nhà có ba cô con gái, chỉ một cậu trai. Đồ con trai bỏ ra, ba còn lượm mặc. Đồ con gái và bà xã bỏ ra, ba thua! Chỉ có áo thun, loại áo không kỳ thị giới tính, không kén kích thước, thì đứa nào bỏ ra, ba cũng gom lại mặc. Tủ của ba có cả vài chục cái áo thun cũ. Có những cái mặc vào con cái xúm nhau cười, vì nó chẳng hạp cho ông già chút nào. Kệ! Bỏ tội! Vậy đó!

Ngày mới qua Mỹ, hai vợ chồng bốn đứa con, nhận tiền trợ cấp từ chính phủ được khoảng $750 USD/tháng cộng thêm tem phiếu thực phẩm (food stamp) chừng $150 USD. Mướn apartment hết $650/tháng. Cả nhà gói ghém trong $100 tiền mặt và $150 food stamps! Những nhu yếu phẩm tối cần thiết như giấy vệ sinh, kem đánh răng, xà bông… mới có quyền đụng tới cái ngân khoản $100 nhỏ nhoi còn sót lại. Tất cả mọi thứ khác, hoặc là xin các hội từ thiện, hoặc là ra chợ trời gom về xài. Hội cho bộ nệm. Ra chợ trời mua đôi giày cũ 25 cents. Vô chợ Good Will lượm được chừng chục cái áo sơ mi còn mới tinh, chỉ 25 một cái! Vui khôn tả! Không tiện tặn gói ghém như vậy, $100 đô sao sống nổi?
Còn quà cáp tiếp viện cho gia đình hai bên. Thời đó mỗi tháng chỉ có khả năng gởi được một gói nặng đúng 2 pounds đường bưu điện, cho nên phải cân nhắc, gởi làm sao cho vừa túi tiền, mà lợi kinh tế nhất cho bên nhà. Tôi nhớ dường như 6 khúc vải quần soa Pháp, và 3 chai dầu gió xanh thì đúng bon trọng lượng bưu điện cho phép. Tháng này gởi cho bên nội, thì tháng sau gởi cho bên ngoại. Chỉ là cứu đói, chớ làm giàu làm có gì với gói quà nhỏ tí tẹo đó!
Những ngày đó, những ngày sống trong thiếu thốn, mua món gì bà xã cũng ngồi tính nhẩm coi còn tiền để xài cho thứ khác hay không. Tôi an ủi vợ:
- Một ngày nào đó, anh sẽ có tiền để em muốn mua gì thì mua, không cần suy nghĩ.
Tôi hay hứng chí hứa ẩu. Nhưng được cái tôi ít khi thất hứa, nhứt là với vợ con. Bả cười tin tưởng. Không tin, sao dám lấy thằng chồng nghèo rớt mồng tơi! Bà xã tôi tuy xuất thân con nhà khá giả, sung sướng như tiểu thơ, nhưng khả năng thích nghi với hoàn cảnh phải nói là tuyệt diệu. Chưa bao giờ than vãn. Tiền nhiều xài nhiều, tiền ít xài ít. Bao nhiêu cũng đủ.
Rồi ngày đó cũng tới. Mười năm sau, bà xã muốn xài gì thì xài, muốn mua gì cứ mua, không cần suy nghĩ tính toán như hồi cầm vài đồng để mua một cuộn giấy vệ sinh. Nói theo người cộng sản, là “hưởng theo nhu cầu”. Ở đây tôi cũng chỉ nói cách chung cái nhu cầu sinh hoạt của đại đa số dân Mỹ thôi. Chứ lấy nhu cầu của gia đình Donald Trump ra làm tiêu chuẩn, như cần mua máy bay thì mua, cần mua du thuyền thì mua, thì tui có nằm mơ cũng không được trải nghiệm!
Tôi cũng gieo vào đầu các con, cái tư tưởng rất cộng sản đó:
- Mấy đứa con học gì cũng được, miễn là sau này khi có gia đình, có con cái, tụi con muốn mua thứ gì là chạy đi mua, không cần suy nghĩ coi mình mua thứ này thì còn tiền để mua thứ khác hay không, bla, bla,… Cuộc sống đạt được mức đó, thì đúng là thiên đường rồi.
Tới thời điểm này, chuyện ăn no mặc ấm, ăn ngon mặc đẹp, không là vấn đề gì đối với chúng. Cái tiêu chuẩn “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” có thể nói cũng đã tới với chúng.

"Ăn ngon mặc đẹp, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu", có phải là ảo tưởng? Không! Đó là sự thật. Không phải là hứa hẹn suông cho quên nghèo và khổ. Cũng không phải nằm mơ. Cũng chẳng cần một chủ thuyết bá láp nào làm kim chỉ nam! Lạ một cái là điều đó nó chỉ thấy ở các nước tư bản "giãy hoài hỏng chết" chớ không thấy ở các xứ thiên đường XHCN!  Hỏng tin thì sang đây mà coi.
10 janvier 2018
Peter C. Trần

https://www.facebook.com/peter.tran.77582

 

Đăng ngày 17 tháng 01.2023