banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tản mạn về ngày Tôn Sư Trọng Đạo

 

thaytruyet

Gs Mai Thanh Truyết

Vào ngày 2/12/2012, như thường lệ hàng năm, Gs Nguyễn Thanh Liêm, Lê Văn Duyệt Foundation tổ chức Ngày Tôn Sư Trọng Đạo. Năm nay, Bruce Trần, TGĐ Đài truyền hinh VHN  cùng phối hợp tổ chức ngay tại đài và trực tiếp truyền hình.

Đây là một truyền thống cần được duy trì nhứt là tại hải ngoại, để từ đó con cháu chúng ta, những người trẻ lớn lên tại xứ tạm dung nầy hiểu thêm một khía cạnh văn hóa của  Việt Nam.

Ngày Tôn sư trọng đạo có thể được hiểu nôm na là ngày Nhớ ơn Thầy vì “một chữ cũng là Thầy, nửa chữ cũng là Thầy” (nhứt tự vi sư, bán tự vi sư) theo quan niệm ngày xưa, ảnh hưởng của Khổng giáo và Nho giáo.

Người Thầy ngày xưa dạy cho ta, ngoài chữ thánh hiền còn dạy cho ta nhiều điều tốt trong cuộc sống từ lời ăn tiếng nói, cung cách đi đứng, khuôn phép ứng xử với đời v.v…Còn người Thầy trong hiện tại, nhứt là tại hải ngoại, môi trường đích thực của “học trò ngày nay”, đàn em, đàn cháu của chúng ta đã tiếp thu những gì từ người Thầy nơi học đường?

Có chăng chỉ là những kiến thức đã được ghi trong “text book”! Và nhiệm vụ của người Thầy  được gói trọn trong việc truyền đạt trên. Ngòai ra, người Thầy ngày nay không còn một trọng trách nào khác đối với học trò..Như thế,  người Thầy chỉ giữ một vai trò đơn giản hơn, và công việc của người Thầy được xem như một công việc như trăm ngàn việc khác trong xã hội.

Thế nhưng, một câu hỏi được đặt ra là, chúng ta có cần giữ lại truyền thống nầy không? Nghĩa là lưu giữ Ngày nhớ ơn Thầy.

Xin trả lời: Có và Không.

Có, là vì dầu muốn dầu không, xã hội Việt Nam vẫn còn ảnh hưởng không ít thì nhiều của tinh thần Quân, Sư, Phụ trong tâm khảm của chúng ta (những người đã sống và hành nghề thầy giáo trước 1975 ở Việt Nam).

Và Không, đối với thế hệ trẻ ở hải ngoại ngày hôm nay, vì họ đã và đang hấp thụ một nền giáo dục mở, thực dụng, và “máy móc”…, và vì mối liên hệ Thầy Trò ngày nay dường như không còn nữa ngoài những giờ đứng lớp cùng sự trao đổi đôi bên không ngoài những chương trong sách giáo khoa.

Như vậy, thái độ của chúng ta như thế nào trước sự thật trên?

Có cần tiếp tục suy nghĩ những câu “chú” cúng ngắt của Khổng Nho không?

Có cần truyền đạt tinh thần Tôn sư trọng đạo trong ý nghĩa cổ điển cho thế hệ đàn em, đàn con cháu mình không?

Thiết nghĩ câu trả lời là: Không.

Vì thê giới ngày nay là một thế giới động, một thế giới chuyển dịch rất nhanh, không còn “tĩnh” như xã hội ngày xưa nữa. Thế giới của toàn cầu hóa, thế giới của tin học. Cho nên những câu thiệu như “áo mặc không qua khỏi đầu” cần phải được cần phải được xét lại, vì hoàn toàn không còn hợp thời hợp cảnh nữa. Suy nghĩ trên cần phải được loại trừ trong tâm khảm của những người Thầy, người Cha còn giữ ý nghĩa trên.

Ngày nay, trước tiến trình toàn cầu hóa, sẽ không còn áo mặc không qua khỏi đầu  mà là áo mặc “phải” qua khỏi đầu, con phải hơn cha, trò phải giỏi hơn Thầy…mới hy vọng các thế hệ đàn con, đàn cháu chúng ta sẽ mang Đất và Nước đi lên.

Thế hệ đàn anh, lớp người đi trước phải là những viên gạch lót đường cho thế hệ đàn em, những người đi sau bước lên và tiến tới.

Đó mới chính là cốt lõi trọn vẹn của ý nghĩa ngày Tôn Sư Trọng Đạo trong nhận thức ngày hôm nay.

Mai Thanh Truyết
(Người Thầy “mất dạy” ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa).
02/12/2012

 

* Thầy Mai Thanh Truyết là cựu Giáo sư  kiêm Trưởng ban Hóa học ĐHSPSG trước 30/04/1975.

 

____________________