banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Văn hóa hận thù

Peter C. Trần

Viết chuyện chính trị, viết chuyện “mắc dịch” hoài cũng mệt quá. Hôm nay tui viết chuyện đạo. Không nhứt thiết bạn phải cùng tín ngưỡng như tui mới đọc được. Cứ đọc thử coi sao.
Ai xem phim Tàu hay đọc truyện kiếm hiệp, nhứt định phải biết cái câu: “Quân tử trả thù mười năm chưa muộn”, hay câu khác: “Có thù không trả uổng làm người”. Hầu như truyện nào của Tàu cũng quay đi quẩn lại cái văn hoá thù hận này.
Người thân của mình vô cớ bị giết, mình đi trả thù, còn có lý phần nào, còn có thể hiểu, có thể cảm thông được. Nhưng ông cha mình đi giết người ta trước, đến khi bị người giết, thì cũng nhứt định đi trả thù. Đối với họ, ai gây thù gây oán trước, đều không quan trọng, miễn đụng tới dòng họ là thù, và phải trả thù!
Miền Nam đang thanh bình, độc lập, tự do, hạnh phúc, thì mấy tên “ôn dịch” nghe bọn ngoại bang xúi giục, ôm súng, ôm đạn do bọn chúng cung cấp, để đi giết đồng bào của mình. Chẳng may mấy thằng này bị giết. Thế là con cháu nó nhứt định phải trả thù cho ông, cho cha nó, là những kẻ đi gây tội ác giết người trước! Thời chiến, tui sống trong quê, chuyện này thấy nhan nhản. Cha nó theo VC chết. Nó “thoát ly gia đình”, đi theo VC liền, để trả thù cho cha nó! Cha nó đừng theo VC để giết dân miền Nam, thì làm gì phải chết? Thù đâu ra mà trả? Đáng lẽ phải nói: “Chết đáng kiếp” mới hợp lý!
Văn hoá đó 100% du nhập từ văn hoá trả thù của Tàu, đúng không?
Rồi, ai thích chuyện tào lao thì bưng ly cà phê “cái nối ngồi trên cái cốc” ra đi. Vừa nhâm nhi vừa đọc. Đọc chán cứ nghỉ. Tui viết chán, nghỉ luôn.

1. CHUYỆN ĐẠO
Những người dân sinh sống ở miệt Cái Rắn, Cái Nước, Đồng Cùng, Năm Căn, thuộc tỉnh Cà Mau cũ, dù theo đạo Công Giáo hay không theo, khi tui nhắc “Anh Tám Hậu”, ai cũng biết. Đó là Linh Mục Piô Ngô Phúc Hậu. Ngài là một LM đạo đức, hết lòng yêu dân nghèo, vì người nghèo. Gần như cả cuộc đời của Ngài ở vùng khỉ ho cò gáy này chỉ vì người nghèo. Ngài chọn nơi này làm quê hương, cho đến khi nghỉ hưu.
Khi VC chiếm miền Nam, ngài cũng “hân hạnh” được “nhập kho” như hàng triệu con dân miền Nam khác. Sau khi được “xuất kho”, ngài vẫn tự nguyện ở lại đây. VC không gọi cha, không gọi thày gì hết. Chúng gọi ngài là “anh Tám Hậu”, và từ đó khi nói “tám Hậu” thì người CG biết đó là Cha Ngô Phúc Hậu của họ.
Ngài cũng là thày của tui, một người thày tui yêu kính từ năm Đệ Thất ở trường Đồng Tâm, Cần Thơ đến nay. Đặc biệt tui rất mê sách của Ngài, với lối văn bình dị, dí dỏm, nhưng thu hút lạ lùng. Để tui trích một đoạn trong quyển Nhật Ký Truyền Giáo của ngài, kể chuyện một tín hữu thù dai cho tới chết vẫn còn thù.

Trích:
Hôm qua mình giảng, theo bài Tin Mừng về tình yêu đối với kẻ thù (Lc. 6, 27-38). Mình thao thao bất tuyệt. Khán giả há mồm mà nghe. Ðã hết sức! Ai ngờ... Sáng hôm nay, một dì phước báo cáo:
- Hôm qua tổ của chúng con chia sẻ bài Tin Mừng mà cha đã giảng, có một bà già ngoe ngoảy ra về. Bà nói: "Tôi không học đạo nữa đâu. Chúa dạy tôi yêu kẻ thù, tôi theo không nổi. Con dâu tôi hỗn quá, tôi không thể tha thứ được. Tôi thề đến chết cũng không tha cho nó. Tôi ghi băng đàng hoàng...".
- Buồn quá nhỉ? Ðành vậy! Nhưng chúng ta chưa tuyệt vọng. Xin chị cùng với tôi cầu nguyện cho bà. Hy vọng bà sẽ trở lại lớp giáo lý vào một ngày nào đó...
Ðôi khi mình cũng buồn, nhưng chỉ buồn năm giây thôi. Hôm nay mình thấy buồn dai dẳng, buồn man mác. Công dã tràng! Cầm cuốn Tân Ước trong tay, đọc Lời Chúa bằng miệng, nghe Lời Chúa bằng tai, thính-thị đàng hoàng, thế mà ngoe ngoảy ra đi, thề không trở lại…! Tại sao vậy?
Mình ngồi đờ ra, mơ mộng nghĩ lại chuyện xưa.
Một linh mục cao niên kể chuyện buồn nhất trong đời.
Giáo xứ của ngài có hai dòng họ lớn: Họ Nguyễn và Trần. Hai dòng họ cạnh tranh, ganh đua về mọi phương diện văn hóa, xã hội, tôn giáo, kinh tế.
Họ Nguyễn dâng cúng cho nhà thờ một sào ruộng, thì họ Trần sẽ dâng hai sào. Họ Nguyễn có người đậu tú tài, thì họ Trần sẽ cố gắng để có người đậu cử nhân. Họ Nguyễn cho một đứa đi tu, thì họ Trần cho hai đứa đi tu... Và một lần kia có vụ tranh chấp đất đai, hai bên đánh nhau. Ông tộc trưởng họ Nguyễn bị thương nặng.
Cha xứ đến để cử hành những bí tích cuối cùng. Ðiều kiện tiên quyết để lãnh các bí tích tối hậu là tha thứ. Nạn nhân quyết liệt từ chối. Cha xứ năn nỉ:
- Chúa có tội gì đâu, thế mà người Do Thái đóng đinh Ngài. Ngài tha thứ tất cả: "Lạy cha, xin tha cho họ".
- Chúa khác, con khác. Thù này là thù truyền kiếp. Con không thể tha được.
Thua ván bài một, cha xứ gỡ ván bài hai, ván bài “HÙ”:
- Nếu ông không tha thứ, thì ông phải sa địa ngục.
- Thà là xuống hỏa ngục, chứ con không tha được.
Thua 2-0, cha xứ đấu dịu. Ngài giơ cây thánh giá lên:
- Ông hãy nhìn lên Chúa, Ðấng đầy lòng thương xót. Ông hãy cùng tôi cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin tha tội cho con và xin Chúa giúp con để con tha cho kẻ thù của con".
Ông Nguyễn nhắm mắt lại, lật người quay mặt vào vách, rồi... tắt thở.  
Hồi mình còn bé, mình thấy ông nội đến chơi. Ông nội bồng em của mình vào lòng, hôn như mưa như gió. Thằng bé khóc òa lên. Mẹ mình chạy đến ẵm lấy nó. Nó vẫn không nín. Mẹ bèn làm bộ đánh ông nội : "Ông nội làm con tôi đau. Mẹ đánh ông nội này... Mẹ đánh ông nội này...".
Ðược trả thù thỏa đáng, thằng bé nín thinh. Vài phút sau lại cười toe toét.
Hạt giống hận thù đã gieo vào tâm hồn con người ngay từ thuở còn thơ. Hạt giống ấy nảy mầm, lớn lên, phát triển và được vun xới bằng những sự cổ võ hận thù rải rác trong lớp học, trong trường đời. Năm mươi năm sau, hạt giống yêu thương và tha thứ mới được gieo vào mảnh đất ấy. Trễ quá rồi! Ðành chết ngộp thôi!
Hết trích.

Tui đã từng viết: “Có đạo thì dễ, nhưng giữ đạo không dễ chút nào.” Người thân, ruột thịt, có khi còn không yêu và tha thứ được, thì thử hỏi làm sao thương được thằng cha hàng xóm ó đâm, nhứt là phải thương yêu và tha thứ cho cả kẻ thù của mình. Chúa làm được là chuyện hiển nhiên ai cũng biết. Chúa Giêsu trước khi tắt thở đã cầu nguyện xin Chúa cha tha tội cho kẻ sỉ nhục mình, đánh mình đến rách da tét thịt, rồi đóng đinh trên thập giá. Ngài dạy người ta yêu thương, tha thứ, và lời dạy cụ thể nhứt chính là Ngài đã làm gương, chớ không chỉ nói suông miệng.
Ngoài Chúa của tui ra, người phàm nào có thể yêu thương và tha thứ được cho kẻ thù của mình không? Tui đố người đọc có thể tìm ra! Đốt đuốc đi tìm cũng không thấy phải không? Hơn ba tỷ người trên thê gian này, có tìm ra, chắc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tui biết được hai người. Đó là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II (Pope John Paul II) và Đức Hồng Y Phanxico Nguyễn Văn Thuận.
ĐGH bị một tên Hồi Giáo ám sát. Hắn bắn Ngài mấy phát súng ở khoảng cách rất gần. Ngài trúng đạn, trọng thương, ngã xuống, không ai nghĩ Ngài có thể sống sót. Khi Ngài bình phục, Ngài đến tận ngục thất thăm kẻ sát nhân, nói lời tha thứ, và chính Ngài can thiệp để anh ta được thả ra. Ngài đã được Giáo Hội Công Giáo tuyên thánh rồi. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II.
Đức Hồng Y Thuận, là Giám Mục Phó của Địa Phận Sài Gòn, với quyền kế vị khi Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình từ trần. Chỉ vì Ngài là cháu ruột, gọi TT Ngô Đình Diệm là cậu, mà Ngài bị VC tống giam 13 năm, từ Nam ra Bắc, từng “nghỉ mát” ở Hilton Hà Nội (Nhà tù Hoả Lò). Mười ba năm trong tù, Ngài không thù không oán kẻ vô cớ bắt bớ, hành hạ ngài, ngược lại còn tỏ ra yêu thương họ. Những kẻ cai ngục cũng bị Ngài hoán cải từ thù thành bạn. Ngài đã được Giáo Hội tuyên phong Bậc Đáng Kính, trong một thời gian nữa sẽ tôn phong Chân Phước (Á Thánh), và sau đó sẽ được tuyên thánh như Đức Thánh Giáo Hoàng John Paul II. Một người cai ngục của ngài đã sang Roma để làm chứng về những nhân đức của Ngài, tên gì quên rồi.

2. CHUYỆN ĐỜI
Nói chuyện Mỹ trước rồi quay sang chuyện VN. Người Mỹ có thù không? Có trả thù không?
* Thời lập quốc, cái thời dân cowboy mang súng kè kè bên mình, chuyện đấu súng để giải quyết ân oán là thường. Ký giấy sinh tử đàng hoàng. Trọng tài đếm one two three, hai thằng rút súng ra khịa nhau. Đứa nào bắn nhanh, bắn giỏi, bắn trúng hồng tâm kẻ địch, thì ung dung nhét súng vào bao, lên ngựa, như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Thằng ngã xuống được người nhà đem chôn. Vợ, con cái, anh em, chẳng hề mang hận thù gì thằng bắn giỏi. Ân oán giải quyết xong sau khi một người đã nằm ngay đơ cán cuốc! Không có thù, không có oán, không có truyền cho đời sau như Tàu.
* Thời nay cũng vậy. Luật pháp không cho phép dùng súng thanh toán nhau, thì họ dùng cú đấm. Giải quyết ân oán bằng một cuộc đọ sức. Thằng nào bị đo ván (knock out), thì tự động lết về nhà. Không thù, không oán. Mọi thù oán coi như đã giải quyết xong.
* Luật bảo vệ whistle blower. Những kẻ đi tố cáo tội ác, tố cáo sai trái của chính quyền hay của cá nhân, gọi là whistle blower (người thổi còi, người báo động), được luật pháp bảo vệ. Toà án hay cơ quan cảnh sát, không được phép tiết lộ danh tính của họ. Xem chuyện luận tội ông Trump kỳ rồi thì biết. Trump tới giờ này chỉ nghi thằng này thằng nọ tố cáo mình, chớ hoàn toàn không cả quyết 100% nó là thằng nào phản phé mình. Chuyện tố cáo trúng, hay tố cáo gian, không bàn ở đây. Mục đích của luật pháp Mỹ là để bảo đảm không có sự trả thù. Người ta tố cáo trúng, thì Trump lãnh búa, bị truất phế. Người ta tố cáo sai, hay không đủ thuyết phục để kết tội, thì xù, Trump vô tội. Mọi chuyện chấm dứt sau đó.
Trong một neigborhood (khu dân cư) càng có nhiều whistle blowers, thì giá nhà càng đắt, vì đó là khu an toàn. Ngược đời quá phải không? Không ngược đời gì đâu. Nó giúp cho lối xóm không ai dám lạng quạng, bớt kẻ phạm pháp. Bất cứ chuyện gì khả nghi, họ ấn 911 gọi cảnh sát liền tức thì. Không ai thù ai mà ngược lại còn khoe: Khu tui ở rất yên ổn, toàn người tốt, giá nhà trên trời!
Trong hãng xưởng, hay cơ quan chính phủ, người báo cáo sự sai trái, nhất là báo cáo người chủ, cũng được bảo vệ. Chủ cho dù biết được kẻ báo cáo mình, cũng không dám trả thù. Trả thù nếu có, như đì người tố cáo, đuổi việc người tố cáo,… tuỳ theo mức độ, tư nhân thì sẽ bị thưa ra toà, đền tiền sặc máu, còn cơ quan chính phủ, thì xếp mà trả thù người tố cáo mình, thì sẽ bị chính phủ phạt, từ mất việc cho tới tù tội.
Nước Mỹ không dạy người ta trả thù, ngược lại còn có luật pháp ngăn cấm trả thù.

Giờ nói chuyện VN:
Thằng cháu ngoại lục lăng của tui đụng vô bàn u đầu khóc nhoi trời. Tui cũng ôm cũng dỗ. Thay vì đánh vào cái bàn vài cái, mắng nhiếc cái bàn cái tội làm cho cháu đau, tui dỗ cháu kiểu khác:
- Con nói cho ông nghe coi, cái bàn có hai con mắt không nè?  Con nhìn kỹ coi nó có hai con mắt như con không?
Thằng bé vừa khóc vừa lắc đầu lia lịa.
Ông vừa chơi vừa thiệt:
- Con có hai con mắt, con thấy nó. Nó không có hai con mắt như con, cho nên nó đâu có thấy con. Vậy mai mốt con thấy nó thì con phải tránh nó, đừng đụng vô nó nghen! Con đụng mạnh quá, nó cũng biết đau đó!
Thằng bé tủm tỉm cười:
- Bộ cái bàn nó cũng biết đau hả ông?
- Ừ! Nó biết đau chớ! Tại nó hỏng có miệng, nên nó hỏng biết khóc như con thôi đó!...
Hai ông cháu cùng cười. Nó quên đau. Dĩ nhiên nó không thù ghét cái bàn, mà mai mốt, vì nó sợ cái bàn “đau”, nó sẽ cẩn thận để tránh đâm đầu vô! Cũng là cách dạy cho nó biết nghĩ tới “người khác”, chớ không phải nó là trung tâm vũ trụ, và ai cũng đều có lỗi với nó.

Sách giáo khoa của VNCH tui chưa từng thấy và chưa từng được dạy hận thù. Coi sách giáo khoa của VC, chúng dạy con nít biết thù hận từ lúc mới mở mắt. Khỏi mất công trích chi cho mệt vì đó là chuyện người đui cũng thấy, người điếc cũng nghe. Lớn lên không vác dao chém bất cứ ai đụng đến nó mới là lạ!
Với người lớn thì sao? Chúng dạy đấu tranh giai cấp, dạy người nghèo thù người giàu. Dạy cướp chính quyền.
Bây giờ chúng trở nên giai cấp tư bản đỏ, giàu hơn gấp trăm lần “bọn tư bản bóc lột” thời phong kiến, hay thời VNCH. Không thấy chúng còn dạy, còn xách động dân chúng thù mấy thằng ngồi ghế dát vàng, mấy thằng sống trong biệt phủ, mấy thằng có tiền tỷ từ dầu hoả, từ rừng vàng biển bạc của đất nước, từ ngân quỹ quốc gia, mấy thằng có tiền tỷ đem gởi ngân hàng Thuỵ sĩ, mấy thằng ăn ngập mặt có tiền mua nhà đất và đưa con sang xứ giãy chết,… Có gan thì xách động quần chúng hận thù giai cấp tiếp đi, coi mấy người có bị quả báo, có bị dân đem treo cổ rồi tùng xẻo không cho biết!

Kết luận rồi nghỉ:
* "Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau là yêu người như mình ta vậy". Giáo Lý của đạo Công Giáo chỉ tóm gọn trong hai điều trên. Nên nhớ, yêu cả kẻ thù, chớ không phải chỉ yêu kẻ yêu mình nghen. Có đạo nào trên đời này dạy con người ta yêu thương đồng loại đến mức đó không? Khó dàn trời!
* Cái văn hoá trả thù của người Tàu và người Việt nó ăn tận vô xương tuỷ. Theo đạo cả một đời, nhưng giáo lý, lời Chúa dạy, vẫn không đủ đô để đẩy lùi cái văn hoá thù hận đó ra khỏi tim não của một tín hữu (bề ngoài xem ra rất ngoan đạo). Dù có phải xuống hoả ngục cũng không tha. Cho nên mới nói: Có đạo rất dễ, giữ đạo vô cùng khó.
* Quí vị là tín hữu CG: Mỗi khi quí vị giận vợ, giận chồng, giận con, giận cháu, giận cha mẹ, giận ông bà, giận đến cái mức không thể nào tha được, y như bà già chồng trong câu chuyện của cha Hậu, và quí vị thề độc như bị xe cán, bị chết bất đắc kỳ tử nếu còn nhìn họ, thì tui khuyên quí vị hai điều:
Thứ nhứt, không cần giữ lời thề đó! Tui bảo đảm quí vị sẽ không bao giờ “mắc lời thề”, để bị xe đụng hay chết bất đắc kỳ tử, bởi vì Chúa bà thần thánh nào mà nỡ giết một người độ lượng, nhân hậu, khoan dung, có thể tha cho những người xúc phạm đến mình? Nhớ đừng giữ lời thề loại này.
Thứ hai, nếu không thương và tha thứ được cho cả những người thân yêu của mình, quí vị nên bỏ đạo! Đừng giữ đạo chi cho cho mất công. Nghỉ cho khoẻ! Tại sao? Bởi vì chính người thân, máu mủ mà mình không thể thương và tha được, thì cách gì có thể yêu thương và tha thứ cho người khác, nhứt là tha cho kẻ thù? Tốn công giữ đạo mà không lên thiên đàng, giữ chi? Cứ xuống hoả ngục cho rồi! Thiếu gì người xuống hoả ngục! Nóng chút có sao? Ai sao mình vậy! Ai sống được ở hoả ngục thì mình sống được! Có lý không nè?
Thôi thì ta ráng, ráng, ráng, ráng thương người, ráng tha thứ cho người, theo lời Chúa dạy, theo gương Chúa đã làm, theo gương ĐGH John Paul II, theo gương ĐHY Thuận, thì mới hy vọng kiếm cái vé cho chuyến tàu chót, một chuyến bay lên, không phải bay xuống!

* Chúa ơi! Cả một đời giữ đạo, con học yêu thương còn chưa xong. Học tha thứ cho những người thân yêu cũng chỉ được ba mớ, chưa tới đâu! Làm sao học yêu thương và tha thứ được cho cả kẻ thù? Con chỉ có thể khoe với Chúa: Con có cố gắng luyện công hằng ngày. Tới đâu hay tới đó. Chúa chấm công theo thiện chí, thì may ra con mới có cơ hội được thành chánh quả, bằng không chỉ có bay xuống, cách gì bay lên gặp được Ngài. Amen.
Peter Chánh Trần

TB:
Người CS nên nhớ: Con người không phải là thánh. Con người không ai có thể tha thứ cho những kẻ làm ác, dễ dàng đâu. Tha được thì thành thánh hết. Cho nên đừng có lấy gì làm lạ, tại sao chiến tranh đã qua hơn 40 năm, mà CS các người vẫn bị rất nhiều người thù oán đến như vậy, bởi vì các người đã gây nên nhiều tội ác, đã gây thù chuốc oán với hàng triệu triệu người. Các người tỏ ra ăn năn sám hối cũng chưa chắc người ta bỏ qua tội ác của các người được, huống hồ các người vẫn không hề hối lỗi, ngược lại vẫn “ngạo nghễ”, vẫn cổ võ chuyện hận thù, vẫn ăn mừng chiến thắng trên sự đau khổ của người khác. Hoà giải dân tộc kiểu gì khi quí vị không ngừng đem xăng đổ vào lửa?

Dẹp chuyện “ăn mừng” ngày 30 tháng 4 đi!

19/04/2020
Peter Tran

https://www.facebook.com/peter.tran.77582

 

Đăng ngày 24 tháng 04.2023