Mặt trái Hội Từ thiện lớn
Từ Emmüs của Linh mục Pierre tới Hồng Thập tự
Nguyễn thị Cỏ May
Ở Pháp, những Hội như Hội chùa, Hội Ái hữu trong cộng đồng người Việt nam tỵ nạn do luật 1901 chi phối, tôn chỉ phi lợi nhuận. Người có tiền đem cho Hội chỉ được trừ thuế đến một mức nào đó thôi, mà mức được trừ thuế rất thấp. Bên cạnh đó những Hội lớn, hoạt động trên qui mô thế giới, như Hồng Thập tự, Tổ chức Công giáo chống đói, là những hội từ thiện hưởng qui chế “công ích” nên người cho tiền hay tài sản được trừ thuế ở mức rất cao.
Người Việt nam mình lập hội nhằm chống cộng sản ở Việt nam là chánh. Trong lúc đó, cùng hưởng qui chế 1901, nhiều người Pháp thiệt và cả gốc ngoại quốc lập hội, hoạt động và nhờ đó họ sống thoải mái, với một mức sống cao hơn đồng lương và thì giờ lại uyển chuyển, dễ chịu hơn đi làm việc.
Vì vậy những hội này luôn sẳn sàng can thiệp khi có chuyện xảy ra như hô hào bênh vực những người đang ở trên xứ Pháp không giấy tờ, không có chổ ở, không có bảo hiểm sức khỏe… không cần biết tại sao họ tới đây trong tình trạng không hợp lệ như vậy để phải bênh vực cho họ.
Còn những hội thiện nguyện lớn, chẳng những nhận được nhiều tiền của tư nhơn như những công ty lớn, xí nghiệp lớn, mà còn được chánh phủ tài trợ. Mổi hội là một “vương quốc” riêng. Có cả ngàn người làm việc có lương và không lương. Nhưng ban quản trị có lương và ông Tổng Giám đốc lảnh lương không thua nhiều ông Tổng Giám đốc xí nghiệp công thương liên quốc gia.
Nhưng vì hội làm thiện nguyện nên những người làm việc bị lợi dụng tối đa như bị bóc lột mà tranh chấp thì bị cho là thiếu tinh thần thiện nguyện.
Khi cho hội 10 đồng, sau khi trừ các chi phí, vì bộ máy quá cồng kềnh và lại tiền chùa nữa nên không biết còn lại được 3 đồng tới tay nguời có nhu cầu được giúp đỡ hay không?
Ông Bà có 5 phút
Đi trong Paris hoặc những thành phố lớn, ngưòi ta thường thấy một nhóm năm bảy người mặc áo có in phù hiệu “Hoạt động chống đói, Chống Sida hoặc WWF, Hồng Thập Tự,…”, đặt chiếc bàn con, với một xấp tài liệu, gần miệng métro hoặc trên lề đường có đông người qua lại. Từ xa, họ đã nhắm người qua đường nào cần can thiệp để chận lại cho kịp lúc:
“ Ông Bà có 5 phút dành cho nạn đói trên thế giới, được không?”
Câu hỏi chỉ với vài chữ đơn giản nhưng là một công thức, một định lý dễ đưa người bị chận lại phải lâm vào một tình thế khá phức tạp. Nếu trả lời dứt khoát “không”, người hỏi sẽ biểu lộ một thái độ “rất tự nhiên thông cảm” nhưng qua đó, người bị hỏi, sau vài bước đi, lại cảm thấy mình thật vô tình. Trái lại, nếu trả lời “có chớ”, thì ta bị lọt vào bẩy.
Những người trẻ đón đường này, theo thuật ngữ của những hội thiện nguyện, là những “người tuyển mộ ân nhơn”, tức những người có thể cho tiền vì lòng từ thiện. Họ không xin ngay tiền bạc mà chỉ xin số chưong mục ngân hàng và số tiền người hảo tâm đồng ý cho hằng tháng để sẽ rút tiền đều đặn và dài hạn.
Người bị chận lại giữa đuờng có cảm thấy khó chịu thì chính những thanh niên làm việc thiện nguyện này cũng không thoải mái gì hơn.
Họ bảo “Đây là việc làm của con chó nhưng lại bị áp lực thật sự về kết quả”. Có cấp trên ở sát bên dòm ngó theo dõi. Khi kết quả “tuyển mộ” giảm, lập tức người làm việc cho mục đích từ thiện bị xử lý thẳng tay. Không một chút nương tay vì cùng tôn chỉ từ thiện!
Một thanh niên đã làm việc trong toán “tuyển mộ” tiết lộ, với thái độ khá hài hước, cho thấy mặt trái của Tổ chức Từ thiện đối xử với nhơn viên thiện nguyện: “Người ta bắt buộc tôi phải nghỉ việc trong vòng hai tuần bởi vì tôi hoàn toàn không thích ứng với phương pháp làm việc của Hội. Tôi đã phải lột quần áo của Hội cung cấp, giữa mùa đông, ngay giữa đường phố, để trả lại cho họ. Tôi chỉ còn cái T- Shirt dưới trời mưa và lạnh”.
Thù lao và tinh thần thiện nguyện
Tôn chỉ là thiện nguyện nhưng hội từ thiện lớn hay nhỏ cũng đều có ngân sách quản trị. Nhơn viên cấp nhỏ được trả lương nhưng với một giá biểu không theo qui định chánh thức. Như về số giờ/tuần, nay là 35 giờ/tuần. Nếu làm việc nhiều hơn, chủ nhơn phải trả những giờ phụ trội nhưng cũng chỉ tới một mức nào đó mà thôi. Và lương bổng cũng phải tôn trọng mức tối thiểu chớ không thể thấp hơn. Nhơn viên các hội từ thiện, không phải cấp lãnh đạo, đều làm việc trong những điều kiện cực kỳ thảm hại về mặt vệ sinh và an toàn. Thiên chức của Hội từ thiện là giúp người bất hạnh, đau khổ nhưng nhơn viên làm việc cho hội lại bị ban quản trị hội đối xử cách xa cả ngàn lần với những giá trị xã hội và nhân bản mà hội chủ trưong bênh vực. Nhơn viên vừa bị bóc lột sức lao động, vừa bị ngược đãi.
Trong chương trình phát hành hôm 15/06/2015, TV Canal+ đưa ra một phim tài liệu tố cáo Tổ chức Từ thiện Emmaüs do Linh mục Pierre sáng lập (nay ông đã qua đời). Với caméra giấu, ký giả Gabrielle Dréan ghi lại cảnh lao động của nhơn viên Emmaüs, tuần 40 giờ, lãnh 25 euros. Thanh tra Lao động đã tới kiểm tra điều kiện làm việc của nhơn viên ở đây. Kế đó, Hồng Thập tự cũng bị kiểm tra. Kết quả có 3800 trường hợp vi phạm luật lao động. Nhưng Hồng Thập tự cho những vi phạm này là chuyện nhỏ đối với 1800 nhơn viên của Hội. Họ vẫn tự cho là Hội đứng trên tất cả. Nhơn viên không phải là công nhơn thuần túy lãnh lương mà còn là người thiện nguyện phục vụ phúc lợi xã hội.
Số giờ phụ trội mà Hồng Thập tự xử dụng của công nhơn, nếu phải trả tiền theo giá biểu lương, sẽ lên tới 11 triêu euros. Tiếp theo sự can thiệp của nghiệp đoàn công nhơn, Hồng Thập tự thỏa thuận bồi hoàn trong 2 năm.
Hồng Thập tự là tổ chức giúp đời, giúp người bất vụ lợi. Một hình ảnh cao đẹp nên khi công nhơn phải tranh chấp quyền lợi lao động, trong quan hệ chủ nhơn/công nhơn, họ bị mặc cảm như xúc phạm tới hình ảnh của một tổ chức nhơn đạo thế giới, hậu quả sẽ ảnh hưởng xấu đến ngân sách của Hội. Điều mà họ vẫn ái ngại. Trong số công nhơn khiếu kiện, có người nói rõ họ tranh chấp không vì số giờ phụ trội được bồi hoàn mà chỉ nhằm làm cho luật lao động phải được tôn trọng nghiêm chỉnh.
Tranh chấp là xúc phạm tôn chỉ nhơn đạo
Những hội thiện nguyên lớn hay nhỏ, với tư cách hội làm từ thiện, cũng đều có quyền tự cho mình có thể làm bất cứ việc gì. Trong số 1,8 triệu công nhơn làm việc cho các hội từ thiện, ngày càng có nhiều người bị khủng hoảng tâm lý sanh ra nhiều chứng bịnh nghề nghiệp về tâm thần. Như thần kinh căng thẳng, lo âu, mất ngủ nặng…
Khi công nhơn đòi hỏi quyền lợi của mình phải được tôn trọng thì chủ nhơn, tức Ban Quản trị hội, sẽ ôn tồn xoa dịu phản ứng của công nhơn bằng những lời lẽ dịu dàng “Chúng ta cùng làm việc cho mục đích nhơn đạo. Tại sao lại tính số giờ phục vụ?”. Những người có ý trả lời “không”, tố cáo những sai trái của hội, nhờ nghiệp đoàn bênh vực, sẽ bị xem là thiếu tinh thần tranh đấu của chiến sĩ thiện nguyện.Vậy là mọi phản ứng bảo vệ quyền lợi trước đây vài phút ở nhiều người liền lắng dịu. Dù có ý thức rõ “Làm việc cho hội từ thiện không có nghĩa là bị cưỡng bách lao động khổ sai. Là công nhơn ăn lương thì hội, trong tư cách chủ nhơn, phải biết tôn trọng quyền lợi công nhơn theo luật lao động”.
Hồng Thập Tự biết mình vi phạm luật lao động về mặt thù lao nhưng lại phản biện “Phải. Hội có sai phạm, nhưng chúng tôi cứu sống những sanh mạng”.
Ngày nay, các quốc gia Âu châu đang bị khủng hoảng nên sự trợ cấp cho các hội từ thiện giảm, những người cho tiền cũng ít lần trong lúc đó những người ở khắp nơi có nhu cầu giúp đỡ ngày lại càng đông. Nhưng không thể vì đó mà nhằm chỉ giới hạn vào lương công nhơn.
Tôi biết một Hội lớn Công giáo ra đời và hoạt động từ hằng trăm năm nay về giáo dục ở Paris XVI. Họ trả lương nhơn viên rất sòng phẳng. Nhưng tới một lúc cũng có những tiêu cực xảy ra trong nội bộ. Một vị Tổng Giám đốc mới tuyển để thay thế vị cũ cho nghỉ việc vì nhiều “bê bối”, dĩ nhiên lương vô cùng lớn. Thế mà Hội hằng tháng phải trả riêng cho ông chi phí điện thoại hơn 40000 quan (francs, trước khi có euros). Số tiền này đến từ nhiều tấm lòng hảo tâm của dân chúng.
Việc quản lý ngân sách của các hội lớn thường khó tránh thất thoát phí phạm và lạm dụng của cấp lãnh đạo.
Nên có một bài báo đưa ra câu hỏi “Người hảo tâm cho hội từ thiện 10 đồng, sau khi trừ các chi phí, có còn lại được 3 đồng tới tay người được giúp đỡ không?”.
Ở nước văn minh, dân chủ, báo chí tư nhơn thường xuyên kiểm soát mọi hoạt động công cộng mà không tránh được những trường hợp tiêu cực. Ở Việt nam dưới chế độ cộng sản độc tài toàn trị thì những tiêu cực xã hội sẽ vĩ đại tới đâu nữa?
Ai cũng biết mọi hoạt động từ thiện đều phải thông qua sự kiểm soát của Mặt trận Tổ Quốc, tức đảng cộng sản. Người làm từ thiện không có quyền giúp trực tiếp.
Ở Bình Đông có một ngôi chùa nghèo, Phật sự thì ít, mà tiếp nhận người già không thân nhơn thì nhiều, có khi lên tới cả trăm người, để nuôi dưỡng, chăm sóc bịnh tật cho tới khi chết, chùa lo chôn cất. Người hảo tâm muốn đóng góp nhưng không được quá 200 euros vì trên 200 euros, phải đưa cho Mặt trận Tổ quốc địa phương.
Đưa cho Mặt trận Tổ quốc, tức đưa cho đảng cộng sản, nên không ai biết số tiền đó sẽ tới chùa bao nhiêu ?
Ở chế độ xã hội chủ nghĩa hiện nay ở Việt nam, Phật tử đem lại chùa một nải chuối cúng Phật. Vừa đi qua khỏi cổng đã bị công an bẻ hết nửa nải. Đem đặt lên bàn cúng Phật nửa nải còn lại. Trên bệ thờ, Hồ chí Minh ngồi trước ông Phật nên chỉ một thoáng sau, ông Phật chỉ thấy còn lại vỏ chuối!
Nguyễn thị Cỏ May
Đăng ngày 24 tháng 09.2015