banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn tạm ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?

Nguyễn thị Ngọc Dung

Hè Vancouver 2021 quả là một mùa hè... khó quên. Đặc biệt, với cái nóng khủng khiếp chưa từng có. Không phải chỉ là "cái nóng nung ngưòi, nóng, nóng ghê" của Nguyễn Khuyến thuở trước. Cũng chẳng phải mùa hè lãng mạn trong “Le Dernier baiser” mà là một mùa hè nóng lạ lùng... Một hiện tượng hiếm ở Canada. Càng hiếm hơn, đối với Vancouver, nơi vốn mát lạnh xưa nay. Thường thường mùa hè có nóng lắm thì cũng chỉ vào khoảng 25, 26 độ C. Lâu lâu mới có ngày 28, 29 độ. Ấy thế mà năm nay đã có một vài ngày "trời hành cơn... nóng" dữ dội. Nóng đến... chết người. Có những người (già) đã chết vì nóng. Khiến Vancouver trở nên khác thường, chẳng giống ai. Gần 50 độ C! Người ta chạy đi mua quạt điện, và máy điều hoà không khí. Nhiều chỗ không còn để mua hay bán.
May thay, tình trạng này đã chấm dứt sau vài ngày, để chỉ còn lại những ngày hè bình thường như nhiều nơi khác. Phải chăng "climate change" đã làm xáo trộn tình hình thế giới?  Thói quen huỷ hoại môi trường, vô tình, nhưng cũng khó bỏ. Rồi có lúc môi trường cũng phải phản ứng lại. Khoa học tiến bộ, kỹ thuật ngày càng "hiện đại". Người dân ngày càng trở nên văn minh. Càng văn minh lắm, càng... oan trái nhiều. Mặt khác, cũng có vấn đề "side effect" trong cái tối tân. Chưa hẳn đã là hoàn hảo.
Dù sao đi nữa, Vancouver vẫn còn là nơi tạm gọi là lý tưởng. Thời tiết đã trở lại với cái nóng bình thường. Mọi chuyện gay go rồi cũng qua. Chỉ còn vấn đề đại dịch. Đã đỡ nhiều. Canada đã mở cửa trở lại. Nghe mà phấn khởi. Nhưng dịch vẫn chưa dứt hẳn. Dứt sao được, khi chung quanh còn những "biến thể" lây lan. Nhìn qua nước hàng xóm cũng đủ thấy: Vẫn không thể lơ là. Các tỉnh bang Canada cũng đã nới lỏng và mở cửa cho quốc tế. Và điều này đã được thực hiện vào giữa tháng 8. Nhưng với tình thế mới, biến thể delta đang lan tràn dữ dội các nơi, cũng đủ thấy ngán ngẩm. Dù Canada chưa thấy động tĩnh gì(?). Nhưng chẳng dám ỷ y. Vẫn biết rằng điều quan trọng là ai nấy biết giữ gìn sức khoẻ thể chất và tinh thần. Kèm theo một lối sống lạc quan. Nhưng sự thật không đơn giản cho những người dân sống tại đất nước chưa hoàn toàn phát triển. Thiếu một hệ thống xã hội lành mạnh, để có thể bảo đảm một đời sống ấm no. Trong đó, vấn đề dân sinh, dân quyền được tôn trọng. An ninh y tế và xã hội được quan tâm. Oái oăm hơn nữa, trong hoàn cảnh đại dịch hiện nay, tình trạng của những người đầu tắt mặt tối, vì miếng cơm manh áo quả thật đáng thương. Làm sao có thể “thân tâm an lạc” được, khi còn phải “toát mồ hôi” vì “chạy ăn từng bữa” nuôi gia đình? Nhất là trong lúc đại dịch thế này, muốn “toát mồ hôi”  để có được miếng cơm cũng không phải dễ. Những người sống bằng nghề bán vé số, phụ hồ, lái xe ôm, buôn bán lẻ trên vỉa hè... Có ai lo cho, lúc này?
Có lẽ chưa bao giờ, người ta lại ý thức rõ hơn lúc này, thế nào là một chính phủ thực sự là “của dân, vì dân và do dân”(1). Càng biết ơn lòng nhân đạo của những đất nước không cùng màu da. Đồng thời, thương cho những hoàn cảnh kém may mắn của những người sống trong một đất nước cùng dòng máu. Nghĩ lắm càng bế tắc. Chẳng làm gì được cho ai, thì cũng chỉ mong những điều tốt đẹp, may mắn, và niềm vui (tạm) đến với mọi người, mọi nhà.
Cùng với sự chuyển biến của tình hình dich bệnh, con người nhiều lúc không khỏi cảm thấy bất lực. Cứu trợ cá nhân như muối bỏ biển. Sức người nhỏ bé quá!
Còn được bước trên đường phố thênh thang. Còn được hưởng cái đẹp của thiên nhiên với không khí trong lành và những cơn gió mát mẻ, thì còn hạnh phúc. Không có gió thoảng, không phải Vancouver. Tạm gác suy tư sang một bên, lợi dụng thời tiết đẹp, bạn bè rủ nhau tìm nơi vắng vẻ, thoáng mát để “picnic” trong lúc này, cũng là một niềm vui. Thiên nhiên sẵn đấy. Trời nước một màu xanh lơ. Dẫy núi xa xa cũng một màu xanh thắm. Đỉnh núi viền mây trắng. Trông thật nên thơ. Một vài con tàu lướt sóng tới lui. Êm đềm. Cũng là một ngày vui trong vạn ngày... buồn. Nỗi buồn bó cẳng, vì... đại dịch. Đại dịch chưa hết, đã lại "biến thể "và đang lây lan, khi người ta lơ là!
Bảo rằng hãy tạm quên đi thực tế trong giây lát mà nào có được.  Mỗi khi phải bó tay, ngồi nhìn đại dịch giở trò, tôi cảm thấy chính mình cũng không tránh khỏi ý nghĩ nửa ưu tư, nửa khôi hài, rằng, chưa có thời buổi nào như thời buổi ngày nay. Chưa có cơn đại dịch quái lạ nào như đại dịch đầy... kịch tính này: "Nó" đến thình lình, không ai biết trước. Ẩn hiện, biến hoá khôn lường. Đại dịch không phân chia biên giới, màu da, ngôn ngữ, tuổi tác hay nghề nghiệp. Khiến con người không biết đâu mà lường. Người xưa thường nói "Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng". Ngày nay, con người đã không thể tự biết mình (có bệnh hay không). Cũng không thể “khôn ngoan” đủ để biết người, hầu có thể "thắng", hay ít nhất để... tránh khỏi nhiễm bệnh. Ngày xưa thường khuyên nhủ con người trong xã hội nên đối xử nhân ái với nhau. Cởi mở, thân thiện lúc còn sống. Tử tế, đại lượng khi ngưòi quen đã qua đời. “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Thế mà bây giờ, vì đâu nên nỗi, khiến cho tất cả... nền nếp xưa đã không còn nữa? Hết rồi những cái bắt tay, những câu chào hỏi, những lời thì thầm bên tai. Hết rồi, cử chỉ thân thiện, những cái bá vai, quàng cổ, những cái "hug" thân tình. Con người bây giờ dường như vô tình với nhau. Lại như không tin ai. Không giao du. Không mời mọc ăn uống... như xưa. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng, người quen. Tất cả, dường như chẳng ai thân thiện với ai và đã hết tình cảm với nhau, đã không còn tin nhau nữa thì phải? Thậm chí, khi bị bệnh cũng không viếng thăm. Lúc nhắm mắt cũng không người đưa tiễn. Từ người nổi tiếng cho đến kẻ thường dân. Sao cuộc đời bỗng dưng... buồn thế? Chưa bao giờ thái độ người đời đã “thay đổi” đến như vậy. Người ta không nghĩ đến  chuyện... lịch sự với nhau. Cái dịch này chẳng khác gì “dịch” đổi đời, đổi tiền năm xưa. Thoáng một cái đã gần nửa thế kỷ. Tưởng như mới ngày nào. Ngỡ ngàng. Đảo lộn. Điêu đứng. Không chỉ thế, đại dịch đã có lần khiến người ta liên tưởng đến thời kỳ chiến tranh, khoảng những năm 1945 của thế kỷ trước. Người người phải dời thành phố về miền quê để tránh bom đạn. Thời ấy đã xa. Thế mà bây giờ cảnh ấy cũng đã diễn ra, ngay tại quê hương. Cứ y như có chiến tranh! Mà chiến tranh ở đây đặc biệt hơn: Giết người không súng đạn. Trong đó, đã có những người "nằm chết như mơ" (1). Người ở thành phố có điều kiện thì lo tích trữ lương thực, phòng khi không thể mua bán. Người không có cơ hội thì vội vã... qui cố hương, cho khỏi đói. Mà cũng không dễ.  Rõ ràng là:
Trẻ tạo hoá đành hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi! (2).
nếu chẳng gọi là “bức tranh vân cẩu” thì cũng không biết nói sao hơn? (3)

“Chiến tranh dịch” bây giờ diễn ra mọi nơi, trên toàn thế giới. “Nhân vật” tai ác ấy... vô hình và biến hoá thiên vạn trạng! Đảo lộn cả nếp sinh hoạt cùng lối suy nghĩ của con người. Những ngày sau 1975, người ta cũng chẳng ai dám tin ai. Mạnh ai nấy tìm đưòng trốn chạy. Đến trường, hôm nay còn đầy đủ bạn bè, đồng nghiệp. Ngày mai và những ngày kế tiếp, thấy vắng bóng, là đã hiểu ngay. Bây giờ cũng gần như thế. Nhưng, tệ hơn ở chỗ, chẳng ai dám đến nhà ai để hỏi thăm. Vừa nói chuyện hôm qua, hôm nay đã vắng bóng. Trong lòng đã sinh nghi, cũng không dám đến gần, hỏi han. Vấn đề tế nhị. Gia đình nào có người bệnh cũng giấu, như nhà có ngưòi vượt biên! Đúng là không cái khổ nào giống cái khổ nào. Bây giờ chuyện cũ đã xa xưa, nhưng thời nay người ta cũng khổ; mà khổ kiểu khác. Cũng không ai dám... tin ai (là có bệnh hay không). Kể cũng buồn, người bệnh chẳng tội tình gì mà phải bị... giam cầm trong bốn bức tường.  Không làm gì phạm pháp mà cũng phải bị đày đoạ đến... khó thở ? Không buồn không được! “Thái độ xa cách” của người quen, phải chăng dần dần có ngày sẽ đã trở thành thói đời... tệ bạc?
Nhưng, bình tâm mà nghĩ, nào có phải như thế. Con người ta đâu đã đến nỗi táng tận lương tâm đến vậy? Chẳng qua “gặp thời thế thế, thời phải thế”. “Thời” ấy, là "thời Covid”. "Thế” ấy, là "thế bi quan". Nhìn cảnh khổ diễn ra hàng ngày khó tránh khỏi ưu tư để không... triết lý vụn, hay bi thảm hoá cuộc đời. Nhưng rõ ràng, sống trong đại dịch, con người bỗng dưng cũng phải thay đổi thái độ để thích ứng với hoàn cảnh. Ai cũng hiểu rằng thờ ơ, lạnh nhạt, không tin nhau hay dè dặt, không tới gần nhau v.v... ấy, chỉ là một lối nói. Và thái độ ấy, trong lúc này lại là điều cần thiết. Nhất là khi không còn có lựa chọn nào hơn. Cuộc đời vốn đã vô thường, lại càng vô thường hơn. Thận trọng, chính là thái độ khôn ngoan của người có ý thức và hiểu biết. Bây giờ, thương ai cũng chỉ để trong tâm. Ngậm ngùi, và cầu nguyện vậy. Nhưng may quá, con người xem ra cũng còn một lối thoát. Ấy là, đại dịch chưa đến nỗi... lây lan qua internet, facebook, điện thoại, laptop, computer hay email. Thậm chí nếu cần, có thể gặp nhau trên “zoom” cũng không sợ lây nhiễm. Nhờ vậy,  cũng được an ủi rất nhiều. Mọi sự thương xót, nhớ nhung, tiếc nuối đối với người ra đi cũng đành. Không ai dám biểu lộ bằng hành động thăm viếng, như xưa kia đã từng. Tình thế như vậy, biết làm sao hơn?
Một điều thú vị là, trên thế giới có biết bao nhiêu nền văn hoá khác nhau, ngôn ngữ khác nhau. Thế mà, chỉ... nhờ đại dịch, con người khắp nơi trên thế giới bỗng kết hợp thành một khối vô hình. Cùng chống kẻ thù chung là covid-19. Cùng lắng nghe theo một định luật chung, căn bản nhất và cần thiết nhất là: Ngừa dịch bệnh, phòng chống lây nhiễm. Chưa bao giờ, con người khắp năm châu lại thống nhất với nhau về một điểm chung như thế. Trong khi ấy, cũng không tránh khỏi những thái độ đối nghịch một cách lạ lùng (không tin có đại dịch, không tin vào sự cần thiết phải phòng ngừa, xúi người khác đừng đi chích, đừng đeo "khẩu trang". Cho đến khi chính bản thân bị thiệt thòi. Chính trị hoá cơn dịch? Thật đáng tiếc.

Cho đến giờ phút này, có không ít người hiểu rằng, con người không thể sống cô lập. Và, chuyện lây lan là chuyện tất nhiên của cơn dịch nguy hiểm này. Kiêng cho mình là kiêng cho cả người thân, và cho cả những người chung quanh. Bây giờ, hơn lúc nào hết, quan niệm xưa:
Yêu em, anh để trong lòng,
Viêc quan, anh cứ phép công anh làm...
xem ra vẫn còn chí lý, phải không cơ?
Đại dịch đã như thế. Con người trong hoàn cảnh ấy lại càng nên sáng suốt... như thế.  Âu cũng là một sự đổi đời, hay ít nhất là đổi mới. Gần như toàn diện. Từ nhân sinh quan cho đến cách sống. Tất cả những sự đổi mới ấy chỉ là bất đắc dĩ, nhưng cũng có thể có cái hay, vì lợi ích chung của cộng đồng nhân loại. Sau bao lần... mừng hụt, người ta trở nên kiên nhẫn hơn. Chờ đại dịch qua hẳn, hay là (có thể ) phải sống chung một bầu trời với chúng. Nhưng, vẫn tin tưởng rằng “ngày mai trời lại sáng”. Kẻo nếu không, thì “tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ”(4) , những ngày vui đã qua?
Nguyễn thị Ngọc Dung
Vancouver, mùa đại dịch, 2021

(1) Câu nói của Tổng Thống Abraham Lincoln : “Chính phủ của dân, vì dân và do dân”. ( Government is of the people, for the people and by the people) Nguyên văn: Government is of the people , by the people and for the people shall not perish from the Earth (sẽ không bị diệt vong khỏi trái đất).
(2) & (3)  Mấy câu thơ trong  Cung Oán Ngâm Khúc (của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều).
(4) Lời bài hát “Những ngày thơ mộng” của Hoàng Thi Thơ.


Đăng ngày 19 tháng 09.2021